Toptailieu.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa lí lớp 8 Bài 9: Thổ nhưỡng Việt Nam sách Cánh diều. Bài viết gồm 18 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa lí 8. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 9: Thổ nhưỡng Việt Nam. Mời các bạn đón xem:
18 câu trắc nghiệm Địa lí 8 (Cánh diều) Bài 9: Thổ nhưỡng Việt Nam
Phần 1. 18 câu trắc nghiệm Địa lí 8 Bài 9: Thổ nhưỡng Việt Nam
Câu 1. Đất mùn núi cao được dùng vào mục đích nào dưới đây?
A. Trồng rừng đầu nguồn.
B. Trồng cây ăn quả.
C. Trồng cây công nghiệp.
D. Trồng rau quả ôn đới.
Đáp án đúng là: A
Đất mùn núi cao chiếm 11% diện tích đất tự nhiên, chủ yếu loại đất này được trồng các loại rừng đầu nguồn, cần được bảo vệ. Đất mùn núi cao phân bố rải rác ở các khu vực núi có độ cao từ 1600 - 1700m trở lên dưới thảm rừng cận nhiệt hoặc ôn đới trên núi.
Câu 2. Đất nông nghiệp nước ta cải tạo và sử dụng hiệu quả thích hợp trồng loại cây nào dưới đây?
A. Cây hoa màu.
B. Cây lương thực.
C. Cây ăn quả.
D. Cây công nghiệp.
Đáp án đúng là: B
Đất nông nghiệp nước ta cải tạo và sử dụng hiệu quả thích hợp trồng cây lương thực có hiệu quả và cho năng suất cao.
Câu 3. Đất phù sa cổ phân bố chủ yếu ở khu vực nào dưới đây?
A. Ven sông Tiền.
B. Vùng ven biển.
C. Đông Nam Bộ.
D. Tây Nam Bộ.
Đáp án đúng là: C
Đất phù sa cổ phân bố chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ.
Câu 4. Nhóm đất phù sa sông và biển phân bố ở
A. vùng đồi núi.
B. các cao nguyên.
C. vùng núi cao.
D. các đồng bằng.
Đáp án đúng là: D
Nhóm đất phù sa sông và biển phân bố chủ yếu ở các khu vực đồng bằng, đặc biệt là 2 đồng bằng lớn ở nước ta (đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long).
Câu 5. Ở nước ta, đất feralit hình thành trên đá vôi không phổ biến ở khu vực nào sau đây?
A. Tây Bắc.
B. Bắc Trung Bộ.
C. Đông Bắc.
D. Tây Nguyên.
Đáp án đúng là: D
Đất feralit hình thành trên đá vôi phân bố chủ yếu ở khu vực Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Bắc. Còn đất feralit hình thành trên đá badan phân bố tập trung ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và rải rác ở Bắc Trung Bộ, Tây Bắc,...
Câu 6. Quá trình hình thành đất đặc trưng ở nước ta là
A. feralit.
B. phù sa.
C. o-xít.
D. bồi tụ.
Đáp án đúng là: A
Quá trình feralit là quá trình hình thành đất đặc trưng ở nước ta. Khí hậu nhiệt đới gió mùa với lượng mưa lớn và mưa tập trung theo mùa làm cho quá trình rửa trôi các chất badơ dễ hoà tan xảy ra mạnh, dẫn đến tích lũy các ôxít sắt và ôxít nhôm, hình thành các loại đất feralit điển hình cho thổ nhưỡng Việt Nam.
Câu 7. Ở miền núi, lượng mưa lớn gây ra hiện tượng nào sau đây?
A. Xói mòn, rửa trôi.
B. Sạt lở, cháy rừng.
C. Hạn hán, bóc mòn
D. Xâm thực, bồi tụ.
Đáp án đúng là: A
Lượng mưa lớn tập trung chủ yếu vào 4 - 5 tháng mùa mưa làm gia tăng hiện tượng xói mòn, rửa trôi ở vùng đồi núi. Đất bị xói mòn, rửa trôi sẽ theo các dòng chảy ra sông ngòi và bồi tụ ở vùng đồng bằng hình thành đất phù sa.
