SBT Lịch sử 11 (Kết nối tri thức) Bài 11: Cuộc cải cách của Minh Mạng nửa đầu thế kỉ XIX

313

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu lời giải SBT Lịch sử 11 (Kết nối tri thức) Bài 11: Cuộc cải cách của Minh Mạng nửa đầu thế kỉ XIX hay, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi vở bài tập Lịch sử 11 Bài 11 từ đó học tốt môn Lịch sử 11.

SBT Lịch sử 11 (Kết nối tri thức) Bài 11: Cuộc cải cách của Minh Mạng nửa đầu thế kỉ XIX

Giải Lịch sử 11 trang 69

Mở đầu trang 69 Lịch Sử 11: Minh Mạng được xem là một vị vua năng động, quyết đoán của triều Nguyễn. Trong thời gian trị vì, ông đã thực hiện một số cải cách nhằm tăng cường tính thống nhất và tiềm lực của đất nước. Vậy, nội dung chủ yếu của cuộc cải cách thời vua Minh Mạng là gì? Những cải cách đó đạt được kết quả và ý nghĩa như thế nào?

Lời giải:

♦ Nội dung chủ yếu:

- Bộ máy chính quyền trung ương:

+ Cải tổ hệ thống Văn thư phòng và thành lập Cơ mật viện.

+ Hoàn thiện lục Bộ và cải tổ các cơ quan chuyên môn.

+ Thực hiện chế độ giám sát, thanh tra chéo giữa các cơ quan trung ương.

- Bộ máy chính quyền địa phương:

+ Xóa bỏ Bắc Thành và Gia Định Thành, chia cả nước thành 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên.

+ Đối với vùng dân tộc thiểu số: cho đổi các động, sách thành xã, đồng thời bãi bỏ chế độ cai trị của các tù trưởng địa phương.

♦ Kết quả:

+ Xây dựng chế độ quân chủ trung ương tập quyền cao độ. Vua nắm trong tay quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và cả quyền thống lĩnh quân đội.

+ Thống nhất đơn vị hành chính địa phương trong cả nước.

+ Cơ cấu bộ máy nhà nước gọn nhẹ, chặt chẽ, phân định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan.

♦ Ý nghĩa: hoàn thành thống nhất đất nước về mặt hành chính; làm cho bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn trước.

Câu hỏi trang 69 Lịch Sử 11: Nêu bối cảnh lịch sử của cuộc cải cách Minh Mạng.

- Năm 1802, triều Nguyễn được thành lập, cai quản đất nước rộng lớn, kéo dài từ Bắc vào Nam. Trong bối cảnh đất nước vừa trải qua thời gian chiến tranh và bị chia cắt lâu dài, đặt ra rất nhiều khó khăn. Dưới thời vua Gia Long, nhà Nguyễn tập trung chủ yếu vào công cuộc ổn định tình hình đất nước và ưu tiên cho sự nghiệp thống nhất về mặt lãnh thổ.

- Bộ máy hành chính nhà nước thời kì này còn chưa hoàn chỉnh.

+ Ở trung ương, nhiều cơ quan chưa được hoàn thiện.

+ Ở địa phương, tính phân quyền còn đậm nét với sự tồn tại của Bắc Thành và Gia Định Thành. Tổ chức hành chính giữa các khu vực thiếu thống nhất.

+ Quan lại trong bộ máy nhà nước chủ yếu do các võ quan nắm giữ.

=> Vấn đề cấp bách đặt ra với triều Nguyễn: khắc phục tình trạng phân quyền, thống nhất tổ chức hành chính trong cả nước, củng cố quyền lực của triều đình trung ương nói chung và của nhà vua nói riêng.

- Để khắc phục tình trạng phân quyền, thiếu thống nhất, sau khi lên ngôi hoàng đế (1820), vua Minh Mạng đã thi hành các biện pháp cải cách để tập trung quyền lực và hoàn thiện bộ máy nhà nước.

Giải Lịch sử 11 trang 71

Câu hỏi 1 trang 71 Lịch Sử 11: Khai thác lược đồ Hình 2, nêu nhận xét của em về đơn vị hành chính Việt Nam sau cải cách Minh Mạng.

Khai thác lược đồ Hình 2 nêu nhận xét của em về đơn vị hành chính Việt Nam sau cải cách Minh Mạng

Lời giải:

- Nhận xét:

+ Các đơn vị hành chính như: Bắc thành, Gia Định thành, các doanh, trấn,… (tồn tại ở thời kì đầu của nhà Nguyễn) đã bị xóa bỏ, thay vào đó là các đơn vị hành chính mới, được phân cấp rõ ràng và thống nhất trong cả nước.

