Toptailieu.vn xin giới thiệu Top 50 mẫu Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu (hay nhất) chọn lọc giúp học sinh lớp 12 viết các bài tập làm văn hay hơn. Mời các bạn đón xem:
Top 50 mẫu Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu (hay nhất)
Nghị luận Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu (mẫu 1)
Nói trong cuộc sống này, ai không mơ ước mình đạt được thành công thì thật không đúng! Bất kỳ người nào cũng hi vọng mình sẽ làm được điều gì đó để khẳng định cho bản thân. Nhưng không phải thành công nào cũng đáng để chúng ta trân trọng. Giống như quan điểm: Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu. Thành tích và thành tựu thực chất là hai khái niệm chỉ thành công mà người nào đó đặt ra mong đạt được. Tuy nhiên, thành tích thì chỉ cần trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng thành tựu thì cần một thời gian dài, có người cả đời mới tạo lập được. Có lẽ bởi vậy mà con người thích tạo ra được thành tích hơn, để dễ dàng khẳng định mình và coi đó là thành công của cuộc đời. Nhưng mấy ai biết rằng, vì thành tích mà con người trở thành những kẻ chạy đua vòng danh lợi. Ai ai cũng bon chen tạo cho mình một cái dấu mốc đáng nể trong đời nên đã bỏ qua những điều chân chính, biến mình thành những người cơ hội. Muốn khẳng định với bạn bè rằng mình thật tài giỏi ở tuổi đôi mươi, nhưng bạn phải luồn cúi, xin xỏ, thậm chí làm những việc phạm pháp. Muốn tăng doanh thu, lợi nhuận, bạn phải giở chiêu trò lừa gạt bạn bè. Nhiều công ty xưng danh “nhằm thúc đẩy phát triển đất nước”, nhưng lại bất chấp sức khỏe, tính mạng con người, hủy hoại môi trường… Những thành tích đó tạo ra, lại để lại những hậu quả nặng nề. Chỉ làm lợi cho những kẻ cơ hội! Nhưng không, còn rất nhiều, rất nhiều những con người chân chính trong xã hội. Họ miệt mài học tập, làm việc bằng lương tâm. Cái họ muốn tạo ra là thành tựu. Giá trị họ muốn đạt được cho thành công của mình là sự bền vững về phát triển xã hội, nhân văn đối với con người. Bởi vậy, họ không ngại khó, ngại khổ, thậm chí chịu thiệt thòi, có khi chết đi những thành tựu của họ mới được công nhận. Cũng không sao, đó mới là cái đích họ muốn đến. Những con người chân chính và thành tựu họ đạt được sẽ mãi mãi còn tồn tại với thời gian. Chúng ta cũng vậy, sống trong một thời đại như bây giờ, tạo lập thành tích không khó, nhưng đừng biến mình thành kẻ cơ hội, bị người đời xa lánh. Hãy trở thành người thành công chân chính với những thành tựu xứng đáng của mình.
Nghị luận Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu (mẫu 2)
Sáng và tối, trắng và đen, tốt và xấu,… là những phạm trù đối lập tồn tại song song trong cuộc sống của chúng ta. Trong ý kiến “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu” cũng chỉ ra hai loại người đối lập nhau về mặt nhân cách là “kẻ cơ hội” và “người chân chính”. Họ phân biệt nhau dựa trên cơ sở kẻ thì “nôn nóng tạo ra thành tích”, còn người thì “kiên nhẫn lập nên thành tựu”. Bạn sẽ chọn làm người chân chính hay kẻ cơ hội?
Kẻ cơ hội là người lợi dụng thời cơ để mưu cầu lợi ích trước mắt, bất kể việc làm đúng hay sai; người chân chính là người luôn biết sống đúng với thực chất và phù hợp với những giá trị xã hội; còn thành tích là những kết quả được đánh giá tốt; thành tựu là những thành quả có ý nghĩa lớn, đạt được sau một quá trình bền bỉ phấn đấu. Tóm lại về nội dung, ý kiến này chỉ ra sự đối lập về lối sống và cách hành xử trong công việc giữa loại người cơ hội và người chân chính.
Kẻ cơ hội thì luôn nôn nóng tạo ra thành tích. Do thói vụ lợi, bất chấp đúng sai nên trong công việc, kẻ cơ hội không cầu “kết quả tốt” mà chỉ cầu “được đánh giá tốt”. Kẻ càng vụ lợi thì càng nôn nóng có được thành tích. Bởi thế, loại người này thường chỉ tạo ra thành tích giả. Chẳng hạn như, trong học tập có nhiều bạn không chú trọng thực chất mình đã hiểu bài hay không mà chỉ cố gắng bằng mọi cách đề đạt điểm cao, để xếp hạng tốt để được thầy cô và bạn bè khen ngợi. Hoặc trong lĩnh vực kinh doanh, nhiều nhân viên kinh doanh chỉ cố gắng làm sao đạt doanh số cao để được hưởng nhiều hoa hồng mà không cần chú ý đến việc chăm sóc khách hàng hay vấn đề hậu mãi. Về trước mắt thì đó là “thành tích” nhưng có thể đoán được chẳng bao lâu sau nó sẽ trở thành “tai họa” cho chính những kẻ cơ hội nôn nóng ấy.
