Danh sách câu hỏi

Có 1,193 câu hỏi trên 30 trang

Đọc đoạn trích:

Cuộc đời của mỗi người không quá dài, vì vậy chúng ta hãy cố gắng sống thật tốt. Nhớ những gì cần nhớ, quên những gì cần quên, có những điều chúng ta nhất định phải buông bỏ. Dũng cảm buông bỏ để tâm thanh thản và sẽ là tốt nhất nếu chúng ta chọn lựa được kiên trì hay buông bỏ đúng lúc. Nếu chúng ta cứ lưỡng lự giữa giữ và buông chỉ làm tâm trạng thêm buồn phiền, mệt mỏi. Chỉ khi buông bỏ được thì chúng ta mới thấy được tinh thần nhẹ nhõm và có thể sống ung dung, tự tại.

Đời người không thể việc gì cũng thuận theo ý mình, cho nên đừng buồn khi mọi việc không được như mình mong muốn. Hãy học cách buông bỏ, buông bỏ một chút gánh nặng trong tư tưởng, suy nghĩ, thản nhiên đối mặt với hết thảy, mọi việc cứ thuận theo tự nhiên. Có như vậy chúng ta mới sống được thản nhiên và tự tại một cách đúng nghĩa. Buông bỏ oán hận, phiền não, buông bỏ lòng ích kỷ, lòng tham, sự đố kỵ, buông bỏ luôn những ý nghĩ tiêu cực. Rồi chúng ta sẽ nhận thấy tâm của mình càng ngày càng rộng mở, con đường mà chúng ta đi càng ngày càng tươi sáng. Đố kỵ khi thấy người khác hơn mình chỉ gây thêm buồn phiền, khiến cuộc sống của mình luôn ảm đạm. Chỉ khi chúng ta biết đủ, thì mới sống được hạnh phúc, mới cảm nhận được vẻ đẹp của thế giới xung quanh, tránh được mọi tai họa. Học cách tha thứ, tha thứ để lòng nhẹ nhõm, tha thứ để thấy mình được hạnh phúc. Đừng mãi nhìn lỗi người khác mà quên đi hoàn thiện bản thân mình, đừng nhìn người khác sống hạnh phúc mà cảm thấy mình bị thua thiệt. Tính toán, so đo nhiều chỉ thêm tổn hại tinh thần, kết quả vừa hại mình lại khổ người. Sống mệt mỏi hay hạnh phúc là do sự lựa chọn của mỗi người. Nhu cầu của con người thì nhiều vô tận, ai cũng mong muốn bản thân có mọi thứ, đạt được ước nguyện. Nếu đạt được rồi thì nhất thời cảm thấy vui, nếu không đạt được thì thấy buồn. Đối diện với hoàn cảnh, chấp nhận thực tại thì tinh thần mới có thể lạc quan. Tấm lòng rộng mở, bình tĩnh suy xét, chúng ta sẽ không cảm thấy bị áp lực đè nặng.

Khi tất bật với guồng quay của cuộc sống, chúng ta quên đi việc nuôi dưỡng những xúc cảm. Muốn tạo cho mình một cuộc sống vui vẻ đúng nghĩa, chúng ta hãy giữ được sự cân bằng trong suy nghĩ, làm những điều mình thích. Cuộc sống có thể sẽ đẹp đẽ hơn nếu chúng ta biết hòa mình vào thiên nhiên và tận hưởng những niềm vui từ cuộc sống.

(Học cách buông bỏ để có cuộc sống bình yên, tự tại, Minh Uyên, Dẫn theo baobinhthuan.com.vn, ngày 01/11/2019)

Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

Đọc văn bản:

          Trong lúc bạn phát ngôn và cả sau đó, bạn có ý thức được lời phê bình của mình đã ảnh hưởng đến người khác như thế nào không? Bạn có nhanh chóng đáp trả bằng một nhận xét đầy ác ý sau khi bị người khác chỉ trích không? Bạn có chú ý đến cảm giác của mình sau khi gắt gỏng với bạn bè hay một người hoàn toàn xa lạ không? Bạn có bao giờ tỏ ra tử tế ngay cả khi người ta đối xử với bạn chẳng ra gì không?

