Toptailieu.vn xin giới thiệu TOP 7 mẫu Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội Lựa chọn nghề nghiệp; nghe theo cha mẹ hay tự mình quyết định? (2024) sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chọn lọc giúp học sinh lớp 11 viết các bài tập làm văn hay hơn. Mời các bạn đón xem:
TOP 7 mẫu Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội Lựa chọn nghề nghiệp; nghe theo cha mẹ hay tự mình quyết định? (2024) HAY NHẤT
Dàn ý Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội Lựa chọn nghề nghiệp; nghe theo cha mẹ hay tự mình quyết định?
A. Mở bài:
- Cuộc sống luôn vận động kéo theo sự vận động của rất nhiều yếu tố trong đời sống của mỗi cá nhân: sở thích, khát vọng, mối quan tâm, các quan hệ trong cuộc sống, cách sống... Bên cạnh rất nhiều những yếu tố có thể đổi thay ấy lại có những yếu tố mà sự thay đổi của nó sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề phức tạp. Một trong số đó chính là nghề nghiệp - công việc lao động để đảm bảo cuộc sống cũng là đảm bảo ý nghĩa tồn tại của mỗi người.
- Việc chọn nghề là việc quan trọng, cần thiết và luôn được đặt ra khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa của cuộc sống.
B. Thân bài:
1. Thực tế xã hội và sự cần thiết của việc chọn nghề:
- Xã hội càng phát triển, yêu cầu chuyên môn hoá càng cao và sự phân công lao động càng được đặt ra và thực hiện một cách nghiêm ngặt.
- Để tồn tại và đế tự khẳng định mình trong cuộc sống, mỗi người cần lựa chọn cho mình một nghề nghiệp và chuyên tâm theo đuổi, phấn đấu cho sự chọn lựa ấy.
2. Những cách chọn nghề trong thực tế hiện nay:
- Chọn nghề kiếm được nhiều tiền: ưu thế của sự lựa chọn này là nó sẽ đảm bảo cho tương lai một cuộc sống ổn định và dư dật về mặt vật chất. Vấn đề là ở chỗ chính sức hấp dẫn của nghề nghiệp sẽ tạo ra một môi trường có tính cạnh tranh cao với những đòi hỏi khắt khe, nghiệt ngã. Nếu bản thân người lựa chọn không đủ nội lực để đáp ứng và bản lĩnh đế trụ vững có thể sẽ vấp phải những khó khăn không lường trước được.
- Chọn nghề thời thượng: Ưu thế của sự lựa chọn này là sẽ đem lại cho người lựa chọn một sự tự tin nhất định. Đồng thời, những nghề được cho là thời thượng trong xã hội thường cũng là những nghề mang lại nguồn thu nhập cao nên cũng sẽ tạo ra sự đảm bảo vững chắc về kinh tế. Tuy nhiên cần lưu ý tới quy luật cung cầu của xã hội bởi nó có thề sẽ khiến cho cái hôm nay là thời thượng song đến ngày mai đã trở thành lạc hậu, lỗi thời.
- Chọn nghề phù hợp với năng lực thực tế của bản thân thường là cách lựa chọn của những người ưa cuộc sống bình thường, yên ổn. Khi yêu cầu của nghề nghiệp phù hợp với khả năng thực có, mồi người sẽ làm được tốt nhất công việc của chính mình, hoàn thành được trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân. Trong trường hợp này, nếu có một năng lực tốt, con người hoàn toàn có thể khẳng định mạnh mẽ giá trị bản thân mình bằng những đóng góp nổi bật.
- Chọn nghề mà mình yêu thích sẽ tạo niềm say mê, thậm chí đam mê với công việc. Yếu tố tâm lí này rất quan trọng để kích thích khả năng, phát triển năng lực giúp người lựa chọn có thể làm tốt nhất các yêu cầu của công việc. Thường thì nghề yêu thích cũng là nghề mà người lựa chọn có khả năng đề đáp ứng vì có như vậy mới có niềm yêu thích thật sự.
3. Quan điểm lựa chọn của cả nhân: Phần này học sinh cần tự triển khai theo gợi ý:
- Mục tiêu đặt ra trong cuộc sống.
- Năng lực thực tế của bản thân.
- Quan điểm lựa chọn.
- Định hướng phấn đấu hiện tại.
Lưu ý: Quan điểm lựa chọn cần xuất phát trên cơ sở xác định mục tiêu và nhận thức sâu sắc về năng lực thực tế để đảm bảo tính chính xác, hợp lí của sự lựa chọn.
C. Kết bài:
- Vấn đề đặt ra trước mắt thanh niên hiện nay không phải chỉ là chọn nghề gì mà còn là quan niệm, suy nghĩ như thế nào về sự lựa chọn ấy. Việc lựa chọn một cách cảm tính, chỉ dựa trên những ý thích nhất thời có thể sẽ dẫn đến sai lầm.
- Cách tốt nhất để lựa chọn đúng là nên chú ý đến sự cân bằng giữa nhu cầu xã hội và nàng lực bản thân, giữa ý thích và khả năng thực tế, giữa mục đích và những đòi hỏi của cuộc sống. Chú ý tới tất cả những mặt này, mỗi người sê có một sự lựa chọn chính xác để tránh phải hối tiếc sau này.
Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội Lựa chọn nghề nghiệp; nghe theo cha mẹ hay tự mình quyết định? (mẫu 1)
Chọn cho mình một hướng đi trong tương lai với một nghề nghiệp nhất định không bao giờ là điều dễ dàng. Trong những hoàn cảnh khác nhau, ở những thời điểm khác nhau, cuộc sống lại đem đến cho ta những sự lựa chọn khác nhau. Chọn nghề trong tương lai như thế nào mới phù hợp và đúng đắn?
Đầu tiên phải khẳng định rằng mỗi người có một sở thích và tính cách khác nhau, đồng thời cũng có sở trường và năng khiếu khác biệt nên việc lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân cũng không giống nhau. Không thể áp dụng cách lựa chọn giống hệt nhau. Tuy nhiên, đích chung của họ đều là hướng đến thành công và có được một địa vị nhất định trong xã hội.
