SBT Sinh học 10 Chân trời sáng tạo Bài 25: Sinh trưởng và sinh sản ở vi sinh vật

583

Lời giải bài tập Sinh học 10 Bài 25: Sinh trưởng và sinh sản ở vi sinh vật trong Sinh học 10 sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi Sinh học 10 Bài 25 từ đó học tốt môn Sinh học 10.

Giải bài tập Sinh học 10 Bài 25: Sinh trưởng và sinh sản ở vi sinh vật

Bài tập trang 75 sách bài tập Sinh học 10

Bài 25.1 trang 75 sách bài tập Sinh học 10: Nuôi cấy vi khuẩn E.coli trong môi trường có nhiệt độ nào sau đây thì thu được sinh khối nhiều nhất?

A. 17 oC.

B. 27 oC.

C. 37 oC.

D. 47 oC.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Nuôi cấy vi khuẩn E.coli trong môi trường nước thịt ở nhiệt độ 37 oC, cứ sau 20 phút thì tế bào vi khuẩn phân chia một lần.

Bài 25.2 trang 75 sách bài tập Sinh học 10: Bạn A làm sữa chua thành công và đã cho vào tủ lạnh để bảo quản, nhưng bạn lại để quên một lọ gần vị trí bếp gas. Sau hai ngày, bạn A thấy lọ sữa chua sủi bọt, chảy nước và bốc mùi. Hãy cho biết quá trình sinh trưởng của quần thể vi khuẩn lên men có trong lọ sữa chua bị hỏng đang ở pha nào?

A. Pha tiềm phát.

B. Pha lũy thừa.

C. Pha cân bằng.

D. Pha suy vong.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Quá trình sinh trưởng của quần thể vi khuẩn lên men có trong lọ sữa chua bị hỏng đang ở pha suy vong: Khi để quên lọ sữa chua cạnh bếp gas, vi khuẩn lactic sinh trưởng mạnh khiến chất dinh dưỡng trong lọ sữa chua cạn kiệt dần. Do sự cạn kiệt chất dinh dưỡng và các chất độc hại tích lũy nhiều, số lượng vi khuẩn lactic chết tăng dần, lượng lactic acid giảm dẫn đến các vi sinh vật gây thối hỏng phát triển làm hỏng lọ sữa chua.

Bài 25.3 trang 75 sách bài tập Sinh học 10: Hãy nối hình thức sinh sản (Cột A) với cơ chế sinh sản (Cột B) sao cho phù hợp.

Hãy nối hình thức sinh sản (Cột A) với cơ chế sinh sản (Cột B) sao cho phù hợp

Lời giải:

1 – a: Phân đôi ở vi khuẩn là hình thức sinh sản có cơ chế là trực phân.

2 – a: Bào tử trần ở xạ khuẩn là hình thức sinh sản có cơ chế là trực phân.

3 – b: Nảy chổi ở nấm men là hình thức sinh sản có cơ chế là nguyên phân.

4 – b: Bào tử trần ở nấm sợi là hình thức sinh sản có cơ chế là nguyên phân.

5 – b: Phân đôi ở tảo lục đơn bào là hình thức sinh sản có cơ chế là nguyên phân.

6 – c: Tiếp hợp ở trùng giày là hình thức sinh sản có cơ chế là giảm phân và dung hợp nhân.

Bài 25.4 trang 75 sách bài tập Sinh học 10: Khi bị bệnh, một số người thường tự mua thuốc kháng sinh để điều trị, thậm chí có người còn mua 2 – 3 loại kháng sinh uống cho nhanh khỏi. Việc làm này sẽ dẫn đến hậu quả gì?

A. Gây ra hiện tượng nhờn kháng sinh.

B. Gây ra hiện tượng tiêu chảy.

C. Gây bệnh tiểu đường.

D. Gây bệnh tim mạch.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Việc quá lạm dụng thuốc kháng sinh (sử dụng thuốc kháng sinh không đúng loại và liều lượng) trong chữa bệnh thì sẽ gây ra sự kháng kháng sinh (nhờn kháng sinh), về sau khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh thì sẽ không còn tác dụng nữa. Bởi vậy, việc sử dụng thuốc kháng sinh cần tuân thủ sự chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng và sử dụng tràn lan.

Bài tập trang 76 sách bài tập Sinh học 10

Bài 25.5 trang 76 sách bài tập Sinh học 10: Để bảo quản các loại hạt (đậu, vừng, bắp,…) tránh sự xâm nhiễm của vi khuẩn và nấm, người ta thường phơi hạt thật khô và cất giữ nơi khô ráo, thoáng mát. Việc bảo quản này dựa vào yếu tố nào sau đây?

