Lý thuyết Địa lí 11 (Chân trời sáng tạo) Bài 3: Toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế

648

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu Lý thuyết Toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế (Chân trời sáng tạo) Địa lí 11 hay, ngắn gọn và bài tập tự luyện có lời giải chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững nội dung kiến thức từ đó dễ dàng làm các bài tập Địa lí 11.

Lý thuyết Địa lí 11 (Chân trời sáng tạo) Bài 3: Toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế

Bài giải Bài 3: Toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế

A. Lý thuyết Địa lí 11 Bài 3: Thực hành: Toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế

I. TOÀN CẦU HÓA KINH TẾ

- Toàn cầu hóa là sự gia tăng nhanh chóng các hoạt động kinh tế vượt qua mọi biên giới quốc gia và khu vực, tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế trong sự vận động, phát triển, hướng tới một nền kinh tế hội nhập và thống nhất.

1. Biểu hiện của toàn cầu hóa kinh tế

a) Thương mại thế giới phát triển

- Tốc độ tăng trưởng của thương mại ngày càng nhanh và luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Sự ra đời và hoạt động hiệu quả của Tổ chức Thương mại thế giới đã thúc đẩy tự do thương mại làm nền kinh tế thế giới được phát triển năng động.

- Hoạt động thương mại trên thế giới ngày càng được tự do hơn thông qua việc: cắt giảm thuế quan; tiến tới bãi bỏ các chi phí thuế quan; đảm bảo cạnh tranh công bằng và không phân biệt đối xử.

- Hợp tác song phương đa phương ngày càng trở nên phổ biến. Nhờ đó, hàng hóa, dịch vụ được lưu thông giữa các quốc gia nhanh chóng, thuận lợi thúc đẩy thương mại thế giới phát triển mạnh.

- Các tổ chức kinh tế, diễn đàn, như: Tổ chức Thương mại Thế giới, Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương,… ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Lý thuyết Địa Lí 11 Chân trời sáng tạo Bài 3: Toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế

b) Thị trường tài chính quốc tế mở rộng

- Toàn cầu hóa trong lĩnh vực tài chính:

+ Được biểu hiện qua các nội dung cơ bản như: tự do hóa lãi suất; tự do hóa tham gia các hoạt động ngân hàng và dịch vụ tài chính trên toàn thế giới, không phân biệt biên giới; tự do hóa việc di chuyển các nguồn vốn quốc tế….

+ Quá trình này diễn ra trên hệ thống nền tài chính quốc gia, hội nhập lẫn nhau, tác động mạnh mẽ.

- Các ngân hàng lớn của các quốc gia kết nối với nhau tạo nên một mạng lưới liên kết tài chính toàn cầu. Một số tổ chức như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Nhóm Ngân hàng Thế giới,… ngày càng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của toàn cầu cũng như kinh tế xã hội của các quốc gia.

c) Tăng cường vai trò của các công ty đa quốc gia

- Các công ty đa quốc là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa. Số lượng các công ty quốc gia và các chi nhánh không ngừng tăng lên, chiếm thị phần ngày càng cao trong nền kinh tế thế giới.

- Vai trò của các các công ty đa quốc gia:

+ Ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực như: tài chính, công nghệ, dịch vụ và lao động…. + Tác động mạnh mẽ đến việc hình thành và vận hành các chuỗi cung ứng toàn cầu.

+ Khai thác tốt hơn các lợi thế so sánh của các quốc gia, nhất là đối với các nước đang phát triển.

Lý thuyết Địa Lí 11 Chân trời sáng tạo Bài 3: Toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế

d) Gia tăng số lượng các tiêu chuẩn áp dụng toàn cầu

- Các tiêu chuẩn thống nhất về sản phẩm, quản lý quá trình, cung cấp dịch vụ. …ngày càng được áp dụng nhiều trên các lĩnh vực và phạm vi toàn cầu. Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế góp phần thúc đẩy phát triển thương mại toàn cầu.

- Các nước phát triển có hệ thống tiêu chuẩn cao hơn các nước đang phát triển. Trong quá trình hội nhập, các nước đang phát triển ngày càng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận thị trường quốc tế hiệu quả hơn.

