Top 50 bài Phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài thơ Hầu Trời hay nhất

Tải xuống 45 1.2 K 4

Toptailieu.vn xin giới thiệu bài văn Phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài thơ Hầu Trời hay, chọn lọc giúp học sinh lớp 11 viết các bài văn hay hơn. Tài liệu gồm có các nội dung chính sau:

Mời các bạn đón xem:

Văn mẫu: Hầu Trời (Tản Đà)

Dàn ý phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài thơ Hầu Trời

Dàn ý số 1

1. Mở Bài

- Giới thiệu sơ lược về tác giả và phong cách thơ văn.

- Hầu trời là một trong những bài thơ hay nhất của Tản Đà mà ở đó người ta thấy rõ được cái chất thơ của người thi sĩ, mà nổi bật nhất làm nên giá trị đặc sắc của bài thơ là một cái "ngông" rất Tản Đà.

2. Thân Bài

a. Nền tảng của cái "ngông" trong Hầu trời:

- Giấc mơ được lên hầu trời, đọc thơ cho Trời và chư tiên nghe.

- Nỗi cô đơn trước cuộc đời, khao khát được thể hiện, được thấu hiểu nhưng khổ nỗi "Hạ giới văn chương rẻ như bèo", nên đành lòng ông phải tìm kiếm chốn cực lạc trong mơ cho thỏa nỗi lòng của thi sĩ.

b. Tản Đà "ngông" trong lúc đọc thơ cho chư tiên cùng Trời nghe:

- Phong thái ung dung, thích chí và vô cùng tự tin, ông đọc những vần thơ của mình một cách say sưa, mê đắm, đọc như chưa từng được đọc bao giờ "Đọc hết văn vần sang văn xuôi/Hết văn thuyết lí lại văn chơi"

- Thi sĩ tự nâng cao giá trị và tầm vóc bản thân ngang bằng với việc được nhà trời săn sóc, châm trà cho "nhấp giọng" để lấy tinh thần đọc thơ.

- Tự khen thứ văn chương của mình bằng những lời mà đôi lúc tôi nghĩ là có phần hơi tự phụ, kiêu căng một chút "Văn dài hơi tốt ran cung mây", đắc chí vì thần tiên cũng phải tấm tắc khen "Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay".

=> Xóa nhòa đi sự cách biệt thân phận của thần tiên và người phàm, giờ đây họ chỉ đang đứng trên bình diện thi nhân và người yêu thơ, chan hòa và gần gũi.

- Tản Đà còn mạnh dạn liệt kê hết những vốn liếng văn chương mà mình có được, vô cùng tâm đắc với thành tựu của mình chỉ muốn sao để người ta phải công nhận và thán phục.

- Tự tin, vui vẻ khoe rằng "Nhờ Trời văn con còn bán được", ngầm chứng minh rằng thơ văn của ông có sức hút mạnh mẽ vô cùng, bởi trong thời cuộc rối ren mà người ta vẫn muốn đọc sáng tác của Tản Đà.

c. Cái "ngông" trong khi trò chuyện cùng Trời:

- Lối nói của ông không hề có sự e dè sợ hãi, mà thay vào đó là phong thái tự tin, thành thực, xen lẫn chút hóm hỉnh, vui tươi vô cùng thoải mái.

- Xem chư tiên và Trời là những người bạn tâm giao, kể lể về cuộc sống nghèo khó, khiến những nhà trí thức phải nhiều phen khốn đốn.

- Cho mình vốn là một trích tiên bị đày xuống hạ giới vì tội "ngông", rồi lại được Trời giải thích rằng sai Tản Đà xuống làm việc "thiên lương".

- Vinh hạnh được thiên đình ưu ái cho xe Khiên Ngưu đưa tiễn, chúng tiên thì lũ lượt tiễn đưa.

- Cách dùng từ, hành văn hóm hỉnh, phóng khoáng, bay bổng cũng góp phần làm cho cái "ngông" của Tản Đà nổi bật hơn

3. Kết Bài

- Tổng kết giá trị nội dung nghệ thuật của tác phẩm hoặc nêu cảm nghĩ cá nhân.

Video phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài thơ Hầu Trời

Video phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài thơ Hầu Trời

Phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài thơ Hầu Trời – Mẫu 1

Sinh ra và lớn lên trong buổi giao thời (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX), lúc Hán học đã tàn và Tây học lại chỉ mới bắt đầu, nên Tản Đà mang đậm dấu ấn của “người của hai thế kỷ” (Hoài Thanh) kể cả học vấn , lối sống và văn chương. Riêng về lĩnh vực văn chương, Tản Đà được mệnh danh là người đi tiên phong cho sự cách tân nghệ thuật trong thơ, đã đặt một cái gạch nối giữa văn học truyền thống và văn học hiện đại. Như lời nhận xét của Hoài Thanh, Tản Đà là người “dạo bản đàn mở đầu cho một cuộc hoà nhạc tân kỳ đương sắp sửa, là người báo tin xuân cho phong trào thơ mới sau này”. Với điệu tâm hồn mới mẻ, cái tôi lãng mạn bay bổng, vừa phóng khoáng, ngông nghênh, vừa cảm thương, ưu ái trong thơ văn, Tản Đà đã chinh phục thế hệ độc giả mới đầu thế kỷ XX. Giữa lúc thơ phú nhà nho tàn cuộc, Tản Đà có lối đi riêng, vừa tìm về với ngọn nguồn thơ ca dân gian và dân tộc, vừa có những sáng tạo độc đáo tài hoa. Nhà thơ Xuân Diệu cũng nhận xét: “Tản Đà là thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ một cách đường hoàng, bạo dạn, dám giữ một cái tôi”. Đi từ truyền thống đến hiện đại, tất nhiên số phận thơ văn Tản Đà lúc đầu cũng có nhiều trở ngại. Nhưng với bản lĩnh vững vàng và tài năng, Tản Đà đã khẳng định được vai trò và vị trí của mình. Tất cả đã tạo cho thi sĩ giữ vững một cái “ngông” hơn người. Và, “Hầu Trời” là một trong những bài thơ tiêu biểu kết tinh những nét rất riêng để tạo nên cái “ngông” mới mẽ ấy.

Cái “ngông” và biểu hiện của cái “ngông” trong thơ nói chung. “Ngông” vốn là một sản phẩm của xã hội, đặc biệt là xã hội phong kiến Á Đông. Ở cái xã hội lễ nghi chặt chẽ, khuôn phép của Nho giáo, cá tính độc đáo thường bị cho là ngông, là khác đời. Trong văn chương, “ngông” thường biểu hiện bằng thái độ phản ứng của người nghệ sĩ tài hoa, có cốt cách, có tâm hồn, không muốn chấp nhận sự đơn điệu, bằng phẳng, sáo mòn, không muốn chấp nhận cái tầm thường, nhỏ nhoi; thích phá cách, tự đề cao, phóng đại cá tính của mình…Nhưng những biểu hiện ấy nhằm một mục đích để thể hiện tâm hồn lãng mạn đầy bản lĩnh, để thể hiện một quan điểm sống tích cực có ích cho đời, khẳng định cá tính và tài năng của mình trước cuộc đời.

Như vậy, cái ngông ở đây được nói đến là ngông dựa trên sự kết hợp không tách biệt giữa cá tính và bản lĩnh, tài năng của con người. Nghĩa là, chỉ những người tài năng, tự tin bởi cái tài của mình, tự tin để khẳng định nó với đời mới là cái ngông được người đời chấp nhận. Người ngông tạo cho mình những phong cách riêng, mới và khác hơn người khác nhưng phải để lại những dấu ấn sâu đậm, không thể trộn lẫn với người khác. “Hầu Trời” của Tản Đà đã tạo cho tác giả một cái ngông, một cái tôi độc đáo như thế.

Tản Đà là nhà nho nhưng không phải là nhà nho chính thống theo kiểu ẩn dật – hành đạo. Ông là nhà nho tài tử, nhà nho ít chịu khép mình trong khuôn phép nho gia. Tản Đà thuộc lớp nhà nho “Vứt bút lông nắm lấy bút chì” và là một trong những người Việt Nam đầu tiên sinh sống bằng nghề viết văn, xuất bản, sống theo phương thức của lớp tiểu tư sản thành thị đem văn chương đi bán khắp phố phường. Vì vậy, những thú vui tao nhã như vịnh phong hoa tuyết nguyệt với chơi cầm kỳ thi hoạ thường thấy trong thơ cổ giờ không còn phù hợp nữa. Cái cần nói trong thơ lúc này là tất cả cảm xúc trước thời thế xã hội đổi thay khiến lòng người băn khoăn, khó hiểu. Con người phải tìm một cái gì đó trong đời này để vịn vào mà làm phao cứu cánh. Nhưng sống giữa cảnh đất nước lầm than và nhố nhăng thời đó, Tản Đà không chịu nhập cuộc, ông đã lánh đục theo trong, tự mình tìm kế sinh nhai, sẵn sàng đánh đổi cái nghèo vật chất để lấy cái giàu về tinh thần. Giữa cái ác, Tản Đà tách ra để lấy cái thiện, giữa cái xấu, Tản Đà có ý thức vươn lên cái đẹp. Đằng sau cái ngông của Tản Đà là cá tính tự nhiên, nhưng một phần là do Tản Đà tự tạo ra để phản ứng lại với cái thứ ô trọc giữa cuộc đời. Phải chăng vì thế, mà chốn trần gian cũng không thể dung nạp một tấm lòng được coi là cao khiết như tiên sinh. Không ai hiểu được cá tính và tài năng thực sự của mình. Vì thế, Tản Đà không tha thiết gì với trần gian mà tìm tận chốn trời cao để khẳng định tài năng hơn người và từ đó khẳng định cái tôi cá thể không trùng lắp với ai – một cái tôi ý thức rất cao về cá nhân mình.

Cái ý thức sâu sắc về tài năng của Tản Đà được bộc lộ qua việc ông đã tạo ra một bối cảnh thật tự nhiên nhưng rất có duyên về câu chuyện được lên hầu trời và mượn lời của trời để khen thơ của mình:

"Đêm qua chẳng biết có hay không
Chẳng phải thảng thốt không mơ mòng
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể
Thật được lên tiên sướng lạ lùng!”.

Cái duyên được lên hầu Trời gắn liền với câu chuyện văn thơ, gắn liền với những phút cảm hứng của nhà thơ. Chuyện tưởng tượng nhưng như thật, có lẽ cái tôi độc đáo của Tản Đà là ở chỗ vào đề tự nhiên, hấp dẫn nhưng có duyên ấy. Xuân Diệu, nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới”, cũng phải trầm trồ trước sự độc đáo của Tản Đà: “Vào đột ngột câu đầu cũng ra vẻ đặt vấn đề cho nó khách quan, nghi ngờ theo khoa học, để ba câu sau toàn là khẳng định, ăn hiếp người ta”. Để thế gian thấy tài năng của nhà thơ đã khó vậy mà ngay đến Trời còn say mê, chư tiên yêu thích thì thật lạ lùng. Vậy mới thấy được cái ngông của nhà thơ biểu hiện mạnh mẽ qua bài Hầu Trời. Đã có dịp được lên Thiên đình, vì thế Tản Đà tranh thủ "quảng cáo” tài năng của bản thân:

"Dạ bẩm lạy Trời con xin đọc
Đọc hết văn vần sang văn xuôi
Hết văn thuyết lí lại văn chơi
Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè Trời nhấp giọng càng tốt hơn.”

Tác giả đọc thơ rất tự tin, khoe tài của mình, đọc cao hứng và nhập thân vào tác phẩm. Qua đó bộc lộ cái tôi in đậm phong cách cá nhân tự ý thức về tài năng của chính ông. Sẵn tiện nhà thơ giới thiệu luôn những tác phẩm của mình:

"Bẩm con không dám màn cửa Trời
Những áng văn con in cả rồi
Hai quyển Khối tình văn thuyết lí
Hai Khối tình con là văn chơi
Thần tiền, Giấc mộng văn tiểu thuyết
Đài gương, Lên sáu văn vị đời
Quyển Đàn bà Tàu lối văn dịch
Đến quyển Lên tám nay là mười
Nhờ Trời văn con còn bán được
Chửa biết con in ra mấy mươi?”

Nhà thơ có vẻ rất đắc ý bởi ông ý thức được cái tài của mình. Khẳng định bản ngã cái tôi phóng túng, ý thức tài năng giá trị của mình giữa cuộc đời. Trước Tản Đà các nhà nho tài tử đều hết thảy thị tài nhưng chữ tài mà họ nói tới nhiều khi mang một nội hàm khá rộng. Họ không dám nói đến cái hay, cái "tuyệt” của thơ mình, hơn nữa, lại nói trước mặt Trời. Rõ ràng ý thức cá nhân ở nhà thơ đã phát triển rất cao độ. Chính vì vậy mà đến Trời cũng phải tán thưởng:

"Văn dài hơi tốt ran cung mây!
Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay.
Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi
Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày
Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng

Đọc xong mỗi bài cùng vỗ tay.”

" Trời lại phê cho: Văn thật tuyệt!
Văn trần được thế chắc có ít
Nhời văn chuốt đẹp như sao băng!
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!
Êm như gió thoảng, tinh như sương!
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!”

Chính vì tình yêu văn chương, ông mới tự tin sáng tác, chuyển tải những tư tưởng tình cảm mới mẻ vào trang thơ. Dường như với ông, hầu Trời là khoảnh khắc đẹp nhất. Vì thế ông mới đem cái tài của mình để thể hiện trước Trời cùng chư Tiên. Và lúc này quan niệm mới mẻ của ông được bộc lộ: sáng tác văn chương là một nghề. Dù không biểu hiện trực tiếp nhưng đằng sau các câu chữ ta vẫn thấy có một sự hình dung khác trước về hoạt động tinh thần đặc biệt này. Với Tản Đà, văn chương là một nghề kiếm sống mới, có người bán kẻ mua, có thị trường tiêu thụ và bản thân thị trường đó cũng hết sức phức tạp, không dễ chiều. Đặc biệt hơn dường như nhà thơ đã ý thức được sự cần thiết phải chuyên tâm với nghề văn, phải có vốn để theo đuổi nó:

"Nhờ Trời văn con còn bán được
Vốn liếng còn một bụng văn đó”

Thật ngang tàng khi thi sĩ muốn "gánh văn” lên Trời để bán.

"Chư tiên ao ước tranh nhau dặn
Anh gánh lên đây bán chợ Trời!”

Làm náo động thiên cung bằng những lời văn giàu thay lắm lối, nay nhà thơ còn muốn nói của ông được lan rộng cung đình để mọi người biết đến ông- một tài năng thực thụ của trần thế. Thế mới thấy được cái tôi mạnh mẽ đến nhường nào.

Để Trời hiểu thơ, khen văn thơ tuyệt, Tản Đà liền đó “tâu trình” rõ ràng thân thế của mình, phù hợp hoàn toàn mạch chuyện:

"Dạ bẩm lạy Trời con xin thưa
Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn
Quê ở Á châu về Địa Cầu
Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”.

Khác người xưa, Tản Đà đã tách tên, họ theo một kiểu công khai lý lịch rất hiện đại, lại còn nói rõ bản quán, châu lục, trên hành tinh. Qua đó ông thể hiện niềm yêu nước tha thiết, đầy tự hào về bản thân, ý thức cá nhân tự tôn dân tộc sâu sắc. Một cái tên - tên thật chứ không phải tự hay hiệu - mà được nói ra trịnh trọng đến vậy hẳn nhà thơ phải thấy có một giá trị không thể phủ nhận gắn liền với nó. Cũng qua câu thơ, tác giả ngầm giới thiệu bút hiệu của mình. Tản Đà là con người khoe tài, thị tài và rất ngông cho nên trước chư tiên không bao giờ kiềm chế mà luôn thể hiện hết tài hoa của mình.

Nhưng khoảnh khắc “Hầu Trời” ngắn ngủi không dừng lại ở việc mượn lời của trời để khen thơ của mình và tự xưng tên tuổi mà qua đó, ta thấy ở Tản Đà còn có một khát khao tri âm tri kỷ, mà bạn tri âm này không phải là người đặc biệt, mà là trời cao. Để từ đó, vạch ra thực tế phũ phàng: tài năng không thống nhất với số phận; để chỉ cho người đọc: ở cuộc đời nhà thơ thiếu tri âm, tri kỉ và bất hòa với cuộc đời:

"Văn chương hạ giới rẻ như bèo
Kiếm được đồng lãi thực rất khó
Kiếm được thời ít tiêu thời nhiều
Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu”

Vì vậy ông khát khao lên Trời đọc thơ và tìm được người tri âm. Chỉ có Trời và chư tiên mới hiểu cái hay, cái đẹp trong thơ ông. Và lời Trời khen hắn là sự thẩm định có sức nặng nhất, không thể bác bỏ, nghi ngờ. Đó là niềm khát khao chân thành trong tâm hồn của thi sĩ. Giữa chốn hạ giới văn chương rẻ như bèo, thân phận nhà văn bị rẻ rúng, khinh bỉ, Tản Đà không tìm được tri âm tri kỷ, phải lên tận cõi tiên mới được thõa nguyện. Vào đầu những năm đầu của thế kỷ XX, khi thơ phú nhà Nho, Hán học đã tàn mà thơ mới chưa ra đời, Tản Đà là nhà thơ đầu tiên đã thổi vào làn thơ một nét mới, đã dám mạnh dạn khẳng định bản ngã của mình bằng nét riêng: thoát ly hiện thực tầm thường đen tối để đến một nơi thanh khiết.

