Chuyên đề Lịch sử 11 (Chân trời sáng tạo) Chuyên đề 2. Chiến tranh và hòa bình trong thế kỉ XX

335

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu lời giải Chuyên đề Lịch sử 11 (Chân trời sáng tạo) Chuyên đề 2. Chiến tranh và hòa bình trong thế kỉ XX hay, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi Lịch sử 11 Chuyên đề 2 từ đó học tốt môn Lịch sử 11.

Chuyên đề Lịch sử 11 (Chân trời sáng tạo) Chuyên đề 2. Chiến tranh và hòa bình trong thế kỉ XX

1. Chiến tranh và hòa bình nửa đầu thế kỉ XX

Câu hỏi 1 trang 26 Chuyên đề Lịch Sử 11: Nêu nguyên nhân cơ bản dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới ở nửa đầu thế kỉ XX.

Lời giải:

Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai đều bắt nguồn từ những nguyên nhân cơ bản sau:

+ Sự phát triển không đều về kinh tế và chính trị giữa các nước tư bản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, khiến cho so sánh lực lượng giữa các nước có sự thay đổi căn bản.

+ Mâu thuẫn sâu sắc giữa các nước đế quốc về vấn đề thị trường và thuộc địa.

Câu hỏi 2 trang 26 Chuyên đề Lịch Sử 11: Nêu dẫn chứng cụ thể để phân tích hậu quả của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai.

Lời giải:

♦ Hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ nhất: Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc với thắng lợi của phe Hiệp ước, thất bại của phe Liên minh và để lại những hậu quả nặng nề cho toàn thế giới. Cụ thể:

+ Khoảng 38 quốc gia bị lôi cuốn vào vòng khói lửa.

+ Khiến hơn 10 triệu người chết, 20 triệu người bị thương và tàn tật.

+ Phá hủy hàng vạn làng mạc, thành phố, nhà máy, xí nghiệp… thiệt hại về vật chất lên tới hàng trăm tỉ USD.

♦ Hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ hai:

- Chiến tranh thế giới thứ hai trở thành cuộc chiến lớn nhất, khốc liệt nhất, tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử nhân loại.

- Đức, Italia, Nhật Bản và các lực lượng phát xít khác bị đánh bại bởi lực lượng đồng minh và nhân dân yêu chuộng hòa bình dân chủ trên thế giới. Tuy nhiên, cả nước thắng trận lẫn bại trận đều chịu thiệt hại nặng nề về người và của. Cụ thể:

+ Khoảng 76 quốc gia bị lôi cuốn vào vòng khói lửa.

+ Khiến hơn 60 triệu người chế, 90 triệu người bị thương.

+ Phá hủy hàng triệu làng mạc, thành phố, nhà máy, xí nghiệp,…

+ Thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 4000 tỉ USD.

- Chiến tranh thế giới thứ hai còn để lại di chứng nặng nề cho người dân Nhật Bản bởi sự huỷ diệt khủng khiếp của vũ khí nguyên tử.

Câu hỏi 1 trang 28 Chuyên đề Lịch Sử 11: Nước Nga Xô viết đã có những chính sách gì nổi bật để đấu tranh bảo vệ nền hòa bình thế giới trong thời kì giữa hai cuộc đại chiến?

Lời giải:

- Để đấu tranh bảo vệ nền hòa bình thế giới trong thời kì giữa hai cuộc đại chiến, nước Nga Xô viết (từ năm 1922 là Liên Xô) đã thực thi nhiều chính sách tích cực, như:

+ Ban hành Sắc lệnh Hòa bình (1917) nhằm: chỉ rõ bộ mặt thật gây chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc và tay sai; khẳng định nhà nước xã hội chủ nghĩa yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh; đề nghị các nước tham chiến kí kết hoà ước bình đẳng và dân chủ, không xâm chiếm và bồi thường chiến tranh.

+ Kí kết Hòa ước Brét Litốp với Đức (vào đầu năm 1918).

+ Theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình, bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cùng tồn tại hòa bình giữa các quốc gia có chế độ chính trị - xã hội khác nhau.

