Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 18 có đáp án (4 phiếu)

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu tiêu đề Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 18 có đáp án (4 phiếu) hay, chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện, biết cách làm các dạng bài tập Tiếng Việt lớp 5 từ đó học tốt Tiếng Việt lớp 5.

Chỉ 100k mua trọn bộ Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 bản word có lời giải chi tiết:

B1: Gửi phí vào tài khoản 011110002558311 - NGUYEN THANH TUYEN Ngân hàng Vietcombank

B2: Nhắn tin tới zalo Vietjack Official - nhấn vào đây để thông báo và nhận giáo án.

Xem thử tài liệu tại đây: Link tài liệu

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 18 có đáp án (4 phiếu)

A- Kiểm tra Đọc

I – Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi ( 5 điểm )

Đọc một trong số các đoạn trích dưới đây trong bài Tập đọc đã học ( SGK ) và trả lời câu hỏi (TLCH) ; sau đó tự đánh giá, cho điểm theo hướng dẫn ở Phần hai ( Giải đáp – Gợi ý )

(1) Mùa thảo quả ( từ Sự sống cứ tiếp tục đến nhấp nháy vui mắt )

TLCH : Khi thảo quả chín, rừng có những nét gì đẹp ?

(2) Hành trình của bầy ong ( 2 khổ thơ cuối )

TLCH : Hai dòng thơ cuối bài nói gì về công việc của loài ong ?

(3) Hạt gạo làng ta ( 3 khổ thơ đầu )

TLCH : Những điệp từ trong khổ thơ đầu nhằm nhấn mạnh điều gì ?

(4) Về ngôi nhà đang xây ( 3 khổ thơ đầu )

TLCH : Những chi tiết nào vẽ nên hình ảnh một ngôi nhà đang xây ?

(5) Thầy thuốc như mẹ hiền ( từ Hải Thượng Lãn Ông đến cho thêm gạo, củi )

TLCH : Những chi tiết nào cho thấy lòng nhân ái của Lãn Ông ?

II – Đọc thầm và làm bài tập ( 5 điểm )

Lòng nhân ái thật sự

Một cơn bão vừa tàn phá thị trấn nhỏ ở gần thành phố của chúng tôi làm nhiều gia đình phải sống trong cảnh khốn khó. Tất cả các tờ báo địa phương đều đăng hình ảnh và những câu chuyện thương tâm về một số gia đình mất mát nhiều nhất. Có một bức ảnh làm tôi xúc động. Một phụ nữ trẻ đứng trước ngôi nhà đổ nát của mình, gương mặt hằn sâu nỗi đau đớn. Đứng cạnh bà là một cậu bé chừng 7 hay 8 tuổi, mắt nhìn xuống. Đứa con gái nhỏ bám chặt quần mẹ, nhìn chằm chặp vào máy ảnh, mắt mở to vẻ bối rối và sợ hãi. Bài báo đi kèm kêu gọi mọi người giúp đỡ những người trong gia đình đó. Tôi nhận thấy đây sẽ là một cơ hội tốt để dạy các con mình giúp đỡ những người kém may mắn hơn.

Tôi đưa tấm ảnh gia đình đó cho các con tôi xem, giải thích nỗi khổ của họ cho hai đứa con trai sinh đôi 7 tuổi và đứa con gái 3 tuổi. Tôi bảo chúng : “Chúng ta có quá nhiều trong khi những người này bây giờ không còn gì cả. Chúng ta hãy chia sẻ với họ những gì mình có.”. Tôi và hai con trai chất vào thùng cứu trợ nào đồ hộp và xà bông, mì gói,… Tôi cũng khuyến khích chúng chọn ra một số đồ chơi mà chúng không chơi nữa. Đứng nhìn hai anh sắp xếp mọi thứ, con gái tôi có vẻ nghĩ ngợi. Tôi nói với con : “Mẹ sẽ giúp con tìm một thứ gì đó cho em bé trong ảnh.”.

Trong lúc hai anh mình đặt những món đồ chơi cũ chúng đã chọn vào thùng, con gái tôi đi vào, tay ôm chặt con búp bê cũ kĩ nhạt màu, tóc rối bù, nhưng là món đồ chơi nó yêu thích nhất. Nó ôm hôn con búp bê lần chót trước khi bỏ vào thùng. Tôi nói : “Con không cần phải cho nó, con thương nó lắm mà.”.

Con gái tôi gật đầu nghiêm trang : “Nó đem lại niềm vui cho con mẹ ạ, có lẽ nó cũng sẽ đem lại niềm vui cho bạn kia.”

Tôi nhìn sững con, chợt nhận ra rằng bất cứ ai cũng có thể đem cho những thứ mình bỏ đi, nhưng lòng nhân ái thật sự là đem cho những gì mình yêu quý nhất.

