Lý thuyết Địa lí 11 (Cánh diều) Bài 23: Kinh tế Nhật Bản

411

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu Lý thuyết Kinh tế Nhật Bản (Cánh Diều) Địa lí 11 hay, ngắn gọn và bài tập tự luyện có lời giải chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững nội dung kiến thức từ đó dễ dàng làm các bài tập Địa lí 11.

Lý thuyết Địa lí 11 (Cánh diều) Bài 23: Kinh tế Nhật Bản

Bài giải Bài 23: Kinh tế Nhật Bản 

A. Lý thuyết Địa lí 11 Bài 23: Kinh tế Nhật Bản

I. Tình hình phát triển kinh tế

♦ Tình hình phát triển

- Nền kinh tế Nhật Bản có sự phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau. 

+ Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, từ năm 1955, kinh tế phát triển với tốc độ cao, bình quân khoảng 10%/năm. 

+ Đến năm 1968, kinh tế Nhật Bản vươn lên đứng thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ.

- Trong quá trình phát triển tiếp sau đó, kinh tế Nhật Bản chịu tác động nhiều của các cuộc khủng hoảng. Từ sau năm 2008, kinh tế Nhật Bản chịu nhiều tác động của thiên tai, dịch bệnh, sự cạnh tranh của nhiều nền kinh tế phát triển nhanh, lực lượng lao động bị thiếu hụt, thu hút đầu tư nước ngoài thấp,... => Các tác động đó đã góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật Bản thiếu ổn định và có xu hướng giảm. Tuy nhiên, Nhật Bản hiện nay vẫn là một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới.

- GDP của Nhật Bản đạt 5040,1 tỉ USD, chiếm 6% GDP toàn thế giới (năm 2020).

- Dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế Nhật Bản và chiếm tỉ trọng

cao nhất.

Lý thuyết Địa Lí 11 Cánh diều Bài 23: Kinh tế Nhật Bản

♦ Nguyên nhân phát triển: 

Nhật Bản đã có những chiến lược để phát triển kinh tế phù hợp với từng giai đoạn, như:

+ Chú trọng đầu tư hiện đại hoá công nghiệp, tập trung phát triển có trọng điểm các ngành then chốt ở mỗi giai đoạn,...

+ Đầu tư phát triển khoa học kĩ thuật và công nghệ, xây dựng các ngành công nghiệp có trình độ kĩ thuật cao, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài,...

+ Hiện đại hoá và hợp lí hoá các xí nghiệp nhỏ và trung bình.

+ Từ năm 2001, Nhật Bản xúc tiến các chương trình cải cách lớn trong đó có cải cách cơ cấu kinh tế, giảm thâm hụt ngân sách, cải cách khu vực tài chính,...

- Ngoài ra, con người và các truyền thống văn hóa của Nhật Bản cũng là nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế.

II. Các ngành kinh tế

1. Công nghiệp

♦ Tình hình phát triển chung

- Công nghiệp là ngành mũi nhọn của nền kinh tế Nhật Bản, chiếm khoảng 29 % trong GDP của cả nước (năm 2020) và giữ vị trí cao trong nền kinh tế thế giới.

- Cơ cấu ngành công nghiệp rất đa dạng, các ngành công nghiệp chính là: chế tạo, điện từ - tin học, luyện kim, hóa chất, công nghiệp thực phẩm... 

- Nhiều lĩnh vực công nghiệp của Nhật Bản có trình độ kĩ thuật và công nghệ cao hàng đầu thế giới như: sản xuất kim loại và vật liệu, đóng tàu, điện tử - tin học,...

♦ Một số ngành tiêu biểu:

- Công nghiệp chế tạo:

+ Chiếm khoảng 40 % giá trị hàng công nghiệp xuất khẩu (năm 2020), nổi bật với sản xuất ô tô và đóng tàu đứng hàng đầu thế giới. 

