Toptailieu.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa lí lớp 11 Bài 7: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế khu vực Mỹ La - Tinh sách Cánh diều. Bài viết gồm 15 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa lí 11. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 7: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế khu vực Mỹ La - Tinh. Mời các bạn đón xem:
15 câu trắc nghiệm Địa lí 11 (Cánh diều) Bài 7: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế khu vực Mỹ La - Tinh
Phần 1. 15 câu trắc nghiệm Địa lí 11 Bài 7: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế khu vực Mỹ La - Tinh
Câu 1. Ở khu vực Mỹ Latinh có thuận lợi nào sau đây để phát triển chăn nuôi gia súc và phát triển cây ăn quả?
A. Đất đai đa dạng.
B. Khí hậu phân hóa.
C. Sơn nguyên rộng.
D. Địa hình núi cao.
Hướng dẫn giải
Chọn C
Các sơn nguyên: Mê-hi-cô, Bra-xin, Guy-a-na,... có diện tích đất đỏ ba-dan thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc.
Câu 2. Ở khu vực Mỹ Latinh không có sơn nguyên nào sau đây?
A. Mê-hi-cô.
B. Bra-xin.
C. Cô-lô-ra-đô.
D. Guy-a-na.
Hướng dẫn giải
Chọn C
Ở khu vực Mỹ Latinh có nhiều sơn nguyên rộng lớn, tiêu biểu như sơn nguyên Mê-hi-cô, Bra-xin, Guy-a-na,... Còn sơn nguyên Cô-lô-ra-đô nằm trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Câu 3. Các nước Mỹ Latinh hiện nay còn phụ thuộc nhiều nhất vào quốc gia nào sau đây?
A. Hoa Kì.
B. Đức.
C. Hà Lan.
D. Pháp.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Các nước Mỹ Latinh hiện nay còn phụ thuộc nhiều nhất vào Hoa Kì.
Câu 4. Mỹ Latinh có tỉ lệ dân cư đô thị cao do nguyên nhân chủ yếu nào sau đây?
A. Điều kiện sống ở các thành phố lớn rất thuận lợi.
B. Chiến tranh ở các vùng nông thôn xảy ra nhiều nơi.
C. Công nghiệp ở đô thị phát triển với tốc độ nhanh.
D. Dân nghèo không có ruộng kéo ra thành phố làm.
Hướng dẫn giải
Chọn D
Tỉ lệ dân đô thị của Mỹ La-tinh tương đối cao so với các khu vực khác của thế giới, nhất là với các nước đang phát triển. Nguyên nhân chủ yếu là do dân nghèo không có ruộng kéo ra thành phố làm. Đô thị hóa tự phát gây ra các hậu quả như thất nghiệp, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, vấn đề an ninh trật tự,...
Câu 5. Nhận định nào sau đây không đúng với đặc điểm dân cư, xã hội của Mỹ Latinh?
A. Số dân sống dưới mức nghèo khổ đông.
B. Chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn.
C. Đô thị hóa tự phát diển ra khá phổ biến.
D. Đa dân tộc, tỉ lệ dân theo đạo Hồi cao.
Hướng dẫn giải
Chọn D
Đặc điểm dân cư - xã hội của Mỹ Latinh là: Dân cư còn nghèo đói; thu nhập giữa người giàu và nghèo có sự chênh lệch rất lớn; dân nghèo không có ruộng kéo ra thành phố tìm việc làm đô thị hóa tự phát,…
Câu 6. Các sơn nguyên ở nước ta thuận lợi phát triển
A. trồng trọt và trồng cây lâm nghiệp.
B. lâm nghiệp và trồng cây lương thực.
C. chăn nuôi và trồng cây công nghiệp.
D. chăn nuôi và trồng cây lương thực.
Hướng dẫn giải
Chọn C
Các sơn nguyên có địa hình lượn sóng và tương đối bằng phẳng, như Mê-hi-cô, Bra-xin, Guy-a-na (Guyana) thuận lợi cho phát triển đồng cỏ để chăn nuôi và phát triển cây công nghiệp.
Câu 7. Ở khu vực Mỹ Latinh không có đồng bằng nào sau đây?
A. Đồng bằng La Pla-ta.
B. Đồng bằng A-ma-dôn.
C. Đồng bằng La-nốt.
D. Đồng bằng Trung tâm.
Hướng dẫn giải
Chọn D
Khu vực Mỹ Latinh đa dạng về địa hình và đất đai. Các đồng bằng rộng lớn và tương đối bằng phẳng như A-ma-dôn, La-nốt (Llanos), La Pla-ta (La Plata), Pam-pa (Pampa),... Còn đồng bằng Trung tâm là đồng bằng nằm ở Hoa Kỳ.
