Em hãy cùng nhóm bạn xây dựng bài thuyết trình trước lớp

214

Với giải Vận dụng 2 trang 73 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11 Chân trời sáng tạo chi tiết trong Bài 7: Hợp đồng lao động, tiền lương và thưởng, bảo hiểm xã hội, tranh chấp và giải quyết tranh chấp lao động giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải, từ đó biết cách làm bài tập Chuyên đề Giáo dục kinh tế và pháp luật 11. Mời các bạn đón xem:

Em hãy cùng nhóm bạn xây dựng bài thuyết trình trước lớp

Vận dụng 2 trang 73 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy cùng nhóm bạn xây dựng bài thuyết trình trước lớp có nội dung về một vấn đề cấp bách đặt ra trong đời sống liên quan đến pháp luật lao động.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Thuyết trình về vấn đề “Thực trạng, hệ lụy và giải giáp để hạn chế tình trạng chậm, nợ bảo hiểm xã hội”.

♦ Thực trạng:

Tình trạng chậm, nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi tắt là chậm, nợ bảo hiểm xã hội – viết tắt: BHXH) tuy ở các mức độ, phạm vi khác nhau, nhưng dường như là “vấn đề” có tính khách quan của các hệ thống BHXH trên thế giới, và Việt Nam không là ngoại lệ.

- Chậm, nợ BHXH là không thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm về BHXH, có thể khái quát bằng các hình thức sau:

+ Trốn đóng BHXH nhằm trục lợi với các hình thức khai giảm số nhân công của doanh nghiệp (viết tắt: DN) so với số làm việc thực tế; không ký hợp đồng lao động (viết tắt: HĐLĐ) đối với người lao động (viết tắt: NLĐ); khai tiền lương đóng BHXH thấp hơn so với tiền lương thực tế; trích trừ tiền BHXH của NLĐ nhưng không nộp cho cơ quan BHXH… Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2017- 2021, ngành đã thực hiện hơn 63.700 cuộc thanh kiểm tra hơn 100.000 đơn vị và đã phát hiện hơn 350.000 NLĐ thuộc diện tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian, mức đóng thấp hơn quy định.

+ DN đóng BHXH không đúng thời hạn do những sự cố đột xuất, không có nguồn thu (bị đối tác hủy đơn hàng, bị rủi ro... làm đình trệ sản xuất). Tuy nhiên, sau khi khắc phục được sự cố, sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, thì DN tiếp tục thực hiện nghĩa vụ (giải quyết nợ và nộp phạt).

+ Nợ BHXH do DN bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế hoặc những rủi ro bất khả kháng khác, không thể thực hiện được nghĩa vụ này, nhất là khi DN bị phá sản.

- Mọi hệ thống BHXH trên thế giới đều có tình trạng trốn, chậm, nợ. Ngoại trừ những trường hợp cố tình trốn đóng BHXH nhằm trục lợi, là vi phạm pháp luật (Luật hình sự) thì hầu hết các trường hợp chậm, nợ đều xuất phát từ lý do kinh tế. Trong bài viết này, chủ yếu bàn về vấn đề chậm, nợ, không bàn vấn đề trốn đóng.

- Ở các nước, việc chậm, nợ gồm cả NLĐ và người SDLĐ. Hằng tháng, NLĐ nhận lương và tự thực hiện nghĩa vụ của mình đối với các cơ quan nhà nước (cơ quan BHXH, cơ quan thuế, tùy theo từng hệ thống BHXH). Người sử dụng lao động (viết tắt: SDLĐ) có nghĩa vụ nộp BHXH cho NLĐ thuê mướn, đối với từng loại chế độ, theo luật định. Do đó, khi quy trách nhiệm để xử lý vấn đề chậm, nợ BHXH, các cơ quan có liên quan phân biệt rất rõ ràng trách nhiệm của từng bên.

- Tuy nhiên, ở Việt Nam, đối với hệ thống BHXH bắt buộc, việc chậm, nợ chủ yếu do chủ SDLĐ. Các DN chậm, nợ BHXH do tài chính DN gặp khó khăn, rủi ro (như bị giảm, hủy đơn hàng, bị những rủi ro ngoài kinh doanh như cháy nhà xưởng…).

=> Như vậy, về cơ bản, việc chậm, nợ BHXH, nhất là việc chậm, là có tính ngắn hạn, phụ thuộc vào “sức khỏe” của DN. Khi DN vượt qua giai đoạn khó khăn, việc chậm, nợ sẽ được khắc phục, trừ khi DN phá sản.