( Theo Báo điện tử - hoathuytinh.com )

Câu 1 : Điều gì đã khiến người mẹ trong câu chuyện cảm thấy xúc động ?

a- Bức ảnh trên báo đăng hình một gia đình bị bão tàn phá rất thương tâm

b- Cơn bão vừa tàn phá một thị trấn làm nhiều gia đình phải sống khốn khó

c- Bài báo kêu kêu gọi mọi người giúp đỡ những người trong gia đình bị gặp nạn

Câu 2 : Người mẹ muốn dạy các con mình điều gì ?

a- Biết cho đi những thứ mà mình không cần dùng nữa trong cuộc sống

b- Biết nhận ra mình là người may mắn và giúp đỡ người gặp khó khăn

c- Biết chia sẻ với những con người đã gặp hoàn cảnh không may mắn

Câu 3 : Cô bé 3 tuổi đã gửi bạn gái trong bức ảnh cái gì ?

a- Rất nhiều đồ hộp, xà bông, mì gói và đồ chơi cũ

b- Con búp bê cũ nhưng là đồ chơi bé yêu thích nhất

c- Con búp bê cũ là đồ chơi bé không thích chơi nữa

Câu 4 : Câu nói của cô con gái 3 tuổi làm người mẹ sững người và nhận ra điều gì ?

a- Đem cho tất cả những gì mình có mới là lòng nhân ái thực sự

b- Đem cho những thứ mình yêu quý nhất mới là lòng nhân ái thực sự

c- Đem cho bất cứ cái gì của mình cũng thể hiện lòng nhân ái

Câu 5 : Dòng nào dưới đây gồm 3 từ đồng nghĩa với từ nhân nghĩa ?

a- nhân đức, nhân hậu, thiện chí

b- nhân đức, nhân từ, lương thiện

c- nhân đức, nhân hậu, nhân từ

Câu 6 : Dòng nào dưới đây gồm 3 từ trái nghĩa với từ nhân nghĩa ?

a- độc ác, hung bạo, bất lương

b- hung bạo, ác nghiệt, bất tử

c- ác nghiệt, hung tàn, dữ dội

Câu 7 : Dòng nào dưới đây có từ đồng âm ?

a- bàn bạc / bàn cãi

b- bàn chân / bàn công việc

c- bàn tay / bàn học

Câu 8 : Dòng nào dưới đây ghi đúng 3 đại từ xưng hô trong 2 câu “Ta băn khoăn tìm cách cứu dân khỏi cảnh hạn hán. Con có thể cùng thầy bàn mưu cứu trăm họ được không ?” ?

a- ta, dân, thầy

b- con, thầy, họ

c- ta, con, thầy

Câu 9 : Câu “Tất cả các tờ báo địa phương đều đăng hình ảnh và những câu chuyện thương tâm về một số gia đình mất mát nhiều nhất.” thuộc kiểu câu nào em đã học?

a- Ai làm gì ?

b- Ai thế nào ?

c- Ai là gì ?

Câu 10 : Bộ phận chủ ngữ trong câu “Nó ôm hôn con búp bê lần chót trước khi bỏ vào thùng.” Là từ ngữ nào ?

a- Nó

b- Nó ôm hôn

c- Nó ôm hôn con búp bê lần chót

B . Kiểm tra Viết

I – Chính tả nghe – viết ( 5 điểm )

Mùa xuân

Lá cứ lặng lẽ rụng. Chim cứ lặng lẽ chuyền cành. Các giống hoa cứ lặng lẽ đơm nụ. Thời gian thầm thì gọi mùa xuân đến, không vội vàng mà chắc chắn.

Bỗng một buổi sớm, tiếng chích chòe vang lên lảnh lót, hương hoa bưởi lan tỏa khắp vườn. Những chú ong mật tíu tít bay đến những chùm hoa chúm chím. Cây đào lốm đốm những nụ phớt hồng. Mùa xuân đã đến rồi đấy, thật bất ngờ như đã được mong đợi từ lâu.

( Theo Vũ Nam )

Chú ý : HS nhờ người khác đọc từng câu để viết bài chính tả trên giấy kẻ ô li.

II – Tập làm văn ( 5 điểm )

Hãy viết một bài văn ngắn ( khoảng 15 câu ) tả một người thân của em.

( Chú ý : HS viết bài tập làm văn vào giấy kẻ ô li )

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

A- Đọc ( 10 điểm )

I – Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi ( 5 điểm )

Đánh giá tương tự như hướng dẫn ở bài kiểm tra giữa học kì I ( Tuần 10 )

Trả lời đúng ý câu hỏi. VD :

(1) Khi thảo quả chín, dưới đáy rừng rực lên những chùm thảo quả đỏ chon chót như chứa lửa, chứa nắng ; rừng sáng như có lửa hắt lên từ dưới đáy rừng, rừng ngập hương thơm ; thảo quả như những đốm lửa hồng ngày qua ngày lại thắp thêm nhiều ngọn mới.

(2) Công việc của loài ong có ý nghĩa thật đẹp : hoa nở rồi tàn theo mùa, nhưng nhờ có loài ong hút nhụy hoa, chắt được những giọt mật ngọt tinh túy từ hương hoa, nhụy hoa, nên ong đã giữ lại được những mùa hoa cho con người.

