Lịch sử 11 (Kết nối tri thức) Bài 5: Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á

759

Toptailieu biên soạn và giới thiệu lời giải Lịch sử 11 (Kết nối tri thức) Bài 5: Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á hay, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi SGK Lịch sử 11 Bài 5 từ đó học tốt môn Lịch sử 11.

Lịch sử 11 (Kết nối tri thức) Bài 5: Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á

  • Mở đầu trang 29 Lịch Sử 11: Quá trình thực dân phương Tây xâm lược và cai trị ở các nước Đông Nam Á diễn ra như thế nào?

    Lời giải:

    - Trong các thế kỉ XVI - XIX, bằng nhiều cách thức và thủ đoạn khác nhau như: ngoại giao, buôn bán, truyền giáo, khống chế chính trị ép kí hiệp ước và dùng vũ lực thôn tính, thực dân phương Tây đã từng bước xâm chiếm gần hết các quốc gia Đông Nam Á.

    - Sự thống trị của thực dân phương Tây đã dẫn đến những chuyển biến lớn ở các nước Đông Nam Á; đồng thời cũng đẩy mâu thuẫn dân tộc giữa nhân dân Đông Nam Á với chính quyền thực dân ngày càng sâu sắc, làm bùng nổ nhiều cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

    Giải Lịch sử 11 trang 32

    Câu hỏi 1 trang 32 Lịch Sử 11: Khai thác Tư liệu 1(tr.31) và thông tin trong mục, trình bày quá trình thực dân phương Tây xâm lược các nước Đông Nam Á.

    Lời giải:

    - Các nước Đông Nam Á hải đảo là đối tượng đầu tiên thu hút sự chú ý của thực dân phương Tây, bởi đây là khu vực giàu tài nguyên, có nguồn hương liệu và hàng hoá phong phú, nhiều thương cảng sầm uất nằm trên tuyến đường biển huyết mạch nối liền phương Đông và phương Tây.

    + Giữa thế kỉ XVI, Philíppin chính thức bị thực dân Tây Ban Nha xâm lược và thống trị. Sau cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha (1898), Philíppin đã trở thành thuộc địa của Mỹ.

    + Cuối thế kỉ XVI, thực dân Hà Lan bắt đầu quá trình xâm nhập Inđônêxia. Nhưng phải đến giữa thế kỉ XIX, trải qua cuộc cạnh tranh quyết liệt với Bồ Đào Nha, Hà Lan mới hoàn thành việc kiểm soát nước này.

    + Đầu thế kỉ XX, toàn bộ vùng lãnh thổ ngày nay của Malaixia, Xingapo, Brunây rơi vào tay người Anh dưới những hình thức cai trị khác nhau.

    - Trải qua gần 4 thế kỉ (đầu thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XX), bằng những thủ đoạn khác nhau, thực dân phương Tây đã hoàn thành quá trình xâm lược các nước Đông Nam Á hải đảo.

    ♦ Quá trình xâm lược của thực dân phương Tây ở Đông Nam Á lục địa:

    - Quá trình xâm lược của thực dân phương Tây đối với các quốc gia Đông Nam Á lục địa bắt đầu vào thế kỉ XIX, muộn hơn so với các nước Đông Nam Á hải đảo:

    + Thực dân Anh sau hơn 60 năm (1824 - 1885), tiến hành ba cuộc chiến tranh mới chiếm được Miến Điện (Mianma).

    + Thực dân Pháp phải trải qua cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài gần nửa thế kỉ (1858 - 1893) mới hoàn thành việc xâm chiếm ba nước Đông Dương.

    - Đến đầu thế kỉ XX, các nước thực dân phương Tây đã hoàn thành quá trình thôn tính Đông Nam Á. Hầu hết các nước trong khu vực đều trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây.

    - Vương quốc Xiêm (Thái Lan) tuy vẫn giữ được nền độc lập nhưng bị lệ thuộc vào nước ngoài về nhiều mặt và trở thành “vùng đệm” giữa khu vực thuộc địa của Anh và Pháp.

    Câu hỏi 2 trang 32 Lịch Sử 11: Theo em, cách thức tiến hành xâm lược các nước Đông Nam Á của thực dân phương Tây có những điểm chung gì?

