Với giải bài tập Địa lí 10 trong Bài 29: Địa lí một số ngành công nghiệp Sách giáo khoa Địa lí lớp 10 Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SGK Địa lí 10.
Địa lí 10 Kết nối tri thức Bài 29: Địa lí một số ngành công nghiệp
Giải Địa lí 10 trang 81
Mở đầu trang 81 Địa Lí 10: Kể tên một số ngành công nghiệp mà em biết. Các ngành công nghiệp đó khác nhau ở những điểm chính nào?
Lời giải:
- Một số ngành công nghiệp: công nghiệp khai thác than dầu khí, quặng kim loại; công nghiệp luyện kim (đen, màu), công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm,…
- Mỗi ngành có vai trò, đặc điểm và sự phân bố riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong sản xuất công nghiệp.
Giải Địa lí 10 trang 82
1. Vai trò, đặc điểm cơ cấu ngành công nghiệp
Câu hỏi trang 82 Địa Lí 10: Dựa vào thông tin trong mục 1 và hình 29.1, hãy trình bày vai trò, đặc điểm và giải thích sự phân bố của công nghiệp khai thác than, dầu khí, quặng kim loại.
Lời giải:
Vai trò, đặc điểm và sự phân bố của công nghiệp khai thác than, dầu khí, quặng kim loại
Ngành CN |
Khai thác than |
Khai thác dầu khí |
Quặng kim loại |
Vai trò |
- Than là nguồn năng lượng truyền thống và cơ bản trong cơ cấu năng lượng của thế giới. - Than được sử dụng làm nhiên liệu trong các ngành công nghiệp nhiệt điện, luyện kim,... làm nguyên liệu cho công nghiệp hoá chất (chất dẻo, sợi nhân tạo,...). |
- Dầu khí cũng là nguồn năng lượng truyền thống và cơ bản, được sử dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống. - Dầu mỏ là nguồn nguyên liệu để sản xuất nhiều loại hoá phẩm, dược phẩm. Nhiều thành tựu kĩ thuật hiện đại phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu dầu khí. - Xuất khẩu dầu khí là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của nhiều quốc gia. |
- Công nghiệp khai thác quặng kim loại phát triển gắn với quá trình công nghiệp hóa trên thế giới do kim loại được sử dụng để sản xuất máy móc, thiết bị, làm vật liệu trong xây dựng, giao thông vận tải,... - Kim loại được sử dụng nhiều ở các thiết bị trong đời sống,... |
Đặc điểm |
- Công nghiệp khai thác than xuất hiện từ rất sớm, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. - Quá trình sử dụng than gây tác động xấu tới môi trường, đòi hỏi phải có các nguồn năng lượng tái tạo để thay thế. |
- Các mỏ dầu khí thường nằm sâu trong lòng đất, việc khai thác phụ thuộc vào sự tiến bộ của kĩ thuật khoan sâu. - Sản lượng và giá dầu khí có tác động mạnh tới sự phát triển kinh tế thế giới. - Khai thác và sử dụng dầu khí ảnh hưởng lớn tới môi trường và tác động tới biến đổi khí hậu. |
- Quặng kim loại được chia thành một số nhóm: kim loại đen, kim loại màu, kim loại quý, kim loại hiếm,... - Việc khai thác thiếu quy hoạch khiến nhiều loại quặng kim loại có nguy cơ cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường, đòi hỏi phải có các vật liệu thay thế và tái sử dụng kim loại để tiết kiệm tài nguyên và giảm ô nhiễm môi trường. |
Phân bố |
- Sản lượng than của thế giới tăng từ 3,7 tỉ tấn năm 1980 lên 7,9 tỉ tấn năm 2019. - Các quốc gia có sản lượng than lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, In-đô-nê-xi-a, Liên bang Nga,... |
- Năm 2019, sản lượng dầu khai thác của thế giới là 4,5 tỉ tấn. - Các quốc gia khai thác dầu chủ yếu là: A-rập Xê-út, I-ran, Hoa Kỳ,... - Các quốc gia khai thác khí tự nhiên chủ yếu là Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Ca-ta, I-ran,... |
Các nước khai thác quặng kim loại nhiều đều là các nước có trữ lượng quặng lớn: sắt (Liên bang Nga, U-crai-na, Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, Hoa Kỳ,...), bô-xít (Ô-xtrây-li-a, Gia-mai-ca, Bra-xin,...), đồng (Chi-lê, Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Liên bang Nga......... |
Giải Địa lí 10 trang 83
2. Công nghiệp điện lực
Câu hỏi trang 83 Địa Lí 10: Dựa vào thông tin trong mục 2 và hình 29.2, hãy trình bày vai trò, đặc điểm và giải thích sự phân bố của công nghiệp điện lực.