Câu 8. Hệ quả của đất bị xói mòn, rửa trôi ở miền núi là
A. sạt lở ở miền núi.
B. bồi tụ ở đồng bằng.
C. xói lở ở trung du.
D. mài mòn ở ven biển.
Đáp án đúng là: B
Đất bị xói mòn, rửa trôi ở miền núi sẽ theo các dòng chảy ra sông ngòi và bồi tụ ở vùng đồng bằng hình thành đất phù sa tạo thành các đồng bằng rộng lớn, điển hình như đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long,…
Câu 9. Nước ta có mấy nhóm đất chính?
A. 4 nhóm.
B. 3 nhóm.
C. 2 nhóm.
D. 5 nhóm.
Đáp án đúng là: B
Nước ta có nhiều loại đất khác nhau, có thể chia thành 3 nhóm chính là: đất feralit, đất phù sa và đất mùn núi cao.
Câu 10. Nhóm đất nào dưới đây chiếm tỉ trọng lớn nhất ở nước ta?
A. Đất feralit.
B. Đất mặn, phèn.
C. Đất phù sa.
D. Đất mùn núi cao.
Đáp án đúng là: A
Nhóm đất feralit chiếm tới 65% diện tích đất tự nhiên của nước ta, phân bố ở các khu vực đồi núi.
Câu 11. Ở những nơi đất có độ dốc nhỏ có thể trồng kết hợp những cây nào sau đây?
A. Cây công nghiệp lâu năm, cây thực phẩm và cây lương thực.
B. Cây công nghiệp hàng năm, cây thực phẩm và cây lương thực.
C. Cây công nghiệp hàng năm, cây ăn quả và cây lương thực.
D. Cây công nghiệp lâu năm, cây thực phẩm và cây lúa nước.
Đáp án đúng là: B
Ở những nơi có độ dốc nhỏ, có thể kết hợp trồng cây công nghiệp hàng năm, cây thực phẩm và cây lương thực.
Câu 12. Loại cây nào sau đây ít được trồng ở khu vực có đất phù sa?
A. Cây lâu năm.
B. Cây hàng năm.
C. Cây rau đậu.
D. Cây hoa màu.
Đáp án đúng là: A
Đối với sản xuất nông nghiệp: đất phù sa ở nước ta có độ phì cao, thích hợp với trồng lúa và các cây lương thực khác, cây công nghiệp hàng năm, rau và hoa màu... Cây lâu năm thường được trồng ở khu vực có đất feralit, đặc biệt là đất feralit hình thành trên đá badan.
Câu 13. Đất ở khu vực nào sau đây của nước ta dễ nhiễm mặn, nhiễm phèn?
A. Đồng bằng, đồi núi.
B. Cửa sông, ven biển.
C. Hải đảo, trung du.
D. Cao nguyên, các đảo.
Đáp án đúng là: B
Đất ở nhiều vùng cửa sông, ven biển bị suy thoái do nhiễm mặn, nhiễm phèn, ngập úng. Diện tích đất phèn, đất mặn có xu hướng ngày càng tăng.
Câu 14. Ở các rừng ngập mặn ven biển, các bãi triều ngập nước và ở cửa sông lớn thuận lợi cho việc
A. đánh bắt thủy sản.
B. nuôi trồng thủy sản.
C. trồng cây lâu năm.
D. trồng cây lúa nước.
Đáp án đúng là: B
Trong thuỷ sản đất phù sa ở các vùng cửa sông ven biển có nhiều lợi thế để phát triển ngành thuỷ sản. Vùng đất phèn, đất mặn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt thuỷ sản như tôm, cua, cá. Ở các rừng ngập mặn ven biển, các bãi triều ngập nước và ở cửa sông lớn thuận lợi cho nuôi trồng nhiều loại thuỷ sản nước lợ và nước mặn khác nhau, nhiều nhất là cá và tôm.
Câu 15. Nhóm đất feralit chiếm khoảng bao nhiêu % diện tích đất tự nhiên?