    Lời giải:

    - Điểm chung: trong quá trình xâm lược Đông Nam Á, thực dân phương tây đã sử dụng kết hợp nhiều cách thức và thủ đoạn khác nhau trên các phương diện: thương mại, tôn giáo, ngoại giao và quân sự. Cụ thể là:

    Về thương mại: các nước phương Tây lập các đội thuyền buôn, các công ty thương mại, thương điếm để mở rộng giao thương với các nước Đông Nam Á.

    Về tôn giáo: thông qua hoạt động truyền bá đại Thiên Chúa giáo để tìm hiểu lịch sử, văn hóa, địa lí đồng thời thăm dò tình hình của các nước Đông Nam Á.

    Về ngoại giao: ở giai đoạn đầu, chính phủ các nước phương Tây cử đại diện đến Đông Nam Á đề nghị kí kết hiệp ước thương mại; xin phép cho giáo sĩ được hoạt động,… ở giai đoạn sau, các nước phương Tây thực hiện việc đe dọa, ép buộc các nước Đông Nam Á kí kết các hiệp ước bất bình đẳng.

    Về quân sự: sử dụng vũ lực để thôn tính, xâm chiếm đất đai hoặc sử dụng sức mạnh quân sự để đe dọa, gây sức ép về mặt chính trị,…

    Giải Lịch sử 11 trang 36

    Câu hỏi 1 trang 36 Lịch Sử 11: Trình bày nét chính về công cuộc cải cách ở Xiêm.

    Lời giải:

    ♦ Bối cảnh tiến hành cải cách:

    - Vào giữa thế kỉ XIX, Vương quốc Xiêm đứng trước sự đe dọa xâm lược của thực dân phương Tây.

    - Từ năm 1851, vua Ra-ma IV đã tiến hành cải cách, chủ trương mở cửa buôn bán với nước ngoài. Đặc biệt, từ năm 1868, dưới thời vua Ra-ma V, Xiêm đã tiến hành hàng loạt cải cách quan trọng về ngoại giao, kinh tế, xã hội, hành chính, giáo dục....

    ♦ Nội dung cải cách:

    - Về kinh tế:

    Trong nông nghiệp, năm 1874, Chính phủ Xiêm đã áp dụng biện pháp miễn trừ và giảm thuế nông nghiệp, tạo điều kiện cho việc khai khẩn đất mới; đến đầu thế kỉ XX, ban hành những quy định quản lí ruộng đất hiện đại.

    + Trong công nghiệp, Chính phủ thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp, đường sắt,..

    - Về hành chính: Từ năm 1892, Ra-ma V tiến hành cải cách hành chính theo mô hình phương Tây.

    - Về giáo dục: Công tác giáo dục được nhà vua đặc biệt chú trọng. Năm 1898, nhà vua cho công bố Chương trình giáo dục đầu tiên ở Xiêm.

    - Về ngoại giao:

    + Năm 1897, Rama V tiến hành chuyến công du sang các nước châu Âu, gặp gỡ đại diện các chính phủ Anh, Pháp, Đức, Nga, nhằm mục tiêu xóa bỏ các hiệp ước bất bình đẳng đã kí trước đó.

    + Đầu thế kỉ XX, Chính phủ Xiêm kí một số hiệp ước với nội dung đồng ý cắt một số vùng lãnh thổ thuộc ảnh hưởng của Xiêm ở Lào, Campuchia, Mã Lai cho Pháp và Anh để bảo vệ nền độc lập của nước mình.

    ♦ Kết quả, ý nghĩa:

    - Góp phần giải phóng sức lao động, thúc đẩy sản xuất phát triển, mở cửa cho hàng hoá xuất khẩu..., đưa Vương quốc Xiêm phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, từng bước hội nhập với thế giới trong những thập niên tiếp theo.

    - Chính phủ Xiêm có thực lực để thực hiện đường lối ngoại giao mềm dẻo, nhằm giữ vững nền độc lập và chủ quyền đất nước, không bị rơi vào tình trạng thuộc địa như những nước còn lại ở Đông Nam Á.

    Câu hỏi 2 trang 36 Lịch Sử 11: Vì sao Xiêm là nước duy nhất ở khu vực Đông Nam Á không trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây?

