Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 1 có đáp án (4 phiếu)

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu tiêu đề Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 1 có đáp án (4 phiếu) hay, chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện, biết cách làm các dạng bài tập Tiếng Việt lớp 5 từ đó học tốt Tiếng Việt lớp 5.

Chỉ 100k mua trọn bộ Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 bản word có lời giải chi tiết:

B1: Gửi phí vào tài khoản 011110002558311 - NGUYEN THANH TUYEN Ngân hàng Vietcombank

B2: Nhắn tin tới zalo Vietjack Official - nhấn vào đây để thông báo và nhận giáo án.

Xem thử tài liệu tại đây: Link tài liệu

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 1 có đáp án (4 phiếu)

I - Bài tập về đọc hiểu

Quần đảo Trường Sa

Cách Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng năm trăm cây số về phía đông nam bờ biển, đã mọc lên một chùm đảo san hô nhiều màu. Đó là quần đảo Trường Sa, mảnh đất xa xôi nhất của Tổ quốc ta.

Quần đảo gồm nhiều đảo nhỏ, đứng theo hình vòng cung. Mỗi đảo là một bông hoa san hô rực rỡ góp thành một lẵng hoa giữa mặt nước Biển Đông xanh mênh mông.

Từ lâu Trường Sa đã là mảnh đất gần gũi với ông cha ta. Đảo Nam Yết và Sơn Ca có giống dừa đá, trái nhỏ nhưng dày cùi, cây lực lưỡng, cao vút. Trên đảo còn có những cây bàng, quả vuông bốn cạnh, to bằng nửa chiếc bi đông, nặng bốn năm lạng, khi chín vỏ ngả màu da cam. Gốc bàng to, đường kính chừng hai mét, xòe một tán lá rộng. Tán bàng là những cái nón che bóng mát cho những hòn đảo nhiều nắng này. Bàng và dừa đều đã cao tuổi. Người lên đảo trồng cây chắc chắn phải từ rất xa xưa.

Một sáng đào công sự, lưỡi xẻng của anh chiến sĩ xúc lên một mảnh đồ gồm có nét hoa văn màu nâu và xanh, hình đuôi rồng. Anh chiến sĩ quả quyết rằng những nét hoa văn này y như hoa văn trên hũ rượu thờ ở đình làng anh.

Nhiều thế hệ người Việt Nam đã đặt chân lên đây, khi tìm báu vật, khi trồng cây để xanh tươi mãi cho tới hôm nay.

(Hà Đình Cẩn – trích Quần đảo san hô )

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng

Câu 1 : Quần đảo Trường Sa nằm ở đâu ?

a-Cách bờ biển Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng năm trăm cây số về phía đông nam

b- Cách bờ biển Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng ba trăm cây số về phía đông nam

c- Cách bờ biển Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng năm trăm cây số về phía đông bắc

Câu 2 : Quần đảo được miêu tả qua hình ảnh đẹp như thế nào?

a- Gồm nhiều đảo nhỏ, đứng theo hình vòng cung

b- Mỗi đảo là một bông hoa san hô rực rỡ góp thành một lẵng hoa giữa mặt nước Biển Đông xanh mênh mông

c- Những cây bàng quả vuông bốn cạnh, to bằng nửa chiếc bi đông, nặng bốn năm lạng, khi chín vỏ ngả màu da cam.

Câu 3 : Dòng nào dưới đây nêu đúng và đủ những nét đặc biệt của cây cối trên đảo ?

a- Giống dừa đá trái nhỏ nhưng dày cùi, cây lực lưỡng, cao vút, tán lá như những cái nón khổng lồ che bóng mát cho những hòn đảo nhỏ

b- Những cây bàng cao vút, quả vuông bốn cạnh, to bằng nửa chiếc bi đông, nặng bốn năm lạng, khi chín vỏ ngả màu da cam

c- Nhiều cây dừa đá lực lưỡng, cao vút ; nhiều gốc bàng to, đường kính chừng hai mét, xòe một tán lá rộng ; được trồng từ rất xa xưa

Câu 4 : Chi tiết “mảnh đồ gốm có nét hoa văn màu nâu và xanh, hình đuôi rồng” giúp anh chiến sĩ biết điều gì ?

a- Những nét hoa văn của mảnh đồ gốm trên đảo rất đẹp

b- Người Việt Nam đã sống và gắn bó với đảo từ lâu đời

c- Đảo có rất nhiều đồ gốm với những nét hoa văn tinh xảo

II – Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn

Câu 1 : Chép lại các từ ngữ sau khi điền vào chỗ trống:

a) c hoặc k

-……ánh đồng/………….

