Toptailieu.vn xin giới thiệu TOP 10 mẫu Thuyết trình bài giới thiệu về một vấn đề của tác phẩm văn học (2024) HAY NHẤT sách Cánh diều gồm dàn ý, các bài văn mẫu và video hướng dẫn chi tiết giúp học sinh lớp 8 viết các bài tập làm văn hay hơn. Mời các bạn đón xem:
TOP 10 mẫu Thuyết trình bài giới thiệu về một vấn đề của tác phẩm văn học (2024) HAY NHẤT
Đề bài: Em hãy lập dàn ý và viết bài thuyết trình về một vấn đề của tác phẩm văn học.
Dàn ý: Thuyết trình bài giới thiệu về một vấn đề của tác phẩm văn học
- Mở bài: Giới thiệu vấn đề trình bày.
- Thân bài
+ Nêu lên một số biểu hiện của thủ pháp trào phúng có trong đoạn trích.
+ Lí giải về ý nghĩa, tác dụng của thủ pháp trào phúng đối với việc thể hiện nội dung, tư tưởng của đoạn trích.
- Kết bài: Khẳng định sự thành công của tác giả trong việc sử dụng thủ pháp trào phúng để tô đậm chất bi hài của đoạn trích kịch; cảm xúc, suy nghĩ của em về giá trị của đoạn trích, bài học rút ra.
Thuyết trình bài giới thiệu về một vấn đề của tác phẩm văn học - mẫu 1
Mô-li-e là một nhà biên kịch lớn của Châu Âu thế kỉ XVII và là người sáng lập ra nền hài kịch cổ điển Pháp. Ông phản ánh những vấn đề xã hội, phê phán thứ văn hóa cầu kì của quý tộc, những lề sống giả dối, hèn hạ của bọn quý tộc lớn nhỏ. Bên cạnh đó là sự chế giễu những đầu óc hẹp hòi, gia trưởng, bảo thủ không chịu tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của khoa học. Vở kịch " Trưởng giả học làm sang" là một tác phẩm nổi tiếng, mang tính hiện thực sâu sắc. Mô-li-e đã xây dựng lên một nhân vật hài kịch bất hủ khi tạo ra sự khập khiễng, bất hòa giữa cái ngu dốt, ngớ ngẩn và cái sang trọng ở nhân vật ông Giuốc-đanh. Đoạn trích " Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục" đã miêu tả sinh động điều đó.
"Trưởng giả học làm sang" là một vở hài kịch năm hồi, có xen màn ca múa phụ họa nên gọi là vũ khúc hài kịch. Đoạn trích " Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục" là lớp kịch kết thúc hồi II. Nhân vật trung tâm của vở kịch là ông Giuốc-đanh, tuổi ngoài bốn mươi, con một nhà buôn giàu có. Tuy dốt nát thô kệch, nhưng ông muốn học đòi làm sang. Nhiều kẻ lợi dụng tính cách đó, săn đón, nịnh hót ông để moi tiền. Cảnh Giuốc-đanh mặc lễ phục là một biểu hiện của thói học đòi lối ăn mặc sang trọng của quý tộc. Lão ta đã bị bọn thợ may lợi dụng. Tác giả đã khắc họa sinh động, tài tình, làm nổi bật tính cách lố lăng của một gã trọc phú thừa tiền rửng mỡ. Chân dung hài hước của Giuốc-đanh đã gây ra những trận cười sảng khoái cho khán giả. Màn kịch là sự châm biếm, đả kích và phê phán mạnh mẽ của Mô-li-e đối với giai cấp tư sản đương thời.
Màn kịch được chia làm hai cảnh. Cảnh thứ nhất là sự xuất hiện của ông Giuốc-đanh và bác phó may diễn ra tại một phòng trà. "A! Bác đã tới đấy à? Tôi sắp phát khùng lên vì bác đây". Đó là lời reo lên vừa vui mừng vừa trách móc của ông Giuốc-đanh khi bác thợ may xuất hiện. Với thái độ ấy chắc hẳn ông Giuốc-đanh đã hào hứng biết nhường nào để thấy bộ lễ phục mình đặt may- bộ lễ phục ấy chính là niềm quan tâm của ông, có nó mọi người sẽ biết ông là người giàu có, là quý tộc.
