Cách nhận biết Ca(OH)2, Ba(OH)2

307

Bazơ là hợp chất hóa học mà phân tử của nó bao gồm một nguyên tử kim loại liên kết với một hay nhiều nhóm -OH. Các bazơ tan là chất gặp nhiều trong các dạng bài tập. Trong đó, dạng bài nhận biết các bazơ tan của canxi và bari cũng rất phổ biến. Bài viết dưới đây, cung cấp cho các em cách nhận biết các bazơ này.

Cách nhận biết Ca(OH)2, Ba(OH)2

I. Cách nhận biết Ca(OH)2, Ba(OH)2

- Các bazơ Ca(OH)2, Ba(OH)2 là bazơ tan.

- Cách nhận biết dung dịch Ca(OH)2, Ba(OH)2:

+ Dùng quỳ tím: Quỳ tím chuyển sang màu xanh.

+ Dùng phenolphtalein:Dung dịch chuyển sang màu hồng.

+ Sục khí SO2 (hoặc CO2) đến dư: Xuất hiện kết tủa trắng sau kết tủa tan dần.

Phương trình hóa học:

SO2 + Ca(OH)2 → CaSO3↓ + H2O

CaSO3 + SO2 dư + H2O → Ca(HSO3)2

SO2 + Ba(OH)2 → BaSO3↓ + H2O

BaSO3 + SO2 dư + H2O → Ba(HSO3)2

+ Dùng axit H2SO4 loãng (hoặc dung dịch muối sunfat): Xuất hiện kết tủa trắng.

Phương trình hóa học:

H2SO4 + Ca(OH)2 → CaSO4↓ + 2H2O

H2SO4 + Ba(OH)2 → BaSO4↓ + 2H2O

II. Mở rộng

- Ca(OH)2 là hóa chất phổ biến để xử lí nước, là nguyên liệu quan trọng trong các ngành công nghiệp hóa chất, công nghiệp lọc dầu, công nghiệp sơn,…

- Ba(OH)2được sử dụng trong sản xuất kiềm, thủy tinh, phụ gia dầu và mỡ, xà phòng bari và các hợp chất bari khác.

III. Bài tập minh họa

Bài 1: Dùng phương pháp hóa học để nhận biết các dung dịch sau: BaCl2, Ba(OH)2, HCl, KCl chứa trong các lọ mất nhãn.

Hướng dẫn giải:

- Đánh số thứ tự từng lọ mất nhãn, trích mỗi lọ một ít sang ống nghiệm đánh số tương ứng (trích mẫu thử).

- Nhúng mẩu quỳ tím vào các mẫu thử:

+ Quỳ tím chuyển sang màu xanh: Ba(OH)2

+ Quỳ tím chuyển sang màu đỏ: HCl

+ Quỳ tím không đổi màu: BaCl2, KCl.

- Nhỏ vài giọt dung dịch Na2SO4 vào hai mẫu còn lại:

+ Xuất hiện kết tủa trắng: BaCl2.

BaCl2 + Na2SO4 → BaSO4↓ + 2NaCl

+ Không hiện tượng: KCl

Bài 2: Không dùng quỳ tím hay phenolphtalein, hãy phân biệt hai dung dịch sau: Ca(OH)2 và CaCl2.

Hướng dẫn giải:

- Sục khí CO2 đến dư vào hai dung dịch trên:

+ Ban đầu xuất hiện kết tủa trắng, sau đó kết tủa tan dần: Ca(OH)2

Phương trình: 

Ca(OH)2 + CO2 → CaCO3↓+ H2O

CaCO3↓+ CO2 + H2O → Ca(HCO3)2

+ Không hiện tượng: CaCl2.

Từ khóa :
Giải bài tập
Đánh giá

0

0 đánh giá