SBT KHTN 7 Kết nối tri thức Bài 25: Hô hấp tế bào

0.9 K

Toptailieu biên soạn và giới thiệu giải sách bài tập Khoa học tự nhiên 7 Bài 25: Hô hấp tế bào sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng làm các bài tập từ đó nâng cao kiến thức và biết cách vận dụng phương pháp giải vào các bài tập trong SBT KHTN 7 Bài 25.

Sách bài tập Khoa học tự nhiên 7 Bài 25: Hô hấp tế bào 

SBT Khoa học tự nhiên 7 trang 59

Bài 25.1 trang 59 sách bài tập KHTN 7: Chọn từ/cụm từ phù hợp để hoàn thành đoạn thông tin sau:

Hô hấp tế bào là quá trình phân giải các phân tử chất …(1)…, với sự tham gia của …(2)…, tạo thành khí …(3)… và nước, đồng thời sinh ra năng lượng dễ sử dụng cung cấp cho các …(4)… của cơ thể.

Lời giải:

Từ/cụm từ phù hợp để hoàn thành đoạn thông tin trên:

(1) hữu cơ

(2) khí oxygen

(3) carbon dioxide

(4) hoạt động

Bài 25.2 trang 59 sách bài tập KHTN 7: Chọn từ/cụm từ phù hợp để hoàn thành đoạn thông tin sau:

Quá trình hô hấp ở cơ thể sinh vật xảy ra trong …(1)… của tế bào, tại đó các chất …(2)… tổng hợp được từ quá trình …(3)… hoặc từ thức ăn được phân giải thành …(4)… và carbon dioxide, đồng thời giải phóng ra …(5)…

Lời giải:

Từ/cụm từ phù hợp để hoàn thành đoạn thông tin trên:

(1) ti thể

(2) hữu cơ

(3) quang hợp

(4) nước

(5) năng lượng

SBT Khoa học tự nhiên 7 trang 60

Bài 25.3 trang 60 sách bài tập KHTN 7: So sánh các thành phần tham gia hô hấp ở tế bào động vật và tế bào thực vật.

Lời giải:

So sánh các thành phần tham gia hô hấp ở tế bào động vật và tế bào thực vật:

- Giống nhau: Đều sử dụng nguyên liệu gồm chất hữu cơ, oxygen.

- Khác nhau: Chất hữu cơ mà tế bào thực vật sử dụng có nguồn gốc từ quang hợp, chất hữu cơ mà tế bào động vật sử dụng được lấy từ thức ăn.

Bài 25.4 trang 60 sách bài tập KHTN 7: Viết phương trình hô hấp tế bào. So sánh phương trình hô hấp với phương trình quang hợp.

Lời giải:

- Phương trình hô hấp tế bào:

Glucose + Oxygen → Nước + Carbon dioxide + Năng lượng (ATP + nhiệt)

- So sánh phương trình hô hấp với phương trình quang hợp: Phương trình hô hấp tế bào và phương trình quang hợp là hai phương trình có chiều trái ngược nhau, nguyên liệu của quá trình này là sản phẩm của quá trình kia và ngược lại.

Bài 25.5 trang 60 sách bài tập KHTN 7: Trong tế bào của hầu hết các sinh vật nhân thực, quá trình hô hấp xảy ra trong loại bào quan nào?

A. Không bào.

B. Lục lạp.

C. Ti thể.

D. Nhân tế bào.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Trong tế bào của hầu hết các sinh vật nhân thực, quá trình hô hấp xảy ra trong loại bào quan là ti thể. Bởi vậy, ti thể được coi như “nhà máy năng lượng” của tế bào.

Bài 25.6 trang 60 sách bài tập KHTN 7: Nhận xét nào sau đây là đúng khi nói về quá trình quang hợp và hô hấp?

A. Đây là các quá trình trái ngược nhau, không liên quan với nhau.

B. Đây là các quá trình liên tiếp và thống nhất với nhau.

C. Đây là các quá trình có nguyên liệu giống nhau nhưng kết quả khác nhau.

D. Đây là các quá trình ngược nhau nhưng phụ thuộc lẫn nhau.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Quá trình quang hợp và quá trình hô hấp tế bào có biểu hiện trái ngược nhau nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau:

- Hô hấp tế bào và quang hợp là 2 quá trình trái ngược nhau là vì: Quang hợp là quá trình lá cây tổng hợp chất hữu cơ, tích lũy năng lượng từ carbon dioxide và nước nhờ có diệp lục và sử dụng ánh sáng, thải ra oxygen. Còn hô hấp là quá trình sử dụng oxygen phân giải chất hữu cơ, giải phóng năng lượng cung cấp cho hoạt động sống của cơ thể, đồng thời thải ra khí carbon dioxide và nước.

- Hai quá trình này liên quan chặt chẽ với nhau vì: Hô hấp tế bào sẽ không thực hiện được nếu không có chất hữu cơ do quang hợp tạo ra. Ngược lại, nếu không có hô hấp tế bào thì các hoạt động sống của cơ thể đều không diễn ra trong đó có cả quang hợp.

Bài 25.7 trang 60 sách bài tập KHTN 7: Kết nối các thông tin ở cột A với cột B trong bảng để được nội dung phù hợp.

Kết nối các thông tin ở cột A với cột B trong bảng để được nội dung phù hợp

Lời giải:

1 – d. Hô hấp tế bào gồm một chuỗi các phản ứng sản sinh ra năng lượng.

2 – a. Phần lớn năng lượng hô hấp tế bào được tích lũy dưới dạng hợp chất hóa học (ATP).

3 – b. Năng lượng tích lũy dưới dạng hợp chất hóa học (ATP) trong tế bào dễ sử dụng cho các hoạt động sống của cơ thể sinh vật.

4 – c. Một phần năng lượng được giải phóng trong hô hấp tế bào dưới dạng nhiệt.

Bài 25.8 trang 60 sách bài tập KHTN 7: Hãy giải thích vì sao khi đói, cơ thể người thường cử động chậm và không muốn hoạt động.

Lời giải:

Khi đói, cơ thể người thường cử động chậm và không muốn hoạt động vì: Khi đói, lượng đường glucose trong máu giảm, khi đó cơ thể sẽ thiếu nguyên liệu (glucose) cho hô hấp tế bào dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng cung cấp cho các hoat động sống, vì vậy cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, tay chân cử động chậm chạp.

Bài 25.9 trang 60 sách bài tập KHTN 7: Vận dụng kiến thức về hô hấp tế bào, giải thích hiện tượng con người khi ở trên đỉnh núi cao thường thở nhanh hơn so với khi ở vùng đồng bằng.

Lời giải:

Con người khi ở trên đỉnh núi cao thường thở nhanh hơn so với khi ở vùng đồng bằng vì: Khi ở trên đỉnh núi cao, không khí loãng, nồng độ oxygen thấp hơn so với ở vùng đồng bằng. Vì vậy, để lấy đủ lượng oxygen cần thiết cho hoạt động hô hấp tế bào, con người thường phải thở nhanh hơn so với khi ở vùng đồng bằng.

Xem thêm lời giải vở bài tập KHTN lớp 7 Kết nối tri thức với cuộc sống hay, chi tiết khác:

Từ khóa :
Giải bài tập
Đánh giá

0

0 đánh giá