Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 15 có đáp án (5 phiếu)

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu tiêu đề Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 15 có đáp án (5 phiếu) hay, chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện, biết cách làm các dạng bài tập Tiếng Việt lớp 5 từ đó học tốt Tiếng Việt lớp 5.

Chỉ 100k mua trọn bộ Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 bản word có lời giải chi tiết:

B1: Gửi phí vào tài khoản 011110002558311 - NGUYEN THANH TUYEN Ngân hàng Vietcombank

B2: Nhắn tin tới zalo Vietjack Official - nhấn vào đây để thông báo và nhận giáo án.

Xem thử tài liệu tại đây: Link tài liệu

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 15 có đáp án (5 phiếu)

Câu 1: Ý nghĩa của chuyện Buôn Chư Lênh đón cô giáo?

A. Kể lại một nét đẹp trong phong tục đón tiếp người lạ vào làng của người Tây Nguyên, qua đó nhắc nhở con em phải hết sức giữ gìn để những giá trị văn hóa này không bị mai một.

B. Tình  cảm của người Tây Nguyên yêu quý cô giáo, biết trọng văn hóa, mong muốn cho con em của dân tộc mình được học hành, thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.

C. Tình cảm của người Tây Nguyên yêu quý cô giáo và cả những người từ dưới xuôi lên đây.

D. Cả A và C đều đúng

Câu 2: Trong bài thơ Về ngôi nhà đang xây có những sự vật liên quan đến xây dựng nào được nhắc tới trong bài

A. giàn giáo, trụ bê tông, cái bay, vôi, gạch, vữa.

B. giàn giáo, trụ bê tông, xi măng, cát, cái bay

C. giàn giáo, trụ bê tông, cái bang, mũ bảo hộ, cần cẩu

D. giàn giáo, trụ bê tông, xi măng, cần cẩu, cái bay

Câu 3: Phát hiện lỗi sai trong các câu sau và sửa lại cho đúng

a. Đây là bải biễn thơ mộng nhất mà em từng biết.

b. Đi đến nữa đường thì chúng tôi quyết định dừng xe để hõi lại đĩa chị cho chính xác

Câu 4: Trong các câu sau câu nào mắc lỗi chính tả

A. Trao đổi/chao liệng

B. Trồng cây/vợ chồng

C. Chả lại/Trả giò

D. Tra lúa/Cha mẹ

Câu 5: Chọn ý thích hợp nhất để giải nghĩa từ hạnh phúc?

A. Cảm giác dễ chịu vì được ăn ngon, ngủ yên.

B. Trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện

C. Hồ hởi, háo hức sẵn sàng làm mọi việc.

D. Cảm giác mãn nguyện vì được khen ngợi, khích lệ

Câu 6: Cho một số từ sau em hãy sắp xếp vào hai cột sao cho hợp lý

Sung sướng, sầu thảm, vui sướng, bất hạnh, đau khổ, mãn nguyện, toại nguyện, đau buồn, bi thảm, tuyệt vọng

Đồng nghĩa với hạnh phúc

Trái nghĩa với hạnh phúc

 

 

Câu 7: Em hãy sắp xếp các từ ngữ sau đây  vào các nhóm phù hợp

Cha, mẹ, chú, dì, thầy giáo, cô giáo, bạn bè, ông, bà, cụ, mợ, cô, bác, cậu, anh, chị, em, cháu,lớp trưởng, phụ trách đội, Kinh, bác sĩ, kĩ sư, công nhân, Nùng, Thái, tổng phụ trách, y tá, nông dân, công an, thợ điện, phi công, bộ đội, Tày, Dao, Mường, Ba-na

Chỉ những người thân trong gia đình

Chỉ những người gần gũi với em trong trường học

Chỉ các nghề nghiệp khác nhau

Chỉ các dân tộc anh em trên đất nước ta

 

 

 

 

Câu 8: Cho các từ miêu tả hình dáng con người sau đây, em hãy sắp xếp chúng vào các nhóm tương ứng

Đen mượt, bạc phơ, nhăn nheo, thô ráp, vạm vỡ, óng ả, xơ xác, dày dặn, long lanh, một mí, hai mí, bồ câu, tinh anh, trầm buồn, lùn tịt, thấp bé, căng bóng, thon thả, thanh tú, đục mờ, trái xoan, vuông vức, vuông chữ điền, phúc hậu, bầu bĩnh, mịn màng, trắng hồng, bánh mật, dong dỏng, nho nhã

Miêu tả mái tóc

Miêu tả đôi mắt

Miêu tả khuôn mặt

Miêu tả làn da

Miêu tả vóc người

 

 

 

 

 

Câu 9: Sắp xếp các câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao dưới đây vào các nhóm tương ứng

Chị ngã em nâng; Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy; Học thầy không  tày học bạn; Buôn có bạn, bán có phường; Không thầy đố mày  làm nên; Anh em như thể chân tay/Rách lành đùm bọc dở hay  đỡ đần; Bán anh em xa, mua láng giềng gần; Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra; Kính thầy yêu bạn; Máu chảy ruột mềm; Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau; Tôn sư trọng đạo; Thua trời một vạn không bằng thua bạn một li

Về quan hệ trong gia đình

Về tình thầy trò

Về bạn bè

 

 

 

Câu 10: Lập dàn ý cho bài văn tả một em bé đang tuổi tập nói tập đi.

Đáp án:

Câu 1:

Ý nghĩa của chuyện Buôn Chư Lênh đón cô giáo:

Tình  cảm của người Tây Nguyên yêu quý cô giáo, biết trọng văn hóa, mong muốn cho con em của dân tộc mình được học hành, thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu.

Đáp án đúng: B.

Câu 2:

Trong bài thơ có những sự vật liên quan đến xây dựng được nhắc tới trong bài thơ là:

Giàn giáo, trụ bê tông, cái bay, vôi, gạch, vữa.

