Top 50 bài Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo

Toptailieu.vn xin giới thiệu Top 50 Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo hay nhất, chọn lọc giúp học sinh lớp 9 viết các bài tập làm văn hay hơn. Tài liệu gồm có các nội dung chính sau:

Mời các bạn đón xem:

Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo

Dàn ý Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo

Mở bài:

  • Không khí tưng bừng đón chào ngày 20 – 11 ở trong trường lớp, ngoài xã hội.
  • Bản thân mình: nghĩ về thầy cô giáo và bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm vui buồn cùng thầy cô, trong đó có một kỉ niệm không thể nào quên.

Thân bài:

  • Giới thiệu về kỉ niệm (câu chuyện):

·        Đó là kỉ niệm gì,buồn hay vui,xảy ra trong hoàn cảnh nào,thời gian nào?…

·        Kể lại hoàn cảnh, tình huống diễn ra câu chuyện (kết hợp nghị luận và miêu tả nội tâm):

·        Kỉ niệm đó liên quan đến thầy(cô) giáo nào?

·        Đó là người thầy(cô) như thế nào?

·        Diện mạo, tính tình, công việc hằng ngày của thầy (cô).

·        Tình cảm,thái độ của học sinh đối với thầy cô.

  • Diễn biến của câu chuyện:

·        Câu chuyện khởi đầu rồi diễn biến như thế nào? Đâu là đỉnh điểm của câu chuyện?…

·        Tình cảm, thái độ, cách ứng xử của thầy (cô) và những người trong cuộc, người chứng kiến sự việc.

·        Câu chuyện kết thúc như thế nào?

·        Suy nghĩ sau câu chuyện:Câu chuyện đã để lại cho em những nhận thức sâu sắc trong tình cảm, tâm hồn,trong suy nghĩ: tấm lòng, vai trò to lớn của thầy (cô), lòng biết ơn, kính trọng, yêu mến của bản thân đối với thầy (cô).

Kết bài: Câu chuyện là kỉ niệm, là bài học đẹp và đáng nhớ trong hành trang vào đời của tuổi học trò.

Video Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo

Video Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo

Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo – Bài 1

Trong mấy năm đi học, em đã có rất nhiều kỉ niệm buồn vui dưới mái trường thân yêu. Nhưng kỉ niệm mà em sẽ chẳng bao giờ quên đó là kỉ niệm hồi lớp 1, khi em tập viết và cô giáo đã tận tình cầm tay em viết từng nét.

Tròn 6 tuổi, em bước vào lớp một với tất cả sự háo hức. Em học đọc rất nhanh, chỉ nghe cô giáo đọc một lần, em có thể đọc theo vanh vách. Nhưng viết với em quả là một hành trình gian nan. Em thuận tay trái, từ nhỏ mẹ đã rèn cho em cầm bút tay phải. Nhưng cứ khi nào không có ai nhìn là em lại đổi tay.

Cô giáo đầu tiên của em tên là Ngọc. Đúng như cái tên, cô xinh xắn và rạng rỡ, lại trìu mến, hiền dịu. Cô biết em thuận tay trái nên thường xuống bàn quan sát tôi viết. Bước vào học kì hai, chúng em tập viết chữ nhỏ, lại viết những bài chính tả dài hơn. Chữ em dần xấu hơn. Trong giờ chính tả hôm đó, cô chép những dòng chữ tròn trịa lên bảng, chúng em chép vào vở của mình. Vì thấy cô không để ý, em lại đổi tay để viết.

Đến cuối buổi học, cô Ngọc trả vở chính tả cho chúng em. Cô bắt đầu nhận xét. Bỗng, cô nhắc tới em: “Bạn Gia Bảo hôm nay viết có tiến bộ. Tuy nhiên, cô nghĩ là con đang quên một điều.” Em hoảng hốt cúi mặt xuống. Trong tà áo dài thướt tha, cô bước xuống bàn em và tiếp lời: “Cả lớp nhớ cô dặn khi viết, tay chúng ta cầm bút thế nào không?” Lớp em đồng thanh nhắc lại lời cô dặn. Cô lại nói: “Tuy vậy, bạn Gia Bảo vẫn quên.

Cô phê bình Gia Bảo trong buổi học ngày hôm nay.” Rồi cô nhìn thẳng em và nói: “Cô hi vọng Gia Bảo sẽ nhớ lời cô dặn.” Một vài bạn cất tiếng cười chê bai. Nghe thấy vậy, khuôn mặt em nóng bừng, nước mắt ứa ra và bàn tay vò trang vở vừa viết. “Cô thấy hôm nay chữ con viết tròn, đều đúng khoảng cách. Con viết đẹp hơn rất nhiều bạn.” – Cô lại nhẹ nhàng nói. Cả lớp im phăng phắc. Em được cô khen lại thấy êm lòng nên trút bỏ được cơn tức giận của một cậu con trai hiếu thắng.

Từ đó, em kiên trì rèn viết bằng tay phải. Lên lớp 2, em đã viết được những dòng chữ vô cùng sạch đẹp. Dù bây giờ, em không còn được học cô nữa, nhưng những bài học lí thú hay lời dạy ân cần của cô vẫn còn in đậm trong tâm trí em.

Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo – Bài 2

Trong cuộc đời của mỗi người, ta sẽ gặp những người mà có lẽ ta không thể nào quên, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng ta. Tôi cũng vậy, tôi có một người giáo viên luôn tồn tại trong trái tim tôi, cô giáo chủ nhiệm của tôi.

Cô giáo tôi năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi, là một nhà giáo luôn tận tâm và hết mình với nghề. Cô không cao lắm, dáng người cô hơi gầy. Cô có làn da hơi nâu sạm mà khỏe khoắn. Mái tóc cô đen óng, mượt mà, dài đến ngang gáy, ôm lấy khuôn mặt trái xoan, cân đối. Đôi mắt cô sáng ngời như vầng sao, ẩn hiện sau làn mi cong, đen láy.

Nơi khóe mắt cô đã dần xuất hiện những nếp nhăn nhỏ, phải chăng đó là dấu hiệu của những năm tháng cô cống hiến hết mình cho nghề, cho học sinh thân yêu của mình. Đôi môi mỏng, lúc nào cũng nở nụ cười thân thiện với học trò, với mọi người xung quanh. Mỗi khi cô cười, sau làn môi lại là hàm răng trắng đều như sứ, cùng đôi má lúm đồng xu nhỏ ẩn hiện nơi cánh môi, khiến cô càng duyên dáng, gần gũi với học sinh.

Cô ăn mặc không quá cầu kỳ, ngày ngày đến lớp, cô chỉ mặc áo sơ mi, quần âu giản dị, đôi khi vào dịp lễ, cô mới diện những bộ váy, áo dài rực rỡ. Nhưng dù cô mặc trang phục gì, trong mắt tôi, cô vẫn luôn tỏa sáng, xinh đẹp. Cô có giọng nói trầm ấm, dịu dàng. Mỗi khi giảng bài, giọng nói cô như thu hút chúng tôi chú ý, đắm chìm vào trong từng bài giảng.

Cô ít khi trách mắng học sinh bao giờ mà thường chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Mỗi khi phải nặng lời với học trò, đôi mắt cô thường buồn bã, giọng nói cô đầy u sầu, có lẽ cô cũng đau lòng lắm, những lúc như vậy, chúng tôi thường cảm thấy có lỗi với cô và thương cô nhiều lắm.

Cô luôn không quản thời gian, vất vả để truyền đạt kiến thức cho chúng tôi, chỗ nào không hiểu hay có bài tập nào khó, cô đều sẵn sàng hướng dẫn cho chúng tôi cách làm bài. Có lẽ, niềm hạnh phúc của cô chính là được nhìn lũ học trò thơ ngây ngày một trưởng thành, tiếp thu được tri thức. Với cô phải chăng như vậy là quá đủ.

Cứ mỗi chuyến đò qua sông, người lái đò lại quay trở lại, tiếp tục những chuyến hành trình đưa đò với những hành khách khác của mình. Cũng giống như cô giáo tôi vậy, cô đã đưa bao lứa học trò qua sông, hoàn thành nhiệm vụ, trọng trách của một nhà giáo. Tôi rất yêu quý cô giáo của tôi. Tôi sẽ luôn cố gắng học tập thật tốt để khiến cô có thể tự hào.

Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo – Bài 3

Tuổi học sinh, là tuổi đẹp đẽ, hồn nhiên nhất. Chúng ta được vui chơi, được học tập và trong quãng thời gian ấy cũng có biết bao kỉ niệm đẹp đẽ với thầy cô và bè bạn. Và trong chuỗi những kỉ niệm ấy, kỉ niệm khiến tôi không thể nào quên chính là kỉ niệm với cô Trang, tấm lòng, sự tận tâm cô dành cho tôi khiến tôi mãi khắc ghi trong tim.