Ông Giuốc-đanh ngờ nghệch bị phụ may lừa gạt. Những thứ ông mua chỉ toàn đồ dởm, nào là chiếc bít tất chật, "mới xỏ chân vào được và đã đứt mất hai mắt rồi", hay đôi giày không vừa chân khiến ông đau chân ghê gớm.Tình huống gây cười cũng bắt đầu từ đấy. Bác phó may khéo léo qua mặt, lấp liếm, để tránh những trách móc, bác phó may đã chuyển chủ đề về bộ lễ phục. Ông Giuốc-đanh phát hiện ngay hoa bị may ngược:"Bác may hoa ngược mất rồi". Mặc dù ông rất nóng lòng xem sản phẩm của phó may nhưng ông vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra lỗi. Bác phó may đáp ngay lại rằng: "nào ngài có bảo là ngài muốn may xuôi hoa". Ông Giuốc-đanh giận lắm nhưng khi nghe bác phó may nói là quý tộc đều mặc như thế thì ông lại thôi, bởi cốt sao ông mặc giống với quý tộc là được. Chỉ cần như thế, bác phó may không cần phải may lại mà còn được khen là" bộ này may được đấy". Rồi khi ông hỏi áo có vừa vặn không, bộ tóc giả và lông đính mũ có được chững chạc không? Kèm đó là câu trả lời đầy sự nịnh nọt của phó may:" còn phải hỏi, tôi đố họa sĩ nào lấy bút mà vẽ hầu ngài bộ áo vừa khít hơn được" rồi tiếp nữa "chững chạc tuốt", những lời ấy như rót mật vào tai, càng khiến ông Giuốc-đanh đắc ý tột độ.
Ông Giuốc-đanh phát hiện ra bác phó may ăn bớt vải. Nhưng ông chỉ trách móc nhẹ nhàng: "đành là đẹp nhưng đáng lẽ đừng gạn vào áo của tôi mới phải". Trước sự phát hiện ấy, bác phó may không lý luận, biện hộ mà lờ đi chuyển sang việc thử áo. Với sự khôn ngoan ấy,bác phó may khiến ông Giuốc-đanh không còn giận, tiếc xém nữa mà hào hứng mặc bộ lễ phục từ lâu. Một lần nữa, ông lại mù quáng trước những sai phạm về bộ trang phục và để bác phó may qua mặt.
Không chỉ bị lừa bịp, lão trưởng giả ấy lộ chân tướng là một kẻ lố bịch như một con rối khi phó may đem bốn tay thợ phụ để hầu ông mặc lễ phục theo thể thức, mặc theo nhịp điệu, theo cách mặc của cho các nhà quý phái. Khung cảnh trở lên nhộn nhịp hơn, thú vị hơn, một màn biểu diễn gây tiếng cười lớn cho khán giả về màn thay đồ lố lăng theo nhịp điệu của dàn nhạc. Phải chăng thói học đòi của một tay trọc phú đã biến ông trở thành một kẻ ngờ nghệch, đầy sự lố bịch, như một thằng hề không hơn không kém.
Nếu như cảnh thứ nhất là sự tránh né thành công những sai sót của bác phó may thì cảnh thứ hai trở lên hấp dẫn, náo nhịp hơn với sự nịnh nọt của đám thợ phụ, bởi đánh trúng tâm lý mà đám thợ phụ đã được một khoản tiền hời hĩnh. Khi mặc xong bộ lễ phục, có lẽ tay thợ phụ buộc miệng hoặc cố tình gọi ngay ông là "ông lớn". Khiến cho ông ngỡ mình ăn mặc theo lối quý phái đã trở thành bề trên, sang trọng vô cùng. Ông sung sướng với cách mà thợ phụ gọi lập tức thưởng tiền cho hai tiếng ông lớn ấy.