Khẳng định tài năng hơn người, đó là sự kế thừa nét ngông của các nhà nho truyền thống. Song, trong sự ngông của Tản Đà, người ta không thấy cái ngông đến mức lấy thú ăn chơi hưởng lạc có phần tiêu cực như một cách để đối lại với đời như Nguyễn Công Trứ. Và cũng không thấy cái ngông trong việc đi tìm một phong cách, một lối thể hiện riêng của người tôn thờ cái đẹp như Nguyễn Tuân… Cái ngông của Tàn Đà là cái ngông của một người chìm đắm trong mộng: mộng về cuộc đời, mộng về sự đổi thay, say để mộng, mộng để ngông với người đời. Nhưng có thể thấy rằng, họ gặp nhau ở một điểm cơ bản mà nếu như thiếu nó thì sẽ không thể "ngông” được đó là cái tài, cái tình và ý thức về cái tôi bản ngã của chính mình. Họ làm nên những phong cách nghệ thuật riêng độc đáo, nhưng ấn tượng đặc biệt, không thể nào phai trong lòng người đọc và không lẫn với cái ngông của nhà thơ nào khác.

Top 50 bài Phân tích bài thơ Hầu Trời của Tản Đà hay nhất (ảnh 1)

Phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài thơ Hầu Trời – Mẫu 2

Nam Cao đã từng nói: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” chính điều đó làm nên cái tôi cá nhân có dấu ấn riêng biệt của mỗi tác giả. Tản Đà là một nhà văn có cái tôi ngông khác người nên thơ văn ông để lại một nét đặc sắc không thể lẫn với bất kì nhà văn nhà thơ nào. Đặc biệt cái tôi ngông ấy được thể hiện xuất sắc trong bài thơ “Hầu trời” với lối viết phóng khoáng, tự do khẳng định tài năng của bản thân.

Khái niệm “ngông” trong dùng để chỉ thái độ ứng xử xã hội và nghệ thuật khác thường với mọi người của các nhà văn, nhà thơ có ý thức cao về tài năng và phẩm chất cá nhân. Trong văn học trung đại ta đã từng bắt gặp cái tôi ngông của Nguyễn Công Trứ trong “Bài ca ngất ngưởng” hay Cao Bá Quát nay ta lại gặp Tản Đà dù không phải là cái ngông duy nhất nhưng vẫn có những điểm đặc thù do quy định thời đại thi sĩ sống là lúc giao thời Đông Tây, Hán học suy tàn và Tây học bắt đầu phát triển. Thơ văn Tản Đà được coi là dấu gạch nối giữa hai thế kỉ: trung đại và hiện đại.

Trong bài thơ “Hầu trời” cái tôi ngông được thể hiện ngay ở nhan đề tác phẩm. Trời ở tận trên cao xa có ai lên đến được với trời để hầu vậy mà Tản Đà lại hầu trời bằng văn thơ. Không chỉ vậy cái ngông ấy còn được thể hiện ở những nội sau.Tác giả tự cho rằng văn thơ mình hay khi “Tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà” nên khiến Trời mất ngủ đành phải cho hai cô tiên xuống mời thi sĩ lên đọc thơ. Ông tự tin khẳng định cái tôi cá nhân của mình bằng cách “Đọc hết văn vần sang văn xuôi/ Hết văn lí thuyết lại văn chơi”, ông liệt kê những áng văn của mình như: khối tình, khối tình con, thần tiên, giấc mộng, đài gương, lên sáu, đàn bà Tàu, lên tám. Nhà trời nghe xong gật gù khen: “Văn đã giàu thay, lại lắm lối”/ “Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay”, các chư tiên cũng tấm tắc ngợi ca: “Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi/ Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày/ Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng/ Đọc xong mỗi bài cũng vỗ tay”. Thi sĩ đã mượn lời của Trời để khẳng định tài năng văn chương bản thân đặc biệt là câu thơ: “Trời lại phê cho: Văn thật tuyệt/ Văn trần được thế chắc có ít/...”. Ta từng bắt gặp lời tự ý thức tài năng bản thân trong thơ ông như: “Sông Đà núi Tản đúc nên ai/ Trần thế xưa nay được mấy người”. Tản Đà rất tự tin thể hiện mình bằng tất cả vốn văn chương có được, ông khẳng định có mấy người được như ông.

Cái tôi ngông được thể hiện khi được Trời hỏi danh tính ông đã tự tin xưng tên họ đầy đủ. “Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn/ Quê ở Á Châu về Địa cầu/ Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”. Trong thơ ca trung đại với đặc trưng cái tôi cá nhân bị lu mờ nhưng cũng có không ít trường hợp không ngần ngại xưng danh như Hồ Xuân Hương “Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi/ Này của Xuân Hương đã quệt rồi” hay Nguyễn Công Trứ với câu thơ “Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”. Cái ngông của Tản Đà cũng lặp lại điểm giống tuy nhiên cách nói của thi nhân đặc biệt hơn các nhà thơ trước. Ông công khai lí lịch rõ ràng và rất hiện đại có đầy đủ họ tên, quê quán, quốc tịch, châu lục, hành tinh. Qua đó ta có thể thấy được con người tài năng và phẩm chất đáng quý của ông. Thi sĩ ý thức tài năng văn chương bản thân và tự tin bộc lộ bản ngã cá nhân không chút ngần ngại không những vậy ta còn thấy được tấm lòng yêu nước sâu sắc của bậc trí thức công khai mình ở “Sông Đà núi Tản nước Nam Việt” trong hoàn cảnh chủ quyền đất nước bị xâm lăng, nền độc lập dân tộc bị đe dọa. Chính điều đó khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc của thi sĩ. Đúng như lời nhận xét của Xuân Diệu: “Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám giữ một cái tôi”

Cái tôi ngông Tản Đà còn được thể hiện khi ông tự coi mình là một vị tiên trên trời bị đày xuống hạ giới vì tội ngông. Ông cũng tự nhận mình là người nhà Trời được sai xuống hạ giới để thực hiện sứ mệnh cao cả: “Là việc thiên lương của nhân loại/ Cho con xuống thuật cùng đời hay”. Ông tự bịa chuyện lên hầu trời bằng tài năng văn chương cá nhân cũng là để thể hiện sự đối lập nhân cách, lối sống với giai cấp phong kiến, Tản Đà tự thấy mình là người không có ai là kẻ tri âm tri kỉ với mình. Chưa bao giờ ta thấy một cái tôi ngông bạo dạn như thế. Nếu các tác giả trước tự khẳng định mình về con đường công danh, kinh bang tế thế còn Tản Đà lại thể hiện tài văn chương hơn người hơn đời. Một nét đặc biệt cái ngông Tản Đà có điểm đặc thù do sự quy định của thời đại ông sống trong thời điểm giao thời loạn lạc, chế độ phong kiến suy tàn, Nho học nhường lối cho chữ quốc ngữ và văn chương hiện đại nên ông không đề cao “Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ trung” như Nguyễn Công Trứ. Ông tự do sống đúng với bản ngã cá nhân mới mẻ phù hợp với thời đại lúc bấy giờ.

Như vậy cái tôi ngông của Tản Đà đã làm nên một dấu ấn cá nhân riêng biệt trong nền văn học dân tộc khiến cho ai đọc thơ ông không thể quên được cái ngông ngạo nghễ với đời thật xác đáng với lời nhận xét của Lê Thanh: “Ông Tản Đà là người thứ nhất và là người độc nhất của thế hệ ông đã làm sống lại cái hồn thơ Việt Nam đang hấp hối, tôi không muốn nói đến đã chết rồi. Ông ra đời đem cho chúng ta một thi sĩ thành thực dám ca hát cái đời sống của lòng; ông đã mơ mộng, đã chán đời, yêu đời, thiết tha với đời một cách tự do, ông đã dám ngông, dám có một bản ngã, dám công nhiên để cho cái chữ tình mê man của mình rãi trong văn thơ”.

Phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài thơ Hầu Trời – Mẫu 3

Xuân Diệu đã từng nhận xét Tản Đà: “có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng, bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám có một cái tôi”. Đây quả là một nhận xét xác đáng về bản lĩnh cá nhân, về cái tôi ngông ngạo, hơn đời của Tản Đà. Cái tôi “ngông” là một nét đặc sắc, tạo nên dấu ấn riêng trong sáng tác của ông. Và được thể hiện đặc biệt rõ nét qua tác phẩm Hầu trời.

Ngông là khái niệm để chỉ tính cách ngang tàng, bất cần. Nhưng đối với kẻ sĩ ngông chính là để thể hiện một cái tôi cao ngạo, khác người. Bởi họ tự tin vào tài năng, nhân cách của bản thân, họ dám đem tài năng để khẳng định với đời.

Ngông vốn không phải là khái niệm xa lạ trong văn học, ta có thể kể đến những tác giả tiêu biểu cho lối sống đó như cái tôi rất ngông của Nguyễn Công Trứ:

Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng.

Hay Tú Xương:

Ông trông lên bảng thấy tên ông
Ông tớp rượu vào ông nói ngông
Trên bảng năm ba thầy cử đội
Bốn kì mười bảy cái ưu thông.

Đến Tản Đà, cái ngông tiếp tục được phát triển và được khẳng định một cách mạnh mẽ. Cái ngông trong bài Hầu trời trước hết được thể hiện trong hành động muốn được lên trời, bởi ông cho rằng chỉ có Trời mới đánh giá đúng tài năng của mình:

Đêm qua chẳng biết có hay không,
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!
Thật được lên tiên sướng lạ lùng.

Cách vào đề của ông thật dí dỏm, hài hước, ông một mực khẳng định việc mình được lên tiên là thật, không hoảng hốt, không mơ mòng, cái thật ở cả phách, hồn, thân thể. Cuộc vượt thoát trần tục, lên tiên đối với ông là có thật, là không thể chối cãi. Đồng thời ông cũng lí giải lí do mình lên tiên:

“Trời nghe hạ giới ai ngâm nga
Tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà
Làm trời mất ngủ, trời đương mắng
Có hay lên đọc, Trời nghe qua”.

Câu thơ như một lời khẳng định tài năng của bản thân vọng vang cả trời đất, khiến cả Trời cũng phải sai người xuống mời ông lên đọc. Đây là biểu hiện thứ nhất trong cái tôi ngông ngạo của Tản Đà.

Không dừng lại ở đó, ý thức khẳng định cái tôi được thể hiện rõ hơn ở đoạn ông tự khen chính mình:

“Đọc hết văn vần lại văn xuôi
Hết văn thuyết lý lại văn chơi”

Tài năng hơn người khiến Tản Đà không ngần ngại thể hiện bản lĩnh cái tôi cá nhân, những tác phẩm của ông đều được liệt kê với những đặc điểm nổi bật của chúng: Khối tình con, Thần tiên, Giấc mộng. Rồi ông tự khen mình “Văn đã giàu thay, lại lắm lối”. Đây không phải là lần đầu tiên Tản Đà tự khen ngợi mình, trong bài Tự trào ông đã viết: “Vùng đất Sơn Tây nảy một ông/ Tuổi chửa bao nhiêu văn rất hùng/ Sông Đà núi Tản ai hun đúc/ Bút thánh câu thần sớm vãi vung”. Cho thấy ý thức cao độ về cái tôi của mình trong thơ ông.

Nghe những lời nhận xét ấy, trời cũng phải bật buồn cười và phê cho “văn thật tuyệt” “văn trời được thế chắc có ít”. Các chư tiên thì khen ngợi bằng những lời khen ngợi không tiếc lời: lời văn như sao băng, khí văn như mây chuyển, nhẹ như sương, êm như gió. Và họ tranh nhau ao ước, dặn: “Anh gánh lên đây bán chợ Trời”. Quả thật chỉ có ở nơi tiên giới này Tản Đà mới tìm được người bạn tri âm tri kỉ với mình, bởi dưới hạ giới văn chương rẻ như bèo, ít được trân trọng. Còn ở đây ông đã tìm được tri âm tri kỉ, bởi chỉ có những người như họ mới cảm nhận được hết tài năng của ông.

Đã có mấy ai trong văn học, dám xưng họ tên đủ đầy trong tác phẩm của mình, ấy vậy mà có một thi nhân tên Tản Đà, khi hầu trời đã dám làm việc đó: “Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn/ Quê ở Á Châu và Địa cầu/ Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”. Một nhân cách hơn người, một bản lĩnh khác thường ở con người tài năng và nhân cách này. Lời thơ tràn đầy niềm tự hào về bản thân, quê quán, và ý thức tự tôn dân tộc sâu sắc. Cách nói thật trịnh trọng, đầy khẳng định về tài năng, nhân cách của chính mình.

Đồng thời Tản Đà cũng tự nhận mình là một Trích tiên bị đày xuống trần gian vì tôi ngông, nhưng ngay sau đó ông đã khẳng định: “Trời rằng: không phải là Trời đày/ Trời định sai con một việc này/ Là việc “thiên lương” của nhân loại”/ “Cho con xuống thuật cùng đời hay”. Ông xuống trần gian để thực hiện một sứ mệnh cao cả, thực hành thiên lương, đem lại đời sống tốt đẹp cho con người. Nhưng đây quả là một nhiệm vụ khó khăn, ở giữa trốn trần gian đầy hiểm ác, bon chen, giữ được thiên lương và truyền bá thiên lương quả thực không hề đơn giản. Việc ông tự nguyện gánh vác nhiệm vụ Trời trao cho thấy nhân cách cao đẹp của thi nhân.

"Hai chữ thiên lương thằng Hiếu nhớ
Dám xin không phụ Trời trông mong"

Thể thơ thất ngôn trường thiên, đã cho phép tác giả thể hiện một cách thoải mái cảm xúc của bản thân. Bài thơ Hầu trời đã thể hiện một cách đầy đủ cái tôi đầy ngông ngạo của Tản Đà trước cuộc đời. Ông ý thức sâu sắc về tài năng của bản thân, ông thời cũng ý thức hiện thực xã hội thối nát lúc bấy giờ. Qua đó cũng cho người đọc thấy một cái tôi ngông nhưng cũng đầy cô đơn, bế tắc trước thời cuộc.

Top 50 bài Phân tích bài thơ Hầu Trời của Tản Đà hay nhất (ảnh 2)

Phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài thơ Hầu Trời – Mẫu 4

Người ta nói nhiều về Tản Đà vào những năm ấy, thời khắc chuyển giao của văn chương truyền thống và văn chương hiện đại. Đó là nhà thơ của hai thời đại, “dấu gạch nối giữa hai thế kỉ” bởi nhiều lý do. Ông tiêu biểu cho kiểu nhà nho tài tử, là người đầu tiên mang văn chương ra bán phố phường. Đó là những đóng góp mới mẻ của ông về hình thức thơ, diện mạo thơ vừa lãng mạn vừa cảm thương, vừa mới mẻ vừa giữ cốt cách hồn thơ dân tộc. Nhưng có lẽ không ai phủ nhận được, điều mà Tản Đà ghi dấu ấn trong lòng độc giả lại chính là cá tính trong thơ, còn gọi là cái tôi ngông mà ông đã bộc lộ. Và một trong những thi phẩm thể hiện được đó, là Hầu Trời. Bài thơ được in trong tập Còn chơi, năm 1921 thể hiện được đậm nét cái tôi ngông của nhà thơ.

Nét ngông trong thơ vốn không phải là một điều xa lạ. Nhắc đến cá tính này phải kể đến Nguyễn Công Trứ trước đó, và lớp sau này là Nguyễn Tuân. Và đến đây, chúng ta có Tản Đà. Khi những cốt cách nghệ sĩ tài hoa này bộc lộ cái ngông là khi họ ý thức rất cao về tài năng và giá trị của bản thân mình trước cuộc đời. Họ bộc lộ điều đó để tự tin, để hãnh diện nhưng cũng là để thách thức trước cuộc đời. Và từ đó họ tạo cho mình một phong cách, một cá tính riêng, độc đáo không pha lẫn được. Tản Đà trong Hầu Trời đã có một cái tôi ngông độc đáo như thế.

Cái tôi ngông trước hết được thể hiện ở việc thi nhân dám lên tận trời để khẳng định tài năng. Mà đầu tiên phải kể đến màn vào đề bài thơ đầy khéo léo và có duyên:

Đêm qua chẳng biết có hay không,
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng.
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!
Thật được lên tiên sướng lạ lùng.

