Lịch Sử 8 (Kết nối tri thức) Bài 4: Đông Nam Á từ nửa sau thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XIX

632

Toptailieu biên soạn và giới thiệu lời giải Lịch Sử 8 Kết nối tri thức Bài 4: Đông Nam Á từ nửa sau thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XIX hay, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi SGK Lịch sử 8 Bài 4 từ đó học tốt môn Lịch sử 8 

Lịch Sử 8 Kết nối tri thức Bài 4: Đông Nam Á từ nửa sau thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XIX

Mở đầu trang 19 Bài 4 Lịch Sử 8: Em biết gì về quá trình xâm nhập của thực dân phương Tây vào các nước Đông Nam Á và cuộc đấu tranh chống ách đô hộ thực dân của nhân dân các nước này?

Trả lời:

- Chia sẻ hiểu biết:

+ Do Đông Nam Á có vị trí địa lí quan trọng, lại giàu tài nguyên khoáng sản nên sớm trở thành mục tiêu xâm lược của các nước tư bản phương Tây.

+ Trong các thế kỉ XVI – XIX, bằng nhiều cách thức và thủ đoạn khác nhau như: ngoại giao, buôn bán, truyền giáo, khống chế chính trị ép kí hiệp ước và dùng vũ lực thôn tính, thực dân phương Tây đã từng bước xâm chiếm gần hết các quốc gia Đông Nam Á.

+ Sự thống trị của thực dân phương Tây đã dẫn đến những chuyển biến lớn ở các nước Đông Nam Á; đồng thời cũng đẩy mâu thuẫn dân tộc giữa nhân dân Đông Nam Á với chính quyền thực dân ngày càng sâu sắc, làm bùng nổ nhiều cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Mặc dù diễn ra sôi nổi, quyết liệt, nhưng do nhiều nguyên nhân, các cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Nam Á trong giai đoạn này vẫn chưa giành được thắng lợi.

2. Tình hình Đông Nam Á dưới ách đô hộ của thực dân phương Tây

Giải Lịch Sử 8 trang 22

Câu hỏi 1 trang 22 Lịch Sử 8: Khai thác tư liệu (tr. 21) giúp em biết điều gì về chính sách cai trị của chính quyền thực dân ở một số nước Đông Nam Á.

Trả lời:

- Đoạn tư liệu trên phản ánh về chính sách “chia để trị” của chính quyền thực dân ở một số nước Đông Nam Á.

+ “Chia để trị” là một chính sách thâm độc của các nước thực dân phương Tây, thông qua việc dùng nhiều biện pháp chia rẽ khác nhau, các nước thực dân muốn: cắt đứt những mối liên hệ cơ bản, cần thiết của nước thuộc địa trên nhiều phương diện; từ đó giảm dần và đi đến xóa bỏ ý chí đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân thuộc địa.

+ Việc các nước thực dân phương Tây tiến hành chính sách “chia để trị” đã để lại nhiều hậu quả cho nhân dân Đông Nam Á, ví dụ như: tạo ra sự chia rẽ, rạn nứt khối đoàn kết, mâu thuẫn giữa các vùng trong cả nước và giữa các nước với nhau; bộ máy cai trị của chính quyền thực dân được củng cố,…

Câu hỏi 2 trang 22 Lịch Sử 8:Hãy trình bày những nét chính về tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của các nước Đông Nam Á dưới ách đô hộ của thực dân phương Tây.

Trả lời:

- Tình hình chính trị:

+ Chính quyền và tầng lớp trên ở các nước đã đầu hàng, phụ thuộc hoặc làm tay sai cho thực dân.

+ Bộ máy ở trung ương và cấp tỉnh đều do các quan chức thực dân điều hành.

- Tình hình kinh tế:

+ Thực dân phương Tây đẩy mạnh vơ vét, bóc lột người dân bản xứ, không chú trọng mở mang công nghiệp nặng, chủ yếu xây dựng những ngành công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng.

+ Mở rộng hệ thống đường giao thông để phục vụ cho công cuộc khai thác kinh tế hoặc đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân.

+ Cướp đoạt ruộng đất đề lập đồn điền, ép chính quyền bản xứ nhượng quyền khai khẩn đất hoang,..

- Tình hình văn hoá:

+ Du nhập của văn hoá phương Tây làm xói mòn những giá trị văn hoá truyền thống ở các nước trong khu vực, gây ra sự xung đột văn hoá, tôn giáo ở nhiều nước.

+ Thực hiện chính sách nô dịch nhằm đồng hoá và ngu dân để dễ bề cai trị.

- Tình hình xã hội: có sự phân hoá sâu sắc:

+ Một bộ phận quý tộc, lãnh chúa phong kiến giàu có, câu kết với thực dân bóc lột nông dân.

+ Giai cấp nông dân ngày càng bị bần cùng hoá, phải chịu mọi thứ thuế, lao dịch nặng nề. Nhiều người phải rời bỏ ruộng đất để bán sức lao động cho địa chủ hay tư bản nước ngoài.