Kiếm tiền trở nên thật dễ dàng, đám thợ phụ dường như đã nắm thóp được lão, họ biến ông thành gã khờ khạo, tiếng "cụ lớn" thốt lên để cảm ơn khiến ông thích thú gấp nhiều lần: "ồ ồ, cụ lớn, không phải là một tiếng tầm thường" và tiền được ông vung ra thưởng một cách không đáng tiếc. Ông luôn nghĩ đến túi tiền của mình nhưng đến khi đám thợ phụ nâng ông lên tận tầng mây với hai tiếng " đức ông" chắc nhẩm"đến mất trắng cả tiền cho nó thôi" nhưng ông vẫn sẵn sàng thưởng tiền cho tên thợ phụ và có lẽ cả túi tiền cũng đáng nếu đám thợ phụ tôn ông lên bậc tướng công.
Cảnh đám thợ phụ tôn ông trưởng giả từ ông lớn lên cụ lớn rồi đức ông làm cao trào kịch được đẩy lên, mang đến những tiếng cười lớn cho khán giả. Mô-li-e đã làm cho màn kịch đậm sự trào phóng, nổ tung những tiếng cười châm biếm thói lố bịch, háo danh, ưa nịnh, thích được tâng bốc của bọn quý tộc phong kiến lỗi thời.
Thuyết trình bài giới thiệu về một vấn đề của tác phẩm văn học - mẫu 2
Vở kịch “Bệnh sĩ” của Lưu Quang Vũ để lại cho chúng ta những suy ngẫm về thói háo danh. Trong buổi học ngày hôm nay hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này nhé!
Vở kịch Bệnh sĩ là tác phẩm làm nên tên tuổi của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và Nhà hát Kịch Việt Nam từ 35 năm trước. Mỗi lần vở được dựng lại, khán giả vẫn say mê. Có lẽ bởi kịch bản đã nói trúng một căn bệnh trầm kha của người Việt, đó là bệnh háo danh. Chuyện từ hơn 3 thập kỷ trước đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, không khó để điểm ra những ví dụ cho thấy tính háo danh tồn tại ở nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội.
Mới đây, một nam ca sĩ trở thành tâm điểm phê phán khi tổ chức sự kiện quảng bá bộ phim tiểu sử về cuộc đời mình lấy tên là Hào quang rực rỡ - The King. Đông đảo công chúng cho rằng nam ca sĩ đã ngạo mạn khi tự xưng mình là The King – tạm dịch là vua. Trước phản ứng gay gắt của dư luận, nam ca sĩ đã phải thay đổi tên phim.
Trước đó, vào năm 2019, một người đàn ông đã gây xôn xao dư luận khi tự nhận là nhà báo quốc tế, Tổng biên tập tạp chí chống tham nhũng và hợp tác quốc tế, tiến sĩ danh dự từ Vương quốc Anh… Nhưng sau đó, người ta phát hiện các chức danh này đều được cấp bởi các tổ chức hầu như không được biết đến hoặc khai man, không được xác thực…
"Đối với nước ta, có lẽ háo danh nằm sâu trong nguồn gốc của văn hóa, bởi có danh thì có phận, tức là anh có danh tiếng thì được đánh giá cao hơn, có danh tiếng thì có chức tước cao hơn. Háo danh là từ có ý nghĩa tiêu cực. Đầu tiên là anh coi trọng danh tiếng trên mức cần thiết. Thứ hai là anh coi trọng danh tiếng trên mức mà anh có. Có lẽ, háo danh phản ánh cả hai khía cạnh đó", TS. Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ.
Xét trên nghĩa tích cực, ai cũng có nhu cầu trở thành một người có giá trị, có đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Lập danh là một khát vọng chính đáng nếu khẳng định bằng chính năng lực của mình và được xã hội công nhận. Ngược lại, cái danh trở thành phương tiện thay vì mục tiêu, nó trở thành một thứ hàng hóa, từ đó lệch lạc giá trị đích thực.