Nói về việc chọn nghề, đa số ý kiến cho rằng Chọn nghề phải phù hợp với năng lực của mình. Nghĩa là nghề nghiệp tương lai phải đúng với năng lực, trí tuệ bản thân, đảm bảo mình có thể đảm đương và hoàn thành tốt. Có như vậy công việc mới thuận lợi và đạt được hiệu quả cao hơn. Nếu cố ý làm những nghề quá sức của bản thân có thể gây ra những sai lầm lớn nhỏ, không những ảnh hưởng đến mọi người xung quanh mà còn khiến cấp trên mất lòng tin vào mình, sớm muộn cũng phải từ bỏ công việc.
Cũng có người lại thích chọn nghề đang được ưa chuộng nghĩa là chọn những nghề hot, theo xu thế của xã hội. Hoặc chọn nghề mà mình yêu thích để theo đuổi đam mê, mặc kệ hoàn cảnh xã hội không cân nhắc đến năng lực bản thân.
Mỗi quan niệm chọn nghề đều có mặt đúng và mặt không phù hợp. Chúng ta không thể theo duy nhất 1 quan niệm nào mà cần linh hoạt chọn lựa, phối hợp những quan niệm đó lại với nhau. Nếu lựa chọn công việc được xã hội ưa chuộng, là nghề mình thích và phù hợp năng lực thì công việc mà ta lựa chọn sẽ có ích hơn và được đảm bảo lâu dài hơn trong xã hội.
Thích mà không đủ năng lực thì không làm được việc. Có năng lực nhưng không có đam mê và nhiệt thành có thể gây ra những thất trách đáng tiếc trong công việc. Hơn nữa, lựa chọn nghề nghiệp tương lai trong xã hội thay đổi không ngừng hiện nay thực sự là một điều vô cùng khó khăn. Đặc biệt là khi nhiều người còn không có quyền lựa chọn, phải nghe theo chỉ thị và chịu áp lực từ gia đình. Vì thế, có người phải nghe theo cha mẹ chọn nghề không hợp với bản thân, lâu dần sinh chán nản và bỏ nghề. Cũng có những bạn thì lựa chọn nghề nghiệp quá viển vông, xa vời thực tế. Tuy nhiên tựu chung lại đối với nghề nghiệp mình đã lựa chọn, ai cũng cần có trách nhiệm và lương tâm hoàn thành tốt, có như vậy xã hội mới được ổn định.
Nghề nghiệp tương lai ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chúng ta sau này. Vậy nên cần có định hướng từ sớm để từ đó có sự phân tích kỹ càng, tỉ mỉ, có thời gian phấn đấu và điều chỉnh hợp lí. Học sinh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần nghiêm túc cố gắng học tập, tích lũy cho mình vốn kiến thức để tạo cho bản thân nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp. Đồng thời đừng quên đặt ra mục tiêu rõ ràng để phấn đấu đạt được, tạo động lực cho tương lai phía trước. Chọn nghề theo suy nghĩ của bản thân nhưng cũng phải lắng nghe ý kiến góp ý từ mọi người xung quanh, chủ động tìm hiểu cái lợi cái hại của ngành nghề ấy. Đừng chỉ vì thích mà nhất quyết đi theo, bỏ qua những cơ hội phát triển thuận lợi khác.
Mỗi chúng ta, ai sinh ra cũng có ước mơ và hoài bão của riêng mình. Song việc biến ước mơ thành hiện thực phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Chọn nghề và làm được nghề đã chọn là cả một hành trình dài. Nhưng nếu kiên trì và theo đuổi đúng cách, bạn nhất định sẽ trở thành người mà bạn mong muốn.
Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội Lựa chọn nghề nghiệp; nghe theo cha mẹ hay tự mình quyết định? (mẫu 2)
Mười tám tuổi – đó là dấu mốc, một bước ngoặt quan trọng mà bạn sẽ trải qua trong cuộc đời. Sở dĩ vậy là vì bạn sẽ tự đi bằng chính đôi chân của mình. Bạn sẽ phải tìm cho mình một con đường để lập thân, lập nghiệp. Lựa chọn nghề nghiệp ở lứa tuổi này thời nào cũng vậy, nhưng đối với thanh niên hiện nay có nhiều điều khiến chúng ta suy ngẫm.
Trong bối cảnh đất nước, xã hội và toàn cầu đang bớt dần khoảng cách bởi sự tiến bộ của khoa học công nghệ, việc lựa chọn nghề nghiệp cho thanh niên là điều không còn quá khó khăn. Nhưng định hướng nào cho hướng lựa chọn ấy lại là một bài toán khó. Học đại học hay học nghề? Nhà trường phổ thông bấy lâu nay vẫn chỉ mang trọng trách giáo dục, phổ cập kiến thức, mang thành tích học sinh đỗ đại học ra làm thước đo. Cho nên việc giáo dục nghề nghiệp vẫn còn quá coi nhẹ. Thật đáng buồn khi được hỏi chỉ có khoảng 30% học sinh biết mình sẽ làm nghề gì, số còn lại mơ hồ và phó thác cho gia đình, xã hội.
Đứng trước những thuận lợi và thách thức đố, bạn trẻ nào chủ động, tích cực, đón đầu xu hướng sẽ thành công. Lựa chọn nghề nghiệp giờ không phải cố học một cái nghề gì ra rồi xin việc cho bằng được đúng nghề đó. Với cơ chế xã hội mở, bạn hoàn toàn có thể tìm cho mình một nghề nghiệp phù hợp với hoàn cảnh thực tại mà chẳng cần nó đúng ngành bạn học. Hay có rất nhiều bạn trẻ hiện nay có xu hướng không học đại học, tìm cho mình con đường đi khác và đã thành công. Lựa chọn nghề nghiệp rất quan trọng, sau đó mới tính đến đầu tư học cái gì để có nền tảng. Và cũng có thể chúng ta vừa học vừa làm, vừa mày mò, tìm tòi vừa quyết định. Chứ đừng để một hiện tượng xảy ra như hiện nay, sinh viên đại học tốt nghiệp đều chạy grab.
Hãy để sự phát triển công nghệ phục vụ cuộc sống cho bạn, đừng lệ thuộc nó. Hơn nữa, chẳng có ai bảo bạn nên học cái này, làm cái kia tốt bằng sự chủ động của chính bạn cả. Hãy thật sáng suốt để có cho mình một nghề nghiệp mà bạn có thể sống hạnh phúc với nó!
Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội Lựa chọn nghề nghiệp; nghe theo cha mẹ hay tự mình quyết định? (mẫu 3)
Một ngôi nhà, dù đồ sộ hay bé nhỏ cũng cần nền móng vững chắc, kiên cố. Một cây xanh, muốn trụ vững trước gió bão thì rễ phải ăn sâu vào lòng đất mẹ. Mỗi người muốn có cuộc sống tốt đẹp, phải có nghề nghiệp ổn định. Càng ngày lựa chọn nghề nghiệp càng là vấn đề thu hút sự quan tâm của các bạn học sinh trung học phổ thông và nhiều bậc cha mẹ.
Với học sinh cuối cấp, giây phút cầm trên tay tập hồ sơ đăng kí tuyển sinh có lẽ là giây phút hồi hộp nhất. Gần như lần đầu tiên trong đời, chúng ta được và phải quyết định một việc hệ trọng- một việc có ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của chính bản thân. Việc thi trường nào đồng nghĩa với việc sau này chúng ta làm nghề gì? Giáo viên, bác sĩ, kĩ sư xây dựng, nhà thiết kế thời trang, hoạ sĩ hay đơn thuần là một công nhân cơ khí, một nhân viên văn phòng…?. Phân vân là nét tâm lí dễ hiểu ở hầu hết các bạn học sinh thời điểm này. Giữa rất nhiều điều chi phối, chúng ta phải tỉnh táo để tìm cho mình lối đi đúng đắn nhất. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, đâu mới là lối đi đúng đắn nhất?. Chọn cho mình một nghề phù hợp với năng lực bản thân, chọn nghề đang được ưa chuộng nhất trong xã hội hay theo đuổi nghề mà mình yêu tha thiết?. Thật khó để đưa ra quyết định ngay tức khắc.
Thời phong kiến, các đấng nam nhi chỉ có con đường tiến thân duy nhất là khoa cử, tiến vi quan, thoái vi sư. Con đường công danh của người xưa không thênh thang rộng mở như bây giờ. Xã hội càng phát triển càng có nhiều ngành nghề để giới trẻ lựa chọn. Thanh niên thời nay không nhất thiết phải theo đuổi một nghề nào. Họ không bị ràng buộc bởi chế định xã hội nào nên có thể mặc sức lựa chọn ngành nghề cho mình. Họ luôn đủ tự tin để nói: “Con đường nào cũng dẫn đến thành công”.
Trên thế giới, đặc biệt ở những nước có nền kinh tế phát triển, xu hướng lựa chọn ở giới trẻ có năng lực là nhóm ngành quản lí, kinh tế, dịch vụ… Các ngành nghề này trước tiên thích hợp với sự năng động, nhạy bén, tư duy thực tiễn của thanh niên các nước phát triển. Mặt khác, đây cũng là những ngành học hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao. Ở Việt Nam, những năm gần đây, xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên cũng có nhiều biến đổi. Trước đó chưa xa, các bạn học sinh cuối cấp trung học phổ thông thường lựa chọn các ngành học mang “tính truyền thống” như sư phạm, quân sự, an ninh… Số lượng thí sinh thi vào các trường này luôn ở mức cao và tương đối ổn định. Nhưng khoảng bốn- năm năm trở lại đây, khâu chọn trường, chọn ngành học của các bạn học sinh trung học phổ thông đã có nhiều biến đổi.
Họ không nhất thiết khuôn mình theo lối mòn của thế hệ đi trước. Những ngành nghề truyền thống vẫn được lựa chọn nhưng thực tế cho thấy, các nhóm ngành như kinh tế, tiếp thị- quảng cáo, du lịch, truyền thông… thu hút nhiều mối quan tâm nhiều hơn. Theo tổng hợp của Vietbao (tháng 5/2007), hồ sơ của nhóm trường kinh tế tăng đột biến. Đại học Thương mại có tới 33.137 hồ sơ đăng kí dự thi (năm 2006 là 24.000). Các trường nhóm kinh tế khác đều tăng vọt hồ sơ dự thi: Đại học Kinh tế Quốc dân 27.000 hồ sơ, tăng khoảng 7.000 thí sinh. Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận được 23.500 hồ sơ đăng kí dự thi trong khi năm trước đó chỉ có 6.000 hồ sơ. Không thể không tính đến hiện tượng các thí sinh nộp hồ sơ “ảo”, nhưng những con số trên đã phần nào cho chúng ta thấy được xu hướng lựa chọn nghề của thanh niên thời nay. Đâu là nguyên nhân chi phối xu hướng lựa chọn ấy?.
Trước hết, chúng ta phải kể đến những tác động về kinh tế và khoa học kĩ thuật. Trước đây, khi nước ta còn nghèo, kinh tế chậm phát triển, kinh tế các hộ gia đình còn chưa được cải thiện, các bạn học sinh sẽ chú ý nhiều hơn đến những ngành học được miễn học phí hoặc có học phí không quá cao, ra trường dễ xin được việc và có công việc ổn định, Hiển nhiên, những ngành nghề như sư phạm, quân sự, an ninh, cảnh sát… sẽ thu hút nhiều thí sinh đăng kí dự thi hơn. Mặt khác, điều kiện để học tập và khả năng giải quyết việc làm của các ngành kinh tế, kĩ thuật, dịch vụ… chưa tốt.
