Lịch sử và Địa lí lớp 4 (Cánh diều) Bài 19: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Nam Bộ

449

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu lời giải Lịch sử và Địa lí lớp 4 (Cánh diều) Bài 19: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Nam Bộ hay, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi SGK Lịch sử và Địa lí lớp 4 Bài 19 từ đó học tốt môn Lịch sử và Địa lí lớp 4.

Lịch sử và Địa lí lớp 4 (Cánh diều) Bài 19: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Nam Bộ

Câu hỏi trang 99 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Hãy kể tên một số nhân vật lịch sử tiêu biểu, một số nét văn hóa hoặc sản phẩm nông nghiệp của vùng đất này.

Lời giải:

- Một số nhân vật lịch sử tiêu biểu ở vùng Nam Bộ là: Trương Định, Nguyễn Trung Trực; Nguyễn Thị Định,…

- Một số nét văn hóa ở vùng Nam Bộ:

+ Ở Tây Nam Bộ, người dân thường làm nhà dọc theo sông ngòi, kênh rạch.

+ Xuồng, ghe là phương tiện đi lại chủ yếu ở vùng sông nước.

+ Chợ nổi là nét văn hóa đặc thù của vùng sông nước Tây Nam Bộ.

Câu hỏi trang 99 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Đọc thông tin và kết hợp với hiểu biết của bản thân, em hãy:

• Kể tên một số dân tộc sinh sống ở vùng Nam Bộ

• Nêu đặc điểm phân bố dân cư của vùng Nam Bộ.

Lời giải:

• Yêu cầu số 1: Một số dân tộc sinh sống ở vùng Nam Bộ là: Kinh, Khơ-me, Chăm, Hoa,…

• Yêu cầu số 2: Đặc điểm phân bố dân cư

- Vùng Nam Bộ có số dân nhiều nhất so với các vùng khác của nước ta.

- Trong vùng, dân cư phân bố không đều, tập trung ở các đô thị và dải đất phù sa ven sông Tiền, sông Hậu.

Câu hỏi trang 100 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Đọc thông tin và quan sát hình 2, em hãy:

• Kể tên một số ngành công nghiệp ở vùng Nam Bộ và nêu sự phân bố của chúng.

• Giải thích vì sao Nam Bộ trở thành vùng sản xuất công nghiệp lớn nhất nước ta.

Lịch sử và Địa lí lớp 4 (Cánh diều) Bài 19: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Nam Bộ (ảnh 1)

Lời giải:

• Yêu cầu số 1:

- Một số ngành công nghiệp ở vùng Nam Bộ là: khai thác dầu mỏ; điện tử; hóa chất; chế biến nông sản; dệt may; thủy điện; nhiệt điện,…

- Vị trí phân bố:

+ Các nhà máy thủy điện tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ.

+ Các nhà máy nhiệt điện tập trung chủ yếu ở: thành phố Hồ Chí Minh; thành phố Cần Thơ và tỉnh Cà Mau.

+ Ngành khai thác dầu mỏ phân bố chủ yếu ở vùng thềm lục địa.

+ Các ngành điện tử, hóa chất, dệt may tập trung chủ yếu ở các trung tâm công nghiệp như: Thành phố Hồ Chí Minh; Biên Hòa; Thủ Dầu Một.

+ Ngành chế biến nông sản tập trung chủ yếu ở các trung tâm công nghiệp như: Thành phố Hồ Chí Minh; Biên Hòa; Thủ Dầu Một; Vũng Tàu; thành phố Cần Thơ và Cà Mau.

• Yêu cầu số 2: Giải thích: Nam Bộ có nguồn nguyên liệu và lao động dồi dào, lại được đầu tư xây dựng nhiều nhà máy nên đã trở thành vùng sản xuất công nghiệp lớn nhất nước ta.

Câu hỏi trang 101 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Quan sát hình 3, em hãy kể tên một số cây trồng, vật nuôi ở vùng Nam Bộ và chỉ sự phân bố của chúng trên lược đồ.

Lịch sử và Địa lí lớp 4 (Cánh diều) Bài 19: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Nam Bộ (ảnh 2)

Lời giải:

- Kể tên:

+ Một số cây trồng chủ yếu ở vùng Nam Bộ là: cây lúa, cây ăn quả, cây cao su, cây điều và hồ tiêu…

+ Một số vật nuôi chủ yếu ở vùng Nam Bộ là: trâu, bò, lợn, gà, vịt…

- Vị trí phân bố:

+ Cây lúa và cây ăn quả phân bố chủ yếu ở khu vực Tây Nam Bộ.