Thơ Tản Đà hay thơ ca cùng thời cũng có nói về việc lên tiên, để thoát li khỏi cuộc sống “trần thế em nay chán nửa rồi”. Nhưng Tản Đà thoát li lên trời lần này là để đọc thơ, ngâm văn. Chốn thiên môn đế khuyết ấy tưởng chỉ để rong chơi, hưởng thụ, nhưng nhà thơ đã tự hóa thân mình thành một thi sĩ biểu diễn tài năng. Mà cái cớ lên trời ấy người ta nghe tưởng chừng phi lý nhưng rồi cũng thấy rất tự nhiên và đáng tin. Chỉ là một đêm mất ngủ, uống trà, chơi trăng và ngâm văn, ấy vậy mà tiếng ngâm vang cả đến sông Ngân Hà khiến Trời phải sai người xuống đón lên để đọc cho nghe. Rõ ràng là một câu chuyện không có thật, quá lạ lùng nhưng cái cách dẫn dắt, trình bày lại khiến người ta thấy thú vị, hóm hỉnh. Phải bằng cái tôi cá tính như Tản Đà mới nghĩ ra được một câu chuyện như thế.

Không bỏ lỡ cơ hội được lên trời đọc thơ, thi sĩ đã hào hứng, phấn khởi mà “quảng cáo” tài năng: văn vần, văn xuôi, văn thuyết lí, văn chơi và cả hàng loạt các sáng tác đã in cả rồi:

Hai quyển Khối tình văn thuyết lí
Hai Khối tình con là văn chơi
Thần tiền, Giấc mộng văn tiểu thuyết
Đài gương, Lên sáu văn vị đời
Quyển Đàn bà Tàu lối văn dịch
Đến quyển Lên tám nay là mười.

Chưa thấy ai khéo léo, tài tình mà cũng đầy ngông nghênh như Tản Đà qua cách đọc thơ cho Trời nghe như vậy. Cái tôi cá tính của ông đã bộc lộ một cách rất tự nhiên mà không phải ai cũng làm được và dám làm. Tài năng được thế gian công nhận đã là một việc làm vô cùng khó, vậy mà giờ đây lên tới chốn thiên môn đế khuyết để khẳng định thì không thể không nói là rất ngông. Chỉ cần nhìn biểu hiện của các chư tiên và lời khen nức lòng của Trời cũng đủ thấy cách bộc lộ tài năng của Tản Đà có nét độc đáo như thế nào.

Văn dài hơi tốt ran cùng mây!
Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay
Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi
Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày
Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng
Đọc xong mỗi bài cùng vỗ tay.

Trời lại phê cho: “Văn thật tuyệt!
Văn trần như thế chắc có ít!
Nhời văn chuốt đẹp như sao băng!
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!
Êm như gió thoảng, tinh như sương!
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!

Táo bạo hơn, thi nhân còn được động viên: Anh gánh lên đây bán chợ Trời. Trong âm hưởng của sự say mê, hứng khởi, người ta không thấy một Tản Đà đang phô diễn, khoe khoang tài năng mà đó chỉ là một dịp để người nghệ sĩ thăng hoa trên tài năng của chính mình. Phải ý thức về tài năng cao độ, phải tự hào, kiêu hãnh về giá trị bản thân đến mức như thế nào mới dám bộc lộ đầy táo bạo như thế. Cái đó người ta gọi là ngông, cũng chỉ có Tản Đà mới ngông đầy nghệ sĩ và tài hoa như thế.

Nhưng nhịp điệu của cái ngông không bay bổng theo chiều đi lên như người đọc tưởng mà nó có độ lắng sâu dưới màn tái hiện bức tranh cuộc sống của người nghệ sĩ trước thời kì khốn khó của kẻ nặng mệnh văn chương. Trong màn đối thoại với Trời, Tản Đà đã giúp người đọc hình dung ra điều đó, cũng là cách ông bộc lộ cái tôi ngông khác của mình trong bài thơ. Nhà thơ chẳng ngại mà giấu giếm, đã giới thiệu một cách đầy tự tin:

-“Dạ, bẩm lạy Trời con xin thưa
Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn
Quê ở Á châu về Địa cầu
Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”

Ông thẳng thừng chia sẻ về cuộc sống đầy vất vả, nghèo khó của mình dưới trần gian:

-“Bẩm Trời, cảnh con thực nghèo khó
Trần gian thước đất cũng không có
Nhờ Trời năm xưa học ít nhiều
Vốn liếng còn một bụng văn đó.
Giấy người mực người thuê người in
Mướn cửa hàng người bán phường phố.
Văn chương hạ giới rẻ như bèo
Kiếm được đồng lãi thực rất khó.
Kiếm được thời ít tiêu thời nhiều
Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu.”

Việc tâu bày này không phải là để than nghèo kể khổ, không mong được ban phước lộc ân để có giàu sang phú quý. Mà mục đích lên hầu trời là để được tri âm. Có thể thấy đằng sau một Tản Đà hào hứng, tự tán dương là một người đầy cô đơn. Ông phải lên tới trời để tìm kiếm sự đồng cảm, khát khao được thừa nhận tài năng. Vì vậy, kể về cuộc sống nghèo khó, thậm chí cùng cực kia là cách để nhà thơ bộc lộ rõ hơn sự thấu hiểu về nghề văn bạc bẽo, nghèo nàn mà mình đang phải bám víu. Cách tìm kiếm ấy trong lời thơ chất chứa đầy tâm sự và cảm hứng tự sự cũng là một cách ngông trong cái tôi của Tản Đà.

Nhưng chưa dừng lại ở đó, cái ngông của Tản Đà còn thể hiện ở thái độ khác thường khi khẳng định bản thân mình. Trong cuộc đối thoại với Trời, nhà thơ cho rằng kẻ tên Nguyễn Khắc Hiếu bị đày xuống hạ giới vì tội ngông. Hóa ra, thi nhân vốn là một vị trích tiên, là người nhà trời. Dẫu Trời có khéo léo sửa lại không phải là đày mà là giao cho sứ mệnh “thiên lương” của nhân loại để xuống thuật cùng đời hay thì cái ngông vẫn không giấu đi được. Bởi cái ngông này đã hóa thành một ý thức đối lập với xã hội đương thời. Làm sao thi sĩ gánh vác được điều đó, khi mà xã hội lúc bấy giờ đẩy những người như ông vào cảnh khốn khó. Cho nên ngầm trong ý đó, Tản Đà muốn đề cập tới khát vọng mà ông đã từng theo đuổi, đó chính là cải cách xã hội. Nhưng chúng ta đã nhận ra cái lực bất tòng tâm của thi nhân. Bởi vậy cái tôi ngông, ngạo nghễ, thách thức với đời mà có phần vẫn bất lực. Đó là xu thế chung trong tâm lý của giới văn sĩ lúc bấy giờ.

Nếu đặt cái nhìn về tính cách ngông trong văn học thì Nguyễn Công Trứ đã quá ấn tượng với người đọc về một con người tài năng độc đáo ngay cả khi đương chức hay về hưu. Về sau Nguyễn Tuân cũng mang cái ngông khác biệt để tạo nên một quan niệm thẩm mĩ độc đáo. Riêng với Tản Đà cái ngông của ông từ ngoài đời đến văn chương, từ xê dịch, thơ ca đến tình duyên. Nhưng cái ngông của Tản Đà bộc lộ một thái độ khát khao rất mạnh mẽ với cuộc đời, mong mỏi niềm tri ân và cả sự thay đổi về xã hội. Hầu Trời đã thâu tóm hết thảy cái ngông ấy. Bởi vậy thi phẩm xứng đáng tiêu biểu cho phong cách độc đáo, ngông tài hoa của thi nhân.

Nhưng không thể phủ nhận cái ngông trong Hầu Trời không chỉ ở nội dung mà cả phương diện nghệ thuật. Lựa chọn một thể thơ thất ngôn quen thuộc, nhưng nhà thơ lại viết nó ở cấp độ trường thiên. Hơn nữa kết cấu các khổ không phải 4 dòng một khổ như thông thường mà có đoạn lên đến 6, 10, 12 dòng. Chính vì sự phóng khoáng, tự do về thể thơ như vậy đã giúp cho nhà thơ thỏa chí bộc lộ cái tôi của mình. Thêm nữa còn phải kể đến một cấu tứ đặc biệt trong bài chính là mạch trữ tình không tạo ra bởi cảm xúc mà bởi chất tự sự. Đúng ra bài thơ là một câu chuyện khá rõ ràng theo kết cấu thời gian. Lại có thêm một tình huống bất ngờ tạo nên một câu chuyện rất hấp dẫn, hóm hỉnh và có duyên. Ngôn ngữ thơ không quá trau chuốt, cầu kì nhưng pha trộn giữa sự có chọn lọc và cả nét bình dị, nôm na. Bởi vậy, ngay cả tạo nên một bài khá dài nhưng vẫn tạo dấu ấn đặc biệt như thế. Cũng là cách mà Tản Đà khẳng định cái tôi ngông độc đáo của mình.

Nhà thơ Xuân Diệu từng nói rằng: “Tản Đà là thi sĩ đầu tiên, mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng, bạo dạn, dám giữ một cái tôi”. Lời nhận định đó chỉ khác ở chỗ là thay vào đó bằng một chữ ngông. Bản lĩnh của thi nhân, cái tôi độc đáo, mới mẻ là những gì Tản Đà góp mặt vào thơ ca thời kì đó. Nhưng chắc chắn với Hầu Trời ông đã làm cho bản ngã của mình được khẳng định một cách tài hoa như thế.

Phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài thơ Hầu Trời – Mẫu 5

Tản Đà là một trong những thi sĩ đi đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. ông là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng, bạo dạn, dám giữ một cái tôi.

Bằng bản lĩnh của mình, Tản Đà mang đến một luồng sinh khí mới cho nền văn học Việt Nam. Thi sĩ trực tiếp thể hiện cái tôi bản ngã của mình một cách hết sức độc đáo và mới mẻ. Và "Hầu Trời” là một trong những bài thơ kết tinh những nét riêng độc đáo đó.

Như Hoài Thanh đã nói "Tiên sinh là người của hai thế kỉ”, Tản Đà là người đã đặt được dấu gạch nối giữa văn học truyền thống và văn học hiện đại, là người "dạo bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa” (Hoài Thanh). Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, ông sống khoáng đạt và đã đeo "túi thơ” đi khắp cuộc đời mình. Là một cây bút tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn giao thời, ông để lại khá nhiều tác phẩm cho đời. Trong đó đáng kể là "Hầu Trời” được trích trong tập Còn chơi (1921). Bài thơ đã thể hiện rõ cái tôi cá nhân của Tản Đà thông qua sự việc lên thiên đình đọc thơ.

Trong sáng tác văn học, không phải ai cũng thể hiện được cái tôi của mình trên trang viết. Cái tôi gắn liền với cá tính sáng tạo của một người cầm bút. Điều đó đòi hỏi người viết phải thể hiện được cái riêng có giá trị thẩm mĩ cao, có khả năng đóng góp tích cực cho nền văn học chung.

Tản Đà-nhắc đến thi nhân là nhắc đến "xê dịch, ngông và đa tình”. Ba yếu tố đủ để làm nên một cái tôi riêng trong làng thơ Việt Nam. Nhưng có lẽ, cái tôi độc đáo của nhà thơ đã thể hiện trong "Hầu Trời” là một cái tôi ngông rất lạ. "Ngông” không phải chỉ định một kiểu ứng xử xã hội và nghệ thuật khác. Cái ngông ở đây được nói đến là ngông dựa trên khả năng mình có, nghĩa là chỉ những người tài năng, tự tin bởi cái tài của mình, tự tin để khẳng định nó với đời mới là cái ngông được người đời chấp nhận. Người ngông tạo cho mình những phong cách riêng, khác người nhưng để lại những ấn tượng sâu đậm.

Chất ngông thương được thể hiện bởi các nhà văn, nhà thơ có ý thức cao độ về cái tài và cái tình. Với cái tài đó, họ mang ra phục vụ cho đời nhưng cũng là để "đóng dấu” hình ảnh của mình với thời gian. Họ có thể ngông bởi họ có tài, họ có cái để hãnh diện, để thách thức với cuộc đời, với người đời và cũng bởi trong cuộc sống, mỗi con người họ đã là một tính cách riêng, một sự phá cách không thể trộn lẫn với một người nào khác. Và cái ngông ấy trong "Hầu Trời” đã tạo ra cho nhà thơ một cái tôi độc đáo.

Nhà thơ ý thức sâu sắc về tài năng của mình. Vì vậy tiếng ngâm thơ "vang cả sông Ngân Hà” khiến Trời mất ngủ là ở chỗ ấy.

"Đêm qua chẳng biết có hay không
Chẳng phải thảng thốt không mơ mòng
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể
Thật được lên tiên sướng lạ lùng!”.

Cái duyên được lên hầu Trời gắn liền với câu chuyện văn thơ, gắn liền với những phút cảm hứng của nhà thơ. Chuyện tưởng tượng nhưng như thật, có lẽ cái tôi độc đáo của Tản Đà là ở chỗ vào đề tự nhiên, hấp dẫn nhưng có duyên. Để thế gian thấy tài năng của nhà thơ đã khó vậy mà ngay đến Trời còn say mê, chư tiên yêu thích thì thật lạ lùng. Vậy mới thấy được cái ngông của nhà thơ biểu hiện mạnh mẽ qua bài Hầu Trời. Đã có dịp được lên Thiên đình, vì thế Tản Đà tranh thủ "quảng cáo” tài năng của bản thân:

"Dạ bẩm lạy Trời con xin đọc
Đọc hết văn vần sang văn xuôi
Hết văn thuyết lí lại văn chơi
Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè Trời nhấp giọng càng tốt hơn.”

Tác giả đọc thơ rất tự tin, khoe tài của mình, đọc cao hứng và nhập thân vào tác phẩm. Qua đó bộc lộ cái tôi in đậm phong cách cái tôi cá nhân tự ý thức của chính ông. Sẵn tiện nhà thơ giới thiệu luôn những tác phẩm của mình:

"Bẩm con không dám màn cửa Trời
Những áng văn con in cả rồi
Hai quyển Khối tình văn thuyết lí
Hai Khối tình con là văn chơi
Thần tiền, Giấc mộng văn tiểu thuyết
Đài gương, Lên sáu văn vị đời
Quyển Đàn bà Tàu lối văn dịch
Nhờ Trời văn con còn bán được
Chửa biết con in ra mấy mươi?”

Nhà thơ có vẻ rất đắc ý bởi ông ý thức được cái tài của mình. Khẳng định bản ngã cái tôi phóng túng, ý thức tài năng giá trị của mình giữa cuộc đời. Trước Tản Đà các nhà nho tài tử đều hết thảy thị tài nhưng chữ tài mà họ nói tới nhiều khi mang một nội hàm khá rộng. Họ không dám nói đến cái hay, cái "tuyệt” của thơ mình, hơn nữa, lại nói trước mặt Trời. Rõ ràng ý thức cá nhân ở nhà thơ đã phát triển rất cao độ. Chính vì vậy mà đến Trời cũng phải tán thưởng:

"Văn dài hơi tốt ran cung mây!
Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay.
Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi
Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày
Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng
Đọc xong một bài cùng vỗ tay.”

"Trời lại phê cho: Văn thật tuyệt!
Văn trần được thế chắc có ít
Nhời văn chuốt đẹp như sao băng!
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!
Êm như gió thoảng, tinh như sương!
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!”

Chính vì tình yêu văn chương, ông mới tự tin sáng tác, chuyển tải những tư tưởng tình cảm mới mẻ vào trang thơ. Dường như với ông, hầu Trời là khoảnh khắc đẹp nhất. Vì thế ông mới đem cái tài của mình để thể hiện trước Trời cùng chư Tiên. Và lúc này quan niệm mới mẻ của ông được bộc lộ: sáng tác văn chương là một nghề. Dù không biểu hiện trực tiếp nhưng đằng sau các câu chữ ta vẫn thấy có một sự hình dung khác trước về hoạt động tinh thần đặc biệt này. Với Tản Đà, văn chương là một nghề kiếm sống mới, có người bán kẻ mua, có thị trường tiêu thụ và bản thân thị trường đó cũng hết sức phức tạp, không dễ chiều. Đặc biệt hơn dương như nhà thơ đã ý thức được sự cần thiết phải chuyên tâm với nghề văn, phải có vốn để theo đuổi nó:

"Nhờ Trời văn con còn bán được”
"Vốn liếng còn một bụng văn đó”

Thật ngang tang khi thi sĩ muốn "gánh văn” lên Trời để bán.

"Chư tiên ao ước tranh nhau dặn:
-"Anh gánh lên đây bán chợ Trời!”

Làm náo động thiên cung bằng những lời văn giàu thay lắm lối, nay nhà thơ còn muốn văn của ông được lan rộng cung đình để mọi người biết đến ông- một tài năng thực thụ của trần thế. Thế mới thấy được cái tôi mạnh mẽ đến nhường nào.