+ Liên Xô tham gia kí kết Hiệp ước chung về từ bỏ chiến tranh ở Pa-ri (tháng 8/1928) và là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn hiệp ước này.

+ Trong bối cảnh chủ nghĩa phát xít lên cầm quyền ở một số nước, Liên Xô đã tích cực đấu tranh cho việc giải trừ quân bị; cùng các lực lượng dân chủ thành lập Mặt trận chống chủ nghĩa phát xít….

Câu hỏi 2 trang 28 Chuyên đề Lịch Sử 11: Các nước châu Âu đã nỗ lực xây dựng hệ thống an ninh tập thể giữa hai cuộc chiến tranh thế giới như thế nào?

Lời giải:

- Từ năm 1919 đến năm 1922, các nước châu Âu họp và kí kết nhiều hiệp ước trong hệ thống Vécxai và hệ thống Oasinhtơn nhằm chia nhau quyền lợi, thiết lập trật tự thế giới mới, đặt cơ sở xây dựng an ninh tập thể. Hội nghị Hòa bình Vécxai (1919 - 1920) đã thành lập Hội Quốc liên với mục tiêu thúc đẩy hợp tác, bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới.

- Ở châu Âu cũng diễn ra hàng loạt hội nghị về hòa bình và an ninh tương hỗ giữa các nước, như:

+ Hội nghị Giê-nô-va (Italia) tháng 4 và 5/1922 với sự tham gia của 29 nước, bàn về các vấn đề của châu Âu;

+ Hội nghị Lô-các-nô (Thụy Sỹ) tháng 10/1925 bàn về an ninh tập thể ở châu Âu;

+ Hiệp ước Bri-ăng Ken-lốt-giơ tháng 8/1928 với 57 quốc gia tham gia, cam kết từ bỏ chiến tranh;

+ Hội nghị giải trừ quân bị ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sỹ) từ năm 1932 đến 1935 với 63 quốc gia tham gia, đưa ra vấn đề loại trừ chiến tranh, bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế.

- Từ năm 1933 đến năm 1939, nhiều hiệp ước an ninh tương hỗ được kí kết về an ninh tập thể ở châu Âu (Hiệp ước Liên Xô - Pháp, Hiệp ước Liên Xô - Tiệp Khắc,..)

Câu hỏi 1 trang 29 Chuyên đề Lịch Sử 11: Phong trào kháng chiến chống phát xít ở châu Âu, châu Á, châu Phi đã diễn ra như thế nào?

Lời giải:

- Trước nguy cơ đe dọa của chủ nghĩa phát xít và chiến tranh lan rộng, phong trào chống phát xít đã bùng lên mạnh mẽ ở khắp nơi.

- Ở châu Âu:

+ Các lực lượng vũ trang được xây dựng, tổ chức các hoạt động chống phát xít.

+ Phong trào kháng chiến chống phát xít của các nước châu Âu đã tạo nên sức mạnh chính nghĩa, hỗ trợ Hồng quân Liên Xô cùng phe Đồng minh tiêu diệt chủ nghĩa phát xít trên chiến trường châu Âu.

- Ở châu Á:

+ Các lực lượng kháng chiến phát triển mạnh, đặt ra mục tiêu chống phát xít cùng với nhiệm vụ giải phóng thuộc địa.

+ Tiêu biểu là: cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật của nhân dân Trung Quốc; đòi thực dân Anh trao quyền tự trị ở Ấn Độ; thành lập các mặt trận, liên minh chống phát xít ở các quốc gia Đông Nam Á,...

- Ở châu Phi:

+ Phong trào đấu tranh chống đế quốc và chiến tranh phát xít cũng dâng cao ở Êtiôpia (chống phát xít Italia), ở Ai Cập, Liên bang Nam Phi (chống đế quốc Anh),..