+ Phạm vi của các tỉnh bị thu hẹp lại so với trước đó, nhằm hạn chế xu hướng cát cứ, phân tán quyền lực.

+ Nhiều tên gọi cấp tỉnh, huyện,… trong bộ máy hành chính thời Nguyễn vẫn được duy trì đến hiện nay, ví dụ như: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa,…

Câu hỏi 2 trang 71 Lịch Sử 11: Trình bày một số biện pháp cải cách của vua Minh Mạng.

Lời giải:

♦ Ở trung ương:

- Vua Minh Mạng tiến hành cải tổ hệ thống Văn thư phòng và thành lập Cơ mật viện làm hai cơ quan tham mưu và tư vấn tối cao của hoàng đế về hành chính, chính trị và an ninh, quân sự.

+ Năm 1820, đổi Thị thư viện thành Văn thư phòng.  Năm 1829, lập Nội các thay thế cho Văn thư phòng với chức năng như một cơ quan hành chính trung ương, chuyển và tiếp nhận công văn từ triều đình đến các địa phương và ngược lại, khởi thảo các chế cáo, lưu giữ công văn.

+ Năm 1834, lập Cơ mật viện làm cơ quan tư vấn tối cao cho nhà vua về những vấn đề quân sự quan trọng, đứng đầu là quan văn, võ do đích thân nhà vua lựa chọn.

- Hoàn thiện cơ cấu, chức năng của lục Bộ và cải tổ các cơ quan chuyên môn như Quốc tử giám, Hàn lâm viện....

- Vua Minh Mạng cũng thực hiện chế độ giám sát, thanh tra chéo giữa các cơ quan trung ương thông qua hoạt động của Đô sát viện và lục Khoa.

♦ Ở địa phương:

- Xóa bỏ Bắc Thành (năm 1831) và Gia Định Thành (năm 1832), chia cả nước thành 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên. Đứng đầu tỉnh là Tổng đốc, Tuần phủ. Tổng đốc thường là người phụ trách hai tỉnh, trực tiếp cai trị một tỉnh. Tỉnh còn lại do Tuần phủ đứng đầu, đặt dưới sự kiêm quản của Tổng đốc.

- Đối với vùng dân tộc thiểu số:

+ Vua Minh Mạng cho đổi các động, sách thành xã như vùng đồng bằng, đồng thời bãi bỏ chế độ cai trị của các tù trưởng địa phương, bổ dụng quan lại của triều đình đến cai trị trực tiếp.

Về bộ máy quan lại: Vua Minh Mạng cũng cải tổ chế độ hồi tỵ bằng việc mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới rất nghiêm ngặt.

Giải Lịch sử 11 trang 72

Câu hỏi trang 72 Lịch Sử 11: Trình bày kết quả, ý nghĩa của cuộc cải cách Minh Mạng.

Lời giải:

- Kết quả:

+ Xây dựng chế độ quân chủ trung ương tập quyền cao độ. Vua nắm trong tay quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và cả quyền thống lĩnh quân đội.

+ Thống nhất đơn vị hành chính địa phương trong cả nước.

+ Cơ cấu bộ máy nhà nước gọn nhẹ, chặt chẽ, phân định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan.

Ý nghĩa:

+ Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt hành chính; làm cho bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn trước.

+ Cuộc cải cách Minh Mạng để lại nhiều bài học kinh nghiệm đối với tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong đó, cách thức phân chia đơn vị hành chính cấp tỉnh thời Minh Mạng là một trong những di sản lớn nhất của cuộc cải cách, còn có giá trị đến ngày nay.

Luyện tập 1 trang 72 Lịch Sử 11: Lập sơ đồ tư duy tóm tắt bối cảnh, nội dung chính và ý nghĩa của cuộc cải cách Minh Mạng.

Lời giải:

(*) Sơ đồ tham khảo

Lập sơ đồ tư duy tóm tắt bối cảnh nội dung chính và ý nghĩa của cuộc cải cách Minh Mạng

Luyện tập 2 trang 72 Lịch Sử 11: Nêu nhận xét của em về cuộc cải cách Minh Mạng.

Lời giải:

- Nhận xét:

+ Cuộc cải cách của vua Minh Mạng là một cuộc cải cách khá toàn diện trên các lĩnh vực: hành chính, kinh tế, văn hóa - giáo dục, trong đó, trọng tâm là cải cách về bộ máy hành chính. Kết quả của cuộc cải cách đã tăng cường tính thống nhất của quốc gia, thúc đẩy bộ máy chính quyền các cấp hoạt động hiệu quả.