Đáp án đúng: A.

Câu 3:

a. Đây là bảibiễn thơ mộng nhất mà em từng biết.

bải -> bãi, biễn -> biển

b. Đi đến nữa đường thì chúng tôi quyết định dừng xe để hõi lại đĩachị cho chính xác

nữa -> nửa, hõi -> hỏi, đĩa-> địa, chị -> chỉ

Câu 4:

Câu mắc lỗi chính tả là: Chả lại/Trả giò

Sửa lại: Trả lại/Chả giò

Đáp án đúng: C.

Câu 5:

Hạnh phúc là trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện.

Đáp án đúng: B.

Câu 6:

- Đồng nghĩa với hạnh phúc: Sung sướng, vui sướng, mãn nguyện, toại nguyện

- Trái nghĩa với hạnh phúc: bất hạnh, đau khổ, đau buồn, sầu thảm, bi thảm, tuyệt vọng

Câu 7:

Chỉ những người thân trong gia đình: Cha, mẹ, chú, dì, ông, bà, cụ, mợ, cô, bác, cậu, anh, chị, em, cháu

- Chỉ những người gần gũi với em trong trường học: thầy giáo, cô giáo, bạn bè, lớp trưởng, phụ trách đội, tổng phụ trách

- Chỉ các nghề nghiệp khác nhau: y tá, bác sĩ, kĩ sư, công nhân, nông dân, công an, thợ điện, phi công, bộ đội

- Chỉ các dân tộc và anh em trên đất nước ta: Tày, Kinh, Nùng, Thái, Dao, Mường, Ba-na

Câu 8:

- Miêu tả mái tóc: Đen mượt, bạc phơ, óng ả, xơ xác, dày dặn

- Miêu tả đôi mắt: long lanh, một mí, hai mí, bồ câu, tinh anh, trầm buồn, đục mờ

- Miêu tả khuôn mặt: trái xoan, vuông vức, vuông chữ điền, phúc hậu, bầu bĩnh

- Miêu tả làn da: mịn màng, trắng hồng, bánh mật, căng bóng, nhăn nheo, thô ráp

- Miêu tả vóc dáng: vạm vỡ, thon thả, thanh tú, dong dỏng, lùn tịt, thấp bé, nho nhã

Câu 9:

về quan hệ trong gia đình: Chị ngã em nâng; Anh em như thể chân tay/Rách lành đùm bọc dở hay  đỡ đần; Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra; Máu chảy ruột mềm; Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau

- về tình thầy trò: Không thầy đố mày  làm nên; Kính thầy yêu bạn; Tôn sư trọng đạo; Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

- về bạn bè: Học thầy không  tày học bạn; Buôn có bạn, bán có phường; Bán anh em xa, mua láng giềng gần; Thua trời một vạn không bằng thua bạn một li

Câu 10:

Lập dàn ý

A. Mở bài

- Giới thiệu về em bé đó

- Đối với em, em bé đó có quan hệ gì?( là em hay cháu?)

B. Thân bài

- Tả sơ qua về hình dáng

+Mấy tuổi: 2 tuổi

+Hình dáng: Bụ bẫm, đáng yêu

+Nước da: Trắng hồng

+Tóc: Lơ thơ vài sợi tóc tơ

+Mắt: Đôi mắt to tròn, linh động, đen lay láy

- Tả hoạt động

+Những bước đi chập chững, đáng yêu

+Thích nũng nịu với mẹ và những người thân trong nàh, nhưng ở bên những người khác thì lại bày ra dáng vẻ rất tự lập

+Thích chơi búp bê, thích nghịch đồ chơi

+Tối nào đi ngủ cũng phải ôm gấu bông mới có thể ngủ ngon

C. Kết bài

- Tình cảm của em đối với em bé

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 15 có đáp án (Phiếu số 2)

Thời gian: phút

I/ Bài tập về đọc hiểu

Bé Na

      Nhiều buổi sớm tập thể dục trước nhà, tôi thấy một cậu bé khoảng 10 tuổi đội chiếc mũ đỏ bạc màu, khoác cái bao trên vai đi thẳng đến sọt rác trước nhà bé Na. Cậu ngồi xuống nhặt mấy thứ ở sọt rác bỏ vào bao. Khi đứng lên, cậu nhìn một lát vào căn nhà còn đóng cửa.

       Tình cờ một buổi tối, tôi thấy bé Na xách một túi ni lông ra đặt vào sọt rác. Tò mò, tôi ra xem thì thấy trong túi có chiếc dép nhựa hồng, mấy mảnh nhôm, mảnh nhựa, mấy vỏ chai và vài thứ lặt vặt khác. Lặng lẽ theo dõi nhiều lần, tôi thấy bé Na làm như vậy vào buổi tối. Lạ thật, sao cô bé này lại không bán hay đổi kẹo như bao đứa trẻ khác vẫn làm?

Một lần, bé Na vào nhà tôi chơi. Tôi thân mật hỏi :

- Cháu muốn làm “cô tiên” giúp cậu bé nhặt nhôm nhựa đấy hả?

Bé tròn xoe mắt, ngạc nhiên:

- Sao bác biết ạ?

- Bác biết hết. Này nhé, hằng đêm, có một “cô tiên” đẹp như bé Na đem những thứ nhặt được đặt vào sọt rác để sáng sớm hôm sau có một cậu bé đến nhặt mang đi. Đúng không nào?

Bé Na cười bẽn lẽn và nói:

- Cháu biết bạn ấy mồ côi mẹ đấy ạ!

- À ra thế!

Bé chạy đi còn ngoái đầu lại nói với tôi:

- Bác không được nói cho ai biết đấy nhé!