Câu 8. Khu vực nào sau đây ở Mỹ Latinh thường xảy ra động đất?
A. Vùng núi An-đét và đồng bằng La-nốt.
B. Vùng núi An-đét và quần đảo Ăng-ti.
C. Vùng biển Ca-ri-bê và quần đảo Ăng-ti.
D. Đồng bằng Pam-pa và quần đảo Ăng-ti.
Hướng dẫn giải
Chọn B
Vùng núi An-đét và quần đảo Ăng-ti (Antilles) thường bị ảnh hưởng bởi các trận động đất, gây thiệt hại về người và tài sản. Ngoài động đất, khu vực này còn xảy ra núi lửa và nhiều thiên tai khác (bão nhiệt đới, lũ lụt, sạt lở đất,…).
Câu 9. Các dạng địa hình nào sau đây chiếm phần lớn diện tích khu vực Mỹ Latinh?
A. Đồng bằng và sơn nguyên.
B. Sơn nguyên và cao nguyên.
C. Cao nguyên và núi thấp.
D. Núi cao và đồi trung du.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Các đồng bằng và sơn nguyên chiếm phần lớn diện tích khu vực. Các đồng bằng có đất đai màu mỡ thuận lợi cho phát triển cây lương thực, cây thực phẩm và chăn nuôi như: A-ma-dôn, La Pla-ta, Pam-pa... Các sơn nguyên: Mê-hi-cô, Bra-xin, Guy-a-na,... có diện tích đất đỏ ba-dan thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc.
Câu 10. Ở khu vực Mỹ Latinh có thuận lợi nào sau đây để phát triển cây lương thực và thực phẩm?
A. Đất đai đa dạng và màu mỡ.
B. Khí hậu phân hóa khá đa dạng.
C. Nhiều cao nguyên rộng lớn.
D. Mạng lưới sông ngòi dày đặc.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Các đồng bằng và sơn nguyên chiếm phần lớn diện tích khu vực. Các đồng bằng có đất đai màu mỡ thuận lợi cho phát triển cây lương thực, cây thực phẩm và chăn nuôi như: A-ma-dôn, La Pla-ta, Pam-pa... Các sơn nguyên: Mê-hi-cô, Bra-xin, Guy-a-na,... có diện tích đất đỏ ba-dan thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc.
Câu 11. Ở Mỹ Latinh, rừng rậm xích đạo và nhiệt đới ẩm tập trung chủ yếu ở vùng nào sau đây?
A. Đồng bằng A-ma-dôn.
B. Vùng núi An-đét.
C. Đồng bằng La Pla-ta.
D. Đồng bằng Pam-pa.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Ở Mỹ Latinh, rừng rậm xích đạo và nhiệt đới ẩm tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng A-ma-dôn. Giới động vật Mỹ La-tinh rất phong phú, có nhiều loài đặc hữu như thú ăn kiến, cá sấu Nam Mỹ, vẹt, lạc đà Nam Mỹ (La-ma),...
Câu 12. Khu vực Mỹ La-tinh có diện tích khoảng
A. 21 triệu km2.
B. 22 triệu km2.
C. 20 triệu km2.
D. 23 triệu km2.
Hướng dẫn giải
Chọn C
Khu vực Mỹ La-tinh có diện tích khoảng 20 triệu km2; bao gồm: Mê-hi-cô, eo đất Trung Mỹ, các đảo và quần đảo trong vùng biển Ca-ri-bê, toàn bộ lục địa Nam Mỹ.
Câu 13. Khu vực Mỹ La-tinh không có bộ phận nào sau đây?
A. Eo đất Trung Mỹ.
B. Toàn bộ lục địa Nam Mỹ.
C. Mê-hi-cô.
D. Toàn bộ lục địa Bắc Mỹ.
Hướng dẫn giải
Chọn D
Khu vực Mỹ La-tinh có diện tích khoảng 20 triệu km2; bao gồm: Mê-hi-cô, eo đất Trung Mỹ, các đảo và quần đảo trong vùng biển Ca-ri-bê, toàn bộ lục địa Nam Mỹ.
Câu 14. Khu vực Mỹ La-tinh không tiếp giáp với đại dương nào sau đây?