=> Ý nghĩa: Những cuộc đấu tranh chống phát xít ở châu Á, châu Phi tạo nên tiền đề cho phong trào giải phóng dân tộc bùng lên mạnh mẽ và giành thắng lợi ở các châu lục này, trong và sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Câu hỏi 2 trang 29 Chuyên đề Lịch Sử 11: Phân tích ý nghĩa của cuộc Chiến tranh Vệ quốc của nhân dân Liên Xô chiến thắng Chủ nghĩa phát xít.

Lời giải:

- Thắng lợi của nhân dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc, chống chủ nghĩa phát xít đã có ý nghĩa quan trọng đối với nước Nga và thế giới. Cụ thể:

+ Quét sạch quân xâm lược ra khỏi lãnh thổ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền.

+ Góp phần to lớn tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai.

+ Thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở thuộc địa bùng lên mạnh mẽ và giành được thắng lợi. Nhiều nước ở Đông Âu và châu Á đã lựa chọn con đường cách mạng dân chủ nhân dân.

+ Sau chiến tranh, Liên Xô phát triển thành siêu cường về kinh tế, quân sự, là thành trì vững chắc của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.

2. Chiến tranh và hòa bình từ sau năm 1945 đến nay

a) Chiến tranh lạnh (1947 - 1989)

Câu hỏi trang 30 Chuyên đề Lịch Sử 11: Nêu những nguyên nhân dẫn đến Chiến tranh lạnh.

Lời giải:

- Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1945), Mỹ và Liên Xô phát triển thành hai siêu cường với hai hệ tư tưởng đối lập nhau sâu sắc và tranh giành quyền lãnh đạo thế giới.

+ Liên Xô đã giúp đỡ các nước Đông Âu nhanh chóng phục hồi sau chiến tranh, hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa; đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế, khoa học kĩ thuật và quốc phòng tạo thế cân bằng với các nước Tây Âu.

+ Nước Mỹ không bị chiến tranh tàn phá đã vươn lên thành nước tư bản chủ nghĩa lớn mạnh nhất. Tuy nhiên, do lo ngại ảnh hưởng của Liên Xô đến vị thế của mình, Mỹ ra sức ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô và sự phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.

=> Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô đã tạo nên cuộc Chiến tranh lạnh trong giai đoạn 1947 - 1989 thể hiện trên các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, quân sự, kinh tế,...

Câu hỏi trang 30 Chuyên đề Lịch Sử 11: Trình bày đặc điểm chính của cuộc chiến tranh lạnh.

Lời giải:

- Đặc điểm chính của Chiến tranh lạnh:

+ Chiến tranh lạnh là cuộc chiến tranh không tiếng súng. Trong đó, Liên Xô và Mỹ luôn trong trạng thái đối đầu nhưng không nổ ra xung đột quân sự trực tiếp. Sự đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô đặt thế giới luôn trong tình trạng căng thẳng thông qua việc phát triển các liên minh quân sự và chạy đua vũ trang quyết liệt giữa hai siêu cường.

+ Trong thời gian diễn ra Chiến tranh lạnh (1947 - 1989), mặc dù đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô từng có lúc đứng trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân, nhưng không xảy ra cuộc “chiến tranh nóng” trực tiếp giữa hai cường quốc cũng như hai khối tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.

+ Nhiều cuộc chiến tranh cục bộ và xung đột quân sự diễn ra ở nhiều nơi tạo nên tình trạng "nóng" ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

Câu hỏi trang 31 Chuyên đề Lịch Sử 11: Phân tích những hậu quả của cuộc Chiến tranh lạnh đối với thế giới.

Lời giải:

♦ Hậu quả của Chiến tranh lạnh đối với thế giới:

Thế giới luôn trong tình trạng căng thẳng suốt cuộc Chiến tranh lạnh (1947 - 1989) và luôn đối mặt với nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai siêu cường Liên Xô - Mỹ.

Chiến tranh lạnh tác động mạnh mẽ và toàn diện đến tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của thế giới.

+ Khi cuộc Chiến tranh lạnh bắt đầu “nóng” trong cục diện đối đầu của hai siêu cường, các quốc gia trên thế giới buộc phải lựa chọn con đường phát triển của mình dựa trên nền tảng ý thức hệ.