Từ hôm đó, tôi cũng gom những thứ nhặt nhạnh được, bỏ vào một túi ni lông để đến tối đem đặt lên sọt rác trước nhà.

(Theo Lê Thị Lai)

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng

Câu 1. Bé Na mang những thứ gì bỏ vào sọt rác trước nhà vào buổi tối?

a - Chiếc dép da, mấy mảnh nhôm, mảnh nhựa, vỏ chai

b - Chiếc dép nhựa, vài mảnh nhôm, mảnh nhựa, vỏ chai

c - Mấy túi ni lông cũ, mảnh nhôm, mảnh nhựa, vỏ chai

Câu 2. Vì sao Na đem những thứ nhặt được bỏ vào sọt rác cho cậu bé lấy đi?

a - Vì Na muốn làm “cô tiên” xinh đẹp để được mọi người yêu thích

b - Vì Na thấy cậu bé chỉ thích nhặt những thứ đồ cũ để bán lấy tiền

c - Vì Na thương cậu bé mồ côi mẹ phải đi nhặt đồ cũ để bán lấy tiền

Câu 3. Vì sao Na không muốn nói cho ai biết việc mình giúp đỡ cậu bé?

a - Vì Na cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ trước mọi người

b - Vì Na sợ cậu bé ngượng ngùng, xấu hổ trước mọi người

c - Vì Na coi đó là việc rất nhỏ, không đáng để khoe khoang

Câu 4. Việc làm của tác giả ở cuối truyện giúp em hiểu được điều gì?

a - Gom những thứ nhặt được bỏ vào sọt rác là một việc làm tốt

b - Việc làm thể hiện lòng nhân hậu được người khác noi theo

c - Cần quan tâm giúp người khác để người khác giúp đỡ mình

Câu 5. Cụm từ nào dưới đây có thể dùng để đặt tên khác cho truyện Bé Na?

a - Cậu bé nhặt ve chai

b - Câu chuyện buổi tối

c - Việc nhỏ nghĩa lớn

II/ Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn

Câu 1. Điền vào chỗ trống

a) tr hoặc ch:

Đèn khoe đèn tỏ hơn …ăng

Đèn ra…ước gió còn…ăng hỡi đèn ?

b) nghỉ hoặc nghĩ : ……..ngơi, ngẫm …..

ngỏ hoặc ngõ :……..nhỏ, thư …………..

Câu 2. a) Chọn từ ngữ (to lớn hoặc sống, ước mơ, của nhân dân, giành lấy, đơn sơ) điền vào chỗ trống để có các kết hợp từ đúng:

(1).....hạnh phúc

(3)……hạnh phúc

(5)...…hạnh phúc

b) Tìm từ có tiếng phúc điền vào chỗ trống trong mỗi câu sau cho thích hợp :

(1) Mình chúc Minh khỏe vui và ………

(2) Bà em bảo phải ăn ở tử tế để ……. lại cho con cháu

(3) Gương mặt cô trông rất ……………

Câu 3. Điền vào chỗ trống cho đúng thành ngữ, tục ngữ, ca dao nói về quan hệ gia đình, thầy trò, bè bạn :

a) Anh thuận …… hòa là nhà có ………

b) Công …. nghĩa …… ơn ……

Nghĩ sao cho bõ những ngày gian lao.

c) …… là nghĩa tương tri

Sao cho sau trước mọi bề mới nên.

Câu 4. Tìm các từ ngữ thường dùng để tả người và viết vào chỗ trống ở từng cột trong bảng (mỗi cột ít nhất 5 từ ngữ):

Tả ngoại hình

Tả tính tình, hoạt động

M : mập mạp

…………………

…………………

…………………

M : nóng nảy

………………

………………

…………………

Câu 5. Viết đoạn văn (khoảng 8 câu) tả hoạt động của một người mà em yêu mến (bố, mẹ, cô giáo, thầy giáo, chị gái, em bé, bạn thân,……..)

Chú ý: Cần viết rõ câu mở đoạn, ý thân đoạn và câu kết đoạn

Đáp án:

I/ Bài tập về đọc hiểu

Câu 1: Những thứ mà bé Na đã mang bỏ vào sọt rác trước nhà vào buổi tối đó là: Chiếc dép nhựa, vài mảnh nhôm, mảnh nhựa, vỏ chai.

Chọn đáp án: b

Câu 2: Na đem những thứ nhặt được bỏ vào sọt rác cho cậu bé lấy đi vì Na thương cậu bé mồ côi mẹ phải đi nhặt đồ cũ để bán lấy tiền.

Chọn đáp án: c

Câu 3: Na không muốn nói cho ai biết việc mình giúp đỡ cậu bé vì Na coi đó là việc rất nhỏ, không đáng để khoe khoang.

Chọn đáp án: c

Câu 4: Việc làm của tác giả ở cuối truyện giúp em hiểu rằng việc làm thể hiện lòng nhân hậu được người khác noi theo.

Chọn đáp án: b

Câu 5: Cụm từ có thể dùng để đặt tên khác cho truyện Bé Na là: Việc nhỏ nghĩa lớn

Chọn đáp án: c

II/ Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn

Câu 1:

a) tr hoặc ch:

Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng

Đèn ra trước gió còn trăng hỡi đèn ?

b) nghỉ hoặc nghĩ : nghỉ ngơi, ngẫm nghĩ

ngỏ hoặc ngõ : ngõ nhỏ, thư ngỏ

Câu 2:

a.

(1) Sống hạnh phúc

(2) hạnh phúc to lớn

(3) ước mơ hạnh phúc

(4) hạnh phúc của nhân dân

(5) giành lấy hạnh phúc

(6) hạnh phúc đơn sơ

b.

(1) Mình chúc Minh khỏe vui và hạnh phúc.