Qua bài thơ "Hầu Trời” không dừng lại ở đó, Tản Đà còn vạch ra thực tế phũ phàng: tài năng không thống nhất với số phận. Ở cuộc đời nhà thơ thiếu tri âm, tri kỉ và bất hòa với cuộc đời:

"Văn chương hạ giới rẻ như bèo
Kiếm được đồng lãi thực rất khó
Kiếm được thời ít tiêu thời nhiều
Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu.”

Vì vậy ông khát khao lên Trời đọc thơ và tìm được người tri âm. Chỉ có Trời và chư tiên mới hiểu cái hay, cái đẹp trong thơ ông. Và lời Trời khen hắn là sự thẩm định có sức nặng nhất, không thể bác bỏ, nghi ngờ. Đúng là lối tự khẳng định rất ngông ngạo của nhà thơ.

Để Trời hiểu thơ, khen văn thơ tuyệt, Tản Đà liền đó "tâu trình” rõ ràng thân thế của mình, phù hợp hoàn toàn mạch chuyện:

"Dạ bẩm lạy Trời con xin thưa
Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn
Quê ở Á châu về Địa Cầu
Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”.

Khác người xưa, Tản Đà đã tách tên, họ theo một kiểu công khai lý lịch rất hiện đại, lại còn nói rõ bản quán, châu lục, trên hành tinh. Qua đó ông thể hiện niềm yêu nước tha thiết, đầy tự hào về bản thân, ý thức cá nhân tự tôn dân tộc sâu sắc. Một cái tên- tên thật chứ không phải tự hay hiệu- mà được nói ra trịnh trọng đến vậy hẳn nhà thơ phải thấy có một giá trị không thể phủ nhận gắn liền với nó. Cũng qua câu thơ, tác giả ngầm giới thiệu bút hiệu của mình. Tản Đà là con người khoe tài, thị tài và rất ngông cho nên trước chư tiên không bao giờ kiềm chế mà luôn thể hiện hết tài hoa của mình.

Từ đầu đến cuối nhà thơ đều tự tin về tài năng của bản thân và một lần nữa Tản Đà lại khẳng định rất "ngông”, của kẻ vốn đã "ngông” khi nhận mình là "trích tiên” bị đày xuống hạ giới vì tội ngông. Nhà thơ khẳng định tài năng và thân phận "khác thường của mình”.

Sự khác thường đặc biệt này còn nằm ở việc thi sĩ được thừa nhận là một người nhà Trời, được sai xuống hạ giới thực hiện một sứ mệnh cao cả”việc thiên lương của nhân loại”, "Trời rằng không phải Trời đày, Trời định sai con một việc này, Là việc "thiên lương” của nhân loại, Cho con xuống thuật cùng đời hay”. Một lần nữa cái ngông ấy lại được thổi vào trong ý thơ. Nhưng cái ngông ấy chẳng qua là vì nó đối lập lại với cả xã hội bất công, vì ông phải đi làm công việc là tìm lại thiên lương vốn đang bị mai một của con người:

"Hai chữ thiên lương thằng Hiếu nhớ
Dám xin không phụ Trời trông mong”

Nhà thơ ý thức về nhân cách, một nhân cách vượt ra khỏi mọi sự ràng buộc về danh lợi. Nó đối lập với cái xã hội bất công vụ lợi, chạy theo đồng tiền và danh lợi thời bấy giờ.

Cuối cùng nhà thơ vẫn muốn khẳng định, tự khen thơ mình. Thơ thi nhân chẳng những đẹp mà còn ẩn chứa những ý niệm cao siêu về cuộc đời, về thiên lương, nhân sinh thế giới quan… Tóm lại là tất cả những gì nhân loại cần có để vươn đến cái chân- thiện- mỹ. Thoát ra khỏi quan niệm "thi dĩ ngôn chí” , Tản Đà thực sự thăng hoa trong thế giới nghệ thuật, bộc lộ cảm xúc cái tự do cá nhân mới mẻ của riêng mình.

Kế thừa nét ngông của truyền thống, song trong sự ngông của Tản Đà, người ta không thấy cái ngông đến mức lấy thú ăn chơi hưởng lạc có phần tiêu cực như một cách để đối lại với đời như Nguyễn Công Trứ. Và cũng không thấy cái ngông trong việc đi tìm một phong cách, một lối thể hiện riêng của người tôn thờ cái đẹp như Nguyễn Tuân. Cái ngông của Tàn Đà là cái ngông của một người chìm đắm trong mộng: mộng về cuộc đời, mộng về sự đổi thay, say để mộng, mộng để ngông với người đời. Nhưng có thể thấy rằng, họ gặp nhau ở một điểm cơ bản mà nếu như thiếu nó thì sẽ không thể "ngông” được đó là cái tài, cái tình và ý thức về cái tôi bản ngã của chính mình. Họ làm nên những phong cách nghệ thuật riêng độc đáo, nhưng ấn tượng đặc biệt, không thể nào phai trong lòng người đọc và không lẫn với cái ngông của nhà thơ nào khác.

Bài thơ "Hầu Trời” đã kết tinh cái tôi của Tàn Đà. Nhưng không chỉ trên phương diện nội dung, những nét độc đáo và mới mẻ còn làm nên cái tôi trong nghệ thuật. Có lẽ "Hầu Trời” có vẻ quá dài nhưng chính điều đó lại tạo cho bài thơ giàu yếu tố tự sự. Hơn thế, nguyên tắc tôn trọng dòng chảy tự nhiên,sống động của cảm xúc cá nhân, cá thể của thơ cho phép nhà thơ thoát khỏi những ràng buộc quá khắt khe về hình thức để tự do vẫy vùng thể hiện tư tưởng tình cảm của mình. Thể thơ thất ngôn trường thiên được viết một cách phóng túng, tự do theo cá tính riêng của nhà thơ.

Bên cạnh đó, "Hầu Trời” còn đáng chú ý với hiện tượng chia khổ, các khổ có độ dài khác nhau tạo nên cảm xúc tự do và nét mới trong thơ văn. Cách thể hiện của Tản Đà đã vượt ra khỏi quy phạm nội dung và nghệ thuật, muốn phá cách để thể hiện rõ cái tôi của ông.

Nét độc đáo trong cái tôi của Tản Đà là sự dung hòa nhiều yếu tố khác nhau. Tất cả tạo nên ở thi sĩ tính cách của một nhà Nho tài tử, đa tình, ngông và xê dịch. Cái cũ và mới, xưa và nay đan xen đưa Tàn Đà trở thành người nối kết hai thời đại thi ca, trở thành ngôi sao sáng với vẻ đẹp rất riêng trên bầu Trời văn học Việt Nam.

Top 50 bài Phân tích bài thơ Hầu Trời của Tản Đà hay nhất (ảnh 3)

Phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài thơ Hầu Trời – Mẫu 6

Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu (1889 – 1939), xuất thân trong một gia đình khoa bảng ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, nay là huyện Ba Vì, Hà Nội, một vùng có khung cảnh thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình. Cha là cử nhân Hán học Nguyễn Danh Kế, làm quan tới chức Án sát. Mẹ là bà Phủ Ba cũng thông thạo chữ nghĩa và thích văn chương thi phú. Thi sĩ có hai câu thơ rất hay giới thiệu về vẻ đẹp của quê hương mình:

Nước gợn sông Đà con cá nhảy,
Mây trùm non Tản cái diều bay.

Sông Đà, núi Tản và mây trắng xứ Đoài đã gợi ý cho nhà thơ lấy bút danh:

Tản Viên ở trước mặt,
Đà Giang bên cạnh nhà.

Tản Đà.

Bút danh ấy đã được ghi nhận là mốc son trong lịch sử phát triển của thơ ca tiếng Việt và sống mãi trong lòng người yêu thơ suốt bảy thập kỉ qua. Tản Đà có những đóng góp rất quan trọng cho nền văn học nước nhà. Các sáng tác tiêu biểu của ông là: Khối tình con I, II, III (thơ) ;Giấc mộng con I, II (truyện phiêu lưu viễn tưởng), Còn chơi (thơ và văn xuôi),…

Tản Đà là người của hai thế kỉ. Thuở nhỏ, ông cũng theo đuổi con đường cử nghiệp của cha nhưng thi Hương mấy lần không đậu. Thời ấy, Hán học cũng đã suy tàn nên ông chuyển qua học chữ quốc ngữ rồi sáng tác thơ, viết văn, làm báo. Ông chua chát tự nhận xét: Chữ nghĩa Tây Tàu trót dở dang, Nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng. Là nhà Nho nhưng Tản Đà không chịu khép mình trong khuôn khổ Nho giáo mà lại có những phá cách rất táo bạo. Tính chất giao thời thể hiện rất rõ trong cuộc đời, lối sống, học vấn và sự nghiệp văn chương của Tản Đà.

Trong sáng tác, tuy Tản Đà vẫn thường sử dụng những thể loại cổ điển nhưng cảm hứng thì lại rất mới mẻ. Thơ Tản Đà thể hiện “cái tôi” lãng mạn bay bổng, vừa phóng khoáng, ngông nghênh, vừa cảm thương, ưu ái. Bởi vậy nên nhà nghiên cứu phê bình văn học Hoài Thanh đã trân trọng xếp Tản Đà ở vị trí đầu tiên trong cuốn Thi nhân Việt Nam.

Bài Hầu Trời in trong tập Còn chơi, xuất bản năm 1921, nằm trong mạch cảm hứng lãng mạn đậm chất ngông của thi sĩ Tản Đà – một vị trích tiên như tác giả tự nhận, vì đánh vỡ chén ngọc mà bị Thượng đế đày xuống hạ giới. Có lúc chán chường trước cảnh đời nhiễu nhương, đen bạc, thi sĩ than thở:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi,
Trần thế em nay chán nửa rồi,
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

(Muốn làm thằng Cuội).

Có khi cao hứng, thi sĩ còn mơ lạc bước vào chốn Thiên Thai, được gặp gỡ các giai nhân như Tây Thi, Chiêu Quân, Dương Quý Phi… đàm đạo văn chương với Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… Còn lần này thì thi sĩ đã được mời lên tận thiên đình để đọc thơ Hầu Trời !

Qua bài thơ này, Tản Đà đã mạnh dạn thể hiện“cái tôi”cá nhân – một“cái tôi”ngông nghênh, phóng túng lạ kỳ! Đó cũng là cách thể hiện ý thức về tài năng, giá trị đích thực của bản thân và khao khát được khẳng định mình giữa cuộc đời. Có thể tóm tắt nội dung bài thơ như sau: Đêm khuya thanh vắng, thi sĩ buồn nên đun nước pha trà uống rồi cất tiếng ngâm văn.Tiếng ngâm sang sảng vọng tới trời cao. Hai tiên nữ xuống truyền lệnh Trời đòi thi sĩ lên hầu chuyện. Thi sĩ được đón tiếp trọng vọng, được mời đọc văn thơ. Trời và chư tiên hết lời khen ngợi, tán thưởng. Trời truyền hỏi danh tính, thi sĩ kể lể tình cảnh khốn khó của kẻ theo đuổi nghề văn dưới hạ giới. Trời an ủi, khuyên nhủ, thi sĩ cảm kích lạy tạ ra về. Cuối cùng là cuộc chia tay đầy xúc động của thi sĩ với Trời và chư tiên.

Cách vào đề của bài thơ khá thú vị, khiến người đọc cảm nhận được tài hư cấu nghệ thuật độc đáo và lối dẫn dắt rất có duyên của Tản Đà:

Đêm qua chẳng biết có hay không,
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể !
Thật được lên tiên – sướng lạ lùng.

Giấc mơ đêm qua mà thi sĩ là người trong cuộc cũng không biết rõ là có hay không, thực hay hư. Nếu là mơ thì ắt hẳn không thể có thực; nhưng mọi chi tiết, hình ảnh vẫn hiện ra rõ ràng, nên không thể không tin. Bởi vậy mà ở ba câu tiếp theo, thi sĩ cả quyết khẳng định như đang đối thoại với người nghe kể vậy. Ngữ điệu mạnh mẽ làm nổi bật yếu tố thật:Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể! Thật được lên tiên – sướng lạ lùng. Tất cả đã khơi gợi sự hiếu kỳ và cuốn hút người nghe nhập cuộc.

Ở những khổ thơ tiếp theo, thi sĩ đã kể về tình huống mình được Trời mời lên Thiên đình:

Nguyên lúc canh ba nằm một mình,
.......
Truyền cho văn sĩ ngồi chơi đấy.

Tình huống câu chuyện bắt đầu từ Tiếng ngân vang cả sông Ngân Hà của thi sĩ dưới hạ giới làm cho Trời mất ngủ. Rõ ràng, cái duyên may được lên hầu Trời gắn liền với câu chuyện văn thơ, gắn liền với những phút cao hứng của thi sĩ. Dường như tác giả muốn nói rằng câu chuyện tuy không có thật nhưng lại rất thật về tâm sự và nỗi niềm của mình. Chuyện bịa mười mươi mà xem ra rất tự nhiên, hấp dẫn.

Khi chư tiên đã tề tựu đông đủ, Trời liền:Truyền cho “văn sĩ đọc văn nghe!”. Được lời như cởi tấm lòng, thi sĩ vội vàng cung kính:“Dạ bẩm lạy Trời con xin đọc”. Thi sĩ đọc văn thơ của mình với tất cả sự phấn khích và thăng hoa của cảm hứng. Có lẽ chưa bao giờ thi sĩ lại hứng thú đến như vậy. Không để sót một khoảng trống nào của thời gian, thi sĩ đọc liền một mạch:

Đọc hết văn vần sang văn xuôi
Hết văn thuyết lí lại văn chơi
Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè trời nhấp giọng càng tốt hơn.

Thi sĩ cao hứng và tự đắc vì có lẽ đây là dịp hiếm hoi để Trời và các chư tiên thưởng thức thơ của thi sĩ sông Đà, núi Tản. Thính giả nghe thơ cổ vũ thật nhiệt thành. Các chư tiên đồng thanh tán thưởng và hồn nhiên bộc lộ sự hâm mộ qua nét mặt, cử chỉ, điệu bộ, ngôn ngữ… Điều đó làm cho cảm hứng trong lòng thi sĩ mỗi lúc một dâng cao:

Văn dài hơi tốt ran cung mây!
Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay.
Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi
Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày
Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng
Đọc xong mỗi bài cùng vỗ tay.
Thi sĩ cao hứng tự nhận:
Văn đã giàu thay, lại lắm lối.
Trời nghe Trời cũng bật buồn cười.

Cuộc đọc văn đã khép lại mà ấn tượng sâu sắc của nó khiến:

Chư tiên ao ước tranh nhau dặn:
– “Anh gánh lên đây bán chợ trời !”

Trời nghe thi sĩ đọc văn đã không tiếc lời khen tặng và những lời khen đó chứng tỏ Trời có khả năng thẩm văn, thẩm thơ tinh tế:

Trời lại phê cho: “Văn thật tuyệt
Văn trần được thế chắc có ít.
Nhời văn chuốt đẹp như sao băng!
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!
Êm như gió thoảng, tinh như sương!
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết.

Đây là đoạn thơ thú vị, độc đáo nhất trong bài. Tác giả cố tình mượn lời Trời để ca ngợi thơ văn mình. Rõ ràng ý thức về“cái tôi”cá nhân của Tản Đà rất cao và thi sĩ không hề vô lý khi tự khen đến thế:Văn đã giàu thay lại lắm lối. Lời văn, khí văn được so sánh với những vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên:như sao băng, như mây chuyển, như gió thoảng, như sương, như mưa sa, như tuyết… Tưởng chừng tinh hoa của núi Tản sông Đà đã được thu cả vào hồn thơ thi sĩ. Đoạn thơ trên đã khai thác tối đa tác dụng của các biện pháp tu từ để thể hiện đầy đủ mọi cung bậc trầm bổng, mạnh mẽ, tinh tế và linh diệu của cảm xúc đang thăng hoa.

Tình huống Hầu Trời bất ngờ quả đã cho Tản Đà một cơ hội tuyệt vời để phô bày tài năng văn chương của mình trước thiên hạ. Thật thú vị khi tất cả nhân vật trong câu chuyện đều có tâm trạng hứng khởi tột độ, từ thi sĩ đến chư tiên và nhất là Trời – một ông Trời khá bình dân trong cung cách cư xử, nói năng. Điều đáng chú ý là thi sĩ chỉ cao hứng tột độ như thế khi gặp được người hiểu và thông cảm với mình mà thôi. Chứ dưới hạ giới, thi sĩ dễ đâu tìm được người tri âm tri kỉ như vậy?! Lời ban khen của Trời hẳn là sự thẩm định, đánh giá chính xác nhất, không ai có thể nghi ngờ hay bác bỏ. Đúng là một cách tự khẳng định rất ngông, rất Tản Đà, xưa nay chưa từng có!