Tôi còn nhớ đó là giữa học kì I năm lớp tám, thầy giáo chủ nhiệm của chúng tôi nghỉ việc tại trường để cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Thầy không còn chủ nhiệm lớp là niềm thất vọng lớn nhất với chúng tôi. Thầy là người hóm hỉnh, dạy rất giỏi lại luôn ân cần, quan tâm đến học sinh. Lúc chia tay thầy ai cũng tiếc nuối, mấy bạn gái mau nước mắt còn túm tụm một chỗ khóc thút thít với nhau.

Sau ngày thầy chuyển công tác, điều băn khoăn lớn nhất với chúng tôi chính là ai sẽ làm chủ nhiệm lớp. Chúng tôi đoán già, đoán non người thì cho rằng thầy Cường phát-xit, người lại cho rằng cô Loan hiền thục,… Nhưng tất cả mọi dự đoán của chúng tôi đều chệch hướng, giáo viên chủ nhiệm mới của chúng tôi là một cô giáo hoàn toàn mới, cô vừa vào trường năm nay, nên vẫn chưa ai quen mặt.

Sáng thứ hai, sau tiết chào cờ, cô vào chào và làm quen với cả lớp. Cô người dong dỏng cao, khuôn mặt thanh tú, ưa nhìn, mái tóc được nhuộm màu nâu hạt dẻ, bồng bềnh, lượn sóng trông rất đẹp mắt. Giọng cô ấm nhưng rất âm vang và có uy lực. Cô tự giới thiệu cô tên Trang và sẽ là chủ nhiệm lớp tôi hai năm học còn lại, cô là giáo viên dạy bộ môn Toán.

Tiết học đầu tiên của cô chúng tôi đã bày đủ trò để cô không thể dạy học, đứa nói chuyện, đứa ngủ gục,… chúng tôi làm như vậy như là một cách phản ứng lại khi cô làm chủ nhiệm lớp. Vì cái bóng của thầy giáo cũ quá lớn, sự xuất hiện của cô dù biết đó là cô được phân công công tác nhưng tôi vẫn cảm tưởng như cô là người đã đẩy người thầy yêu quý của chúng tôi đi. Đó quả là một suy nghĩ ích kỉ và nhỏ nhen.

Bao nhiêu cố gắng, nỗ lực và nhiệt huyết cô dành cho chúng tôi đều đổ xuống sông xuống biển, tôi thấy hiện lên trong sâu thẳm mắt cô là nỗi buồn và sự thất vọng. Là một giáo viên mới vào nghề lại gặp phải ngay những học trò nghịch ngợm như chúng tôi có lẽ cô cảm thấy chán nản nhiều lắm.

Nhưng cô vẫn hết sức cương quyết, với những bạn không chú ý, mất trật tự cô lập tức yêu cầu lên bảng trả lời câu hỏi, hoặc có những hình phạt công ích như dọn vệ sinh cho cả lớp,… còn với những bạn chăm chỉ học hành cô luôn có phần thưởng để động viên, khuyến khích. Nhưng có lẽ như vậy vẫn là chưa đủ, chỉ đến khi có một biến cố xảy ra thì mọi suy nghĩ của chúng tôi mới thay đổi.

Sáng hôm ấy, sau tiết thể dục, chúng tôi vào học tiết cuối cô dạy, ai nấy đều mệt bải hoải và không còn tinh thần học tập. Vừa bắt đầu tiết học chưa lâu thì tôi – cô gái khỏe mạnh nhất lớp bỗng thấy đầu óc choáng váng, mọi thứ xung quanh tôi nhòe dần đi, đầu tôi nặng trĩu, tôi gục xuống bàn ngất đi. Khuôn mặt tôi như được các bạn kể lại thì tái mẹt không còn giọt máu, mồ hôi rịn ra trên khắp mặt và tay. Ai cũng vô cùng sợ hãi, cô đang giảng bài vội vã chạy xuống với tôi.

Cô để tôi nằm thẳng và lấy ngón trỏ day vào nhân trung, một lúc sau thì tôi tỉnh. Người đầu tiên tôi thấy là cô, khuôn mặt cô lo lắng, mắt đã ngân ngấn nước, cô liên tục hỏi tôi có sao không. Và dường như vẫn chưa yên tâm, cô vội vàng bế thốc tôi xuống phòng y tế. Tôi không thể ngờ rằng người có vóc dáng nhỏ bé, gầy gò như vậy lại có thể bế được tôi lên, bởi tôi không hề nhỏ bé. Có lẽ là sức mạnh của tình yêu thương và trách nhiệm đã giúp cô có sức khỏe phi thường như vậy.

Thì ra tôi ngất đi là do không ăn sáng, trong tiết thể dục lại chạy nhiều thành ra quá sức mà hạ đường huyết nên ngất đi. Cô ở bên cạnh tôi đến tận lúc cha mẹ tôi đến thì cô mới trở về. Sáng hôm sau đến lớp tôi đã thấy hộp sữa và cái bánh để trên bàn với lời dặn: “Nhớ ăn sáng đầy đủ và hăng say học tập em nhé”.

Nét chữ ấy chỉ có cô Trang chứ không còn của ai khác nữa. Sau ngày hôm ấy, chúng tôi đã có cái nhìn về cô, chúng tôi học tập chăm chỉ và ngoan ngoãn. Từ đó cho đến giờ, tình cảm của chúng tôi dành cho cô ngày càng lớn hơn, đó là sự kính trọng, lòng biết ơn với một cô giáo trẻ nhiệt huyết, tận tâm.

Năm nay đã học lớp 9 thời gian tôi còn được học cô không còn nhiều. Tôi tự hứa sẽ học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của cô. Cô sẽ là một kỉ niệm đẹp đẽ, một tấm gương về sự kiên trì, bền bỉ để tôi học tập và noi theo.

Top 50 bài Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo (ảnh 1)

Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo – Bài 4

Em có một kỉ niệm sâu sắc với thầy Thanh, chủ nhiệm của em hồi lớp 6. Em không bao giờ quên kỉ niệm ấy, nó nhắc em tình thầy nghĩa bạn, những tình cảm tốt đẹp của tuổi thơ.

Hồi ấy em là một học sinh nghịch ngợm, ít vâng lời thầy. Chẳng hạn, giờ ra chơi, em đem vở bạn này bỏ vào cặp bạn kia. Trong một lần đi xem văn nghệ ở trường, em giấu dép của một cô giáo. Nhà trường cấm đốt pháo trong trường (dạo ấy nhà nước chưa cấm pháo) thì trong cặp em vào mấy tháng Tết lúc nào cũng có đủ các loại pháo.

Thỉnh thoảng em ném vào chỗ bất ngờ, làm mọi người giật mình. Vì những việc ấy mà thầy chủ nhiệm lớp em, thầy Thanh thường gặp em, nhắc em, thậm chí phê bình, nêu tên em, găp cả bố mẹ em để lưu ý. Em cảm thấy như thầy thành kiến với em, luôn để mắt tới em, khiến em không thoải mái.

Nhưng một lần lớp em được phân công đi trồng cây ở bãi ven sông xa thành phố, nơi có dòng sông sâu chảy xiết. Thầy chủ nhiệm nhắc nhở cả lớp: Chỉ được xuống bến rửa chân tay, chứ không được bơi lội, giữa dòng nguy hiểm.

Hôm ấy, trồng cây buổi sáng xong, em xuống bến rửa chân tay. Nhìn dòng nước trôi, em sinh ra tò mò. Trời lại nóng; Em nghĩ tắm ven bờ chắc không sao, phải thử một cái mới được. Trưa ấy, khi mọi người nằm, ngồi dưới mấy gốc cây nghỉ ngơi, em lặng lẽ rủ một bạn ra bở sông. Bạn ấy không dám. Em bảo: “Sợ à? Nhìn tớ đây!”. Rồi bị kích thich bởi sự hăng hái của chính mình, em bắt đầu cởi áo xuống nước. Lúc đầu ở ven bờ nước không chảy xiết, không sao.

Nhưng lòng sông dốc. Em bất ngờ trượt chân và lập tức bị cuốn ra xa, càng vùng vẫy, càng xa bờ. Bạn em vội kêu to: “Có người chết đuối! Có người chết đuối!” Còn em, mới bơi được một lúc đã thấy đuối sức, vừa hoảng sợ, vừa chới với, cảm thấy mình chìm dần… Sau đó, các bạn em kể lại. Khi nghe tiếng kêu, thầy Thanh vội chạy tới.

