Giải KHTN 8 trang 161 (Cánh Diều)

349

Với giải SGK KHTN 8 Cánh Diều trang 161 chi tiết trong Bài 33: Môi trường trong cơ thể và hệ bài tiết ở người giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập KHTN 8. Mời các bạn đón xem:

Giải KHTN 8 trang 161 (Cánh Diều)

Luyện tập 4 trang 161 KHTN 8: Giải thích vì sao ghép thận là một phương pháp điều trị có hiệu quả cao cho người bị suy thận giai đoạn cuối?

Trả lời:

Ghép thận là một phương pháp điều trị có hiệu quả cao cho người bị suy thận giai đoạn cuối vì: Ở giai đoạn cuối, cả hai quả thận của bệnh nhân không đáp ứng được chức năng lọc máu để thải các chất độc, chất dư thừa ra khỏi cơ thể. Bởi vậy, để duy trì sự sống, bệnh nhân bắt buộc phải điều trị duy trì (lọc màng bụng, chạy thận nhân tạo) hoặc ghép thận. Tuy nhiên, các biện pháp điều trị duy trì đòi hỏi chi phí tốn kém và bệnh nhân phải thường xuyên đến bệnh viện. Trong khi đó, nếu có nguồn tạng thích hợp, ghép thận thành công có thể giúp bệnh nhân kéo dài sự sống với cuộc sống và sức khỏe gần giống một người khỏe mạnh.

Vận dụng 1 trang 161 KHTN 8: Giải thích tại sao không nên ăn quá nhiều muối, đường.

Trả lời:

Không nên ăn quá nhiều muối, đường vì: Ăn quá nhiều muối, đường sẽ làm mất cân bằng thành phần chất tan của môi trường trong cơ thể, khiến các cơ quan bài tiết (gan, thận) phải tăng cường hoạt động để đưa thành phần chất tan của môi trường trong cơ thể về trạng thái cân bằng. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên sẽ khiến các cơ quan bài tiết tương ứng quá tải. Kết quả là các cơ quan bài tiết này bị suy yếu, không đủ khả năng duy trì cân bằng môi trường trong cơ thể, từ đó, dẫn đến nhiều bệnh lí nguy hiểm cho cơ thể như tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh tim mạch hay các bệnh về thận,…

Vận dụng 2 trang 161 KHTN 8: Tại sao luyện tập thể thao giúp tăng cường quá trình thải độc của cơ thể?

Trả lời:

Luyện tập thể thao giúp tăng cường quá trình thải độc của cơ thể vì:

- Khi luyện tập thể thao, việc tăng tốc độ vận động của các cơ hô hấp sẽ giúp tăng cường sức khỏe của hệ hô hấp, nhờ đó, việc đào thải khí CO2 hiệu quả hơn.

- Thân nhiệt khi luyện tập thể thao sẽ tăng lên kích thích da bài tiết mồ hôi nhiều hơn, nhờ đó, các chất dư thừa như nước, urea, muối,… được bài tiết hiệu quả hơn.

- Việc luyện tập thể thao cũng giúp máu tuần hoàn trong cơ thể được tốt hơn, nhờ đó, việc lọc máu ở thận để bài tiết các chất thải, chất dư thừa hòa tan trong máu cũng hiệu quả hơn.

- Sự tăng cường trao đổi chất trong quá trình luyện tập thể dục thể thao cũng giúp giảm các áp lực chuyển hóa lên chức năng của gan, nhờ đó, giúp gan thực hiện quá trình chuyển hóa các chất độc và bilirubin hiệu quả hơn.

Vận dụng 3 trang 161 KHTN 8: Nêu những biện pháp phòng tránh các bệnh liên quan đến hệ bài tiết mà gia đình em thường thực hiện. Theo em, gia đình em cần thực hiện thêm những biện pháp nào khác để bảo vệ hệ bài tiết?

Trả lời:

• Học sinh dựa vào kiến thức đã được học về hệ bài tiết và tình hình thực tế của gia đình để đưa ra câu trả lời.

• Câu trả lời tham khảo:

- Những biện pháp phòng tránh các bệnh liên quan đến hệ bài tiết mà gia đình em thường thực hiện:

+ Rèn luyện thể dục, thể thao thường xuyên.

+ Thường xuyên giữ vệ sinh cho toàn cơ thể.

+ Uống đủ nước.

+ Không nhịn tiểu.

+ Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, tránh tiếp xúc với mầm bệnh.

- Theo em, gia đình em cần thực hiện thêm các biện pháp sau để bảo vệ hệ bài tiết:

+ Có chế độ ăn uống khoa học hơn: Hạn chế thức ăn chế biến sẵn như các đồ chiên rán; hạn chế các loại thức ăn chứa nhiều muối; hạn chế uống nước giải khát có gas và ăn các loại thức ăn chứa nhiều đường khác;…

+ Tạo thói quen khám sức khỏe định kì và không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Đánh giá

0

0 đánh giá