Người đọc có cảm giác như thi sĩ vô cùng tự hào khi khẳng định và ca ngợi tài năng văn chương của mình. Chưa có tác giả nào dám mạnh dạn, công nhiên như thế. Có lẽ một cuộc cách mạng về thơ ca thực sự đã được bắt đầu từ chính Tản Đà – thi sĩ được coi là “cây cầu nối” giữa thơ cũ và thơ mới.

Thể theo yêu cầu của Trời, thi sĩ tự xưng tên tuổi và thân thế:

– “Dạ bẩm lạy Trời con xin thưa
Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn
Quê ở Á châu về Địa Cầu
Sông Đà, núi Tản, nước Nam Việt”.

Trời ngợ một lúc lâu rồi sai Thiên tào kiểm tra lại:

Thiên tào tra sổ xét vừa xong
Đệ sổ trình lên Thượng đế trông
– “Bẩm quả có tên Nguyễn Khắc Hiếu
Đày xuống hạ giới vì tội ngông”.
Lúc ấy, Trời mới phán rằng:
Trời rằng: “Không phải là Trời đày,
Trời định sai con một việc này
Là việc “thiên lương” của nhân loại,
Cho con xuống thuật cùng đời hay”.

Được lời như cởi tấm lòng, Tản Đà trình bày một mạch những nỗi niềm bức xúc của mình chất chứa bấy lâu nay. Qua lời Trời, Tản Đà nói đến nhiệm vụ truyền bá thiên lương mà Trời giao cho, (giải thích để loài người hiểu rằng lương thiện vốn là bản tính trời sinh). Điều đó chứng tỏ Tản Đà tuy lãng mạn, ngông nghênh nhưng không hoàn toàn thoát li hiện thực mà vẫn có ý thức trách nhiệm với đời và khát khao được gánh vác việc đời. Đấy cũng là một cách tự khẳng định mình.

Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là cảm hứng lãng mạn, nhưng trong đoạn thơ dưới đây, thi sĩ lại sử dụng bút pháp tả thực cụ thể, tỉ mỉ đến từng chi tiết:

– “Bẩm Trời, cảnh con thực nghèo khó
Trần gian thước đất cũng không có
Nhờ Trời năm xưa học ít nhiều
Vốn liếng còn một bụng văn đó.
Giấy người mực người thuê người in
Mướn cửa hàng người bán phường phố.
Văn chương hạ giới rẻ như bèo
Kiếm được đồng lãi thực rất khó.
Kiếm được thời ít tiêu thời nhiều
Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu.
Lo ăn lo mặc hết ngày tháng
Học ngày một kém tuổi ngày cao
Sức trong non yếu ngoài chen rấp
Một cây che chống bốn năm chiều
Trời lại sai con việc nặng quá
Biết làm có được mà dám theo”.

Tản Đà không trực tiếp phát biểu quan niệm của mình về văn chương và nghề văn, tuy vậy người đọc vẫn có thể hình dung ra phần nào về nội dung của hoạt động tinh thần đặc biệt này. Đối với Tản Đà, văn chương không còn đơn thuần là một khái niệm tinh thần cao siêu mà đã trở thành một nghề kiếm sống như bao nghề khác, có người bán kẻ mua và thị trường văn chương cũng hết sức phức tạp. Vì thế mà nhà văn, nhà thơ không dễ thành công.

Tản Đà đã vẽ ra một bức tranh hiện thực trần trụi, nghiệt ngã về nghề văn bằng ngôn ngữ đời thường. Đó là cảnh sống nghèo khổ:Trần gian thước đất cũng không có; thi sĩ đành phải mưu sinh bằng công việc viết văn, làm thơ và xuất bản mà vốn liếng chẳng có gì ngoài ngòi bút:Giấy người mực người thuê người in, Mướn cửa hàng người bán phường phố.Người nghệ sĩ phải cam chịu cảnh:Văn chương hạ giới rẻ như bèo, Kiếm được đồng lãi thực rất khó, Kiếm được thời ít tiêu thời nhiều, Lo ăn lo mặc hết ngày tháng… Kể đến đây, cảm xúc của thi sĩ chợt ngậm ngùi, chua chát, khác hẳn với cảm xúc trữ tình bay bổng, đắc ý khi đọc thơ cho Trời nghe.

Tất cả những điều ấy đã hiện ra nhiều lần trong thơ văn Tản Đà, một thi sĩ tài hoa hơn người mà cả đời phải sống trong tình cảnh nghèo khổ, quẫn bách:

Hôm qua chửa có tiền nhà,
Suốt đêm thơ nghĩ chẳng ra câu nào.
Đi ra rồi lại đi vào,
Quẩn quanh chỉ tốn thuốc lào vì thơ.

Về cuối đời, ông từng phải chuyển qua nghề xem tướng số để kiếm ăn sống lay lắt qua ngày; rồi mở lớp dạy Hán văn, quốc văn nhưng không có học trò. Cuối cùng, ông chết trong cảnh túng bấn, cơ cực rất thương tâm!

Giấc mơ Hầu Trời phải chăng là biểu hiện tha thiết, mãnh liệt của khát vọng được khẳng định tài năng của thi sĩ giữa chốn văn chương hạ giới rẻ như bèo và thân phận của người sáng tạo bị xã hội rẻ rúng, khinh khi. Vậy thì chỉ có thể lên thiên đình thi sĩ mới có thể tìm được tri âm tri kỉ, mà chuyện này chỉ có thể xảy trong giấc mộng mà thôi! Dường như Trời cũng thấu hiểu nỗi niềm bức xúc của thi sĩ nên chân thành khuyên nhủ:

Rằng: “Con không nói Trời đã biế
tTrời dẫu ngồi cao, Trời thấu hết
Thôi con cứ về mà làm ăn
Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết!”.

Cuộc chia tay giữa thi sĩ với Trời và chư tiên diễn ra quyến luyến và xúc động. Ngày đã rạng, tiếng gà xao xác gáy. Thi sĩ tỉnh mộng nhưng ấn tượng về cuộc hầu Trời vẫn còn nóng hổi khiến thi sĩ bâng khuâng tiếc nuối và ao ước đêm nào cũng được lên thiên đình để hầu Trời.

Câu chuyện về cuộc đọc văn Hầu Trời và các chư tiên đã phản ánh khá rõ tâm hồn và tính cách của Tản Đà – một thi sĩ ngông và hay sầu mộng. Đó là một Tản Đà ý thức rất rõ về tài năng của mình, dám đàng hoàng, công khai thể hiện và khẳng định một cách tự hào, tự đắc về cái tài văn chương hơn người ấy. Thi sĩ chẳng ngần ngại tự khen mà còn mượn những lời tán dương của Trời cùng các chư tiên để đề cao thơ văn mình. Điều đó xuất phát từ niềm hãnh diện của một hồn thơ đã hấp thu được linh khí của sông Đà, núi Tản. Trong một bài thơ tự vịnh, Tản Đà đã kiêu hãnh viết:

Vùng đất Sơn Tây nảy một ông,
Tuổi chửa bao nhiêu văn rất hùng.
Núi Tản sông Đà ai hun đúc,
Bút thánh câu thần sớm vãi vung…

“Cái tôi”đó cũng thật ngông khi dám tìm lên tận thiên đình để khẳng định tài năng của mình trước các chư tiên và Ngọc Hoàng thượng đế!

Thái động ngông trong văn chương chính là phản ứng của những nghệ sĩ tài hoa, có cá tính mạnh mẽ, không chịu trói mình trong khuôn khổ chật hẹp có sẵn.Ngông cũng là thái độ của những người trí thức có nhân cách cứng cỏi, quay lưng ngoảnh mặt trước một xã hội bất công, nhiễu nhương mà họ không chấp nhận. Ngông trong văn chương bao giờ cũng gắn liền với tài hoa và nhân cách của người cầm bút. Tản Đà không phải là một trường hợp cá biệt trong văn học Việt Nam mà trước ông đã có quan Thượng Nguyễn Công Trứ với:Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng, ngẩng cao đầu thách thức:Trong triều ai ngất ngưởng như ông?Và chửi thói đời xấu xa bằng một câu thề như dao chém đá:Kiếp sau xin chớ làm người, Làm cây thông đứng giữa trời mà reo… Tú Xương thì chửi thẳng vào mặt cái xã hội thối nát, đảo điên:Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo, Nhân tình trắng thế lại bôi vôi…và định:Phen này ông quyết đi buôn lọng, Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng.

Việc nhà thơ thêu dệt nên chuyện Hầu Trời hàm chứa một sự thách thức đối với cái nhìn đầy thành kiến về bậc thang giá trị của con người trong xã hội tôn thờ đồng tiền, coi nhẹ các giá trị tinh thần. Cái ngông của Tản Đà có nhiều điểm tương đồng với cái ngông của Nguyễn Công Trứ thể hiện qua bài Bài ca ngất ngưởng: Ý thức rất cao về tài năng của bản thân, dám nói giọng bông lơn về những đối tượng như Trời, Tiên, Bụt; dám khẳng định“cái tôi cá nhân”vượt ra ngoài khuôn khổ của luân lý, đạo đức Nho giáo.

Lối kể bịa mà như thật và nụ cười hóm hỉnh tạo nên nội dung trữ tình của bài thơ, giúp người đọc hiểu sâu hơn về con người thi sĩ. Những yếu tố nêu trên là một phần tất yếu của bài thơ, hoàn toàn xứng hợp với câu chuyện Hầu Trời mà tác giả hư cấu. Ngôn ngữ trong bài thơ rất gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Từ dùng nôm na, bình dị, lại được đặt trong ngữ điệu nói nên càng ý vị:Văn dài hơi tốt ran cung mây! Văn đã giàu thay, lại lắm lối… Trời nghe Trời cũng bật buồn cười… Chư tiên ao ước tranh nhau dặn,… Đặc biệt, dưới ngòi bút của tác giả, Trời và chư tiên không có một chút gì là đạo mạo. Họ biểu hiện cảm xúc theo một cung cách rất đỗi… bình dân:lè lưỡi, chau mày, lắng tai đứng, vỗ tay, bật buồn cười, tranh nhau dặn,… Cứ tưởng tượng ra hình ảnh của các đấng cao siêu mà có những cử chỉ, điệu bộ ngộ nghĩnh, rất “người” như thế, ai mà chẳng buồn cười và khâm phục cách kể chuyện tự nhiên, sinh động của thi sĩ Tản Đà. Các đoạn đối thoại và miêu tả phản ứng tâm lý của từng nhân vật đan xen với nhau khiến người đọc có cảm tưởng mình đang được chứng kiến hoặc tham gia vào câu chuyện, cùng nếm trải, chia sẻ những phút sung sướng lạ lùng và đắc ý tột bậc của người kể chuyện.

Hầu Trời là bài một thơ hay, độc đáo, có nhiều nét mới mẻ về mặt thi pháp, tiêu biểu cho tính chất giao thời giữa cái mới và cái cũ trong nghệ thuật thơ Tản Đà. Qua bài thơ, người đọc có thể nhận ra đôi điều về xu hướng phát triển của thơ ca Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỉ XX.

Phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài thơ Hầu Trời – Mẫu 7

Tản Đà (1889-1939), tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, quê tỉnh Sơn Tây (nay là Ba Vì, Hà Nội), ông là một nhà thơ lớn đầu thế kỷ XX với một khối lượng các tác phẩm lớn gồm nhiều thể loại. Khác với nhiều trí thức đầu thế kỷ XX đang mải u buồn với nền Nho học thất sủng thì Tản Đà lại tự tìm cho mình một lối đi riêng, các tác phẩm đều thể hiện rõ nét sự chuyển giao thời đại, vẫn có những nét của thơ ca dân tộc nhưng xen vào đó là những sáng tạo, cách tân của riêng mình thi sĩ. Có lẽ chính vì tinh thần thơ ca độc đáo, thích ứng nhanh với thời cuộc nên thơ Tản Đà đã chinh phục được nhiều thế hệ độc giả mới đầu thế kỷ XX. Đọc thơ ông người ta luôn cảm nhận được một cái "tôi" lãng mạn, bay bổng vừa phóng khoáng, ngông nghênh, vừa cảm thương ưu ái, đặc biệt là sự tự ý thức về giá trị cá nhân và khao khát khẳng định mình trước cuộc đời. Hầu trời là một trong những bài thơ hay nhất của Tản Đà mà ở đó người ta thấy rõ được cái chất thơ của người thi sĩ, mà nổi bật nhất làm nên giá trị đặc sắc của bài thơ là một cái "ngông" rất Tản Đà.

Cái ngông của Tản Đà trong Hầu trời bắt nguồn từ việc nhà thơ mơ mình được lên thiên đình đàm đạo, độc thơ cho chư tiên cùng nghe, lẽ dĩ nhiên rằng việc tưởng tượng ra việc lên trời, sang cõi khác không phải là điều gì quá mới mẻ, đặc biệt là với thế hệ thi sĩ sinh sau đẻ muộn như Tản Đà. Người ta cũng đã nghe câu chuyện Cóc kiện trời, Chuyện người con gái Nam Xương, hay Chuyện chức phán sự đền Tản Viên nhưng có một điều khác biệt rằng, cách vào chuyện của Tản Đà khác với cổ nhân, chuyện hầu trời của ông vốn là một giấc mơ chứ chẳng phải là chuyện hoang đường kỳ ảo xảy ra trong thế giới thực tại. Chính điều đó khiến người ta hiểu thêm về một thi sĩ cô đơn trước cuộc đời, khao khát được thể hiện, được thấu hiểu nhưng khổ nỗi "Hạ giới văn chương rẻ như bèo", nên đành lòng ông phải tìm kiếm chốn cực lạc trong mơ cho thỏa nỗi lòng của thi sĩ. Như vậy đó chính là nền tảng khởi đầu cho cái ngông của Tản Đà - một giấc mơ hầu trời, còn việc Tản Đà ngông như thế nào ta phải xét đến việc Tản Đà đã nói gì và làm gì trong giấc mơ đặc biệt ấy.

"Đọc hết văn vần sang văn xuôi
........
Chửa biết con in ra mấy mươi?"

Phía trên là một đoạn thơ dài nói về cảnh Tản Đà đọc thơ trên thiên đình, cái ngông của thi sĩ trước hết là ở phong thái và điệu bộ khi đọc thơ. Có lẽ ít ai được như Tản Đà, một kẻ người trần mắt thịt nhưng lên tới tận cung mây mà vẫn mang phong thái ung dung, thích chí và vô cùng tự tin, ông đọc những vần thơ của mình một cách say sưa, mê đắm, đọc như chưa từng được đọc bao giờ "Đọc hết văn vần sang văn xuôi/Hết văn thuyết lí lại văn chơi". Và người thi sĩ lấy làm "đắc ý" lắm, một người phàm ngang nhiên đắc ý chốn tiên nhân, quả là ngông cuồng vô cùng, hơn thế nữa Tản Đà dường như xem chốn thiên đình là sân khấu của riêng ông, do ông làm chủ diễn, chư tiên cùng trời lúc này đây chỉ là bậc khán giả, đang phải ngưỡng mộ trầm trồ, mong ngóng từng vần thơ sốt dẻo, như trông chờ thứ âm thanh cực lạc. Cái ngông của Tản Đà còn biểu hiện ở việc ông được nhà trời săn sóc, châm trà cho "nhấp giọng" để lấy tinh thần đọc thơ, điều ấy chẳng phải thi sĩ đang tự nâng cao giá trị và tầm vóc bản thân ngang bằng với chư tiên hay sao, bởi phàm là vật của trời kẻ trần tục phúc phần độ nào mới được hưởng dụng?

Không chỉ ở phong thái tự tin, đắc ý khi đọc thơ mà Tản Đà còn "ngông" ở việc tự khen thứ văn chương của mình bằng những lời mà đôi lúc tôi nghĩ là có phần hơi tự phụ, kiêu căng một chút "Văn dài hơi tốt ran cung mây", rồi hấp dẫn đến độ thần tiên chốn cửu trùng thiên vốn từng kinh qua bao thứ nhạc họa, bao hỉ nộ ái ố trên đời, độ biết bao nhiêu kiếp cũng phải tấm tắc khen "Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay". Bởi mới nói tự tin đến mức chắc rằng văn chương hay đến mực được Trời công nhận thì chỉ đến Tản Đà mới thấy. Đồng thời sự hưởng ứng, say mê của chúng tiên đã xóa nhòa đi sự cách biệt thân phận của thần tiên và người phàm, giờ đây họ chỉ đang đứng trên bình diện thi nhân và người yêu thơ, chan hòa và gần gũi. Không chỉ vậy, Tản Đà còn mạnh dạn liệt kê hết những vốn liếng văn chương mà mình có được, nói trắng ra là đi khoe, một thi nhân đang vô cùng tâm đắc với thành tựu của mình chỉ muốn sao để người ta phải công nhận và thán phục, nào là "Hai quyển Khối tình văn thuyết lí/Hai Khối tình con là văn chơi/Thần tiên, Giấc mộng văn tiểu thuyết/Đài gương, Lên sáu văn vị đời/Quyển Đàn bà Tàu lối văn dịch/Đến quyển Lên tám nay là mười". Đặc biệt ông còn tự tin, vui vẻ khoe rằng "Nhờ Trời văn con còn bán được", phải nhắc lại rằng những năm đầu thế kỷ XX đất nước ta đang nằm giữa thế giao hòa của thời đại, văn chương, thi từ dường như đã bị dòng chảy của văn hóa ngoại bang làm cho khốn đốn lu mờ, thậm chí nhiều nhà trí thức cũ trở nên chán nản với cuộc đời, viết văn, viết thơ đã trở thành thứ vô giá trị, không sánh nổi với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Thế nhưng Tản Đà thì sao, ông vẫn ung dung, tự tin rằng thơ ca mình bán được, điều đó ngầm chứng minh rằng thơ văn của ông có sức hút mạnh mẽ vô cùng, trong thời cuộc rối ren mà người ta vẫn muốn đọc sáng tác của Tản Đà, đó không phải là một điều dễ dàng, đó là cả một tài năng. Thế nên Tản Đà có quyền được "ngông", được tự tin như thế cũng phải.