Chung quanh vắng ngắt không có đò giang gì, chỉ thấy em đang chới với giữa dòng nước. Thầy vội vàng lao ra, bơi về phía em. Thầy khéo léo túm tóc em rồi dìu vào. Nước trôi nhanh quá. Phải cách bến mấy trăm mét mới đưa em vào bờ được. Thầy nhanh chóng dốc ngược em cho nước thoát ra rồi làm hô hấp cho em thở đều. Mọi người lúc ấy xúm đến và đưa em lên bờ.

Mọi người nói. May là thầy Thanh là người thích thể thao, biết bơi lội. Nếu không thì việc làm vô kỉ luật ấy của em đã gây ra hậu quả to lớn. Sau lần ấy, nhà trường đã phê bình và nhắc nhở em. Nhưng em thấy việc nhắc tên ấy lại quá nhẹ nhàng. Lỗi của em đáng phải xử nặng hơn mới phải. Nhất là sau đợt ấy, thầy Thanh lại phải ốm một thời gian.

Đã mấy năm trôi qua, nhưng em không khi nào quên được tấm gương quên mình cứu trò của thầy chủ nhiệm. Em hiểu ra sự nghịch ngợm của chúng em gây thêm khó khăn cho thầy cô. Em thấy hối hận và tự nhiên thấy kính trọng thầy cô, kính trọng các qui định của nhà trường.

Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo – Bài 5

Nếu có ai hỏi: “Người thầy, cô giáo em quý mến nhất trong suốt năm năm học tiểu học của em là ai?” Thì em sẽ không ngần ngại mà trả lời ngay: “Đó là thầy Nha”. Người thầy giáo đã tận tình dạy dỗ em năm lớp một. Và với em đó cũng là người cha thứ hai của mình.

Mặc dù bấy giờ thầy trò đã xa nhau. Nhưng những kỉ niệm sâu sắc năm em còn học lớp 1C của thầy thì không thể nào quên được. Ở lớp, em là đứa duy nhất viết tay trái nên thầy vẫn phải thường cầm bàn tay em nắn nót từng nét chữ. Và mặc dù thầy hết lòng dạy dỗ mà các ngón tay của em cứ nhất quyết không chịu nghe lời.

Các chữ cái a, ă, â,… chẳng bao giờ ngay hàng thẳng lối và lúc nào cũng méo mó như bị ai nện một cây gậy vào. Ấy vậy mà bàn tay trái tuy không có ai dạy dỗ cả mà lại viết đẹp hơn nhiều. Khiến cho thầy phải thốt lên: “Thật là ngược đời”. Một hôm, khi tới giờ tập viết – tiết học căng thẳng nhất của em lúc ấy khi thấy thầy ra ngoài lớp nghe điện thoại. Thầy vừa bước ra khỏi cửa là em vội vàng đổi sang viết tay trái. Đến cuối giờ, thầy bảo em đưa vở lên chấm. Em hồi hộp đưa mắt nhìn thầy, bỗng thầy ngồi dậy, xoa đầu em:

Hôm nay Thăng giỏi quá! Viết đẹp ghê ta! Có sự tiến bộ vượt bậc đấy. Rồi thầy quay xuống lớp kêu to: Để mừng sự tiến bộ của bạn, các em cho một tràng pháo tay nào!

Nhìn sự mừng rỡ không một chút nghi ngờ trong đôi mắt thầy mà trong lòng em thấy hổ thẹn vô cùng. Tối hôm đó, em trằn trọc không ngủ. Đến sáng hôm sau, em quyết định sẽ nói hết sự thật với thầy. Nhưng ngồi trong lớp, em không đủ can đảm để nói ra sự thật với tất cả các bạn và thầy. Mãi đến lúc tan trường, khi các bạn đã về hết và thầy cũng định đi về thì em mới nói với thầy: Thầy ơi, em có chuyện muốn nói.

Thầy đưa mắt nhìn em, hỏi: Thăng em, em có chuyện gì thế? Nghe thầy hỏi, mặc dù đã chuẩn bị kĩ cho giờ phút này nhưng em vẫn thấy chột dạ. Ấp a, ấp úng mãi, em mới nói được một câu: Thưa th…â…ầy, chuyện ngày hôm qua em… Chuyện ngày hôm qua nó làm sao?

Em bật khóc: Thưa thầy, hôm qua em đã nói dối thầy. Bài tập viết đó không phải do em nắn nót bàn tay phải như thầy đã dạy mà đó là thành quả của … bàn tay trái ạ. Nghe em nói, khuôn mặt thầy lộ vẻ buồn phiền và hơi giận dữ, nhưng chỉ một lát sau, khuôn mặt ấy là trở về vẻ hiền từ. Thầy lấy tay gạt nước mắt của em bảo:

Nín đi, con trai mà khóc nhè thì xấu lắm đấy. Chuyện lầm lỗi ai chẳng có một lần mắc phải. Nhưng quan trọng là người đó có biết nhận lỗi như em hay không? Thôi, em về đi, chuyện lần này thầy có thể bỏ qua, nhưng lần sau không được phạm phải nữa đâu nhé! Về đi. Em mừng rỡ cảm ơn thầy rồi ôm cặp, nhanh chân bước về nhà và thầm hứa với lòng mình từ nay sẽ chuyên tâm học hành nghiêm chỉnh để không phụ lòng thầy.

Bấy giờ, khi đã rời xa mái trường tiểu học mến yêu, thời gian có thể trôi qua, mọi thứ có thể phai nhoà theo năm tháng. Nhưng hình ảnh người thầy đáng kính sẽ mãi mãi theo em đến suốt cuộc đời.

Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo – Bài 6

Ngày ấy tôi mới vào học lớp 1. Cô giáo của tôi cao, gầy, mái tóc không m­ướt xanh mà lốm đốm nhiều sợi bạc, cô ăn mặc giản dị nhưng lịch thiệp. Ấn tượng nhất ở cô là đôi mắt sáng, nghiêm nghị mà dịu dàng. Cái nhìn vừa yêu thương vừa như dò hỏi của cô cho đến bây giờ tôi vẫn chẳng thể nào quên…

Hôm ấy là ngày thứ 7. Mai có một chiếc bút máy mới màu trắng sọc vàng với hàng chữ “My pen” lấp lánh và những bông hoa nhỏ xíu tinh xảo ẩn nấp kín đáo mà duyên dáng ở cổ bút. Tôi nhìn cây bút một cách thèm thuồng, thầm ao ước được cầm nó trong tay…

Đến giờ ra chơi, tôi một mình coi lớp, không thể cưỡng lại ý thích của mình, tôi mở cặp của Mai, ngắm nghía cây bút, đặt vào chỗ cũ rồi chẳng hiểu vì sao tôi bỗng không muốn trả lại nữa. Tôi muốn được nhìn thấy nó hàng ngày, được tự mình sở hữu nó, được thấy nó trong cặp của chính mình…

Hết giờ ra chơi, các bạn chạy vào lớp, Mai lập tức mở cặp và khóc oà lên khi thấy chiếc bút đã không cánh mà bay! Cả lớp xôn xao, bạn thì lục tung sách vở, bạn lục ngăn bàn, có bạn bò cả xuống gầm bàn ngó nghiêng xem chiếc bút có bị rơi xuống đất không… Đúng lúc đó, cô giáo của chúng tôi vào lớp! Sau khi nghe bạn lớp tr­ưởng báo cáo và nghe Mai kể chi tiết về chiếc bút: nào là nó màu gì, có chữ gì, có điểm gì đặc biệt, ai cho, để ở đâu, mất vào lúc nào… Cô yên lặng ngồi xuống ghế. Lớp trưởng nhanh nhảu đề nghị:

Cô cho xét cặp lớp mình đi cô ạ! Cô hình như không nghe thấy lời nó nói, chỉ chậm rãi hỏi: Ra chơi hôm nay ai ở lại coi lớp?

