Tiếng Việt lớp 3 Kết nối tri thức Bài 22: Để cháu nắm tay ông

781

Lời giải Tiếng Việt 3 trang 102, 103, 104, 105 Bài 22: Để cháu nắm tay ông Kết nối tri thức với cuộc sống gồm đầy đủ các phần Đọc, Nói và nghe, Nghe - Viết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 3 Tập 1. Mời các bạn theo dõi:

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 Bài 22: Để cháu nắm tay ông

Đọc: Để cháu nắm tay ông

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 102 Khởi động: Kể về một lần em cảm thấy xúc động trước cử chỉ hoặc việc làm của người thân.

Phương pháp giải:

Em liên hệ bản thân và chia sẻ câu chuyện của mình với các bạn.

Lời giải:

- Có lần mình bị ốm, không được ra ngoài chơi. Em trai của mình đã bỏ buổi đi chơi với các bạn trong xóm để ở nhà cùng mình. Dù còn nhỏ nhưng em rất ngoan. Thỉnh thoảng em lại hỏi “Chị hết ốm chưa ạ?”. Nhờ có em mà mình cảm thấy khỏe hẳn lên.

- Năm học lớp 2, có một buổi tớ lười học, không làm bài tập về nhà. Buổi học hôm sau, cô giáo kiểm tra vở và tớ đã bị điểm xấu. Chiều hôm đó về nhà, mẹ tớ biết chuyện này nhưng lại không hề đánh hay mắng tớ. Mẹ chỉ nhẹ nhàng hỏi tại sao tớ lại không chịu làm bài. Sau đó mẹ giải thích cho tớ hiểu rằng phải chăm chỉ học hành thì mới có thể trở thành con ngoan, trò giỏi.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 102 Đọc văn bản: Để cháu nắm tay ông

Hè năm nay, Dương được đi du lịch ở Nha Trang cùng bố mẹ và ông ngoại.

Tháp Bà Pô-na-ga là địa điểm tham quan cuối cùng của đoàn. Ngôi đền vàng rực trong khuôn viên xanh rợp bóng cây. Ông ngoại cứ đứng trầm ngâm trước những bức vẽ chạm trổ tinh xảo. Bàn tay ông run run khi chạm vào các cột đá nhuốm màu thời gian. Dương nhìn ông, lòng trào lên cảm xúc yêu thương khó tả.

Tiếng hướng dẫn viên du lịch giục đoàn rời điểm tham quan. Ông ngoại chần chừ chưa muốn đi nên rớt lại phía sau. Dương rời đoàn, chạy đến nắm tay ông dắt đi. Nó chợt thấy ông chậm chạp, ngơ ngác quá. Thường ngày, Dương luôn nghĩ ông rất nhanh nhẹn. Ông đưa nó đi học mỗi khi bố mẹ bận rộn. Ông hào hứng chơi trò các ngựa cùng nó.

Tiếng Việt 3 trang 102, 103 Để cháu nắm tay ông - Kết nối tri thức (ảnh 1)

Từ trước đến nay, ông luôn là người dắt tay dẫn nó đi, là người bảo vệ nó. Đây là lần đầu tiên Dương nhận ra ông không còn khỏe như trước. Mỗi một ngày trôi qua, ông đang già đi, còn nó sẽ mạnh mẽ hơn. Dương choàng tay ông ôm, thủ thỉ:

- Ông ngoại ơi, cháu yêu ông nhiều lắm!

Dương nghĩ, từ bây giờ nó mới là người đưa tay cho ông nắm

(Dương Thụy)

Từ ngữ:

- Tháp Bà Pô-na-ga: quần thể kiến trúc tiêu biểu của văn hóa Chăm Pa ở Nha Trang

- Chạm trổ: khắc, đục lên bề mặt gỗ, đá để trang trí

- Tinh xảo: tinh vi, tỉ mỉ, khéo léo

- Chần chừ: đắn đo, do dự, chưa quyết tâm ngay để làm một việc gì đó.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 103 Câu 1: Điểm tham quan cuối cùng của gia đình Dương là ở đâu?