+ Ngành này có khối lượng sản phẩm lớn và đa dạng, áp dụng tối đa các công nghệ tiên tiến và đạt hiệu quả cao. 

+ Các trung tâm công nghiệp chế tạo lớn là: Tô-ky-ô, Na-gôi-a, Ô-xa-ca.

- Công nghiệp luyện kim:

+ Chủ yếu dựa vào nguyên liệu nhập từ nước ngoài, có tốc độ phát triển nhanh, ứng dụng phổ biến kĩ thuật và công nghệ hiện đại. 

+ Phân bố chủ yếu ở Tô-ky-ô, I-ô-cô-ha-ma, Na-gôi-a,...

- Công nghiệp điện tử - tin học:

+ Phát triển với tốc độ nhanh, dẫn đầu thế giới, sản phẩm công nghiệp nổi bật là máy tính và rô-bốt,...

+ Các trung tâm lớn là: Tô-ky-ô, Na-ga-xa-ki, Phu-cu-ô-ca,...

- Công nghiệp hóa chất:

+ Là một trong những ngành công nghệ cao của Nhật Bản. 

+ Các sản phẩm chủ yếu là: nhựa, vật liệu cách nhiệt, cao su tổng hợp,...

+ Công nghiệp hóa chất phân bố chủ yếu ở Tô-ky-o, Na-gôi-a, Cô-chi,...

- Công nghiệp thực phẩm:

+ Có sản phẩm đa dạng, trình độ phát triển cao, đầu tư ra nước ngoài lớn. 

+ Ngành này phân bố chủ yếu ở I-ô-cô-ha-ma, Ky-ô-tô, Mu-rô-ran…

Lý thuyết Địa Lí 11 Cánh diều Bài 23: Kinh tế Nhật Bản

 

 

2. Dịch vụ

♦ Tình hình phát triển chung

- Chiếm khoảng 69,6 % giá trị GDP (năm 2020).

- Ngành dịch vụ có cơ cấu đa dạng, nhiều lĩnh vực có trình độ phát triển cao.

♦ Một số ngành tiêu biểu

Giao thông vận tải hiện đại, đặc biệt là đường biển và đường hàng không, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

+ Giao thông vận tải biển có vị trí đặc biệt, với đội tàu biển trọng tải lớn. Các cảng biển lớn và hiện đại là: Tô-ky-ô, I-ô-cô-ha-ma, Ô-xa-ca, Na-gôi-a,... 

+ Giao thông hàng không phát triển mạnh với 176 sân bay (năm 2020). Các sân bay quan trọng là: Ha-nê-đa, Na-ri-đa, Ô-xa-ca,...

+ Nhật Bản có hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, tập trung ở các thành phố lớn.

Ngành bưu chính viễn thông phát triển mạnh. Nhật Bản đứng thứ năm thế giới về số lượng vệ tinh ngoài không gian (năm 2020), đảm bảo thông tin liên lạc trong nước và cung cấp dịch vụ viễn thông cho một số nước trên thế giới.

- Du lịch: 

+ Nhật Bản có nhiều phong cảnh đẹp và di tích lịch sử - văn hóa độc đáo,... là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. 

+ Khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản tăng nhanh, đạt 31,8 triệu lượt người (năm 2019), du lịch trong nước phát triển mạnh. 

+ Hoạt động du lịch đóng góp hơn 7% vào GDP (năm 2019).

- Thương mại:

+ Ngoại thương: tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 1500 tỉ USD (2020). Nhật Bản là nước xuất siêu, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị điện tử và quang học, thiết bị y tế, sắt thép, hóa chất, nhựa,... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: nhiên liệu hóa thạch, nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp, ngũ cốc và thực phẩm,... Các đối tác thương mại chính là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Đông Nam Á, Ô-xtrây-li-a.

+ Nội thương phát triển và có hệ thống rộng khắp, thương mại điện tử phát triển mạnh. Thị trường tiêu dùng nội địa có nhu cầu lớn, là một trong những động lực của sự phát triển nền kinh tế. 