Sự phát triển của kinh tế trong những năm gần đây đã làm đất nước thay đổi toàn diện, điều kiện học tập, nghiên cứu cho sinh viên không ngừng được cải thiện. Thanh niên Việt Nam không chỉ cần cù, chăm chỉ mà còn rất năng động, nhạy bén, dũng cảm chủ động trước mọi hoàn cảnh. Họ có cơ hội thử thách mình trong những lĩnh vực mới, ngành nghề mới. Họ dám phiêu lưu với sự lựa chọn của mình, bất chấp sự lựa chọn ấy có thể chưa mang đến họ thành công ngay lập tức. Hơn nữa, cũng như thanh niên các nước trên thế giới, họ có tham vọng chính đáng là được làm giàu cho chính bản thân và đất nước. Những ngành nghề phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại chắc chắn sẽ giúp họ thực hiện được tham vọng đó. Tất nhiên, trước khi đưa ra quyết định chọn lựa nghề nghiệp nào bất cứ ai cũng sẽ phải cân nhắc rất nhiều điều.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa một trăm phần trăm các bạn học sinh cuối cấp đều có ý thức về vấn đề đó. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh trung học phổ thông thờ ơ với chính tương lai của mình. Họ không cho rằng mình chọn trường nào, học nghề gì là quan trọng. Họ không đưa ra được những tiêu chí để định lựa nghề nghiệp cho bản thân. Trong một bài viết trên trang TintucVietNam, bạn Mai Trang – học sinh trường Trần Phú (Hà Nội) chia sẻ: “Mình thi khối A vì theo ban Tự nhiên nhưng hiện tại vẫn chưa xác định được trường để thi. Người trong nhà muốn mình thi Học viện tài chính kế toán nhưng mình không thích theo ngành này.
Mình cũng không phản đối vì hiện tại cũng chẳng tự định hướng được. Rắc rối của mình là ở chỗ biết mình ghét gì nhưng lại không hiểu mình thích gì. Cũng có những bạn như Hoàng- học sinh lớp 12 trường Lê Quý Đôn (Hà Nội) lại chọn thi một trường mình không hề thích (Học viện Quan hệ quốc tế) và cũng chưa hiểu sau này sẽ làm việc gì chỉ vì ý bố mẹ bạn muốn thế. Bạn Mai Anh (Trường Lê Quý Đôn) không bị bố mẹ định hướng thi trường nào nhưng bạn quyết định nộp hồ sơ cho nhiều khoa của nhiều trường khác nhau. Hầu hết đó đều là những ngành được “tiên tri” là sau này sẽ hái ra tiền như ngân hàng, kế toán, viễn thông.- Theo thống kê (tính đến tháng 3 năm 2008) của TS. Lê Thanh Mai, Phó Ban Đại học và sau Đại học của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tỉ lệ chọn ngành học không phù hợp với năng lực và sở thích của mình là 41,4%. Thực tế đó cho thấy lựa chọn nghề nghiệp vẫn còn là vấn đế khó khăn của khổng ít học sinh hiện nay.
Theo tôi, để lựa chọn cho bản thân một ngành nghề nào đó, chúng ta phải tự trả lời cho được một số câu hỏi như: Lực học thực của mình đến đâu?. Mong muốn, nguyện vọng cho tương lai của mình là gì?. Mình thực sự yêu thích ngành nghề nào? Ngành đó có đảm bảo khả năng tài chính cho tương lai của mình không? Những người thân của mình có ý kiến gì không?. Tôi cho rằng, việc xác định thực lực của chính mình là điều quan trọng nhất. Có thể ước mơ của mỗi bạn rất cao, rất xa, có thể cha mẹ mong muốn cho chúng ta được học những ngành nghề sau này dễ xin việc làm, dễ kiếm sống… nhưng liệu rằng năng lực bản thân có cho phép ta thi đỗ được những trường, ngành như thế không? Rất nhiều bạn không xác định được lực học của mình, lại mơ hồ, viễn vọng những điều không tưởng nên không thể đáp ứng chỉ tiêu đầu vào của trường, ngành mình thi. Như vậy, các bạn lại phải mất công sức, thời gian, tiền bạc để ôn luyện lại kiến thức. Đấy là chưa kể đến những sức ép tinh thần từ phía gia đình và chính bản thân.
Khi xác định được năng lực của mình rồi, lúc đó chúng ta mới quan tâm đến điều mà bản thân mình mong muốn. Nhiều bạn không biết rõ mong muốn của mình là gì. Không ít người chọn ngành học không phải vì niềm đam mê cá nhân mà do tác động của người thân hay vì trào lưu chung… nên đến khi gặp khó khăn trong học tập, tìm việc làm, họ trở nên hoang mang. Niềm đam mê, lòng yêu nghề sẽ cho chúng la niềm tin, nghị lực để vượt qua mọi trở ngại. Yếu tố tinh thần này là một trong những điều rất quan trọng giúp chúng ta định hướng tương lai.
Điều thứ ba chúng ta phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp cho mình là yếu tố tài chính. Chúng ta đừng lo đến những khó khăn về kinh tế trong quá trình học tập. Bởi lẽ cha mẹ vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ chúng ta. Hơn nữa, nếu phấn đấu học tốt, các bạn sẽ có cơ hội nhận được học bổng. Hoặc nếu thu xếp được thời gian, chúng ta có thể tìm thêm những việc làm phù hợp. Hiện nay, Nhà nước ta cũng có những chính sách hỗ trợ cho sinh viên các gia đình khó khăn được vay vốn để học tập… Tôi muốn nói đến khả năng tài chính mà ngành nghề tương lai sẽ mang đến cho bạn. Cần phải xác định xem việc làm đó có mang lại nguồn tài chính đáng kể hay không?. Bởi lẽ, suy cho cùng, tiền bạc không chỉ giải quyết những nhu cầu căn cơ nhất của đời sống, mà còn kích thích khả năng làm việc của con người.
Trả lời được những câu hỏi cho riêng mình rồi, bạn cũng nên tham khảo ý kiến người thân trong gia đình, các thầy cô và cả bạn bè của mình nữa. Ít nhất, những người thân vốn hiểu mình, sẽ cho mình lời khuyên về ngành nghề hợp với tính cách của mình. Thầy cô sẽ giúp mình định hướng ngành nghề phù hợp với lực học. còn bạn bè sẽ cho mình nhiều tham khảo bổ ích. Đừng ngại ngần khi lựa chọn của chúng ta không trùng khít với định hướng của cha mẹ. Khi chứng kiến chúng ta trưởng thành trong tương lai, cha mẹ sẽ hiểu tất cả. Biết kết hợp trả lời những câu hỏi trên, biết tự giải quyết hợp lí những mâu thuẫn của bản thân (ví dụ như mâu thuẫn giữa năng lực và ước mơ, mâu thuẫn giữa nguyện vọng cá nhân và ý muốn của cha mẹ…) chúng ta sẽ chọn cho mình được ngành nghề phù hợp.
