Tiếng Việt lớp 2 trang 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29 Bài 21: Lá phổi xanh – Cánh diều

735

Lời giải Tiếng Việt lớp 2 trang 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29 Bài 21: Lá phổi xanh sách Cánh diều gồm đầy đủ các phần Chia sẻ và đọc, Viết, Đọc, Nói và nghe, Tự đọc sách báo giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 2 Tập 1. Mời các bạn theo dõi:

Tiếng Việt lớp 2 trang 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29 Bài 21: Lá phổi xanh

Tiếng Việt lớp 2 trang 21, 22, 23 Tiếng vườn

Chia sẻ

Tiếng việt lớp 2 trang 21 Câu 1: Em biết cây nào trong các loài cây dưới đây?

Tiếng vườn Tiếng Việt lớp 2 Tập 2 – Cánh diều (ảnh 1)

Phương pháp giải:

Em quan sát tranh để trả lời câu hỏi.

Lời giải:

Em liên hệ bản thân để trả lời câu hỏi.

Những cây em biết là: cây lúa, cây hoa hồng, cây cải bắp,…

Tiếng việt lớp 2 trang 21 Câu 2: Xếp tên mỗi loài cây nói trên vào nhóm thích hợp:

a. Cây lương thực, thực phẩm:

M: cây cải bắp

b. Cây ăn quả

c. Cây lấy gỗ

d. Cây lấy bóng mát

e. Cây hoa

Phương pháp giải:

Em quan sát tranh để trả lời câu hỏi.

Lời giải:

a. Cây lương thực, thực phẩm: cây lúa, cây cải bắp, cây ngô

b. Cây ăn quả: cây cam

c. Cây lấy gỗ: cây thông

d. Cây lấy bóng mát: cây bàng

e. Cây hoa: cây hoa hồng

Bài đọc

Tiếng vườn

1. Mùa xuân về lúc nào không rõ. Tôi nghe tiếng vườn gọi.

2. Trong vườn, cây muỗm khoe chùm hoa mới. Hoa muỗm tua tủa trổ thẳng lên trời. Hoa nhài trắng xóa bên vại nước. Những bông nhài trắng một màu trắng tinh khôi, hương thơm ngọt ngào. Khi hoa nhài nở, hoa bưởi cũng đua nhau nở rộ. Từng chùm hoa bưởi, cánh trắng chẳng kém hoa nhài, nhưng lại có những tua nhị vàng như những bông thủy tiên thu nhỏ.

3. Nhưng ấn tượng nhất là những tán xoan. Cả mùa đông phơi thân cành khô cong trước gió lạnh, vậy mà hơi xuân vừa chớm đến, trên những cành cây khô ấy bỗng vỡ òa ra những chùm lộc biếc.

Tiếng vườn Tiếng Việt lớp 2 Tập 2 – Cánh diều (ảnh 2)

 

4. Trong những tán lá cây vườn, chim vành khuyên lích chích tìm sâu trong bụi chanh. Những cánh ong mật quay tít trên chùm hoa bưởi. Đàn chào mào ríu rít trên các cành xoan, vừa ở vườn này đã bay sang vườn khác.

- Muỗm: cây cùng loại với xoài, quả giống quả xoài nhưng nhỏ hơn.

- Tua tủa: từ gợi tả dáng chĩa ra không đều của nhiều vật cứng, nhọn.

- Tinh khôi: hoàn toàn tinh khiết, thuần một tính chất nào đó, tạo cảm giác tươi đẹp.

Đọc hiểu

Tiếng việt lớp 2 trang 23 Câu 1: Trong vườn có những cây nào nở hoa?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ bài đọc và quan sát tranh để trả lời câu hỏi.

Lời giải:

Những cây nở hoa trong vườn là: cây muỗm, cây hoa nhài, cây bưởi, cây xoan.

Tiếng việt lớp 2 trang 23 Câu 2: Có những con vật nào bay đến vườn cây?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn 4 và kể tên các con vật.

Lời giải:

Những con vật bay đến vườn cây là: chim vành khuyên, ong mật, chim chào mào.

Tiếng việt lớp 2 trang 23 Câu 3: Theo em hiểu, những gì đã tạo nên tiếng gọi của vườn? Chọn ý đúng nhất:

a. Tiếng các loài hoa khoe sắc đẹp.

b. Tiếng hát của các loài chim và tiếng bẫy ong đập cánh.

c. Cả hai ý trên.

Phương pháp giải:

Em đọc các đáp án và lựa chọn đáp án đúng nhất.

Lời giải:

Những thứ tạo nên tiếng gọi của vườn là: tiếng các loài hoa khoe sắc đẹp, tiếng hót của các loài chim và tiếng bầy ong đập cánh.