A. Độ pH.

B. Nhiệt độ.

C. Độ ẩm.

D. Ánh sáng.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Khi phơi khô, hàm lượng nước (độ ẩm) trong hạt giảm. Mà vi sinh vật rất cần nước, nếu không có nước, vi sinh vật sẽ ngừng sinh trưởng và hầu hết sẽ chết. Bởi vậy, khi phơi khô, hạt sẽ tránh được sự xâm nhiễm của vi khuẩn và nấm, kéo dài được thời gian bảo quản.

Bài 25.6 trang 76 sách bài tập Sinh học 10: Người ta dùng nước muối để sát khuẩn vì hàm lượng muối trong nước có thể gây ra hiện tượng gì?

A. Co nguyên sinh, tế bào mất nước, không phân chia được.

B. Trương nước, làm tế bào vi khuẩn vỡ ra và chết.

C. Đông đặc protein có trong tế bào vi khuẩn.

D. Màng lipid bị phá vỡ, tế bào vi khuẩn sẽ bị chết.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Nước muối là môi trường ưu trương đối với vi sinh vật. Khi dùng nước muối để sát khuẩn, hàm lượng muối trong nước sẽ khiến tế bào vi sinh vật bị mất nước, gây hiện tượng co nguyên sinh, do đó chúng không phân chia được.

Bài 25.7 trang 76 sách bài tập Sinh học 10: Rau, củ, quả muối chua có thể bảo quản được lâu hơn là vì:

A. Quá trình lên men đã lấy hết các chất dinh dưỡng có trong rau, củ, quả, do đó vi sinh vật không thể xâm nhập để gây hư hỏng.

B. Acid do quá trình lên men tạo ra làm cho độ pH giảm, nên đã ức chế các vi sinh vật gây hư hỏng.

C. Quá trình lên men làm rau, củ, quả mất nước nên vi sinh vật không thể xâm nhập để làm hư hỏng được.

D. Acid do quá trình lên men tạo ra làm cho rau, củ, quả chín nên vi sinh vật không thể gây hư hỏng được.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Quá trình muối chua rau, củ, quả có sự tham gia của vi khuẩn lactic. Vi khuẩn lactic phân giải carbohydrate tạo thành lactic acid. Bởi vậy, rau, củ, quả muối chua có thể bảo quản được lâu hơn là vì acid do quá trình lên men tạo ra làm cho độ pH giảm, nên đã ức chế các vi sinh vật gây hư hỏng.

Bài 25.8 trang 76 sách bài tập Sinh học 10: Hình 25.1 mô tả đường cong sinh trưởng kép của vi khuẩn E.coli trong môi trường có hai nguồn carbon là glucose và sorbitol. Điều kiện để xảy ra quá trình phân hủy sorbitol là gì?

Hình 25.1 mô tả đường cong sinh trưởng kép của vi khuẩn E.coli trong môi trường

A. Phải bổ sung thêm chất cảm ứng với sorbitol.

B. Phải bổ sung thêm enzyme phân hủy sorbitol.

C. Phải phân hủy hết glucose trong môi trường.

D. Phải có chất ức chế phân hủy sorbitol.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Trong môi trường có hai nguồn carbon là glucose và sorbitol, vi khuẩn E.coli sẽ tổng hợp enzyme để phân giải loại hợp chất dễ đồng hóa hơn là glucose. Khi glucose cạn kiệt, vi khuẩn E.coli lại được sorbitol cảm ứng để tổng hợp enzyme phân giải. Bởi vậy, điều kiện để xảy ra quá trình phân hủy sorbitol là phải phân hủy hết glucose trong môi trường.

Bài tập trang 77 sách bài tập Sinh học 10

Bài 25.9 trang 77 sách bài tập Sinh học 10: Khi làm sữa chua, nên dừng lại ở pha nào để thu được sản phẩm tốt nhất? Nêu cách nhận diện thời điểm đó.

Lời giải:

- Khi làm sữa chua, nên dừng lại ở cuối pha lũy thừa hoặc đầu pha cân bằng để thu được sản phẩm tốt nhất.

- Cách nhận diện thời điểm đó: Sữa chua được ủ từ 4 – 8 giờ, sữa chua đông đặc lại do acid làm protein trong sữa kết tủa lại.

Bài 25.10 trang 77 sách bài tập Sinh học 10: Hãy nêu các biện pháp ức chế sự xâm nhập, sinh trưởng và sinh sản của vi sinh vật trên thức ăn (các môi trường có chất hữu cơ).