(3) Hạt gạo được làm nên từ vị phù sa của sông, từ hương sen thơm của các hồ nước, từ những lời hát của mẹ. Điệp từ nhằm nhấn mạnh trong hạt gạo bé nhỏ chất biết bao nhiêu tinh túy của đất trời, tình yêu và sức lao động của con người.

(4) Giàn giáo tựa cái lồng, trụ bê tông đang nhú lên, bác thợ nề huơ huơ cái bay, nguyên màu vôi gạch, ô cửa chưa sơn, rãnh tường chưa trát vữa.

(5) Hải Thượng Lãn Ông không ngại khổ khi mùi hôi tanh từ các mụn mủ của đứa trẻ bốc lên giữa mùa hè nóng nực, trên chiếc thuyền nhỏ hẹp ; ông chăm sóc đứa bé hàng tháng trời, không lấy tiền công mà còn cho thêm gạo củi.

II – Đọc thầm và làm bài tập ( 5 điểm )

1.a ( 0,5 điểm )

2.c ( 0,5 điểm )

3.b ( 0,5 điểm )

4.b ( 0,5 điểm )

5.c ( 0,5 điểm )

6.a ( 0,5 điểm )

7.b ( 0,5 điểm )

8.c ( 0,5 điểm )

9.b ( 0,5 điểm )

10.a ( 0,5 điểm )

B – Viết ( 10 điểm )

I – Chính tả nghe – viết ( 5 điểm – 15 phút )

Em nhờ bạn ( hoặc người thân ) đọc để viết bài chính tả, sau đó đánh giá như hướng dẫn ở bài kiểm tra giữa học kì I ( Tuần 10 )

II – Tập làm văn ( 5 điểm, thời gian làm bài khoảng 35 phút )

- Viết đúng kiểu bài văn tả người. Bài viết có độ dài khoảng 15 câu, đủ 3 phần ( mở bài, thân bài, kết bài ) ; nội dung bám sát yêu cầu đề, miêu tả được một vài nét nổi bật về ngoại hình, hoạt động của người được tả ; bộc lộ được tình cảm yêu quý, gắn bó với người thân. Diễn đạt rõ ý, không mắc lỗi về dùng từ, đặt câu, chính tả.

- Bài làm đạt những yêu cầu nêu trên có thể đánh giá ở mức Giỏi ( 5 – 4,5 điểm ). Tùy theo hạn chế trong bài làm, có thể đánh giá các mức còn lại như hướng dẫn ở Tuần 10 ( phần II, Tập làm văn )

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 18 có đáp án (Phiếu số 2)

Thời gian: 45 phút

I. Đọc thành tiếng (3 điểm). GV kiểm tra từng HS qua các tiết ôn tập theo hướng dẫn KTĐK cuối HKI môn Tiếng Việt lớp 5.

II. Đọc thầm và làm bài tập (7 điểm).

Học sinh đọc thầm bài: “Bàn tay thân ái” để làm các bài tập sau:

Bàn tay thân ái

Đã gần 12 giờ đêm, cô y tá đưa một anh thanh niên có dáng vẻ mệt mỏi và gương mặt đầy lo lắng đến bên giường của một cụ già bệnh nặng. Cô nhẹ nhàng cúi xuống người bệnh và khẽ khàng gọi: “Cụ ơi, con trai cụ đã về rồi đây!”. Ông lão cố gắng mở mắt, gương mặt già nua, bệnh tật như bừng lên cùng ánh mắt. Rồi ông lại mệt mỏi từ từ nhắm nghiền mắt lại, nhưng những nếp nhăn dường như đã dãn ra, gương mặt ông có vẻ thanh thản, mãn nguyện.

Chàng trai ngồi xuống bên cạnh, nắm chặt bàn tay nhăn nheo của người bệnh. Suốt đêm, anh không hề chợp mắt; anh vừa âu yếm cầm tay ông cụ vừa thì thầm những lời vỗ về, an ủi bên tai ông. Rạng sáng thì ông lão qua đời. Các nhân viên y tế đến làm các thủ tục cần thiết. Cô y tá trực đêm qua cũng trở lại, cô đang chia buồn cùng anh lính trẻ thì anh chợt hỏi:

- Ông cụ ấy là ai vậy, chị?

Cô y tá sửng sốt:

- Tôi tưởng ông cụ là ba anh chứ?

- Không, ông ấy không phải là ba tôi.

– Chàng lính trẻ nhẹ nhàng đáp lại.

– Tôi chưa gặp ông cụ lần nào cả.

- Thế sao anh không nói cho tôi biết lúc tôi đưa anh đến gặp cụ?

- Tôi nghĩ là người ta đã nhầm giữa tôi và con trai cụ khi cấp giấy phép; có thể do tôi và anh ấy trùng tên. Ông cụ đang rất mong gặp con trai mà anh ấy lại không có mặt ở đây. Khi đến bên cụ, tôi thấy ông đã yếu đến nỗi không thể nhận ra tôi không phải là con trai ông. Tôi nghĩ ông cần có ai đó ở bên cạnh nên tôi quyết định ở lại.

