Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu Lý thuyết Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay (Kết nối tri thức) Lịch sử 11 hay, ngắn gọn và bài tập tự luyện có lời giải chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững nội dung kiến thức từ đó dễ dàng làm các bài tập Lịch sử 11.
Lịch sử 11 (Kết nối tri thức) Bài 4: Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay
Bài giải Bài 4: Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay
A. Lý thuyết Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay
1. Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội sau Chiến tranh thế giới thứ hai
a) Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu
- Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít ở châu Âu đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các nhà nước dân chủ nhân dân và sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu (Ba Lan, Rumani, Hunggari, Tiệp Khắc, Anbani, Bungari, Cộng hòa Dân chủ Đức).
- Những thành tựu của Liên Xô sau Chiến tranh thế giới thứ hai là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội Đông Âu.
Lược đồ các nước Dân chủ nhân dân Đông Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai
- Quá trình phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu trải qua hai giai đoạn chính.
♦ Từ năm 1945 đến năm 1949: Sau khi thành lập chính quyền dân chủ nhân dân, các nước Đông Âu hoàn thành việc thực hiện những nhiệm vụ của cách mạng dân chủ nhân dân: tiến hành cải cách ruộng đất, quốc hữu hoá các nhà máy, xí nghiệp của tư bản, thực hiện các quyền tự do dân chủ.
♦ Từ năm 1949 đến giữa những năm 70:
+ Đây là giai đoạn phát triển của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu.
+ Với sự giúp đỡ của Liên Xô, sự nỗ lực của toàn thể nhân dân, các nước Đông Âu thực hiện công nghiệp hoá, điện khí hoá toàn quốc, phát triển nông nghiệp.... Từ những nước nghèo, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trở thành những quốc gia có nền công nghiệp, nông nghiệp phát triển.
b) Sự mở rộng của chủ nghĩa xã hội ở châu Á và khu vực Mỹ Latinh
* Sự mở rộng của chủ nghĩa xã hội ở châu Á
- Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á phát triển mạnh mẽ.
- Một số nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Lào sau khi giành được độc lập đã đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
+ Sau khi Trung Quốc hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập (1949) và lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi năm 1954, miền Bắc Việt Nam được giải phóng và đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau khi hoàn toàn giải phóng miền Nam (tháng 4/1975) và thực hiện thống nhất đất nước (năm 1976), cả nước Việt Nam tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
+ Tháng 12/1975, sau khi hoàn thành cách mạng giải phóng đất nước, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào chính thức thành lập và đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Việc các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đánh dấu sự mở rộng, tăng cường sức mạnh của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn cầu.
* Sự mở rộng chủ nghĩa xã hội ở khu vực Mỹ Latinh
- Sau thắng lợi của cách mạng Cuba năm 1959, nước Cộng hòa Cuba được thành lập.
- Từ năm 1961, Cuba bước vào thời kì xây dựng xã hội chủ nghĩa. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là chính sách cấm vận của Mỹ, nhưng nhân dân Cuba vẫn kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Quang cảnh một góc Thủ đô Lahabana của Cuba ngày nay
=> Như vậy, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa xã hội từ phạm vi một nước đã trở thành một hệ thống thế giới, trải dài từ châu Âu sang châu Á, lan tới vùng biển Caribê thuộc khu vực Mỹ Latinh. Các nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển và lớn mạnh, có vị trí quan trọng trên thế giới.
2. Nguyên nhân khủng hoảng, sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô
* Sự khủng hoảng, sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô
- Ở Đông Âu:
+ Từ nửa sau những năm 70, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu bắt đầu có sự suy giảm.
+ Từ những năm 80, các nước Đông Âu lâm vào thời kì suy thoái, khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Cuối những năm 80, chế độ chủ nghĩa xã hội tan rã ở các nước Đông Âu. Ở Đức, sau khi “Bức tường Béc-lin” sụp đổ (1989), việc thống nhất nước Đức được thực hiện với sự sáp nhập Cộng hoà Dân chủ Đức vào Cộng hoà Liên bang Đức (1990).
Bức tường Béc-lin bị sụp đổ (tháng 11/1989)
- Ở Liên Xô, sự thất bại của công cuộc cải tổ đã đẩy đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng. Tháng 12/1991, Nhà nước Liên bang Xô viết tan rã, chấm dứt chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sau 74 năm tồn tại.
* Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng, sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô
- Nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội Đông Âu và Liên Xô là tổng hợp của nhiều yếu tố. Trong đó, nguyên nhân cơ bản bao gồm:
+ Thứ nhất, do đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô và các nước Đông Âu mang tính chủ quan, duy ý chí; áp dụng máy móc mô hình kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp trong nhiều năm; chậm đổi mới cơ chế và hệ thống quản lí kinh tế.
+ Thứ hai, những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại không được áp dụng kịp thời vào sản xuất; năng suất lao động xã hội suy giảm dẫn tới tình trạng trì trệ kéo dài về kinh tế, sự sa sút, khủng hoảng lòng tin trong xã hội.
+ Thứ ba, quá trình cải cách, cải tổ phạm sai lầm nghiêm trọng về đường lối, cách thức tiến hành. Việc đổi mới chính trị đi trước quá trình cải tổ kinh tế, sự xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản khiến cho khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng, trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, sự tan rã của Liên Xô.
+ Thứ tư, hoạt động chống phá của các lực lượng thù địch ở trong nước và các thế lực bên ngoài góp phần làm gia tăng tình trạng bất ổn và rối loạn.
3. Chủ nghĩa xã hội từ năm 1991 đến nay
a) Khái quát về chủ nghĩa xã hội từ năm 1991 đến nay
- Từ năm 1991 đến nay, ở châu Á, các nước Trung Quốc, Việt Nam, Lào,... từng bước tiến hành cải cách, mở cửa, đổi mới, kiên định đi lên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa, đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội và các lĩnh vực khác.
+ Công cuộc đổi mới ở Việt Nam (bắt đầu từ năm 1986) đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Những thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
+ Từ năm 1986, Lào thực hiện đường lối đổi mới toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Sau hơn 35 năm đổi mới, nhân dân Lào giành được những thành tựu cơ bản, thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế, đồng thời tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế, xã hội.
- Ở khu vực Mỹ Latinh, từ năm 1991, mặc dù phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là lệnh cấm vận kéo dài của Mỹ và phương Tây, Cuba vẫn quyết tâm đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện cải cách kinh tế và đạt được những thành tựu quan trọng.
- Những thành tựu của công cuộc đổi mới, cải cách ở các nước châu Á, khu vực Mỹ Latinh là cơ sở vững chắc để chứng minh chủ nghĩa xã hội có sức sống, có triển vọng thực sự trên thế giới, đồng thời khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của thời đại.
b) Thành tựu chính của công cuộc cải cách - mở cửa ở Trung Quốc
- Từ tháng 12 - 1978, Trung Quốc thực hiện công cuộc cải cách - mở cửa, chuyển đổi thành công sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và đạt được thành tựu to lớn về kinh tế, xã hội.
- Về kinh tế:
+ Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng từ 367,9 tỉ nhân dân tệ (1978) lên 114 nghìn tỉ nhân dân tệ (2021).
+ Bình quân tăng trưởng hàng năm là 9,5% (1980 - 2017), vượt xa mức trung bình thế giới là 2,9%.
+ Quy mô GDP từ vị trí thứ tám thế giới (trong thập kỉ 80), vươn lên vị trí thứ hai thế giới (từ năm 2010).
Đặc khu kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc hiện nay
- Về khoa học - công nghệ: Trung Quốc đạt được những thành tựu nổi bật như:
+ Phát triển ngành hàng không vũ trụ (phóng được tàu Thần Châu vào không gian);
+ Xây dựng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, hệ thống đường sắt cao tốc;
+ Phát triển hạ tầng kĩ thuật số, các trung tâm dữ liệu hiện đại.
+ Đặc biệt, Trung Quốc đạt được những tiến bộ vượt bậc trong các lĩnh vực công nghệ mới như: công nghệ thông tin - viễn thông thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học,...
- Về văn hoá - giáo dục:
+ Thực hiện cải cách giáo dục toàn diện, nâng cao vị trí của nền giáo dục trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc xây dựng và hiện đại hoá đất nước.
+ Trung Quốc đã thực hiện kế hoạch quốc gia trung hạn và dài hạn về cải cách giáo dục và phát triển (2010 - 2020) với mục tiêu phát triển Trung Quốc trở thành một trong số những cường quốc đổi mới sáng tạo hàng đầu trên thế giới.
- Về xã hội, Trung Quốc đạt được những bước tiến cơ bản trong việc giải quyết những vấn đề xã hội như: xóa đói giảm nghèo; thực hiện chính sách an sinh xã hội,…
=> Nhận xét: những thành tựu trong công cuộc cải cách - mở cửa cho thấy sự đúng đắn của con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.