+ Cây điều, cao su và hồ tiêu phân bố chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ.

+ Trâu, bò, gà,… được nuôi nhiều ở vùng Đông Nam Bộ.

+ Lợn, bò, vịt,… được nuôi nhiều ở vùng Tây Nam Bộ.

Câu hỏi trang 101 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Đọc thông tin và quan sát hình 3, em hãy:

• Nêu tên những tỉnh trồng nhiều lúa ở vùng Nam Bộ.

• Giải thích vì sao vùng Nam Bộ trở thành vựa lúa lớn nhất cả nước.

Lịch sử và Địa lí lớp 4 (Cánh diều) Bài 19: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Nam Bộ (ảnh 3)

Lời giải:

• Yêu cầu số 1: Ở vùng Nam Bộ, cây lúa được trồng nhiều tại các tỉnh: Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

• Yêu cầu số 2: Giải thích: Nhờ có diện tích đồng bằng lớn, đất đai màu mỡ, khí hậu nóng ẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất,... nên vùng Nam Bộ đã trở thành vựa lúa lớn nhất cả nước với chất lượng gạo ngày càng tăng.

Câu hỏi trang 102 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Đọc thông tin và quan sát các hình 3, 4, 5, em hãy:

• Nêu tên những tỉnh nuôi trồng thuỷ sản ở vùng Nam Bộ.

• Giải thích vì sao vùng Nam Bộ trở thành vùng nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất cả nước.

Lịch sử và Địa lí lớp 4 (Cánh diều) Bài 19: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Nam Bộ (ảnh 4)

Lời giải:

• Yêu cầu số 1: Ở vùng Nam Bộ, thủy sản được nuôi trồng nhiều tại các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

• Yêu cầu số 2: Giải thích: Do có vùng biển rộng, mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhiều vùng đất ngập nước, người dân nhiều kinh nghiệm và năng động,... nên Nam Bộ là vùng nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất cả nước.

Câu hỏi trang 102 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Đọc thông tin, quan sát hình 6 và kết hợp vốn hiểu biết của bản thân, em hãy cho biết:

• Nhà của người dân ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ trước kia có gì khác nhau? Vì sao?

• Phương tiện đi lại phổ biến của người dân Nam Bộ hiện nay là gì?

Lịch sử và Địa lí lớp 4 (Cánh diều) Bài 19: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Nam Bộ (ảnh 5)

Lời giải:

• Yêu cầu số 1:

- Điểm khác biệt:

+ Ở Tây Nam Bộ, người dân thường làm nhà dọc theo các sông ngòi, kênh rạch để tiện cho việc sinh hoạt. Nhà ở đơn sơ, thoáng mát.

+ Ở Đông Nam Bộ, nhà ở thường làm chắc chắn hơn để sống an toàn.

- Giải thích: có sự khác biệt về phong cách xây dựng nhà ở là do giữa vùng Đông nam Bộ và Tây Nam Bộ có sự khác biệt về điều kiện tự nhiên:

+ Ở vùng Tây Nam Bộ: địa hình thấp hơn, có nhiều vùng trũng, thấp, thường xuyên bị ngập nước và hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt.

+ Ở vùng Đông Nam Bộ là vùng đất cao, nhiều rừng rậm nhiệt đới.

• Yêu cầu số 2: Hiện nay, phương tiện đi lại của người dân Nam Bộ ngày càng đa dạng và hiện đại. Tuy nhiên, phương tiện đi lại phổ biến của người dân vùng Tây Nam Bộ vẫn là ghe, xuồng.

Câu hỏi trang 103 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Đọc thông tin, quan sát hình 7 và kết hợp vốn hiểu biết của bản thân, em hãy mô tả về chợ nổi trên sông.

Lịch sử và Địa lí lớp 4 (Cánh diều) Bài 19: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Nam Bộ (ảnh 6)

Lời giải:

- Chợ nổi là nét văn hóa đặc thù của vùng sông nước Tây Nam Bộ.

- Chợ nổi thường họp ở những đoạn sông thuận tiện cho việc đi lại bằng xuồng, ghe từ nhiều nơi đến.

