Bài 45. Sinh sản hữu tính ở động vật | Giải Sinh học 11

576

Toptailieu.vn giới thiệu Giải bài tập Sinh 11 Bài 45. Sinh sản hữu tính ở động vật chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Sinh sản hữu tính ở động vật Sinh 11.

Giải bài tập Sinh 11 Bài 45. Sinh sản hữu tính ở động vật

Trả lời câu hỏi giữa bài:

Trả lời câu hỏi 1 trang 175 SGK Sinh học 11: Cho ví dụ về vài loài động vật có sinh sản hữu tính

- Điền dấu × vào ô □ cho câu trả lời đúng về khái niệm sinh sản hữu tính ở động vật

□  A. Sinh sản hữu tính là kiểu sinh sản tạo ra cá thể mới qua sự hợp nhất của giao tử đực và giao tử cái  các cá thể mới rất giống nhau và thích nghi với môi trường sống

□  B. Sinh sản hữu tính là kiểu sinh sản có sự kết hợp cùa các giao tử lưỡng bội để tạo ra các cá thể mới thích nghi với môi trường sống.

□  C. Sinh sản hữu tính là kiểu sinh sản tạo ra cá thể mới qua hình thành và hợp nhất 2 giao tử đơn bội đực và cái để tạo ra hợp tử lưỡng bội, hợp tử phái triển thành cá thể mới.

□  D. Sinh sản hữu tính là kiểu sinh sản tạo ra các cá thể mới qua hợp nhất của hai loại giao tử của bố và của mẹ nên con cái rất giống với bố mẹ.

Phương pháp giải:

Xem lại Khái niệm sinh sản hữu tính ở động vật

Lời giải

- Ví dụ về loài động vật có sinh sản hữu tính: người, gà, chó, mèo, trai sông, giun đất,...

- Sinh sản hữu tính là kiểu sinh sản tạo ra cá thể mới qua hình thành và hợp nhất 2 giao tử đơn bội đực và cái để tạo ra hợp tử lưỡng bội, hợp tử phái triển thành cá thể mới.

Đáp án C

Trả lời câu hỏi 2 trang 175 SGK Sinh học 11: Hình 45.1 là sơ đồ về sinh sản hữu tính. Điền tên các giai đoạn của sinh sản vào các ô hình chữ nhật trên sơ đồ.

Bài 45. Sinh sản hữu tính ở động vật (ảnh 1)

- Cho biết số lượng nhiễm sắc thể của tinh trùng, trứng và hợp tử.

- Tại sao sinh sản hữu tính tạo ra được các cá thế mới đa dạng về các đặc điểm di truyền.

- Cho biết ưu điểm và hạn chế của sinh sản hữu tính (tham khảo bài 44)

Phương pháp giải:

Xem lại Sinh sản hữu tính ở động vật

Lời giải

 Điền tên các giai đoạn

 Bài 45. Sinh sản hữu tính ở động vật (ảnh 2)

- Số lượng nhiễm sắc thể của tinh trùng: n (đơn bội)

- Số lượng nhiễm sắc thể của trứng: n (đơn bội)

- Số lượng nhiễm sắc thể của hợp tử: 2n (lưỡng bội)

- Sinh sản hữu tính tạo được các cá thể mới đa dạng về các đặc điểm di truyền vì có quá trình phân li tự do của các nhiễm sắc thể trong quá trình giảm phân tạo giao tử, có sự tổ hợp lại vật chất di truyền của bố và mẹ.

- Ưu điểm của sinh sản hữu tính:

+ Tạo ra các cá thể mới rất đa dạng về các đặc điểm di truyền. Vì vậy động vật có thể thích nghi và phát triển trong điều kiện môi trường sống thay đổi.

+ Tạo ra số lượng lớn con cháu trong thời gian ngắn.

- Hạn chế của sinh sản hữu tính:

Không có lợi trong trường hợp mật độ quần thể thấp.

Tiêu tốn nhiều năng lượng cho việc hình thành và duy trì hoạt động của cơ quan sinh sản.

Trả lời câu hỏi 3 trang 177 SGK Sinh học 11: Hãy cho biết thụ tinh của ếch (hình 45.3), ở rắn (hình 45.4) là hình thức thụ tinh ngoài hay thụ tinh trong. Tại sao? 

Bài 45. Sinh sản hữu tính ở động vật (ảnh 3)

- Cho biết ưu thế của thụ tinh trong so với thụ tinh ngoài.