A. 65%.
B. 24%.
C. 56%.
D. 42%.
Đáp án đúng là: A
Nhóm đất feralit chiếm diện tích lớn nhất ở nước ta (hơn 65% diện tích đất tự nhiên), phân bố ở các tỉnh trung du và miền núi, từ độ cao khoảng 1600 - 1700m trở xuống. Đất feralit hình thành trên các đá mẹ khác nhau.
Câu 16. Nhóm đất đất mùn núi cao chiếm khoảng bao nhiêu % diện tích đất tự nhiên?
A. 23%.
B. 24%.
C. 15%.
D. 11%.
Đáp án đúng là: D
Nhóm đất mùn núi cao chiếm khoảng 11% diện tích đất tự nhiên, phân bố rải rác ở các khu vực núi có độ cao từ 1600 - 1700m trở lên dưới thảm rừng cận nhiệt hoặc ôn đới trên núi.
Câu 17. Các loại cây công nghiệp lâu năm phù hợp với loại đất nào dưới đây?
A. Phù sa.
B. Feralit.
C. Đất mặn.
D. Đất xám.
Đáp án đúng là: B
Đất feralit được khai thác và sử dụng chủ yếu để trồng các loại cây công nghiệp lâu năm như chè, cà phê, cao su, hồ tiêu,... cây dược liệu như quế, hồi, sâm...
Câu 18. Trong nông nghiệp, đất feralit được khai thác và sử dụng chủ yếu để trồng loại cây nào sau đây?
A. Cây lương thực.
B. Cây công nghiệp.
C. Cây lúa nước.
D. Cây hàng năm.
Đáp án đúng là: B
Trong nông nghiệp đất feralit được khai thác và sử dụng chủ yếu để trồng các loại cây công nghiệp lâu năm như chè, cà phê, cao su, hồ tiêu,... cây dược liệu như quế, hồi, sâm... Ngoài ra, đất feralit cũng thích hợp để trồng các loại cây ăn quả như bưởi, cam, vải, xoài, nhãn, sầu riêng, chôm chôm…
Phần 2. Lý thuyết Địa lí 8 Bài 9: Thổ nhưỡng Việt Nam
I. Tính chất nhiệt đới gió mùa của lớp phủ thổ nhưỡng
- Lớp phủ thổ nhưỡng phản ánh được đặc điểm chung của tự nhiên Việt Nam - tính chất nhiệt đới gió mùa. Tính chất nhiệt đới gió mùa của lớp phủ thổ nhưỡng được thể hiện cụ thể qua ba quá trình sau:
+ Quá trình fe-ra-lit: là quá trình hình thành đất đặc trưng ở vùng nhiệt đới ẩm gió mùa. Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa cùng với địa hình đồi núi dốc thuận lợi cho việc rửa trôi các chất ba-zơ và tích tụ oxit sắt, oxit nhôm, tạo nên đất fe-ra-lit điển hình. Nhóm đất fe-ra-lit có diện tích lớn và phân bố ở nhiều nơi trên cả nước.
Tóm tắt quá trình feralit trên đất đồi núi Việt Nam
+ Quá trình xói mòn - rửa trôi: trong điều kiện nhiệt độ cao và độ ẩm lớn, chế độ mưa mùa đã thúc đẩy nhanh quá trình xói mòn - rửa trôi, đặc biệt ở các vùng đồi núi mất lớp phủ thực vật. Quá trình này đã làm mỏng tầng đất mặt ở đỉnh, sườn và tích luỹ vật chất ở vùng chân đồi, núi. Vật liệu bị xói mòn được dòng chảy vận chuyển rồi lắng đọng, tích tụ tại vùng trũng thấp, hình thành nên đất phù sa ở các đồng bằng và ven sông suối của nước ta.
+ Quá trình thoái hoá đất: Quá trình xói mòn - rửa trôi xảy ra phổ biến ở khu vực đồi núi nước ta đã làm cho đất bị thoái hoá nhanh. Tại các khu vực chuyển tiếp giữa gò đồi và đồng bằng, quá trình đá ong hoá đã làm đất bị suy thoái, tầng đất mỏng, mất khả năng canh tác. Ở đồng bằng, quá trình rửa trôi và hoạt động canh tác chưa hợp lí của con người đã làm cho đất bị bạc màu. Ở các vùng trũng do nước bị ứ đọng nên hình thành loại đất glây, rất khó cho việc sản xuất.
