Toptailieu.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa lí lớp 8 Bài 12: Môi trường và tài nguyên biển đảo Việt Nam sách Cánh diều. Bài viết gồm 15 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa lí 8. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 12: Môi trường và tài nguyên biển đảo Việt Nam. Mời các bạn đón xem:
15 câu trắc nghiệm Địa lí 8 (Cánh diều) Bài 12: Môi trường và tài nguyên biển đảo Việt Nam
Phần 1. 15 câu trắc nghiệm Địa lí 8 Bài 12: Môi trường và tài nguyên biển đảo Việt Nam
Câu 1. Địa hình ven biển nước ta
A. khá đơn điệu.
B. chỉ có các đảo.
C. rất đa dạng.
D. chủ yếu là vịnh.
Đáp án đúng là: C
Địa hình ven biển nước ta rất đa dạng, bao gồm các dạng bờ biển bồi tụ, bờ biển mài mòn, vịnh cửa sông, bãi cát phẳng, đầm, phá, đảo ven bờ...
Câu 2. Địa hình thềm lục địa ở miền Nam nước ta có đặc điểm nào sau đây?
A. Hẹp và sâu.
B. Bằng phẳng.
C. Rộng, nông.
D. Nông và hẹp.
Đáp án đúng là: B
Vùng thềm lục địa rộng, bằng phẳng ở phía bắc và phía nam, hẹp và sâu ở miền Trung. Đáy biển có nhiều khối núi ngầm.
Câu 3. Ba đảo có diện tích lớn nhất nước ta là
A. Phú Quốc, Cát Bà, Cái Bầu.
B. Cát Bà, Phú Quốc, Nam Hải.
C. Phú Quý, Cái Bầu, Cô Tô.
D. Vân Đồn, Phú Quốc, Cồn Cỏ.
Đáp án đúng là: A
Ba đảo lớn nhất nước ta (diện tích trên 100 km2) là đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Cát Bà (Hải Phòng) và Cái Bầu (Quảng Ninh), còn lại chủ yếu là đảo nhỏ. Các đảo và quần đảo của nước ta đóng vai trò rất quan trọng về kinh tế - chính trị và an ninh quốc phòng.
Câu 4. Bão trên Biển Đông thường được hình thành ở vùng biển
A. phía tây Đại Tây Dương.
B. phía đông Thái Bình Dương.
C. phía nam Ấn Độ Dương.
D. phía tây Thái Bình Dương.
Đáp án đúng là: D
Bão trên Biển Đông thường được hình thành ở vùng biển phía tây Thái Bình Dương hoặc ngay trên Biển Đông. Trung bình mỗi năm có 9 - 10 cơn bão xuất hiện ở Biển Đông, trong đó có 3 - 4 cơn bão trực tiếp đổ bộ vào đất liền Việt Nam.
Câu 5. Độ muối ở nước ta có sự thay đổi theo
A. mùa và khu vực.
B. độ sâu và vị trí.
C. địa hình và mùa.
D. vĩ độ và kinh độ.
Đáp án đúng là: A
Độ muối trung bình của vùng biển Việt Nam khoảng 32% - 33%, có sự biến động theo mùa và theo khu vực.
Câu 6. Trên Biển Đông có dòng biển chảy theo mùa với các hướng chủ yếu là
A. Tây Nam vào mùa đông và Đông Nam vào mùa hạ.
B. Đông Bắc vào mùa hạ và Tây Nam vào mùa Đông.
C. Tây Nam vào mùa hạ và Đông Bắc vào mùa đông.
D. Đông Nam vào mùa đông và Tây Bắc vào mùa hạ.
Đáp án đúng là: C
Gió thổi theo hướng đông bắc chiếm ưu thế từ tháng 10 đến tháng 4; các tháng còn lại ưu thế thuộc về gió thổi theo hướng tây nam, riêng ở vịnh Bắc Bộ chủ yếu là hướng đông nam.