Lời giải:

Một số biện pháp ức chế sự xâm nhập, sinh trưởng và sinh sản của vi sinh vật trên thức ăn: nấu chín thức ăn, bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, lên men chua, ngâm muối, ngâm đường,…

Bài 25.11 trang 77 sách bài tập Sinh học 10: Sinh sản bằng cách tiếp hợp ở một số vi sinh vật không làm gia tăng số lượng cá thể trong quần thể nhưng vì sao vẫn được coi là một hình thức sinh sản.

Lời giải:

Sinh sản bằng cách tiếp hợp ở một số vi sinh vật không làm gia tăng số lượng cá thể trong quần thể nhưng vẫn được coi là một hình thức sinh sản vì có sự đổi mới vật chất di truyền của các cá thể tham gia tiếp hợp.

Bài 25.12 trang 77 sách bài tập Sinh học 10: Hãy phân tích sự xen kẽ thế hệ trong chu trình sống của nấm men và nấm sợi.

Lời giải:

Sự xen kẽ thế hệ trong chu trình sống của nấm men và nấm sợi thể hiện ở chỗ xen kẽ giữa thế hệ đơn bội và lưỡng bội; xen kẽ giữa sinh sản vô tính và hữu tính.

Bài 25.13 trang 77 sách bài tập Sinh học 10: Nên ngâm rau trong nước muối như thế nào để đảm bảo vừa diệt khuẩn và rau không bị hư hỏng.

Lời giải:

Để đảm bảo vừa diệt khuẩn và rau không bị hư hỏng, nên ngâm rau trong nước muối pha loãng khoảng 5% trong thời gian từ 5 – 10 phút.

Bài 25.14 trang 77 sách bài tập Sinh học 10: Hãy giải thích cơ chế diệt/ ức chế vi khuẩn gây bệnh của các chất sát khuẩn như phenol, ethanol, các halogen (iodine, chlorine,…).

Lời giải:

Cơ chế diệt/ ức chế vi khuẩn gây bệnh của các chất sát khuẩn như phenol, ethanol, các halogen (iodine, chlorine,…) như sau:

Chất sát khuẩn

Cơ chế diệt/ức chế vi khuẩn gây bệnh

Phenol

Làm biến đổi tính chất của protein, thay đổi tính chất của màng tế bào vi khuẩn.

Ethanol

Làm thay đổi khả năng vận chuyển các chất qua màng sinh chất của các phân tử phospholipid kép.

Iodine

Oxi hóa các thành phần tế bào vi khuẩn.

Chlorine

Tạo oxygen nguyên tử có tác dụng oxi hóa các thành phần tế bào vi khuẩn.

Bài 25.15 trang 77 sách bài tập Sinh học 10: Giải thích tại sao xà phòng không phải là chất diệt khuẩn nhưng vẫn được sử dụng trong vệ sinh hằng ngày để phòng tránh vi khuẩn.

Lời giải:

Xà phòng không phải là chất diệt khuẩn nhưng vẫn được sử dụng trong vệ sinh hằng ngày để phòng tránh vi khuẩn là do xà phòng có khả năng rửa trôi vi khuẩn trên bề mặt da và các đồ vật.

Bài 25.16 trang 77 sách bài tập Sinh học 10: Hãy giải thích cơ chế diệt/ ức chế vi khuẩn gây bệnh của thuốc kháng sinh.

Lời giải:

Cơ chế diệt/ ức chế vi khuẩn gây bệnh của thuốc kháng sinh: ức chế tổng hợp vách tế bào, tăng khả năng thẩm thấu màng tế bào, can thiệp vào quá trình tổng hợp protein, chuyển hóa nucleic acid và các quá trình trao đổi chất khác của vi khuẩn.

Bài 25.17 trang 77 sách bài tập Sinh học 10: Hãy kể tên một số loại thuốc kháng sinh phổ biến hiện nay.

Lời giải:

Một số loại thuốc kháng sinh phổ biến hiện nay:

- Beta-lactam: gồm các Penicillin, Cephalosporin, Beta-lactam khác, Carbapenem, Monobactam, các chất ức chế beta-lactamae;

- Aminoglycosid;

- Macrolid;

- Lincosamid;

- Phenicol;

- Tetracyclin;

- Các peptid: Glycopeptid, polypetid, lipopeptid;

- Quinolon, Fluoroquinolon;

- Các kháng sinh khác: Sulfonamid và Oxazolidinon, 5-nitroimidazol.

Bài 25.18 trang 77 sách bài tập Sinh học 10: Đọc kĩ hai đoạn thông tin sau và trả lời câu hỏi bên dưới.

