Toptailieu biên soạn và giới thiệu lời giải KHTN 8 (Kết nối tri thức) Bài 41: Môi trường và các nhân tố sinh thái hay, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi SGK KHTN 8 Bài 41 từ đó học tốt môn KHTN 8.
KHTN 8 (Kết nối tri thức) Bài 41: Môi trường và các nhân tố sinh thái
Giải KHTN 8 trang 170
Mở đầu trang 170 Bài 41 KHTN lớp 8: Một hồ nước, một rừng cây, thậm chí một thân cây cũng được coi là môi trường sống của sinh vật. Vậy, môi trường sống là gì? Có những loại môi trường sống nào? Những nhân tố nào tạo nên môi trường sống?
Trả lời:
- Môi trường sống là nơi sinh sống của sinh vật, bao gồm các nhân tố xung quanh sinh vật, có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự tồn tại và phát triển của chúng.
- Có 4 loại môi trường sống: môi trường trên cạn, môi trường nước, môi trường đất và môi trường sinh vật.
- Các nhân tố tạo nên môi trường sống: Nhân tố vô sinh (nước, đất, không khí, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm,…) và nhân tố hữu sinh (động vật, thực vật, con người,…).
I. Môi trường sống
Hoạt động trang 170 KHTN lớp 8: Quan sát Hình 41.1, em hãy kể tên các nhân tố trong môi trường sống của cây xanh.
Trả lời:
Các nhân tố trong môi trường sống của cây xanh: Nhiệt độ, ánh sáng, gió, độ ẩm, nồng độ O2, nồng độ CO2, châu chấu, con bò, cỏ, con người,…
Câu hỏi trang 171 KHTN lớp 8: Em hãy xác định các loại môi trường sống được thể hiện trong Hình 41.2.
Trả lời:
Các loại môi trường sống được thể hiện trong Hình 41.2:
Môi trường đất |
|
Môi trường sinh vật |
|
Môi trường cạn |
|
Môi trường nước |
II. Nhân tố sinh thái
Giải KHTN 8 trang 172
Câu hỏi 1 trang 172 KHTN lớp 8: Phân loại các nhân tố trong môi trường sống của cây xanh ở Hình 41.1 vào nhóm nhân tố vô sinh và nhân tố hữu sinh.
Trả lời:
Nhân tố vô sinh |
Nhân tố hữu sinh |
Nhiệt độ, ánh sáng, gió, độ ẩm, nồng độ CO2, nồng độ O2. |
Con người, châu chấu, con bò, cỏ. |
Câu hỏi 2 trang 172 KHTN lớp 8: Tại sao nói trong nhóm nhân tố hữu sinh thì con người là nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất tới đời sống của nhiều loài sinh vật?
Trả lời:
Trong nhóm nhân tố hữu sinh thì con người là nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất tới đời sống của nhiều loài sinh vật vì: Con người có tư duy, có lao động để phục vụ cho mục đích của mình. Thông qua những hoạt động này, con người đã tác động và làm biến đổi rộng rãi, mạnh mẽ môi trường tự nhiên, dẫn đến tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên sự sống, sự phát triển của nhiều loài sinh vật.
III. Giới hạn sinh thái
Giải KHTN 8 trang 173
Hoạt động 1 trang 173 KHTN lớp 8: Ở một địa phương, người ta có ý định nhập nội ba loài cá (A, B, C) về nuôi. Nhiệt độ trung bình trong năm tại đây dao động từ 15 oC đến 30 oC. Dựa vào thông tin về giới hạn sinh thái nhân tố nhiệt độ của mỗi loài cá (Hình 41.4), hãy cho biết nên nhập loại cá nào để nuôi tại đây và giải thích.
Trả lời:
- Dựa vào giới hạn sinh thái về nhiệt độ của 3 loài cá (A, B, C) và nhiệt độ trung bình năm của môi trường (15 oC đến 30 oC) → Nên nhập loài cá B để về nuôi.