Câu trả lời của chúng ta cho những câu hỏi trên đủ để nói lên tất cả. Ngẫm nghĩ từng câu hỏi và trả lời chúng một cách trung thực mang đến phác họa đơn giản về vị trí của bạn trong thế giới này. Sau đó, nó có thể giúp ích cho bạn như một bản kế hoạch để bạn trở thành con người mà mình mong muốn.

Nếu muốn thay đổi tính chất của các mối quan hệ với mọi người xung quanh, bạn phải ý thức rõ tác động của những gì mình nói ra. Có lẽ, chúng ta không cố tình gây tổn thương người khác bằng nhận xét của mình. Thật ra, chúng ta cứ nghĩ mình đang  cư xử lịch thiệp hay thậm chí là ân cần, nhưng biểu hiện trên gương mặt của người đối diện mới nói lên sự thật.

Không ai trong chúng ta đủ khéo léo để che giấu mức độ ảnh hưởng từ lời nói và hành động của người khác đối với mình. Cặp mắt trừng trừng, ánh nhìn lơ đi nơi khác, cái nhếch mép hay đôi môi trễ xuống,… thường bộc lộ cảm xúc thật của chúng ta. Nhận thấy được những biểu hiện này ở người khác giúp chúng ta đưa ra các lựa chọn tốt hơn trong những lần giao tiếp về sau, với bất kì ai.

(Khi ta thay đổi, thế giới sẽ đổi thay, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016)

Xác định phong cách chức năng ngôn ngữ của văn bản trên.
Từ trên tàu bay mà nhìn xuống Sông Đà, không ai trong tàu bay nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia lại chính là cái con sông hàng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà. Cũng không ai nghĩ rằng đó là con sông của đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thủy Tinh “Núi cao sông hãy còn dài – Năm năm báo oán đời đời đánh ghen”. Hình như khi mà ta đã quen đọc bản đồ sông núi, thì mỗi lúc mà ngồi tàu bay trên chiều cao mà nhìn xuống đất nước Tổ quốc bao la, càng thấy quen thuộc với từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình. Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh cánh hến của Sông Gâm , Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ.
Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ Sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy”.
(Trích Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.190 - 191)
Anh/ chị hãy phân tích hình tượng Sông Đà trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân thể hiện qua đoạn trích.
Đọc văn bản:

          Phủ Lý tháng hai

Thị xã dựng những khung nhà mới

Trên dãy tường đổ nát mùa đông

A B C tiếng trẻ học vỡ lòng

Cỏ trên những nấm mồ xanh nõn

Lá ướt cây bàng lao xao chim hót

Những mảnh bom của hai cuộc chiến tranh

Han gỉ trong bùn

Nhà xây chưa xong vôi vữa ngổn ngang

Mẹ đã ngồi nhóm lửa

 

Mấy năm rồi anh không về thị xã

Chẳng còn đi trên dãy phố quen

Dải đồi xa anh nằm lại một mình

Chắc cỏ mọc như nơi này xanh nõn

Tháng hai mưa có nở nhiều hoa tím

Mảnh bom thù trong ngực buốt không anh?

Phủ Lý chiều nay thoáng mưa xuân

Bè bạn gặp nhau nhớ anh biết mấy

Thuyền chở đá ngược dòng sông Đáy

Nắng tắt dần trên những vạt buồm căng

Như câu thơ anh viết nửa chừng

Mai bưởi chín anh không về hái nữa

 

Năm lửa cháy các anh đi dập lửa

Tin tương lai như chùm quả ngọt ngào

Dẫu không về chẳng khuất xa đâu

Nấm mộ xuân sang phập phồng cỏ mát

Trái tim anh vẫn đập dồn dưới đất

Gửi lại mến thương hy vọng chờ mong

Chúng tôi nào có thể sống dửng dưng

 

Gió mạnh thổi ngoài ga giục giã

Ánh sáng toả ra từ nụ cười em nhỏ

Và chân trời như mắt anh trong

(Lưu Quang VũGió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB Hội nhà văn, 2010) 

Xác định thể thơ của văn bản.