    Lời giải:

    - Xiêm là nước duy nhất ở khu vực Đông Nam Á không trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây, vì:

    + Trong bối cảnh bị thực dân phương Tây đe dọa xâm lược, chính phủ Xiêm đã nhanh chóng tiến hành cải cách đất nước một cách toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, hành chính, giáo dục, ngoại giao,… Trên cơ sở những thành tựu của công cuộc cải cách, chính phủ Xiêm đã tăng cường được sức mạnh của quốc gia, có thực lực để thực hiện đường lối ngoại giao mềm dẻo, nhằm giữ vững độc lập, chủ quyền đất nước.

    + Mặt khác, Xiêm có vị trí địa lí rất đặc biệt. Ở thời điểm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, vị trí địa lí của Xiêm nằm giữa hai khu vực là: Ấn Độ thuộc Anh (bao gồm Ấn Độ, Miến Điện, Mã Lai) và Đông Dương thuộc Pháp (bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia). Trên thực tế cả Anh và Pháp đều không muốn đụng độ với nhau ở Xiêm nên đã quyết định biến Xiêm trở thành “vùng đệm”. Nhận thức được ưu thế về vị trí địa chiến lược của mình, chính phủ Xiêm đã khôn khéo kí kết các hiệp ước với nội dung đồng ý cắt một số vùng lãnh thổ thuộc ảnh hưởng của Xiêm ở Lào, Campuchia, Mã Lai cho Pháp và Anh để bảo vệ nền độc lập của nước mình.

    Luyện tập 1 trang 36 Lịch Sử 11: Xây dựng trục thời gian thể hiện những nét chính về quá trình thực dân phương Tây xâm lược các nước Đông Nam Á.

    Lời giải:

    (*) Sơ đồ tham khảo:

    Lịch sử 11 (Kết nối tri thức) Bài 5: Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á (ảnh 2)

    Luyện tập 2 trang 36 Lịch Sử 11: Theo em, những chính sách cai trị của thực dân phương Tây ở Đông Nam Á đã tác động như thế nào đối với các nước trong khu vực?

    Lời giải:

    Nhận xét chung: Chính sách cai trị của thực dân phương Tây đã dẫn đến những chuyển biến sâu sắc ở các nước Đông Nam Á, trên tất cả các phương diện, từ: chính trị, kinh tế, đến văn hóa, xã hội.

    ♦ Chuyển biến về chính trị:

    - Chuyển biến tích cực: một số yếu tố tích cực về hệ thống pháp luật, quản lí hành chính,… được du nhập vào Đông Nam Á.

    - Chuyển biến tiêu cực:

    + Từ các quốc gia độc lập, có chủ quyền, các nước Đông Nam Á đã trở thành thuộc địa hoặc bị lệ thuộc về chính trị vào các nước thực dân phương Tây.

    + Quyền lực chính trị nằm trong tay chính quyền thực dân. Một bộ phận lực lượng phong kiến ở các nước Đông Nam Á bị biến thành tay sai, công cụ thống trị và bóc lột của thực dân phương Tây.

    + Khối đoàn kết dân tộc bị rạn nứt.

    ♦ Chuyển biến về kinh tế:

    - Chuyển biến tích cực: phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa từng bước được du nhập vào các nước Đông Nam Á, đem đến nhiều tiến bộ hơn so với quan hệ sản xuất phong kiến, ví dụ: xuất hiện nhiều ngành kinh tế mới, xuất hiện các đô thị hiện đại, các trung tâm công nghiệp lớn,…

    - Chuyển biến tiêu cực:

    + Tài nguyên thiên nhiên vơi cạn; nhân công bị bóc lột kiệt quệ;

    + Các nước Đông Nam Á bị biến thành thị trường cung cấp nguyên - nhiên liệu, nhân công và tiêu thụ hàng hóa độc chiếm của thực dân phương Tây.

    + Kinh tế các nước thuộc địa bị kìm hãm, phụ thuộc vào kinh tế các nước thực dân xâm lược; sự phát triển chỉ mang tính chất cục bộ ở một số địa phương, về cơ bản, kinh tế Đông Nam Á vẫn lạc hậu, phát triển thiếu đồng bộ, mất cân đối.

