Cách nhận biết dung dịch muối clorua đầy đủ nhất

311

Bài tập nhận biết và phân biệt các dung dịch muối clorua là bài tập thường gặp và thường gây khó với học sinh. Bài tập nhận biết và phân biệt thường hỏi về các muối clorua thường gặp như NaCl; BaCl2; CaCl2; MgCl2; AlCl3; ZnCl2; FeCl2; FeCl3; CuCl2; NH4Cl  ….. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách nhận biết các muối clorua (hay gốc clo hoặc Cl-).

Cách nhận biết dung dịch muối clorua

I. Cách nhận biết muối clorua

Để nhận biết muối clorua ta sử dụng dung dịch bạc nitrat (AgNO3) trong môi trường HNO3 loãng. Phản ứng sẽ cho kết tủa trắng.

Tổng quát: Ag+ + Cl- → AgCl (↓ trắng)

- Hiện tượng: Xuất hiện kết tủa trắng

- Một số phương trình hóa học minh họa:

NaCl + AgNO3 → AgCl (↓ trắng)+ NaNO3

BaCl2 + 2AgNO3 → 2AgCl (↓ trắng)+ Ba(NO3)2

Chú ý: 

+ Không dùng dung dịch AgNO3 để phân biệt dung dịch muối clorua và dung dịch muối sunfat.

+ Nếu đề bài cho phân biệt các dung dịch gồm: axit; bazơ và muối clorua mà không giới hạn thuốc thử có thể dùng quỳ tím để phân biệt.

+ Nếu các dung dịch đem nhận biết đều là các muối clorua, ta cần dựa vào phản ứng đặc trưng của các cation trong dung dịch để nhận biết.

II. Mở rộng

Một số muối clorua có ứng dụng quan trọng như:

+ NaCl: dùng làm muối ăn, bảo quản thực phẩm, làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp hóa chất.

+ KCl: dùng làm phân kali.

+ ZnCl2: làm chất chống mục gỗ.

+ AlCl3: làm chất xúc tác cho hóa học hữu cơ.

+ BaCl2: dùng làm chất trừ sâu bệnh trong nông nghiệp.

III. Bài tập nhận biết muối clorua

Bài 1: Để nhận biết dung dịch KCl, người ta dùng hóa chất nào sau đây?

A. NaNO3.  

B. Quỳ tím. 

C. AgCl.

D. AgNO3.

Hướng dẫn giải:

Đáp án D

Sử dụng hóa chất: AgNO3

Hiện tượng: Xuất hiện kết tủa trắng

Phương trình hóa học minh họa:

KCl + AgNO3 → AgCl (↓ trắng) + KNO3

Bài 2: Bằng phương pháp hóa học, hãy phân biệt các hóa chất sau, chứa trong các lọ riêng biệt, mất nhãn: HCl; NaCl; BaCl2

Hướng dẫn giải: 

- Đánh số thứ tự từng lọ mất nhãn, trích mỗi lọ một ít sang ống nghiệm đánh số tương ứng.

- Sử dụng quỳ tím:

+ Quỳ tím chuyển sang màu đỏ: HCl

+ Quỳ tím không đổi màu: NaCl; BaCl2

- Phân biệt NaCl và BaCl2 dùng dung dịch H2SO4:

+ Xuất hiện kết tủa trắng: BaCl2

Phương trình  hóa học: BaCl2 + H2SO4 → BaSO4 ↓ + 2HCl

+ Không hiện tượng: NaCl

- Dán nhãn từng lọ hóa chất vừa nhận biết.

Từ khóa :
Giải bài tập
Đánh giá

0

0 đánh giá