(Theo Xti-vơ Gu-đi-ơ)

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời phù hợp nhất cho từng câu hỏi sau:

Câu 1. (0,5 điểm). Cô y tá đưa ai đến bên cạnh ông lão đang bị bệnh rất nặng?

A. Con trai ông

B. Một anh lính trẻ

C. Một chàng trai là bạn cô

D. Một chàng trai là con của ông

Câu 2. (0,5 điểm). Hình ảnh gương mặt ông lão được tả trong đoạn 1 gợi lên điều gì?

A. Ông rất mệt

B. Ông rất mệt và rất đau buồn vì biết mình sắp chết

C. Ông cảm thấy khỏe khoắn, hạnh phúc, toại nguyện

D. Tuy rất mệt nhưng ông cảm thấy hạnh phúc, toại nguyện

Câu 3. (0,5 điểm). Vì sao anh lính trẻ đã suốt đêm ngồi bên ông lão, an ủi ông?

A. Bác sĩ và cô y tá yêu cầu anh làm như vậy

B. Anh nghĩ ông đang rất cần có ai đó ở bên cạnh mình vào lúc ấy

C. Anh nhầm tưởng đấy là cha mình, anh muốn ở bên cha những giây phút cuối

D. Tất cả các ý trên

Câu 4. (0,5 điểm). Điều gì đã khiến cô y tá ngạc nhiên?

A. Anh lính trẻ không phải là con của ông lão

B. Anh lính trẻ là con của ông lão

C. Anh lính trẻ đã ngồi bên ông lão, cầm tay ông, an ủi ông suốt đêm

D. Anh lính trẻ trách cô đưa anh gặp người không phải là cha mình

Câu 5. (0,5 điểm). Dòng nào dưới đây có các từ “thương” là từ đồng âm?

A. Yêu và thương, rất thương, thương và nhớ

B. Thương con, người thương, đáng thương

C. Thương người, thương số, mũi thương ngọn giáo

D. Thương người, thương xót, mũi thương ngọn giáo

Câu 6. (0,5 điểm). Dòng nào dưới đây gồm các từ đồng nghĩa?

A. Thân ái, thân tình, quý mến

B. Thân ái, thân tình, thân hình

C. Thân ái, thân chủ, thân thiết

D. Thân tình, thân nhân, gần gũi

Câu 7. (1 điểm). Câu chuyện trên muốn nói với em điều gì?

Câu 8. (1 điểm). Câu văn “Tôi tưởng ông cụ là ba anh chứ?” có mấy đại từ xưng hô?

Có ........... đại từ xưng hô. Đó là các đại từ: ...........................................................

Câu 9. (1 điểm). Từ tiếng “trong”, hãy tạo ra hai từ ghép và hai từ láy.

- Hai từ ghép: ...........................................................................................................

- Hai từ láy: ...............................................................................................................

Câu 10. (1 điểm). Đặt 1 câu có cặp quan hệ từ biểu thị quan hệ Điều kiện (Giả thiết) - Kết quả và có trạng ngữ chỉ thời gian.

II. Kiểm tra viết

1. Chính tả (2 điểm). Nghe – viết (15 phút)

Cái rét vùng núi cao

Ở vùng núi bao giờ mùa đông cũng đến sớm.

Khi những chiếc lá đào, lá mận đầu tiên rụng xuống thì dòng suối bắt đầu cạn,nước chảy dưới phần ngầm của lớp đá cuội trắng trơ. Gió từ trong khe núi ùa ra, mang theo hơi lạnh đến ghê người của đá và lá cây lúa. Thân ngải đắng bắt đầu khô lại, rễ bám chặt lấy lớp đất chai cứng và ngả sang màu nâu đen vì sương muối. Nhiều ngày, nhiều tuần, có khi cả tháng trời không có nắng, giữa tuần trăng đêm cũng chỉ lờ mờ.

2. Tập làm văn (8 điểm) (35 phút)

Đề bài: Hãy chọn một trong hai đề sau:

Đề 1: Hãy tả một người bạn mà em yêu quý và khâm phục.

Đề 2: Hãy tả một người thân trong gia đình em.

Đáp án:

I. PHẦN KIỂM TRA ĐỌC: 10 điểm

1. Đọc thành tiếng: 3 điểm (Đánh giá theo hướng dẫn KTĐK môn TV5)

- Đọc đảm bảo tốc độ tối thiểu 120 chữ/ phút, đọc vừa đủ nghe, rõ ràng, đọc đúng tiếng,

từ không đọc sai quá 5 tiếng), ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa. (2 điểm)

* Tùy mức độ mắc lỗi trong khi đọc (phát âm sai, tốc độ đọc chậm, không ngừng nghỉ

sau các dấu câu, giữa các cụm từ...) GV có thể cho các mức 1,5 – 1 – 0,5

- Trả lời đúng câu hỏi do GV nêu: 1 điểm (trả lời chưa đủ ý hoặc diễn đạt chưa rõ ý: 0,5 điểm)