(2) Bà em bảo phải ăn ở tử tế để phúc đức lại cho con cháu

(3) Gương mặt cô trông rất phúc hậu.

Câu 3:

a) Anh thuận em hòa là nhà có phúc

b) Công cha nghĩa mẹ ơn thầy

Nghĩ sao cho bõ những ngày gian lao.

c) Bạn bè là nghĩa tương tri

Sao cho sau trước mọi bề mới nên.

Câu 4:

Tả ngoại hình

Tả tính tình, hoạt động

nhỏ nhắn, xinh xắn, cao ráo, lùn tịt, thấp bé

hiền hậu, hiền lành, ghê gớm, đanh đá, hoạt bát

Câu 5: Viết đoạn văn tả em bé:

            “ba…ba…ba” vừa về đến nhà em đã nghe thấy giọng nói lanh lảnh của Bống. Bống là em gái của em. Năm nay Bống mới 2 tuổi. Dáng người bụ bẫm, dễ thương. Chỉ cần nhìn thấy Bống là mộ người sẽ lập tức muốn ôm em ấy vào lòng. Đôi má phúng phính, trắng hồng, lúc cười lộ ra mấy cái răng sữa khiến ai nhìn cũng muốn nựng má. Đôi mắt đen to, linh động nhìn đông ngó tây khiến ai cũng phải bật cười. Bống đang độ tuổi tập đi, mỗi bước đi chập chững của em khiến mọi người trong nhà đều phải dõi theo. Tối nào bé cũng thích đi vòng quanh nhà, có lẽ Bống biết mọi người trong nhà đều dõi theo bước đi của mình nên quyết tâm đi thật tốt. Đang đi mỏi chân quá, em ngồi bệt xuống đất quay ra nhìn cả nhà cười hì hì vô cùng đáng yêu. Như bao đứa trẻ nhỏ khác, Bống rất thích chơi búp bê, em ấy có thể ngồi hàng giờ bên những con búp bê, nghiêm túc chơi, nghiêm túc bế và ru em búp bê ngủ như thể đó là em của mình. Bống rất ngoan, mẹ dặn Bống khi chơi xong thì phải xếp đồ chơi gọn gàng vào rổ đồ chơi, em đều nhớ và làm theo. Trong nhà, Bống quấn mẹ nhất, chỉ ở bên cạnh những người thân trong gia đình, em mới tỏ vẻ nũng nịu, phụng phịu đáng yêu. Khi ở cạnh những khác em cũng không hề khóc, nhưng lại lộ ra vẻ tự lập hiếm có. Mỗi tối đi ngủ Bống đều phải có gấu bông nằm bên cạnh mới có thể ngủ ngon được. Em rất yêu Bống, lúc rảnh rỗi em chỉ muốn chơi và trông Bống để mẹ có thêm thời gian làm việc nhà.

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 15 có đáp án (Phiếu số 3)

Thời gian: phút

Câu 1. Tìm và viết lại những tiếng có nghĩa:

a) Chỉ khác nhau ở âm đầu tr hoặc ch:

M: trao (trao đổi),...

M: chao (chao liệng), ...

b) Chỉ khác nhau ở thanh hỏi hoặc thanh ngã:

M: bảo (bảo ban),....

M: bão (cơn bão)........

Câu 2. Điền tiếng thích hợp vào mỗi chỗ trống:

a) Những tiếng có âm đầu là tr hoặc ch:

Nhà phê bình và truyện của vua

Một ông vua tự ........ là mình có văn tài nên rất hay viết truyện ........ của vua rất nhạt nhẽo nhưng vì sợ vua nên ........

ai dám ........ bai. Chỉ cỏ một nhà phê bình dám nói sự thật. Vua tức giận tống ông vào ngục.

Thời gian sau, vua ........ lại tự do cho nhà phê bình, mời ông đến dự tiệc, thưởng thức sáng tác mới. Khi vua yêu cầu nhà phê bình nêu nhận xét, ông bước nhanh về phía mấy người lính canh và nói:

- Xin hãy đưa tôi ........ lại nhà giam!

b) Những tiếng có thanh hỏi hoặc thanh ngã:

Lịch sử bấy giờ ngắn hơn

Thấy điểm ........ kết môn Lịch ........ của cháu thấp quá, ông ........:

- Ngày ông đi học, ông toàn được ........ 9, điểm 10 môn Lịch sử. Thế mà bây giờ điểm ........ kết môn Lịch sử của cháu ........ được có 5,5. Cháu suy ........ sao đây ?

Cháu đáp:

- Nhưng thời ông đi học thì lịch sử ngắn hơn bây giờ ạ.

Câu 3. Đánh dấu ✓ vào □ trước ý thích hợp nhất để giải nghĩa từ hạnh phúc:

□ Cảm giác dễ chịu vì được ăn ngon, ngủ yên và đi chơi.

□ Trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện.

□ Hồ hởi, háo hức sẵn sàng làm mọi việc, không ngại khó khăn.

Câu 4. Tìm và viết lại những từ:

Đồng nghĩa với hạnh phúc ......................

Trái nghĩa với hạnh phúc ......................

Câu 5. Trong từ hạnh phúc, tiếng phúc có nghĩa là "điều may mắn, tốt lành". Em hãy tìm và viết thêm những từ ngữ chứa tiếng phúc.

M: phúc đức ................

Câu 6. Mỗi người có thể có cách hiểu khác nhau về hạnh phúc. Theo em, trong các yếu tố dưới đây, yếu tố nào là quan trọng nhất để tạo nên một gia đình hạnh phúc ? Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời phù hợp với ý kiến của em.

a) Giàu có.

b) Con cái học giỏi

c) Mọi người sống hoà thuận.

d) Bố mẹ có chức vụ cao.