Phương pháp giải:

Xem lại Sinh sản hữu tính của động vật

Lời giải

+ Thụ tinh ở ếch là thụ tinh ngoài. Vì ếch đẻ trứng ra môi trường nước, ếch đực xuất tinh trùng lên trứng. Trứng ếch được thụ tinh bên ngoài cơ thể.

+ Thụ tinh ở rắn là thụ tinh trong. Vì có quá trình giao phối giữa (cơ quan sinh dục) của con đực và con cái, sự thụ tinh xảy ra trong cơ thể con cái.

- Ưu thế của thụ tinh trong so với thụ tinh ngoài: Thụ tinh trong tinh trùng được đưa vào cơ quan sinh dục của con cái nên hiệu quả thụ tinh cao. Còn thụ tinh ngoài tinh trùng phải tự bơi trong nước để gặp trứng nên hiệu quả thụ tinh thấp.

Trả lời câu hỏi 4 trang 178 SGK Sinh học 11: Cho ví dụ về loài động vật đẻ trứng và đẻ con.

- Cho biết ưu điểm của mang thai và sinh con ở thú so với đẻ trứng ở các động vật khác.

Phương pháp giải:

Xem lại Sinh sản hữu tính của động vật

Lời giải

+ Ví dụ về một số loài động vật đẻ trứng: cá, ếch, nhái, chim, thằn lằn, rắn...

+ Ví dụ về động vật đẻ con: các loài động vật có vú đều đẻ con, trừ thú mỏ vịt đẻ trứng. Vài loài cá sụn (cá mập xanh, cá đầu búa) và vài loài bò sát cũng đẻ con.

+ Ưu điểm của mang thai và sinh con ở thú:

- Phôi được nuôi dưỡng bằng cách lấy chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ qua nhau thai, nhiệt độ trong cơ thể mẹ rất thích hợp cho sự phát triển của phôi.

- Thai nhi trong bụng mẹ được bảo vệ tốt trước kẻ thù và các tác nhân gây hại.

Bài tập trang 178 SGK Sinh 11
Bài 1 trang 178 Sinh 11: Cho biết sự khác nhau giữa sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính.
Phương pháp giải:
Xem lại Khái niệm sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính
Lời giải

Sự khác nhau giữa sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính:

- Sinh sản vô tính: không có sự hợp nhất của các giao tử đực với giao tử cái. Con sinh ra giống nhau và giống hệt mẹ về di truyền.

- Sinh sản hữu tính: có sự hợp nhất của giao tử đực (n) với giao tử cái (n) để hình thành hợp tử (2n), hợp tử phát triển thành phôi và thành cá thể mới mang thông tin di truyền của cả bố và mẹ.

Bài 2 trang 178 Sinh 11: Cho ví dụ về vài loài động vật có thụ tinh ngoài. Tại sao thụ tinh ngoài phải thực hiện trong môi trường nước?
Phương pháp giải:
Thụ tinh ngoài là hình thức thụ tinh trong đó, trứng gặp tinh trùng và thụ tinh ở bên ngoài cơ thể con cái.
Lời giải

Ví dụ về vài loài động vật thụ tinh ngoài: cá chép, cá cờ, cá rô, ếch đồng, tôm, cua…

Thụ tinh ngoài phải thực hiện trong môi trường nước vì: tinh trùng cần có môi trường nước để bơi đến gặp trứng và thụ tinh cho trứng.

Bài 3 trang 178 Sinh 11: Cho ví dụ về loài động vật có thụ tinh trong.
Phương pháp giải:
Thụ tinh trong là hình thức thụ tinh trong đó, trứng gặp tinh trùng và thụ tinh ở bên trong cơ quan sinh dục của con cái.
Lời giải

Các loài động vật có thụ tinh trong chủ yếu là động vật trên cạn như: người, chó, chuột, thỏ...

Bài 4 trang 178 Sinh 11: So sánh sinh sản hữu tính và động vật và thực vật.
Phương pháp giải:
Xem lại Sinh sản hữu tính ở động vật và thực vật
Lời giải

* Giống nhau:

   - Có sự kết hợp của giao tử đực (n) và giao tử cái (n) để hình thành hợp tử (2n).

   - Con sinh ra mang đặc điểm di truyền của cả bố và mẹ.

* Khác nhau:

 

Sinh sản hữu tính ở động vật

Sinh sản hữu tính ở thực vật

Quá trình tạo giao tử

Giao tử đực tạo ra ở cơ quan sinh dục đực, giao tử cái tạo ra ở cơ quan sinh dục cái.

Hạt phấn (chứa giao tử đực) hình thành trong bao phấn, noãn (chứa giao tử cái) hình thành trong bầu.