Lý thuyết Địa Lí 11 Cánh diều Bài 23: Kinh tế Nhật Bản

Ngành tài chính ngân hàng 

+ Đứng hàng đầu thế giới, hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng phát triển. 

+ Nhật Bản là một trong những nước có tài trợ vốn ODA lớn nhất thế giới.

+ Các ngân hàng lớn là: Mit-su-bi-shi, Mi-du-hô, Su-mi-tô-mô Mit-sui….

+ Tô-ky-ô là trung tâm tài chính ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản.

3. Nông nghiệp

♦ Tình hình phát triển chung

- Thu hút khoảng 3 % lực lượng lao động và chiếm khoảng 1,0 % GDP (năm 2020).

- Diện tích đất canh tác chỉ chiếm khoảng 13 % diện tích lãnh thổ.

- Nhật Bản có nền nông nghiệp hiện đại, hướng vào sản xuất thâm canh, sử dụng công nghệ tiên tiến, áp dụng cơ giới hoá, tự động hoá ở các khâu của quá trình sản xuất, tạo ra năng suất và chất lượng sản phẩm cao. 

- Hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là các trang trại quy mô vừa và nhỏ.

♦ Một số ngành tiêu biểu

Trồng trọt

+ Chiếm hơn 63 % tổng giá trị sản xuất nông nghiệp (năm 2020) và được hiện đại hoá.

+ Các sản phẩm chủ yếu là: lúa gạo, rau, hoa quả.

+ Hoạt động trồng trọt tập trung chủ yếu ở đảo Hô-cai-đô, tỉnh Ca-ga-oa (đảo Xi-cô-cư), tỉnh A-ki-ta (dão Hôn-su),...

Chăn nuôi khá phát triển, các vật nuôi chủ yếu là: gà, bò, lợn... Chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh, áp dụng công nghệ hiện đại và có sản lượng cao, chất lượng tốt, tập trung chủ yếu ở đảo Hô-cai-đô.

Lý thuyết Địa Lí 11 Cánh diều Bài 23: Kinh tế Nhật Bản

- Lâm nghiệp: 

+ Nhật Bản có diện tích rừng lớn, chiếm khoảng 66 % diện tích lãnh thổ. Việc bảo vệ rừng, tăng diện tích rừng rất được chú trọng; rừng trồng chiếm khoảng 40% tổng diện tích rừng cả nước.

+ Ngành khai thác và chế biến gỗ có sự tăng trưởng nhanh, sản lượng khai thác gỗ tròn năm 2020 là 30,3 triệu m3.

- Thuỷ sản:

+ Đánh bắt thuỷ sản được hiện đại hoá, áp dụng công nghệ kĩ thuật số, trí tuệ nhân tạo. Nhật Bản là một trong những nước có đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới, sản lượng đánh bắt hằng năm cao. Đánh bắt xa bờ được chú trọng và chiếm phần lớn sản lượng thuỷ sản đánh bắt, là nguồn cung cấp hàng xuất khẩu quan trọng.

+ Nuôi trồng thuỷ sản được chú trọng phát triển; phân bố rộng rãi, tập trung nhiều ở các vịnh biển và ven các đảo. Các loại được nuôi chủ yếu là: tôm, rong biển, sò, trai lấy ngọc,...

Lý thuyết Địa Lí 11 Cánh diều Bài 23: Kinh tế Nhật Bản

III. Các vùng kinh tế

♦ Các vùng kinh tế của Nhật Bản gắn với các đảo lớn: Hô-cai-đô, Hôn-su, Xi-cô-cư, Kiu-xiu.

Vùng kinh tế Hô-cai-đô

+ Chiếm khoảng 22 % diện tích và khoảng 4,4 % dân số Nhật Bản, mật độ dân số rất thấp. Rừng chiếm diện tích lớn, khoáng sản chủ yếu là than.

+ Phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, luyện kim đen, sản xuất giấy; sản xuất lúa mì, khoai tây, nuôi bò sữa; du lịch.