Câu 7. Đọc bài văn Công nhân sửa đường (Tiếng Việt 5, tập một, trang 150), thực hiện các yêu cầu sau:

a) Xác định các đoạn của bài văn. Nêu nội dung chính của từng đoạn:

Các đoạn

Nội dung chính của từng đoạn

...............

............

b) Những chi tiết tả hoạt động của bác Tâm trong bài văn:

Câu 8. Viết một đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến:

Đáp án:

Câu 1. Tìm và viết lại những tiếng có nghĩa:

a) Chỉ khác nhau ở âm đầu tr hoặc ch:

M: trao (trao đổi)

trung (trung thành)

trà (uống trà)

trào (nước sôi trào ra)

tráo (đánh tráo)

tro (tro bếp)

M: chao (chao liệng)

chung (chung chạ)

chà (chà lúa)

chào (chào hỏi)

cháo (bát cháo)

cho (cho quà)

b) Chỉ khác nhau ở thanh hỏi hoặc thanh ngã:

M: bảo (bảo ban)

bỏ (bỏ đi)

bẻ (bẻ cành)

dải (dải băng)

cổ (cái cổ)

M: bão (cơn bão)

bõ (cho bõ công)

bẽ (bẽ bàng)

dãi (nước dãi)

cỗ (ăn cỗ)

Câu 2. Điền tiếng thích hợp vào mỗi chỗ trống:

a) Những tiếng có âm đầu là tr hoặc ch

Nhà phê bình và truyện của vua

Một ông vua tự cho là mình có văn tài nên rất hay viết truyện. Truyện của vua rất nhạt nhẽo nhưng vì sợ vua nên chẳng ai dám chê bai. Chỉ có một nhà phê bình dám nói sự thật. Vua tức giận tống ông vào ngục.

Thời gian sau, vua trả lại tự do cho nhà phê bình, mời ông đến dự tiệc, thưởng thức sáng tác mới. Khi vua yêu cầu nhà phê bình nêu nhận xét, ông bước nhanh về phía mấy người lính canh và nói:

- Xin hãy đưa tôi trở lại nhà giam!

b) Những tiếng có thanh hỏi hoặc thanh ngã:

Lịch sử bấy giờ ngắn hơn

Thấy điểm tổng kết môn Lịch sử của cháu thấp quá, ông bảo:

- Ngày ông đi học, ông toàn được điểm 9, điểm 10 môn Lịch sử. Thế mà bây giờ điểm tổng kết môn Lịch sử của cháu chỉ được có 5,5. Cháu suy nghĩ sao đây?

Cháu đáp:

- Nhưng thời ông đi học thì Lịch sử ngắn hơn bây giờ ạ.

Câu 3. Đánh dấu ✓ vào □ trước ý thích hợp nhất để giải nghĩa từ hạnh phúc :

□ Cảm giác dễ chịu vì được ăn ngon, ngủ yên và đi chơi.

✓ Trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện.

□ Hồ hởi, háo hức sẵn sàng làm mọi việc, không ngại khó khăn.

Câu 4. Tìm và viết lại những từ:

Đồng nghĩa với hạnh phúc: sung sướng, may mắn

Trái nghĩa với hạnh phúc: đau khổ, bất hạnh, khốn khổ, cơ cực

Câu 5. Trong từ hạnh phúc, tiếng phúc có nghĩa là "điều may mắn, tốt lành". Em hãy tìm và viết thêm những từ ngữ chứa tiếng phúc.

- phúc phận: điều may mắn được hưởng do số phận.

- phúc đức: điều tốt lành để lại cho con cháu.

- phúc hậu: có lòng thương người hay làm điều tốt.

- phúc bất trùng lai: điều may mắn không đến liền nhau.

- phúc lộc: gia đình yên ấm, tiền của dồi dào.

- phúc thẩn: vị thần chuyên làm những việc tốt.

- phúc tinh: cứu tinh.

Câu 6. Mỗi người có thể có cách hiểu khác nhau về hạnh phúc. Theo em, trong các yếu tố dưới đây, yếu tố nào là quan trọng nhất để tạo nên một gia đình hạnh phúc? Khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời phù hợp với ý kiến của em.

Chọn c) Mọi người sống hoà thuận.

Câu 7. Đọc bài văn Công nhân sửa đường (sách Tiếng Việt 5, tập một, trang 150), thực hiện các yêu cầu sau:

a) Xác định các đoạn của bài văn. Nêu nội dung chính của từng đoạn:

Các đoạn

Nội dung chính của từng đoạn

- Đoạn 1: Từ đầu cho đến ... "Loang ra mãi. ”

- Tả bác Tâm đang vá đường.

- Đoạn 2: Mảnh đường hình chữ nhật... khéo như vá áo ấy!

- Tả thành quả lao động của bác Tâm.

- Đoạn 3: Bác Tâm đứng lên ... rạng rỡ khuôn mặt bác.

- Tả bác Tâm đứng trước đoạn đường đã vá xong.

b) Những chi tiết tả hoạt động của bác Tâm trong bài văn:

Tay phải cẩm búa, tay trái xếp rất khéo những viên đá bọc nhựa đường đen nhánh.

- Bác đập búa đều đều xuống những viên đá, hai tay đưa lên hạ xuống nhịp nhàng.

- Bác Tâm đứng lên, vươn vươn mấy cái liền

Câu 8. Viết một đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến:

Mẹ bảo em tự dọn dẹp phòng của mình, cất dọn đồ chơi cho gọn để mẹ chuẩn bị lau nhà. Vừa nói vừa làm, tay mẹ thoăn thoắt dọn dẹp phòng khách, phòng ngủ và nhà bếp. Để gọn lại chồng sách vở của ba, quét sạch bụi ở bàn ghế và sàn nhà, sau đó mẹ mới lau. Mẹ đưa từng sải tay dài, khom lưng đưa cây chùi nhà vào từng gầm bàn, chân ghế, vai mẹ cử động nhịp nhàng theo từng sải tay. Trán mẹ hơi nhíu lại, lấm tấm mồ hôi... cây lau nhà cứ đưa đi đưa về đều đặn. Qua một lượt lau, mẹ lại xả nước để cây lâu nhà sạch lại. Chỉ một lát sau, căn nhà đã sạch bóng. Mẹ luôn dạy em “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”.