Chọn đáp án c.

Luyện tập

Tiếng việt lớp 2 trang 23 Câu 1: Trả lời câu hỏi:

a. Khi nào hoa bưởi đua nhau nở rộ?

b. Khi nào những cành xoan nảy lộc?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ các đoạn văn để trả lời câu hỏi:

a. Em đọc đoạn văn thứ 2

b. Em đọc đoạn văn thứ 3

Lời giải:

a. Khi hoa nhài nở, hoa bưởi cũng đua nhau nở rộ.

b. Hơi xuân vừa chớm đến, những cành xoan bắt đầu nảy lộc.

Tiếng việt lớp 2 trang 23 Câu 2: Những từ ngữ nào ở bảng bên:

a. Có thể dùng để đặt câu hỏi thay cho Khi nào?

b. Có thể dùng để trả lời câu hỏi Khi nào?

Tiếng vườn Tiếng Việt lớp 2 Tập 2 – Cánh diều (ảnh 3)

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ các từ trong bảng để trả lời câu hỏi.

Lời giải:

a. Những từ ngữ có thể dùng để đặt câu hỏi thay cho Khi nào? là: bao giờ, mùa nào, tháng mấy.

b. Những từ ngữ có thể dùng để trả lời câu hỏi Khi nào? là: mùa xuân, tháng Hai, hôm qua.

Tiếng Việt lớp 2 trang 23, 24 Tiếng vườn. Chữ hoa R

Tiếng Việt lớp 2 trang 23 Câu 1: Nghe – viết:

Tiếng vườn

Trong vườn, cây muỗm khoe chùm hoa mới. Hoa muỗm tua tủa trổ thẳng lên trời. Hoa nhài trắng xóa bên vại nước. Những bông nhài trắng một màu trắng tinh khôi, hương thơm ngọt ngào. Khi hoa nhài nở, hoa bưởi cũng đua nhau nở rộ.

Tiếng Việt lớp 2 trang 23 Câu 2: Tìm chữ hoặc vần phù hợp với ô trống rồi giải câu đố:

Tiếng vườn. Chữ hoa R Tiếng Việt lớp 2 Tập 2 – Cánh diều (ảnh 1)

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ các câu và điền chữ hoặc vần phù hợp rồi dựa vào câu đố để viết đáp án.

Lời giải:

a. Chữ ch hay tr

Mỏ dài lông biếc

Trên cành lặng yên

Bỗng vụt như tên

Chao mình bắt cá.

(Là con chim bói cá)

b. Vần uôc hay uôt.

Móng chân như guốc

Ụt ịt suốt ngày

No bụng ngủ ngay

Đói la eng éc.

(Là con lợn)

Tiếng Việt lớp 2 trang 23 Câu 3: Tìm tên:

Tiếng vườn. Chữ hoa R Tiếng Việt lớp 2 Tập 2 – Cánh diều (ảnh 2)

Phương pháp giải:

Em quan sát tranh và hoàn thành bài tập

Lời giải:

a. 3 loài cây, quả

- Có tiếng bắt đầu bằng ch: chuối, chanh leo,

- Có tiếng bắt đầu bằng tr: trúc, tre,

b. 3 vật, con vật hoặc hoạt động

- Có tiếng chứa vần uôc: guốc, cuốc, đuốc.

- Có tiếng chứa vần uôt: chuột, vuốt, tuốt.

Tiếng Việt lớp 2 trang 24 Câu 4: Tập viết:

a) Viết chữ hoa:

Tiếng vườn. Chữ hoa R Tiếng Việt lớp 2 Tập 2 – Cánh diều (ảnh 3)

b) Viết ứng dụng: Ríu rít tiếng chim trong vườn

Phương pháp giải:

* Cấu tạo: gồm 2 nét

+ Nét 1: Nét móc ngược trái. Phía trên hơi lượn, đầu móc cong vào phía trong (giống nét 1 ở các chữ hoa B, P).

+ Nét 2: Là kết hợp của hai nét cơ bản. Bao gồm, nét cong trên (đầu nét lượn vào trong) và nét móc ngược phải nối liền nhau. Các nét tạo vòng xoắn nhỏ giữa thân chữ (tương tự với chữ B hoa)

* Cách viết:

– Nét 1: Em đặt bút trên đường kẻ 6. Rê bút hơi lượn bút sang trái, viết nét móc ngược trái (đầu móc cong vào phía trong). Dừng bút trên đường kẻ 2.