2. Đọc hiểu

Câu

1

2

3

4

5

6

Đáp án

B

D

B

A

C

A

Điểm

0,5

0,5

0,5

0,5

0,5

0,5

Câu 7: (1 đ) HS nêu ý phù hợp, diễn đạt rõ, từ ngữ chính xác, không sai lỗi chính tả cho 1 điểm. Ý phù hợp, diễn đạt chưa rõ hoặc từ ngữ chưa chính xác, tùy mức độ cho từ 0,5 đến 0,75 điểm. (VD: Trong cuộc sống chúng ta cần biết yêu thương, chia sẻ với mọi người. Trong cuộc sống, cần có những việc làm để giúp đỡ, động viên người có hoàn cảnh đặc biệt để đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho người đó……)

Câu 8: (1 đ) Mỗi ý đúng 0,25 điểm. Có 3 đại từ xưng hô: tôi, ông cụ, anh.

Câu 9: (1 đ) HS tìm từ mỗi từ ghép, từ láy đúng yêu cầu được 0,25 điểm.

Câu 10: (1 đ) Câu HS viết câu có nghĩa trọn vẹn, hợp lí về nghĩa, đúng theo yêu cầu

của đề bài, đầu câu viết hoa, cuối câu có dùng dấu câu được 1 điểm.

(Thiếu dấu cuối câu trừ 0,25 đ)

II. PHẦN KIỂM TRA VIẾT: 10 điểm

1. Chính tả: 2 điểm

- Tốc độ đạt yêu cầu; chữ viết rõ ràng, viết đúng kiểu chữ, cỡ chữ; trình bày đúng quy định,viết sạch, đẹp: 1 điểm

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm

2. Tập làm văn: 8 điểm

- Bài viết rõ bố cục, đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài: 1 điểm

* Mở bài: (1,5 điểm) Mở bài gián tiếp (1 điểm), mở bài trực tiếp (0,5 điểm)

Diễn đạt câu trôi chảy (0,5 điểm)

* Thân bài: (4 điểm), trong đó: - Nội dung (2,5 điểm):

+ Chọn các nét tiêu biểu để tả về hình dáng (0,5 điểm)

+ Tả được tính tình (thể hiện nội dung làm cho mình gần gũi, thân mật, yêu quý, khâm phục, kính trọng,...) (0,5 điểm)

+ Thể hiện được tình cảm của mình với nhân vật được tả (0,5 điểm)

+ Câu văn viết có cảm xúc, có sử dụng các biện pháp nghệ thuật, diễn đạt mạch lạc, chân thật… (1 điểm).

- Kĩ năng: + Trình tự miêu tả hợp lí (0,5 điểm)

+ Diễn đạt câu trôi chảy (1 điểm)

* Kết bài: (1,5 điểm)

- Kết bài mở rộng (1 điểm), kết bài không mở rộng (0,5 điểm)

- Diễn đạt câu trôi chảy (0,5 điểm)

* Tuỳ theo mức độ sai sót về ý, về diễn đạt và chữ viết, giáo viên vận dụng phù hợp để cho điểm học sinh.

* Bài được 7,5 -> 8 điểm phải là bài văn hay, không mắc lỗi chính tả.

(Nếu bài văn viết mắc từ 3 lỗi chính tả trở lên – không ghi điểm giỏi)

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 18 có đáp án (Phiếu số 3)

Thời gian: 45 phút

A/ Phần kiểm tra đọc: (10 điểm)

I. Đọc thành tiếng (3 điểm)

II. Đọc hiểu (7 điểm)

Cho văn bản sau:

Cái gì quý nhất?

Một hôm, trên đường đi học về, Hùng, Quý và Nam trao đổi với nhau xem ở trên đời này, cái gì quý nhất.

Hùng nói: “Theo tớ, quý nhất là lúa gạo. Các cậu có thấy ai không ăn mà sống được không?”

Quý và Nam cho là có lí. Nhưng đi được mươi bước, Quý vội reo lên: “Bạn Hùng nói không đúng. Quý nhất phải là vàng. Mọi người chẳng thường nói quý như vàng là gì? Có vàng là có tiền, có tiền sẽ mua được lúa gạo!”

Nam vội tiếp ngay: “Quý nhất là thì giờ. Thầy giáo thường nói thì giờ quý hơn vàng bạc. Có thì giờ mới làm ra lúa gạo, vàng bạc!”

Cuộc tranh luận thật sôi nổi, người nào cũng có lí, không ai chịu ai. Hôm sau, ba bạn đến nhờ thầy giáo phân giải.

Nghe xong, thầy mỉm cười rồi nói:

– Lúa gạo quý vì ta phải đổ bao mồ hôi mới làm ra được. Vàng cũng quý vì nó rất đắt và hiếm. Còn thì giờ đã qua đi thì không lấy lại được, đáng quý lắm. Nhưng lúa gạo, vàng bạc, thì giờ vẫn chưa phải là quý nhất. Ai làm ra lúa gạo, vàng bạc, ai biết dùng thì giờ? Đó chính là người lao động, các em ạ. Không có người lao động thì không có lúa gạo, không có vàng bạc, nghĩa là tất cả mọi thứ đều không có, và thì giờ cũng trôi qua một cách vô vị mà thôi.