Cái "ngông" của Tản Đà không chỉ dừng lại ở việc đọc thơ cho chư tiên và Trời nghe mà còn nằm ở cách mà ông thưa chuyện với Trời, ở lối nói của ông không hề có sự e dè sợ hãi, mà thay vào đó là phong thái tự tin, thành thực, xen lẫn chút hóm hỉnh, vui tươi vô cùng thoải mái. Dựa và lối nói thì dường như Tản Đà xem chư tiên và Trời là những người bạn tâm giao, có như thế ông mới dám kể lể những điều mà bấy lâu nay bản thân ông luôn cất giữ trong lòng, đó là cuộc sống nghèo khó, khiến những nhà trí thức phải nhiều phen khốn khó. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong các câu:

"Văn chương hạ giới rẻ như bèo
Kiếm được đồng lãi thực rất khó.
Kiếm được thời ít tiêu thời nhiều
Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu."

Rồi thì Tản Đà còn "ngông" ở chỗ viết rằng mình vốn là một trích tiên bị đày xuống hạ giới vì tội "ngông", dễ có mấy người dám nghĩ mình là tiên, cho rằng cuộc sống khổ ải nơi trần gian là sự trừng phạt của Trời. Sau đó lại được Trời giải thích ấy không phải là Trời bắt tội mà là "Trời định sai con một việc này/Là việc "thiên lương" của nhân loại", ôi thế hóa ra Tản Đà là trích tiên được Trời tin tưởng, đưa xuống hạ giới thấu hiểu nhân gian một hồi đấy ư? Chưa hết cảnh Tản Đà trở về nhân gian cũng cho thấy cái "ngông" của Tản Đà, hết coi chúng tiên là bạn hữu, coi mình là tiên, giờ đến việc về nhà cũng khiến người ta thấy đặc biệt.

"Vâng nhời Trời dạy, lạy xin ra
Trời sai Khiên Ngưu đóng xe tiễn
Xe trời đã chực ngoài thiên môn
Chư tiên theo ra cùng tiễn biệt"

Chỉ một kẻ phàm phu (hoặc cũng có thể là trích tiên) nhưng lại vinh hạnh được thiên đình ưu ái cho xe Khiên Ngưu đưa tiễn, chúng tiên thì lũ lượt tiễn đưa, không khí ấy cảnh tượng ấy quả thật khó mà có thể tưởng tượng được. Có thể nói rằng cái "ngông" của Tản Đà dường như ở ý thơ nào cũng thấy xuất hiện, lúc đậm lúc nhạt nhưng không hề thiếu. Không chỉ trong mình ý thơ mà ở cả cách dùng từ, hành văn hóm hỉnh, phóng khoáng, bay bổng cũng góp phần làm cho cái "ngông" của Tản Đà nổi bật hơn.

Kết lại rằng, Tản Đà - "người của hai thế kỷ" (Hoài Thanh), nên lối viết và lối suy nghĩ có phần khác biệt và nổi trội bởi khi đứng giữa hai dòng nước, con người ta thường bị ép bật ra cái khác biệt, một là bị nhấn chìm và hai là ngược dòng để vươn lên, Tản Đà là kiểu thứ hai ấy. Và một khi đã bật lên được thì người thi nhân lại mang đến những nguồn cảm hứng mới mẻ, điển hình là cái "ngông" xuất phát từ khao khát được khẳng định tài năng, khẳng định cái tôi cá nhân mạnh mẽ giữa dòng đời phức tạp, nhiều biến động. Nhưng đáng buồn rằng, khoảng thời gian đầu thế kỷ XX Tản Đà vẫn còn phải vật lộn, bươn chải nhiều và thơ ông cũng chưa tìm được cho mình một vị thế xứng đáng mà nó cần có, thế nên ông phải tìm một nơi chốn khác để khẳng định giá trị thực của bản thân, dù chỉ là trong mơ, một giấc mơ tên Hầu trời.

Phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài thơ Hầu Trời – Mẫu 8

Nam Cao đã từng nói: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” chính điều đó làm nên cái tôi cá nhân có dấu ấn riêng biệt của mỗi tác giả. Tản Đà là một nhà văn có cái tôi ngông khác người nên thơ văn ông để lại một nét đặc sắc không thể lẫn với bất kì nhà văn nhà thơ nào. Đặc biệt cái tôi ngông ấy được thể hiện xuất sắc trong bài thơ “Hầu trời” với lối viết phóng khoáng, tự do khẳng định tài năng của bản thân.

Khái niệm “ngông” trong dùng để chỉ thái độ ứng xử xã hội và nghệ thuật khác thường với mọi người của các nhà văn, nhà thơ có ý thức cao về tài năng và phẩm chất cá nhân. Trong văn học trung đại ta đã từng bắt gặp cái tôi ngông của Nguyễn Công Trứ trong “Bài ca ngất ngưởng” hay Cao Bá Quát nay ta lại gặp Tản Đà dù không phải là cái ngông duy nhất nhưng vẫn có những điểm đặc thù do quy định thời đại thi sĩ sống là lúc giao thời Đông Tây, Hán học suy tàn và Tây học bắt đầu phát triển. Thơ văn Tản Đà được coi là dấu gạch nối giữa hai thế kỉ: trung đại và hiện đại.

Trong bài thơ “Hầu trời” cái tôi ngông được thể hiện ngay ở nhan đề tác phẩm. Trời ở tận trên cao xa có ai lên đến được với trời để hầu vậy mà Tản Đà lại hầu trời bằng văn thơ. Không chỉ vậy cái ngông ấy còn được thể hiện ở những nội sau.Tác giả tự cho rằng văn thơ mình hay khi “Tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà” nên khiến Trời mất ngủ đành phải cho hai cô tiên xuống mời thi sĩ lên đọc thơ. Ông tự tin khẳng định cái tôi cá nhân của mình bằng cách “Đọc hết văn vần sang văn xuôi/ Hết văn lí thuyết lại văn chơi”, ông liệt kê những áng văn của mình như: khối tình, khối tình con, thần tiên, giấc mộng, đài gương, lên sáu, đàn bà Tàu, lên tám. Nhà trời nghe xong gật gù khen: “Văn đã giàu thay, lại lắm lối”/ “Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay”, các chư tiên cũng tấm tắc ngợi ca: “Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi/ Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày/ Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng/ Đọc xong mỗi bài cũng vỗ tay”. Thi sĩ đã mượn lời của Trời để khẳng định tài năng văn chương bản thân đặc biệt là câu thơ: “Trời lại phê cho: Văn thật tuyệt/ Văn trần được thế chắc có ít/...”. Ta từng bắt gặp lời tự ý thức tài năng bản thân trong thơ ông như: “Sông Đà núi Tản đúc nên ai/ Trần thế xưa nay được mấy người”. Tản Đà rất tự tin thể hiện mình bằng tất cả vốn văn chương có được, ông khẳng định có mấy người được như ông.

Cái tôi ngông được thể hiện khi được Trời hỏi danh tính ông đã tự tin xưng tên họ đầy đủ. “Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn/ Quê ở Á Châu về Địa cầu/ Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”. Trong thơ ca trung đại với đặc trưng cái tôi cá nhân bị lu mờ nhưng cũng có không ít trường hợp không ngần ngại xưng danh như Hồ Xuân Hương “Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi/ Này của Xuân Hương đã quệt rồi” hay Nguyễn Công Trứ với câu thơ “Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”. Cái ngông của Tản Đà cũng lặp lại điểm giống tuy nhiên cách nói của thi nhân đặc biệt hơn các nhà thơ trước. Ông công khai lí lịch rõ ràng và rất hiện đại có đầy đủ họ tên, quê quán, quốc tịch, châu lục, hành tinh. Qua đó ta có thể thấy được con người tài năng và phẩm chất đáng quý của ông. Thi sĩ ý thức tài năng văn chương bản thân và tự tin bộc lộ bản ngã cá nhân không chút ngần ngại không những vậy ta còn thấy được tấm lòng yêu nước sâu sắc của bậc trí thức công khai mình ở “Sông Đà núi Tản nước Nam Việt” trong hoàn cảnh chủ quyền đất nước bị xâm lăng, nền độc lập dân tộc bị đe dọa. Chính điều đó khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc của thi sĩ. Đúng như lời nhận xét của Xuân Diệu: “Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám giữ một cái tôi”

Cái tôi ngông Tản Đà còn được thể hiện khi ông tự coi mình là một vị tiên trên trời bị đày xuống hạ giới vì tội ngông. Ông cũng tự nhận mình là người nhà Trời được sai xuống hạ giới để thực hiện sứ mệnh cao cả: “Là việc thiên lương của nhân loại/ Cho con xuống thuật cùng đời hay”. Ông tự bịa chuyện lên hầu trời bằng tài năng văn chương cá nhân cũng là để thể hiện sự đối lập nhân cách, lối sống với giai cấp phong kiến, Tản Đà tự thấy mình là người không có ai là kẻ tri âm tri kỉ với mình. Chưa bao giờ ta thấy một cái tôi ngông bạo dạn như thế. Nếu các tác giả trước tự khẳng định mình về con đường công danh, kinh bang tế thế còn Tản Đà lại thể hiện tài văn chương hơn người hơn đời. Một nét đặc biệt cái ngông Tản Đà có điểm đặc thù do sự quy định của thời đại ông sống trong thời điểm giao thời loạn lạc, chế độ phong kiến suy tàn, Nho học nhường lối cho chữ quốc ngữ và văn chương hiện đại nên ông không đề cao “Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ trung” như Nguyễn Công Trứ. Ông tự do sống đúng với bản ngã cá nhân mới mẻ phù hợp với thời đại lúc bấy giờ.

Như vậy cái tôi ngông của Tản Đà đã làm nên một dấu ấn cá nhân riêng biệt trong nền văn học dân tộc khiến cho ai đọc thơ ông không thể quên được cái ngông ngạo nghễ với đời thật xác đáng với lời nhận xét của Lê Thanh: “Ông Tản Đà là người thứ nhất và là người độc nhất của thế hệ ông đã làm sống lại cái hồn thơ Việt Nam đang hấp hối, tôi không muốn nói đến đã chết rồi. Ông ra đời đem cho chúng ta một thi sĩ thành thực dám ca hát cái đời sống của lòng; ông đã mơ mộng, đã chán đời, yêu đời, thiết tha với đời một cách tự do, ông đã dám ngông, dám có một bản ngã, dám công nhiên để cho cái chữ tình mê man của mình rãi trong văn thơ”.

Phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài thơ Hầu Trời – Mẫu 9

Người ta nói nhiều về Tản Đà vào những năm ấy, thời khắc chuyển giao của văn chương truyền thống và văn chương hiện đại. Đó là nhà thơ của hai thời đại, “dấu gạch nối giữa hai thế kỉ” bởi nhiều lý do. Ông tiêu biểu cho kiểu nhà nho tài tử, là người đầu tiên mang văn chương ra bán phố phường. Đó là những đóng góp mới mẻ của ông về hình thức thơ, diện mạo thơ vừa lãng mạn vừa cảm thương, vừa mới mẻ vừa giữ cốt cách hồn thơ dân tộc. Nhưng có lẽ không ai phủ nhận được, điều mà Tản Đà ghi dấu ấn trong lòng độc giả lại chính là cá tính trong thơ, còn gọi là cái tôi ngông mà ông đã bộc lộ. Và một trong những thi phẩm thể hiện được đó, là Hầu Trời. Bài thơ được in trong tập Còn chơi, năm 1921 thể hiện được đậm nét cái tôi ngông của nhà thơ.

Nét ngông trong thơ vốn không phải là một điều xa lạ. Nhắc đến cá tính này phải kể đến Nguyễn Công Trứ trước đó, và lớp sau này là Nguyễn Tuân. Và đến đây, chúng ta có Tản Đà. Khi những cốt cách nghệ sĩ tài hoa này bộc lộ cái ngông là khi họ ý thức rất cao về tài năng và giá trị của bản thân mình trước cuộc đời. Họ bộc lộ điều đó để tự tin, để hãnh diện nhưng cũng là để thách thức trước cuộc đời. Và từ đó họ tạo cho mình một phong cách, một cá tính riêng, độc đáo không pha lẫn được. Tản Đà trong Hầu Trời đã có một cái tôi ngông độc đáo như thế.

Thơ Tản Đà hay thơ ca cùng thời cũng có nói về việc lên tiên, để thoát li khỏi cuộc sống “trần thế em nay chán nửa rồi”. Nhưng Tản Đà thoát li lên trời lần này là để đọc thơ, ngâm văn. Chốn thiên môn đế khuyết ấy tưởng chỉ để rong chơi, hưởng thụ, nhưng nhà thơ đã tự hóa thân mình thành một thi sĩ biểu diễn tài năng. Mà cái cớ lên trời ấy người ta nghe tưởng chừng phi lý nhưng rồi cũng thấy rất tự nhiên và đáng tin. Chỉ là một đêm mất ngủ, uống trà, chơi trăng và ngâm văn, ấy vậy mà tiếng ngâm vang cả đến sông Ngân Hà khiến Trời phải sai người xuống đón lên để đọc cho nghe. Rõ ràng là một câu chuyện không có thật, quá lạ lùng nhưng cái cách dẫn dắt, trình bày lại khiến người ta thấy thú vị, hóm hỉnh. Phải bằng cái tôi cá tính như Tản Đà mới nghĩ ra được một câu chuyện như thế.

Không bỏ lỡ cơ hội được lên trời đọc thơ, thi sĩ đã hào hứng, phấn khởi mà “quảng cáo” tài năng: văn vần, văn xuôi, văn thuyết lí, văn chơi và cả hàng loạt các sáng tác đã in cả rồi:

Chưa thấy ai khéo léo, tài tình mà cũng đầy ngông nghênh như Tản Đà qua cách đọc thơ cho Trời nghe như vậy. Cái tôi cá tính của ông đã bộc lộ một cách rất tự nhiên mà không phải ai cũng làm được và dám làm. Tài năng được thế gian công nhận đã là một việc làm vô cùng khó, vậy mà giờ đây lên tới chốn thiên môn đế khuyết để khẳng định thì không thể không nói là rất ngông. Chỉ cần nhìn biểu hiện của các chư tiên và lời khen nức lòng của Trời cũng đủ thấy cách bộc lộ tài năng của Tản Đà có nét độc đáo như thế nào.

Táo bạo hơn, thi nhân còn được động viên: Anh gánh lên đây bán chợ Trời. Trong âm hưởng của sự say mê, hứng khởi, người ta không thấy một Tản Đà đang phô diễn, khoe khoang tài năng mà đó chỉ là một dịp để người nghệ sĩ thăng hoa trên tài năng của chính mình. Phải ý thức về tài năng cao độ, phải tự hào, kiêu hãnh về giá trị bản thân đến mức như thế nào mới dám bộc lộ đầy táo bạo như thế. Cái đó người ta gọi là ngông, cũng chỉ có Tản Đà mới ngông đầy nghệ sĩ và tài hoa như thế.

Nhưng nhịp điệu của cái ngông không bay bổng theo chiều đi lên như người đọc tưởng mà nó có độ lắng sâu dưới màn tái hiện bức tranh cuộc sống của người nghệ sĩ trước thời kì khốn khó của kẻ nặng mệnh văn chương. Trong màn đối thoại với Trời, Tản Đà đã giúp người đọc hình dung ra điều đó, cũng là cách ông bộc lộ cái tôi ngông khác của mình trong bài thơ. Nhà thơ chẳng ngại mà giấu giếm, đã giới thiệu một cách đầy tự tin.