- Chợ thường nhộn nhịp nhất vào buổi sáng. Ngay từ sáng sớm, việc mua bán đã diễn ra tấp nập.

- Các mặt hàng như: rau, quả, thịt, cá, quần áo.... đều có thể mua bán trên xuồng, ghe.

Câu hỏi trang 104 Lịch sử và Địa lí lớp 4: • Đọc thông tin và quan sát các hình 8, 9, em hãy nêu những hành động thể hiện tinh thần yêu nước của các nhân vật lịch sử trong bài.

• Em ấn tượng với hành động của nhân vật nào nhất? Vì sao?

Lịch sử và Địa lí lớp 4 (Cánh diều) Bài 19: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Nam Bộ (ảnh 7)

Lời giải:

• Yêu cầu số 1:

- Hành động thể hiện tinh thần yêu nước của Trương Định:

+ Tổ chức nghĩa quân chống thực dân Pháp ở Gò Công, Tân An.

+ Khi triều đình nhà Nguyễn ra lệnh bãi binh, Trương Định vẫn kiên quyết kháng Pháp đến cùng và được nhân dân suy tôn làm Bình Tây đại nguyên soái.

- Hành động thể hiện tinh thần yêu nước của Nguyễn Trung Trực:

+ Lãnh đạo nghĩa quân nổi dậy ở chống Pháp ở vùng Tân An, Rạch Giá, Hà Tiên và đảo Phú Quốc.

+ Năm 1868, Nguyễn Trung Trực bị bắt và đưa đi hành hình, ông đã dõng dạc hô lớn: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây.

- Hành động thể hiện tinh thần yêu nước của Nguyễn Thị Định: tham gia chỉ đạo lực lượng vũ trang, huy động lực lượng quần chúng đấu tranh binh vận, chính trị và thành lập nên “Đội quân tóc dài”…

• Yêu cầu số 2:

- Em ấn tượng nhất với hành động của anh hùng dân tộc Nguyễn Thị Định.

- Vì: những hành động yêu nước của bà Nguyễn Thị Định đã góp phần thể hiện vai trò, trí tuệ và sức chiến đấu kiên cường, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc đấu tranh yêu nước, bảo vệ Tổ quốc.

Luyện tập 1 trang 106 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Hãy nêu những ví dụ cho thấy người dân Nam Bộ đã biết cách chung sống hài hoà với thiên nhiên.

Lời giải:

- Để chung sống hài hoà với thiên nhiên, người dân Nam Bộ đã:

+ Ở những vùng ngập nước, người dân làm nhà dọc theo các sông ngòi, kênh rạch để tiện cho việc sinh hoạt. Ở những vùng đất cao, nhiều rừng rậm, người dân thường làm nhà ở chắc chắn hơn để sống an toàn.

+ Sử dụng ghe, xuồng làm phương tiện đi lại chủ yếu ở vùng sông nước.

+ Họp chợ trên sông.

Luyện tập 2 trang 106 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Em hãy hoàn thành bảng sau vào vở.

Lịch sử và Địa lí lớp 4 (Cánh diều) Bài 19: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa ở vùng Nam Bộ (ảnh 8)

Lời giải:

Hoạt động sản xuất

Điều kiện phát triển

Sản xuất lúa

- Nam Bộ có diện tích đồng bằng lớn, đất đai màu mỡ, khí hậu nóng ẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất,...

Sản xuất công nghiệp

- Nam Bộ có nguồn nguyên liệu và lao động dồi dào, lại được đầu tư xây dựng nhiều nhà máy.

Nuôi trồng thuỷ sản

- Nam Bộ có vùng biển rộng, mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhiều vùng đất ngập nước, người dân nhiều kinh nghiệm và năng động,...

Luyện tập 3 trang 106 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Giới thiệu một nhân vật lịch sử tiêu biểu mà em biết trong phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng của đồng bào Nam Bộ theo gợi ý: tiểu sử, chiến công, điều em học được từ nhân vật.

Lời giải:

(*) Tham khảo: giới thiệu về nhân vật Nguyễn Trung Trực

- Tiểu sử:

+ Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868), sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới trên sông Vàm Cỏ (Long An).

+ Khi Pháp tấn công thành Gia Định, Nguyễn Trung Trực đã tham gia kháng chiến và lập nhiều chiến công vang dội.