Câu 7. Vùng biển của Việt Nam nằm trong khí hậu nào dưới đây?
A. Cận nhiệt gió mùa.
B. Ôn đới gió mùa.
C. Nhiệt đới gió mùa.
D. Xích đạo ẩm.
Đáp án đúng là: C
Khí hậu vùng biển đảo nước ta mang tính chất nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ không khí trung bình năm khá cao, khoảng 26°C và có sự phân hoá theo chiều bắc - nam.
Câu 8. Trên Biển Đông gió Đông Bắc thổi trong thời gian khoảng từ
A. tháng 11 đến tháng 4.
B. tháng 10 đến tháng 4.
C. tháng 4 đến tháng 10.
D. tháng 11 đến tháng 5.
Đáp án đúng là: B
Hướng gió thay đổi theo mùa: từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, gió mùa mùa đông và Tín phong có hướng đông bắc chiếm ưu thế; từ tháng 5 đến tháng 9, gió mùa hướng đông nam chiếm ưu thế.
Câu 9. Chế độ nhiệt trên Biển Đông
A. mùa hạ mát, mùa đông ấm hơn đất liền, biên độ nhiệt nhỏ.
B. mùa hạ nóng, mùa đông lạnh hơn đất liền, biên độ nhiệt nhỏ.
C. mùa hạ nóng, mùa đông lạnh hơn đất liền, biên độ nhiệt lớn.
D. mùa hạ mát, mùa đông ấm hơn đất liền, biên độ nhiệt lớn.
Đáp án đúng là: A
Nhiệt độ bề mặt nước biển trung bình năm là trên 23°C. Vào mùa hạ, nhiệt độ giữa các vùng biển ít chênh lệch; trong khi mùa đông (ấm hơn trên đất liền), nhiệt độ giảm khá nhanh từ vùng biển phía nam lên vùng biển phía bắc. Biên độ nhiệt độ trung bình năm ở vùng biển đảo nhỏ hơn trên đất liền.
Câu 10. Thành phần tự nhiên nào ở nước ta chịu ảnh hưởng nhiều nhất, sâu sắc nhất của Biển Đông?
A. Địa hình.
B. Khí hậu.
C. Sinh vật.
D. Đất đai.
Đáp án đúng là: B
Trong các thành phần tự nhiên, khí hậu là yếu tố chịu ảnh hưởng lớn nhất và sâu sắc nhất của Biển Đông. Nhờ có Biển Đông mà khí hậu nước ta có tính chất hải dương, mùa đông bớt lạnh và mùa hè bớt nóng.
Câu 11. Trên Biển Đông xuất hiện sóng chủ yếu do tác động của
A. dòng biển.
B. địa hình.
C. gió mùa.
D. thực vật.
Đáp án đúng là: C
Hoạt động của gió mùa là nguyên nhân chủ yếu tạo nên sóng trên Biển Đông, trong đó sóng vào mùa đông thường mạnh hơn mùa hạ. Vào mùa đông, dòng biển có hướng đông bắc - tây nam; còn vào mùa hạ, dòng biển chảy theo hướng ngược lại, là tây nam - đông bắc. Dòng biển mùa đông chảy mạnh hơn dòng biển mùa hạ.
Câu 12. Dòng biển ở Biển Đông chảy theo hướng nào sau đây?
A. đông bắc - tây nam vào mùa hạ, tây nam - đông bắc vào mùa đông.
B. đông bắc - tây nam vào mùa đông, tây bắc - đông bắc vào mùa hạ.
C. đông bắc - tây bắc vào mùa đông, tây nam - đông nam vào mùa hạ.
D. đông bắc - tây nam vào mùa đông, tây nam - đông bắc vào mùa hạ.
Đáp án đúng là: D
Dòng biển ven bờ ở nước ta có sự thay đổi theo mùa, cả về hướng chảy và cường độ. Vào mùa đông, dòng biển có hướng đông bắc - tây nam; còn vào mùa hạ, dòng biển chảy theo hướng ngược lại, là tây nam - đông bắc. Dòng biển mùa đông chảy mạnh hơn dòng biển mùa hạ.