TRỊNH MẠNH

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng cho từng câu hỏi dưới đây:

Câu 1. (1đ) Ba bạn Hùng, Quý và Nam trao đổi với nhau việc gì?

A. Trao đổi về cái gì trên đời là hay nhất.
B. Trao đổi về cái gì trên đời là quý nhất.
 C. Trao đổi về cái gì trên đời là to nhất.

Câu 2 (1đ) Ai là người nói đúng?

A. Bạn Hùng là người nói đúng.
B. Bạn Quý là người nói đúng.
 C. Không ai nói đúng cả.

Câu 3. (0,5 đ) Vì ba bạn không ai chịu ai nên đã đến hỏi ai?

A. Các bạn đến hỏi thầy giáo.
B. Các bạn đến hỏi bố bạn Quý.
 C. Các bạn đến hỏi bố bạn Nam.

Câu 4. (1đ) Vì sao thầy giáo cho rằng người lao động mới quý nhất?

A. Vì người lao động có nhiều sức khỏe.
B. Vì Không có người lao động thì không có lúa gạo, vàng bạc và thì giờ cũng trôi qua một cách vô vị.
 C. Vì người lao động biết lao động.

Câu 5. (1đ) Nội dung của bài là gì?

A. Nội dung miêu tả cuộc tranh luận của ba bạn Hùng, Quý và Nam.
B. Nội dung của bài miêu tả các loại sự vật quý giá trong đời sống.
 C. Qua tranh luận của các bạn nhỏ, bài văn khẳng định: Người lao động là đáng quý nhất.

Câu 6. (1đ) Hãy tìm quan hệ từ trong câu sau: ‘‘Lúa gạo quý vì ta phải đổ bao mồ hôi mới làm ra được”

Câu 7. (1đ) Tìm động từ trong câu sau: "Có thì giờ mới làm ra lúa gạo, vàng bạc”

B/ Kiểm tra viết (10 điểm)

I. Chính tả: (2 điểm)

Học sinh (nghe viết) bài: “Người gác rừng tí hon”. Viết từ “sau khi nghe em báo.....đến xe công an lao tới”.

II. Tập làm văn (8 điểm)

Đề bài : Em hãy tả lại một người thân của em.

Đáp án:

A. Phần kiểm tra đọc hiểu:

Câu hỏi

1

2

3

4

5

Đáp án

B

C

A

B

C

Điểm

1

1

1

1

1

Câu 6: đáp án động từ là: viết

Câu 7: Đáp án câu tục ngữ là: có chí thì nên

B. Kiểm tra viết:

I. Chính tả (2 điểm)

- Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng trình bày đúng đoạn văn xuôi: 2,0 điểm

- Mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai - lẫn phụ âm đầu hoặc vần thanh; không viết hoa đúng quy định), trừ 0,25 điểm.

* Lưu ý: nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ hoặc trình bày bẩn,... bị trừ 0,5 điểm toàn bài.

II. Tập làm văn: (8 điểm)

1. Mở bài: Giới thiệu được người thân định tả? (1 điểm)

2. Thân bài

a. Tả ngoại hình (3 điểm)

b. Tả tính tình, hoạt động (3 điểm)

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em người được tả. (1 điểm)

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 18 có đáp án (Phiếu số 4)

Thời gian: 45 phút

A/ KIỂM TRA ĐỌC: (10Đ)

I. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)

- Nội dung kiểm tra: Giáo viên cho học sinh bốc thăm đọc một đoạn văn khoảng 100 chữ thuộc chủ đề đã học từ tuần 11 đến tuần 17.

- Hình thức kiểm tra: Giáo viên ghi tên bài, số trang trong SGK TV5 vào phiếu, cho HS bốc thăm và đọc đoạn văn do giáo viên yêu cầu.

II. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức tiếng việt: (7 điểm)

Đọc thầm bài văn sau:

Mưa phùn, mưa bụi, mưa xuân

Mùa xuân đã tới.

Các bạn hãy để ý một chút. Bốn mùa có hoa nở, bốn mùa cũng có nhiều thứ mưa khác nhau. Mưa rào mùa hạ. Mưa ngâu, mưa dầm mùa thu, mùa đông. Mưa xuân, mưa phùn, mưa bụi.

Mùa xuân tới rồi. Ngoài kia đương mưa phùn.

Vòm trời âm u. Cả đến mảnh trời trên đầu tường cũng không thấy. Không phải tại sương mù ngoài hồ toả vào. Đấy là mưa bụi, hạt mưa từng làn loăng quăng, li ti đậu trên mái tóc. Phủi nhẹ một cái, rơi đâu mất. Mưa dây, mưa rợ, mưa phơi phới như rắc phấn mù mịt.