Là học sinh trung học phổ thông, cũng như những bạn cùng trang lứa. song song với việc học tập, ôn luyện để chuẩn bị cho các kì thi sắp tới. Tôi luôn dành thời gian suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề lựa chọn nghề nghiệp. Tôi luôn cân nhắc rất kĩ những câu hỏi đó để đưa ra câu trả lời hợp lí nhất. Và cuối cùng, tôi cũng đã tìm cho mình được ngành nghề phù hợp: ngành sư phạm. Bởi lẽ, xét cho đến cùng. Như mong muốn của tôi và gia đình, cũng như những cân nhắc về vấn đề kinh tế trong tương lai và năng lực của bản thân tôi đều đồng quy tại ngành nghề đó. Tôi không ngại bước đi trên lối mòn truyền thống ấy, bởi giờ đây và cả sau này nữa, tôi còn mãi tha thiết với “nghề cao quý” này.
Xưa các cụ nói "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", nghĩa là giỏi một nghề, sướng một đời. Tôi nghĩ, câu nói ấy đến nay vẫn còn lưu truyền giá trị. Cho dù bạn lựa chọn ngành nghề nào cho tương lai, khi đã đạt được mục tiêu rồi, hãy cố gắng để mình luôn đứng vị trí cao nhất trong lao động, công tác. Đó mới là đích đến cuối cùng, đích đến cao nhất của sự lựa chọn hôm nay.
Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội Lựa chọn nghề nghiệp; nghe theo cha mẹ hay tự mình quyết định? (mẫu 4)
Mỗi người trong cuộc sống đều gắn liền với một công việc, một nghề nghiệp nhất định. Nó không chỉ gắn bó với chúng ta mỗi ngày mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc đời mỗi người. Và cũng chính vì có ý nghĩa to lớn mà việc lựa chọn, định hướng nghề nghiệp cho tương lai là một công đoạn vô cùng quan trọng tạo nên sự thành công sau này.
Chọn nghề là chọn cho mình công việc mà bản thân mình cho là phù hợp với sở trường, với khả năng của bản thân cũng như nhu cầu của xã hội lúc bấy giờ. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay việc chọn nghề nghiệp, định hướng nghề nghiệp vẫn còn chưa được coi trọng cũng như chưa phát huy được hết ý nghĩa của nó. Thực tế rất nhiều bạn trẻ hiện nay có những định hướng hay chọn nghề nghiệp cho tương lai chưa thực sự phù hợp.
Thật vậy, có những người do gia đình đã có truyền thống làm một công việc gì đó mà cũng quyết định sẽ tiếp nghiệp của gia đình. Điều này không có gì là sai nhưng nó tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Nếu như nghề nghiệp truyền thống của gia đình còn có thể phát triển mạnh, đem lại nhiều giá trị lợi nhuận và đặc biệt là phù hợp với khả năng của bản thân thì điều đó hoàn toàn tốt. Nhưng ngược lại, nếu sự tiếp nối nghề nghiệp truyền thống đó chỉ là sự gượng ép, không phù hợp với xã hội hiện tại cũng như khả năng của bản thân thì điều đó hoàn toàn phản tác dụng.
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ lại phó mặc sự chọn lựa nghề nghiệp của tương lai của mình cho bố mẹ quyết định. Điều này nảy sinh một số khuyết điểm rằng nghề nghiệp mà bố mẹ chọn có thể không phù hợp với khả năng và sở thích của bản thân. Nó sẽ gây ra những sự gượng ép và bức xúc nhất định giữa cả 2 bên. Mặt khác, cũng có nhiều người chọn nghề nghiệp cho mình theo trào lưu. Tức là ở thời điểm họ chọn lựa nghề nghiệp, ngành nghề đó rất thịnh hành nên họ chọn. Điều này cũng như 1 con dao hai lưỡi có thể “làm chảy máu” bất cứ ai không chắc chắn, kiên định với lựa chọn. Điển hình như đầu những năm 2000, ngành ngân hàng, tài chính là một trong những ngành nghề nhận được rất nhiều sự quan tâm và đăng ký thi đại học tại các trường có chuyên ngành này. Cũng chính vì thế, mà sau khi tốt nghiệp, số lượng cử nhân bị quá tải so với nhu cầu hiện có của thị trường, hàng ngàn cử nhân đại học thất nghiệp….
Việc chọn sai nghề nghiệp còn gây ra nhiều hậu quả về lâu dài khác. Thứ nhất, chọn sai nghề sẽ khiến bản thân người đó phải chật vật để có thể làm quen với công việc vì nó không phù hợp với khả năng, năng lực của bản thân. Nó sẽ khiến người đó mất thêm nhiều thời gian để học hỏi lại những kiến thức bị thiếu hụt. Hơn nữa, việc chọn sai nghề khiến bản thân không thể phát huy hết khả năng của bản thân vốn có, làm giảm năng suất công việc… Về lâu dài, việc chọn sai nghề nghiệp sẽ dẫn đến tâm lý nhàm chán, chán nản và thậm chí là ức chế khi phải làm quá lâu công việc mà mình không yêu thích…
Chính vì thế, cần phải có những giải pháp, những phương hướng rõ ràng nhằm đưa ra những quyết định chọn nghề đúng đắn nhất. Để đưa ra sự chọn lựa đúng đắn, bản thân mỗi người phải hiểu rõ năng lực của mình như thế nào, điểm mạnh điểm yếu ra sao cũng như phải tìm hiểu thật kĩ về ngành nghề mà mình định theo học và định hướng sau này. Tuy nhiên, khi đứng trước quyết định lựa chọn nghề nghiệp thì chúng ta cũng cần có sự cố vấn, góp ý của những người lớn đã có kinh nghiệm. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi họ có thể sẽ đưa cho mình những góp ý tốt về xu hướng phát triển của ngành nghề đó trong tương lai cũng như những tố chất cần thiết. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nắm bắt được nhu cầu của xã hội để đưa ra quyết định phù hợp nhất. Có như vậy, chúng ta mới phát huy được hết khả năng của bản thân với công việc mình yêu thích.