-….ể chuyện/……………

-….ì diệu/………..

-…..âu cá/………..

b)g hoặc gh

-…ọn gàng/……………..

-…..é thăm/……………

-………i nhớ/……….

-…..ửi quà /…………

c) ng hoặc ngh

-……e ngóng/………..

-……i ngờ/…………..

- ….ẫm nghĩ/……….

-……ần ngại/……….

Câu 2 : Xếp những từ sau thành 4 nhóm đồng nghĩa (a, b, c, d ) :

Nam, nữ, xinh xắn, to lớn, gái, trai, đẹp đẽ, vĩ đại

a)……………………….

b) …………………………..

c)……………………….

d) …………………………..

Câu 3 : Gạch dưới từ thích hợp nhất trong ngoặc đơn để hoàn chỉnh từng câu sau :

a) Mặt trăng tròn vành vạnh từ từ (nhô, mọc, ngoi) lên sau lũy tre làng

b) Ánh nắng ban mai trải xuống cánh đồng lúa (vàng hoe, vàng óng, vàng ối )

c) Mưa tạnh hẳn, một vài tia nắng hiếm hoi bắt đầu ( chiếu, soi, rọi ) xuống rừng cây

d) Mẹ và tôi say sưa (nhìn, xem, ngắm) cảnh bình minh trên mặt biển

Câu 4 : Lập dàn ý cho bài văn tả cảnh một buổi sáng (hoặc trưa, chiều) trong vườn cây (hay trên nương rẫy, cánh đồng, đường phố, công viên …)

Gợi ý :

a) Mở bài (giới thiệu bao quá). VD: Đó là cảnh gì, ở đâu, vào buổi nào? Ấn tượng chung của em về cảnh lúc đó ra sao ?

b) Thân bài (Tả từng phần của cảnh hoặc sự thay đổi của cảnh theo thời gian ) VD:

- Cảnh được tả bao gồm những phần nào ? Phần nổi bật nhất làm em chú ý có màu sắc, đặc điểm cụ thể ra sao ?

- Mỗi phần còn lại của cảnh có những sự vật gì nổi bật ( về màu sắc, âm thanh, đặc điểm…) ? (Kết hợp tả và nêu cảm xúc, suy nghĩ của em về từng phần của cảnh )

c) Kết bài: Nêu nhận xét hoặc cảm nghĩ của em về cảnh được tả (vào thời điểm đã xác định)

........................................................................................................................................................

........................................................................................................................................................

........................................................................................................................................................

........................................................................................................................................................

........................................................................................................................................................

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

I – 1.a 2.b 3.c 4.b

II – 1. a) cánh đồng, kì diệu, kể chuyện, câu cá

b) gọn gàng,ghi nhớ, ghé thăm, gửi quà

c) nghe ngóng, ngẫm nghĩ, nghi ngờ, ngần ngại

2. a) nam – trai

b) nữ - gái

c) xinh xắn – đẹp đẽ

d) to lớn – vĩ đại

3. a) nhô

b) vàng óng

c) rọi

d) ngắm

4. Tham khảo

(1) Dàn ý bài văn tả cảnh một buổi sáng trong vườn cây

a) Mở bài: Cảnh vườn cây ở cù lao sông Tiền, buổi sáng mùa hè đẹp trời; tràn trề nhựa sống

b) Thân bài (tả từng phần của cảnh )

- Giữa vườn: những cây xoài cao to, lá xanh đậm, chi chít những trái vàng ươm ;

những tia nắng mặt trời len lỏi qua kẽ lá, chùm quả rọi xuống mặt đất như những đốm hoa ; tiếng chim ríu rít trong vòng lá ,…

- Bên phải khu vườn: những dãy chôm chôm chạy dọc theo rãnh nước, trái chín đỏ rực như những “mặt trời con” ; lá cây thưa thớt, xanh rêu,…

- Bên trái khu vườn : rặng nhãn bao quanh hồ, cây xanh, lá tốt, trái tròn xoe lúc lỉu trên cành ;

mặt hồ xanh trong, lác đác vài bông súng đang nở, sắc hoa hồng tươi như cánh sen,…

- Những con đường nhỏ nấp dưới những hàng cây ; thấp thoáng bóng người mang giỏ đi thu hoạch trái chín,…

c) Kết bài : Yêu quý, tự hào về vườn cây trái ở Nam Bộ.