+ Cuộc cải cách của Minh Mạng đã thể hiện tài năng, tâm huyết của nhà vua và nỗ lực của triều Nguyễn trong quá trình quản lí đất nước, có ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị - xã hội, đồng thời, đặt nền móng cho thể chế chính trị của triều Nguyễn trong nhiều thập kỉ sau đó.

+ Cuộc cải cách của vua Minh Mạng cũng để lại những di sản quan trọng trong nền hành chính quốc gia thời kì cận - hiện đại, đặc biệt là cấu trúc phân cấp hành chính địa phương: tỉnh - huyện - xã. Bên cạnh đó, một số giá trị trong việc xây dựng mô hình bộ máy nhà nước đơn giản, tinh gọn; xây dựng đội ngũ quan lại thanh liêm của vua Minh Mạng cũng là bài học kinh nghiệm hữu ích cho cải cách hành chính của Việt Nam hiện nay.

Vận dụng trang 72 Lịch Sử 11: Liên hệ với thực tiễn và tìm hiểu thêm từ sách, báo, internet, cho biết những bài học kinh nghiệm nào từ cuộc cải cách của vua Minh Mạng có thể áp dụng vào việc xây dựng nền hành chính Việt Nam hiện đại? Lấy ví dụ cụ thể.

Lời giải:

- Một số bài học kinh nghiệm từ cuộc cải cách của vua Minh Mạng có thể áp dụng vào việc xây dựng nền hành chính Việt Nam:

+ Thống nhất đơn vị hành chính địa phương trong cả nước;

+ Xây dựng cơ cấu bộ máy nhà nước đơn gọn nhẹ, chặt chẽ;

+ Phân định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước theo nguyên tắc “chức vụ và trách nhiệm nghiêm minh, quyền lợi và nghĩa vụ tương xứng”.

+ Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn nhân tài vào đảm đương các chức vụ trong bộ máy hành chính nhà nước.

+ Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát các cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức có hiệu quả.

+ Mở rộng diện và đối tượng áp dụng chế độ “hồi tỵ” để giảm bớt những tiêu cực trong nền hành chính nhà nước.

- Ví dụ cụ thể (về chế độ “hồi tỵ”)

+ Dưới thời Minh Mạng, phép “hồi tỵ” có nội dung cơ bản là: (1) quy định người làm quan không được nhậm chức ở quê quán, trú quán, quê mẹ, quê vợ; (2) những người thân như: anh, em, cha, con, thầy, trò,… không được làm quan cùng một chỗ; (3) đối với nhân viên hành chính: ai quê ở phủ, huyện nào cũng không được làm việc tại cơ quan công quyền của phủ, huyện đó,… Vua Minh Mạng cho thực hiện phép “hồi tỵ” nhằm mục đích đề phòng việc gây bè, kéo cánh, đặt tình cảm riêng lên trên pháp luật, cản trở công việc chung của đất nước. Theo vua Minh Mạng, để bộ máy hành chính hoạt động có hiệu quả thì phải có đội ngũ quan lại làm việc vô tư, khách quan, không dùng quan hệ gia đình, người thân để nâng đỡ, lập bè phái nhằm mục đích riêng. Những quy định trong chế độ  “hồi tỵ” được áp dụng dưới triều vua Minh Mệnh rất cụ thể, đối tượng, phạm vi áp dụng rộng đã góp phần làm cho bộ máy hành chính được củng cố và các cơ quan hành chính hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn.

+ Một vấn đề lớn đang đặt ra trong cải cách hành chính của Việt Nam hiện nay là: tình trạng bè phái, gia đình, tư tưởng “một người làm quan, cả họ được nhờ”…  đang rất phổ biến trong các cơ quan hành chính nhà nước. Tình trạng này dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, như: nâng đỡ, bao che cho nhau; đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, đề bạt cán bộ công chức thiếu khách quan, không dựa trên năng lực và kết quả làm việc; nội bộ mất đoàn kết, không huy động được các thành viên trong tổ chức phấn đấu vì mục tiêu chung; khiến cho niềm tin của người dân vào chính quyền suy giảm,… Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu và áp dụng chế độ “hồi tỵ” ở phạm vi và đối tượng rộng hơn để giảm bớt những tiêu cực trong bộ máy hành chính.

(*) Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo!

Xem thêm lời giải bài tập Lịch sử lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: 

Bài 8: Một số cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam

Bài 9: Cuộc cách mạng của Hồ Quý Ly và Triều Hồ (đầu thế kỉ XV)

Bài 10: Cuộc cải cách của Lê Thánh Tông thế kỉ XV

Bài 12: Vị trí và tầm quan trọng của Biển Đông

Bài 13: Việt Nam và Biển Đông

Đánh giá

0

0 đánh giá