2. Hệ quả và ảnh hưởng của toàn cầu hóa kinh tế đối với các nước trên thế giới

a) Hệ quả của toàn cầu hóa kinh tế

- Hệ quả tích cực:

+ Thúc đẩy sự hợp tác quốc tế, phát triển sản xuất, tăng trưởng nhanh kinh tế toàn cầu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

+ Tạo nhiều cơ hội học tập và giao lưu, tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại.

- Hệ quả tiêu cực:

+ Làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia.

+ Đặt các quốc gia đứng trước những thách thức như: giữ gìn bản sắc dân tộc, giá trị truyền thống,…

+ Gia tăng nguy cơ bị phụ thuộc, giảm tính tự chủ và nguy cơ tụt hậu đối với những quốc gia có nền kinh tế phát triển không bền vững.

b) Ảnh hưởng của toàn cầu hóa kinh tế đối với các nước trên thế giới: Toàn cầu hóa mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho các nước, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức với các nước phải vượt qua.

- Cơ hội: làm gia tăng nguồn lực phát triển kinh tế của các nước, như: vốn đầu tư, khoa học - công nghệ, thị trường….

- Thách thức:

+ Đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế với các nước như: xây dựng thương hiệu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp; hoàn thiện các thể chế để thích ứng với xu hướng hội nhập; nâng cao trình độ phát triển kinh tế….

+ Các vấn đề về xã hội và môi trường như: chênh lệch giàu nghèo, y tế, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu,… trở thành mối quan tâm chung của các quốc gia.

II. KHU VỰC HÓA KINH TẾ

1. Biểu hiện của khu vực hóa kinh tế

♦ Những quốc gia có nét tương đồng về địa lý, văn hóa, xã hội có chung mục tiêu, lợi ích phát triển sẽ liên kết với nhau thành các tổ chức liên kết đặc thù. Xu hướng này gọi là khu vực hóa kinh tế.

♦ Các biểu hiện của khu vực hóa kinh tế:

- Nhiều tổ chức liên kết kinh tế ở những cấp độ khác nhau đã được hình thành và ngày càng được mở rộng, hướng đến đảm bảo phát triển bền vững. Có các kiểu liên kết phổ biến, như:

+ Liên kết tam giác phát triển, ví dụ như: tam giác tăng trưởng Inđônêxia - Malaixia - Xingapo; Liên kết vùng Ma-xơ Rai-nơ giữa Bỉ - Đức - Hà Lan,…

+ Liên kết khu vực, ví dụ như: Liên minh châu Âu; Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Thị trường chung Nam Mỹ,…

+ Diễn đàn liên kết khu vực, ví dụ như: Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương; Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu,…

Lý thuyết Địa Lí 11 Chân trời sáng tạo Bài 3: Toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế

 

Hiện nay trên thế giới có khoảng 24 tổ chức liên kết kinh tế khu vực có quy mô lớn với những mức độ quan hệ khác nhau. Nhiều quốc gia đồng thời là thành viên của nhiều tổ chức liên kết kinh tế khu vực khác nhau.

- Trong các tổ chức liên kết kinh tế khu vực, ngày càng có nhiều hiệp định về kinh tế, chính trị, môi trường,… được kí kết. Thương mại nội vùng giữa các quốc gia trong cùng một khu vực ngày càng tăng.

2. Hệ quả và ý nghĩa của khu vực hóa kinh tế đối với các nước trên thế giới

a) Hệ quả của khu vực hóa kinh tế

- Hệ quả tích cực:

+ Tạo nên động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, tăng cường tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ giữa các quốc gia và các khu vực với nhau.

+ Lợi ích kinh tế của các nước thành viên được đảm bảo trong tổ chức khu vực.

+ Thúc đẩy quá trình mở cửa thị trường ở các quốc gia, tạo lập những thị trường khu vực rộng lớn, tạo nền tảng cho quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới.