    ♦ Chuyển biến về văn hóa:

    - Chuyển biến tích cực: nhiều yếu tố tiến bộ của văn hóa phương Tây, như: lối sống, trình độ học thức, hệ tư tưởng, tư duy,… được du nhập vào Đông Nam Á.

    - Chuyển biến tiêu cực:

    + Đại bộ phận dân cư vẫn trong tình trạng nghèo đói, lạc hậu, trình độ dân trí thấp.

    + Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các nước Đông Nam Á bị xói mòn; trong xã hội tồn tại phổ biến nhiều hủ tục, tệ nạn xã hội.

    ♦ Chuyển biến về xã hội:

    - Làm phân hóa các giai cấp, tầng lớp cũ trong xã hội.

    - Làm xuất hiện của các lực lượng xã hội mới, như: công nhân, tư sản, tiểu tư sản…

    - Đẩy mâu thuẫn dân tộc giữa nhân dân Đông Nam Á với chính quyền thực dân xâm lược lên cao, làm bùng nổ nhiều cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

    Vận dụng trang 36 Lịch Sử 11: Sưu tầm tư liệu từ sách, báo, internet, viết một bài (khoảng 300 chữ) về quá trình thực dân phương Tây xâm lược và thiết lập nền thống trị ở một nước trong khu vực Đông Nam Á.

    Lời giải:

    (*) Tham khảo: Quá trình thực dân Pháp xâm lược và thiết lập nền thống trị ở Việt Nam

    - Từ giữa thế kỉ XIX, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Pháp phát triển mạnh. Nhu cầu về thị trường, nguyên liệu và nhân lực khiến quốc gia này đẩy mạnh xâm chiếm các nước phương Đông. Lợi dụng các mối quan hệ đã có từ trước, đồng thời, lấy cớ bảo vệ đạo Thiên Chúa giáo, ngày 1/9/1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam.

    - Do thiếu đường lối chỉ đạo đúng đắn và quyết tâm kháng chiến của triều đình nhà Nguyễn, cuối cùng Việt Nam đã rơi vào tay thực dân Pháp. Hiệp ước Patơnốt (6/6/1884) là hiệp ước cuối cùng, đánh dấu sự đầu hàng hoàn toàn của triều đình nhà Nguyễn trước thế lực xâm lăng, kết thúc giai đoạn tồn tại của Nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập.

    - Trái ngược với thái độ của triều đình Huế, ngay từ đầu nhân dân Việt Nam đã đứng lên chiến đấu chống Pháp. Cuộc chiến tranh nhân dân bền bỉ, dẻo dai, đều khắp, với tinh thần dũng cảm vô song... đã khiến thực dân Pháp phải chịu nhiều tổn thất, phải mất hơn 26 năm mới có thể hoàn thành cuộc chiến tranh xâm lược và thực dân Pháp còn phải mất thêm 11 năm nữa để tiến hành cuộc bình định quân sự mới tạm thời thiết lập được nền thống trị trên toàn cõi Việt Nam.

    - Từ năm 1897, sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa cuối cùng trong phong trào Cần vương và tiến hành giảng hoà với Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế, thực dân Pháp bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa quy mô, có hệ thống trên toàn cõi Đông Dương.

    - Dưới tác động từ cuộc khai thác này, Việt Nam dần dần trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến và bị biến thành nơi cung cấp sức người, sức của rẻ mạt cho Pháp. Để đảm bảo lợi nhuận tối đa, thực dân Pháp đặt thêm nhiều thứ thuế mới, kìm hãm sự phát triển của Việt Nam, cột chặt nền kinh tế Việt Nam vào kinh tế chính quốc.

    - Tuy nhiên, công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp cũng làm nảy sinh những nhân tố mới, ngoài ý muốn của chúng. Vào đầu thế kỉ XX, ở Việt Nam đã xuất hiện những thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa, dù còn non yếu: thành thị mọc lên; một số cơ sở công nghiệp ra đời. Cơ cấu xã hội biến động, một số tầng lớp mới xuất hiện; một số yếu tố tích cực, tiến bộ của văn minh phương Tây cũng từng bước du nhập vào Việt Nam.

Đánh giá

0

0 đánh giá