Cả lớp nhìn tôi, vài giọng nói đề nghị xét cặp của tôi, những cái nhìn dò hỏi, nghi ngờ, tôi thấy tay mình run bắn, mặt nóng ran như­ có trăm ngàn con kiến đang bò trên má. Cô giáo tôi nổi tiếng là nghiêm khắc nhất trư­ờng, chỉ một cái gật đầu của cô lúc này, cái cặp bé nhỏ của tôi sẽ được mở tung ra…

Bạn bè sẽ thấy hết, sẽ chê cười, sẽ chẳng còn ai chơi cùng tôi nữa…Tôi sợ hãi, ân hận, xấu hổ, bẽ bàng…Tôi oà khóc, tôi muốn được xin lỗi cô và các bạn… Bỗng cô giáo của tôi yêu cầu cả lớp im lặng, cô hứa thứ hai sẽ giải quyết tiếp, giờ học lặng lẽ trôi qua… Sáng thứ hai, sau giờ chào cờ, cô bước vào lớp, gật đầu ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống. Cô nhẹ nhàng đến bên Mai và bảo: Hôm thứ bảy bác bảo vệ có đưa cho cô cây bút và nói rằng bác nhặt được khi đi đóng khoá cửa lớp mình, có phải là cây bút của em không?

Mai cầm cây bút, nó sung sướng nhận là của mình, cô dặn dò cả lớp phải giữ gìn dụng cụ học tập cẩn thận, giờ học trôi qua êm ả, nhẹ nhàng…Ra chơi hôm ấy, các bạn lại ríu rít bên tôi như muốn bù lại sự lạnh nhạt hôm trước. Chỉ riêng tôi là biết rõ cây bút thật của Mai hiện ở nơi đâu…

Sau đó vài ngày cô có gặp riêng tôi, cô không trách móc cũng không giảng giải gì nhiều. Cô nhìn tôi bằng cái nhìn bao dung và thông cảm, cô biết lỗi lầm của tôi chỉ là sự dại dột nhất thời nên đã có cách ứng xử riêng để giúp tôi không bị bạn bè khinh thường, coi rẻ…

Năm tháng qua đi, bí mật về cây bút vẫn chỉ có mình tôi và cô biết. Nhưng hôm nay, nhân ngày 20/11, tôi tự thấy mình đã đủ can đảm kể lại câu chuyện của chính mình như là một cách thể hiện lòng biết ơn và kính trọng đối với người đã dạy tôi bài học về sự bao dung và cách ứng xử tế nhị trong cuộc sống.

Giờ đây tôi đã lớn, đã biết cân nhắc đúng sai trước mỗi việc mình làm, tôi vẫn nhớ về bài học thuở thiếu thời mà cô đã dạy: Bài học về lỗi lầm và sự bao dung! Và có lẽ trong suốt cả cuộc đời mình, tôi sẽ chẳng lúc nào nguôi nỗi nhớ về cô như nhớ về một người có tấm lòng bao dung cao cả.

Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo– Bài 7

 “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa”

Đó chính là những câu thơ nói về nghề giáo, nghề mà luôn được yêu quý, kính trọng. Tôi rất yêu mến các thầy cô giáo của mình, nhưng người để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc nhất chính là cô Kim Anh- cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi.

Cô có mái tóc rất dài, mượt mà, đen nhánh và luôn phảng phất hương thơm. Đôi mắt cô to tròn, đen láy, vô cùng cương nghị nhưng cũng không kém phần dịu dàng. Khi chúng tôi đạt thành tích cao trong học tập, cô luôn nhìn chúng tôi với ánh mắt trìu mến. Còn mỗi khi chúng tôi mắc lỗi, đôi mắt cương nghị của cô lại đượm buồn. Đôi bàn tay cô thon dài, luôn viết ra những mạch văn giàu cảm xúc để chuyển tải bài học đến với chúng tôi.

Cô còn giúp chúng tôi nhớ bài lâu hơn bằng giọng nói của mình. Giọng nói của cô thật truyền cảm, khi thì dịu dàng, ấm áp, lúc lại dí dỏm, vui tươi khiến cho chúng tôi luôn tập trung vào bài học, quên cả thời gian. Tính cách cô hiền lành, chính trực, cô luôn nghiêm túc với công việc của mình. Hàng ngày, cô rất hay vui đùa với chúng tôi nhưng khi đã vào tiết học, cô cũng rất nghiêm khắc. Với cô dạy học không chỉ là một nghề, mà còn là một niềm đam mê.

Cô luôn chuẩn bị rất kỹ cho bài giảng của mình, nhiều khi cô còn sử dụng cả những đoạn clip ngắn về bài học, giúp chúng tôi có thể tiếp thu bài nhanh nhất. Dù cô đã là một giáo viên nhưng cô vẫn học, đó là sở thích của cô. Cô luôn thức đến ba, bốn giờ sáng mới đi ngủ vì sau khi soạn giáo án, cô lại tiếp tục học bài. “Học như một con đò ngược dòng vậy, các con ạ!” Lời cô nói thấm thía lòng chúng tôi.

Tôi nhớ nhất là khi cô đi thăm quan với lớp chúng tôi. Lúc ấy, trên nét mặt cũng như trong đôi mắt của cô thể hiện sự lo lắng, bồn chồn không yên. Sau đó, chúng tôi mới vỡ lẽ, ra là hôm ấy, cô có bài thi môn triết học nhưng cô đã nghỉ thi để đi cùng với lớp chúng tôi vì cô sợ rằng có vấn đề gì không hay với chúng tôi, cô sẽ ân hận cả đời.

Một kỉ niệm đáng nhớ khác là khi tôi học hè. Khi ấy, tôi khá lo sợ do tôi đã nghỉ mất hai tuần. Tôi bước vào lớp với tâm trạng lo lắng. Cô biết là tôi đã nghỉ học, cô bèn giảng lại cho tôi những chỗ tôi chưa biết, chưa hiểu, rồi nhờ bạn cho tôi mượn vở để chép bù bài. Lúc đó tôi thấy mình nhẹ nhõm, thầm cảm ơn cô và các bạn.

Quả thật, nghề giáo thật là cao quý, giống như câu ví: “Nghề giáo là người lái đò tri thức qua sông”. Đó cũng là nghề mà tôi mong ước sau này khi trưởng thành. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi muốn gửi lời chúc tới cô rằng: “Con chúc cô luôn mạnh khỏe! Con yêu cô nhiều lắm!”

Top 50 bài Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo (ảnh 2)

Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo– Bài 8

Trong cuộc sống mỗi người ai cũng có những kỷ niệm khó quên trong đời. Với em cũng vậy, gần bốn năm cắp sách đến trường em cũng có bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Và kỷ niệm đáng nhớ nhất trong em có lẽ là kỷ niệm về cô giáo chủ nhiệm năm em học lớp ba.

Gia đình em vốn không mấy khá giả, nhà lại đông anh em. Bố mẹ em không phải công nhân viên chức mà chỉ quanh năm làm ruộng và làm thuê nên cuộc sống vất vả và đủ ăn là may mắn rồi. Em là anh cả trong gia đình, sau em còn có ba người em nhỏ nữa. Năm em học lớp ba, đó cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất, bố em mắc bệnh nan y khó chữa, gia đình đã bán tài sản, vay mượn khắp nơi để chạy chữa, em đã quyết định nghỉ học vì đến kỳ nộp tiền học mà gia đình không có.

Cô giáo chủ nhiệm em lúc đó tên Lan. Cô Lan là một cô giáo hiền lành, yêu nghề và rất quan tâm đến đời sống cũng như học tập của học sinh chúng em. Hai ngày liền không thấy em tới lớp, cô đã hỏi thăm bạn bè và tìm đến nhà em để thăm hỏi. Cô đã động viên gia đình rất nhiều và mong muốn em tiếp tục đến lớp. Cô nói em là một học sinh giỏi của lớp, nếu nghỉ học thì thật tiếc quá. Cô cũng nói mong muốn em học tập để có một tương lai tốt đẹp và có cơ hội để giúp đỡ gia đình.

Lúc đó em chỉ nghĩ trước mắt nên vẫn nhất định nghỉ học. Rồi một tuần trôi qua cô lại tới nhà động viên. Cô nói đã thông báo trường hợp của em lên nhà trường và địa phương để xem xét cho em được đi học mà không phải đóng học phí. Em vui mừng lắm vì trước giờ em rất muốn đi học như các bạn cùng trang lứa. Và rồi sau hơn một tuần nghỉ học em lại được tiếp tục tới trường. Con đường tới trường dường như đẹp hơn mỗi ngày.

Em tung tăng bước đi với niềm hân hoan vô cùng. Mỗi ngày sau buổi học, cô Lan lại giành thêm thời gian để giảng lại cho em những bài cũ mà em nghỉ tuần trước đó. Cô ân cần , nhiệt tình giảng dạy để em không bị mất kiến thức. Cuối năm đó em đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện và danh hiệu học sinh nghèo vượt khó. Em rất cảm động và hạnh phúc về những gì cô Lan đã dành cho em.

Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của em về thầy cô và có lẽ sẽ mãi mãi in đậm trong trái tim em với một lòng biết ơn sâu sắc. Em sẽ mãi nhớ về cô và luôn thầm hứa học tập tốt để trở thành một người giáo viên giỏi giang và tận tụy với nghề như cô.

Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo– Bài 9

Lứa tuổi học trò, được cắp sách tới trường đối với tôi là một quãng thời gian đẹp nhất. Bởi khi đó, tôi được sống trong tình yêu thương, sự sẻ chia của các thầy cô giáo, của các bạn đồng trang lứa và cả mái trường thân yêu này nữa. Vì thế, nếu nhắc tới kỉ niệm giữa mình và thầy cô, thì tôi chẳng biết phải bắt đầu từ đâu và chọn câu chuyện gì, bởi câu chuyện nào với tôi cũng ắp đầy kỉ niệm đẹp, ngọt ngào.

Và có một kỉ niệm gần đây nhất, hồi lớp 8 mà có lẽ suốt cả cuộc đời này tôi sẽ chẳng bao giờ có thể quên được những giây phút ấy. Cám ơn cuộc đời đã mang mẹ về bên con!

Thời tiết mùa hạ thường kéo đến những cái nóng bức, ngột ngạt và theo sau đó là những bệnh dịch lây truyền sinh sôi phát triển. Vì thế, tôi đã bị ốm sốt virut – một căn bệnh do loài muỗi kí sinh gây ra. Khi ấy, gia đình tôi nghèo lắm, cha mẹ phải xa nhà đi công nhân, tôi ở cùng ông nội. Mặc dù lúc ấy ông tôi đã ngoài 70 tuổi, già cả và cũng hay bị ốm lắm nhưng ông tôi vẫn minh mẫn và chăm sóc tôi rất chu đáo.

Biết gia đình tôi khó khăn, các bạn trong lớp và đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm – cô Thủy luôn đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ tôi và gia đình tôi rất nhiều trong học tập và cả trong đời sống nữa. Có lẽ vì thế, khi nhận được lá đơn xin nghỉ học bị ốm, cô Thủy sau tiết dạy đã đến thăm tôi ngay tức khắc. Tôi biết, một phần cũng là trách nhiệm nhưng cao hơn là tình yêu thương học trò mà ai ai khi ở gần cô cũng cảm nhận được điều đó.

Đúng lúc ấy, tôi lên cơn co giật thì cô Thủy bước vào, thấy chân tay tôi lạnh toát và có biểu hiện lạ, cô cũng lúng túng, chỉ biết ôm tôi vào lòng, vuốt ve sau lưng tôi và cố gắng động viên bằng một giọng nói trầm ấm, êm dịu: “Tùng ơi, cố lên con”, “có cô bên cạnh đây rồi, chỉ vài phút nữa sẽ có xe đưa con lên bệnh viện thôi, cố lên con”, “cô thương con nhiều lắm”…

Trong cơn sốt mê man, chập chờn hư hư, thực thực, tôi như một đứa trẻ được gặp mẹ sau bao ngày xa cách, tưởng cô là mẹ, tôi chỉ biết nói và khóc trong hơi thở yếu ớt: “mẹ…mẹ…mẹ”. Nước mắt cô nhỏ xuống khuôn mặt nóng hổi của tôi, tôi cảm thấy được đó là giọt nước mắt của đại dương tình yêu thương bao la của một người mẹ hiền.

Xe cứu thương đã tới, cô cùng đoàn bác sĩ đưa tôi tới bệnh viện. Khi ở trong viện, cô luôn túc trực trông tôi. Còn ông tôi đã già cả, cũng ốm yếu nên ông không thể tới chăm sóc cho tôi được. Trong cơn bất tỉnh, dù không biết được gì nhưng tôi luôn có cảm nhận, cô luôn bên cạnh, trò chuyện với tôi, mong tôi tỉnh lại. Và cô đã nấu cháo, bón cho tôi từng thìa, từng thìa một, nhẹ nhàng, âu yếm như một người mẹ sinh ra tôi vậy.

Từng cử chỉ, từng lời nói đều tràn đầy tình yêu của một người mẹ dành cho đứa con ngây thơ, bé bỏng. Lúc này, tôi mới có dịp ngắm nhìn cô kĩ hơn. Dáng người cô cao dong dỏng, mái tóc đen xõa xuống, dài tới ngang lưng, điểm tô trên khuôn mặt gầy gò, đen sạm là hai đôi mắt long lanh, ắp đầy lòng bao dung nhân hậu của một người phụ nữ từ tâm, của một cô giáo đức hạnh. Có lẽ, vì phải thức trông tôi nên mắt cô thâm quầng vì thiếu ngủ. Đang miên man suy nghĩ, thì các bạn trong lớp kéo tới thăm.

Cô đi ra ngoài mua chút ít hoa quả cho cả lớp. Trò chuyện với các bạn, thì tôi mới biết cô đã xin nghỉ dạy mấy hôm nay trên trường để vào viện chăm sóc cho tôi. Trong lòng tôi lúc ấy không biết phải làm như thế nào, vừa xen lẫn lòng biết ơn cô, lại vừa trách móc mình đã làm cô vất vả, lao tâm vì mình.

Xuất viện được trở về nhà, tuy vẫn chưa đi được học ngay vì sức khỏe còn yếu nhưng sau mỗi buổi trưa đi dạy về, cô lại vào thăm tôi, mua hoa quả, bánh trái mà tôi thích ăn với hi vọng tôi nhanh nhanh bình phục, tiếp tục tới lớp. Cô tận tụy giảng lại cho tôi những bài học mà tôi bỏ lỡ và không ngừng bảo ban, dạy dỗ tôi những bài học về tình người ấm áp. Mặc dù bây giờ đã không còn được bên cạnh cô, bởi cô đã cùng gia đình chuyển vào Nam sinh sống nhưng tôi vẫn gọi điện hỏi thăm cô và gia đình.

Trong lòng tôi luôn khắc sâu những giây phút và tình cảm yêu thương mà cô dành cho tôi trong suốt quãng thời gian đi học. Tình yêu thương đó là động lực, là hành trang thôi thúc tôi mạnh mẽ, luôn cố gắng nỗ lực hết mình trong học tập, cuộc sống; luôn biết trân trọng những giá trị bình dị, gần gũi mà bền bền vững sâu xa, đó là: gia đình, thầy cô, bạn bè, quê hương, đất nước bằng tình thương yêu, sự sẻ chia và lòng biết ơn sâu sắc đối với họ nữa.

Nhân ngày 20 – 11, tôi xin gửi lời tri ân tới cô – người mẹ thứ hai của cuộc đời tôi: “Con chúc mẹ và gia đình luôn hạnh phúc, bình an…”

Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo – Bài 10

Tôi 14 tuổi. Cái tuổi này chưa phải là lớn nhưng cũng không còn bé nữa. Tôi đã đủ lớn để nhận thức được đúng – sai. Tôi đã biết khóc trước những mảnh đời bất hạnh, biết cười khi thấy người khác vui. Tôi đã biết cúi xuống nhặt mảnh chai dưới đường để bảo vệ chân mình và chân những người đi sau. Tôi cũng đã biết biết ơn những người có ơn với tôi nữa. Tất cả những điều ấy đều là do thầy đã dạy tôi.

Tôi vẫn thường được nhìn thấy thầy vào mỗi buổi sớm mai, khi mà thầy đi dạy qua nhà tôi. Tôi vẫn thường cảm thấy lòng bồi hồi nhớ lại quãng thời gian trước đây vào lúc đó ngoài ra thì lại không (!?). Hôm nay thì lại khác. Tôi nghe một đoạn quảng cáo:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng Là gì? Em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi. Câu hát này. sao nó thân quen quá! Cố lục tìm những mảng kí ức bừa bộn, tôi cố tìm những gì liên quan đến câu hát đó. A! Phải rồi! Nó đây rồi!

Thầy của tôi vẫn để nhạc chuông điện thoại là bài hát này. Thầy hay nói với chúng tôi là thầy rất thích bài hát này, nó ý nghĩa. Thầy nói, sống trên đời là phải biết giữ lại những gì tốt đẹp, quên đi những gì đáng quên. Và đặc biệt là phải biết tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Như là để gió cuốn đi. .

Thế đấy! Thầy đã dạy chúng tôi phải sống như thế đấy! Vậy mà, bây giờ tôi mới thấm thía. Còm hồi lớp 4, cái thời điểm thầy dạy thì tôi chỉ vâng dạ cho xong chuyện. Bạn bảo tôi kể về kỉ niệm đáng nhớ về thầy giáo ư? Nhiều lắm, không kể nổi đâu! Tôi chỉ có thể nói với bạn rằng chính thầy cũng là một kỉ niệm đáng nhớ với tôi rồi!