Đoạn (1): “Thời gian gần đây, Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện TƯQĐ 108 tiếp nhận một số trường hợp sốc phản vệ do dùng thuốc. Chúng tôi mô tả một ca lâm sàng điển hình: Bệnh nhân nữ, 15 tuổi bị đau bụng, người nhà tự mua thuốc cloramphenicol uống. Sau 30 phút, xuất hiện sưng nề vùng mặt, ban dị ứng toàn thân, khó thở, tím tái, đau tức ngực,… Bệnh nhân được đưa vào Khoa cấp cứu – Bệnh viện TƯQĐ 108 trong tình trạng: lơ mơ, khó thở, thở nhanh và nông, nhịp tim nhanh 140 lần/phút, huyết áp: 50/30 mmHg, xử lí theo phác đồ sốc phản vệ, tiêm adrenalin, corticoid, thở oxygen. Sau đó chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực. Tại Khoa Hồi sức tích cực: Ý thức tỉnh, khó thở, phổi nhiều ran rít, ran ngáy, mạch nhanh 135 lần/phút, huyết áp: 90/60 mmHg, dị ứng toàn thân, tức ngực. Tiếp tục điều trị bằng adrenalin truyền tĩnh mạch liều 0,05 mcg/kg/p. Sau 10 giờ các triệu chứng giảm, bệnh nhân đỡ khó thở, hết ran ở phổi và cắt được thuốc vận mạch. Bệnh nhân ra viện sau 2 ngày điều trị.” (http://benhvien108.vn/soc-phan-ve.htm, đăng ngày 21/9/2015).

Đoạn (2): “Ngày 4/3/2020, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiến hành cấp cứu thành công cho một người bệnh bị sốc phản vệ độ 3 do tự ý mua kháng sinh uống tại nhà. Người bệnh là Nguyễn Xuân Th. 49 tuổi, trú tại Đông Mai - Quảng Yên. Trước đó, người bệnh thấy đau họng, người mệt đã tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh để uống tại nhà. Sau khi uống, thấy người mệt lả, nổi ban đỏ, phù mặt. Người bệnh nhanh chóng được gia đình chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí. Theo Bs. Phạm Thanh Tùng cho biết, người bệnh nhập viện khi huyết áp tụt 80/50mmHg, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt và được chẩn đoán sốc phản vệ độ III. Xác định đây là trường hợp bệnh rất nặng, ngay lập tức các bác sĩ tiến hành cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ: người bệnh được tiêm adrenalin, truyền dịch, corticoid,… Qua đây, các bác sĩ Bệnh viện khuyến cáo người dân việc tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị tại nhà là rất nguy hiểm và có thể dẫn đến hàng loạt hệ lụy. Nặng có thể dẫn tới tử vong, nhẹ hơn thì cũng gây ra các phản ứng phụ do dùng thuốc không hợp lí ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, người dân cần lưu ý chỉ sử dụng kháng sinh khi có hướng dẫn của bác sĩ để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.” (https://vsh.org.vn/soc-phan-ve-do-3-do-tu-y-su-dung-khang-sinh-tai-nha.htm, đăng ngày 5/3/2020).

a) Nguyên nhân của hai trường hợp sốc phản vệ trên là gì?

b) Hãy đề xuất các biện pháp phòng ngừa sốc phản vệ do sử dụng thuốc kháng sinh.

c) Nếu chứng kiến người bị sốc phản vệ do thuốc kháng sinh, em sẽ xử lí như thế nào?

Lời giải:

a) Nguyên nhân của hai trường hợp sốc phản vệ trên là do tự ý dùng thuốc kháng sinh.

b) Biện pháp phòng ngừa sốc phản vệ do sử dụng thuốc kháng sinh: dùng thuốc kháng sinh đúng cách theo chỉ dẫn của bác sĩ; không tự ý mua thuốc kháng sinh để dùng; những người có tiền sử dị ứng cần khai báo đầy đủ với bác sĩ khi khám bệnh. c) Nếu chứng kiến người bị sốc phản vệ do thuốc kháng sinh, em sẽ xử lí: ngừng việc uống thuốc kháng sinh và đưa đi khám bác sĩ ngay, nếu nặng thì cần phải đưa đi cấp cứu.

Xem thêm các bài giải SBT Sinh học 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 24: Quá trình tổng hợp và phân giải ở vi sinh vật

Bài 26: Công nghệ vi sinh vật

Bài 27: Ứng dụng vi sinh vật trong thực tiến

Bài 28: Thực hành: Lên men

Ôn tập chương 5

 

Từ khóa :
Giải bài tập
Đánh giá

0

0 đánh giá