– Nét 2: từ điểm dừng bút của nét 1. Em hãy lia bút lên đường kẻ 5 (bên trái nét móc) để viết nét cong trên. Cuối nét lượn vào giữa thân chữ để tạo vòng xoắn nhỏ (giữa đường kẻ 3 và đường kẻ 4). Sau đó, viết tiếp nét móc ngược phải. Dừng bút ở đường kẻ 2.

Tiếng Việt lớp 2 trang 25, 26 Cây xanh với con người

Bài đọc

Cây xanh với con người

Cây xanh với con người Tiếng Việt lớp 2 Tập 2 – Cánh diều (ảnh 1)

1. Con người không thể sống thiếu cây xanh. Lúa, ngô, khoai, sắn,…nuôi sống ta. Các loại rau là thức ăn hằng ngày của ta. Chuối, cam, bưởi, khế,… cho ta trái ngọt.

Cây xanh là bộ máy lọc không khí, làm lợi cho sức khỏe con người. Ở đâu có nhiều cây xanh, ở đó có không khí trong lành.

Rễ cây hút nước rất tốt. Vào mùa mưa bão, cây cối có thể giúp giữ nước, hạn chế lũ lụt, lở đất do nước chảy mạnh.

Cây xanh cho bóng mát, cung cấp gỗ để làm nhà cửa, giường tủ, bàn ghế,… Những hàng cây xanh và vườn hoa còn làm đẹp đường phố, xóm làng.

2. Cây xanh có nhiều lợi ích như vậy nên chúng ta phải thường xuyên bảo vệ, chăm sóc cây và trồng cây. Người Việt Nam có phong tục Tết trồng cây. Phong tục tốt đẹp này bắt nguồn từ lời kêu gọi ngày 28-11-1959 của Bác Hồ:

“Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

Trung Đức

Cây xanh với con người Tiếng Việt lớp 2 Tập 2 – Cánh diều (ảnh 2)

- Phong tục: thói quen đã có từ lâu được mọi người tin và làm theo.

- Tết trồng cây: phong tục trồng cây vào những ngày đầu xuân.

- Bắt nguồn: được bắt đầu, được sinh ra.

Đọc hiểu

Tiếng Việt lớp 2 trang 25 Câu 1: Mỗi ý trong đoạn 1 nêu một lợi ích của cây xanh. Đó là những lợi ích gì?

Phương pháp giải:

Em đọc lần lượt từng đoạn và chỉ ra từng lợi ích được nói đến trong đó.

Lời giải:

Những lợi ích của cây xanh là:

- Cung cấp thức ăn cho con người.

- Là bộ máy lọc không khí, làm lợi sức khỏe cho con người.

- Giúp giữ nước, hạn chế lũ lụt, lở đất.

- Che bóng mát, cung cấp gỗ để làm nhà cửa, giường tủ, bàn ghế…

- Làm cảnh đẹp đường phố, xóm làng.

Tiếng Việt lớp 2 trang 25 Câu 2: Vì sao phải thường xuyên bảo vệ, chăm sóc và trồng thêm cây xanh?

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn văn thứ 2 để trả lời câu hỏi.

Lời giải:

Vì cây xanh có nhiều lợi ích nên phải thường xuyên bảo vệ, chăm sóc và trồng cây.

Tiếng Việt lớp 2 trang 25 Câu 3: Phong tục Tết trồng cây ở nước ta có từ bao giờ?

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn văn cuối để trả lời câu hỏi.

Lời giải:

Phong tục Tết trồng cây ở nước ta có từ ngày 28-11-1959.

Luyện tập

Tiếng Việt lớp 2 trang 25 Câu 1: Hỏi đáp với bạn theo mẫu:

M: Nhà bạn trồng cây cam này từ….?   (bao giờ, khi nào)

- Nhà mình trồng cây cam này từ…       (năm ngoái, tháng trước)

Phương pháp giải:

Em dựa vào mẫu để hỏi đáp với bạn.

Lời giải:

- Nhà bạn trồng cây xoài này từ bao giờ?

- Nhà tớ trồng cây xoài từ khi tớ mới 5 tuổi.

Tiếng Việt lớp 2 trang 25 Câu 2: Em sẽ hỏi thế nào? Ghép đúng:

Cây xanh với con người Tiếng Việt lớp 2 Tập 2 – Cánh diều (ảnh 3)

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ các câu hỏi trong ô và ghép cho đúng.

Lời giải:

a-2, b-1

Tiếng Việt lớp 2 trang 26 Quan sát tranh ảnh cây, hoa, quả

Tiếng Việt lớp 2 trang 26 Câu 1: Quan sát tranh ảnh cây (hoa, quả):

a. Mang đến lớp tranh (ảnh) một cây xanh (một loài hoa, quả) mà em yêu thích.

b. Ghi lại những điều em quan sát được.

c. Nói lại với các bạn kết quả quan sát tranh (ảnh).