Việc tâu bày này không phải là để than nghèo kể khổ, không mong được ban phước lộc ân để có giàu sang phú quý. Mà mục đích lên hầu trời là để được tri âm. Có thể thấy đằng sau một Tản Đà hào hứng, tự tán dương là một người đầy cô đơn. Ông phải lên tới trời để tìm kiếm sự đồng cảm, khát khao được thừa nhận tài năng. Vì vậy, kể về cuộc sống nghèo khó, thậm chí cùng cực kia là cách để nhà thơ bộc lộ rõ hơn sự thấu hiểu về nghề văn bạc bẽo, nghèo nàn mà mình đang phải bám víu. Cách tìm kiếm ấy trong lời thơ chất chứa đầy tâm sự và cảm hứng tự sự cũng là một cách ngông trong cái tôi của Tản Đà.

Nhưng chưa dừng lại ở đó, cái ngông của Tản Đà còn thể hiện ở thái độ khác thường khi khẳng định bản thân mình. Trong cuộc đối thoại với Trời, nhà thơ cho rằng kẻ tên Nguyễn Khắc Hiếu bị đày xuống hạ giới vì tội ngông. Hóa ra, thi nhân vốn là một vị trích tiên, là người nhà trời. Dẫu Trời có khéo léo sửa lại không phải là đày mà là giao cho sứ mệnh “thiên lương” của nhân loại để xuống thuật cùng đời hay thì cái ngông vẫn không giấu đi được. Bởi cái ngông này đã hóa thành một ý thức đối lập với xã hội đương thời. Làm sao thi sĩ gánh vác được điều đó, khi mà xã hội lúc bấy giờ đẩy những người như ông vào cảnh khốn khó. Cho nên ngầm trong ý đó, Tản Đà muốn đề cập tới khát vọng mà ông đã từng theo đuổi, đó chính là cải cách xã hội. Nhưng chúng ta đã nhận ra cái lực bất tòng tâm của thi nhân. Bởi vậy cái tôi ngông, ngạo nghễ, thách thức với đời mà có phần vẫn bất lực. Đó là xu thế chung trong tâm lý của giới văn sĩ lúc bấy giờ.

Nhưng không thể phủ nhận cái ngông trong Hầu Trời không chỉ ở nội dung mà cả phương diện nghệ thuật. Lựa chọn một thể thơ thất ngôn quen thuộc, nhưng nhà thơ lại viết nó ở cấp độ trường thiên. Hơn nữa kết cấu các khổ không phải 4 dòng một khổ như thông thường mà có đoạn lên đến 6, 10, 12 dòng. Chính vì sự phóng khoáng, tự do về thể thơ như vậy đã giúp cho nhà thơ thỏa chí bộc lộ cái tôi của mình. Thêm nữa còn phải kể đến một cấu tứ đặc biệt trong bài chính là mạch trữ tình không tạo ra bởi cảm xúc mà bởi chất tự sự. Đúng ra bài thơ là một câu chuyện khá rõ ràng theo kết cấu thời gian. Lại có thêm một tình huống bất ngờ tạo nên một câu chuyện rất hấp dẫn, hóm hỉnh và có duyên. Ngôn ngữ thơ không quá trau chuốt, cầu kì nhưng pha trộn giữa sự có chọn lọc và cả nét bình dị, nôm na. Bởi vậy, ngay cả tạo nên một bài khá dài nhưng vẫn tạo dấu ấn đặc biệt như thế. Cũng là cách mà Tản Đà khẳng định cái tôi ngông độc đáo của mình.

Nhà thơ Xuân Diệu từng nói rằng: “Tản Đà là thi sĩ đầu tiên, mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng, bạo dạn, dám giữ một cái tôi”. Lời nhận định đó chỉ khác ở chỗ là thay vào đó bằng một chữ ngông. Bản lĩnh của thi nhân, cái tôi độc đáo, mới mẻ là những gì Tản Đà góp mặt vào thơ ca thời kì đó. Nhưng chắc chắn với Hầu Trời ông đã làm cho bản ngã của mình được khẳng định một cách tài hoa như thế.

Phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài thơ Hầu Trời – Mẫu 10

Xuân Diệu đã từng nhận xét Tản Đà: “có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng, bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám có một cái tôi”. Đây quả là một nhận xét xác đáng về bản lĩnh cá nhân, về cái tôi ngông ngạo, hơn đời của Tản Đà. Cái tôi “ngông” là một nét đặc sắc, tạo nên dấu ấn riêng trong sáng tác của ông. Và được thể hiện đặc biệt rõ nét qua tác phẩm Hầu trời.

Ngông là khái niệm để chỉ tính cách ngang tàng, bất cần. Nhưng đối với kẻ sĩ ngông chính là để thể hiện một cái tôi cao ngạo, khác người. Bởi họ tự tin vào tài năng, nhân cách của bản thân, họ dám đem tài năng để khẳng định với đời.

Ngông vốn không phải là khái niệm xa lạ trong văn học, ta có thể kể đến những tác giả tiêu biểu cho lối sống đó như cái tôi rất ngông của Nguyễn Công Trứ:

Đến Tản Đà, cái ngông tiếp tục được phát triển và được khẳng định một cách mạnh mẽ. Cái ngông trong bài Hầu trời trước hết được thể hiện trong hành động muốn được lên trời, bởi ông cho rằng chỉ có Trời mới đánh giá đúng tài năng của mình:

Cách vào đề của ông thật dí dỏm, hài hước, ông một mực khẳng định việc mình được lên tiên là thật, không hoảng hốt, không mơ mòng, cái thật ở cả phách, hồn, thân thể. Cuộc vượt thoát trần tục, lên tiên đối với ông là có thật, là không thể chối cãi. Đồng thời ông cũng lí giải lí do mình lên tiên:

Câu thơ như một lời khẳng định tài năng của bản thân vọng vang cả trời đất, khiến cả Trời cũng phải sai người xuống mời ông lên đọc. Đây là biểu hiện thứ nhất trong cái tôi ngông ngạo của Tản Đà.

Không dừng lại ở đó, ý thức khẳng định cái tôi được thể hiện rõ hơn ở đoạn ông tự khen chính mình:

Tài năng hơn người khiến Tản Đà không ngần ngại thể hiện bản lĩnh cái tôi cá nhân, những tác phẩm của ông đều được liệt kê với những đặc điểm nổi bật của chúng: Khối tình con, Thần tiên, Giấc mộng. Rồi ông tự khen mình “Văn đã giàu thay, lại lắm lối”. Đây không phải là lần đầu tiên Tản Đà tự khen ngợi mình, trong bài Tự trào ông đã viết: “Vùng đất Sơn Tây nảy một ông/ Tuổi chửa bao nhiêu văn rất hùng/ Sông Đà núi Tản ai hun đúc/ Bút thánh câu thần sớm vãi vung”. Cho thấy ý thức cao độ về cái tôi của mình trong thơ ông.

Nghe những lời nhận xét ấy, trời cũng phải bật buồn cười và phê cho “văn thật tuyệt” “văn trời được thế chắc có ít”. Các chư tiên thì khen ngợi bằng những lời khen ngợi không tiếc lời: lời văn như sao băng, khí văn như mây chuyển, nhẹ như sương, êm như gió. Và họ tranh nhau ao ước, dặn: “Anh gánh lên đây bán chợ Trời”. Quả thật chỉ có ở nơi tiên giới này Tản Đà mới tìm được người bạn tri âm tri kỉ với mình, bởi dưới hạ giới văn chương rẻ như bèo, ít được trân trọng. Còn ở đây ông đã tìm được tri âm tri kỉ, bởi chỉ có những người như họ mới cảm nhận được hết tài năng của ông.

Đã có mấy ai trong văn học, dám xưng họ tên đủ đầy trong tác phẩm của mình, ấy vậy mà có một thi nhân tên Tản Đà, khi hầu trời đã dám làm việc đó: “Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn/ Quê ở Á Châu và Địa cầu/ Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”. Một nhân cách hơn người, một bản lĩnh khác thường ở con người tài năng và nhân cách này. Lời thơ tràn đầy niềm tự hào về bản thân, quê quán, và ý thức tự tôn dân tộc sâu sắc. Cách nói thật trịnh trọng, đầy khẳng định về tài năng, nhân cách của chính mình.

Đồng thời Tản Đà cũng tự nhận mình là một Trích tiên bị đày xuống trần gian vì tôi ngông, nhưng ngay sau đó ông đã khẳng định: “Trời rằng: không phải là Trời đày/ Trời định sai con một việc này/ Là việc “thiên lương” của nhân loại”/ “Cho con xuống thuật cùng đời hay”. Ông xuống trần gian để thực hiện một sứ mệnh cao cả, thực hành thiên lương, đem lại đời sống tốt đẹp cho con người. Nhưng đây quả là một nhiệm vụ khó khăn, ở giữa trốn trần gian đầy hiểm ác, bon chen, giữ được thiên lương và truyền bá thiên lương quả thực không hề đơn giản. Việc ông tự nguyện gánh vác nhiệm vụ Trời trao cho thấy nhân cách cao đẹp của thi nhân.

Thể thơ thất ngôn trường thiên, đã cho phép tác giả thể hiện một cách thoải mái cảm xúc của bản thân. Bài thơ Hầu trời đã thể hiện một cách đầy đủ cái tôi đầy ngông ngạo của Tản Đà trước cuộc đời. Ông ý thức sâu sắc về tài năng của bản thân, ông thời cũng ý thức hiện thực xã hội thối nát lúc bấy giờ. Qua đó cũng cho người đọc thấy một cái tôi ngông nhưng cũng đầy cô đơn, bế tắc trước thời cuộc.

Phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài thơ Hầu Trời – Mẫu 11

Sinh ra và lớn lên trong buổi giao thời (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX), lúc Hán học đã tàn và Tây học lại chỉ mới bắt đầu, nên Tản Đà mang đậm dấu ấn của “người của hai thế kỷ” (Hoài Thanh) kể cả học vấn , lối sống và văn chương. Riêng về lĩnh vực văn chương, Tản Đà được mệnh danh là người đi tiên phong cho sự cách tân nghệ thuật trong thơ, đã đặt một cái gạch nối giữa văn học truyền thống và văn học hiện đại. Như lời nhận xét của Hoài Thanh, Tản Đà là người “dạo bản đàn mở đầu cho một cuộc hoà nhạc tân kỳ đương sắp sửa, là người báo tin xuân cho phong trào thơ mới sau này”. Với điệu tâm hồn mới mẻ, cái tôi lãng mạn bay bổng, vừa phóng khoáng, ngông nghênh, vừa cảm thương, ưu ái trong thơ văn, Tản Đà đã chinh phục thế hệ độc giả mới đầu thế kỷ XX. Giữa lúc thơ phú nhà nho tàn cuộc, Tản Đà có lối đi riêng, vừa tìm về với ngọn nguồn thơ ca dân gian và dân tộc, vừa có những sáng tạo độc đáo tài hoa. Nhà thơ Xuân Diệu cũng nhận xét: “Tản Đà là thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ một cách đường hoàng, bạo dạn, dám giữ một cái tôi”. Đi từ truyền thống đến hiện đại, tất nhiên số phận thơ văn Tản Đà lúc đầu cũng có nhiều trở ngại. Nhưng với bản lĩnh vững vàng và tài năng, Tản Đà đã khẳng định được vai trò và vị trí của mình. Tất cả đã tạo cho thi sĩ giữ vững một cái “ngông” hơn người. Và, “Hầu Trời” là một trong những bài thơ tiêu biểu kết tinh những nét rất riêng để tạo nên cái “ngông” mới mẽ ấy.

Cái “ngông” và biểu hiện của cái “ngông” trong thơ nói chung. “Ngông” vốn là một sản phẩm của xã hội, đặc biệt là xã hội phong kiến Á Đông. Ở cái xã hội lễ nghi chặt chẽ, khuôn phép của Nho giáo, cá tính độc đáo thường bị cho là ngông, là khác đời. Trong văn chương, “ngông” thường biểu hiện bằng thái độ phản ứng của người nghệ sĩ tài hoa, có cốt cách, có tâm hồn, không muốn chấp nhận sự đơn điệu, bằng phẳng, sáo mòn, không muốn chấp nhận cái tầm thường, nhỏ nhoi; thích phá cách, tự đề cao, phóng đại cá tính của mình…Nhưng những biểu hiện ấy nhằm một mục đích để thể hiện tâm hồn lãng mạn đầy bản lĩnh, để thể hiện một quan điểm sống tích cực có ích cho đời, khẳng định cá tính và tài năng của mình trước cuộc đời.

Như vậy, cái ngông ở đây được nói đến là ngông dựa trên sự kết hợp không tách biệt giữa cá tính và bản lĩnh, tài năng của con người. Nghĩa là, chỉ những người tài năng, tự tin bởi cái tài của mình, tự tin để khẳng định nó với đời mới là cái ngông được người đời chấp nhận. Người ngông tạo cho mình những phong cách riêng, mới và khác hơn người khác nhưng phải để lại những dấu ấn sâu đậm, không thể trộn lẫn với người khác. “Hầu Trời” của Tản Đà đã tạo cho tác giả một cái ngông, một cái tôi độc đáo như thế.

Tản Đà là nhà nho nhưng không phải là nhà nho chính thống theo kiểu ẩn dật – hành đạo. Ông là nhà nho tài tử, nhà nho ít chịu khép mình trong khuôn phép nho gia. Tản Đà thuộc lớp nhà nho “Vứt bút lông nắm lấy bút chì” và là một trong những người Việt Nam đầu tiên sinh sống bằng nghề viết văn, xuất bản, sống theo phương thức của lớp tiểu tư sản thành thị đem văn chương đi bán khắp phố phường. Vì vậy, những thú vui tao nhã như vịnh phong hoa tuyết nguyệt với chơi cầm kỳ thi hoạ thường thấy trong thơ cổ giờ không còn phù hợp nữa. Cái cần nói trong thơ lúc này là tất cả cảm xúc trước thời thế xã hội đổi thay khiến lòng người băn khoăn, khó hiểu. Con người phải tìm một cái gì đó trong đời này để vịn vào mà làm phao cứu cánh. Nhưng sống giữa cảnh đất nước lầm than và nhố nhăng thời đó, Tản Đà không chịu nhập cuộc, ông đã lánh đục theo trong, tự mình tìm kế sinh nhai, sẵn sàng đánh đổi cái nghèo vật chất để lấy cái giàu về tinh thần. Giữa cái ác, Tản Đà tách ra để lấy cái thiện, giữa cái xấu, Tản Đà có ý thức vươn lên cái đẹp. Đằng sau cái ngông của Tản Đà là cá tính tự nhiên, nhưng một phần là do Tản Đà tự tạo ra để phản ứng lại với cái thứ ô trọc giữa cuộc đời. Phải chăng vì thế, mà chốn trần gian cũng không thể dung nạp một tấm lòng được coi là cao khiết như tiên sinh. Không ai hiểu được cá tính và tài năng thực sự của mình. Vì thế, Tản Đà không tha thiết gì với trần gian mà tìm tận chốn trời cao để khẳng định tài năng hơn người và từ đó khẳng định cái tôi cá thể không trùng lắp với ai – một cái tôi ý thức rất cao về cá nhân mình.

Cái ý thức sâu sắc về tài năng của Tản Đà được bộc lộ qua việc ông đã tạo ra một bối cảnh thật tự nhiên nhưng rất có duyên về câu chuyện được lên hầu trời và mượn lời của trời để khen thơ của mình:

Cái duyên được lên hầu Trời gắn liền với câu chuyện văn thơ, gắn liền với những phút cảm hứng của nhà thơ. Chuyện tưởng tượng nhưng như thật, có lẽ cái tôi độc đáo của Tản Đà là ở chỗ vào đề tự nhiên, hấp dẫn nhưng có duyên ấy. Xuân Diệu, nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới”, cũng phải trầm trồ trước sự độc đáo của Tản Đà: “Vào đột ngột câu đầu cũng ra vẻ đặt vấn đề cho nó khách quan, nghi ngờ theo khoa học, để ba câu sau toàn là khẳng định, ăn hiếp người ta”. Để thế gian thấy tài năng của nhà thơ đã khó vậy mà ngay đến Trời còn say mê, chư tiên yêu thích thì thật lạ lùng. Vậy mới thấy được cái ngông của nhà thơ biểu hiện mạnh mẽ qua bài Hầu Trời. Đã có dịp được lên Thiên đình, vì thế Tản Đà tranh thủ "quảng cáo” tài năng của bản thân:

Tác giả đọc thơ rất tự tin, khoe tài của mình, đọc cao hứng và nhập thân vào tác phẩm. Qua đó bộc lộ cái tôi in đậm phong cách cá nhân tự ý thức về tài năng của chính ông. Sẵn tiện nhà thơ giới thiệu luôn những tác phẩm của mình:

Nhà thơ có vẻ rất đắc ý bởi ông ý thức được cái tài của mình. Khẳng định bản ngã cái tôi phóng túng, ý thức tài năng giá trị của mình giữa cuộc đời. Trước Tản Đà các nhà nho tài tử đều hết thảy thị tài nhưng chữ tài mà họ nói tới nhiều khi mang một nội hàm khá rộng. Họ không dám nói đến cái hay, cái "tuyệt” của thơ mình, hơn nữa, lại nói trước mặt Trời. Rõ ràng ý thức cá nhân ở nhà thơ đã phát triển rất cao độ. Chính vì vậy mà đến Trời cũng phải tán thưởng:

Đọc xong mỗi bài cùng vỗ tay.”