Chọn nghề nghiệp đôi khi quan trọng như chọn bạn đời vậy. Nó sẽ gắn bó với chúng ta cũng như quyết định nhiều mặt trong cuộc sống. Chính vì thế, hãy đưa ra những quyết định sáng suốt để vững bước thành công trong tương lai.
Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội Lựa chọn nghề nghiệp; nghe theo cha mẹ hay tự mình quyết định? (mẫu 5)
Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:
Nếu là con chim chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.
(Một khúc ca xuân)
Đúng vậy, sống trên đời đâu chỉ có nhận mà không cho. Chúng ta đã được nhận quá nhiều từ tình thương của ba, sự chăm sóc của mẹ và từ cuộc sông này… Giờ đây, khi sắp trưởng thành ta bắt đầu san sẻ những gì mình có cho cuộc đời, góp phần nhỏ bé để nó ngày một tốt đẹp hơn. Cuộc sống với công việc bạn yêu thích cùng lòng đam mê và trái tim đầy nhiệt huyết hay đơn giản chỉ à một công việc làm ra nhiều tiền? Bạn chọn cách nào? Đây quả là một câu hỏi lớn cho chúng ta, nó không những thể hiện bạn là người như thế nào mà còn quyết định trực tiếp tương lai và sự nghiệp của chính bạn.
Hai quan điểm đưa ra: chọn nghề nhiều tiền hay chọn nghề yêu thích? Cả hai đều có hai mặt đối lập: tích cực và tiêu cực.
Thứ nhất, bạn chọn nghề có nhiều tiền! Đó là quan điểm không hoàn toàn sai trái, nhất là trong thời buổi nền kinh tế thị trường như hiện nay. Bạn đi học rồi ra trường, cái đích cuối cùng là một công việc ổn định để tự chăm lo cho cuộc sống của mình và để đỡ đần một phần nào cho bố mẹ. Đó là nhu cầu chính đáng của mỗi con người. Nếu chọn nghề lẩm nhiều tiền bạn sẽ dễ dàng đáp ứng nhu cầu đó, hơ thế bạn có thể tạo ra cho mình một sự nghiệp vững chắc. Nhưng điều quan trọng là bạn có chọn được nghề phù hợp với khả năng của mình hay không? Bạn có đủ sức để theo đuổi nó? Có dễ dàng đến với thành công không khi bạn không có lòng yêu nghề mà đơn giản đó chỉ là một quyết định mang tính đối phó với nỗi lo cơm áo gạo tiền? Giữa bạn và công việc không có mối liên kết với nhau thì chẳng khác gì bạn đang đi qua sông trên nhịp cầu đứt gãy. Nếu may mắn công việc của bạn sẽ suôn sẻ đầu xuôi đuôi lọt thì không sao nhưng khi bạn gặp trắc trở thì bạn lấy gì để vượt qua nó? Để đến với thành công bạn phải vượt qua bao nhiêu gian nan và thử thách. Nhưng liệu rằng, không có lòng yêu nghề, bạn có vượt qua nó được không? Chắc hẳn bạn sẽ thất bại. Rồi chính quyết định đó đưa bạn vào ngõ cụt, không những không hoàn thành mục tiêu mà còn có nguy cơ thất nghiệp. Và bạn chỉ mãi có thể đứng bên này sông để mơ về thành công ở bên bờ bên kia mà thôi! Rõ ràng cách lự chọn này rất nguy hiểm, nó như việc đánh bạc với chính tương lai của bạn. Được ăn cả, ngã về không!
Quan điểm thứ hai. Bạn chọn nghề theo sở thích của mình. Chỉ có bạn mới biết sức mình đến đâu, nghề đó có phù hợp với bạn không? Nếu chọn chính xác một nghề phù hợp với mình thì có nghĩa rằng bạn đã thành công một nửa. Bạn đến với nghề là cả một quá trình lâu dài. Từ lúc bé thơ bạn mơ ước, lớn hơn một chút bạn biết phấn đấu và khi trưởng thành bạn thấy mình không thể thiếu nó! Nó đã gắn kết với cuộc đời bạn ngày hôm qua, hôm nay và không có lí do gì ngày mai nó không gắn kết với tương lai của bạn. Chất keo vô hình ấy đã làm bạn vững tin hơn vào quyết định của mình, giúp bạn tự tin hơn trên con đường đã chọn.
Hiển nhiên, tất cả các con đường dẫn đến vinh quang không bao giờ được trải bằng thảm đỏ hay một thứ gì tương tự như thế, nó thường đầy chông gai và thử thách. Để đi đến cuối con đường, bạn phải có ý chí, lập trường vững vàng và đừng bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, chính những lúc khó khăn nhất lòng yêu nghề sẽ thôi thúc bạn vượt qua tất cả, sẽ cho bạn sức mạnh phi thường, đó sẽ là cây cầu vững chắc nhất để đến với bờ bên kia. Niềm tin vào bản thân sẽ là động lực giúp bạn vượt qua thử thách. Và đã có không ít người thành công như thế. Chọn nghề theo cách này sẽ “an toàn” hơn cho tương lai của bạn. Bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn với lòng yêu nghề và trái tim đầy nhiệt huyết.
Nhưng nếu cho rằng, chỉ cần chừng đó yếu tố là có thể đến với thành công thì bạn đã hoàn toàn sai lầm. Con người ta không sống một mình mà thường hoạt động trong chuỗi các mối quan hệ phức tạp. Nghề nghiệp của họ cần phù hợp với hoàn cảnh gia đình, bối cảnh xã hội và đặc biệt là cá nhân họ. Gia đình bạn nghèo, nhưng bạn muốn theo đuổi ngành học của mình đến cùng để có nghề nghiệp yêu thích, trong khi chi phí cho một khóa đào tạo năm năm là sáu trăm triệu đồng thì liệu bạn và gia đình bạn có đủ khả năng? Bạn bị bệnh hen suyễn nhưng bạn lại muốn trở thành giáo viên, liệu bạn có chịu đựng được những cơn ho trước ánh mắt ái ngại của học sinh? Và cũng có trường hợp một anh chàng sau khi học đại học và đi du học nước ngoài trở về xin việc nhưng trớ trêu thay tiền lương của anh ta không đủ tiền ăn sáng nói chi là trang trải cho cuộc sống gia đình. Nói như thế để thấy rằng, khi chọn nghề, ngoài việc phù hợp với bản thân cần phải quan tâm đến hoàn cảnh gia đình, tình hình xã hội, chế độ ưu đãi nhân tài trong tương lai và một số yếu tố khác nữa.