Lời giải:
- Vai trò
+ Điện là nguồn năng lượng không thể thiếu trong xã hội hiện đại, là cơ sở để tiến hành cơ khí hoá, tự động hoá trong sản xuất, là điều kiện thiết yếu để đáp ứng nhiều nhu cầu trong đời sống xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia.
+ Sản lượng điện bình quân đầu người là một trong những thước đo để đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia.
- Đặc điểm
+ Các nước có cơ cấu điện năng khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, trình độ kĩ thuật, chính sách phát triển,...
+ Công nghiệp điện lực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện. Sản phẩm của công nghiệp điện lực không lưu giữ được.
- Phân bố: Sản xuất điện tập trung chủ yếu ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga, Ấn Độ, Ca-na-đa, Đức, Hàn Quốc,...) do nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất và đời sống ở các nước này rất lớn.
Giải Địa lí 10 trang 84
3. Công nghiệp điện tử, tin học
Câu hỏi trang 84 Địa Lí 10: Dựa vào thông tin trong mục 3, hãy trình bày vai trò, đặc điểm và giải thích sự phân bố của công nghiệp điện tử, tin học.
Lời giải:
- Vai trò
+ Công nghiệp điện tử, tin học có vai trò đặc biệt quan trọng cả ở hiện tại cũng như tương lai do tạo ra những thay đổi lớn trong phương thức sản xuất, trong đời sống xã hội, cũng như hỗ trợ tái tạo và bảo vệ môi trường tự nhiên.
+ Công nghiệp điện tử, tin học đã trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều nước, đem lại giá trị gia tăng cao.
+ Thước đo trình độ phát triển kinh tế, kĩ thuật của mọi quốc gia trên thế giới.
- Đặc điểm
+ Ngành công nghiệp điện tử, tin học bao gồm công nghiệp điện tử (máy tính, điện tử dân dụng, thiết bị viễn thông,...) và tin học (phần mềm, ứng dụng,...).
+ Đây là ngành công nghiệp trẻ, phát triển mạnh mẽ từ cuối thế kỉ XX, đòi hỏi lực lượng lao động có trình độ chuyên môn, kĩ thuật cao.
+ Sản phẩm phong phú, đa dạng, luôn thay đổi về chất lượng và mẫu mã theo hướng hiện đại hoá. Ngành này ít gây ô nhiễm môi trường.
- Phân bố
+ Tập trung hầu hết ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển.
+ Hoa Kỳ (máy tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm,...), Nhật Bản (điện tử dân dụng số,...), Hàn Quốc (điện tử dân dụng, thiết bị viễn thông,... ), các nước châu Âu (chất bán dẫn, thiết bị viễn thông, phần mềm,...), Trung Quốc (chất bán dẫn, điện tử dân dụng, thiết bị viễn thông, phần mềm,...), Ấn Độ (phần mềm,...).
Giải Địa lí 10 trang 85
4. Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng
Câu hỏi trang 85 Địa Lí 10: Dựa vào thông tin mục 4 và hình 29.3, hãy trình bày vai trò, đặc điểm và giải thích sự phân bố của công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.
Lời giải:
- Vai trò
+ Đây là lĩnh vực không thể thiếu được trong cơ cấu công nghiệp của mọi quốc gia.
+ Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng sản xuất ra các hàng hoá thông dụng, phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân và xuất khẩu.
+ Tận dụng nguồn lao động tại chỗ, huy động sức mạnh của các thành phần kinh tế.
- Đặc điểm
+ Đòi hỏi vốn đầu tư ít, hoàn vốn nhanh, thời gian xây dựng hạ tầng tương đối ngắn, quy trình sản xuất đơn giản.
+ Sản xuất hàng tiêu dùng chịu ảnh hưởng lớn từ nhân công, nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm, dễ gây ô nhiễm môi trường không khí và nước.
- Phân bố
+ Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng được phân bố rộng rãi ở cả các nước phát triển và các nước đang phát triển, đặc biệt ở các nước có nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công rẻ, các nước có thị trường tiêu thụ lớn,...
+ Đó là các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, các nước EU, Nhật Bản,... và gần đây là: Băng-la-đét, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam, Pa-ki-xtan, ...