Quá trình thụ tinh

Thụ tinh ngoài hoặc thụ tinh trong

Thụ tinh kép

Quá trình phát triển phôi

Diễn ra trong trứng hoặc trong tử cung của con cái hoặc trong túi của con đực (cá ngựa).

Diễn ra trong bầu, vách bầu hình thành vỏ quả để bảo vệ phôi.

Lý thuyết Bài 45. Sinh sản hữu tính ở động vật

I. SINH SẢN HỮU TÍNH

Là hình thức sinh sản tạo ra cá thể mới do có sự hợp nhất của giao tử đực và giao tử cái đơn bội tạo thành hợp tử, hợp tử phát triển thành cơ thể mới.

II. QUÁ TRÌNH SINH SẢN HỮU TÍNH Ở ĐỘNG VẬT

Ở hầu hết các loài quá trình sinh sản đều trải qua 3 giai đoạn:

1. Hình thành giao tử (tinh trùng và trứng)

+ Hình thành tinh trùng: 1 tế bào sinh tinh trùng giảm phân và hình thành 4 tinh trùng

+ Hình thành trứng: 1 tế bào sinh trứng giảm phân tạo 4 tế bào đơn bội: 3 thể cực, 1 tế bào trứng

2. Thụ tinh 

+ Bản chất của thụ tinh là sự kết hợp giữa tinh trùng của con đực (n) và trứng của con cái (n) để tạo thành cá thể mới (2n)

Bài 45. Sinh sản hữu tính ở động vật (ảnh 4)

Ở động vật có hai hình thức thụ tinh là thụ tinh ngoài (xảy ra trong môi trường nước) và thụ tinh trong (xảy ra trong cơ quan sinh sản).

Thụ tinh ngoài

Là hình thức thụ tinh mà trứng gặp tinh trùng và thụ tinh ở bên ngoài cơ thể cái (ở môi trường nước)

- Đại diện: cá, ếch nhái,...

- Đặc điểm: hiệu suất thụ tinh thấp, tỉ lệ trứng nở và con non sống sót thấp, do cơ quan sinh sản chưa hoàn thiện, thuộc nhóm sinh vật đẻ trứng.

Thụ tinh trong

- Là hình thức thụ tinh mà trứng gặp tinh trùng và thụ tinh ở trong cơ quan sinh dục của con cái.

- Đại diện: Bò sát, chim và thú.

- Đặc điểm: hiệu suất thụ tinh cao, tỉ lệ trứng nở và con non sống sót cao do cơ quan sinh sản hoàn thiện hơn, gặp ở cả nhóm đẻ trứng và nhóm đẻ con.

3. Phát triển phôi thai

Hợp tử tiến hành nguyên phân nhiều lần liên tiếp để phát triển thành phôi thai

III. CÁC HÌNH THỨC SINH SẢN

Đẻ trứng: Trứng có thể được đẻ ra ngoài rồi thụ tinh (thụ tinh ngoài) hoặc trứng được thụ tinh và đẻ ra ngoài (thụ tinh trong) → Phát triển thành phôi → con non.

Đẻ con: Trứng được thụ tinh trong cơ quan sinh sản (thụ tinh trong) tạo hợp tử → phát triển thành phôi → con non → đẻ ra ngoài.

Trứng có thể phát triển thành phôi, con non nhờ noãn hoàng (một số loài cá, bò sát) hoặc trứng phát triển thành phôi, phôi thai phát triển trong cơ quan sinh sản của cơ thể cái nhờ tiếp nhận chất dinh dưỡng từ máu mẹ qua nhau thai (thú).

Ưu điểm của mang thai và sinh con ở thú

- Ở động vật có vú, chất dinh d­ưỡng từ cơ thể mẹ qua nhau thai rất phong phú, nhiệt độ trong cơ thể mẹ thích hợp với sự phát triển của thai.

- Phôi thai đư­ợc bảo vệ tốt nên tỉ lệ chết thai thấp.

IV. CHIỀU HƯỚNG TIẾN HOÁ TRONG SINH SẢN HỮU TÍNH Ở ĐỘNG VẬT

+ Cơ thể:

Cơ quan sinh sản chưa phân hoá → phân hoá.

Cơ thể lưỡng tính →  cơ thể đơn tính.

+ Hình thức thụ tinh:

Tự thụ tinh →  thụ tinh chéo.

Thụ tinh ngoài →  thụ tinh trong.

+ Hình thức sinh sản:                                     

Đẻ trứng → đẻ con.

Trứng, con sinh ra không được chăm sóc, bảo vệ →  Trứng, con sinh ra được chăm sóc, bảo vệ.

Đánh giá

0

0 đánh giá