(2) Dàn ý bài văn tả cảnh một buổi trưa trên nương rẫy

a) Mở bài : Giới thiệu bao quát về cảnh một buổi trưa trên nương ngô đầy nắng và gió.

b) Thân bài ( tả tửng phần của cảnh ) :

- Bầu trời cao xanh, mặt trời tỏa nắng chói chang,…

- Nương ngô sắp vào mùa thu hoạch ; lá ngô ngả màu vàng, rủ xuống ; bắp ngô to và chắc, râu ngô màu nâu đậm hoặc đen xỉn,… Gió thổi xào xạc, lá ngô rung rung như cánh chim bay,…

- Cái chòi canh nhỏ dựng trên nương ngô trông xa như chiếc tổ chim ; những sợi dây từ chòi canh nối dài tới những

tên “bù nhìn” đội nón, đeo mõ đuổi chim ; gió thổi rung chiếc mõ kêu “lắc cắc, lắc cắc” thật vui tai,…

- Mấy người dân Mông vai đeo gùi đang lúi húi bẻ ngô ; nắng trưa dội xuống nương ngô như đổ lửa,…

c) Kết bài: Cảnh nương ngô vào buổi trưa trên miền núi vừa gợi vẻ hoang sơ vừa cho thấy sự vất vả trong lao động của bà con dân tộc thiểu số.

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 1 có đáp án (Phiếu số 2)

Thời gian: 45 phút

Câu 1: Đọc bài sau và trả lời câu hỏi.

Sông Hồng – Hà Nội

Nước sông Hồng đỏ rực như pha son về mùa lũ, khi phớt hồng như hoa đào về mùa thu, khi pha chút hồng nhẹ như má người con gái vào đầu xuân. Màu nước sông Hồng đặc biệt, không giống bất kì một dòng sông nào.

Ban đêm, từ phía bắc sông Hồng nhìn về Hà Nội, ánh điện lung linh. Những ngọn đèn áp từ cảng Vĩnh Tuy đến cầu Thăng Long như những vì sao xanh. Những ngọn đèn từ cửa sổ nhà cao tầng, ngọn cao, ngọn thấp nhấp nhô như con rồng vàng uốn khúc bay lên. Sao trời và đèn thành phố chen nhau soi bóng như những bông hoa nhài bập bềnh trên sông, vầng trăng là bông hồng vàng đang mở cánh. Dòng sông như đang sóng sánh, ánh trăng sao luôn biến đổi khi tỏ khi mờ.

Thỉnh thoảng trên mặt lại xuất hiện một vài cánh buồm ngược xuôi theo dòng nước lấp lóa trăng sao và ánh điện. Những vì sao và ánh đèn rẽ ra cho thuyền đi, rồi lại lấp lánh cuộn lên sau bánh lái. Mấy con thuyền chài, ngọn đèn dầu le lói trong khoang, nằm im lìm, trầm ngâm trên cồn cát giữa sông.

Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đánh dấu một giai đoạn phát triển mới cuả thủ đô ngàn năm văn hiến. Bức tranh sông Hồng, Hà Nội tương lai chắc chắn sẽ càng thêm rực rỡ đẹp tươi.

   (Theo Hà Nội mới)

a) Màu nước sông Hồng như thế nào ?

b) Cảnh sông Hồng đêm được miêu tả bằng nhiều sự vật. Em hãy ghi lại vẻ đẹp của mỗi sự vật đó:

c) Tác giải dùng biện pháp nghệ thuật nào để miêu tả cảnh sông Hồng?

d) Theo em , trong tương lai Hà Nội sẽ như thế nào?

Câu 2: Khoanh tròn chữ cái trước từ đồng nghĩa với từ đất nước trong các câu sau:

a) Tổ quốc     c) Nước nhà

b) Non sông     d) Đất đai

Câu 3: Sắp xếp các từ dưới đây thành từng nhóm từ đồng nghĩa

chết, hi sinh, tàu hỏa, máy bay, ăn, xơi, nhỏ, bé, rộng, rộng rãi, bao la, toi mạng, quy tiên, xe lửa, phi cơ, tàu bay, ngốn, đớp, loắt choắt, bé bỏng, bát ngát, mênh mông.

Câu 4: Đặt câu với từ chết và từ hi sinh để phân biệt hai từ này:

Câu 5: Gạch dưới trạng ngữ, dùng gạch chéo ( / ) phân tách giữa chủ ngữ và vị ngữ trong các câu sau:

a) Mùa thu, vạt hoa cúc dại / cũng nở bung hai bên đường.

b) Trên những trang vở mới, bừng sáng lung linh / những mơ ước.