5. Công nghiệp thực phẩm
Câu hỏi trang 85 Địa Lí 10: Dựa vào thông tin trong mục 5 và hình 29.3, hãy trình bày vai trò, đặc điểm và giải thích sự phân bố của công nghiệp thực phẩm.
Lời giải:
- Vai trò
+ Công nghiệp thực phẩm là lĩnh vực cung cấp các sản phẩm nhằm đáp ứng các nhu cầu về ăn, uống của con người.
+ Thông qua chế biến, góp phần làm thay đổi chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp, nhờ đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
+ Công nghiệp thực phẩm cũng tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động.
- Đặc điểm
+ Sản phẩm của ngành công nghiệp thực phẩm rất phong phú, đa dạng. Nguyên liệu chủ yếu là các sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản.
+ Các yêu cầu về đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng được chú trọng trong quá trình chế biến, bảo quản.
- Phân bố
+ Công nghiệp thực phẩm có mặt ở mọi quốc gia nhưng phát triển nhất là ở các nước có nguồn nguyên liệu dồi dào, hoặc có nhu cầu tiêu thụ lớn.
+ Phân bố chủ yếu ở một số nước: Trung Quốc, Hoa Kỳ, các nước EU, Ô-xtrây-li-a,...
Luyện tập trang 85 Địa Lí 10: Cho bảng số liệu:
BẢNG 29. SẢN LƯỢNG ĐIỆN THẾ GIỚI, GIAI ĐOẠN 2000 - 2019
(Đơn vị: tỉ kWh)
Năm |
2000 |
2010 |
2019 |
Sản lượng |
15555,3 |
21570,7 |
27004,7 |
Vẽ biểu đồ thể hiện sản lượng điện của thế giới, giai đoạn 2000 - 2019. Nêu nhận xét.
Lời giải:
* Vẽ biểu đồ
BIỂU ĐỒ THỂ HIỆN SẢN LƯỢNG ĐIỆN CỦA THẾ GIỚI, GIAI ĐOẠN 2000 - 2019
* Nhận xét
- Sản lượng điện trên thế giới ngày càng tăng.
- Giai đoạn 2000 – 2019, tăng thêm 11449,4 tỉ kWh và gấp 1,74 lần.
Vận dụng trang 85 Địa Lí 10: Tìm hiểu và kể tên một số sản phẩm chính của công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp thực phẩm của Việt Nam được xuất khẩu.
Lời giải:
- Học sinh tìm hiểu thông tin qua sách, báo hoặc internet.
- Ví dụ: Hạt điều Việt Nam xuất khẩu
EU hiện là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 23% tổng lượng và 22% tổng trị giá toàn ngành. Theo ước tính, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam năm 2021 sang thị trường EU đạt 135 nghìn tấn, trị giá 816 triệu USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với năm 2020 Mức tăng trưởng khả quan trên là nhờ nhu cầu hạt điều của EU tháng cuối năm đạt mức cao theo yếu tố chu kỳ, nhằm phục vụ kỳ nghỉ Lễ Giáng sinh và đón chào năm mới.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang EU trong 11 tháng năm 2021 đạt xấp xỉ 122,5 nghìn tấn, trị giá 734,38 triệu USD, tăng 15,2% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Về cơ cấu thị trường: 11 tháng năm 2021, ngành điều Việt Nam xuất khẩu sang 23 thị trường thành viên EU. Trong đó, ngành điều đã khai thác tốt hai thị trường Hà Lan và Đức. Kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường Hà Lan đạt 63,42 nghìn tấn, trị giá 345,71 triệu USD, tăng 12,3% về lượng, nhưng giảm 4,1% về trị giá. Tương tự, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường Đức đạt 19,4 nghìn tấn, trị giá 122,64 triệu USD, tăng 9,5% về lượng và tăng 6,2% về trị giá. Đức và Hà Lan hiện là những đầu mối thương mại quan trọng đối với hạt điều nhập khẩu để tái xuất.
Bên cạnh đó, ngành điều Việt Nam cũng đã khai thác tốt các thị trường thành viên EU khác như: Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan. Đây đều là những thị trường tiêu thụ hạt điều tốt. Đáng chú ý, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Phần Lan tăng 625,7% về lượng và tăng 629,6% về trị giá.
Như vậy, ngành điều Việt Nam đã khá thành công khi khai thác tốt thị trường cửa ngõ như Hà Lan, Đức. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác tốt các thị trường khác tại EU như Phần Lan, Ba Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Rumani, Bồ Đào Nha.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.