Dựa vào thông tin mục 2, hãy so sánh đặc điểm và nội dung của cuộc cách mạng công nghiệp

251

Với giải Câu hỏi trang 47 Chuyên đề Địa Lí 11 Kết nối tri thức chi tiết trong Chuyên đề 11.3: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải, từ đó biết cách làm bài tập Chuyên đề Địa lí 11. Mời các bạn đón xem:

Dựa vào thông tin mục 2, hãy so sánh đặc điểm và nội dung của cuộc cách mạng công nghiệp

Câu hỏi trang 47 Chuyên đề Địa Lí 11: Dựa vào thông tin mục 2, hãy so sánh đặc điểm và nội dung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó.

Lời giải:

* Điểm giống: Đều là các cuộc cách mạng công nghiệp làm thay đổi mạnh mẽ quá trình sản xuất, biến đổi đời sống, kinh tế và xã hội trên toàn cầu.

* Điểm khác:

♦ Cách mạng công nghiệp 1.0

- Thời gian: khoảng năm 1760 - 1840

- Nội dung: phát minh ra máy móc, thay thế lao động thủ công bằng lao động máy móc.

- Đặc điểm:

+ Khởi phát từ nước Anh sau đó lan nhanh sang các nước Âu - Mỹ khác.

+ Sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hoá sản xuất.

Số lượng sản phẩm, chất lượng và giá trị sản phẩm tăng lên, giá sản phẩm giảm đi và do đó làm năng suất lao động tăng lên, kinh tế phát triển mạnh.

Các phát minh lớn bao gồm: thoi bay, máy quay sợi, máy dệt, máy kéo sợi chạy bằng sức nước; nấu than cốc từ đá để luyện sắt, lò luyện gang; máy hơi nước, tàu thuỷ và tàu hoả,...

Tác động trực tiếp đến các ngành như dệt may, chế tạo cơ khí, giao thông vận tải.

Tác động chủ yếu đến nước Anh và một số nước khác ở châu Âu.

♦ Cách mạng công nghiệp 2.0

- Thời gian: cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX

- Nội dung: chuyển từ nền sản xuất cơ khí sang sản xuất điện - cơ khí và tự động hóa một phần trong sản xuất.

- Đặc điểm:

+ Khởi phát từ Hoa Kỳ sau đó lan sang các nước khác.

+ Sử dụng năng lượng điện, các động cơ điện để tạo ra các dây chuyền sản xuất hàng loạt, sản xuất hàng hoá khổng lồ và có tác động sâu sắc đến kinh tế - xã hội của các quốc gia.

+ Năng suất lao động tăng gấp nhiều lần so với cuộc cách mạng trước.

+ Các phát minh nổi bật như: phun khí nóng trong sản xuất sắt làm giảm tiêu hao nhiên liệu; cải thiện công nghệ sản xuất đường ray tàu hoả; sản xuất giấy, sản xuất dầu; thuốc nhuộm tổng hợp, cao su, ô tô, điện thoại, phương thức quản lí kinh doanh hiện đại,...

+ Tác động trực tiếp đến các ngành như giao thông vận tải, luyện kim, xây dựng, sản xuất giấy,...

+ Chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể ở các nước công nghiệp. Cơ cấu nghề nghiệp thay đổi và số dân tại các trung tâm công nghiệp tăng nhanh.

+ Tác động chủ yếu đến Anh, Đức, Hoa Kỳ, Pháp, I-ta-li-a, Nhật Bản, Nga,...

♦ Cách mạng công nghiệp 3.0

- Thời gian: khoảng năm 1960 đến cuối thế kỉ XX

- Nội dung: chuyển từ công nghệ điện tử và cơ khí sang công nghệ số và tự động hóa sản xuất.

- Đặc điểm:

+ Khởi phát ở Hoa Kỳ.

+ Sử dụng công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Cuộc cách mạng này còn được gọi là cách mạng số bởi sự phát triển mạnh mẽ của chất bán dẫn, siêu máy tính, máy tính cá nhân và internet.

+ Năng suất và hiệu quả làm việc của doanh nghiệp tăng đáng kể, các hoạt động quản lí của chính phủ và cách thức con người sinh hoạt trong đời sống hằng ngày cũng thay đổi.

+ Các tiến bộ khoa học - kĩ thuật nổi bật là thiết bị điện tử cầm tay, máy rút tiền tự động, rô-bốt công nghiệp, đồ hoạ máy tính, âm nhạc điện tử, điện thoại di động, internet, máy ảnh kĩ thuật số,...

+ Tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu.

♦ Cách mạng công nghiệp 4.0

- Thời gian: đầu thế kỉ XXI

- Nội dung: dựa trên sự tích hợp cao độ của dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật để điều hành hệ thống sản xuất hiệu quả và thông minh vượt bậc.

- Đặc điểm:

+ Sử dụng những tiến bộ về công nghệ thông tin và truyền thông như internet vạn vật, điện toán đám mây, công nghệ thực tế - ảo,... vào các hệ thống sản xuất, làm thay đổi cơ bản chuỗi giá trị và mô hình kinh doanh trong sản xuất công nghiệp.

+ Con người và máy móc có khả năng cộng tác chặt chẽ với nhau trong quá trình sản xuất.

+ Thời gian ra đời một sản phẩm ngắn hơn, chi phí tiết kiệm hơn.

+ Quy mô vô cùng lớn với tốc độ lan truyền rất nhanh, thúc đẩy đột phá công nghệ, tạo ra một thế giới được số hoá, tự động hóa ngày càng trở nên hiệu quả và thông minh hơn.

+ Tác động mạnh mẽ và toàn diện đến kinh tế - xã hội thế giới ở tất cả khu vực và trong từng quốc gia.

Đánh giá

0

0 đánh giá