B. Bài tập Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay
Câu 1. Hiện nay, quốc gia nào ở châu Á đi theo con đường xã hội chủ nghĩa?
A. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
B. Cộng hòa In-đô-nê-xi-a.
C. Đại Hàn Dân Quốc.
D. Nhật Bản.
Đáp án đúng là: A
Một số quốc gia châu Á đi theo con đường xã hội chủ nghĩa là: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào…
Câu 2. Quốc gia nào dưới đây không đi theo con đường xã hội chủ nghĩa?
A. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
B. Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
C. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
D. Đại Hàn Dân Quốc.
Đáp án đúng là: D
Một số quốc gia châu Á đi theo con đường xã hội chủ nghĩa là: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào…
Câu 3. Từ năm 1961, Cu-ba
A. bước vào thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội.
B. phá bỏ được sự bao vây, cấm vận của Mĩ.
C. bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mĩ.
D. tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.
Đáp án đúng là: A
Từ năm 1961, Cuba bước vào thời kì xây dựng xã hội chủ nghĩa. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là chính sách cấm vận của Mỹ, nhưng nhân dân Cuba vẫn kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Câu 4. Từ nửa cuối những năm 70 -đầu những năm 80 của thế kỉ XX, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô
A. bước vào giai đoạn phát triển đỉnh cao.
B. ra đời và bước đầu đạt được nhiều thành tựu.
C. lâm vào suy thoái, khủng hoảng trên nhiều lĩnh vực.
D. tiến hành cải cách, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.
Đáp án đúng là: C
Từ nửa sau những năm 70 của thế kỉ XX, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô lâm vào suy thoái, khủng hoảng trên nhiều lĩnh vực.
Câu 5. Chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Liên Xô vào thời gian nào?
A. 1990.
B. 1991.
C. 1992.
D. 1993.
Đáp án đúng là: B
Ở Liên Xô, sự thất bại của công cuộc cải tổ đã đẩy đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng. Tháng 12/1991, Nhà nước Liên bang Xô viết tan rã, chấm dứt chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sau 74 năm tồn tại.
Câu 6. Nội dung nào dưới đây không phản ánh đúng nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô?
A. Phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện cải cách, cải tổ.
B. Chế độ xã hội chủ nghĩa không phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
C. Không bắt kịp sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học -công nghệ.
D. Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.
Đáp án đúng là: B
Nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội Đông Âu và Liên Xô là tổng hợp của nhiều yếu tố. Trong đó, nguyên nhân cơ bản bao gồm:
- Nguyên nhân chủ quan:
+ Đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô và các nước Đông Âu mang tính chủ quan, duy ý chí; áp dụng máy móc mô hình kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp trong nhiều năm; chậm đổi mới cơ chế và hệ thống quản lí kinh tế.
+ Những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại không được áp dụng kịp thời vào sản xuất; năng suất lao động xã hội suy giảm dẫn tới tình trạng trì trệ kéo dài về kinh tế, sự sa sút, khủng hoảng lòng tin trong xã hội.
+ Quá trình cải cách, cải tổ phạm sai lầm nghiêm trọng về đường lối, cách thức tiến hành.
- Nguyên nhân khách quan: hoạt động chống phá của các lực lượng thù địch ở trong nước và các thế lực bên ngoài góp phần làm gia tăng tình trạng bất ổn và rối loạn.
Câu 7. Nội dung nào dưới đây không phản ánh đúng những bài học kinh nghiệm được rút ra từ sự sụp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu?
A. Cảnh giác trước âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch.
B. Coi trọng việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học -công nghệ.
C. Lấy cải tổ về chính trị - tư tưởng làm trọng tâm của công cuộc đổi mới đất nước.
D. Thực hiện đường lối lãnh đạo đúng đắn, phù hợp với tình hình đất nước và thế giới.
Đáp án đúng là: A
- Mội số bài học kinh nghiệm được rút ra từ sự sụp của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu:
+ Cảnh giác trước âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch.
+ Coi trọng việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học -công nghệ.
+ Thực hiện đường lối lãnh đạo đúng đắn, phù hợp với tình hình đất nước và thế giới.
Câu 8. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội từ sau năm 1991 tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh ở những quốc gia nào sau đây?
A. Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cu-ba.
B. Trung Quốc, Nga, Việt Nam, Lào.
C. Hàn Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Cu-ba.
D. Lào, Cu-ba, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đáp án đúng là: A
Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội từ sau năm 1991 tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh ở một số quốc gia, như: Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cu-ba.