Câu 6: Đóng vai ngôi trường mà em đang học và giới thiệu 5 – 7 câu về mình với mọi người

Đáp án:

Câu 1:

a. Màu nước sông Hồng khi đỏ rực như son về lũ, khi phớt hồng như hoa đào về mùa thu, khi pha chút hồng nhẹ như má người con gái vào đầu xuân. Màu nước sông Hồng đặc biệt, không giống bất kì một dòng sông nào.

b.

- Những ngọn đèn cao áp: như những vì sao xanh.

- Những ngọn đèn màu: ngọn cao, ngọn thấp nhô như con rồng vàng uốn khúc đang bay lên.

- Vầng trăng: là bông hoa hồng vàng đang mở cánh

- Thuyền chài: ngọn đèn dầu le lói trong khoang, nằm im lìm, trầm ngâm trên cồn cát giữa sông.

c.

Nhân hoá: Mấy con thuyền chài, ngọn đèn dầu le lói trong khoang, nằm im lìm, trầm ngâm trên cồn cát giữa sông.

So sánh: Sao trời và đèn thành phố chen nhau soi bóng như những bông hoa nhài bập bềnh trên sông.

d.  Hà Nội tương lai chắc chắn sẽ càng thêm rực rỡ, đẹp tươi

Câu 2: Đáp án: Khoanh vào a,b,c

Câu 3:

- Nhóm 1(Chỉ những người không còn sống nữa, đã ngừng thở, tim ngừng đập): chết, hi sinh, toi mạng, quy tiên

- Nhóm 2 (Chỉ một loại phương tiện giao thông đi lại trên đường sắt): tàu hoả, xe lửa

- Nhóm 3 (Chỉ hoạt động đưa thức ăn vào miệng): ăn, xơi, ngốn, đớp

- Nhóm 4 (Chỉ hình dáng bé nhỏ hơn mức bình thường): nhỏ, bé, loắt choắt, bé bỏng

- Nhóm 5 (Chỉ một loại phương tiện giao thông đi lại bằng đường hàng không): máy bay, tàu bay, phi cơ

- Nhóm 6 (Chỉ những diện tích lớn hơn mức bình thường): rộng, rộng rãi, bao la, bát ngát, mênh mông

Câu 4:

- Hắn bị cảm gió vừa chết đêm qua.

- Em bé Lượm đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ đưa thư thượng khẩn.

Câu 5:

a) Mùa thu, vạt hoa cúc dại / cũng nở bung hai bên đường.

   TN   CN   VN

b) Trên những trang vở mới, bừng sáng lung linh / những mơ ước.

   TN   VN   CN

Câu 6:

Chào mọi người, tôi tên là “Trường Tiểu học Dịch Vọng A”. Nhà tôi ở phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tôi năm nay đã được 20 tuổi rồi đấy các bạn ạ. Khi các bạn gặp tôi các bạn sẽ dễ dàng nhận ra tôi ngay bởi tôi khoác lên mình chiếc áo màu vàng óng với mái đầu tôn xanh và thân hình cao to đồ sộ. Hàng ngày tôi được các bạn nhỏ vệ sinh sạch sẽ trước và sau giờ học. Những bài giảng nhẹ nhàng, ấm áp của thầy cô và sự siêng năng, chăm chỉ của các bạn học sinh làm tôi cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày. Chúng ta sẽ gắn bó với nhau trong suốt 5 năm năm liền nên các bạn hãy cứ coi tôi như là ngôi nhà thứ hai của mình nhé!

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 1 có đáp án (Phiếu số 3)

Thời gian: 45 phút

Câu 1. Tìm các từ đồng nghĩa (làm 3 trong 4 ý a, b, c, d):

a) Chỉ màu xanh ............................

b) Chỉ màu đỏ .................................

c) Chỉ màu trắng ............................

d) Chỉ màu đen ..............................

Câu 2. Đặt câu với một từ tìm được ở bài tập 1:

Câu 3. Giữ lại từ thích hợp trong ngoặc đơn, gạch đi từ không thích hợp để hoàn chỉnh đoạn văn sau :

Cá hồi vượt thác

Đàn cá hồi gặp thác phải nghỉ lại lấy sức để sáng mai vượt sóng. Suốt đêm thác réo (điên cuồng, dữ dằn, điên đảo). Nước tung lên thành những búi trắng như tơ. Suốt đêm đàn cá rậm rịch.