+ Các trung tâm công nghiệp lớn: Xap-pô-rô, Mu-rô-man,...

Vùng kinh tế Hôn-su

+ Chiếm 61,2 % diện tích và khoảng 83,2 % dân số Nhật Bản. Hoạt động núi lửa và động đất xảy ra thường xuyên.

+ Công nghiệp phát triển mạnh, phân bố chủ yếu ở bờ biển Thái Bình Dương. Nông nghiệp trồng lúa gạo, chè, dâu tằm, hoa quả; nuôi trồng và đánh bắt cá.

+ Các trung tâm công nghiệp lớn: Tô-ky-ô, I-ô-cô-ha-ma, Ca-oa-xa-ki, Na-gôi-a, Ky-ô-tô, Ô-xa-ca, Cô-bê, Phu-cu-a-ma,...

+ Vùng Hôn-su được chia thành 5 vùng kinh tế trọng điểm: Tô-hu-cô, Can-tô, Chu-bu, Can-sai, Chu-gô-cu; trong đó Can-tô và Can-sai là hai vùng quan trọng nhất.

▪ Vùng Can-tô nằm ở phía đông đảo Hôn-su, gồm: Tô-ky-ô, I-ô-cô-ha-ma, Ca-oa-xa-ki và 6 tỉnh; là trung tâm tài chính, thương mại, chính trị, văn hóa của Nhật Bản.

▪  Vùng Can-sai nằm ở phía nam đảo Hôn-su, gồm: Ô-xa-ca, Ky-ô-tô, Cô-bê và 5 tỉnh; nổi bật với sản xuất năng lượng.

Vùng kinh tế Xi-cô-cư

+ Chiếm khoảng 5 % diện tích và 3,2 % dân số Nhật Bản. Núi chiếm diện tích lớn.

+ Nông nghiệp đóng vai trò chủ yếu, sản xuất gạo, lúa mạch, cam, quýt; nuôi trồng thuỷ sản. Các sản phẩm công nghiệp là dầu mỏ, kim loại màu, hàng dệt, bột giấy và giấy. Du lịch phát triển.

+ Trung tâm công nghiệp lớn: Cô-chi, Tô-ku-shi-ma.

Vùng kinh tế Kiu-xiu

+ Chiếm khoảng 11,7 % diện tích và 4,3 % dân số Nhật Bản, có đồng bằng khá rộng.

+ Công nghiệp chủ yếu là luyện kim đen, hóa chất, đóng tàu. Từ những năm 1970, công nghiệp điện tử đã phát triển nhanh chóng, được mệnh danh là “Đảo si-li-côn”. 

+ Nông nghiệp phát triển, nổi tiếng về sản xuất lúa gạo, rau, cây ăn quả; chăn nuôi bò, lợn.

+ Trung tâm công nghiệp lớn: Phu-cu-ô-ca, Na-ga-xa-ki, Ô-y-ta,...

♦ Trên các đảo và quần đảo nhỏ hơn, các ngành kinh tế, đặc biệt là đánh cá, nuôi trồng thủy sản cũng phát triển mạnh.

B. Bài tập Địa lí 11 Bài 23: Kinh tế Nhật Bản

Câu 1. Các trung tâm công nghiệp lớn tạo nên “chuỗi đô thị” ở đảo Hôn-su của Nhật Bản là

A. Tô-ki-ô, I-ô-cô-ha-ma, Na-gôi-a, Ki-ô-tô, Ô-xa-ca, Hachinôhê.

B. Tô-ki-ô, I-ô-cô-ha-ma, Na-gôi-a, Ki-ô-tô, Cô-bê, Tô-ya-ma.

C. Tô-ki-ô, I-ô-cô-ha-ma, Na-gôi-a, Ki-ô-tô, Ô-xa-ca, Cô-bê. 

D. Tô-ki-ô, I-ô-cô-ha-ma, Na-gôi-a, Ki-ô-tô, Nagaxaki, Cusirô.

Chọn C

Các trung tâm công nghiệp lớn tạo nên “chuỗi đô thị” ở đảo Hôn-su của Nhật Bản là Tô-ki-ô, I-ô-cô-ha-ma, Na-gôi-a, Ki-ô-tô, Ô-xa-ca, Cô-bê.