Câu 9. Từ năm 1978 đến nay, Trung Quốc
A. tiến hành công cuộc cải cách mở cửa.
B. tiến hành cuộc Cách mạng Văn hóa vô sản.
C. thực hiện đường lối Ba ngọn cờ hồng.
D. lâm vào suy thoái, khủng hoảng nghiêm trọng.
Đáp án đúng là: A
Từ năm 1978 đến nay, Trung Quốc đã và đang tiến hành công cuộc cải cách mở cửa.
Câu 10. Từ năm 1986 đến nay, Lào
A. thực hiện đường lối đổi mới toàn diện.
B. đấu tranh chống lại sự cấm vận của Mĩ.
C. lâm vào suy thoái, khủng hoảng nghiêm trọng.
D. bước vào thời kì xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
Đáp án đúng là: A
Từ năm 1986, Lào thực hiện đường lối đổi mới toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Sau hơn 35 năm đổi mới, nhân dân Lào giành được những thành tựu cơ bản, thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế, đồng thời tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế, xã hội.
Câu 11. Trọng tâm trong đường lối đổi mới ở Việt Nam (từ năm 1986) là
A. cải tổ chính trị.
B. phát triển kinh tế.
C. đổi mới văn hóa.
D. đổi mới hệ tư tưởng.
Đáp án đúng là: B
Trọng tâm trong đường lối đổi mới ở Việt Nam (từ năm 1986) là phát triển kinh tế.
Câu 12. Thành tựu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cu-ba từ năm 1991 đã chứng minh
A. sức sống của chủ nghĩa xã hội trong một thế giới có nhiều biến động.
B. chủ nghĩa tư bản không còn là một hệ thống duy nhất trên thế giới.
C. chủ nghĩa xã hội ngày càng phát triển và mở rộng về không gian địa lí.
D. chủ nghĩa xã hội đã trở thành một hệ thống trên phạm vi thế giới.
Đáp án đúng là: A
Thành tựu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cu-ba từ năm 1991 đã chứng minh sức sống của chủ nghĩa xã hội trong một thế giới có nhiều biến động.
Câu 13. Những thành tựu của công cuộc đổi mới, cải cách ở các nước châu Á, khu vực Mỹ La-tinh là cơ sở để khẳng định
A. con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
B. chủ nghĩa xã hội ngày càng phát triển và mở rộng về không gian địa lí.
C. chủ nghĩa tư bản không còn là một hệ thống duy nhất trên thế giới.
D. chủ nghĩa xã hội đã trở thành một hệ thống trên phạm vi thế giới.
Đáp án đúng là: A
Những thành tựu của công cuộc đổi mới, cải cách ở các nước châu Á, khu vực Mỹ Latinh là cơ sở vững chắc để chứng minh chủ nghĩa xã hội có sức sống, có triển vọng thực sự trên thế giới, đồng thời khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của thời đại.
Câu 14. Tình hình thế giới và trong nước từ cuối những năm 70 của thế kỉ XX đặt ra yêu cầu cấp bách nào đối với Trung Quốc?
A. Hoàn thành tập thể hóa nông nghiệp.
B. Tập trung phát triển công nghiệp nặng.
C. Hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
D. Tiến hành công cuộc cải cách đất nước.
Đáp án đúng là: D
♦ Phân tích tình hình thế giới và Trung Quốc:
- Thế giới:
+ Cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973, đã gây những ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, chính trị, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Để thích nghi với hoàn cảnh, thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, suy yếu và trì trệ, các nước tư bản phát triển như : Mĩ, Anh, Pháp... đã nhanh chóng thực hiện những điều chỉnh chiến lược về kinh tế -chính trị - xã hội...
+ Từ cuối thập niên 70 của thế kỉ XX, nền kinh tế Liên Xô bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu của sự suy giảm.
+ Từ giữa thập niên 70 của thế kỉ XX, những phát triển phi thường của cuộc cách mạng khoa học -kĩ thuật do hệ thống tư bản chủ nghĩa tiến hành đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các quốc gia, nhưng cũng đồng thời đòi hỏi các nước phải tiến hành mở cửa, giao lưu hợp tác với nhau; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ khoa học -kĩ thuật vào sản xuất và kinh doanh, biến khoa học -kĩ thuật trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp của nền kinh tế.
+ Sự phát triển với nhịp độ nhanh của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á tiêu biểu như: Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapo... → đã kích thích Trung Quốc phải tiến hành cải cách, đổi mới để không bị tụt hậu trong xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới.