A. Đại Tây Dương.
B. Bắc Băng Dương.
C. Nam Đại Dương.
D. Thái Bình Dương.
Hướng dẫn giải
Chọn B
Lãnh thổ Mỹ La-tinh trải dài từ khoảng vĩ độ 33°B đến gần vĩ độ 54°N, tiếp giáp với ba đại dương phía đông là Đại Tây Dương, phía tây là Thái Bình Dương và phía Nam là Nam Đại Dương.
Câu 15. Khu vực Mỹ La-tinh tiếp giáp với các đại dương nào sau đây?
A. Nam Đại Dương, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
B. Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương.
C. Bắc Băng Dương, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
D. Nam Đại Dương, Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương.
Hướng dẫn giải
Chọn A
Lãnh thổ Mỹ La-tinh trải dài từ khoảng vĩ độ 33°B đến gần vĩ độ 54°N, tiếp giáp với ba đại dương phía đông là Đại Tây Dương, phía tây là Thái Bình Dương và phía Nam là Nam Đại Dương.
Phần 2. Lý thuyết Địa lí 11 Bài 7: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế khu vực Mỹ La - Tinh
I. Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên
1. Vị trí địa lí
♦ Đặc điểm
- Phạm vi lãnh thổ:
+ Mỹ La-tinh là vùng lãnh thổ rộng lớn của châu Mỹ, diện tích đất khoảng 20 triệu km2.
+ Lãnh thổ khu vực bao gồm: Mê-hi-cô và eo đất Trung Mỹ; các đảo, quần đảo trong biển Ca-ri-bê; toàn bộ Nam Mỹ và một số đảo, quần đảo ngoài khơi của các quốc gia trong khu vực như: đảo Cô-cốt, quần đảo Ga-la-pa-gốt, đảo Phục Sinh,...
- Vị trí địa lí:
+ Mỹ La-tinh trải dài từ khoảng vĩ độ 33°B đến khoảng vĩ độ 54°N;
+ Phía bắc tiếp giáp với Hoa Kỳ; phía đông giáp với vịnh Mê-hi-cô, biển Ca-ri-bê và Đại Tây Dương; phía tây giáp với Thái Bình Dương và phía nam giáp Nam Đại Dương.
+ Nằm trên tuyến đường biển quan trọng từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương qua kênh đào Pa-na-ma.
+ Vùng ven biển phía tây của khu vực năm trong “vành đai lửa Thái Bình Dương”
♦ Ảnh hưởng
- Thuận lợi:
+ Tạo cho khu vực Mỹ La-tinh có thiên nhiên đa dạng, phân hóa rõ rệt;
+ Thuận lợi cho việc giao lưu, phát triển các ngành kinh tế biển, đa dạng các hoạt động sản xuất, phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới và tiếp thu các nền văn hóa từ bên ngoài.
- Hạn chế: vị trí địa lí cũng làm cho Mỹ La-tinh chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai như: núi lửa, động đất, sóng thần,....
2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
a) Địa hình và đất:
♦ Địa hình và đất của khu vực Mỹ La-tinh tương đối đa dạng.
- Các đồng bằng và sơn nguyên chiếm phần lớn diện tích khu vực:
+ Các đồng bằng có đất đai màu mỡ thuận lợi cho phát triển cây lương thực, cây thực phẩm và chăn nuôi như: A-ma-dôn, La-pla-ta, Pam-pa,...
+ Các sơn nguyên: Mê-xi-cô, Bra-xin, Guy-a-na,... có diện tích đất đỏ ba-dan thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc.
+ Các đảo lớn trong biển Ca-ri-bê có đồng bằng ven biển nhỏ, hẹp thuận lợi cho trồng cây công nghiệp và cây ăn quả.
- Các dãy núi trẻ cao, đồ sộ tập trung chủ yếu ở phía tây; chạy dọc từ Mê-hi-cô, Trung Mỹ và ven Thái Bình Dương.
- Do địa hình có sự phân hóa từ đông sang tây nên việc xây dựng các tuyến giao thông kết nối với khu vực đồng bằng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ở vùng núi có tiềm năng lớn về khoáng sản, thuỷ điện và phát triển du lịch.
b) Khí hậu:
- Do lãnh thổ rộng lớn và trải dài trên nhiều vĩ độ nên Mỹ La-tinh có nhiều đới và kiểu khí hậu khác nhau.