Câu 2. Các mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang thị trường chủ yếu nào sau đây?

A. Trung Quốc, Hoa Kì và EU.

B. Liên bang Nga, Hoa Kì, Anh.

C. Hoa Kì, CHLB Đức, Bra-xin. 

D. Hoa Kì, Trung Quốc, Ấn Độ.

Chọn A

Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng gồm xe có động cơ, linh kiện và phụ tùng ô tô, hóa chất, sản phẩm và linh kiện điện tử - điện thoại, máy móc và thiết bị cơ khí, tàu biển. Các bạn hàng xuất khẩu chủ yếu như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Thái Lan,...

Câu 3. Việc duy trì cơ cấu kinh tế hai tầng có vai trò quan trọng nào sau đây đối với sự phát triển kinh tế Nhật Bản?

A. Giải quyết được các nguồn nguyên liệu dư thừa của ngành nông nghiệp.

B. Giải quyết được việc làm cho lao động ở nông thôn, tạo thêm thu nhập.

C. Phát huy được tất cả các tiềm lực kinh tế phù hợp với điều kiện đất nước. 

D. Các xí nghiệp nhỏ sẽ hỗ trợ các xí nghiệp lớn về nguyên liệu, sản phẩm.

Chọn C

Việc duy trì cơ cấu kinh tế hai tầng nghĩa là vừa phát triển các xí nghiệp lớn vừa duy trì những cơ sở sản xuất nhỏ, thủ công. Điều này giúp phát huy được tất cả các tiềm lực kinh tế (cơ sở sản xuất, lao động, nguyên liệu,…), phù hợp với điều kiện đất nước trong giai đoạn hiện tại.

Câu 4. Diện tích trồng lúa của Nhật Bản ngày càng giảm không phải do

A. một phần diện tích trồng lúa dành cho quần cư.

B. diện tích trồng chè, thuốc lá, dâu tằm tăng lên.

C. thay đổi thực đơn bữa ăn, hạn chế dùng lúa gạo. 

D. xu hướng nhập khẩu gạo từ các quốc gia khác.

Chọn C

Diện tích trồng lúa của Nhật Bản ngày càng giảm chủ yếu là do một phần diện tích trồng lúa đã được quy hoạch trồng các loại cây khác (chè, thuốc lá, dâu tằm,…) và dành cho quần cư (nơi ở hoặc xây dựng các công trình công cộng, xí nghiệp,…). Ngoài ra, hiện nay Nhật Bản đang có xu hướng nhập khẩu lúa gạo từ các quốc gia khác, trong đó có gạo của Việt Nam.

Câu 5. Sản phẩm thuộc ngành công nghiệp chế tạo của Nhật Bản không phải là

A. tàu biển.

B. ô tô.

C. rô-bôt.

D. xe máy.

Chọn C

Công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% giá trị hàng công nghiệp xuất khẩu. Trong đó, có một số sản phẩm nổi tiếng như tàu biển (Chiếm khoảng 41% sản lượng xuất khẩu của thế giới), Ô tô (Sản xuất khoảng 25% sản lượng ôtô của thế giới và xuất khẩu khoảng 45% số xe sản xuất ra) và xe gắn máy (Sản xuất khoảng 60% lượng xe gắn máy của thế giới và xuất khẩu 50% sản lượng sản xuất ra). Rô-bôt là sản phẩm của ngành sản xuất điện tử -> Rô-bôt không phải sản phẩm của ngành công nghiệp chế tạo.

Câu 6. Ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ yếu ở quần đảo nào sau đây?