Tôi vẫn luôn thấy tiếc vì thời gian chúng tôi học với thầy quá ít ỏi. Đến nỗi, tôi cứ cảm thấy áy náy vì chưa làm được cho thầy điều gì cả. Thầy đã dạy dỗ 12 đứa học sinh chúng tôi rất chu đáo. Thầy dạy chúng tôi mẹo làm toán nhanh, dạy cả cách làm một bài văn thế nào cho đúng yêu cầu nữa. Thầy có hẳn một kho tàng truyện cười, tôi nghĩ thế, nên cứ lúc nào chúng tôi mệt là thầy lại kể cho chúng tôi nghe. Học với thầy, chúng tôi luôn cảm thấy dễ chịu, thoải mái.

Nhà thầy ở xa trường hơn 20 cây số, thế mà dù nắng hay mưa, thầy luôn đến lớp đúng giờ. Thầy đến, mang cho chúng tôi bao nhiêu là điều mới lạ. Thầy như cơn gió thổi vào lòng những đứa học sinh lam lũ của mình những luồng gió mới. Thầy như tia nắng ban mai thắp sáng ước mơ tôi, gieo cho chúng tôi bao nhiêu ước mơ và hoài bão.

Thầy vẫn bảo: “Nếu chỉ được một lần duy nhất đi trên con đường đầy hoa, các con sẽ chọn bông hoa nào?”. Giờ thì, con đã hiểu thầy nói gì rồi, thầy ạ. Con sẽ chọn cho con “bông hoa” cơ hội nào đẹp nhất. Thầy cũng bảo thầy không có con, thế nên thầy xem chúng tôi như con của mình vậy. Thầy đối xử với tôi rất tốt. Thế nên chúng tôi vẫn cố gắng làm thầy vui, như cách những đứa con đang báo hiếu cho cha mình vậy.

Thầy trò chúng tôi đã gắn bó với nhau như thế đấy. Ấy vậy mà, sự thật thật trớ trêu. Giữa học kỳ II lớp 4, thầy phải chuyển trường. Khi nghe thầy hiệu phó nói, chúng tôi như không tin vào tai mình. Tôi còn nhớ như in cái ngày hôm ấy. Đó là thứ 2, ngày 21, tháng 2. Chúng tôi đã khóc rất nhiều. Thầy của tôi sắp phải xa chúng tôi rồi! Phải làm thế nào đây? Thầy cũng đã rơi nước mắt đấy. Thầy trò chúng tôi cứ nhìn nhau mà khóc suốt.

Thầy dặn chúng tôi: “Các con ở lại nhớ nghe lời thầy giáo mới, phải chịu khó mà học hành. Cơ hội đến với người ta không nhiều, thế nên các con phải biết nắm bắt. Chúc các con sẽ thực hiện được ước mơ của mình. Thôi, chào các con ở lại, thầy đi đây! “Chúng tôi đã khóc nhiều lắm. Tôi còn ngây thơ hỏi: “Thầy đi thì bao giờ về ạ?”. Tôi đã từng nghĩ, thầy giờ đã không còn là thầy của tôi nữa rồi!

Nhưng mà không phải vậy đâu, thầy vẫn mãi là thầy của chúng tôi chứ. Bây giờ, mỗi sớm mai thấy thầy, tôi vẫn không quên chào thầy. Và, thật vui, thầy vẫn nhận ra tôi, thầy còn cười với tôi nữa. Tôi cũng rất tự hào vì đến giờ tôi vẫn làm theo lời thầy dạy: Biết tôn sư trọng đạo, biết ơn người có ơn với mình. Hạnh phúc hơn là, hồi lớp 7, khi tôi viết truyện về thầy, truyện của tôi được giải ba đấy. Thầy ơi, thầy có biết không, con viết về thầy được giải ba đấy, thầy ạ !

Đã hơn 4 năm rồi nhưng tôi vẫn không quên được thầy. Có lẽ vì thầy là kỉ niệm khó quên trong lòng tôi. Tuy xa thầy rồi, nhưng những bài học thầy dạy tôi vẫn chưa quên. Thầy ơi, tuy hôm nay đã là 26/11 rồi, nhưng con vẫn nhân ngày nhà giáo Việt Nam, con chúc thầy mạnh khỏe, có một cuộc sống hạnh phúc. Đặc biệt là thành công trong sự nghiệp trồng người cao quý của mình. Và. thầy hãy chờ xem con thực hiện ước mơ của mình như thế nào, thầy nhé!

Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo – Bài 11

Trong suốt những năm tháng học dưới mái trường mến yêu, người mà em kính mến nhất đó là cô Thanh. Đó là người đã mang lại cho em những tình cảm cao quý của một người cô giáo đối với học sinh.

Em còn nhớ rõ, năm em học lớp hai, ngày đầu tiên cô Thanh bước vào lớp với dáng vẻ rất hiền hậu. Cô còn trẻ lắm, dáng cô thanh mảnh, nhỏ nhắn và rất dễ thương. Cô rất thương yêu học sinh. Ngày nắng cũng như ngày mưa, cô chưa bao giờ đi dạy trễ hoặc nghỉ dạy ngày nào. Cô luôn dịu dàng với học sinh nhưng rất nghiêm túc trong giảng dạy.

Những giờ ra chơi, nếu có bạn nào không hiểu bài, cô ân cần ở lại lớp giảng cho từng bạn. Những bạn nam hay đùa nghịch, phá phách cô nhẹ nhàng nhắc nhở. Cô thường lấy những mẩu chuyện vui, có ích để giáo dục chúng em. Bạn nào có lỗi cô chỉ khuyên răn chứ không hề la mắng. Còn bạn nào học yếu cô luôn quan tâm đặc biệt để bạn ấy tiến bộ hơn. Vì thế chúng em ai cũng yêu quý cô, xem cô như người mẹ thứ hai của mình.

Em còn nhớ có một hôm, khi học xong tiết cuối bỗng nhiên em bị sốt, người nóng ran. Cô đã không ngại đường xa chở em về nhà, báo cho mẹ em biết bệnh tình của em. Sau đó em nghỉ học mấy ngày để bình phục do bị sốt siêu vi. Dù không đi học những bữa nào cô cũng đến thăm em và phân công các bạn thay phiên chép bài cho em. Chỗ nào em không hiểu cô sẽ giảng lại tường tận.

Bạn nào có hoàn cảnh gia đình khó khăn cô cũng giúp đỡ, có khi còn đóng tiền học phí dùm cho một bạn trong lớp có hoàn cảnh mồ côi ba mẹ ở với bà ngoại. Trong lớp ai cũng quý mến cô, ngày Nhà giáo Việt Nam chúng em tặng quà cho cô cô chỉ cười bảo: “Món quà quý nhất với cô đó là kết quả học tập thật giỏi của các em đó!” Ngoài việc dạy kiến thức ở trường, cô còn dạy cho chúng em kĩ năng múa hát.

Giờ đây, tuy đã xa cô nhưng em vẫn nhớ mãi từng nụ cười, ánh mắt, giọng nói dịu dàng của cô. Cô đã truyền cho em một tấm lòng nhân hậu, dạy em biết cách yêu thương và quan tâm đến mọi người, tin yêu cuộc đời. Em tự hứa với lòng sẽ học thật giỏi để cho cô vui lòng, trở thành con ngoan, trò giỏi và một người có ích cho xã hội. Cô là tấm gương sáng để học sinh chúng em noi theo.

Top 50 bài Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo (ảnh 3)

Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo – Bài 12

Gia đình em theo bố chuyển ra thị xã được hơn một năm. Hôm nay, em mới có dịp về thăm quê. Vừa lên xe, em đã nhận ra cô Nga, cô giáo chủ nhiệm lớp 5A mà em rất quý mến. Em khoanh tay lễ phép chào cô. Cô mỉm cười kéo tay em ngồi xuống ghế bên cạnh. Cô ân cần hỏi thăm tình hình học tập và sinh hoạt của em. Gặp cô, em mừng lắm. Bao nhiêu kỉ niệm tốt đẹp về cô lại trỗi dậy trong kí ức em …

Hồi ấy, quê em còn nghèo. Đường làng lồi lõm, quanh co. Sau mỗi cơn mưa, đất nhão thành bùn dính bết vào chân, đi lại rất khó khăn. Dân làng làm việc quần quật suốt ngày ngoài đồng, quanh năm vất vả. Trẻ em phải phụ giúp cha mẹ những việc nhỏ như chăn trâu, cắt cỏ, dọn dẹp nhà cửa … Sáng sáng, em đi học cùng bạn Lâm. Nhà bạn ấy cách nhà em một xóm. Hôm đó, chờ mãi không thấy Lâm đến rủ, em đành tới trường một mình.