- Trung Quốc: những sai lầm trong đường lối chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 20 năm (1959 - 1978) mà đỉnh cao là cuộc “Đại cách mạng văn hóa vô sản” đã kéo lùi sự phát triển của Trung Quốc lại hàng chục năm và đưa chế độ xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc tới sát bờ vực của sự sụp đổ.
♦ Kết luận: đối mặt với cuộc khủng hoảng sâu sắc và toàn diện của đất nước, lại chịu sự tác động của nhiều nhân tố quốc tế, Đảng và nhà nước Trung Quốc đã buộc phải tiến hành cải cách để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, để tiếp tục tồn tại và phát triển.
Câu 15. Từ khi tiến hành cải cách -mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc có điểm gì mới so với giai đoạn 1949 -1978?
A. Nhà nước nắm độc quyền trong các hoạt động sản xuất và điều tiết nền kinh tế.
B. Cơ chế quản lí bao cấp, hàng hóa được phân phối theo chế độ tem phiếu.
C. Kinh tế tư nhân bị xóa bỏ, kinh tế Nhà nước được tăng cường, củng cố.
D.Nền kinh tế hàng hóa vận động theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đáp án đúng là: D
Khi tiến hành cải cách -mở cửa, Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã chủ trương xây dựng nền kinh tế hành hóa nhiều thành phần vận động theo định hướng XHCN để thay cho nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp do nhà nước nắm độc quyền về mọi mặt (được thực hiện trong giai đoạn 1949 -1978).
Câu 16. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng thành tựu mà nhân dân Trung Quốc đạt được trong công cuộc cải cách mở cửa (từ năm 1978 đến nay)?
A. Xây dựng được hệ thống lí luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
B. Xây dựng được nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp.
C. Trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới có tàu đưa con người bay vào vũ trụ.
D. Vai trò và vị thế quốc tế của Trung Quốc ngày càng được nâng cao.
Đáp án đúng là: B
- Trong công cuộc cải cách mở cửa (từ năm 1978 đến nay), Đảng và nhà nước Trung Quốc chủ trương: xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp; chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Câu 17. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng thành tựu mà nhân dân Trung Quốc đạt được trong công cuộc cải cách mở cửa (từ năm 1978 đến nay)?
A. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao.
B. Xây dựng được nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp.
C. Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới.
D. Nền giáo dục quốc dân phát triển mạnh trên quy mô lớn và có nhiều tiến bộ.
Đáp án đúng là: B
- Trong công cuộc cải cách mở cửa (từ năm 1978 đến nay), Đảng và nhà nước Trung Quốc chủ trương: xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp; chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Câu 18. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng ý nghĩa của công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc (từ năm 1978 đến nay?
A. Chứng tỏ sức sống của chủ nghĩa xã hội.
B. Nâng cao vị thế quốc tế của Trung Quốc.
C. Để lại nhiều kinh nghiệm cho các nước khác.
D. Củng cố tiềm lực cho hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Đáp án đúng là: D
- Những thành tựu trong công cuộc cải cách mở cửa đã khẳng định đường lối cải cách, mở cửa của Đảng Cộng sản Trung Quốc là đúng đắn; nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, đồng thời chứng tỏ sức sống của chủ nghĩa xã hội.
- Những thành tựu trong công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các nước xã hội chủ nghĩa khác, trong đó có Việt Nam.
Câu 19. Nội dung nào không phản ánh đúng đường lối trong công cuộc cải cách -mở cửa ở Trung Quốc (từ 1978 -nay)?
A. Lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm.
B. Xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
C. Lấy cải tổ chính trị làm trọng tâm.
D. Xóa bỏ cơ chế kế hoạch quá, quan liêu, bao cấp.
Đáp án đúng là: C
- Nội dung cơ bản trong đường lối cải cách mở cửa ở Trung Quốc: lấy phát triển kinh tế làm trung tâm, tiến hành cải cách mở cửa, chuyển nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa linh hoạt hơn nhằm hiện đại hoá và xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, với mục tiêu đưa Trung Quốc thành quốc gia giàu mạnh, dân chủ và văn minh.