- Hệ quả tiêu cực: xu hướng khu vực hóa kinh tế đặt ra không ít các vấn đề như: tính tự chủ kinh tế; vấn đề cạnh tranh giữa các khu vực,…

b) Ý nghĩa của khu vực hóa kinh tế đối với các nước trên thế giới

- Đối với mỗi quốc gia, việc tham gia vào các tổ chức khu vực có ý nghĩa quan trọng:

+ Góp phần tăng cường hợp tác, liên kết giữa các nước;

+ Tăng vị thế, vai trò của các quốc gia;

+ Phát huy năng lực quốc gia trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức khu vực;

+ Thúc đẩy tham gia vào toàn cầu hóa, thuận lợi.

B. Bài tập Địa lí 11 Bài 3: Thực hành: Toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế

Câu 1. Biểu hiện của thương mại thế giới phát triển mạnh là

A. mạng lưới liên kết tài chính toàn cầu mở rộng toàn thế giới.

B. đầu tư nước ngoài tăng rất nhanh, nhất là lĩnh vực dịch vụ.

C. vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới ngày càng lớn.

D. các công ty xuyên quốc gia hoạt động với phạm vi rộng.

Chọn C

Biểu hiện của thương mại thế giới phát triển mạnh là vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới ngày càng lớn, làm cho nền kinh tế thế giới phát triển năng động. Hoạt động thương mại trên thế giới ngày càng tự do hơn thông qua việc cắt giảm dần thuế quan; tiến tới loại bỏ hàng rào phi thuế quan; đảm bảo tính cạnh tranh công bằng và không phân biệt đối xử.

Câu 2. Biểu hiện về vai trò của các công ty xuyên quốc gia là

A. mạng lưới liên kết tài chính toàn cầu mở rộng toàn thế giới.

B. đầu tư nước ngoài tăng rất nhanh, nhất là lĩnh vực dịch vụ.

C. vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới ngày càng lớn.

D. các công ty xuyên quốc gia hoạt động với phạm vi rộng.

Chọn D

Các công ty đa quốc gia là một trong những nhân tố thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa. Số lượng các công ty đa quốc gia và chi nhánh không ngừng tăng lên, chiếm thị phần ngày càng lớn trong nền kinh tế thế giới. Các công ty đa quốc gia có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực quan trọng như tài chính, công nghệ, dịch vụ và lao động.

Câu 3. Phát biểu nào sau đây không đúng với vai trò của các công ty xuyên quốc gia?

A. Hoạt động ở nhiều quốc gia khác nhau.

B. Sở hữu nguồn của cải vật chất rất lớn.

C. Chi phối nhiều ngành kinh tế quan trọng.

D. Phụ thuộc nhiều vào chính phủ các nước.

Chọn D

Các công ty đa quốc gia là một trong những nhân tố thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa. Số lượng các công ty đa quốc gia và chi nhánh không ngừng tăng lên, chiếm thị phần ngày càng lớn trong nền kinh tế thế giới. Các công ty đa quốc gia có sức ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực quan trọng như tài chính, công nghệ, dịch vụ và lao động -> Nhận định các công ty xuyên quốc gia phụ thuộc nhiều vào chính phủ các nước là không đúng.

Câu 4. Hệ quả tiêu cực của toàn cầu hoá kinh tế là

A. gia tăng nhanh khoảng cách giàu nghèo.

B. thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

C. tăng cường sự hợp tác quốc tế nhiều mặt.

D. đẩy nhanh đầu tư, làm sản xuất phát triển.

Chọn A

Quá trình toàn cầu hóa kinh tế có nhiều tác động tiêu cực, điển hình như quá trình này làm gia tăng sự phân hóa giàu nghèo; việc giữ gìn bản sắc dân tộc, giá trị truyền thống văn hóa là một thách thức đối với nhiều quốc gia. Trong điều kiện phát triển không bền vững, một nền kinh tế có thể trở nên bị phụ thuộc, giảm tính tự chủ, nguy cơ tụt hậu.

Câu 5. Hệ quả tích cực của khu vực hoá kinh tế không phải là

A. thúc đẩy sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.

B. tăng cường tự do hoá thương mại các nước trong khu vực.

C. góp phần bảo vệ lợi ích kinh tế các nước thành viên.

D. gia tăng sức ép tính tự chủ về quyền lực của mỗi nước.

Chọn D

Toàn cầu hóa thúc đẩy chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tăng trưởng nhanh kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển chuỗi liên kết toàn cầu. Toàn cầu hóa làm gia tăng mối liên hệ, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các quốc gia, khu vực, mở ra nhiều cơ hội để giao lưu, trao đổi, những thành tựu của khoa học kĩ thuật tiên tiến và công nghệ hiện đại -> Nhận định: gia tăng sức ép tính tự chủ về quyền lực của mỗi nước là mặt tiêu cực của toàn cầu hóa kinh tế.