Mặt trời vừa (mọc, ngoi, nhô) lên. Dòng thác óng ánh (sáng trưng, sáng quắc, sáng rực) dưới nắng. Tiếng nước xối (gầm rung, gầm vang, gầm gào). Những con cá hồi lấy đà lao vút lên như chim. Chúng xé toạc màn mưa thác trắng. Những đôi vây xoè ra như đôi cánh.

Đàn cá hồi lần lượt vượt thác an toàn. Đậu "chân" bên kia ngọn thác, chúng chưa kịp chờ cho cơn choáng đi qua, lại (cuống cuồng, hối hả, cuống quýt) lên đường.

Câu 4: Đọc bài Nắng trưa (Tiếng Việt 5, tập một, trang 12), nêu nhận xét về cấu tạo của bài văn. (Chú ý: phần thân bài có thể gồm 3 - 4 đoạn).

Phân đoạn

a) Mở bài (từ……… đến)

b) Thân bài (từ……… đến)

c) Kết bài (…………)

Nội dung

………………

………………

………………

Đáp án:

Câu 1. Tìm các từ đồng nghĩa:

a) Chỉ màu xanh: xanh biếc, xanh lè, xanh lét, xanh mướt, xanh mượt, xanh rì, xanh thẳm, xanh um,...

b) Chỉ màu đỏ: đỏ chót, đỏ tươi, đỏ rực, đỏ thắm, đỏ ngầu, đỏ hoe, đỏ ửng, đỏ tía, đỏ chói,...

c) Chỉ màu trắng: trắng bệch, trắng tinh, trắng toát, trắng bong, trắng tươi, trắng phau, trắng ngần,...

d) Chỉ màu đen: đen kịt, đen nhẻm, đen giòn,...

Câu 2. Đặt câu với một từ em vừa tim được ở bài tập 1:

- Vào buổi trưa, nước biển xanh biếc một màu ngọc bích.

- Mùa hè đến, hàng phượng vĩ trong sân trường rực lên một màu đỏ chói.

- Cây hoa ngọc lan trong vườn nhà em nở hoa trắng ngần.

- Mùa hè, đi biển về, da em gái tôi đen giòn.

Câu 3. Giữ lại từ thích hợp trong ngoặc đơn, gạch đi từ không thích hợp để hoàn chỉnh đoạn văn sau: từ gạch chân là từ bị loại bỏ.

Cá hồi vượt thác

Đàn cá hồi gặp thác phải nghỉ lại lấy sức để sáng mai vượt sóng. Suốt đêm thác réo (điên cuồng, dữ dằnđiên đảo). Nước tung lên thành những búi trắng như tơ. Suốt đêm đàn cá rậm rịch.

Mặt trời vừa (mọcngoi, nhô) lên. Dòng thác óng ánh (sáng trưngsáng quắc, sáng rực) dưới nắng. Tiếng nước xối (gầm rung, gầm vang, gầm gào). Những con cá hồi lấy đà lao vút lên như chim. Chúng xé toạc màn mưa thác trắng. Những đôi vây xoè ra như đôi cánh.

Đàn cá hồi lần lượt vượt thác an toàn. Đậu "chân" bên kia ngọn thác, chúng chưa kịp chờ cho cơn choáng đi qua, lại (cuống cuồng, hối hả, cuống quýt) lên đường.

Câu 4:

Phân đoạn

a) Mở bài (từ Nắng cứ đến xuống mặt đất).

b) Thân bài (từ Buổi trưa đến cấy nốt thửa ruộng chưa xong).

+ Chia làm 4 đoạn :

. Đoạn 1: Buổi trưa ...... bốc lên mãi

. Đoạn 2. Tiếng gì xa vắng ...... khép lại.

. Đoạn 3.Con gà nào ...... lặng im.

. Đoạn 4. Ấy thế mà chưa xong).

c) Kết bài (câu cuối)

Nội dung

- Nhận xét về nắng trưa.

- Cảnh vật trong nắng trưa.

+ Đoạn 1: Hơi đất trong nắng trưa bốc lên dữ dội.

+ Đoạn 2: Tiếng võng đưa và câu hát ru em trong nắng trưa.

+ Đoạn 3: Cây cối và con vật trong nắng trưa.

+ Đoạn 4: Hình ảnh mẹ trong nắng trưa

- Cảm nghĩ về mẹ: tình cảm thương yêu mẹ.