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 15 có đáp án (Phiếu số 4)

Thời gian: phút

Câu 1. Liệt kê các từ ngữ:

a) Chỉ những người thân trong gia đình

M: cha, mẹ, chú, dì,...

b) Chỉ những người gần gũi em trong trường học

M: cô giáo (thầy giáo), bạn bè, lớp trưởng,...

c) Chỉ các nghề nghiệp khác nhau

M: công nhân

d) Chỉ các dân tộc anh em trên đất nước ta

M: Ba-na, Dao, Kinh,...

Câu 2. Ghi lại các câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao nói về quan hệ gia đình, thầy trò, bè bạn.

M: Chị ngã, em nâng.

a) Về quan hệ gia đình

......................

b) Về quan hệ thầy trò

......................

c) Về quan hệ bạn bè

......................

Câu 3. Ghi lại các từ ngữ miêu tả ngoại hình của người (làm 3 trong 5 ý a, b, c, d, e)

a) Miêu tả mái tóc

M: đen nhánh, óng ả,....

b) Miêu tả đôi mắt

M: một mí, đen láy,...

c) Miêu tả khuôn mặt

M: trái xoan, vuông vức,...

d) Miêu tả làn da

M: trắng trẻo, nhăn nheo,....

e) Miêu tả vóc người

M: vạm vỡ, dong dỏng,...

Câu 4. Viết một đoạn văn khoảng 5 câu miêu tả ngoại hình của một người thân hoặc một người em quen biết (chú ý sử dụng một số từ ngữ vừa tìm được ở bài tập 3)

Câu 5. Lập dàn ý cho bài văn tả hoạt động của một bạn nhỏ hoặc một em bé ở tuổi tập đi, tập nói.

Câu 6. Dựa theo dàn ý đã lập, hãy viết một đoạn văn tả hoạt động của bạn nhỏ hoặc em bé.

Đáp án:

Câu 1. Liệt kê các từ ngữ:

a) Chỉ những người thân trong gia đình

Cha, mẹ, chú, dì, anh, chị, em, bác, thím, mợ, cô, cậu, ông, bà, cố, cụ, anh rể, chị dâu, chắt,...

b) Chỉ những người gần gũi em trong trường học

Cô giáo, thầy giáo, bạn bè, lớp trưởng, bác bảo vệ, thầy hiệu trưởng, thầy phụ trách đội, cô lao công,...

c) Chỉ các nghề nghiệp khác nhau

Công nhân, nông dân, họa sĩ, y sĩ, bác sĩ, kĩ sư, thợ dệt, thợ điện, bộ đội, phi công,...

d) Chỉ các dân tộc anh em trên đất nước ta

Ba-na, Dao, Kinh, Tày, Nùng, Thái, Khơ-me, Mường, Ê-đê, Xơ-đăng, Gia- rai,...

Câu 2. Ghi lại các câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao nói về quan hệ gia đình, thầy trò, bè bạn.

M: Chị ngã, em nâng.

a) Về quan hệ gia đình

- Anh em như thể chân tay

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ dần.

- Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

b) Về quan hệ thầy trò

- Không thầy đố mày làm nên

- Tôn sư trọng đạo

- Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.

- Học thầy không tầy học bạn

c) Về quan hệ bạn bè

- Buôn có bạn, bán có phường

- Bán anh em xa, mua láng giềng gần

- Bốn biển một nhà

Câu 3. Ghi lại các từ ngữ miêu tả ngoại hình của người (làm 3 trong 5 ý a, b, c, d, e)

a) Miêu tả mái tóc

M: đen nhánh, óng ả, thướt tha, mượt mà, hoa mái tóc. râm, muối tiêu, bạc trắng, lơ thơ, dày, cứng như rễ tre, xơ xác, tóc sâu,...

b) Miêu tả đôi mắt

M: một mí, đen láy, hai mí, bồ câu, hạt nhãn nhung huyền, mơ màng, tinh anh, tinh ranh, soi mói, láu lỉnh, lim dim, mờ đục, ti hí,...

c) Miêu tả khuôn mặt

M: trái xoan, vuông vức, bầu bĩnh, thanh tú, vuông chữ điền, phúc hậu, bánh đúc, mặt lưỡi cày, mặt choắt, đầy đặn,...

d) Miêu tả làn da

M: trắng trẻo, nhăn nheo, mịn màng, đen sì, ngăm đen, ngăm ngăm, bánh mật, sần sùi, xù xì thô nháp, nõn nà, trắng hồng, trắng như trứng gà bóc,...

e) Miêu tả vóc người

M: vạm vỡ, dong dỏng, lực lưỡng, cân đối, thanh mảnh, nho nhã, thanh tú, còm nhom, gầy đét, cao lớn, thấp bé, lùn tịt,...

Câu 4. Viết một đoạn văn khoảng 5 câu miêu tả ngoại hình của một người thân hoặc một người em quen biết (chú ý sử dụng một số từ ngữ vừa tìm được ở bài tập 3)

Diễm là bạn gái thân nhất của em. Ngoài việc yêu quý bạn ấy vì tính tình bạn ấy thật tốt, rất hay giúp đỡ mọi người, em còn yêu quý bạn vì nhìn bạn rất xinh! Da của Diễm mịn màng và trắng hồng, bạn có đôi mắt tròn và đen, cặp lông mày thanh tú. Ai nhìn bạn ấy cũng bảo đó là cặp mắt thông minh. Hàm răng trắng đều và mái tóc thật đặc biệt, mái tóc bạn không thẳng mà lại xoăn tít! Em hãy trêu bạn là "se xù” nhưng bạn ấy không hề giận!