Câu 6. Toàn cầu hoá là quá trình liên kết các quốc gia trên thế giới không phải về

A. kinh tế.

B. văn hoá.

C. khoa học.

D. chính trị.

Chọn D

Toàn cầu hóa là quá trình liên kết các quốc gia trên thế giới về nhiều mặt, từ kinh tế đến văn hóa, khoa học,... Trong đó, toàn cầu hóa kinh tế có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của nền kinh tế - xã hội thế giới.

Câu 7. Biểu hiện nào sau đây không phải của toàn cầu hoá kinh tế?

A. Thương mại thế giới phát triển nhanh.

B. Tăng vai trò của các công ty đa quốc gia.

C. Các quốc gia gần nhau lập một khu vực.

D. Phát triển các hệ thống tài chính quốc tế.

Chọn C

Biểu hiện của toàn cầu hóa kinh tế là

- Tăng nhanh thương mại quốc tế, thúc đẩy thương mại tự do.

- Phát triển các hệ thống tài chính quốc tế.

- Tăng cường vai trò của các công ty đa quốc gia.

- Gia tăng số lượng các tiêu chuẩn áp dụng toàn cầu.

Câu 8. Điểm nào sau đây không thể hiện mặt tích cực của toàn cầu hoá kinh tế?

A. Làm gia tăng nhanh khoảng cách giàu nghèo trên thế giới.

B. Đẩy nhanh đầu tư và khai thác triệt để khoa học, công nghệ.

C. Thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

D. Tăng cường sự hợp tác về kinh tế, văn hoá giữa các nước.

Chọn A

Toàn cầu hóa kinh tế đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế của các nước như: xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng cơ cấu kinh tế phù hợp, hoàn thiện các thể chế để phù hợp với xu hướng hội nhập, nâng cao trình độ phát triển kinh tế. Các vấn đề xã hội và môi trường như chênh lệch giàu nghèo, y tế, việc làm, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu,... trở thành mối quan tâm chung của các quốc gia.

Câu 9. Các hoạt động nào sau đây hiện nay thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài?

A. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

B. Nông nghiệp, thủy lợi, giáo dục.

C. Văn hoá, giáo dục, công nghiệp.

D. Du lịch, công nghiệp, giáo dục.

Chọn A

Các hoạt động thu hút vốn đầu tư mạnh từ nước ngoài là tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

Câu 10. Biểu hiện của thị trường tài chính quốc tế mở rộng là

A. mạng lưới liên kết tài chính toàn cầu mở rộng toàn thế giới.

B. đầu tư nước ngoài tăng rất nhanh, nhất là lĩnh vực dịch vụ.

C. vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới ngày càng lớn.

D. các công ty xuyên quốc gia hoạt động với phạm vi rộng.

Chọn A

Biểu hiện của thị trường tài chính quốc tế mở rộng là mạng lưới liên kết tài chính toàn cầu ngày càng mở rộng toàn thế giới,không phân biệt biên giới; tự do hóa việc di chuyển của các luồng vốn quốc tế;... Quá trình này dẫn đến hệ thống các nền tài chính quốc gia hội nhập và tác động lẫn nhau ngày càng mạnh mẽ.

Câu 11. Hệ quả nào sau đây không phải là của khu vực hóa kinh tế?

A. Tăng cường quá trình toàn cầu hóa về kinh tế.

B. Gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các nước.

C. Động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế.

D. Tăng cường tự do hóa thương mại, đầu tư dịch vụ.

Chọn B

Các tổ chức liên kết kinh tế khu vực tạo nên động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, tăng cường tự do hóa thương mại, đầu tư dịch vụ giữa các quốc gia và giữa các khu vực với nhau.

Câu 12. Biểu hiện nào sau đây không đúng với vai trò của các công ti đa quốc gia?