Suốt mấy ngày mưa phùn lây rây, không khí ướt và lạnh. Bầu trời xám xịt, mặt trời bị che khuất sau những đám mây dày sũng nước. Đến lớp, em thấy bạn nào cũng co ro vì lạnh, chân tay, quần áo lem nhem bùn đất. Cô Nga nhìn chúng em với ánh mắt ái ngại và thương cảm. Cô khen chúng em chịu khó, chăm học rồi cô bắt đầu giảng bài như thường lệ. Chúng em say mê nghe, quên cả trời đang mưa lạnh.

Giờ chơi, các bạn ùa ra hành lang, túm năm tụm ba chuyện trò vui vẻ. Em nhớ tới Lâm và định bụng tan học sẽ đến thăm xem bạn ấy vì sao mà nghỉ học.

Buổi trưa, ăn cơm xong, nghĩ tới đoạn đường đến nhà Lâm, em ngại quá. Em chui tọt vào chăn rồi ngủ quên mất. Mãi đến tối, em lấy hết can đảm dấn bước trên con đường trơn trượt để đến nhà Lâm. Em ngạc nhiên khi thấy bên ngọn đèn dầu, cô Nga đang hướng dẫn Lâm làm toán. Lâm quàng chiếc khăn kín cổ, mặt đỏ bừng như người đang sốt.

Nhìn cảnh ấy, lòng em xao xuyến. Em thương Lâm và cô giáo bao nhiêu thì lại tự trách mình bấy nhiêu. Lẽ ra tan học, em phải đến với Lâm ngay để giúp bạn ấy chép bài, làm bài mới đúng. Em thật có lỗi. Dường như nhận ra vẻ bối rối của em, cô Nga tươi cười bảo: “Đạt tới thăm Lâm đấy ư? Tốt lắm! Cô và hai em cùng giải mấy bài toán khó này nhé!”. Thế rồi cô lại hướng dẫn cặn kẽ cho tới lúc bạn Lâm tự làm được bài.

Mẹ Lâm nói với em: “Hôm qua, Lâm ra đồng giúp bác nhổ cỏ lúa suốt buổi chiều nên bị cảm. Đêm nó sốt cao quá nên sáng nay phải nghỉ học. Nó mong cháu mãi đấy!”. Nghe bác nói, em càng ân hận, trách mình sao quá vô tình.

Chín giờ khuya, cô cùng em trở về trên con đường lầy lội. Cô dặn em: “Nếu mai Lâm chưa đi học được thì Đạt tới chép bài cho Lâm nhé! Bạn bè phải giúp đỡ nhau lúc khó khăn, em ạ!”. Em tần ngần đứng nhìn theo ánh đèn trong tay cô xa dần mà lòng dâng lên niềm kính phục và quý mến vô hạn.

Hơn một năm sống và học tập trong ngôi trường mới, em luôn nhớ đến những ngày thơ ấu dưới mái trường làng với bao kỉ niệm khó quên về thầy cô và bạn bè thân yêu. Mái trường nơi quê nghèo nhưng ấm áp tình người.

Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo– Bài 13

Sáng nay, trên đường đi học về, em chợt nghe ngân vang bài hát quen thuộc về người thầy với những ca từ và giai điệu tha thiết. Như một câu chuyện kể, lời bài hát thấm đẫm kí ức của tuổi học trò: “ Vẫn nhớ những khi trời mưa rơi, vẫn chiếc áo xưa sờn đôi vai, thầy vẫn đi, buồn vui lặng lẽ…”. Kỉ niệm của cô cứ thế hiện về vẹn nguyên. Cô giáo nghiêm khắc mà dịu hiền của chúng em, cô chính là cô giáo Thu Hiền, người đã dạy em suốt hai năm tiểu học và là người lái đò đưa thế hệ trẻ của chúng em sang sông.

Cô Hiền năm nay đã ngoài bốn mươi tuổi nhưng trông cô vẫn còn trẻ trung lắm. Bình thường, cô ăn mặc rất giản dị, lúc nào cô cũng mặc áo sơ mi và quần tây. Mái tóc cắt ngắn ngang vai được cô buộc túm gọn gàng phía sau. Vào dịp lễ hội, cô cũng mặc váy như bao cô giáo khác. Những lúc như thế, trông cô thật dịu dàng. Nhưng em vẫn thích nhất là được ngắm nhìn cô trong bộ áo dài màu tím hoa cà mà cô vẫn thường mặc vào mỗi sáng thứ hai.

Nhìn bóng dáng cô thướt tha đến lớp, em cứ ngỡ như đó là một nàng tiên nhân từ bước ra từ truyện cổ tích để đến bên chúng em. Cô có dáng người cân đối với làn da hơi ngăm khỏe khoắn. Khuôn mặt phúc hậu và đôi môi luôn rạng rỡ nụ cười là điểm cuốn hút nhất ở cô. Cô thường bước đi nhanh nhẹn, miệng nói, tay làm. Vì thế, mọi người yêu quý cô lắm.

Cô luôn vui vẻ với mọi người, ai nhờ gì cô cũng giúp đỡ tận tình. Và điều làm em nhớ nhất là thái độ an cần chăm sóc mà cô dành cho chúng em. Chính cô đã mở ra cho chúng em bao chân trời tri thức. Những bài học tưởng chừng như khô khan, những bài toán khó, cứ thế được cô giảng giải nhẹ nhàng, dễ hiểu khiến chúng em vô cùng thích thú. Mỗi lần cô giảng bài, giọng cô thật ấm áp và ánh nhìn trìu mến. Bạn nào chưa hiểu bài, cô đều dịu dàng giảng lại, cô chăm chút cho học trò của mình từ chuyện học hành cho đến bữa ăn, giấc ngủ.

Em vẫn còn nhớ như in có lần có một lần bố mẹ bận việc nên đến đón em muộn. Ấy là vào một ngày mùa đông năm ngoái, các bạn lần lượt ra về hết, trời mưa rả rích và bóng đêm buông dần xuống, em hoảng hốt vô cùng, đứng trước phòng bảo vệ, như muốn bật khóc. Thật may mắn vì hôm đó cô có việc nên về muộn, cô đã điện thoại cho bố mẹ, cô đã chuyện trò và cô còn sửa áo mưa lại cho em, rồi cô còn nhắc nhở em chuyện học hành và đợi cho đến lúc bố mẹ đến đón em, cô mới ra về.

Rồi một lần khác ở năm lớp 4, em đã bị ốm một trần rất nặng. Khi trở lại trường học, em rất mệt mỏi và không thể hiểu bài nên em luôn bị điểm kém. Dường như cô đã hiểu được điều đó và cô đã tìm cách để giảng giải lại bài cho riêng em. Cô còn ân cần nhắc nhở em phải bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Những lúc như thế, em cảm thấy mình thật may mắn khi có thêm một người mẹ thứ hai chính là cô.

Những tháng ngày được làm học trò của cô giáo Thu Hiền thật là hạnh phúc. Những chiều sinh hoạt sao, những buổi văn nghệ, đá bóng, sinh nhật của các bạn đều có bàn tay chăm chút của cô. Em sẽ luôn mang theo nụ cười hiền từ và sự quan tâm ân cần của cô đi suốt cuộc đời. Bây giờ, em đã là một học sinh lớp sáu, dù không còn được gặp cô mỗi ngày nhưng tình cảm em dành cho cô vẫn cứ nguyên vẹn như ngày nào. Mỗi lần nhớ đến cô, em đều tự nhủ sẽ luôn cố gắng học tập thật giỏi để không phụ công dạy dỗ của cô.

Em yêu cô nhiều lắm, cô giáo của em!

Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo– Bài 14

Em còn nhớ như in kỉ niệm với cô giáo chủ nhiệm của em năm lớp ba.Hôm đó, sau khi tan học buổi chiều, em đợi bố đến đón như thường lệ nhưng khi các bạn đã về hết từ lâu mà bố em vân chưa tới.Em rất lo lắng vì từ trước tới nay bố chưa đón em muộn bao giờ.

Khi em đang lo lắng gần như sắp khóc đến nơi thì cô giáo chủ nhiệm của em đi tới, cô hỏi em sao giờ này vẫn chưa về.Em kể lại sự việc cho cô nghe mà không giấu nổi sự lo lắng. Em bắt đầu khóc. Cô động viên em hãy bình tĩnh và bảo em lên xe để cô trở về nhà.Khi về đến nhà, nhìn cánh cổng nhà em vân đóng im lìm, em càng lo lắng hơn vì thường ngày giờ này mẹ em thường đi làm về rồi.