Mưa phùn đem mùa xuân đến. Mưa phùn khiến những chân mạ gieo muộn nảy xanh lá mạ. Dây khoai, cây cà chua rườm rà xanh rờn cái trảng ruộng cao. Mầm cây sau sau, cây nhuội, cây bàng hai bên đường nảy lộc, mỗi hôm trông thấy mỗi khác. Những cây bằng lăng trơ trụi, lẻo khẻo, thiểu não như cắm cái cọc cắm. Thế mà mưa bụi đã làm cho cái đầu cành bằng lăng nhú mầm. Mưa bụi đọng lại, thành những bọng nước bọt trắng ngần như thuỷ tinh. Trên cành ngang, những hạt mưa thành dây chuỗi hạt trai treo lóng lánh. Ở búi cỏ dưới gốc, ô mạng nhện bám mưa bụi, như được choàng mảnh voan trắng.

Những cây bằng lăng mùa hạ ốm yếu lại nhú lộc. Vầng lộc non nẩy ra. Mưa bụi ấm áp. Cái cây được uống nước.

(Theo Tô Hoài)

Dựa vào nội dung bài đọc, em hãy khoanh tròn vào câu trả lời đúng và hoàn thành các bài tập sau:

Câu 1: (0,5 điểm) Ý nào sau đây giới thiệu các loại mưa khác nhau trong bốn mùa? (M1)

A. Mưa rào mùa hạ.

B. Mưa ngâu, mưa dầm mùa thu, mùa đông.

C. Mưa xuân, mưa phùn, mưa bụi.

D. Mưa rào mùa hạ. Mưa ngâu, mưa dầm mùa thu, mùa đông. Mưa xuân, mưa phùn, mưa bụi.

Câu 2: (0,5 điểm) Có mấy cách để gọi mưa mùa xuân?(M1)

A. Có một cách. Đó là: Mưa xuân.

B. Có hai cách. Đó là: Mưa xuân, mưa phùn.

C. Có ba cách. Đó là: Mưa xuân, mưa phùn, mưa bụi.

D. Có hai cách. Đó là: Mưa xuân, mưa bụi.

Câu 3: (0,5 điểm) Hình ảnh nào không miêu tả mưa xuân ? (M2)

A. Loăng quăng, li ti đậu trên mái tóc.

B. Mưa rào rào như quất vào mặt người qua đường.

C. Mưa dây, mưa rợ như rắc phấn mù mịt.

D. Mưa bụi đọng lại, thành những bọng nước bọc trắng ngần như thủy tinh.

Câu 4: (0,5 điểm) Ý nào sau đây miêu tả sự đổi thay của cây cối khi mưa phùn đến?

A. Mưa phùn khiến những chân mạ gieo muộn nảy xanh lá mạ. Dây khoai, cây cà chua rườm rà xanh rờn cái trảng ruộng cao. (M2)

B. Mầm cây sau sau, cây nhuội, cây bàng hai bên đường nảy lộc, mỗi hôm trông thấy mỗi khác.

C. Những cây bằng lăng trơ trụi, lẻo khẻo, thiểu não như cắm cái cọc cắm. Thế mà mưa bụi đã làm cho cái đầu cành bằng lăng nhú mầm.

D. Tất cả các ý trên.

Câu 5: (0,5 điểm) Đọc lại đoạn văn “Mưa phùn đem mùa xuân đến.... Ở búi cỏ dưới gốc, ô mạng nhện bám mưa bụi, như được choàng mảnh voan trắng” rồi nêu vai trò của câu văn “Mưa phùn đem mùa xuân đến.” (M1)

- Câu “Mưa phùn đem mùa xuân đến.” đóng vai trò là:..........................................................

Câu 6: (1 điểm) Câu “Mưa phùn đem mùa xuân đến.” Ý muốn nói: (M3)

A. Mưa phùn báo hiệu mùa xuân đến.

B. Mưa phùn chở theo mùa xuân.

C. Mưa phùn làm cho cây cối đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở.

D. Mua phùn và mùa xuân đến cùng một lúc.

Câu 7: (0,5 điểm) Từ “đầu” ở trong câu “ Thế mà mưa bụi đã làm cho cái đầu cành bằng lăng nhú mầm.” thuộc lớp từ nào? (M2)

Từ “đầu” ở trong câu “ Thế mà mưa bụi đã làm cho cái đầu cành bằng lăng nhú mầm.” là từ......................................................................................................................................

Câu 8: (1 điểm) Tìm các từ láy có trong đoạn văn trên (M3)

Các từ láy là .....................................................................................................

Câu 9 (M4): (1 điểm) Chủ ngữ trong câu “Trên cành ngang, những hạt mưa thành dây chuỗi hạt trai treo lóng lánh.” Là:

A. Trên cành ngang, những hạt mưa thành dây chuỗi hạt trai.

B. Những hạt mưa thành dây chuỗi hạt trai.

C. Những hạt mưa.

D. Trên cành ngang, những hạt mưa

Câu 10: (1 điểm) Nêu nội dung đoạn văn trên?(M4)

B/ KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)

I. Viết chính tả: (2đ) (nghe – viết),

Bài viết: “ Mùa thảo quả ” - Sách TV Lớp 5 tập 1(trang 113)

Viết đoạn: (từ: thảo quả trong rừng Đản Khao đã chín nục…….lấn chiếm không gian.)