+ Sau khi phong trào Không liên kết thành lập, nhiều quốc gia đã chọn tham gia phong trào, tuy nhiên, thực tế vẫn chịu ảnh hưởng của Mỹ hoặc Liên Xô.

- Thế giới đối diện với sự xung đột, chia rẽ ở các khu vực và ở từng quốc gia do sự tác động của Chiến tranh lạnh. Ví dụ:

+ Các cuộc chiến tranh Trung Đông giữa Ixraen và các nước Arập kéo dài đã gây tổn thất nặng nề về người và của cho các quốc gia tham chiến;

+ Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) đã tạo ra sự chia cắt lâu dài cho bán đảo Triều Tiên;

+ Cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã để lại nhiều hậu quả nặng nề cho nhân dân Việt Nam.

Câu hỏi trang 32 Chuyên đề Lịch Sử 11: Trình bày những sự kiện dẫn đến sự kết thúc Chiến tranh lạnh.

Lời giải:

Những sự kiện dẫn đến kết thúc chiến tranh lạnh:

+ Từ đầu những năm 70 của thế kỉ XX, xu hướng hòa hoãn Đông – Tây đã xuất hiện với những cuộc gặp gỡ, thương lượng Xô – Mỹ, mặc dù còn nhiều diễn biến phức tạp.

+ Năm 1972, hai siêu cường Liên Xô và Mỹ đã thỏa thuận về việc hạn chế vũ khí chiến lược và kí kết Hiệp ước hạn chế phòng chống tên lửa và Hiệp định hạn chế vũ khí tiến công chiến lược.

+ Từ giữa những năm 70 của thế kỉ XX, nhiều hợp tác về kinh tế và khoa học – kĩ thuật được kí kết giữa Liên Xô và Mỹ, tuy nhiên, trọng tâm của những thỏa thuận giữa hai siêu cường vẫn là việc cắt giảm vũ khí chiến lược, hạn chế cuộc chạy đua vũ trang.

+Tháng 12/1989, trong cuộc gặp không chính thức tại đảo Manta (Địa Trung Hải), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô M. Goócbachốp và Tổng thống Mỹ G. Busơ chính thức cùng tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh. Trên thực tế, Chiến tranh lạnh thực sự kết thúc sau khi Liên Xô tan rã, Trật tự hai cực Ianta sụp đổ (năm 1991).

- Nguyên nhân dẫn tới việc kết thúc chiến tranh lạnh:

+ Mỹ và Liên Xô phải đầu tư nhiều khoản kinh phí lớn, tốn kém cho cuộc chạy đua vũ trang và cạnh tranh chiến lược ở các khu vực dẫn đến bị suy giảm thực lực về nhiều mặt so với các cường quốc mới nổi khác. Do đó, cả Mỹ và Liên Xô muốn nhanh chóng thoát khỏi sự đối đầu để tập trung phát triển đất nước và củng cố vị thế của mình.

+Trong bối cảnh Mỹ và Liên Xô đối mặt với nhiều khó khăn, Nhật Bản và Tây Âu đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành đối thủ cạnh tranh gay gắt với Mỹ về mặt kinh tế.

+ Trong giai đoạn cuối của cuộc Chiến tranh lạnh, xu thế “hòa dịu" Đông - Tây đã xuất hiện, thúc đẩy sự hợp tác giữa Mỹ với Liên Xô cũng như giữa Liên Xô với các nước tư bản chủ nghĩa khác.

+ Những sai lầm trong quá trình tiến hành công cuộc cải tổ của Liên Xô là một trong những nhân tố thúc đẩy Chiến tranh lạnh kết thúc. Nửa sau thập kỉ 80, Liên Xô rơi vào cuộc khủng hoảng lớn và không thể tiếp tục cạnh tranh với Mỹ.

b) Chiến tranh, xung đột quân sự sau Chiến tranh lạnh

Câu hỏi trang 33 Chuyên đề Lịch Sử 11: Nêu nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ các cuộc chiến tranh, xung đột sau Chiến tranh lạnh.