II. Các nhóm đất chính
1. Nhóm đất fe-ra-lit
- Đặc điểm:
+ Đất fe-ra-lit chứa nhiều ô-xít sắt và ô-xít nhôm nên thường có màu đỏ vàng.
+ Đất có đặc tính chua, nghèo mùn, thoáng khí.
+ Mỗi loại đất fe-ra-lit có đặc điểm khác nhau, phụ thuộc vào thành phần đá mẹ. Trong đó, đất fe-ra-lit hình thành trên đá ba-dan và đất fe-ra-lit hình thành trên đá vôi có tầng đất dày, giàu mùn, ít chua và có độ phì cao.
- Phân bố: Nhóm đất fe-ra-lit phân bố chủ yếu trên địa hình đồi núi thấp ở nước ta. Nhóm đất này có diện tích lớn, chiếm khoảng 65 % diện tích tự nhiên của cả nước:
+ Đất fe-ra-lit hình thành trên đá ba-dan phân bố tập trung ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ;
+ Đất fe-ra-lit hình thành trên đá vôi phân bố chủ yếu ở Tây Bắc, Đông Bắc và Bắc Trung Bộ.
- Giá trị sử dụng:
+ Trong nông nghiệp: đất fe-ra-lit thích hợp với các loại cây công nghiệp lâu năm (cao su, cà phê, điều, chè,...). Ngoài ra, đất fe-ra-lit còn thích hợp để trồng các loại cây ăn quả (cam, nhãn, vải, na,...); cây lương thực (ngô, khoai, sắn) và các loại hoa.
+ Trong lâm nghiệp: đất fe-ra-lit được sử dụng để trồng rừng lấy gỗ (dổi, lát, keo,...); trồng các loại cây dược liệu (hồi, quế, sâm,...).
+ Trên các loại đất fe-ra-lit ở vùng đồi núi thấp, mô hình nông - lâm kết hợp được phát triển với sự đan xen của các loại cây nông nghiệp và rừng.
2. Nhóm đất phù sa
- Đặc điểm:
+ Được hình thành ở nơi địa hình thấp, trũng do quá trình bồi tụ các vật liệu mịn từ sông, biển.
+ Đất phù sa có đặc tính tơi xốp, ít chua, giàu dinh dưỡng. Trong đó: đất phù sa sông thường có độ phì cao, khả năng giữ nước tốt; đất phù sa ven biển có độ mặn cao do ảnh hưởng của nước biển; đất phèn thường chua, khi ướt bị kết dính, khi khô dễ bị nứt nẻ, hàm lượng chất hữu cơ cao; đất cát biển thoáng khí, ít chua nhưng nghèo dinh dưỡng; đất xám trên phù sa cổ có khả năng thoát nước tốt, dễ bị bạc màu, khô hạn.
- Phân bố: Nhóm đất phù sa chiếm khoảng 24 % diện tích đất tự nhiên của cả nước, phân bố chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và các đồng bằng duyên hải miền Trung.
+ Ở đồng bằng sông Hồng, đất phù sa phân bố ở hai vùng: ngoài đê (đất phù sa được bồi đắp hằng năm) và trong đê (đất phù sa không được bồi đắp hằng năm).
+ Ở đồng bằng sông Cửu Long, đất phù sa sông phân bố chủ yếu ở ven sông Tiền và sông Hậu; đất phèn phân bố ở vùng trũng thấp (Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên); đất mặn phân bố ở vùng ven biển.
+ Ở các đồng bằng duyên hải miền Trung, đất cát tập trung chủ yếu ở vùng ven biển; đất phù sa sông phân bố ở các đồng bằng châu thổ nhỏ, hẹp.
- Giá trị sử dụng:
+ Trong nông nghiệp: Mỗi loại đất phù sa có giá trị sử dụng khác nhau.
▪ Đất phù sa sông ở các vùng đồng bằng châu thổ thích hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là lúa. Ngoài ra, đất phù sa sông còn thích hợp để trồng cây hoa màu, cây ăn quả và cây công nghiệp hàng năm.