II - Tập làm văn: (8đ)

Đề bài: Em hãy tả một cô giáo em đã từng học mà em ấn tượng nhất.

Đáp án:

A/ KIỂM TRA ĐỌC: (10Đ)

I. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc đạt yêu cầu, giọng đọc có biểu cảm: 1 điểm

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa; đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm

II. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức tiếng việt: (7 điểm)

Câu 1: (0,5 điểm) Ý nào sau đây giới thiệu các loại mưa khác nhau trong bốn mùa? (M1) Đáp án D.

Câu 2: (0,5 điểm) Có mấy cách để gọi mưa mùa xuân? (M1)

Đáp án C.

Câu 3: (1 điểm) Hình ảnh nào không miêu tả mưa xuân ? (M2)

Đáp án B.

Câu 4: (0,5 điểm) Ý nào sau đây miêu tả sự đổi thay của cây cối khi mưa phùn đến? (M2)

Đáp án D.

Câu 5: (0,5 điểm) Đọc lại đoạn văn “Mưa phùn đem mùa xuân đến.... Ở búi cỏ dưới gốc, ô mạng nhện bám mưa bụi, như được choàng mảnh voan trắng” rồi nêu vai trò của câu văn “Mưa phùn đem mùa xuân đến.” (M1)

- Câu “Mưa phùn đem mùa xuân đến.” đóng vai trò là: câu mở đoạn.

Đáp án B.

Câu 6: (1 điểm) Câu “Mưa phùn đem mùa xuân đến.” Ý muốn nói: (M3)

Đáp án C.

Câu 7:(0,5 điểm) Từ “đầu” ở trong câu “Thế mà mưa bụi đã làm cho cái đầu cành bằng lăng nhú mầm.” thuộc lớp từ: là từ nhiều nghĩa.(M2)

Câu 8:(1 điểm) Tìm các từ láy có trong đoạn văn trên (M3)

Các từ láy là: âm u, loăng quăng, li ti, phơi phới, mù mịt, rườm rà, bằng lăng, sau sau, lẻo khẻo, ấm áp, lóng lánh.

(Tìm đúng 2 từ cho 0,1 điểm, tìm đúng 3 từ trở lên, cho mỗi từ 0,1 điểm)

Câu 9 (M4): (1 điểm) Chủ ngữ trong câu “Trên cành ngang, những hạt mưa thành dây chuỗi hạt trai treo lóng lánh.” Là:

Đáp án B.

Câu 10: (1 điểm) Nêu nội dung đoạn văn trên? (M4)

- Đoạn văn miêu tả sức sống tràn trề của cảnh vật thiên nhiên khi mùa xuân đến (HS có thể nêu ý tương tự)

II/- KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)

1- Chính tả: (2 điểm):

- Tốc độ đạt yêu cầu, chữ viết rõ ràng, viết đúng kiểu chữ, cỡ chữ; trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm.

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm.

* Lưu ý: Nếu viết chữ hoa không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ, trình bày không sạch đẹp,... trừ 0,25 điểm toàn bài.

2. Tập làm văn (8đ):

- Điểm thành phần được chia như sau:

+ Mở bài: 1 điểm.

+ Thân bài: 4 điểm (Nội dung: 1.5đ; kĩ năng: 1.5 đ; Cảm xúc: 1đ).

+ Kết bài: 1 điểm.

+ Chữ viết, chính tả: 0,5 điểm.

+ Dùng từ, đặt câu: 0,5 điểm.

+ Sáng tạo: 1 điểm.

* Gợi ý đáp án như sau:

a/ Mở bài: 1 điểm.

Giới thiệu được người sẽ tả: Ai? Có quan hệ với em thế nào? ….

(GT trực tiếp hoặc gián tiếp).

b/ Thân bài: 4 điểm.

* Tả hình dáng: (2đ)

- Tả bao quát: tầm thước, tuổi tác, cách ăn mặc, …..

- Tả chi tiết: gương mặt, đầu tóc, da dẻ, mắt, mũi, răng, tai, …...

* Tả tính tình, hoạt động: (2đ)

Thông qua lời nói, cử chỉ, việc làm, …..

Điểm thành phần được chia như sau: Nội dung: 1.5đ; kĩ năng: 1.5 đ; Cảm xúc: 1đ

c/ Kết bài: 1 điểm.

Nói lên được tình cảm của mình về người vừa tả (yêu quý, mơ ước, trách nhiệm).

* LƯU Ý:

- Chữ viết đẹp, đúng chính tả: 0,5 điểm.

- Dùng từ đặt câu đúng và hay: 0,5 điểm.

- Bài làm sáng tạo, biết dùng từ ngữ gợi tả, biểu cảm; biết sử dụng biện pháp so sánh, nhân hóa phù hợp trong miêu tả: 1 điểm.

Đánh giá

0

0 đánh giá