Theo tôi, khi chọn nghề ta phải quan tâm đến hai yếu tố cơ bản: thứ nhất là mục đích nghề nghiệp trong tương lai của bạn là gì và thứ hai là khả năng của bạn có phù hợp với nghề đó hay không? Nếu hội tụ hai yếu tố này thì bạn sẽ dễ dàng chọn lựa cho mình một công việc tốt. Chọn nghề là một công việc quan trọng và không hề dễ dàng một chút nào. Khi đứng trước cơ hội, bạn phải suy nghĩ thật kĩ để chọn cho mình một nghề phù hợp với bản thân để đáp ứng cả nhu cầu về vật chất lẫn tinh thần. Đó mới thật sự là một công việc tốt. Khi đó bạn sẽ có thể yên tâm dành hết nhiệt huyết vào công việc. Chính nó sẽ giúp bạn nhận ra ý nghĩa của cuộc sống.
Chúng ta là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, ngay bây giờ hãy định hướng cho mình một nghề nghiệp thích hợp. Hãy suy nghĩ chín chắn để đưa ra quyết định đúng đắn. Đừng để đi rồi bạn mới phát hiện rằng mình đã đi sai đường, lúc đó quay lại cũng sẽ không kịp. Tôi thì như vậy, còn bạn thì sao? Bạn chọn nghề như thế nào? Bạn hãy cùng tôi trao đổi để có một quyết định đúng đắn cho nghề nghiệp trong tương lai, bạn nhé!
Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội Lựa chọn nghề nghiệp; nghe theo cha mẹ hay tự mình quyết định? (mẫu 6)
Khoảng thời gian cuối cấp ba cũng là lúc rất nhiều phụ huynh, học sinh băn khoăn về việc chọn nghề nghiệp trong tương lai. Có rất nhiều người cho rằng nên nghe theo lời bố mẹ và những người đi trước. Cũng có người cho rằng nên chọn theo ý thích của bản thân. Vậy, ý kiến nào là đúng?
Việc chọn nghề nghiệp trong tương lai là một việc rất quan trọng. Nó quyết định rất nhiều trong cuộc sống của bạn sau này. Vì thế, rất nhiều người cho rằng cần phải nghe theo bố mẹ và những người đi trước. Quan niệm này cũng có ưu điểm. Đó là, bố mẹ và những người đi trước là những người từng trải, có kinh nghiệm, họ sẽ có những định hướng tốt cho con em mình. Tuy nhiên, nếu như định hướng của gia đình phù hợp với nguyện vọng và khả năng của các bạn thì việc định hướng mới có tác dụng tốt nhất.
Hiện nay, bố mẹ và gia đình nhiều người luôn cho rằng, học đại học mới có thể thành công. Và vào đại học, thì việc lựa chọn các ngành đều phải là ngành “hot”, điểm cao chứ không dựa vào ý thích, khả năng của các con em mình. Rất nhiều bạn phụ thuộc quá nhiều vào ý kiến của mọi người, mà không chọn theo ý thích của mình. Hay có những gia đình cố gắng tìm đủ mọi cách cho con đi học đại học, dù các bạn ấy không hề thích hoặc không có khả năng. Có lẽ đa số các gia đình và thậm chí là các bạn học sinh cũng có một suy nghĩ rằng “Phải đi học đại học”. Có lẽ chính điều này đã dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” ở Việt Nam hiện nay. Quá nhiều trường đại học được mở ra tràn lan, và người đi học cũng tràn lan. Kết quả là tình trạng thất nghiệp của sinh viên mới ra trường ngày càng đáng báo động.
Một số người thì cho rằng, nên chọn nghề nghiệp tương lai dựa vào ý thích của mình. Quan niệm này cũng có ý đúng, vì nếu dựa vào ý thích, các bạn sẽ có động lực học, có động lực cố gắng, có động lực tìm tòi và sáng tạo. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải biết dựa vào khả năng của mình để chọn, chứ không chỉ dựa vào ý thích. Có thể bạn rất thích ca hát, nhưng bạn thi vào các trường năng khiếu không đỗ, hay thi qua các cuộc thi không bao giờ được giải, thì bạn chỉ nên coi ca hát là niềm đam mê bên cạnh công việc chính, chứ đừng nên cố chấp theo đuổi, chọn ca hát là nghề nghiệp trong tương lai.
Nhiều tấm gương bỏ học đại học mà vẫn thành công như Bill Gates,…, nhưng bạn nên nhớ, họ phải trả giá nhiều hơn ở “trường đời”, họ học thông qua trải nghiệm, qua cố gắng. Vì vậy, điều quan trọng nhất là bạn phải biết cố gắng, phải biết phấn đấu, phải biết mình muốn gì, biết con đường đi của mình trong tương lai. Đừng để tương lai của mình bị quyết định bởi người khác, cũng đừng quá mù quáng mà lao theo những thứ viển vông. Hãy sáng suốt để chọn một tương lai tốt nhất cho mình....
Có một câu nói rất nổi tiếng: “Hãy chọn một công việc bạn yêu thích và bạn sẽ không bao giờ phải làm việc một ngày nào trong đời”. Còn điều gì hạnh phúc hơn là khi ta được làm điều mình yêu và yêu điều mình làm? Thế nhưng hiện thực cuộc sống không bao giờ dễ dàng như vậy. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, người trẻ thường băn khoăn nên nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ hay tự mình lựa chọn nghề nghiệp.
Nghề nghiệp là công việc mang lại cho chúng ta thu nhập, được xã hội công nhận, và kiến tạo những giá trị cho cộng đồng. Ai cũng có những thú vui, sở thích nhưng không phải niềm yêu thích nào cũng có thể phát triển theo hướng nghiêm túc để trở thành sự nghiệp. Nghề nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống mỗi con người, gắn bó với chúng ta lâu dài, ảnh hưởng đến bản thân ta và những người xung quanh. Việc lựa chọn giữa thuận theo sự định hướng, sắp xếp của cha mẹ hay tự mình quyết định nghề nghiệp là vấn đề muôn thưở trong xã hội.