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn văn đầu để trả lời câu hỏi

Lời giải:

Điểm tham quan cuối cùng của gia đình Dương là ở Tháp Bà Pô-na-ga.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 103 Câu 2: Tìm những chi tiết cho thấy ông ngoại ngắm ngôi đền rất kĩ và đầy xúc động

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn văn đầu để tìm các chi tiết cho thấy ông ngoại ngắm nhìn ngôi đền rất kĩ.

Lời giải:

Những chi tiết cho thấy ông ngoại ngắm ngôi đền rất kĩ và xúc động là:

- Ông cứ đứng trầm ngâm trước những bức vẽ chạm trổ tinh xảo

- Bàn tay ông run run khi chạm vào các cột đá nhuốm màu thời gian

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 103 Câu 3: Dương đã thay đổi những suy nghĩ về ông như thế nào?Tiếng Việt 3 trang 102, 103 Để cháu nắm tay ông - Kết nối tri thức (ảnh 2)Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn văn thứ hai để trả lời câu hỏi.

Lời giải:

- Trước khi đi du lịch, Dương nghĩ ông rất nhanh nhẹn

- Trong khi đi du lịch, Dương nhận ra ông không còn khỏe như trước.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 103 Câu 4: Theo em, vì sao Dương nghĩ từ bây giờ nó mới là người đưa tay cho ông nắm?

Phương pháp giải:

Em đọc ki đoạn cuối kết hợp với suy nghĩ để trả lời câu hỏi.

Lời giải:

Dương nghĩ từ bây giờ nó mới là người đưa tay cho ông nắm vì ông ngày càng già đi còn nó thì ngày càng lớn lên, mạnh mẽ hơn.

Nội dung: Bài đọc kể về chuyến đi du lịch của gia đình Dương. Từ đó, nói lên tình cảm và sự hiếu thảo của Dương đối với ông ngoại.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 103 Viết: Ôn chữ viết hoa I, K

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 103 Câu 1: Viết tên riêng: Khánh Hòa

Lời giải:

Em chủ động viết vào vở

Chú ý:

- Viết đúng chính tả

- Vì đây là tên riêng địa lí Việt Nam nên cần phải viết hoa cả 2 tiếng tạo thành tên riêng đó.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 103 Câu 2: Viết câu:

Khánh Hòa là xứ trầm hương

Non xanh nước biếc người thương đi về

(Ca dao)

Lời giải:

Em chủ động viết câu ca dao vào vở.

Chú ý:

- Viết đúng chính tả, trình bày sạch đẹp.

- Câu gồm 6 tiếng thì lùi vào 2 – 3 ô li, câu gồm 8 tiếng thì lùi vào 3 – 4 ô li.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 104, 105 Luyện tập

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 104 Luyện từ và câu 

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 104 Câu 1: Xếp các từ in đậm trong đoạn thơ dưới đây vào nhóm thích hợp.

a. Từ chỉ hoạt động

b. Từ chỉ đặc điểm

Ông vác cây tre dài

Lưng của ông vẫn thẳng

Ông đẩy chiếc cối xay

Cối quay như chong chóng

Đường dài và sông rộng

Ông vẫn luôn đi về

Tay của ông khỏe ghê

Làm được bao nhiêu việc.

(Hữu Thỉnh)

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn thơ, xác định các từ ngữ được in đậm và cho biết đó là từ chỉ hoạt động hay đặc điểm?

Lời giải:

a. Từ chỉ hoạt động: vác, đẩy, quay, đi, về, làm

b. Từ chỉ đặc điểm: dài, thẳng, dài, rộng, khỏe

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 104 Câu 2: Tìm câu kể trong những câu dưới đây:

Tiếng Việt 3 trang 104, 105 Luyện tập - Kết nối tri thức (ảnh 1)Phương pháp giải:

Em đọc kĩ các câu và xác định câu kể.

Câu kể là câu dùng để giới thiệu sự vật, nêu hoạt động hoặc nêu đặc điểm của sự vật và được kết thúc bằng dấu chấm.

Lời giải:

Câu kể trong các câu trên là:

b. Tháp Bà Pô-na-ga là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Nha Trang

c. Ông ngoại đưa đón Dương đi học mỗi khi bố mẹ bận rộn.

d. Mỗi một ngày trôi qua, ông đang già đi, còn nó mạnh mẽ hơn.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 104 Câu 3: Tìm trong những câu kể ở bài tập 2:

a. Câu nào giới thiệu sự vật?

b. Câu nào nêu hoạt động?

c. Câu nào nêu đặc điểm?

