Top tai lieu.vn xin giới thiệu top 50 bài văn mẫu Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ Ông đồhay nhất,chọn lọc giúp học sinh lớp 8 viết các bài tập làm văn hay hơn. Tài liệu gồm có các nội dung chính sau:
Mời các bạn đón xem:
Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ Ông đồ
Dàn ý Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ Ông đồ
I. Mở bài
– Giới thiệu tác giả, tác phẩm: tác giả Vũ Đình Liên và hoàn cảnh sáng tác bài thơ
– Giới thiệu hai khổ thơ đầu: là hình ảnh ông Đồ thời văn học chữ Hán còn thịnh vượng.
II. Thân bài
* Phân tích khổ thơ đầu tiên:
– Hình ảnh ông Đồ xuất hiện như một thói quen “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già”. Thời gian “mỗi năm” với hình ảnh “hoa đào nở” làm hiện lên hình ảnh mùa xuân của đất nước. Nó thể hiện sự lặp đi lặp lại như một vòng tuần hoàn diễn ra hàng năm. Hình ảnh ông Đồ xuất hiện với tuổi tác đã “già” nhưng năm nào cũng thấy ông.
– Hành động “Bày mực tàu giấy đỏ” là một hành động thường ngày, công việc không hề thay đổi của ông Đồ mỗi dịp Xuân về.
– Không gian hiện lên “Bên phố đông người qua”, thể hiện sự náo nhiệt đông đúc của phố phường.
* Phân tích khổ thơ tiếp:
– Hai câu đầu: Bao nhiêu người thuê viết/Tấm tắc ngợi khen tài. Hai câu thơ làm hiện lên một thời thịnh vượng của văn học chữ Hán. Điều này đã phần nào khẳng định được vị thế của những ông Đồ thời xưa. Những nhà nho có tài năng, học vấn đáng ngưỡng mộ.
– Hai câu thơ tiếp theo chính là lời ca ngợi tài năng của những bậc nhà nho “Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay”. Hình ảnh “hoa tay” gợi cho chúng ta về tài nghệ điêu luyện trong phác thảo chữ của người nghệ sỹ. Người ta thường quan niệm rằng những ai có “hoa tay” thì thường mang tài nghệ đặc biệt là viết chữ đẹp. Tài năng của ông Đồ được so sánh :”Như phượng múa rồng bay”. Đó là những nét chữ đẹp, cầu kì và điêu luyện. Lối nói quá này cho ta thấy hình ảnh ông Đồ già hiện lên với tài nghệ không thể xem thường.
III. Kết bài
– Khái quát nội dung, nghệ thuật của hai khổ thơ
– Nêu cảm nhận và liên hệ
Video: Phân tích bài thơ Ông đồ.
Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ Ông đồ - Mẫu 1
Xuất hiện trong phong trào Thơ mới như một làn gió mới, Vũ Đình Liên đã để lại ấn tượng với người đọc bằng bài thơ Ông đồ - một tác phẩm về sự hoài niệm, hoài cổ cho những giá trị xưa của dân tộc. Đọc bài thơ, người đọc chúng ta không khỏi thương cảm cho hình ảnh của những ông đồ "cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn" đã cũ xưa kia. Và hai khổ thơ đầu tiên của bài thơ là hình ảnh của ông đồ già khi thời Nho học còn đang được trọng vọng khiến chúng ta cảm nhận được cái giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam:
"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
...
Hoa tay thảo những nét
Như rồng múa phượng bay"
Ông đồ vốn là những người thi cử không đỗ đạt nên trở về quê nhà dạy chữ Thánh hiền cho lớp trẻ thơ. Tuy không thành danh, nhưng họ vẫn là những con người tài hoa, hay chữ nghĩa, thế nên được mọi người vô cùng kính trọng yêu mến.