Từ xưa, dân gian ta đã có câu: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Câu nói này đã phần nào thể hiện sức ảnh hưởng cũng như “quyền uy” của các bậc phụ huynh đối với con cái. Khi xã hội phát triển hơn thì tư tưởng của những người làm cha, làm mẹ cũng trở nên cởi mở hơn. Tuy nhiên, khi các bạn trẻ bước vào giai đoạn lập nghiệp, nhiều bậc cha mẹ vẫn muốn con cái đi theo con đường mà mình đã định hướng từ trước. Không ít trường hợp cha mẹ bằng lòng cho phép người con sống tự do, được theo đuổi sở thích nhưng đến một thời điểm sẽ phải quay về nối nghiệp gia đình hoặc làm việc ở một nơi cụ thể. Bên cạnh đó, cũng có những ông bố, bà mẹ - vì những lí do như tài chính gia đình hay quan niệm về nghề nghiệp của bản thân mà chỉ muốn con cái làm những công việc nhất định. Về mặt bản chất, tất cả những điều trên đều xuất phát từ tình yêu thương và sự lo lắng mà cha mẹ dành cho con. Không bậc phụ huynh nào lại muốn con cái phải rời xa gia đình, làm việc vất vả và sống thiếu thốn. Về phía các bạn trẻ, việc tuân theo định hướng của cha mẹ sẽ đem lại không ít lợi ích. Ta bớt đi nỗi lo về việc loay hoay trên thị trường lao động nhờ có sự hậu thuẫn từ phía gia đình. Không chỉ vậy, trong trường hợp người trẻ vẫn đang mông lung, không tìm ra được hướng đi thích hợp, xoay vần với những lý tưởng viển vông thì sự định hướng của cha mẹ chính là thứ đưa chúng ta trở về với thực tế.
Bên cạnh nhiều lợi ích thì việc thuận theo ý kiến của cha mẹ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Con người luôn là những cá thể độc lập. Thanh thiếu niên dễ dàng trở thành những kẻ thụ động, ỷ lại, ngạo mạn nếu người lớn quá bao bọc, luôn “dọn đường” trước cho mọi bước đi của con. Ngoài ra, thiếu đi niềm yêu thích với công việc, bản thân người trẻ sẽ cảm thấy chán nản, nhụt chí, áp lực và sớm bỏ cuộc.
Tương tự, việc tự mình quyết định nghề nghiệp cũng mang tính hai chiều. Tự quyết định tương lai của bản thân chính là cách để ta chứng tỏ sự độc lập, chủ động trước mặt cha mẹ. Tuổi trẻ tươi đẹp và ngắn ngủi, nếu ta không sống trọn vẹn với ước mơ của mình thì về sau sẽ hối hận vô cùng. Không những thế, khi lựa chọn công việc mình yêu thích, ta sẽ làm việc với 100% năng suất và đam mê. Ta khám phá ra những tiềm năng mới của bản thân mà trước đây chưa từng được khai phá. Động lực nội tại, lòng tự trọng, khát khao chinh phục sẽ là thứ giúp người trẻ vượt qua những khó khăn, thất bại. Về phía các bậc cha mẹ, để con tự lựa chọn nghề nghiệp cho thấy sự tôn trọng mà cha mẹ dành cho con cái. Đúng như câu nói: “Sứ mạng của người mẹ không phải là làm chỗ dựa cho con cái mà là làm cho chỗ dựa ấy trở nên không cần thiết”, cha mẹ cần giáo dục con tinh thần tự chủ trong suy nghĩ và hành động, biết đấu tranh và chịu trách nhiệm với những gì mình làm. Đồng nhất niềm hạnh phúc của mình với hạnh phúc của con, cha mẹ sẽ thấu hiểu được con thay vì áp đặt, hạn chế tài năng của con cái. Suy cho cùng, cha mẹ cũng chỉ đồng hành cùng con trong một quãng cuộc đời, phần còn lại con phải tự bước đi. Chàng trai Đỗ Minh Thịnh tốt nghiệp Cử nhân ngành Luật nhưng đã gác lại tấm bằng ấy để lên Đà Lạt, thực hiện ước mơ xây dựng trang trại nông nghiệp sạch. Khi thổ lộ quyết định của mình, Thịnh đã nhận được sự phản đối gay gắt từ cha mẹ. Không từ bỏ, Thịnh vẫn quyết tâm theo đuổi khát vọng. Trên con đường làm nghề, anh gặp không ít trở ngại. Sự thành công ngày hôm nay của trang trại chính là câu trả lời rõ ràng cho ước mơ ngày đó của Thịnh.
Tuy nhiên, không phải viễn cảnh nào về việc theo đuổi ước mơ cũng ngập tràn hạnh phúc. Tự mình bước đi đồng nghĩa với việc bạn trẻ phải tự trang bị cho mình các hành trang như kĩ năng sống, thái độ, tài chính,… Ta cần chuẩn bị một tâm lí vững vàng để đối mặt với mọi khó khăn, sẵn sàng học hỏi mọi điều từ xã hội và chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Có những bạn trẻ tiêu tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của gia đình để đầu tư cho cái gọi là “đam mê” nhưng lại không học tập và làm nghề một cách nghiêm túc. Điều này rất đáng phê phán.
Như vậy, các lựa chọn đều có những mặt ưu – khuyết điểm. Chúng ta nên cân nhắc hoàn cảnh thực tế, năng lực của bản thân, xác định điều mình yêu thích cùng lòng dũng cảm, ý chí kiên cường khi đứng trước ngưỡng cửa nghề nghiệp. Bởi lẽ, dù bạn nghe theo lời khuyên của cha mẹ hay không thì người tạo ra thành quả và trực tiếp nhận lại kết quả vẫn chính là bạn.
Lỗ Tấn đã nói: “Kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Đường đời muôn nẻo, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp chính là cách để ta mưu cầu hạnh phúc cho mình.
Xem thêm các bài văn mẫu Ngữ văn 11 hay, chi tiết khác:
Trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một vấn đề xã hội (hay nhất)
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.