Vài năm trước đây, đã từng rộ lên những giải thưởng trong giới doanh nhân. Đâu đâu cũng thấy tâm, tầm, tài, trí, đức. Nhiều danh hiệu chỉ cần bỏ vài chục triệu đồng ra mua mà không trao dựa trên năng lực, hay đóng góp thực tế của doanh nghiệp.
"Công danh không phải cho cá nhân mà là hiến cho tổ quốc, cho cộng đồng thì danh tiếng mới có giá trị. Giá trị của một doanh nghiệp, một con người, cộng đồng được xác định một cách chính xác, nhân văn, chứ không phải là đi quảng bá, tuyên truyền rầm rộ. Điều đó không được", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học – nghệ thuật trung ương cho biết.
Không chỉ trong giới nghệ sĩ hay doanh nhân, nhiều chuyên gia còn chỉ ra rằng trong nhiều ngành nghề khác, biểu hiện của tính háo danh cũng không nhỏ. Đơn cử như công chức, viên chức phục vụ hành chính công, các tiêu chí để đánh giá năng lực là thái độ phục vụ nhân dân (70%), kỹ năng (26%) và tri thức (4%). Nói cách khác, công chức không yêu cầu trình độ thạc sĩ hay tiến sĩ, vốn là các học vị dành cho các cơ quan nghiên cứu học thuật, nhưng tỷ lệ công chức là thạc sĩ, tiến sĩ của Việt Nam thuộc top đầu thế giới. Thậm chí, đó còn được xem là tiêu chí để tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ quản lý.
Hội nghị văn hóa toàn quốc đã xác định giá trị của con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, cần có giá trị cốt lõi là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo. Trung thực là một phẩm chất quan trọng. Muốn xây dựng nó phải nhận diện và thay đổi thói háo danh. Háo danh không kéo theo thói hư tật xấu mà còn khiến cho những người có năng lực thực sự sẽ cảm thấy tiêu cực, chán nản và mất y chí phấn đấu. Chúng ta cần phải xứng đáng với nhưng danh hiệu chúng ta có.
Thuyết trình bài giới thiệu về một vấn đề của tác phẩm văn học - mẫu 3
Em chào cô và các bạn. Em là …. Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) là một nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng ở Việt Nam với một khối lượng tác phẩm và giá trị văn học phong phú. Triết lí sống và quan điểm sáng tác của ông là viết văn để bày tỏ lòng yêu nước: “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi”. Một trong những tác phẩm đặc sắc của ông không thể không kể đến vở kịch nổi tiếng “Vũ Như Tô”. Đoạn trích “Vĩnh
Biệt Cửu Trùng Đài” đã thể hiện rất sâu sắc quan niệm nghệ thuật của ông.
Vở kịch “Vũ Như Tô” gồm 5 hồi viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 – 1517. Tác phẩm được Nguyễn Huy Tưởng viết xong vào mùa hè năm 1941, tựa đề vào tháng 6 năm 1942. Vở kịch kể về Vũ Như Tô - một kiến trúc sư tài giỏi, bị Lê Tương Dực – tên vua tàn bạo bắt xây Cửu Trùng Đài thành nơi để hắn ăn chơi, hưởng lạc. Tuy nhiên, là một người nghệ sĩ chân chính, Vũ Như Tô đã không nhận lời dù có bị hắn đe dọa sẽ giết chết. Nhưng Đan Thiềm một cung nữ đã thuyết phục được ông xây Cửu Trùng Đài. Việc Cửu Trùng Đài xây cao bao nhiêu cũng đồng nghĩa với việc lòng dân oán hận Vũ Như Tô bấy nhiêu. Lợi dụng tình thế đó, quận công Trịnh Duy Sản đã dấy binh nổi loạn triều đình. Đoạn trích “Vĩnh biệt cửu trùng đài” là bức tranh tiếp nối các sự kiện cao trào ấy.
Thể loại kịch đã không còn xa lạ với kho tàng văn chương Việt Nam. Đây là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, có sự kết hợp ăn ý của nhiều ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như văn học, sân khấu điện ảnh,.... Và mâu thuẫn xung đột kịch được coi là yếu tố “linh hồn” của mỗi vở kịch, một yếu tố quan trọng góp phần khắc họa nhân vật và xây dựng cốt truyện.
Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng được mâu thuẫn trực tiếp cho văn bản, được thể hiện ở cuộc nổi dậy của binh lính và nhân dân chống lại triều đình. Đó là mâu thuẫn giữa đời sống xa hoa trụy lạc của Lê Tương Dực với đời sống cơ cực thống khổ của nhân dân lao động. Những mâu thuẫn ấy đã có từ trước đấy, đè nén cuộc sống cực khổ của của người dân, nhưng đến khi Lê Tương Dực bắt Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài thì nó lại càng trở nên căng thẳng hơn. Để xây dựng cửu Trùng Đài, triều đình đã tăng sưu thuế, bắt thêm thợ giỏi, tróc nã, hành hạ những người chống đối, thợ phải làm việc cật lực mà vẫn đói khát. Người dân căm phẫn vua làm cho dân cùng, nước kiệt, còn Vũ Như Tô bị thợ thuyền oán trách do nhiều người chết vì tai nạn hay chết vì bị chém đầu do chạy trốn. Khi ấy, Trịnh Duy Sản cũng đã can ngăn Lê Tương Dực, đòi đuổi bọn cung nữ, giết Vũ Như Tô nhưng không thành mà còn bị đánh đòn.
Mâu thuẫn thứ hai được tác giả xây dựng là mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật thuần túy và lợi ích thiết thực của nhân dân thể hiện ở mục đích xây dựng Cửu trùng đài của Vũ Như Tô và của triều đình Lê Tương Dực.
Vũ Như Tô là một kiến trúc sư tài năng, có khả năng "tranh tinh xảo với hóa công" nhưng ông không có đất dụng võ trong một xã hội thối nát, trong khi nhân dân còn đói khổ lầm than. Nghe theo lời khuyên của Đan Thiềm, Vũ Như đã Tô mượn uy quyền và tiền bạc của Lê Tương Dực để thực hiện hoài bão xây dựng một công trình nguy nga, vĩ đại. Nhưng niềm khao khát được cống hiến, được sáng tạo chân thành đã đẩy Vũ Như Tô vào tình trạng đối nghịch với lợi ích trực tiếp và thiết thực của nhân dân, bị những người thợ coi như kẻ thù.
Nguyễn Huy Tưởng đã mở đầu tác phẩm bằng cuộc đối thoại giữa Đan Thiềm và Vũ Như Tô. Đan Thiềm đã thốt lên tiếng kêu hoảng hốt và khuyên Vũ Như Tô mau chạy trốn. Cung nữ Đan Thiềm mặt cắt không còn hột máu vào cầu xin, van nài Vũ Như Tô chạy trốn đầy chân thành, tha thiết: “Ông nghe tôi! Ông trốn đi! Ông nghe tôi! Ông phải trốn đi mới được”. Tất cả hành động của nàng đều chứng tỏ cô là một người quý trọng người tài, biết lo trước lo sau cho tài năng đất nước. Cô cầu xin, van nài, chắp tay lạy ông và khẳng định rằng: “Ông trốn đi. Tài kia không nên để uổng. Ông mà có mệnh hệ nào thì nước ta không còn ai điểm tô nữa”
Tình thế biến loạn ở kinh thành rất nguy hiểm và gay gắt nhưng ông lại nhất quyết không trốn và cho rằng: “Những người quân tử không bao giờ sợ chết. Mà vạn nhất có chết, thì cùng phải để cho mọi người biết rằng công việc mình làm chính đại quang minh. Tôi sống với Cửu Trùng Đài, chết cũng với Cửu Trùng Đài. Tôi không thể xa Cửu Trùng Đài một bước. Hồn tôi để cả ở đây, thì tôi chạy đi đâu?”. Cửu Trùng Đài là một thứ vô cùng quý giá đối với Vũ Như Tô, ông coi nó như là cả phần linh hồn và thể xác mà mình cùng với Đan Thiềm đã gây dựng nên. Tuy nhiên, nó cũng đã khiến ông mù quáng và mê hoặc đến mức không thể thoát ra khỏi ảo tưởng của mình để trở về tình thế thực tại. Ông tin rằng mình không có tội, vẫn cố cãi lý với đời: “Có lý gì để họ giết tôi?”, đứng trước quân khởi loạn vẫn tự trấn an mình và mọi người: “Đời ta chưa tận, mệnh ta chưa cùng. Ta sẽ xây một tòa đài để tạ lòng tri kỷ”. Lúc này, Vũ Như Tô đang đứng trên lập trường người nghệ sĩ mà vô tình bác bỏ lập trường của nhân dân. Ông không nghĩ mình bị nhân dân oán hận, căm ghét, ông vẫn nghĩ rằng Cửu Trùng Đài chẳng phải đang tô điểm cho đất nước đây sao?