Lời giải:

- Sau Chiến tranh lạnh, các cuộc nội chiến, xung đột quân sự vẫn tiếp diễn ở nhiều khu vực, do:

+ Mâu thuẫn giữa các nhóm sắc tộc, tôn giáo, vấn đề tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ do lịch sử để lại,…

+ Các cường quốc tìm cách xác lập trật tự quốc tế mới bằng cách củng cố lợi ích chiến lược tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là tại châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Trung Đông, châu Phi. Điều này đã gây nên những xung đột mới trong quan hệ quốc tế.

Câu hỏi trang 33 Chuyên đề Lịch Sử 11: Trình bày nguyên nhân của cuộc tấn công vào nước Mỹ của lực lượng khủng bố quốc tế ngày 11/9/2001.

Lời giải:

- Cuộc tấn công khủng bố 11/9 xuất phát từ tâm lí chống Mỹ của các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Sự can thiệp của Mỹ vào Trung Đông, đặc biệt là sự ủng hộ của Mỹ đối với Ixraen chống lại Palextin và các nước Arập ở Trung Đông, đã dẫn đến mâu thuẫn sâu sắc giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo.

Câu hỏi trang 34 Chuyên đề Lịch Sử 11: Trình bày kết quả của cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001.

Lời giải:

- Hơn 20 năm tiến hành cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, Mỹ đã đạt được một số kết quả tích cực, như:

+ Tiêu diệt được một số lãnh đạo khủng bố cấp cao, góp phần làm suy yếu và tan rã nhiều tổ chức khủng bố quốc tế.

+ Lật đổ được nhiều chế độ độc tài ở khu vực Trung Đông thông qua triển khai cuộc chiến chống khủng bố.

- Tuy nhiên, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ đã làm sâu sắc thêm sự bất bình và tâm lí chống Mỹ, chống phương Tây của các thế lực Hồi giáo cực đoan. Điều này khiến cho tình trạng bạo lực vẫn diễn ra phổ biến ở châu Á, làm người thiệt mạng vì khủng bố vẫn gia tăng hằng năm.

c) Đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới

Câu hỏi trang 35 Chuyên đề Lịch Sử 11: Trình bày những đóng góp của phong trào Hòa bình thế giới trong thời kì Chiến tranh lạnh.

Lời giải:

- Năm 1950, Hội đồng Hòa bình thế giới chính thức ra đời, đi vào hoạt động và đã có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào hòa bình thế giới trong thời kì Chiến tranh lạnh. Cụ thể là:

+ Hội đồng ra nhiều lời kêu gọi khẩn thiết bảo vệ hòa bình, đặc biệt là: lời kêu gọi hòa bình Xtốc-khôm đòi cấm vũ khí nguyên tử (tháng 3/1950 và tháng 6/1975); lời kêu gọi 5 cường quốc kí công ước hòa bình (tháng 2/1955),… những lời kêu gọi này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của hàng trăm triệu người không phân biệt giới tính, màu da, sắc tộc, chính kiến, tín ngưỡng.

+ Hội đồng cũng phối hợp với nhiều tổ chức, đoàn thể, như: Liên đoàn Công đoàn thế giới; Tổ chức Đoàn kết nhân dân Á - Phi; Tổ chức Đoàn kết nhân dân Á - Phi - Mỹ Latinh,... thực hiện các phong trào chống chiến tranh, chống chạy đua vũ trang, giữ gìn hòa bình cho thế giới.

Câu hỏi trang 35 Chuyên đề Lịch Sử 11: Phong trào ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra như thế nào?

Lời giải:

- Phong trào quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam bắt đầu từ khoảng thập kỉ 60 của thế kỉ XX, phát triển mạnh mẽ ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Cụ thể là:

+ Trong giai đoạn 1954 - 1975, Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa cũng như các nước tư bản tiến bộ luôn đồng tình ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

+ Từ năm 1959, nhân dân thế giới đã lấy ngày 20/7 làm “Ngày ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh đòi thống nhất Tổ quốc";

+ Năm 1964, một “Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân miền Nam Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược” diễn ra tại Hà Nội.