+ Đới khí hậu xích đạo và cận xích đạo ở quần đảo Ăng-ti, sơn nguyên Guy-a-na, đồng bằng La-nốt và phần lớn đồng bằng A-ma-dôn; có nhiệt độ cao quanh năm, lượng mưa lớn, thuận lợi cho phát triển ngành trồng trọt và lâm nghiệp.
+ Đới khí hậu nhiệt đới chiếm phần lớn eo đất Trung Mỹ và khu vực chí tuyến Nam ở lục địa Nam Mỹ; với đặc điểm nóng quanh năm, lượng mưa khá lớn và tăng dần từ tây sang đông, tạo điều kiện để chăn nuôi gia súc, cây công nghiệp, cây ăn quả nhiệt đới và rừng.
+ Đới khí hậu cận nhiệt chiếm diện tích nhỏ ở phía nam lục địa Nam Mỹ; có mùa hạ nóng và mùa đông ấm; ven biển phía đông có mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc, cây công nghiệp, cây ăn quả cận nhiệt và ôn đới.
- Một số nơi như hoang mạc A-ta-ca-ma có khí hậu khô hạn; đồng bằng A-ma-dôn có khí hậu ẩm ướt, các vùng núi cao có khí hậu khắc nghiệt, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân.
- Ngoài ra, ở khu vực Trung Mỹ và vùng biển Ca-ri-bê có một số thiên tai như: bão nhiệt đới, lũ lụt,... đã gây ra nhiều thiệt hại cho các quốc gia trong khu vực.
c) Sông, hồ:
- Sông:
+ Có nhiều hệ thống sông lớn. Các sông lớn trong khu vực là: A-ma-dôn, Pa-ra-na, Ô-ri-nô-cô, Pa-ra-goay,...
+ Sông có giá trị về thuỷ điện, giao thông, thuỷ sản và du lịch. Tuy nhiên, hằng năm trên các hệ thống sông thường xảy ra tình trạng lũ lụt nên đã gây khó khăn đến đời sống và sản xuất của người dân.
- Mỹ La-tinh có một số hồ như: Ni-ca-ra-gua, Ma Chi-qui-ta, Ti-ti-ca-ca. Các hồ có giá trị lớn về mặt giao thông, điều tiết nước và phát triển du lịch.
d) Biển:
- Mỹ La-tinh có vùng biển rộng lớn, bao gồm các biển thuộc Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, vịnh Mê-hi-cô và biển Ca-ri-bê.
- Vùng biển có nhiều tiềm năng để phát triển tổng hợp kinh tế biển.
+ Các ngư trường lớn thuộc các nước Pê-ru, Chi-lê, Ác-hen-ti-na, Bra-xin và vùng biển Ca-ri-bê tạo thuận lợi để phát triển nghề cá.
+ Dọc bờ biển có nhiều vũng, vịnh nước sâu, tạo điều kiện xây dựng và phát triển cảng biển, có nhiều bãi biển đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch.
+ Dầu mỏ và khí đốt ở thềm lục địa là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia.
- Tuy nhiên, hiện nay môi trường biển ở Mỹ La-tinh đang gặp phải một số vấn đề cần giải quyết như: khai thác thuỷ sản quá mức, ô nhiễm môi trường biển,...
e) Sinh vật:
- Mỹ La-tinh có diện tích rừng lớn nhất thế giới (khoảng 9,3 triệu km, chiếm 23,5% diện tích rừng trên thế giới) và có nhiều kiểu rừng khác nhau.
+ Rừng nhiệt đới ẩm phân bố chủ yếu ở Nam Mỹ.
+ Xa-van phân bố chủ yếu ở phía tây của Mê-hi-cô và eo Trung Mỹ.
+ Thảo nguyên phát triển mạnh ở đồng bằng Pam-pa.
- Tài nguyên rừng có tiềm năng rất lớn về kinh tế (cung cấp lâm sản, khai thác du lịch,...) và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do khai thác gỗ, lấy đất làm nông nghiệp, khai thác khoáng sản, cháy rừng... nên diện tích và độ che phủ rừng ở khu vực Mỹ La-tinh đang bị suy giảm nghiêm trọng.
- Khu vực này có hệ động vật phong phú với nhiều loại đặc hữu như: vẹt Nam Mỹ, trăn Nam Mỹ,...
g) Khoáng sản:
- Mỹ La-tinh có tài nguyên khoáng sản đa dạng, nhiều loại có trữ lượng lớn.