▪ Ở các đồng bằng ven biển miền Trung, đất cát biển được sử dụng để trồng các loại cây công nghiệp hàng năm như: lạc, mía,... Hiện nay, loại đất này đã được sử dụng hiệu quả hơn bằng việc lựa chọn giống cây trồng và các biện pháp canh tác phù hợp.
▪ Ở đồng bằng sông Cửu Long, đất phèn đã được cải tạo để trồng lúa, cho năng suất cao. Bên cạnh đó, các giống cây trồng chịu phèn tốt cũng được đưa vào sử dụng, đặc biệt là cây ăn quả như: bưởi, cam, dứa,... Đất mặn cũng đã được cải tạo để trồng các loại cây ngắn ngày như: lúa, cây ăn quả (mãng cầu, dừa,...).
+ Trong thuỷ sản: Ở các vùng cửa sông, ven biển, đất mặn thuận lợi để phát triển mô hình rừng ngập mặn kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản. Những mô hình này vừa bảo vệ môi trường sinh thái, vừa đem lại giá trị kinh tế cao.
3. Nhóm đất mùn núi cao
- Đặc điểm:
+ Được hình thành trong điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm lớn quanh năm nên quá trình phong hoá, phân giải các chất hữu cơ chậm.
+ Nhóm đất này giàu mùn, thường có có màu đen, nâu đen.
- Phân bố: chiếm khoảng 11% diện tích tự nhiên của cả nước, phân bố chủ yếu ở vùng núi có độ cao từ 1 600 - 1700 m trở lên.
III. Tính cấp thiết của vấn đề chống thoái hoá đất
- Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa đất:
+ Nguyên nhân tự nhiên: nước ta có 3/4 diện tích đất ở vùng đồi núi, có độ dốc cao; Lượng mưa lớn và tập trung theo mùa là nguyên nhân gây xói mòn, rửa trôi đất; Biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng hạn hán, ngập lụt; Nước biển dâng dẫn đến đất ở nhiều nơi bị thoái hoá do nhiễm phèn, nhiễm mặn, ngập úng.
- Nguyên nhân do con người: nạn phá rừng để lấy gỗ, đốt rừng làm nương rẫy gây nên sự xói mòn và rửa trôi lớp đất mặt làm cho đất ngày càng trở nên bạc màu; chưa quan tâm đến cải tạo đất; lạm dụng các chất hóa học trong sản xuất đã làm cho đất bị ô nhiễm, dẫn đến thoái hoá.
- Thực trạng: Năm 2020, Việt Nam có trên 9 triệu ha đất bị thoái hóa.
- Các biểu hiện chủ yếu của thoái hóa đất là:
+ Xói mòn đất ở vùng đồi núi;
+ Hoang mạc hóa ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ;
+ Mặn hóa, phèn hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long,…
- Hậu quả: Quá trình thoái hóa đất làm suy giảm khả năng sản xuất của các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và gây áp lực lớn đến việc sử dụng tài nguyên đất.
=> Chống thoái hoá đất là nhiệm vụ cấp thiết ở nước ta hiện nay.
- Biện pháp chống thoái hóa đất:
+ Thực hiện tốt các quy định về bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng, tạo lớp phủ bảo vệ đất.
+ Thực hiện các biện pháp canh tác bền vững trên đất dốc, chống xói mòn, rửa trôi đất.
+ Thực hiện tốt việc sử dụng phân bón hữu cơ, đặc biệt là ở các vùng chuyên canh nông nghiệp, chống ô nhiễm đất.
+ Hoàn thiện và tăng cường năng lực của các công trình thuỷ lợi để cung cấp nước ngọt thường xuyên, đặc biệt là trong mùa khô, khắc phục tình trạng đất bị khô hạn, mặn hoá, phèn hoá.
Xem thêm các bộ Trắc nghiệm Địa lí 8 (Cánh diều) hay, có đáp án chi tiết:
Trắc nghiệm Bài 7: Thuỷ văn Việt Nam
Trắc nghiệm Bài 8: Tác động của biến đổi khí hậu đối với khí hậu và thuỷ văn Việt Nam
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.