♦ Hệ lụy

- Đối với nền kinh tế, đối với xã hội và đối với hệ thống BHXH, việc chậm, nợ BHXH của nhiều DN trở thành vấn đề rất lớn, để lại nhiều hệ lụy. Đó là:

Thứ nhất, đối với NLĐ, khi DN chậm, nợ BHXH, theo nguyên tắc “có đóng- có hưởng, không đóng- không hưởng”, rõ ràng NLĐ không thể được cơ quan BHXH thanh toán các khoản trợ cấp BHXH, nhất là các trợ cấp ngắn hạn. Ngoài ra, về dài hạn, NLĐ sẽ bị ảnh hưởng đến chế độ hưu trí, khi hết tuổi lao động. Lương hưu của họ sẽ bị giảm sút do có khoảng thời gian DN không đóng BHXH cho họ. Như vậy, về mặt tài chính, NLĐ bị thiệt hại “kép”, vừa bị giảm thu nhập do DN chậm trả lương; vừa phải tăng chi tiêu khi chưa/không được các cơ quan BHXH thanh toán các chi phí phát sinh liên quan. Điều này, ảnh hưởng ngay đến cuộc sống của bản thân NLĐ và gia đình họ. Họ và gia đình dễ bị rơi vào tình trạng “dễ bị tổn thương”.

Thứ hai, đối với xã hội, khi nhiều DN chậm, nợ BHXH đương nhiên sẽ có nhiều NLĐ bị ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống. Do vậy, Nhà nước và xã hội sẽ phải chi một khoản ngân sách không nhỏ để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do DN không thực thi nghĩa vụ, nhất là đối với những DN không còn khả năng thanh toán nợ BHXH (do bị phá sản) hoặc các DN phải mất thời gian dài mới phục hồi sản xuất kinh doanh. Ở Việt Nam, tình trạng chậm, nợ BHXH đang có xu hướng gia tăng từ thời điểm đại dịch COVID-19. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 6/2022, tổng số nợ các loại BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 24.576 tỉ đồng, chiếm 5,6% số phải thu (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, có hơn 3.500 tỉ đồng là của các DN đã bị phá sản, giải thể, chủ là người nước ngoài bỏ trốn... Điều này đã ảnh hưởng quyền lợi của hơn 200.000 NLĐ tại các DN này. Đây là vấn đề cần được đặt ra đối với các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện pháp luật quản lý thu BHXH để đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Thứ ba, đối với hệ thống BHXH, khi DN nợ BHXH, điều dễ nhận thấy là cân đối thu- chi tài chính BHXH bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động BHXH là nguồn tài chính để chi trả các trợ cấp BHXH phải trên cơ sở nguồn thu của quỹ. Mà nguồn thu của quỹ BHXH chủ yếu trên cơ sở đóng góp từ DN, NLĐ. Khi DN chậm, nợ BHXH, nguồn thu này bị gián đoạn hoặc mất đi (trong trường hợp DN phá sản), làm ảnh hưởng đến khả năng chi trả của quỹ BHXH. Như đã biết, trong tính toán tài chính BHXH, các khoản thu, một mặt phải chi trả trong năm tài chính; mặt khác phải tính để đảm bảo thanh toán cho hàng chục năm sau cho các chế độ dài hạn. Khi các khoản chi dài hạn tạm thời chưa được sử dụng (phần nhàn rỗi tương đối của của quỹ BHXH), khoản tiền này được đầu tư để sinh lời, tăng quy mô quỹ BHXH. Tuy nhiên, do có nhiều DN chậm, nợ BHXH thì quỹ BHXH phải huy động khoản đáng ra được đầu tư dài dạn để chi trả cho hiện thời. Như vậy, xét về mặt tài chính, hệ thống BHXH đã bị “thiệt hại kép” nếu như không có sự bù đắp từ Nhà nước.

Thứ tư, đối với nền kinh tế, khi tổng hợp từ 3 vấn đề nêu trên, đương nhiên nền kinh tế quốc dân cũng bị ảnh hưởng do hành vi chậm, nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của DN. Bên cạnh việc giảm thu cho NSNN (do không có khả năng đóng thuế), NSNN lại phải tăng chi để hỗ trợ NLĐ trước hệ lụy của DN, nhằm đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời phải bù đắp cho hệ thống BHXH các khoản chi trả trợ cấp BHXH thay cho DN. Trong trường hợp này, Nhà nước cũng “thiệt hại kép”. Hơn nữa, do phải chi cho các hoạt động trước mắt như vậy, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế ít nhiều bị ảnh hưởng do khoản đầu tư cho phát triển bị thiếu hụt cả trong ngắn hạn và dài hạn.

