Phân tích nguyên nhân thất bại của phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản

1.2 K

Top 1000 câu hỏi thường gặp môn Lịch Sử có đáp án (phần 2) hay nhất được biên soạn và chọn lọc giúp bạn ôn luyện và đạt kết quả cao trong bài thi môn Lịch Sử.

Phân tích nguyên nhân thất bại của phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản

Câu 11: Phân tích nguyên nhân thất bại của phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam đầu thế kỉ XX.

Lời giải:

Nguyên nhân khách quan:

- Thực dân Pháp còn mạnh. So sánh tương quan lực lượng chưa có lợi cho phong trào yêu nước:

+ Các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam diễn ra khi thực dân Pháp đã ổn định được bộ máy cai trị ở Việt Nam.

+ Thực dân Pháp thực hiện cấu kết, liên minh với lực lượng đế quốc, phản động bên ngoài để đàn áp một số cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Ví dụ: sự phát triển của phong trào Đông du (do Phan Bội Châu khởi xuống) đã khiến thực dân Pháp lo sợ. Trước tình hình đó, tháng 8/1908, thực dân Pháp cấu kết với Chính phủ Nhật Bản để trục xuất các lưu học sinh Việt Nam, kể cả thủ lĩnh Phan Bội Châu. Phong trào Đông du tan rã; trước sự phát triển và ảnh hưởng của Việt Nam Quang phục hội, năm 1913, thực dân Pháp cấu kết với giới quân phiệt Trung Quốc để bắt giam những lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam Quang phục hội (trong đó có cả thủ lĩnh Phan Bội Châu),...

Nguyên nhân chủ quan:

- Việt Nam thiếu đi cơ sở kinh tế - xã hội đủ mạnh để một cuộc cách mạng tư sản có thể nổ ra và giành thắng lợi. Cụ thể:

+ Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được du nhập không hoàn toàn khiến kinh tế Việt Nam có sự chuyển biến nhưng chỉ mang tính chất cục bộ ở một số vùng, còn lại phổ biến vẫn trong tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, lệ thuộc chặt chẽ vào kinh tế Pháp.

+ Dưới tác động từ chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp (1897 - 1914), cơ cấu xã hội Việt Nam có sự chuyển biến. Bộ phận tư sản, tiểu tư sản ra đời nhưng thế lực kinh tế - chính trị nhỏ yếu.

+ Phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Việt Nam nổ ra không xuất phát từ động cơ kinh tế như các cuộc cách mạng tư sản trên thế giới, mà chủ yếu xuất phát từ động cơ chính trị (chủ nghĩa yêu nước trỗi dậy khi đất nước bị xâm lược).

- Phong trào thiếu một giai cấp lãnh đạo tiên tiến, một tổ chức lãnh đạo thống nhất với đường lối đấu tranh đúng đắn.

+ Lãnh đạo phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản đầu thế kỉ XX là các sĩ phu yêu nước, tiến bộ. Họ vốn là các sĩ phu Nho học, nên khi tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản, nhãn quan chính trị của họ còn hạn chế, thiếu hệ thống, thiếu tính chính xác.

+ Đường lối đấu tranh có những hạn chế: phong trào diễn ra theo hai xu hướng bạo động (Phan Bội Châu là người đại diện) và cải cách (Phan Châu Trinh là người đề xướng và đại diện). Tuy nhiên cả hai xu hướng đều mới chỉ nhìn thấy một trong hai mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam thuộc địa (hoặc là mâu thuẫn dân tộc, hoặc là mâu thuẫn giai cấp) nên chỉ chủ trương chống Pháp hoặc chống phong kiến; chưa xác định được động lực cách mạng;…

- Ở Việt Nam đầu thế kỉ XX, trào lưu dân chủ tư sản phát triển chủ yếu ở các đô thị lớn, còn ở các vùng nông thôn, miền núi ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản còn rất yếu ớt, do đó, chưa tạo thành một phong trào đấu tranh rộng rãi chung trong cả nước.

Từ khóa :
Giải bài tập
Đánh giá

0

0 đánh giá