+ Giai cấp tư sản dân tộc, giai cấp công nhân, tầng lớp tiểu tư sản trí thức hình thành và phát triển, bắt đầu tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

3. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước Đông Nam Á chống thực dân phương Tây từ nửa sau thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XIX

  • Câu hỏi trang 22 Lịch Sử 8: Mô tả một số nét chính về cuộc đấu tranh tiêu biểu ở Đông Nam Á chống ách đô của thực dân phương Tây từ nửa sau thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XIX.

    Trả lời:

    Ở In-đô-nê-xi-a:

    + Sau khi bị thực dân Hà Lan đô hộ, nhiều cuộc khởi nghĩa tiêu biểu đã nổ ra như: khởi nghĩa Tơ-ru-nô Giê-giô (1675), khởi nghĩa Su-ra-pa-tit (1683 - 1719), khởi nghĩa Đi-pô-nê-gô-rô (1825 - 1830),...

    + Kết quả: các cuộc đấu tranh đều thất bại.

    Tại Phi-líp-pin:

    + Ngay khi thực dân Tây Ban Nha xâm nhập đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của thổ dân đảo Mác-tan (1521) với thủ lĩnh là La-pu-la-pu.

    + Đến đầu thế kỉ XIX, phong trào đấu tranh đã có bước tiến rõ rệt, tiêu biểu là khởi nghĩa của Nô-va-lét (1823), khởi nghĩa Khơ-rút-xơ (1844).

    - Ở Miến Điện: ngay từ cuộc xâm lược đầu tiên (1824 - 1826), quân Anh đã vấp phải sự kháng cự của quân đội Miến Điện do tướng Ban-đu-la chỉ huy. Đến năm 1825, Ban-du-la hi sinh, cuộc kháng chiến thất bại.

Luyện tập - Vận dụng

  • Luyện tập trang 22 Lịch Sử 8: Em có nhận xét gì về chính sách đô hộ của thực dân phương Tây đối với các nước Đông Nam Á?

    Trả lời:

    - Nhận xét:

    + Trong quá trình cai trị các nước Đông Nam Á, thực dân phương Tây đã tiến hành những chính sách cai trị thâm độc và toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, từ: chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội,…

    + Sự thống trị của thực dân phương Tây đã dẫn đến những chuyển biến lớn ở các nước trong khu vực Đông Nam Á; đồng thời khiến mâu thuẫn dân tộc giữa nhân dân thuộc địa với chính quyền thực dân ngày càng sâu sắc. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ của hàng loạt các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở các nước Đông Nam Á.

  • Vận dụng trang 22 Lịch Sử 8: Có ý kiến cho rằng: Các nước tư bản phương Tây xâm chiếm Đông Nam Á là để giúp đỡ những nước này thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Em đồng ý với ý kiến đó không? Hãy sưu tầm một số tư liệu từ sách, báo và internet để chứng minh cho ý kiến của em.

    Trả lời:

    - Không đồng tình với ý kiến cho rằng: Các nước tư bản phương Tây xâm chiếm Đông Nam Á là để giúp đỡ những nước này thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Vì:

    + Mục đích của các nước phương Tây khi xâm nhập, xâm lược Đông Nam Á là nhằm: vơ vét tài nguyên, bóc lột nhân công, độc chiếm thị trường tiêu thụ.

    + Trong quá trình cai trị, chính quyền thực dân đã thiết lập nền thống trị cứng rắn, tăng cường các hoạt động khủng bố, đàn áp nhân dân Đông Nam Á; đồng thời thực hiện chính sách “ngu dân”, cổ súy cho các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội,… nhằm làm suy yếu nòi giống, phai mờ và tiến tới xóa bỏ ý chí đấu tranh; kìm hãm sự phát triển của nhân dân thuộc địa.

    + Chính sách cai trị của thực dân phương Tây đã để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng, kéo lùi sự phát triển của các dân tộc Đông Nam Á.

    - Một số tư liệu để chứng minh:

    Tư liệu 1. Chính quyền thực dân bán rượu ở khắp nơi, đại lí rượu và thuốc phiện nhiều hơn trường học, trong 1000 làng chỉ có 10 trường học, nhưng đại lí rượu và thuốc phiện lại nhiều gấp 150 lần trường học” (trích Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2, NXH Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1995, trang 38).

    + Tư liệu 2. Trích đoạn trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo: “… hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

    Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

    Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

    Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.

Xem thêm các bài giải SGK Lịch sử 8 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 1: Cách mạng tư sản Anh và chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ

Bài 2: Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỉ XVIII

Bài 3: Cách mạng công nghiệp

Bài 5: Cuộc xung đột Nam - Bắc triều và Trịnh - Nguyễn

Bài 6: Công cuộc khai phá vùng đất phía nam từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII

Đánh giá

0

0 đánh giá