Cô chủ nhiệm bèn sang bên nhà hàng xóm hỏi thăm tình hình và được biết là bố em đi công tác đột xuất, có mẹ em ở nhà nhưng đột nhiên bà nội em bị mệt phải đưa đi cấp cứu trong viện, cả nhà đã lo lắng vào viện hết mà quên mất giờ đón em. Cô bèn chở em đến bệnh viện thăm bà luôn. Gặp lại mẹ, em vui mừng khôn xiết vì biết bà cũng đã qua cơn nguy kịch.Mẹ em đã rất xúc động và cảm ơn cô giáo của em thật nhiều.

Em đã rất biết ơn cô giáo chủ nhiệm. Cô là người có tấm lòng nhân hậu và luôn ân cần quan tâm, giúp đỡ mọi học sinh.Em tự hứa sẽ học tập những đức tính tốt của cô. Em sẽ làm những việc tốt phù hợp với lứa tuổi của mình

Kể về một kỉ niệm giữa mình và thầy cô giáo – Bài 15

Trong mỗi đời người, luôn tồn tại những kí ức, có những kí ức vui ta muốn nhớ mãi nhưng cũng có những kí ức buồn ta muốn quên đi. Đối với tôi, kí ức khiến tôi muốn nhớ mãi là thời học trò trong những năm cấp hai của tôi. Mỗi năm học trôi qua, tôi đều có thêm người thầy, người cô để ghi nhớ trong trái tim mình và năm nay cũng vậy. Chỉ trong khoảnh khắc vài tháng, cô giáo dạy văn của tôi đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc.

Ắt hẳn các bạn ngồi đây cảm thấy lời của tôi là nghịch lí. Tôi đang học lớp chín thì đáng lí ra tôi phải viết về những thầy cô trong các năm học trước của mình, nhưng tôi lại viết về người cô đang dạy tôi trong năm học này? Có thể đối với những bạn khác, cô chỉ mới đứng lớp trong hai tháng. Nhưng với tôi, cô đã gắn bó hơn sáu tháng rồi.

Cô đã dạy văn tôi trong suốt ba tháng hè. Và đó cũng là khoảng thời gian tuyệt vời nhất đối với tôi. Cô là một người rất tận tụy, giảng giải chu đáo cho học sinh. Khi cô giảng bài, giọng nói ấm áp, truyền cảm của cô đã thu hút chúng tôi vào bài học. Cô giảng giải, phân tích từng chi tiết nhỏ nhất của bài học, cho học sinh cảm nhận ý nghĩa của từng chi tiết đó rồi phát triển thành những lời văn sâu sắc, đầy ý nghĩa.

Khi vào năm học, tôi vui sướng biết bao khi được cô làm chủ nhiệm. Trong vai trò chủ nhiệm, cô trông nghiêm túc hơn hồi hè. Khi lớp hạng cao, cô khuyến khích, khen thưởng, mỗi lần lớp hạng thấp, cô nhắc nhở, động viên lớp cố gắng hơn. Mẹ tôi cũng là một giáo viên chủ nhiệm nên tôi có thể hiểu được sự vất vả, nặng nề thế nào khi đảm nhận chủ nhiệm một lớp cuối cấp. Càng hiểu nỗi vất vả của cô bao nhiêu, tôi càng quyết tâm phải giúp lớp lấy được hạng cao bấy nhiêu.

Có thể đối với các lớp khác, tiết chủ nhiệm luôn là tiết nặng nề nhất, bởi tiết đó luôn khiến các bạn khác lo sợ vì bị mắng. Nhưng với lớp tôi, giờ chủ nhiệm lại được nghe những câu chuyện hay, ý nghĩa trong cuộc sống. Tôi yêu những câu chuyện đó vì nó luôn giúp chúng tôi rút ra được những bài học quý giá cho riêng mình. Tôi đã từng đạt giải ba trong kì thi học sinh giỏi lớp tám. Có lẽ vì vậy mà cô kì vọng vào tôi trong kì thi năm nay.

Tôi tự hứa mình phải cố gắng hơn, mình phải đậu để không khiến cô thất vọng. Nhưng tôi đã thất bại. Những tưởng cô sẽ la mắng tôi, trách móc tôi, nhưng không. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của cô khuyến khích các bạn trong lớp: “Cho dù các con thi không đậu cũng đừng buồn, vì các con còn nhiều cơ hội khác để bắt lấy.” Nhưng thật sự cô càng khuyến khích thì tôi lại càng thấy lòng ray rứt hơn. Tôi đã tự hỏi với lòng mình tôi đã cố gắng hết sức chưa, tôi đã tập trung vào môn văn chưa?

Mặc dù vậy, cô vẫn không hề la rầy, trách cứ tôi một lời nào mà vẫn dịu dàng động viên, an ủi tôi. Chính điều đó sẽ là động lực cho tôi bước tiếp và cố gắng, nỗ lực hơn nữa trên con đường học vấn của mình.

Lớp chúng tôi có một bạn tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng học rất giỏi. Cả nhóm chúng tôi tổ chức sinh nhật cho bạn đó nhưng trong lớp lại có bạn nói: “Tại sao chỉ có sinh nhật bạn đó là tổ chức còn sinh nhật tụi mình thì không tổ chức?” Nghe thấy câu nói đó, cô đã nói: “Gia cảnh bạn khó khăn, có lẽ mấy năm nay cũng chưa có được một ngày sinh nhật cho mình, tuy ở đây chỉ là một chút gì đó nhỏ thôi nhưng ít nhất cũng khiến bạn cảm thấy vui. ”. Nói đến đây, cô đã khóc.

Nhìn giọt nước mắt của cô rơi xuống mà lòng chúng tôi chạnh lại. Chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, chỉ từ lời nói của cô thôi mà đã khiến chúng tôi hiểu được thế nào là sự sẻ chia, thế nào là ấm áp tình bạn. Giọt nước mắt ấy đã khiến chúng tôi phải nhìn lại mình. Chúng tôi được sống trong hoàn cảnh đầy đủ, may mắn hơn thì tại sao lại không chia sẻ sự may mắn đó cho người bạn của mình để họ cảm thấy lòng ấm áp hơn?

Khi nhìn những giọt nước mắt ấy, tôi chợt nhận ra cô không chỉ là một giáo viên tận tụy mà còn là một người đồng cảm với học sinh, luôn cố gắng thấu hiểu học sinh của mình.

Văn của tôi không bóng bẩy, trau chuốt, cũng không đặc sắc như những bài văn mà các bạn đã đọc. Khi tôi viết những dòng cảm nhận này, tôi chẳng nghĩ rằng mình sẽ được giải. Tôi chỉ viết bằng tấm lòng yêu thương, kính trọng cô từ sâu thẳm trong con tim mình. Tôi không nêu tên cô ra vì tôi nghĩ các bạn cũng có thầy giáo, cô giáo dạy văn như tôi và tôi cho rằng cô cũng không thích như vậy.

Sáu tháng, chưa đầy một năm nhưng cô đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc. Cô như là nguồn cảm hứng cho những bài văn của tôi và nếu mái trường là ngôi nhà thứ hai thì cô chính là người mẹ thứ hai của tôi. Cô ơi, con cảm ơn cô vì những gì cô đã dành cho con, con sẽ cố gắng để thành công và “gặt được nhiều lúa vàng” trong cuộc sống.

 

Tài liệu có 22 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Từ khóa :
Văn mẫu
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tài liệu cùng môn học

TOP 20 mẫu Phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích HAY NHẤT Tuyết TOP 20 mẫu Phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích HAY NHẤT - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
1.3 K 1 1
20 mẫu Tham dự buổi thuyết trình của học sinh trong trường về những hoạt động xã hội có ích với cộng đồng Tuyết 20 mẫu Tham dự buổi thuyết trình của học sinh trong trường về những hoạt động xã hội có ích với cộng đồng - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
776 1 0
TOP 20 mẫu Kể lại hoạt động xã hội có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng mà em đã tham gia Tuyết TOP 20 mẫu Kể lại hoạt động xã hội có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng mà em đã tham gia - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
869 1 0
20 mẫu Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Qua Đèo Ngang, có ít nhất một câu hỏi tu từ Tuyết 20 mẫu Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Qua Đèo Ngang, có ít nhất một câu hỏi tu từ - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
678 1 0
Tải xuống