Hình ảnh ông đồ xuất hiện trong thơ Vũ Đình Liên đi kèm với hình ảnh của những đóa "hoa đào nở", đây là một hình ảnh quen thuộc với những con người của những thế kỉ trước, nó ăn sâu vào tiềm thức của con người, là những gì tự nhiên, thân thuộc nhất. Hoa đào xuất hiện báo hiệu thời khắc chuyển giao của năm mới, và chính lúc đó, ông đồ xuất hiện cùng với giấy đỏ, bút lông và nghiên mực bên phố giữa dòng người tấp nập mua sắm. Ông xuất hiện như một quy luật theo vòng xoay của thời gian, là một nét rất riêng của dân tộc Việt mỗi khi Tết đến xuân về. "Mỗi năm - lại" - đó là cái quy luật đều đặn với sự xuất hiện của người thầy đồ già trên con phố, nó như một cái gì đó thật thân thương, an lành nhất mỗi thời khắc giao mùa thiêng liêng. Sự xuất hiện của ông là một điều gì đó hiển nhiên, quen thuộc quá, trầm lặng giữa phố phường xô bồ ấy vậy mà chẳng mất đi sự thu hút với mọi người:
"Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc khen ngợi tài"
Vũ Đình Liên đã vẽ lên một bức tranh sinh động với hình ảnh người thầy đồ là trung tâm và xung quanh là biết bao người đang đứng ngắm nhìn từng dòng chữ trên giấy đỏ, Những con chữ bay bổng với bao điều tốt lành có lẽ là hình ảnh đẹp nhất trong kí ức mùa xuân ngày xưa. Ai cũng muốn có được một đôi câu đối đỏ mà treo trong nhà ngày tết, để mà hãnh diện tự hào, còn để thêm may thêm mắn. Người ta tranh nhau xin cái chữ, cái đẹp từ người thầy đồ già ấy. Đó là điều khiến cho người thầy đồ cảm thấy được sự quan trọng, ý nghĩa của cuộc đời mình. Từng lời khen tấm tắc, từng câu "ngợi khen tài" khiến cho ông đồ già càng thêm ấm lòng, càng thêm động lực để từng con chữ bay bổng hơn "như rồng múa phượng bay". Mỗi người đến với ông đồ để xin chữ đều là những con người trọng chữ nghĩa, yêu mến cái tài hoa của ông. Có thể nói, thời kì này, ông đồ là trung tâm của mọi sự chú ý. Để làm được điều đó, ông đồ phải là một con người tài hoa với những nét chữ xuất sắc và Vũ Đình Liên đã dùng hai câu thơ để chứng minh cho cái tài hoa của người thầy đồ ấy:
"Hoa tay thảo những nét
Như rồng múa phượng bay"
Với những người am hiểu về thư pháp, Nho học, mỗi con chữ là một bức tranh, là một tác phẩm nghệ thuật mà không phải ai cũng có thể sáng tạo nên mà phải có được kiến thức uyên bác cũng như sự khéo léo của đôi bàn tay. Hình ảnh người thầy đồ khoan thai viết từng con chữ múa lượn trên giấy đỏ, những nét thanh, nét đậm, nét sổ vừa bay bổng lại vừa dứt khoát đẹp đẽ vô cùng khiến ai cũng phải thán khâm phục. Từng nét chữ ấy không chỉ chứa đựng sự tài hoa của thầy đồ mà còn chứa đựng cả những tâm tư, tinh hoa, khát vọng, lý tưởng của ông nữa.
Ông đồ thời kì này trở thành một hình ảnh, một nét văn hóa đặc sắc trong lòng người dân Việt Nam, khi mà Nho học còn đang trong thời kì phát triển rực rỡ. Đó là thời kì mà mỗi người cho chữ, người nhận chữ đều trân trọng những giá trị văn hóa Nho học mà phát huy cái nét văn hóa thanh cao, đẹp đẽ ấy.
Hai khổ thơ đầu Ông đồ của Vũ Đình Liên như một lời khen ngợi, như một niềm hoài cổ những giá trị xưa của văn hóa Việt ta. Giờ đây, hình ảnh ông đồ đã không còn, thế nhưng với hai khổ thơ đầu ấy, chúng ta - những thế hệ sau như được sống lại trong bức tranh dịp Tết đến xuân về với hình ảnh người thầy đồ ngồi cùng giấy đỏ, bút lông, nghiên mực, bình dị giữa phố xá tấp nập người qua.
Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ Ông đồ - Mẫu 2
Ông đồ hình ảnh quen thuộc trong mỗi dịp tết xưa, nhiệm vụ của ông trong mỗi dịp tết đó là viết câu đối chúc tết bán cho người dân trang trí nhà cửa để mong một năm mới may mắn, an lành. Vị trí Ông đồ chính là tầng lớp trí thức được nhiều người tôn trọng.