Phương pháp giải:

Em đọc lại các câu kể trong bài tập trên và cho biết câu kể đó dùng để làm gì?

b. Tháp Bà Pô-na-ga là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Nha Trang: giới thiệu về tháp Bà Pô-na-ga

c. Ông ngoại đưa đón Dương đi học mỗi khi bố mẹ bận rộn: nêu hoạt động của ông ngoại

d. Mỗi một ngày trôi qua, ông đang già đi, còn nó mạnh mẽ hơn: nêu đặc điểm của ông ngoại và Dương

Lời giải:

a. Câu giới thiệu sự vật là câu: Tháp Bà Pô-na-ga là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Nha Trang.

b. Câu nêu hoạt động là câu: Ông ngoại đưa đón Dương đi học mỗi khi bố mẹ bận rộn.

c. Câu nêu đặc điểm là câu: Mỗi một ngày trôi qua, ông đang già đi, còn nó mạnh mẽ hơn.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 105 Luyện viết đoạn

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 105 Câu 1: Những câu văn nào dưới đây thể hiện cảm xúc với người thân?

a. Dương nhìn ông, lòng trào lên cảm xúc yêu thương khó tả.

b. Thường ngày, Dương luôn nghĩ ông rất nhanh nhẹn.

c. Ông đưa đón nó đi học mỗi khi bố mẹ bận rộn.

d. Ông ngoại ơi, cháu yêu ông nhiều lắm!

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ các câu văn và cho biết câu văn nào thể hiện cảm xúc của Dương với ông ngoại?

Lời giải:

Những câu văn thể hiện cảm xúc với người thân là:

a. Dương nhìn ông, lòng trào lên cảm xúc yêu thương khó tả.

d. Ông ngoại ơi, cháu yêu ông nhiều lắm!

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 105 Câu 2: Nói 2 – 3 câu thể hiện cảm xúc của em khi nghĩ về một cử chỉ, việc làm của người thân.

G:

- Cử chỉ, việc làm nào của người thân gợi cảm xúc cho em?

- Em hãy diễn tả cụ thể cảm xúc đó.

Phương pháp giải:

Em dựa vào gợi ý để hoàn thành bài tập.

Lời giải:

- Nhìn ông cặm cụi làm chiếc diều cho em, em cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Em chỉ muốn chạy đến bên ông và nói rằng mình yêu ông thật nhiều.

- Khi em bị ốm, mẹ thức cả đêm để chăm sóc cho em. Mỗi lần em tỉnh dậy đều thấy mẹ đang ngồi bên cạnh. Em thương mẹ rất nhiều!

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 105 Câu 3: Viết đoạn văn thể hiện tình cảm của em đối với người thân

Phương pháp giải:

Em dựa vào gợi ý sau để hoàn thành bài tập:

- Người thân mà em muốn kể đến là ai?

- Người đó có những cử chỉ, việc làm nào gợi cảm xúc cho em?

- Tình cảm của em với người đó như thế nào?

Lời giải:

Bài tham khảo 1:

Mẹ là người mà em yêu quý nhất trong nhà. Hằng ngày, mẹ phải dậy từ sớm để chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình. Mẹ vừa đi làm ở cơ quan, vừa chăm sóc cho gia đình em. Em biết mẹ rất vất vả nên mỗi lúc rảnh rỗi em lại giúp đỡ mẹ làm việc nhà. Em rất yêu mẹ của em. Em mong mẹ có thật nhiều sức khỏe và luôn vui vẻ, hạnh phúc.

Bài tham khảo 2:

Đối với em, bố giống như một siêu anh hùng. Bố có thể làm rất nhiều việc khác nhau. Không những vậy, bố còn kể chuyện rất hay nữa. Mỗi tối trước khi đi ngủ, bố lại kể cho chị em em những câu chuyện rất hay và hấp dẫn. Bố là người mà em rất yêu quý. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng mong mỏi của bố dành cho em.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 105 Vận dụng: Tìm đọc những câu chuyện, bài văn, bài thơ,… về tình cảm giữa những người thân trong gia đình.