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 1 có đáp án (Phiếu số 4)

Thời gian: 45 phút

Câu 1: Xếp những từ in đậm thành các nhóm đồng nghĩa:

Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.

Câu 2

Tìm và ghi vào chỗ trống những từ đồng nghĩa với mỗi từ sau (làm 2 trong 3 ý a, b, c):

a) đẹp: ..........

b) to lớn: ..........

c) học tập: ..........

M : đẹp - xinh

Câu 3

Đặt câu với một cặp từ đồng nghĩa vừa tìm được ở bài tập 2.

...........

M: - Quê hương em rất đẹp.

- Bé Hà rất xinh.

Câu 4. Đọc bài Hoàng hôn trên sông Hương (Tiếng Việt 5, tập một, trang 11), tìm và ghi lại các phần mở bài, thân bài, kết bài của bài văn và xác định nội dung của từng phần. (Chú ý: phần thân bài có thể gồm 2-3 đoạn.)

Phân đoạn

a) Mở bài (từ……… đến)

b) Thân bài (từ……… đến)

c) Kết bài (…………)

Nội dung

………………

………………

Câu 5. Nêu nhận xét:

a) Thứ tự miêu tả trong bài văn Hoàng hôn trên sông Hương có gì khác với bài Quang cảnh làng mạc ngày mùa mà em đã học?

Bài Quang cảnh làng mạc ngày mùa: ………………

Bài Hoàng hôn trên sông Hương:………………

b) Từ hai bài văn đó, hãy rút ra nhận xét về cấu tạo của bài văn tả cảnh.

Đáp án:

Câu 1:

Xếp những từ in đậm thành các nhóm đồng nghĩa :

Nước nhà - Non sông

Hoàn cầu - Năm châu

Câu 2:

a) đẹp: tươi đẹp, mĩ lệ, xinh

b) to lớn: to đùng, vĩ đại, khổng lồ, đồ sộ

c) học tập: học, học hành, học hỏi

Câu 3:

a) - Phong cảnh nơi đây thật là mĩ lệ.

- Cuộc sống mỗi ngày một tươi đẹp.

b) - Hà Nội có những tòa nhà cao tầng đồ sộ như những gã khổng lồ đứng hiên ngang giữa lòng thành phố.

c) - Học để trở thành một người có ích.

- Hãy luôn sẵn sàng học hỏi người khác.

Câu 4.

Phân đoạn

a) Mở bài (từ Cuối buổi chiều, Huế đến trong thành phố hằng ngày đã rất yên tĩnh này).

b) Thân bài (từ Mùa thu đến khoảnh khắc yên tĩnh của buổi chiều cũng chấm dứt).

c) Kết bài (phần còn lại).

Nội dung

- Khi hoàng hôn buông xuống, Huế đặc biệt yên tĩnh.

- Sự thay đổi sắc màu của sông Hương và hoạt động của con người bên sông từ lúc hoàng hôn đến lúc thành phố lên đèn.

+ Thân bài: chia làm hai đoạn.

Đoạn 1: từ "Mùa thu ... hai hàng cây" sự thay đổi màu sắc của sông Hương từ lúc bắt đầu hoàng hôn đến lúc tối hẳn.

Đoạn 2.(đoạn còn lại): hoạt động của con người ở bên sông, trên mặt sông từ lúc hoàng hôn đến lúc thành phố lên đèn.

- Sự thức dậy của Huế.

Câu 5.

a)

Bài Quang cảnh làng mạc ngày mùa:

- Giới thiệu màu sắc bao trùm làng quê ngày mùa là màu vàng.

- Tả cảnh màu vàng khác nhau của cảnh vật

- Tả thời tiết, con người.

Bài Hoàng hôn trên sông Hương:

- Nêu nhận xét chung về sự yên tĩnh của Huế lúc hoàng hôn buông xuống.

- Tả sự thay đổi màu sắc của sông Hương từ lúc bắt đầu hoàng hôn đến lúc tối hẳn.

b) Từ hai bài văn đó, hãy rút ra nhận xét về cấu tạo của bài văn tả cảnh.

- Bài văn tả cảnh gồm 3 phần : mở bài, thân bài và kết bài

+ Mở bài: Giới thiệu bao quát về cảnh sẽ tả.

+ Thân bài: Tả từng phần của cảnh hoặc sự thay đổi của cảnh theo thời gian.

+ Kết bài : Nêu nhận xét hoặc cảm nghĩ của người viết.

Đánh giá

0

0 đánh giá