Câu 20. Những thành tựu của công cuộc đổi mới, cải cách ở các nước châu Á, khu vực Mỹ La-tinh là cơ sở vững chắc để chứng minh
A. chủ nghĩa xã hội có sức sống, có triển vọng thực sự trên thế giới.
B. chủ nghĩa tư bản không còn là một hệ thống duy nhất trên thế giới.
C. chủ nghĩa xã hội ngày càng phát triển và mở rộng về không gian địa lí.
D. chủ nghĩa xã hội đã trở thành một hệ thống trên phạm vi thế giới.
Đáp án đúng là: A
Những thành tựu của công cuộc đổi mới, cải cách ở các nước châu Á, khu vực Mỹ Latinh là cơ sở vững chắc để chứng minh chủ nghĩa xã hội có sức sống, có triển vọng thực sự trên thế giới, đồng thời khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của thời đại.
Câu 21. Trong những năm 1944 -1945, điều kiện khách quan thuận lợi nào đã thúc đẩy nhân dân các nước Đông Âu nổi dậy giành chính quyền, thành lập nhà nước dân chủ nhân dân?
A. Phát xít Đức chuyển hướng tấn công sang đánh chiếm các nước ở Bắc Âu và Tây Âu.
B. Sự viện trợ về mọi mặt của các nước xã hội chủ nghĩa như: Liên Xô, Trung Quốc,…
C. Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít ở châu Âu.
D. Phe Đồng minh suy yếu, liên tục thất bại và buộc phải rút khỏi mặt trận Đông Âu.
Đáp án đúng là: C
- Trong những năm 1944 -1945, thắng lợi của Hồng quân Liên Xô trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít ở châu Âu đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các nhà nước dân chủ nhân dân và sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu (Ba Lan, Rumani, Hunggari, Tiệp Khắc, Anbani, Bungari, Cộng hòa Dân chủ Đức…).
Câu 22. Trước năm 1945, quốc gia duy nhất trên thế giới đi theo con đường xã hội chủ nghĩa là
A. Liên Xô.
B. Trung Quốc.
C. Việt Nam.
D. Cu-ba.
Đáp án đúng là: A
Trước năm 1945, Liên Xô là quốc gia duy nhất trên thế giới đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Câu 23. Trong những năm 1945 -1949, các nước Đông Âu đã hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân thông qua việc tiến hành nhiều chính sách tiến bộ, ngoại trừ việc
A. tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
B. quốc hữu hóa các nhà máy, xí nghiệp của tư bản.
C. ban hành các quyền tự do, dân chủ.
D. cải cách ruộng đất.
Đáp án đúng là: As
- Từ năm 1945 đến năm 1949, sau khi thành lập chính quyền dân chủ nhân dân, các nước Đông Âu hoàn thành việc thực hiện những nhiệm vụ của cách mạng dân chủ nhân dân: tiến hành cải cách ruộng đất, quốc hữu hoá các nhà máy, xí nghiệp của tư bản, thực hiện các quyền tự do dân chủ….
Câu 24. Từ năm 1949 đến nửa đầu những năm 70 của thế kỉ XX, các nước Đông Âu
A. đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.
B. thực hiện những nhiệm vụ của cách mạng dân chủ nhân dân.
C. lâm vào suy thoái, khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng.
D. tiến hành cải cách để đưa đất nước thoái khỏi khủng hoảng.
Đáp án đúng là: A
Từ năm 1949 đến nửa đầu những năm 70 của thế kỉ XX, với sự giúp đỡ của Liên Xô, sự nỗ lực của toàn thể nhân dân, các nước Đông Âu đã đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, như: thực hiện công nghiệp hoá, điện khí hoá toàn quốc, phát triển nông nghiệp.... Từ những nước nghèo, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trở thành những quốc gia có nền công nghiệp, nông nghiệp phát triển.
Câu 25. Năm 1949, Trung Quốc đã
A. lâm vào suy thoái, khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế - xã hội.
B. lựa chọn con đường phát triển đất nước theo hướng tư bản chủ nghĩa.
C. tiến hành cải cách mở cửa để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.
D. hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Đáp án đúng là: D
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, năm 1949, Trung Quốc đã hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, kết thúc thời kì nô dịch và thống trị của đế quốc, xóa bỏ tàn dư phong kiến. Ngày 1/10/1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời và lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Xem thêm Lý thuyết các bài Lịch sử 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Bài 3: Sự hình thành Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết
Lý thuyết Bài 5: Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á
Lý thuyết Bài 6: Hành trình đi đến độc lập dân tộc ở Đông Nam Á
Lý thuyết Bài 7: Khái quát về chiến tranh bảo vệ tổ quốc trong lịch sử Việt Nam
Lý thuyết Bài 8: Một số cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng trong lịch sử Việt Nam
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.