+ Sắt chiếm khoảng 24% trữ lượng của thế giới, phân bố chủ yếu ở Bra-xin, Vê-nê-du-ê-la…
+ Đồng chiếm khoảng 21% trữ lượng của thế giới, phân bố chủ yếu ở Chi-lê;
+ Dầu mỏ và khí đốt chiếm hơn 7% trữ lượng của thế giới, phân bố chủ yếu ở Vê-nê-xu-ê-la và vùng biển Ca-ri-bê.
+ Ngoài ra, Mỹ La-tinh còn có nhiều khoáng sản khác như: vàng, bạc, bô-xít, chì - kẽm, ni-ken, than,...).
- Khoáng sản là cơ sở quan trọng để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, cung cấp nguyên nhiên liệu cho các ngành công nghiệp khác và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc khai thác khoáng sản quá mức ở nhiều quốc gia đã làm cho nguồn tài nguyên này đang dần cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường.
II. Đô thị hóa và một số vấn đề về dân cư, xã hội
1. Đô thị hóa
- Đặc điểm
+ Mỹ La-tinh là khu vực có mức độ đô thị hóa cao trên thế giới. Tỉ lệ dân thành thị liên tục tăng. Năm 2020, tỉ lệ dân thành thị của khu vực là 80,1%.
+ Năm 2020, quốc gia có tỉ lệ dân thành thị cao nhất khu vực là U-ru-goay (95,5 %).
+ Ba đô thị đông dân bậc nhất khu vực (năm 2020) là: Bu-ê-nốt Ai-rét (15,2 triệu người), Mê-hi-cô Xi-ti (21,8 triệu người), Xao Pao-lô (22,0 triệu người).
- Ảnh hưởng:
+ Đô thị hóa tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, tiêu thụ khối lượng hàng hóa lớn, từng bước thay đổi bộ mặt đô thị, có sức hút đầu tư mạnh.
+ Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa không đi kèm với quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, dân cư thành thị tăng nhanh chủ yếu là sự di dân từ nông thôn ra thành phố và lịch sử nhập cư lâu dài. Điều này đã làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, nghèo đói, suy thoái môi trường ở các thành phố.
2. Dân cư
- Quy mô dân số:
+ Mỹ La-tinh là khu vực đông dân, đạt 652,3 triệu người vào năm 2020.
+ Quy mô dân số giữa các quốc gia có sự chênh lệch lớn. Bra-xin và Mê-hi-cô là những quốc gia đông dân nhất khu vực; Một số quốc gia và vùng lãnh thổ có số dân chỉ vài chục nghìn người như: Đô-mi-ni-ca-na, Xanh Kít và Nê-vít,...
- Cơ cấu dân số: khu vực Mỹ La-tinh có cơ cấu dân số trẻ. Năm 2020, số dân trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 67,2% tổng dân số. => Đây là nguồn lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhưng đồng thời cũng gây áp lực đối với vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.
- Thành phần dân cư:
+ Thành phần dân cư đa dạng như: người bản địa (người Anh-điêng), người có nguồn gốc châu Âu, người da đen gốc Phi, người gốc Á và người lai.
+ Sự đa dạng về thành phần dân cư đã tạo cho Mỹ La-tinh có một nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, là thế mạnh trong việc thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, đặc điểm này cũng gây ra những khó khăn nhất định như: sự bất đồng về ngôn ngữ, nguy cơ xung đột sắc tộc, tôn giáo,...
- Mật độ dân số: khoảng 33 người/km2 (năm 2020), nhưng phân bố không đều.
+ Dân cư tập trung đông đúc ở eo đất Trung Mỹ và các đảo trong vịnh Mê-hi-cô, vùng duyên hải ven Đại Tây Dương, hạ lưu các sông;
+ Dân cư thưa thớt ở các vùng núi cao, vùng đầm lầy và vùng khô hạn phía tây,...
+ Một số quốc gia như: Ác-hen-ti-na, Cô-lôm-bi-a, Mê-hi-cô, mặc dù có địa hình sơn nguyên, đồi núi nhưng vẫn có mật độ dân số khá cao.
=> Dân cư phân bố không đều đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng lao động, khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế của khu vực.
3. Xã hội
- Mỹ La-tinh có nền văn hóa độc đáo, được thành từ sự hòa quyện của các nền văn hóa địa và di cư.
+ Cư dân bản địa ở khu vực này là chủ nhân của nhiều nền văn hóa nổi tiếng như: May-a, In-ca, A-dơ-tếch,.. Các nền văn hóa phát triển đã để lại nhiều di tích lịch sử có giá trị lớn về nhân văn và giá trị du lịch.