Những hình ảnh ông đồ xuất hiện như một quy luật:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Sự xuất hiện của ông đồ báo hiệu xuân về, gắn liền với vòng quay của thời gian luôn lặp lại, từ “mỗi” xuất hiện cho thấy hình ảnh này luôn quen thuộc với mọi người dân, màu đỏ của giấy màu đen của mực cùng với sự đông vui của phố xá giáp tết càng khiến không khí thêm rộn ràng. Thơ nhẹ nhàng nhưng vẫn toát lên được niềm vui của không gian xuân đang tràn ngập, trong đó hình ảnh ông đồ là trung tâm.
Ông đồ thảo những nét rồng bay phượng múa cho mọi người:
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”.
Với tài năng của mình ông được rất nhiều người thuê viết, họ đều thể hiện kính trọng, yêu mến, có thể nói ông chính là trung tâm thu hút chú ý của mọi người. Nét chữ đẹp của ông được so sánh với những gì tinh túy và đẹp nhất “như phượng múa rồng bay”. Tác giả sử dụng hình ảnh so sánh đẹp, có giá trị tạo hình, mô tả hết những nét chữ đẹp, tao nhã. Với hình ảnh so sánh đó tác giả đã ca ngợi ông đồ là một người tài năng và hết lòng vì nghệ thuật.
Trong khổ thơ 1 2 đó chính là hình ảnh của ông đồ thời xưa, ông xuất hiện làm công việc mỗi năm dịp tết để viết câu đối cho mọi người và tài năng nghệ thuật đó được nhiều người quý trọng, đây chính là nét đẹp của ông đồ thời xưa.
Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ Ông đồ - mẫu 3
Mỗi năm Tết đến xuân về, chúng ta lại nô nức, hân hoan đón chờ một năm mới. Ngày tết cổ truyền từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam ta. Chủ đề này đã được nhà thơ Vũ Đình Liên đưa vào bài thơ của mình qua hình ảnh Ông đồ trong bài thơ cùng tên.
Mở đầu bài thơ là khung cảnh không khí mùa xuân:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua
Khung cảnh mùa xuân về hiện ra trước mắt bạn đọc với hình ảnh hoa đào nở và ông đồ bày mực tàu giấy đỏ trên phố tấp nập. “Mỗi, lại” thể hiện sự lặp đi lặp lại, luân phiên như một lẽ thường tình của cuộc sống. Một nét văn hóa truyền thống từ lâu đời của nhân dân ta được lưu giữ và trân trọng mỗi dịp tết đến xuân về. Trước sự nhộn nhịp của không gian ngày tết, hình ảnh ông đồ và cảnh viết chữ trở thành một đặc trưng không thể thiếu. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tầm quan trọng của ông đồ trong đời sống văn hóa của con người mỗi dịp tết đến xuân về. Đó là một nét đẹp đáng tự hào của con người Việt Nam ta.
Bên cạnh hình ảnh ông đồ là tài năng đáng ngưỡng mộ của ông:
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”
Dòng người tấp nập, hào hứng trước cảnh viết chữ của ông đồ. “Bao nhiêu” thể hiện sự đông đúc, không khí mùa xuân vô cùng hứng khởi. Tài năng viết chữ của ông đồ được mọi người ngưỡng mộ, tấm tắc khen ngợi và kính trọng. Khung cảnh cho chữ hiện lên trước mắt bạn đọc vô cùng nhộn nhịp, tấp nập, hào hứng và vui vẻ. Nét chữ của ông đồ được người đời tấm tắc khen ngợi “như phương múa rồng bay” thể hiện niềm tin yêu, sự hi vọng của con người vào một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự tốt đẹp. Khổ thơ đã lột tả sự ngưỡng mộ, bái phục của con người trước tài năng viết chữ của ông đồ đồng thời thể hiện niềm hi vọng của con người về một năm mới tốt lành.
Chỉ hai đoạn thơ ngắn gọn nhưng nhà thơ Vũ Đình Liên đã vẽ ra trước mắt bạn đọc một bức tranh mùa xuân với hình ảnh ông đồ vô cùng thân thuộc và đáng yêu. Nhiều năm tháng qua đi nhưng bài thơ vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị ban đầu của nó và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ Ông đồ - Mẫu 4
Trong những ngày Tết đến xuân về náo nức trên mọi nẻo đường, người yêu thơ lại khẽ lắng mình trong một nhịp thơ giản dị đầy nhân văn của nhà thơ Vũ Đình Liên bài thơ "Ông đồ".