+ Năm 1868, Nguyễn Trung Trực bị bắt và đưa đi hành hình, ông đã dõng dạc hô lớn: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây.

- Chiến công tiêu biểu: lãnh đạo nghĩa quân thực hiện việc đốt cháy tàu chiến Ét-pê-răng của thực dân Pháp trên sông Vàm Cỏ Đông.

- Điều em học được từ nhân vật:tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.

Vận dụng 1 trang 106 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Lựa chọn một trong hai nhiệm vụ dưới đây.

a) Làm một áp phích giới thiệu về hoạt động sản xuất của người dân ở vùng Nam Bộ theo gợi ý sau.

- Lựa chọn một hoạt động sản xuất ở vùng Nam Bộ.

- Tìm và chọn lọc thông tin, tranh ảnh về hoạt động sản xuất mà em chọn.

- Sắp xếp tranh ảnh, thông tin vào áp phích để giới thiệu về hoạt động sản xuất đó.

- Trang trí và hoàn thiện áp phích.

b) Tìm hiểu một chợ nổi ở vùng Nam Bộ. Đóng vai hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về chợ nổi đó.

Lời giải:

(*) Lựa chọn: Thực hiện nhiệm vụ b)

(*) Tham khảo: Giới thiệu về chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)

- Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ nằm trên một nhánh của dòng sông Hậu chảy qua quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km. Đi đường bộ khoảng 15 phút và mất 30 phút nếu đi bằng thuyền từ Bến Ninh Kiều.

- Chợ nổi Cái Răng họp từ rất sớm, khi trời còn giăng sương lờ mờ mặt sông, hàng trăm chiếc ghe thuyền từ khắp các ngả sông đã rộn ràng kéo về chợ nổi diễn ra nhiều hoạt động giao thương mua bán tấp nập. Chính vì vậy, thời gian đi du lịch Chợ nổi Cái Răng lý tưởng nhất là 5 giờ đến 8 giờ sáng, đây là lúc chợ tấp nập nhất và vui nhất.

- Hàng hóa tại chợ nổi cũng nhiều và đa dạng từ các mặt hàng như trái cây, ăn uống, cà phê,… đặc biệt vào những ngày cuối năm, chợ nổi sẽ được mặc một lớp áo đầy màu sắc của đủ các loại hoa tết nào là mai, cúc, lan, đồng tiền, vạn thọ,… Để khách hàng phân biệt các ghe hàng bán gì, người bán thường treo các mặt hàng mình bán lên thanh cây treo trước mũi ghe, thuyền được gọi là “bẹo thuyền”.

- Đến chợ nổi Cái Răng, du khách không chỉ trải nghiệm tham quan mà còn được đích thân thưởng thức bữa sáng trên chợ nổi với đầy đủ các món như: bún mắm, bún riêu, cơm tấm, hủ tiếu, cháo,…

- Mặc dù hình thành đã lâu nhưng chợ nổi Cái Răng vẫn giữ được bản sắc của một hình thức chợ nổi lớn nhất tại miền Tây Nam Bộ.

Vận dụng 2 trang 106 Lịch sử và Địa lí lớp 4: Việc lấy tên các nhân vật lịch sử (Nguyễn Trung Trực, Trương Định, Nguyễn Thị Định,...) đặt tên cho đường phố, trường học có ý nghĩa như thế nào?

Lời giải:

- Việc lấy tên các nhân vật lịch sử đặt tên cho đường phố, trường học có ý nghĩa:

+ Tri ân công lao của các nhân vật lịch sử đối với nhân dân và dân tộc.

+ Góp phần giáo dục tinh thần yeu nước và truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

 Xem thêm các bài giải SGK Lịch sử và Địa lí lớp 4 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Lịch sử và Địa lí lớp 4 (Cánh diều) Bài 17: Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên

Lịch sử và Địa lí lớp 4 (Cánh diều) Bài 18: Thiên nhiên vùng Nam Bộ

Lịch sử và Địa lí lớp 4 (Cánh diều) Bài 20: Thành phố Hồ Chí Minh

Lịch sử và Địa lí lớp 4 (Cánh diều) Bài 21: Địa đạo Củ Chi

Lịch sử và Địa lí lớp 4 (Cánh diều) Ôn tập cuối năm

 

Từ khóa :
Giải bài tập
Đánh giá

0

0 đánh giá