+ Hội đồng Hòa bình thế giới, Uỷ ban Đoàn kết nhân dân Á - Phi, các tổ chức phụ nữ, thanh niên, sinh viên, công đoàn quốc tế,... cũng tổ chức các hoạt động, vận động ủng hộ và đoàn kết với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

+ Phong trào chống chiến tranh lôi cuốn đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân tham gia, tiêu biểu là phong trào phản chiến của thanh niên Mỹ với các hình thức đấu tranh phong phú. Theo thống kê, có hơn 200 tổ chức chống chiến tranh trên khắp các bang ở Mỹ.

Câu hỏi trang 36 Chuyên đề Lịch Sử 11: Trình bày xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới sau khi Chiến tranh lạnh.

Lời giải:

- Sau Chiến tranh lạnh, Hội đồng Hòa bình thế giới tiếp tục nhiệm vụ kêu gọi nhân dân thế giới đoàn kết chống chiến tranh xâm lược, đòi giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế bằng thương lượng hòa bình, đòi giải trừ quân bị, chống chính sách cường quyền xây dựng quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

- Kì họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 52 (1992) đã thông qua Nghị quyết về “Văn hóa hòa bình”, ra tuyên bố và chương trình hành động về văn hóa hòa bình, nhấn mạnh cần xúc tiến văn hóa hòa bình thông qua giáo dục.

- Bước vào thế kỉ XXI, nhân loại đứng trước những diễn biến khó lường nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là một trong những xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Các vấn đề toàn cầu cấp bách, các vấn đề an ninh phi truyền thống đe dọa trực tiếp đến hòa bình, an ninh các dân tộc, quốc gia. Phong trào đấu tranh của nhân dân vì hòa bình, tiến bộ, bình đẳng xã hội vẫn tiếp tục duy trì phát triển mạnh mẽ.

Luyện tập (trang 36)

Luyện tập 1 trang 36 Chuyên đề Lịch Sử 11: Hai cuộc chiến tranh thế giới diễn ra nửa đầu thế kỉ XX đã có những tác động gì tới tình hình thế giới.

Lời giải:

♦ Tác động của chiến tranh thế giới thứ nhất:

- Bản đồ chính trị châu Âu thay đổi sâu sắc với sự sụp đổ của 4 đế quốc lớn (đế quốc Nga, Đức, Áo – Hung và Ốt-tô-man).

- Thế và lực giữa các nước tư bản cũng có nhiều chuyển biến: trong khi các nước tư bản châu Âu (dù thắng hay bại trận) đều suy sụp vì chiến tranh, thì 2 nước tư bản ngoài châu Âu là Mỹ và Nhật Bản có điều kiện vươn lên nhanh chóng.

- Hiệp ước Vécxai - Oasinhtơn được kí kết tạo nên một trật tự thế giới mới dựa trên sức mạnh và đua tranh của chủ nghĩa đế quốc; mâu thuẫn giữa các nước lớn càng ngày càng bị khoét sâu hơn.

- Sự tham chiến của các nước đế quốc tác động sâu sắc tới tình hình chính trị - xã hội ở chính quốc cũng như thuộc địa. Mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt ngay trong lòng các nước tư bản. Phong trào giải phóng ở các thuộc địa diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt.

- Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 tạo ra chuyển biến quan trọng trong quan hệ quốc tế.

♦ Tác động của chiến tranh thế giới thứ hai:

- Chiến tranh thế giới thứ hai đã tác động sâu sắc vào quan hệ quốc tế. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc đã khẳng định được sức mạnh vượt trội của nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhờ đó, nhân dân nhiều nước Đông Âu đã nổi dậy giành chính quyền, lựa chọn con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

- Chiến tranh đã làm thay đổi tương quan lực lượng giữa các nước lớn. Một trật tự thế giới mới được hình thành được gọi là Trật tự hai cực Ianta, đứng đầu hai phe là Liên Xô và Mỹ.

