Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu lời giải Chuyên đề Địa lí 11 (Cánh diều) Ủy hội sông Mê Công hay, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi Chuyên đề Địa lí 11 từ đó học tốt môn Địa lí 11.
Chuyên đề Địa lí 11 (Cánh diều) Ủy hội sông Mê Công
1. Lý do ra đời của ủy hội sông Mê Công
Câu hỏi trang 7 Chuyên đề Địa Lí 11: Đọc thông tin, hãy trình bày lý do ra đời của MRC
Lời giải:
- Lý do ra đời của Ủy hội sông Mê Công:
+ Lưu vực sông Mê Công có tiềm năng rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội.
+ Các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Công đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: biến đổi khí hậu, nguồn thủy sản cạn kiệt do khai thác chưa hợp lý, gia tăng dân số quá mức,…
+ Vùng phân bố của lưu vực này trải qua nhiều quốc gia nên yêu cầu cấp bách đặt ra cần tăng cường hợp tác quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, công bằng.
=> Năm 1995, Uỷ hội sông Mê Công (MRC) được thành lập gồm các quốc gia thành viên là: Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
2. Mục tiêu của ủy hội sông Mê Công
Câu hỏi trang 7 Chuyên đề Địa Lí 11: Dựa vào hình 1.4 hãy trình bày mục tiêu của MRC.
Lời giải:
- Ủy hội sông Mê Công được thành lập với các mục tiêu sau:
+ Thúc đẩy hợp tác quản lí, phát triển nước và các nguồn tài nguyên liên quan của lưu vực sông Mê Công nhằm khai thác hết tiềm năng, mang lại lợi ích bền vững cho tất cả các nước trong lưu vực.
+ Hoạt động vì sự phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước trong khu vực thông qua đối thoại và hợp tác.
+ Diễn đàn ngoại giao về nước để chính phủ bốn quốc gia thương lượng và chia sẻ những lợi ích chung về tài nguyên nước.
+ Đầu mối tri thức về quản lí lưu vực dựa trên các hướng dẫn, công cụ kĩ thuật và các số liệu khoa học.
+ Hợp tác với các nước ngoài khu vực để khai thác hiệu quả dòng chảy sông Mê Công.
3. Một số hoạt động của Uỷ hội sông Mê Công
Lời giải:
- Hoạt động bao trùm của MRC là đáp ứng nhu cầu, gìn giữ sự cân bằng nguồn nước với nhiều hoạt động. Cụ thể là:
+ Thông qua Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lí tổng hợp tài nguyên nước cho các giai đoạn và các Chiến lược ngành cho hầu hết các lĩnh vực hợp tác như: môi trường, thuỷ sản, lũ, hạn, thuỷ điện, giao thông đường thuỷ, biến đổi khí hậu.
+ Hoàn thành xây dựng bộ quy chế sử dụng nước, bao gồm 5 thủ tục là: trao đổi và chia sẻ thông tin số liệu; giám sát sử dụng nước; duy trì dòng chảy trên dòng chính; chất lượng nước và các hướng dẫn kĩ thuật để thực hiện.
+ Nâng cấp, mở rộng và hiện đại hoá hệ thống giám sát số lượng và chất lượng nước; giám sát nguồn lợi thuỷ sản, đa dạng sinh học và vận chuyển phù sa bùn cát trên dòng chính sông Mê Công.
+ Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan cho toàn lưu vực. Xây dựng bộ công cụ phân tích, đánh giá và lựa chọn các kịch bản phát triển của lưu vực.
+ Hoàn thành “Nghiên cứu chung về quản lí và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả tác động của các dự án thuỷ điện dòng chính” (giai đoạn 2015 - 2017).
+ Tăng cường tính tự chủ của MRC cả về tài chính và kĩ thuật thông qua chính sách tăng mức đóng góp hằng năm của các quốc gia thành viên.
+ Tăng cường đối thoại giữa các quốc gia thành viên MRC và giữa MRC với các đối tác đối thoại, đối tác phát triển, các cơ chế hợp tác vùng để tranh thủ nguồn lực và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
4. Vai trò của Việt Nam trong ủy hội sông Mê Công
Câu hỏi trang 10 Chuyên đề Địa Lí 11: Đọc thông tin, hãy xác định vai trò của Việt Nam trong MRC.
Lời giải:
♦ Việt Nam là thành viên tích cực, luôn chủ động đóng góp vào sự phát triển của MRC.
- Thứ nhất, tích cực thúc đẩy phát triển bền vững, hợp tác giữa các quốc gia thành viên và giữa MRC với các đối tác đối thoại, các sáng kiến vùng, các đối tác phát triển. Cụ thể là:
+ Đăng cai Hội nghị Cấp cao lần thứ hai của MRC với chủ đề “An ninh nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu của lưu vực sông Mê Công” vào tháng 4/2014.
+ Tổ chức phiên thảo luận về an ninh nguồn nước trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 vào tháng 7/2014.
+ Tổ chức hội thảo quốc tế trong khuôn khổ ASEM với chủ đề “Phối hợp hành động trong quản lí nguồn nước nhằm định hình Chương trình nghị sự sau năm 2015” vào tháng 6/2015.
+ Chủ động đưa nội dung hợp tác về nguồn nước thành một trong những lĩnh vực ưu tiên tại Cơ chế Hợp tác Mê Công - Lan Thương; thành lập Trung tâm Hợp tác tài nguyên nước Mê Công - Lan Thương...
- Thứ hai, trực tiếp trao đổi về các dự án thuỷ điện dòng chính sông Mê Công:
+ Việt Nam đã yêu cầu các quốc gia thượng lưu vực tuân thủ quy định của Hiệp định Mê Công năm 1995 và các văn bản liên quan.
+ Việt Nam đã phối hợp với các nước thành viên MRC đưa ra Tuyên bố về quá trình tham vấn trước đối với dự án thuỷ điện Pắc-beng trên sông Mê Công.
- Thứ ba, chủ động phối hợp triển khai các nghiên cứu đánh giá tác động của thuỷ điện dòng chính như:
+ “Nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thuỷ điện dòng chính Mê Công đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long” (hoàn thành cuối năm 2015);
+ “Nghiên cứu chung về phát triển và quản lí bền vững lưu vực sông Mê Công, bao gồm cả các tác động của thuỷ điện dòng chính” (hoàn thành cuối năm 2017),...
- Thứ tư, tham gia các công ước thế giới liên quan đến nguồn nước:
+ Việt Nam là nước đầu tiên trong MRC tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới vì các mục đích phi giao thông, thuỷ điện năm 1997.
+ Hiện nay, Việt Nam đang tích cực vận động các nước khác tham gia Công ước, góp phần tăng cường cơ chế pháp lí, tạo thuận lợi cho việc quản lí và phát triển bền vững nguồn nước sông Mê Công,
- Thứ năm, thúc đẩy sự hợp tác với các nước khác, đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.