A. Hôn-su.

B. Xi-cô-cư.

C. Kiu-xiu. 

D. Hô-cai-đô.

Chọn B

Nông nghiệp đóng vai trò chủ yếu, sản xuất gạo, lúa mạch, cam, quýt; nuôi trồng thủy sản. Các sản phẩm công nghiệp là dầu mỏ, kim loại màu, hàng dệt, bột giấy và giấy.

Câu 7. Các trung tâm công nghiệp Tô-ki-ô, I-ô-cô-ha-ma, Cô-bê nằm trên đảo nào sau đây?

A. Kiu-xiu.

B. Xi-cô-cư.

C. Hôn-su.

D. Hô-cai-đô.

Chọn C

Ở vùng kinh tế Hôn-su có ngành công nghiệp phát triển mạnh, phân bố chủ yếu ở bờ biển Thái Bình Dương. Các trung tâm công nghiệp lớn: Tô-ki-ô, I-ô-cô-ha-ma, Ca-oa-xa-ki, Na-gôi-a, Ki-ô-tô, Ô-xa-ca, Cô-bê, Phu-cu-a-ma,...

Câu 8. Chính sách “duy trì cơ cấu kinh tế hai tầng” của Nhật Bản nghĩa là

A. vừa phát triển các ngành then chốt, vừa phát triển các ngành phụ trợ.

B. vừa đầu tư hiện đại hóa công nghiệp, vừa duy trì phát triển nông nghiệp.

C. vừa phát triển các xí nghiệp lớn, vừa duy trì những cơ sở sản xuất nhỏ. 

D. vừa đầu tư phát triển kinh tế, vừa chú ý các vấn đề xã hội liên quan.

Chọn C

Chính sách “duy trì cơ cấu kinh tế hai tầng” của Nhật Bản nghĩa là: Vừa phát triển các xí nghiệp lớn, vừa duy trì những cơ sở sản xuất nhỏ, thủ công. Đây là một trong những chính sách đúng đắn làm cho nền kinh tế Nhật Bản phát triển thần kì.

Câu 9. Nhận định nào sau đây không đúng về kinh tế Nhật Bản?

A. Nhật Bản là quốc gia lớn nhập siêu lớn nhất thế giới.

B. Đứng đầu thế giới về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI).

C. Đứng đầu thế giới về viện trợ phát triển trí thức (ODA). 

D. Đứng đầu thế giới về sản xuất và sử dụng rô-bôt.

Chọn A

Hiện nay, Nhật Bản là nước đứng đầu thế giới về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA). Ngành công nghiệp Rôbôt (người máy) của Nhật Bản chiếm khoảng 60% tổng số rô-bôt của thế giới và sử dụng rôbôt với tỉ lệ lớn trong các ngành công nghiệp kĩ thuật cao, dịch vụ,... Nhật Bản là quốc gia xuất siêu -> Nhận định: Nhật Bản là quốc gia lớn nhập siêu lớn nhất thế giới là không đúng.

Câu 10. Hai ngành nào sau đây có vai trò hết sức to lớn trong ngành dịch vụ của Nhật Bản?

A. Thương mại và tài chính.

B. Thương mại và giao thông.

C. Tài chính và du lịch.

D. Du lịch và giao thông.

Chọn A

Với vị trí đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu và thứ 5 về nhập khẩu, Nhật Bản là bạn hàng lớn với nhiều quốc gia (Trung Quốc, Hoa Kì, EU, Hàn Quốc,…); ngành tài chính, ngân hàng đứng hàng đầu thế giới -> Thương mại và tài chính là hai ngành có vai trò hết sức to lớn trong ngành dịch vụ Nhật Bản.

Câu 11. Biểu hiện nào dưới đây chứng tỏ Nhật Bản là nước có nền công nghiệp phát triển cao?