- Chiến tranh giữa các đế quốc đã tạo thời cơ cho nhiều nước thuộc địa đứng lên giải phóng, giành độc lập dân tộc. Một số nước đã lựa chọn đi theo chủ nghĩa xã hội.

- Xu thế hòa bình, nguyên tắc bình đẳng, chủ quyền giữa các quốc gia trở thành nền tảng trong hợp tác quốc tế. Liên hợp quốc ra đời trở thành tổ chức quốc tế thúc đẩy hợp tác, đấu tranh, góp phần duy trì nền hòa bình thế giới.

♦ Điểm giống và khác nhau về tác động của hai cuộc chiến tranh thế giới

- Giống nhau: Chiến tranh kết thúc đã tác động sâu sắc tới tình hình thế giới:

+ Làm thay đổi bản đồ chính trị thế giới.

+ Tương quan lực lượng giữa các cường quốc có sự thay đổi.

+ Một trật tự thế giới mới được xác lập sau chiến tranh.

+ Dẫn đến sự ra đời của các tổ chức quốc tế nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

+ Thúc đẩy phong trào cách mạng và đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân thế giới

- Khác nhau:

+ Chiến tranh thế giới thứ nhất:

▪ Trật tự thế giới mới theo hệ thống Vécxai - Oasinhtơn được xác lập.

▪ Phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc phát triển, nhưng kết quả đạt được còn hạn chế.

▪ Sự thay đổi tương quan lực lượng giữa các cường quốc diễn ra chủ yếu trong thế giới tư bản.

+ Chiến tranh thế giới thứ hai:

▪ Trật tự hai cực Ianta được xác lập, do Mĩ và Liên Xô đứng đầu mỗi cực.

▪ Phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ, đưa đến sự ra đời của nhiều quốc gia độc lập ở châu Á, châu Phi và khu vực Mĩ Latinh.

▪ Có sự thay đổi tương quan lực lượng giữa Mỹ và Liên Xô, giữa hệ thống tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.

Luyện tập 2 trang 36 Chuyên đề Lịch Sử 11: Em có nhận xét gì về tình trạng chiến tranh và xung đột trên thế giới hai thời kì trong và sau Chiến tranh lạnh?

Lời giải:

Dưới tác động của Chiến tranh lạnh, nhiều cuộc xung đột, chia rẽ ở các khu vực và từng quốc gia đã diễn ra. Ví dụ như:

+ Các cuộc chiến tranh Trung Đông giữa Ixraen và các nước Arập kéo dài đã gây tổn thất nặng nề về người và của cho các quốc gia tham chiến;

+ Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) gây ra sự chia cắt lâu dài cho bán đảo Triều Tiên

+ Cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã để lại nhiều hậu quả nặng nề cho nhân dân Việt Nam.

- Sau Chiến tranh lạnh, mặc dù hòa bình thế giới được củng cố, song ở nhiều khu vực, tình hình lại không ổn định với những cuộc nội chiến, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, xung đột quân sự đẫm máu kéo dài. Ví dụ như:

+ Ở châu Âu, xung đột trong nội bộ Nam Tư đã diễn ra liên quan đến xung đột sắc tộc và li khai, phá vỡ Liên bang Nam Tư.

+ Ở châu Phi, chiến tranh dưới hình thức nội chiến và xung đột sắc tộc nổ ra ở An-giê-ri, Tuy-ni-di, Công-gô, Na-mi-bi-a, Ăng-gô-la, Xô-ma-li, Ru-an-đa, Xu-đăng

+ Ở Trung Đông: nội chiến diễn ra ở Libăng, Xiri, Yêmen,...; Cuộc "Chiến tranh Vùng Vịnh" (1991) để lại nhiều hậu quả nặng nề và tàn khốc; Cuộc chiến của người Do Thái và người A-rập ở khu vực Trung Đông kéo dài nhiều thập kỉ...