A. Có hơn 80 nghìn công ti đa quốc gia khác nhau.

B. Chiếm khoảng 30% tổng giá trị GDP của thế giới.

C. Thị trường tài chính quốc tế ngày càng mở rộng.

D. Chiếm khoảng 2/3 trong buôn bán của quốc tế.

Chọn C

Hiện nay, trên toàn thế giới có trên 60 nghìn công ti xuyên quốc gia với khoảng 500 nghìn chi nhánh, chiếm 30% tổng giá trị GDP toàn thế giới, 2/3 buôn bán quốc tế, hơn 70% đầu tư trực tiếp và trên 70% việc chuyển giao công nghệ - khoa học kĩ thuật trên phạm vi thế giới.

Câu 13. Nhân tố nào thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ?

A. Sự gia tăng nhanh dân số thế giới và hàng hóa.

B. Nhu cầu hàng hóa tăng nhanh, kích thích sản xuất.

C. Sự phát triển của khoa học, công nghệ hiện đại.

D. Sự ra đời của các công ty xuyên quốc gia.

Chọn C

Toàn cầu hóa kinh tế là quá trình liên kết giữa các quốc gia về mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị,… Cơ sở để các nước tiếp cận và chủ động, tích cực hội nhập vào thế giới hiện đại, vì khoa học công nghệ là lực lượng thống trị trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Trong quan hệ giữa các quốc gia, các nước rất chú ý tới khoa học công nghệ và nhìn vào chính sách, thực lực khoa học công nghệ của mỗi nước để đánh giá quốc gia này sẽ đi về đâu, phát triển thế nào.

Câu 14. Toàn cầu hóa kinh tế và khu vực hóa kinh tế dẫn đến mối quan hệ kinh tế giữa các nước có chung đặc điểm nào sau đây?

A. Tăng cường thao túng thị trường các quốc gia khác nhau.

B. Tìm cách lũng đoạn về kinh tế của các nước trên thế giới.

C. Bảo vệ quyền lợi của quốc gia mình trên trường quốc tế.

D. Hợp tác, cạnh tranh, quan hệ song phương và đa phương.

Chọn D

oàn cầu hóa và khu vực hóa là quá trình liên kết giữa các quốc gia trên thế giới về nhiều mặt. Đó là sự hợp tác, trao đổi trong mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia, quan hệ đa phương giữa một quốc gia với nhiều quốc gia khác trong một môi trường chung. Bên cạnh những cơ hội hợp tác phát triển, toàn cầu hóa và khu vực hóa cũng đem lại nhiều thách thức, cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia trên trường quốc tế. Như vậy, toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế dẫn đến mối quan hệ kinh tế giữa các nước có chung đặc điểm là hợp tác, cạnh tranh, quan hệ song phương, đa phương.

Câu 15. Để có được sức cạnh tranh mạnh về kinh tế, các nước đang phát triển đã tiến hành điều nào sau đây?

A. Phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn.

B. Sản xuất sản phẩm chưa chế biến, giá rẻ.

C. Dỡ bỏ các hàng rào thuế quan nhập khẩu.

D. Chuyển giao khoa học công nghệ kĩ thuật.

Chọn A

Muốn có sức cạnh tranh kinh tế, các quốc gia phải xây dựng được tiềm lực kinh tế trong nước lớn mạnh, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa, khoa học công nghệ có tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn (công nghiệp hiện đại) sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao và năng suất lao động lớn. Các nước đang phát triển cần đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như: điện tử- tin học, năng lượng nguyên tử, hóa dầu, hàng không vũ trụ, công nghệ sinh học.

Xem thêm Lý thuyết các bài Địa lí 11 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 2: Thực hành: Tìm hiểu về kinh tế xã hội của các nhóm nước

Lý thuyết Bài 4: Thực hành: Tìm hiểu về toàn cầu hóa, khu vực hóa

Lý thuyết Bài 5: Một số tổ chức quốc tế và khu vực

Lý thuyết Bài 6: Một số vấn đề về an ninh toàn cầu

Lý thuyết Bài 7: Thực hành: Tìm hiểu nền kinh tế tri thức

Đánh giá

0

0 đánh giá