Ví dụ:

Ông ngoại

Thành phố sắp vào thu. Những cơn gió nóng mùa hè đã nhường chỗ cho luồng khí mát dịu mỗi sáng. Trời xanh ngắt trên cao, xanh như dòng sông trong, trôi lặng lẽ giữa những ngọn cây hè phố.

Năm nay, tôi sẽ đi học. Ông ngoại dẫn tôi đi mua vở, chọn bút, hướng dẫn tôi cách bọc vở, dán nhãn, pha mực và dạy tôi những chữ cái đầu tiên.

Một sáng, ông bảo:

- Ông cháu mình đến xem trường thế nào.

Ông chậm rãi nhấn từng nhịp chân trên chiếc xe đạp cũ, đèo tôi tới trường. Trong cái vắng lặng của ngôi trường cuối hè, ông dẫn tôi lang thang khắp các căn lớp trống, ông còn nhấc bổng tôi trên tay, cho gõ thử vào mặt da loang lổ của chiếc trống trường. Tiếng trống buổi sáng trong trẻo ấy là tiếng trống trường đầu tiên, âm vang mãi trong đời đi học của tôi sau này.

Trước ngưỡng cửa của trường tiểu học, tôi đã may mắn có ông ngoại – “thầy giáo” đầu tiên của tôi.

(Theo Nguyễn Việt Bắc)

Loang lổ: có những vệt màu khác nhau xen lẫn một cách lộn xộn.

Phương pháp giải:

Em tìm đọc ở sách báo, trên mạng hoặc hỏi người thân trong gia đình.

Lời giải:

Em có thể tham khảo một số bài sau:

Sự tích hoa cúc trắng

Ngày xưa có một cô bé sống cùng mẹ trong một túp lều tranh dột nát nhưng đó là một bé gái vô cùng hiếu thảo. Thật không may mẹ của cô bé lại bị bệnh rất nặng nhưng vì nhà nghèo nên ko có tiền mua thuốc chữa, và cô bé vô cùng buồn bã.

Một lần đang ngồi khóc bên đường bỗng có một ông lão đi qua thấy lạ bèn đừng lại hỏi khi biết sự tình ông già nói với cô bé :

– Cháu hãy vào rừng và đến bên gốc cây cổ thụ to nhất trong rừng hái lây một bông hoa duy nhất trên đó. Bông hoa ấy có bao nhiêu cánh thì tức là mẹ cháu sống được bằng đấy ngày.

Cô bé liền vào rừng và rất lâu sau mới tìm thấy bông hoa trắng đó. Phải khó khăn lắm cô mới trèo lên được để lấy bông hoa, nhưng khi đếm chỉ có một cánh hai cánh ba cánh bốn cánh. Chỉ có bốn cánh hoa là sao chứ? Chẳng nhẽ mẹ cô chỉ sống được bàng đấy ngày thôi sao? Không đành lòng cô liền dùng tay xé nhẹ dần từng cánh hoa lớn thành những cánh hoa nhỏ và bông hoa cũng theo đó mà nhiều cánh dần lên nhiều đến mức không còn đếm được nữa. Từ đó người đời gọi bông hoa ấy là bông hoa cúc trắng để nói về lòng hiếu thảo của cô bé đó dành cho mẹ mình.

Con nuôi

Cô giáo cho cả lớp xem bức ảnh chụp một gia đình. Có một cậu bé màu da khác với mọi người. Một bạn nam đứng dậy: “Thưa cô, cậu ấy là con nuôi phải không ạ?”. Cô khẽ mỉm cười: “Tại sao con biết?”. Bạn nam lắc đầu, tiu nghỉu ngồi xuống. Một cô bé bẽn lẽn thưa: “Thưa cô, con biết rất nhiều về con nuôi ạ!”. Có tiếng vặn hỏi ở dưới lớp: “Thế con nuôi là gì?”. Cô bé đứng thẳng dậy, ưỡn ngực, vẻ mặt tươi tỉnh, hai bím tóc lúc lắc, lúc lắc, dõng dạc nói: “Con nuôi nghĩa là mình lớn lên từ trong tim mẹ chứ không phải từ trong bụng!”. 

Đánh giá

0

0 đánh giá