Câu 13. Yếu tố tự nhiên của môi trường biển không phải là
A. nước biển và các bãi biển.
B. thềm lục địa và đáy biển.
C. bờ biển và đa dạng sinh học.
D. các công trình sản xuất.
Đáp án đúng là: D
Môi trường biển là một bộ phận quan trọng trong môi trường sống của chúng ta. Môi trường biển ở nước ta bao gồm: các yếu tố tự nhiên (nước biển, bờ biển và các bãi biển, thềm lục địa và đáy biển, đa dạng sinh học biển) và các yếu tố vật chất nhân tạo (các công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất ven biển và trên biển như đê, kè, cảng, xí nghiệp, giàn khoan dầu khí,...).
Câu 14. Nhận định nào sau đây đúng với môi trường nước biển?
A. Chất lượng nước biển ven bờ còn khá tốt.
B. Vùng ven biển nước ta nhiều dạng địa hình.
C. Các hệ sinh thái ở bờ biển rất phong phú.
D. Nhìn chung các đảo chưa bị tác động nhiều.
Đáp án đúng là: A
Môi trường nước biển ở nước ta có chất lượng nước biển ven bờ còn khá tốt với hầu hết các chỉ số đặc trưng đều nằm trong giới hạn cho phép. Đối với môi trường nước xa bờ, chất lượng nước biển tương đối ổn định và ít biến động qua các năm.
Câu 15. Khoáng sản nào sau đây có trữ lượng lớn và giá trị nhất ở vùng biển nước ta?
A. Băng cháy.
B. Dầu khí.
C. Muối biển.
D. Sa khoáng.
Đáp án đúng là: B
Khoáng sản có trữ lượng lớn và giá trị nhất của vùng biển nước ta là dầu khí. Hai bể lớn nhất hiện nay là bể Nam Côn Sơn và bể Cửu Long.
Phần 2. Lý thuyết Địa lí 8 Bài 12: Môi trường và tài nguyên biển đảo Việt Nam
I. Môi trường biển đảo Việt Nam
1. Đặc điểm môi trường biển đảo
- Môi trường biển đảo có liên quan mật thiết và ảnh hưởng tới cuộc sống của con người. Đặc điểm của môi trường biển đảo khác với môi trường trong đất liền:
+ Môi trường biển không thể chia cắt. Trên thực tế, môi trường biển không giống như đất liền, rất dễ bị phá vỡ. Các sự cố làm ô nhiễm nước biển rất khó để xử lí, chỉ cần một vùng nước nhỏ bị ô nhiễm sẽ gây thiệt hại cho cả vùng nước rộng lớn và khu vực ven bờ cũng như trên các đảo.
+ Môi trường đảo sẽ thay đổi rất nhanh khi có tác động của con người. Đảo thường có diện tích nhỏ, nằm biệt lập với đất liền nên chỉ cần một tác động nhỏ của con người cũng có thể gây ra một chuỗi biến động và phá vỡ cân bằng sinh thái rất nhanh. Ví dụ: Ở các đảo nếu mất lớp phủ thực vật sẽ dẫn đến suy giảm tài nguyên đất, mất nguồn nước ngọt, từ đó mất đi môi trường sống.
2. Vấn đề bảo vệ môi trường biển đảo Việt Nam
- Bảo vệ môi trường biển đảo là một vấn đề quan trọng, do:
+ Biển đảo có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Biển đảo cung cấp cho con người nhiều nguồn tài nguyên, là cửa ngõ giúp nước ta mở rộng giao lưu với các nước trên thế giới.
+ Nước ta có tới 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giáp biển; có tới trên 50 triệu người dân đang sinh sống ở vùng ven biển và hải đảo, trong đó một lực lượng dân cư khá lớn có cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào biển đảo.