+ Ở châu Á: giao tranh quân sự giữa Ấn Độ và Pa-ki-xtan nhằm giành quyền kiểm soát vùng Ca-xmi-a ở khu vực biên giới giữa hai nước trở thành "điểm nóng” kéo dài; các cuộc xung đột, li khai xuất phát từ mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo diễn ra ở nhiều nước Đông Nam Á…

Vận dụng (trang 36)

Vận dụng trang 36 Chuyên đề Lịch Sử 11: Sưu tầm tư liệu về sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Lời giải:

(*) Tư liệu tham khảo:

- Sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam:

+ Có hơn 10 Uỷ ban quốc tế đoàn kết với Việt Nam của các tổ chức dân chủ, tôn giáo và tổ chức xã hội ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước;

+ Có hơn 30 hội nghị quốc tế về Việt Nam và nhiều hội nghị quốc tế khác dành thời gian thảo luận các biện pháp ủng hộ Việt Nam.

+ Đầu năm 1966, Thủ tướng Cu-ba Phiđen Caxtơrô đã tuyên bố: “Vì Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng hiến dâng đến cả dòng máu của mình”.

+ Hàng triệu người thuộc nhiều nước ghi tên tình nguyện sang giúp nhân dân Việt Nam chống Mỹ; 16 nước có phong trào hiến máu; trên 50 nước có phong trào quyên góp ủng hộ Việt Nam. Ở Pháp có các phong trào quyên góp "100 triệu Frăng ủng hộ Việt Nam"; ở Nhật Bản có chiến dịch quyên góp "100 triệu yên cho Việt Nam"; ở Thụy Điển có phong trào "Một triệu cuaron ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam". Nổi bật là cuộc tổng bãi công của hơn 5 triệu công nhân thuộc 91 tổ chức công đoàn Nhật Bản trong năm 1965. Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp tổ chức "Đêm thức vì hòa bình ở Việt Nam"... Giữa lòng Thủ đô Stốc-khôm của Thụy Điển đã xuất hiện các "chiến khu giải phóng" của thanh niên, họ lấy cờ Mặt trận và bài hát Giải phóng miền Nam làm cờ và bài ca chính thức, lập ra nhóm hành động ủng hộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhân dân Cộng hòa Liên bang Đức đã sôi sục biểu tình tại hơn 50 thành phố phản đối Mỹ ném bom Hà Nội, Hải Phòng.

- Phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ở Mỹ:

+ Ở Mỹ, từ mùa thu năm 1965, Uỷ ban phối hợp toàn quốc được thành lập và tổ chức 2 đợt đấu tranh có quy mô toàn quốc trong tháng 10/1965 và tháng 1/1966, mỗi đợt lôi cuốn hơn nửa triệu người tham gia từ hơn 100 thành phố. Cũng từ đây đã xuất hiện những cuộc tự thiêu của người dân Mỹ nhằm phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam.

+ Ngày 2/11/1965, anh N. Mô-ri-xơn, đã châm lửa tự thiêu ngay trước Bộ Quốc phòng Mỹ để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong cuốn hồi kí của mình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mác-na-ma-ra viết: “Cái chết của Mô-ri-xơn không chỉ là bi kịch cho gia đình anh ta mà còn cho cả tôi và nước Mỹ. Đó là một tiếng kêu gào chống lại những chết chóc đang hủy hoại cuộc đời của những người Mỹ và người Việt”.

+ Phong trào chống chiến tranh lôi cuốn đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân tham gia, tiêu biểu là phong trào phản chiến của thanh niên Mỹ với các hình thức đấu tranh phong phú, như: đốt thẻ quân dịch, trả lại huân chương chiến tranh, chống lệnh nhập ngũ,… Theo thống kê, đã có khoảng 16/27 triệu thanh niên Mỹ đến tuổi quân dịch đã chống lệnh, 75 nghìn người Mỹ bỏ ra nước ngoài vì không chịu nhập ngũ và chống chiến tranh xâm lược, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn.

+ Ngày 15/10/1969, khoảng 15 triệu người Mỹ đã xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Đây là một trong những cuộc tuần hành lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Từ khóa :
Giải bài tập
Đánh giá

0

0 đánh giá