+ Văn hóa lễ hội là nét đặc sắc của nền văn hóa Mỹ la-tinh.
- Những năm gần đây, chất lượng cuộc sống của người dân Mỹ La-tinh được tăng lên nhờ kinh tế của các quốc gia ngày càng phát triển. Nhìn chung, chỉ số HDI khu vực Mỹ La-tinh khá cao, có xu hướng tăng và khác nhau giữa các nước.
- Tuy nhiên, sự khác biệt trong phát triển kinh tế - xã hội và các tầng lớp xã hội đã dẫn tới tình trạng bất bình đẳng, xung đột xã hội xuất hiện ở một số quốc gia trong khu vực.
III. Kinh tế
1. Tình hình phát triển kinh tế
- Trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các nước Mỹ La-tinh hiện nay chủ yếu thuộc nhóm nước đang phát triển.
- GDP toàn khu vực còn thấp, năm 2020 đạt hơn 4700 tỉ USD, chiếm khoảng 6% GDP toàn thế giới. GDP giữa các quốc gia trong khu vực có sự chênh lệch rất lớn.
+ Bra-xin và Mê-hi-cô là hai quốc gia có quy mô GDP trên 1.000 tỉ USD;
+ Một số quốc gia có GDP thấp, chỉ vài trăm triệu USD như: Đô-mi-ni-ca-na, Xanh Kít và Nê-vít...
- Tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực nhìn chung còn thấp và không đều.
- Mỹ La-tinh có nợ nước ngoài so với tổng sản phẩm trong nước thuộc loại cao nhất thế giới. Nhiều nước có tỉ lệ này ở mức trên 40 - 50%.
Nguyên nhân là do:
+ Hầu hết các nước Mỹ La-tinh trước đây đều là những nước nông nghiệp lạc hậu.
+ Các nước chưa tìm được đường lối phát triển kinh tế hợp lí, phụ thuộc nhiều vào tư bản nước ngoài.
+ Các công ty lớn hầu hết do người nước ngoài nắm giữ
- Hiện nay, các nước Mỹ La-tinh đã tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế, đầu tư phát triển công nghệ, tập trung củng cố bộ máy nhà nước, mở rộng liên kết,... góp phần thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia và khu vực.
- Cơ cấu GDP khu vực Mỹ La-tinh có sự chuyển dịch theo hướng: tăng tỉ trọng ngành dịch vụ. Một số quốc gia trong khu vực có cơ cấu kinh tế tương đương các nước phát triển, như: Bra-xin, Mê-hi-cô, Ác-hen-ti-na, Chi-lê,…
2. Các ngành kinh tế nổi bật
- Mỹ La-tinh là khu vực có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế với cơ cấu ngành đa dạng.
+ Ngành công nghiệp chủ yếu là khai khoáng (dầu khí, bạc, đồng, than đá,..), điện tử - tin học, luyện kim,... Những quốc gia có ngành công nghiệp phát triển trong khu vực là: Bra-xin, Mê-hi-cô, Chi-lê, Ác-hen-ti-na,...
+ Nông nghiệp là thế mạnh của các quốc gia ở Mỹ La-tinh. Một số mặt hàng xuất khẩu chính là: cà phê, ca cao, chuối, đậu nành, thịt bò,... Ngoài ra, khai thác thuỷ sản cũng được phát triển ở nhiều nước.
+ Dịch vụ chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, chiếm khoảng 60 % GDP năm 2020.
▪ Ngành du lịch có đóng góp ngày càng quan trọng cho sự phát triển kinh tế của một số quốc gia như: Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Mê-hi-cô,...
▪ Thương mại giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU,... với các mặt hàng nông sản và các sản phẩm công nghiệp như: cà phê, đậu tương, đường, quặng sắt, dầu mỏ,...
Xem thêm các bộ Trắc nghiệm Địa lí 11 (Cánh diều) hay, có đáp án chi tiết:
Trắc nghiệm Bài 5: Một số vấn đề an ninh toàn cầu
Trắc nghiệm Bài 9: EU - Một liên kết kinh tế khu vực lớn. Vị thế của EU trong nền kinh tế thế giới
Trắc nghiệm Bài 11: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế khu vực Đông Nam Á
Trắc nghiệm Bài 12: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)
Trắc nghiệm Bài 14: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế khu vực Tây Nam Á
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.