+ Hoạt động công nghiệp đang thải ra biển nhiều chất độc hại. Sự cố tràn dầu, rửa tàu và các hoạt động kinh tế, khác đang làm nước biển bị ô nhiễm
+ Môi trường bờ biển, thềm lục địa và ở các đảo cũng bị ảnh hưởng do quá trình phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hoà với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường.
+ Tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu; biển xâm thực cũng đang ảnh hưởng rất xấu tới môi trường biển đảo.
+ Ô nhiễm môi trường nước biển đang làm suy giảm đa dạng sinh học, làm cho các hệ sinh thái rất khó phục hồi, ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế như: du lịch, đánh bắt và nuôi trồng hải sản,...
- Một số giải pháp để bảo vệ môi trường biển đảo như:
+ Không trực tiếp xả chất thải chưa qua xử lí ra môi trường biển.
+ Khai thác và sử dụng hợp lí, hiệu quả các nguồn tài nguyên biển.
+ Phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển.
+ Trồng và bảo vệ rừng ven biển, rừng ngập mặn.
+ Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch trong việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển đảo nói riêng.
+ Đẩy mạnh các hoạt động thu gom rác, dọn rác, xử lí rác để làm sạch bờ biển.
+ Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai.
II. Tài nguyên biển đảo và thềm lục địa Việt Nam
♦ Tài nguyên sinh vật
- Do có điều kiện tự nhiên thuận lợi nên sinh vật biển của nước ta rất phong phú, thành phần loài đa dạng, nhiều loài quý hiếm, nhiều loài có giá trị kinh tế cao.
- Vùng biển Việt Nam có trên 2 000 loài cá, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao; khoảng 100 loài tôm; khoảng 600 loài rong biển;... phân bố rộng khắp từ bắc vào nam. Ngoài ra, vùng biển nước ta còn có các loài đặc sản khác như: đồi mồi, sò huyết, bào ngư, hải sâm, cua, rong, tảo biển,... Ở các đảo đá ven bờ còn có chim yến.
- Việt Nam còn có diện tích rừng ngập mặn đứng thứ hai trên thế giới; đây là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật.
♦ Tài nguyên khoáng sản
- Nước ta có tài nguyên dầu mỏ và khí đốt với trữ lượng khá lớn ở thềm lục địa, đặc biệt là thềm lục địa phía nam. Nhiều mỏ dầu khí đã được thăm dò và khai thác như: Hồng Ngọc, Bạch Hổ, Rạng Đông, Đại Hùng,...
- Ven biển Việt Nam còn có ti-tan, cát,.. là nguyên liệu cho các ngành sản xuất vật liệu, công nghiệp và xây dựng.
- Vùng biển nước ta còn có nguồn muối dồi dào, đặc biệt là ở vùng ven biển Nam Trung bộ.
♦ Tài nguyên du lịch
- Từ bắc vào nam, dọc bờ biển nước ta có nhiều bãi biển đẹp; các vũng, vịnh, đầm, phá; các đảo gần bờ, cùng với hệ sinh thái ven biển đều là nguồn tài nguyên du lịch có giá trị.
♦ Tài nguyên năng lượng biển
- Vùng biển nước ta còn có tiềm năng năng lượng lớn từ thuỷ triều, sóng, gió,... đặc biệt là năng lượng từ băng cháy. Các nguồn tài nguyên năng lượng này nếu được khai thác tốt sẽ trở thành thế mạnh của nước ta trong giai đoạn tới.
♦ Đánh giá chung:
- Nguồn tài nguyên biển đảo và thềm lục địa của nước ta rất phong phú, đã và đang được khai thác để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Việt Nam cần có những giải pháp hợp lí để khai thác hiệu quả các tài nguyên của vùng biển đảo mà vẫn bảo vệ được môi trường.
Xem thêm các bộ Trắc nghiệm Địa lí 8 (Cánh diều) hay, có đáp án chi tiết:
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.