- Giải thích:
+ Loài cá B có giới hạn sinh thái về nhiệt độ từ 5 – 38 oC, khoảng thuận lợi là 15 – 30 oC, phù hợp với điều kiện nhiệt độ trung bình trong năm ở địa phương, do đó, loài cá B sẽ sinh trưởng và phát triển tốt khi được nuôi.
+ Trong khi đó, loài cá A có giới hạn sinh thái là 0 – 14 oC, loài cá C là 34 – 45 oC đều nằm ngoài ngưỡng nhiệt độ trung bình của địa phương, do đó, loài cá A và loài cá C sẽ không thể sinh trưởng và phát triển tốt khi được nuôi.
Hoạt động 2 trang 173 KHTN lớp 8: Tại sao một số loài cây nếu được trồng dưới tán rừng thì cho năng suất cao hơn khi trồng ở nơi trống trải?
Trả lời:
Một số loài cây nếu được trồng dưới tán rừng thì cho năng suất cao hơn khi trồng ở nơi trống trải vì: Những loại cây này là những loài cây ưa bóng, có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện cường độ ánh sáng thấp (dưới tán rừng). Khi đem ra trồng nơi trống trải, sự tác động trực tiếp của cường độ ánh sáng cao khiến cho các hoạt động sinh lí của cây bị rối loạn (đặc biệt là hoạt động quang hợp), từ đó, ảnh hưởng xấu đến năng suất của cây trồng.
Em có thể 1 trang 173 KHTN lớp 8: Trên cơ sở kiến thức về môi trường sống, có thể tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân và chăm sóc tốt vật nuôi, cây trồng.
Trả lời:
- Trên cơ sở kiến thức về môi trường sống để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân:
+ Chủ động hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực của các nhân tố môi trường như: đeo khẩu trang chống khói bụi; chống nắng, chống lạnh đúng cách; vệ sinh môi trường sống thường xuyên để hạn chế các vi sinh vật gây hại;…
+ Chủ động tăng cường sức đề kháng của bản thân: ăn uống đầy đủ, hợp lí; tiêm vaccine để chủ động tạo miễn dịch cho cơ thể; rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên;…
- Trên cơ sở kiến thức về môi trường sống để chăm sóc tốt vật nuôi, cây trồng:
+ Tạo môi trường thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của vật nuôi, cây trồng: tưới nước và bón phân hợp lí cho cây trồng; trồng xen canh cây ưa sáng với cây ưa bóng; vệ sinh chuồng trại cho vật nuôi; chống nóng vào mùa hè và chống lạnh vào mùa đông;…
+ Chủ động tăng cường sức đề kháng của vật nuôi, cây trồng: tiêm vaccine phòng bệnh cho vật nuôi; cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cây trồng và vật nuôi;…
Em có thể 2 trang 173 KHTN lớp 8: Vận dụng kiến thức về giới hạn sinh thái vào việc chăm sóc và đánh giá khả năng nhập nội vật nuôi, cây trồng.
Trả lời:
Vận dụng kiến thức về giới hạn sinh thái vào việc chăm sóc và đánh giá khả năng nhập nội vật nuôi, cây trồng bằng cách: Tìm hiểu điều kiện môi trường địa phương và giới hạn sinh thái (như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm,…) của các loài nhập nội, từ đó, đánh giá được khả năng nhập nội của các loài hoặc có biện pháp điều chỉnh điều kiện môi trường cho phù hợp với các loài vật nuôi, cây trồng hoặc có biện pháp cải tạo giống nhập nội cho phù hợp.
Xem thêm lời giải bài tập KHTN 8 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
KHTN 8 (Kết nối tri thức) Bài 42: Quần thể sinh vật
KHTN 8 (Kết nối tri thức) Bài 43: Quần xã sinh vật
KHTN 8 (Kết nối tri thức) Bài 44: Hệ sinh thái
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.