Câu 5. Lập dàn ý cho bài văn tả hoạt động của một bạn nhỏ hoặc một em bé ở tuổi tập đi, tập nói.

1. Mở bài : Giới thiệu chung

- Em bé tên là gì? Mấy tuổi (Cu Khánh, gần một tuổi)

- Con của ai? (Anh Dũng, hàng xóm gần nhà).

2. Thân bài:

- Tả hình dáng em bé.

+ Thân hình, mái tóc, gương mặt, đôi mắt

+ Tay, chân bụ bẫm

- Tả tính nết : Tinh nghịch, hiếu động, ngoan ngoãn

- Hành động: Đang tập đi, tập nói.

3. Kết bài:

- Em rất yêu quý em bé.

Câu 6. Dựa theo dàn ý đã lập, hãy viết một đoạn văn tả hoạt động của bạn nhỏ hoặc em bé.

"Kêu chị Linh đi con" Anh Dũng hàng xóm nhà em tay bế cu Khánh âu yếm bảo con. Cu Khánh đưa tay ra phía trước vẫy vẫy, miệng bi bô: “inh inh”. Tiếng “Linh” bé phát ra chưa rõ, nghe thật ngộ. Bé mới gần một tuổi, đang tập đi, tập nói nên gặp ai cũng giơ tay vẫy, và gọi rối lên như thế...

Cu Khánh là con đầu lòng của anh Dũng và chị Loan. Bé được hơn mười một tháng. Gương mặt bầu bĩnh, đôi má hồng hồng, ai thấy cũng muốn nựng. Cặp mắt đen láy, tròn như bi ve. Bé mới mọc được năm cái răng, bé xíu xiu, trắng muốt. Bé lại hay cười nên mỗi lẫn cười để lộ mấy răng xinh, mỗi bận lên răng, nước dãi cứ tứa ra. Chị Loan phải cho bé đeo chiếc yếm xinh xinh trước ngực. Tay chân bé bụ bẫm, cổ tay có ngấn trông rất dễ thương.

Cu Khánh đang lẫm chẫm tập đi nên thích đi lắm. Bé đi chưa vững, mỗi lần bước được vài ba bước rồi lại ngã nhào về phía trước. Ngã như thế nhưng rồi lại đứng dậy, rồi lại đi! Anh Dũng bảo: “Con trai của bố, phải tự biết đứng lên chứ! " Chẳng biết bé có hiểu anh Dũng nói gì không nhưng khi nghe tiếng cha mình bên cạnh, giơ tay như chờ đón là bé lại cười toe toét ! Đáng yêu vô cùng!

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 15 có đáp án (Phiếu số 5)

Thời gian: phút

Câu 1: Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:

Sự dũng cảm

Con đang đứng cheo leo trên hàng rào bằng kim loại, trông thật nguy hiểm. Thấy vậy mẹ cảnh báo:

- Này, đừng làm vậy. Đứng ở đó không an toàn đâu!

Và con miễn cưỡng vâng lời mẹ, leo thấp xuống một chút.

Mẹ vẫn đứng canh chừng con, nhưng rồi có một lúc nào đó, mẹ lơ đãng nhìn sang chỗ khác để ngắm ánh hoàng hôn đang buông dần xuống.

Đột nhiên, mẹ quay đầu lại để rồi hoảng hốt nhìn con té từ trên hàng rào xuống đất.

Con đứng dậy, miệng thở không ra hơi, mũi và môi dưới của con đang chảy máu. Kinh hãi, mẹ ôm chặt lấy con cố thổi vào vết thương. Con khóc vì đau đớn, còn mẹ khóc vì không thể bảo vệ được con.

Nhưng chỉ một lát sau, con lấy lại bình tĩnh. Con hít một hơi thật dài, thật dũng cảm, phủi phủi mớ đất cát bám trên cánh tay rồi tặng mẹ một nụ cười méo xệch, vẫn còn đầm đìa nước mắt.

- Mẹ ơi, con muốn lên trên đó trở lại. Và lần này, con muốn búng người lộn một vòng.

Con nói câu này mặc cho môi dưới của con đang chảy máu.

Nghe câu nói của con, không những mẹ kinh ngạc mà còn tự hào nữa. Và trước mặt mẹ không còn là đứa con gái nhỏ ba tuổi đang nhòe nhoẹt nước mắt, vừa ngã té xong đã đứng lên, tiếp tục nhảy múa, mà mẹ còn thấy một sự dũng cảm. Mẹ nhìn thấy một sự quyết tâm. Mẹ nhìn thấy một đứa con gái với phẩm chất mà mẹ không hề áp đặt lên con, một nét đặc biệt mà không ai có thể lấy đi của con.

Con gái ơi, khi mẹ đẩy vóc dáng nhỏ bé của con lên hàng rào, trong mẹ là một lời cầu nguyện, cho con và cho mẹ. Đừng bao giờ đầu hàng, con nhé!

   (Sưu tầm)

a) Thấy con đứng cheo leo trên hàng rào bằng kim loại, người mẹ đã làm gì?

b) Sau khi con bị té từ trên hàng rào xuống, cô bé đã đứng dậy và xin với mẹ điều gì?

c) Em học được điều gì từ cô bé trong bài học?

Câu 2: Chia các từ sau thành 2 nhóm: sung sướng, bất hạnh, may mắn, khốn khổ, cơ cực, cực khổ, toại nguyện, vô phúc, tốt phúc, vui lòng, mừng vui, tốt lành.