Gợi ý:

- Đó là tranh (ảnh) loài cây (hoa, quả) nào?: Cây hoa sen.

- Trong ảnh, cây hoa trồng như thế nào?

+ Cây hoa mọc trên đầm nước.

+ Lá xanh, cánh hồng, nhụy vàng.

- Tình cảm của em với tranh (ảnh) đó như thế nào?: Em rất thích bức ảnh. Bức ảnh làm em thêm yêu hoa sen.

Phương pháp giải:

a. Em thực hiện theo yêu cầu.

b. Em quan sát kĩ tranh (ảnh) mà mình đã chuẩn bị rồi ghi lại nhưng điều mình quan sát được từ tranh (ảnh) đó

- Đó là cây gì?

- Cây đó trông như thế nào?

c. Em dựa vào phần b và gợi ý để viết về tranh (ảnh) mà mình đã chuẩn bị.

Lời giải:

b. Ghi lại những điều quan sát được từ ảnh chụp cây phượng.

- Cây trong ảnh là cây phượng.

- Cây phượng rất cao, cành lá xum xuê, lá phượng nhỏ xíu, hoa màu đỏ rực.

c. Nói về kết quả quan sát:

Hôm nay, mình mang đến lớp một bức ảnh chụp cây phượng. Cây phượng trong ảnh được chụp vào mùa hè nên cành lá xum xuê, hoa nở đỏ rực. Cây phượng rất cao lớn. Mình rất thích bức ảnh này. Bức ảnh này giúp mình quan sát được cây phượng kĩ hơn.

Tiếng Việt lớp 2 trang 26 Câu 2: Chuẩn bị cho hoạt động Góc sáng tạo tuần tới: Hạt đỗ nảy mầm.

Quan sát tranh ảnh cây, hoa, quả Tiếng Việt lớp 2 Tập 2 – Cánh diều (ảnh 1)

Lời giải:

Em tự chuẩn bị ở nhà.

Tiếng Việt lớp 2 trang 26 Đọc sách báo về cây cối

Tiếng Việt lớp 2 trang 28 Câu 1: Em hãy mang đến lớp một quyển sách (tờ báo) viết về cây cối. Giới thiệu sách (báo) với các bạn.

Đọc sách báo về cây cối Tiếng Việt lớp 2 Tập 2 – Cánh diều (ảnh 1)

Phương pháp giải:

Em tự chọn một quyển sách về cây cối để giới thiệu với các bạn theo gợi ý:

- Quyển sách có tên là gì?

- Tác giả của quyển sách là ai?

- Quyển sách viết về điều gì?

- Em thích nhất điều gì ở quyển sách?

Lời giải:

- Giới thiệu với các cậu, hôm nay tớ mang đến quyển sách “Đời sống bí ẩn của cây”. Đây là quyển sách của tác giả Peter Wohlleben (do Thanh Vy dịch). Quyển sách viết về những điều bí ẩn trong cuộc sống của các loài cây.

Tiếng Việt lớp 2 trang 28 Câu 2: Tự đọc một truyện (bài thơ, bài báo) em thích. Chép lại những câu văn, câu thơ hay hoặc viết cảm nghĩ của em.

Đọc sách báo về cây cối Tiếng Việt lớp 2 Tập 2 – Cánh diều (ảnh 2)

Phương pháp giải:

Em lựa chọn một câu chuyện hoặc bài thơ, bài báo về cây cối và làm theo yêu cầu.

Lời giải:

Bài thơ về cây

Hôm nay học loài cây,
Bài cô giảng thật hay:
Rễ cây hút nhựa đất
Như ăn cơm hàng ngày.

Cây không hề biết đi,
Chưa bao giờ cây nói,
Cây chỉ biết thầm thì
Khi trăng lên gió thổi.

Lá cây làm lá phổi
Cũng hít vào thở ra.
Cành cây thường vẫy gọi
Như tay người chúng ta.

Khi cây vui nở hoa,
Khi buồn cây héo lá.
Ai bẻ cành, vặt hoa
Nhựa tuôn như máu ứa.

Xanh, canh cây làm bức tranh
Cho vườn ta thêm xinh.
Già, cây làm chiếc ghế
Chúng ta ngồi học hành.

Còn bao điều thú vị
Cây giúp đời chúng mình.
Loài cây cũng suy nghĩ
Loài cây cũng có tình.

                    Xuân Tửu

Tiếng Việt lớp 2 trang 29 Câu 3: Đọc lại (hoặc kể lại) cho các bạn nghe những gì em vừa đọc.

Lời giải:

Em tự hoàn thành bài tập trên lớp.

Đánh giá

0

0 đánh giá