A. Sản phẩm đã đáp ứng được các nhu cầu trong nước.

B. Hằng năm xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đa dạng.

C. Giá trị sản lượng công nghiệp đứng top đầu thế giới.

D. Có 80% lao động làm việc trong ngành công nghiệp.

Chọn C

Công nghiệp là ngành đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nhật Bản, chiếm khoảng 29% GDP và thu hút khoảng 27% lao động (năm 2020), tạo ra khối lượng hàng hóa xuất khẩu lớn nhất cho đất nước. Giá trị sản lượng công nghiệp của Nhật Bản có những giai đoạn = đứng thứ hai thế giới (sau Hoa Kì) nhưng hiện nay giá trị sản xuất công nghiệp của Nhật Bản chỉ đứng thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Hoa Kì nhưng công nghiệp vẫn có nhiều ngành có vị trí cao trên thế giới. Đây chính là biểu hiện chứng tỏ Nhật Bản là nước có nền công nghiệp phát triển cao.

Câu 12. Đặc điểm nổi bật của ngành nông nghiệp ở Nhật Bản là

A. sản xuất theo nhu cầu nhưng năng suất, sản lượng cao.

B. chỉ sản xuất phục vụ nhu cầu xuất khẩu và công nghiệp.

C. phát triển thâm canh, chú trọng năng suất và sản lượng. 

D. sản xuất với quy mô lớn và hướng chuyên môn hóa cao.

Chọn C

Nền nông nghiệp Nhật Bản sản xuất theo hướng thâm canh với quy mô nhỏ, áp dụng công nghệ tiên tiến, cho năng suất cao với chất lượng hàng đầu thế giới.

Câu 13. Đảo nào sau đây của Nhật Bản có ít nhất các trung tâm công nghiệp?

A. Hôn-su.

B. Hô-cai-đô.

C. Kiu-xiu.

D. Xi-cô-cư.

Chọn B

Các trung tâm công nghiệp lớn của Nhật Bản tập trung nhiều nhất ở đảo Hôn-su. Còn ở đảo Hô-cai-đô của Nhật Bản có ít các trung tâm công nghiệp nhất.

Câu 14. Chăn nuôi ở Nhật Bản phát triển theo hình thức

A. tự nhiên.

B. bán tự nhiên.

C. trang trại.

D. chuồng trại.

Chọn C

Trong nền kinh tế Nhật Bản, nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% GDP và sử dụng hơn 3% lực lượng lao động (năm 2020). Diện tích đất nông nghiệp hạn chế nên hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là các trang trại có quy mô vừa và nhỏ. Ngành chăn nuôi được chú trọng phát triển nên tỉ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu nông nghiệp Nhật Bản. Ngành chăn nuôi được áp dụng các phương pháp sản xuất tiên tiến, công nghệ hiện đại trong các trang trại.

Câu 15. Đặc điểm nổi bật của vùng kinh tế Kiu-xiu là

A. phát triển mạnh khai thác than và thép.

B. phát triển các ngành công nghiệp nặng.

C. kinh tế phát triển nhất trong các vùng. 

D. có thành phố lớn là Ô-xa-ca và Cô-bê.

Chọn B

Ngành công nghiệp nặng tập trung chủ yếu ở phía bắc: sản xuất ô tô, hóa chất, sản xuất kim loại,... Các trung tâm công nghiệp lớn: Phu-cu-ô-ca (Fukuoka), Na-ga-xa-ki (Nagasaki), Ô-i-ta (Oita). Miền Đông Nam sản xuất nhiều loại nông sản như chè, lúa gạo, thuốc lá, đậu tương và cây ăn quả.

Xem thêm Lý thuyết các bài Địa lí 11 Cánh Diều hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 22: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Nhật Bản

Lý thuyết Bài 24: Thực hành: Viết báo cáo về hoạt động kinh tế đối ngoại của Nhật Bản

Lý thuyết Bài 25: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Trung Quốc

Lý thuyết Bài 26: Kinh tế Trung Quốc

Lý thuyết Bài 27: Thực hành: Viết báo cáo về sự thay đổi của nền kinh tế Trung Quốc

Đánh giá

0

0 đánh giá