♦ Đề xuất một số giải pháp

- Chậm, nợ BHXH là hiện tượng khách quan đối với các hệ thống BHXH, là rủi ro ngoài ý muốn của các cơ quan BHXH. Vấn đề được các nước đặt ra là phải quản trị được những rủi ro này như thế nào để giảm thiểu hệ lụy. Qua nghiên cứu, theo chúng tôi, nên thực hiện một số giải pháp sau:

+ Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật BHXH và thống nhất hóa các văn bản pháp luật có liên quan đến BHXH. Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay chưa làm rõ việc xử lý hệ quả của các DN phá sản, không có khả năng tài chính để nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Theo kinh nghiệm của các nước, khi DN bị phá sản, một trong những hoạt động bảo vệ quyền lợi của NLĐ là giải quyết các chế độ, quyền lợi. Cần rà soát, nghiên cứu để thống nhất các quy định giữa các luật, như Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật thuế, Luật DN, Luật Thanh tra… Chẳng hạn các quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH giữa Bộ Luật lao động, Luật BHXH và Luật Thuế. Cần theo hướng lấy thu nhập thực tế làm căn cứ đóng BHXH để tránh việc có 2 hệ thống bảng lương trong DN (lương thực tế và lương để đóng BHXH). Cần có chia sẻ thông tin và sử dụng hiệu quả giữa 2 cơ quan: Thuế và BHXH.

+ Hai là, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý thu BHXH. Để giảm thiểu những hệ lụy của việc chậm, nợ BHXH, công tác quản lý thu BHXH có vai trò rất quan trọng. Trước hết, cần có sự phân loại chậm, nợ đọng BHXH (theo loại hình DN, theo nguyên nhân, nhất là các DN bị phá sản, mất khả năng thanh toán….), để có phương án xử lý phù hợp. Cần ứng dụng mạnh mẽ CNTT để lập các mô hình quản trị rủi ro, dự báo được xu hướng phát triển của tình hình, từ đó chủ động ứng phó.

+ Ba là, tăng cường thanh tra việc chậm, nợ BHXH. Công tác thanh tra phải tiến hành thường xuyên và có sự phối hợp chặt chẽ giữa thanh tra các ngành (với Thanh tra Lao động, Thanh tra Thuế…). Đồng thời, tăng chế tài xử phạt các DN, nhất là các DN trốn đóng BHXH, lợi dụng các quy định của pháp luật để “lách” như giảm số lượng lao động so với số thực tế, giảm tiền lương ghi trong HĐLĐ so với lương thực nhận của NLĐ… Theo Nghị định 12/2022/CP-NĐ ngày 17/1/2022 của Chính phủ, mức xử phạt đối với DN cho mỗi hành vi như trốn; chậm, nợ BHXH tối đa chỉ là 75 triệu đồng. Mức phạt này còn mang tính bình quân hóa, chưa đủ mức răn đe. Ngoài ra, cần phải có chế tài cho việc chấp hành nộp phạt, bởi theo BHXH Việt Nam, từ năm 2019 đến nay, cơ quan BHXH mới chỉ thu được khoảng 38,6% tổng số tiền xử phạt hành chính.

+ Bốn là, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Cần có những quy định về sự phối hợp này, trước hết là sự chia sẻ thông tin giữa cơ quan Thuế với cơ quan Lao động và cơ quan BHXH các cấp về thu nhập, về số lao động của DN, về tình trạng hoạt động của DN (liên quan đến doanh thu, nộp thuế)….

+ Năm là, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý. Hiện nay, BHXH Việt Nam đã ứng dụng khá hiệu quả công nghệ thông tin trong nhiều hoạt động. Tuy nhiên, cần có cơ sở dữ liệu “sạch” đầy đủ, dùng chung giữa các cơ quan có liên quan, để quản lý đối tượng, quản lý DN, có sự chia sẻ, chiết xuất kịp thời và luôn đảm bảo tính bảo mật, đảm bảo lợi ích của các bên..

Đánh giá

0

0 đánh giá