Chính vì tình yêu văn chương, ông mới tự tin sáng tác, chuyển tải những tư tưởng tình cảm mới mẻ vào trang thơ. Dường như với ông, hầu Trời là khoảnh khắc đẹp nhất. Vì thế ông mới đem cái tài của mình để thể hiện trước Trời cùng chư Tiên. Và lúc này quan niệm mới mẻ của ông được bộc lộ: sáng tác văn chương là một nghề. Dù không biểu hiện trực tiếp nhưng đằng sau các câu chữ ta vẫn thấy có một sự hình dung khác trước về hoạt động tinh thần đặc biệt này. Với Tản Đà, văn chương là một nghề kiếm sống mới, có người bán kẻ mua, có thị trường tiêu thụ và bản thân thị trường đó cũng hết sức phức tạp, không dễ chiều. Đặc biệt hơn dường như nhà thơ đã ý thức được sự cần thiết phải chuyên tâm với nghề văn, phải có vốn để theo đuổi nó:

Thật ngang tàng khi thi sĩ muốn "gánh văn” lên Trời để bán.

Làm náo động thiên cung bằng những lời văn giàu thay lắm lối, nay nhà thơ còn muốn nói của ông được lan rộng cung đình để mọi người biết đến ông- một tài năng thực thụ của trần thế. Thế mới thấy được cái tôi mạnh mẽ đến nhường nào.

Để Trời hiểu thơ, khen văn thơ tuyệt, Tản Đà liền đó “tâu trình” rõ ràng thân thế của mình, phù hợp hoàn toàn mạch chuyện:

Khác người xưa, Tản Đà đã tách tên, họ theo một kiểu công khai lý lịch rất hiện đại, lại còn nói rõ bản quán, châu lục, trên hành tinh. Qua đó ông thể hiện niềm yêu nước tha thiết, đầy tự hào về bản thân, ý thức cá nhân tự tôn dân tộc sâu sắc. Một cái tên - tên thật chứ không phải tự hay hiệu - mà được nói ra trịnh trọng đến vậy hẳn nhà thơ phải thấy có một giá trị không thể phủ nhận gắn liền với nó. Cũng qua câu thơ, tác giả ngầm giới thiệu bút hiệu của mình. Tản Đà là con người khoe tài, thị tài và rất ngông cho nên trước chư tiên không bao giờ kiềm chế mà luôn thể hiện hết tài hoa của mình.

Nhưng khoảnh khắc “Hầu Trời” ngắn ngủi không dừng lại ở việc mượn lời của trời để khen thơ của mình và tự xưng tên tuổi mà qua đó, ta thấy ở Tản Đà còn có một khát khao tri âm tri kỷ, mà bạn tri âm này không phải là người đặc biệt, mà là trời cao. Để từ đó, vạch ra thực tế phũ phàng: tài năng không thống nhất với số phận; để chỉ cho người đọc: ở cuộc đời nhà thơ thiếu tri âm, tri kỉ và bất hòa với cuộc đời:

Vì vậy ông khát khao lên Trời đọc thơ và tìm được người tri âm. Chỉ có Trời và chư tiên mới hiểu cái hay, cái đẹp trong thơ ông. Và lời Trời khen hắn là sự thẩm định có sức nặng nhất, không thể bác bỏ, nghi ngờ. Đó là niềm khát khao chân thành trong tâm hồn của thi sĩ. Giữa chốn hạ giới văn chương rẻ như bèo, thân phận nhà văn bị rẻ rúng, khinh bỉ, Tản Đà không tìm được tri âm tri kỷ, phải lên tận cõi tiên mới được thõa nguyện. Vào đầu những năm đầu của thế kỷ XX, khi thơ phú nhà Nho, Hán học đã tàn mà thơ mới chưa ra đời, Tản Đà là nhà thơ đầu tiên đã thổi vào làn thơ một nét mới, đã dám mạnh dạn khẳng định bản ngã của mình bằng nét riêng: thoát ly hiện thực tầm thường đen tối để đến một nơi thanh khiết.

Khẳng định tài năng hơn người, đó là sự kế thừa nét ngông của các nhà nho truyền thống. Song, trong sự ngông của Tản Đà, người ta không thấy cái ngông đến mức lấy thú ăn chơi hưởng lạc có phần tiêu cực như một cách để đối lại với đời như Nguyễn Công Trứ. Và cũng không thấy cái ngông trong việc đi tìm một phong cách, một lối thể hiện riêng của người tôn thờ cái đẹp như Nguyễn Tuân… Cái ngông của Tàn Đà là cái ngông của một người chìm đắm trong mộng: mộng về cuộc đời, mộng về sự đổi thay, say để mộng, mộng để ngông với người đời. Nhưng có thể thấy rằng, họ gặp nhau ở một điểm cơ bản mà nếu như thiếu nó thì sẽ không thể "ngông” được đó là cái tài, cái tình và ý thức về cái tôi bản ngã của chính mình. Họ làm nên những phong cách nghệ thuật riêng độc đáo, nhưng ấn tượng đặc biệt, không thể nào phai trong lòng người đọc và không lẫn với cái ngông của nhà thơ nào khác.

Phân tích cái tôi ngông của Tản Đà trong bài thơ Hầu Trời – Mẫu 12

Tản Đà (1889-1939), tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, quê tỉnh Sơn Tây (nay là Ba Vì, Hà Nội), ông là một nhà thơ lớn đầu thế kỷ XX với một khối lượng các tác phẩm lớn gồm nhiều thể loại. Khác với nhiều trí thức đầu thế kỷ XX đang mải u buồn với nền Nho học thất sủng thì Tản Đà lại tự tìm cho mình một lối đi riêng, các tác phẩm đều thể hiện rõ nét sự chuyển giao thời đại, vẫn có những nét của thơ ca dân tộc nhưng xen vào đó là những sáng tạo, cách tân của riêng mình thi sĩ. Có lẽ chính vì tinh thần thơ ca độc đáo, thích ứng nhanh với thời cuộc nên thơ Tản Đà đã chinh phục được nhiều thế hệ độc giả mới đầu thế kỷ XX. Đọc thơ ông người ta luôn cảm nhận được một cái "tôi" lãng mạn, bay bổng vừa phóng khoáng, ngông nghênh, vừa cảm thương ưu ái, đặc biệt là sự tự ý thức về giá trị cá nhân và khao khát khẳng định mình trước cuộc đời. Hầu trời là một trong những bài thơ hay nhất của Tản Đà mà ở đó người ta thấy rõ được cái chất thơ của người thi sĩ, mà nổi bật nhất làm nên giá trị đặc sắc của bài thơ là một cái "ngông" rất Tản Đà.

Cái ngông của Tản Đà trong Hầu trời bắt nguồn từ việc nhà thơ mơ mình được lên thiên đình đàm đạo, độc thơ cho chư tiên cùng nghe, lẽ dĩ nhiên rằng việc tưởng tượng ra việc lên trời, sang cõi khác không phải là điều gì quá mới mẻ, đặc biệt là với thế hệ thi sĩ sinh sau đẻ muộn như Tản Đà. Người ta cũng đã nghe câu chuyện Cóc kiện trời, Chuyện người con gái Nam Xương, hay Chuyện chức phán sự đền Tản Viên nhưng có một điều khác biệt rằng, cách vào chuyện của Tản Đà khác với cổ nhân, chuyện hầu trời của ông vốn là một giấc mơ chứ chẳng phải là chuyện hoang đường kỳ ảo xảy ra trong thế giới thực tại. Chính điều đó khiến người ta hiểu thêm về một thi sĩ cô đơn trước cuộc đời, khao khát được thể hiện, được thấu hiểu nhưng khổ nỗi "Hạ giới văn chương rẻ như bèo", nên đành lòng ông phải tìm kiếm chốn cực lạc trong mơ cho thỏa nỗi lòng của thi sĩ. Như vậy đó chính là nền tảng khởi đầu cho cái ngông của Tản Đà - một giấc mơ hầu trời, còn việc Tản Đà ngông như thế nào ta phải xét đến việc Tản Đà đã nói gì và làm gì trong giấc mơ đặc biệt ấy.

Phía trên là một đoạn thơ dài nói về cảnh Tản Đà đọc thơ trên thiên đình, cái ngông của thi sĩ trước hết là ở phong thái và điệu bộ khi đọc thơ. Có lẽ ít ai được như Tản Đà, một kẻ người trần mắt thịt nhưng lên tới tận cung mây mà vẫn mang phong thái ung dung, thích chí và vô cùng tự tin, ông đọc những vần thơ của mình một cách say sưa, mê đắm, đọc như chưa từng được đọc bao giờ "Đọc hết văn vần sang văn xuôi/Hết văn thuyết lí lại văn chơi". Và người thi sĩ lấy làm "đắc ý" lắm, một người phàm ngang nhiên đắc ý chốn tiên nhân, quả là ngông cuồng vô cùng, hơn thế nữa Tản Đà dường như xem chốn thiên đình là sân khấu của riêng ông, do ông làm chủ diễn, chư tiên cùng trời lúc này đây chỉ là bậc khán giả, đang phải ngưỡng mộ trầm trồ, mong ngóng từng vần thơ sốt dẻo, như trông chờ thứ âm thanh cực lạc. Cái ngông của Tản Đà còn biểu hiện ở việc ông được nhà trời săn sóc, châm trà cho "nhấp giọng" để lấy tinh thần đọc thơ, điều ấy chẳng phải thi sĩ đang tự nâng cao giá trị và tầm vóc bản thân ngang bằng với chư tiên hay sao, bởi phàm là vật của trời kẻ trần tục phúc phần độ nào mới được hưởng dụng?

Không chỉ ở phong thái tự tin, đắc ý khi đọc thơ mà Tản Đà còn "ngông" ở việc tự khen thứ văn chương của mình bằng những lời mà đôi lúc tôi nghĩ là có phần hơi tự phụ, kiêu căng một chút "Văn dài hơi tốt ran cung mây", rồi hấp dẫn đến độ thần tiên chốn cửu trùng thiên vốn từng kinh qua bao thứ nhạc họa, bao hỉ nộ ái ố trên đời, độ biết bao nhiêu kiếp cũng phải tấm tắc khen "Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay". Bởi mới nói tự tin đến mức chắc rằng văn chương hay đến mực được Trời công nhận thì chỉ đến Tản Đà mới thấy. Đồng thời sự hưởng ứng, say mê của chúng tiên đã xóa nhòa đi sự cách biệt thân phận của thần tiên và người phàm, giờ đây họ chỉ đang đứng trên bình diện thi nhân và người yêu thơ, chan hòa và gần gũi. Không chỉ vậy, Tản Đà còn mạnh dạn liệt kê hết những vốn liếng văn chương mà mình có được, nói trắng ra là đi khoe, một thi nhân đang vô cùng tâm đắc với thành tựu của mình chỉ muốn sao để người ta phải công nhận và thán phục, nào là "Hai quyển Khối tình văn thuyết lí/Hai Khối tình con là văn chơi/Thần tiên, Giấc mộng văn tiểu thuyết/Đài gương, Lên sáu văn vị đời/Quyển Đàn bà Tàu lối văn dịch/Đến quyển Lên tám nay là mười". Đặc biệt ông còn tự tin, vui vẻ khoe rằng "Nhờ Trời văn con còn bán được", phải nhắc lại rằng những năm đầu thế kỷ XX đất nước ta đang nằm giữa thế giao hòa của thời đại, văn chương, thi từ dường như đã bị dòng chảy của văn hóa ngoại bang làm cho khốn đốn lu mờ, thậm chí nhiều nhà trí thức cũ trở nên chán nản với cuộc đời, viết văn, viết thơ đã trở thành thứ vô giá trị, không sánh nổi với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Thế nhưng Tản Đà thì sao, ông vẫn ung dung, tự tin rằng thơ ca mình bán được, điều đó ngầm chứng minh rằng thơ văn của ông có sức hút mạnh mẽ vô cùng, trong thời cuộc rối ren mà người ta vẫn muốn đọc sáng tác của Tản Đà, đó không phải là một điều dễ dàng, đó là cả một tài năng. Thế nên Tản Đà có quyền được "ngông", được tự tin như thế cũng phải.

Cái "ngông" của Tản Đà không chỉ dừng lại ở việc đọc thơ cho chư tiên và Trời nghe mà còn nằm ở cách mà ông thưa chuyện với Trời, ở lối nói của ông không hề có sự e dè sợ hãi, mà thay vào đó là phong thái tự tin, thành thực, xen lẫn chút hóm hỉnh, vui tươi vô cùng thoải mái. Dựa và lối nói thì dường như Tản Đà xem chư tiên và Trời là những người bạn tâm giao, có như thế ông mới dám kể lể những điều mà bấy lâu nay bản thân ông luôn cất giữ trong lòng, đó là cuộc sống nghèo khó, khiến những nhà trí thức phải nhiều phen khốn khó. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong các câu:

Rồi thì Tản Đà còn "ngông" ở chỗ viết rằng mình vốn là một trích tiên bị đày xuống hạ giới vì tội "ngông", dễ có mấy người dám nghĩ mình là tiên, cho rằng cuộc sống khổ ải nơi trần gian là sự trừng phạt của Trời. Sau đó lại được Trời giải thích ấy không phải là Trời bắt tội mà là "Trời định sai con một việc này/Là việc "thiên lương" của nhân loại", ôi thế hóa ra Tản Đà là trích tiên được Trời tin tưởng, đưa xuống hạ giới thấu hiểu nhân gian một hồi đấy ư? Chưa hết cảnh Tản Đà trở về nhân gian cũng cho thấy cái "ngông" của Tản Đà, hết coi chúng tiên là bạn hữu, coi mình là tiên, giờ đến việc về nhà cũng khiến người ta thấy đặc biệt.

Chỉ một kẻ phàm phu (hoặc cũng có thể là trích tiên) nhưng lại vinh hạnh được thiên đình ưu ái cho xe Khiên Ngưu đưa tiễn, chúng tiên thì lũ lượt tiễn đưa, không khí ấy cảnh tượng ấy quả thật khó mà có thể tưởng tượng được. Có thể nói rằng cái "ngông" của Tản Đà dường như ở ý thơ nào cũng thấy xuất hiện, lúc đậm lúc nhạt nhưng không hề thiếu. Không chỉ trong mình ý thơ mà ở cả cách dùng từ, hành văn hóm hỉnh, phóng khoáng, bay bổng cũng góp phần làm cho cái "ngông" của Tản Đà nổi bật hơn.

Kết lại rằng, Tản Đà - "người của hai thế kỷ" (Hoài Thanh), nên lối viết và lối suy nghĩ có phần khác biệt và nổi trội bởi khi đứng giữa hai dòng nước, con người ta thường bị ép bật ra cái khác biệt, một là bị nhấn chìm và hai là ngược dòng để vươn lên, Tản Đà là kiểu thứ hai ấy. Và một khi đã bật lên được thì người thi nhân lại mang đến những nguồn cảm hứng mới mẻ, điển hình là cái "ngông" xuất phát từ khao khát được khẳng định tài năng, khẳng định cái tôi cá nhân mạnh mẽ giữa dòng đời phức tạp, nhiều biến động. Nhưng đáng buồn rằng, khoảng thời gian đầu thế kỷ XX Tản Đà vẫn còn phải vật lộn, bươn chải nhiều và thơ ông cũng chưa tìm được cho mình một vị thế xứng đáng mà nó cần có, thế nên ông phải tìm một nơi chốn khác để khẳng định giá trị thực của bản thân, dù chỉ là trong mơ, một giấc mơ tên Hầu trời.

 

Tài liệu có 45 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tài liệu cùng môn học

TOP 20 mẫu Phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích HAY NHẤT Tuyết TOP 20 mẫu Phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích HAY NHẤT - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
1.3 K 1 1
20 mẫu Tham dự buổi thuyết trình của học sinh trong trường về những hoạt động xã hội có ích với cộng đồng Tuyết 20 mẫu Tham dự buổi thuyết trình của học sinh trong trường về những hoạt động xã hội có ích với cộng đồng - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
768 1 0
TOP 20 mẫu Kể lại hoạt động xã hội có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng mà em đã tham gia Tuyết TOP 20 mẫu Kể lại hoạt động xã hội có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng mà em đã tham gia - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
857 1 0
20 mẫu Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Qua Đèo Ngang, có ít nhất một câu hỏi tu từ Tuyết 20 mẫu Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Qua Đèo Ngang, có ít nhất một câu hỏi tu từ - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
668 1 0
Tải xuống