Bài thơ ra đời khi ông đồ đã trở thành cái di tích của một thời tàn. Nho học đã bị thất sủng, người ta đua nhau chạy theo thời đại với chữ Pháp chữ Tây.
Hai đoạn đầu bài thơ, tác giả giới thiệu những ngày huy hoàng của ông đồ:
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.
Những lời khen thật hào phóng, nhưng nghĩ kĩ đó chỉ là lời khen của những người ngoài giới bút nghiên. Đi viết câu đối thuê, bản thân việc ấy đã là nỗi lận đận, là bước thất thế của người theo nghiệp khoa bảng. Đỗ các thành quan nghè, quan thám, đỗ thấp thì cũng ông cử, ông tú, chứ ông đó là chưa đỗ đạt gì, công chưa thành, danh chưa toại, đành về quê dạy học, bốc thuốc, hay xem lý số ở nơi đô hội như có lần Tản Đà đã làm. Ngày tết, mài mực bán chữ ngoài vỉa hè chắc cũng là việc bất đắc dĩ của nho gia. Chữ thì cho chứ ai lại bán. Bán chữ là cái cực của kẻ sĩ ở mọi thời. Bà con yêu quý và cũng thán phục cái thú chữ mà bà con không biết, hay chỉ võ vẽ, nên mới khen lao đến vậy. Lời khen này không mang lại vinh quang cho ông đồ, có thể ông còn tủi nữa, nhưng nó an ủi ông nhiều, nó là cái tình của người đời vào hồi vận mạt của ông. Tác giả giới thiệu cùng với hoa đào, mỗi năm mới có một lần chứ nhiều nhặn gì đâu, giấy đỏ mực tàu, chữ nghĩa thánh hiền bày trên hè phố. Đừng nghĩ đến chuyện khoa bảng, hãy nghĩ trên cương vị người bán, thì đây là hai đoạn thơ vui vì nó nói được sự đắt hàng, ông đồ còn sống được, có thể tồn tại trong cái xã hội đang biến động này. Nhưng cuộc đời đã không như thế mãi, cái ý thích của người ta cũng thay đổi theo thời cuộc. Lớp người mới lớn không có liên hệ gì để mà quyến luyến cái thứ chữ tượng hình kia.
Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ Ông đồ - Mẫu 5
Ông đồ hình ảnh quen thuộc trong mỗi dịp tết xưa, nhiệm vụ của ông trong mỗi dịp tết đó là viết câu đối chúc tết bán cho người dân trang trí nhà cửa để mong một năm mới may mắn, an lành. Vị trí Ông đồ chính là tầng lớp trí thức được nhiều người tôn trọng.
Những hình ảnh ông đồ xuất hiện như một quy luật:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Sự xuất hiện của ông đồ báo hiệu xuân về, gắn liền với vòng quay của thời gian luôn lặp lại, từ “mỗi” xuất hiện cho thấy hình ảnh này luôn quen thuộc với mọi người dân, màu đỏ của giấy màu đen của mực cùng với sự đông vui của phố xá giáp tết càng khiến không khí thêm rộn ràng. Thơ nhẹ nhàng nhưng vẫn toát lên được niềm vui của không gian xuân đang tràn ngập, trong đó hình ảnh ông đồ là trung tâm.
Ông đồ thảo những nét rồng bay phượng múa cho mọi người:
"Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”.
Với tài năng của mình ông được rất nhiều người thuê viết, họ đều thể hiện kính trọng, yêu mến, có thể nói ông chính là trung tâm thu hút chú ý của mọi người. Nét chữ đẹp của ông được so sánh với những gì tinh túy và đẹp nhất “như phượng múa rồng bay”. Tác giả sử dụng hình ảnh so sánh đẹp, có giá trị tạo hình, mô tả hết những nét chữ đẹp, tao nhã. Với hình ảnh so sánh đó tác giả đã ca ngợi ông đồ là một người tài năng và hết lòng vì nghệ thuật.
Trong khổ thơ 1 2 đó chính là hình ảnh của ông đồ thời xưa, ông xuất hiện làm công việc mỗi năm dịp tết để viết câu đối cho mọi người và tài năng nghệ thuật đó được nhiều người quý trọng, đây chính là nét đẹp của ông đồ thời xưa.
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.