Câu 3: Tìm các động từ, tính từ, đại từ trong đoạn văn sau rồi viết vào chỗ chấm:

Bữa sáng, khi mẹ chiên chảo cơm giòn, nóng hổi, lúc mẹ nấu nồi nếp xôi hay nồi canh bánh đa thơm ngào ngạt mùi hành mỡ, mùi rau hẹ, rau cải cúc ngọt ngào. Tôi thích nhất mùi nếp xôi thơm nức mũi. Bao giờ tôi cũng ngấu nghiến hết sạch những hạt nếp xôi thơm dẻo, bùi bùi đỗ.

Câu 4: Chữa các câu sai sau bằng cách thay cặp từ chỉ qua hệ:

a) Dù hoa gạo đẹp nhưng cây gạo gọi đến rất nhiều chim.

b) Vì người yếu nên mẹ tôi lúc nào cũng thức khuya dậy sớm.

c) Vì cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng gia đình họ rất hạnh phúc)

Câu 5: Chuyển những cặp câu sau đây thành một câu ghép có dùng cặp qua hệ từ.

- Rùa biết mình chậm chạp. Nó cố gắng chạy thật nhanh.

- Thỏ cắm cổ chạy miết. Nó vẫn không đuổi kịp Rùa.

- Thỏ chủ quan, coi thường người khác. Thỏ đã thua Rùa.

- Câu chuyện này hấp dẫn thú vị. Nó có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc.

Câu 6: Chọn các từ ngữ thích hợp trong ngoặc đơn điền vào chỗ trống để có bài văn tả một em bé đang đánh đàn.

(ngay ngắn, xinh xắn, rạng rỡ, chăm chỉ, nhơ nhắn, mềm mại, du dương, lấp lánh, mơ màng, long lanh)

Bé Phương đang (1)...... tập đàn. Nó ngồi(2)......, thẳng nốt đồ giữa đàn, hai bàn tay vắt chéo vào nhau. Màu hồng của chiếc váy bé đang mặc làm đôi má bé càng thêm(3)...... Những ngón tay (4)......, ...... (5)...... khum khum tròn lại và gõ lên từng phím đàn. Những âm thanh lúc đầu còn vang lên chậm chạm, vụng về, thỉnh thoảng còn vấp váp. Sau khoảng năm, sáu lần tập đi tập lại, những ngón tay đã nhịp nhàng, điêu luyện. Bé vừa đánh đàn vừa đung đưa người và đôi mắt(6)......, say sưa thưởng thức thành quả của mình. Những âm thanh (7)...... vang lên, vẽ một bầu trời đêm đầy những ngôi sao(8)......, ru bé vào giấc ngủ yên lành. Bé Phương nở một nụ cười (9)......, đôi mắt (10)...... Kết thúc bản nhạc, mẹ đứng lên ôm chầm lấy bé và thơm lên má bé một cái thật kêu.

Đáp án:

Câu 1:

a. Người mẹ đã cảnh báo con đừng làm như vậy, đứng ở đó không an toàn. Đồng thời đứng canh chừng con vì sợ con gặp nguy hiểm.

b. Sau khi bị té từ trên hàng rào xuống, cô bé đã đứng dậy và xin với mẹ rằng mình muốn lên trên đó trở lại, cô bé muốn búng người lộn một vòng.

c. Điều mà em học được từ cô bé trong bài học đó là sự dũng cảm và quyết tâm, không bỏ cuộc khi vấp ngã cũng không sợ hãi thử thách.

Câu 2:

a. Từ đồng nghĩa với hạnh phúc: sung sướng, may mắn, toại nguyện, tốt phúc, vui lòng, vui mừng, tốt lành

b. Từ trái nghĩa với hạnh phúc: bất hạnh, khốn khổ, cơ cực, cực khổ, vô phúc

Câu 3:

Bữa sáng, khi mẹ chiên chảo cơm giòn, nóng hổi, lúc mẹ nấu nồi nếp xôi hay nồi canh bánh đa thơm ngào ngạt mùi hành mỡ, mùi rau hẹ, rau cải cúc ngọt ngào. Tôi thích nhất mùi nếp xôi thơm nức mũi. Bao giờ tôi cũng ngấu nghiến hết sạch những hạt nếp xôi thơm dẻo, bùi bùi đỗ.

- Động từ: chiên, nấu, thích, ngấu nghiến

- Tính từ: giòn, nóng hổi, thơm, ngào ngạt, ngọt ngào, thơm nức, hết sạch, thơm dẻo, bùi bùi

- Đại từ: mẹ, tôi

Câu 4:

a. Dù hoa gạo đẹp nhưng cây gạo gọi đến rất nhiều chim.

 hoa gạo đẹp nên cây gạo gọi đến rất nhiều chim.

b. Vì người yếu nên mẹ tôi lúc nào cũng thức khuya dậy sớm.

Tuy người yếu nhưng mẹ tôi lúc nào cũng thức khuya dậy sớm.

c. Vì cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng gia đình họ rất hạnh phúc.

Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng gia đình họ rất hạnh phúc.

Câu 5:

 Rùa biết mình chậm chạp nên nó cố gắng chạy thật nhanh.

Tuy Thỏ cắm cổ chạy miết nhưng nó vẫn không đuổi kịp được Rùa.

Vì Thỏ chủ quan và coi thường người khác nên Thỏ đã thua Rùa.

- Câu chuyện này không những hấp dẫn thú vị  nó còn có ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc.

Câu 6:

(1) chăm chỉ

(2) ngay ngắn

(3) xinh xắn

(4) nhỏ nhắn

(5) mềm mại

(6) mơ màng

(7) du dương

(8) lấp lánh

(9) rạng rỡ

(10) long lanh

Đánh giá

0

0 đánh giá