Về thực chất, cách hành xử ấy là lối sống giả dối, là thói ăn gian làm dối khiến cho thật giả bất phân, làm băng hoại các giá trị trong xã hội. Đó chính là sự suy đồi về đạo đức, cũng chính vì lối sống cơ hội này mà bệnh thành tích lan tràn như hiện nay. Vì lẽ đó mà từ mấy năm nay ngành giáo dục đã nêu cao khẩu hiểu “Hai không” là “Nói không với tiêu cực và nói không với bệnh thành tích”. Cũng chính vì chạy theo thành tích mà nhiều người, nhiều ngành không ngại làm những việc dối trá, lộng giá thành chân, gây thiệt hại rất lớn cho xã hội nhất là về mặt kinh tế và văn hóa.
Trái với kẻ cơ hội, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu. Coi trọng chất lượng thật, kết quả thật là đức tính của người chân chính. Bởi thế họ thường kiên nhẫn trong mọi công việc để làm nên những kết quả thực sự, những thành quả có ý nghĩa lớn. Đối với họ, chỉ có những thành quả thực mới tạo nên giá trị thực của con người, dù có khi phải trả giá đắt. Báo Phụ nữ Giai phẩm Xuân 2016 đã dành hẳn một tệp “Nối từ quá khứ” để vinh danh những con người chân chính lặng thầm, bền bỉ giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc như kỹ sư Tôn Thạnh Nghĩa với cuộc “viễn du với vỏ ốc” hay ông Tám Lãng ở Tân Châu suốt đời cống hiến cho nghề dệt lãnh Mỹ A. Những thành tựu ấy không chỉ có ý nghĩa với cá nhân họ mà còn là vốn quý của cả cộng đồng.
Về thực chất, cách hành xử ấy thuộc về lối sống chân thực, trung thực, biểu hiện của những phẩm chất cao quý; giúp tạo nên những thành quả thực, những giá trị đích thực cho mình và cộng đồng, góp phần thúc đẩy xã hội tiến lên. Hành xử trung thực trong cuộc sống thực tế xô bồ quả là không dễ. Trong cơn lốc tranh đua, nhiều người muốn có thành tích ngày trước mắt để dễ bề thành công và trên thực tế nhiều người đã thành công. Tuy nhiên, thành công đến từ cơ hội thì không bền vững, trước sự thách thức của thời gian những giá trị đích thực bao giờ cũng trụ vững bất chấp mối nghi ngời “Thật thà thường thua thiệt”.
Ý kiến trên giúp chúng ta nhận thức rõ đây là hai kiểu người đối lập nhau về nhân cách: một loại người tiêu cực thấp hèn cần phê phán, một mẫu người tích cực cao cả cần trân trọng. Là học sinh, chúng ta cần noi theo lối sống của những người chân chính, luôn coi trọng những kết quả thật và kiên nhẫn phấn đấu để lập nên những thành tựu; đồng thời cần lên án lối sống cơ hội, nôn nóng chạy theo thành tích giả của một bộ phận không nhỏ trong xã hội hiện nay.
Vậy, bạn đã tìm được cho mình câu trả lời chưa? Tôi đoán chắc là bạn sẽ dõng dạc trả lời: Tôi muốn làm người chân chính. Vậy thì ngay bây giờ chúng ta hãy ra sức học tập, rèn luyện một cách bền bỉ, chuyên tâm để lập nên những thành tựu đích thực nhằm khẳng định giá trị của mình. Không nhất thiết phải là đại bang bay cao mấy ngàn dặm, chỉ cần là thành tựu nhỏ, nhưng được làm nên từ chính công sức và trí tuệ của mình thì bạn đã xứng đáng là một người chân chính rồi.
Nghị luận Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu (mẫu 3)
Có quan điểm cho rằng "Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu". Em hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Nội dung của câu nói để phản ánh việc những người cơ hội là những người mà chỉ nhìn thấy những cái lợi ích gần trước mắt thì thường chỉ làm việc để tạo ra được những thành tích, những kết quả tốt mà không có tính lâu bền. Ngược lại, những người chân chính là những người có tầm nhìn xa trông rộng là những người làm việc với mục đích đem đến một thành tựu lâu bền trong cuộc sống. Bàn về kẻ cơ hội, họ là những người có xu hướng nôn nóng, lúc nào cũng muốn tạo ra được kết quả thật nhanh bằng việc lao động để có được những lợi ích trước mắt. Nhưng họ nào biết được, những thành tích mà được tạo ra bằng cách nôn nóng, bằng cách lao động xốc nổi, thiếu chất xám chỉ là thành tích không có tính lâu bền, ít có tiếng vang, và ít có ý nghĩa cho cuộc đời của họ mà thôi. Điều này giống như "tham bát bỏ mâm" vậy. Bên cạnh đó, bàn về những người chân chính, họ là những người kiên nhẫn, kiên trì và bền bỉ đến cùng trong việc mà mình làm. Họ làm ít nhưng đào sâu suy nghĩ, liên tục và cuối cùng tạo ra được thành tựu to lớn. Thành tựu đó không những tạo được tiếng vang mà còn đóng góp cho sự nghiệp của chính họ. Kiểu lao động của họ là kiểu đi chậm, chắc, từ từ mà tạo ra được thành công lớn. Tóm lại, con người cần có tầm nhìn xa trông rộng, lao động bền bỉ kiên nhẫn, thực sự đầu tư nhiều chất xám vào từng việc mà mình làm.
Xem thêm các bài văn Nghị luận xã hội khác:
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.