Đến khi kinh thành bốc hỏa theo lệnh của An Hòa Hầu, Vũ Như Tô đã rơi vào tuyệt vọng khi tận mắt chứng kiến cảnh Đài Cửu Trùng bốc cháy như giàn thiêu: “Đốt thực rồi! Đốt thực rồi! Ôi đảng ác! Ôi muôn phần căm giận! Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì?”. Ông gào lên đầu đau đớn, đỉnh điểm sự tuyệt vọng và bất lực. Nhưng đến khi chết, ông vẫn không hiểu tại vì sao lại ra nông nỗi này: “Ta tội gì? Ta không có tội! Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu trùng đài!”. Ông là một tài năng, một thiên tài có khát vọng hoài bão đem đến cái đẹp cho dân, nhưng chính vì không giải quyết được mâu thuẫn giữa nghệ thuật và cuộc sống nên ông đã phải trả một cái giá rất đắt. Mâu thuẫn đối lập ngay trong chính con người Vũ Như Tô.
Việc đưa ra hai mâu thuẫn trong vở kịch này, liệu đã thực sự được Nguyễn Huy Tưởng giải quyết?
Về mâu thuẫn giữa cuộc nổi dậy của binh lính và nhân dân chống lại triều đình đã được giải quyết một cách dứt khoát bằng cảnh quân nổi loạn đốt Cửu Trùng Đài và giết vua. Nhưng mâu thuẫn trong con người Vũ Như Tô vẫn chưa được giải quyết. Trong lời tựa đề vở kịch, Nguyễn Huy Tưởng có viết: "Than ôi! Như Tô phải hay những người giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm". Qua lời tựa ấy, Nguyễn Huy Tưởng đã bộc lộ chân thành những băn khoăn của mình: “Lẽ phải thuộc về Vũ Như Tô hay những kẻ giết Vũ Như Tô?”. Việc Vũ Như Tô có tội hay có công, cõ lẽ tác giả cũng không thể đưa ra một lời giải đáp thỏa đáng cho độc giả.
Bằng tài năng và cây bút tài hoa, Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng mâu thuẫn kịch tập trung dẫn đến cao trào, phát triển thành đỉnh điểm với hàng loạt hành động kịch dồn dập, kịch tính. Ông cũng sử dụng ngôn ngữ kịch điêu luyện, có tính tổng hợp cao. Từ đó, ông đã xây dựng nhân vật kịch đặc sắc, khắc họa rõ tính cách, miêu tả đúng tâm trạng qua ngôn ngữ và hành động. Tiêu biểu là Vũ Như Tô và Đan Thiềm.
Qua tấn bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả đã đặt ra vấn đề sâu sắc, có ý nghĩa muôn thuở về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lí tưởng nghệ thuật thuần túy cao siêu muôn đời với lợi ích thiết thực của nhân dân. Thật đúng như Grandi từng khẳng định: “Không có nghệ thuật nào là không hiện thực”. Đây chính là một bài học đắt giá về nghệ thuật dành cho những người nghệ sĩ.
Thuyết trình bài giới thiệu về một vấn đề của tác phẩm văn học - mẫu 4
Em chào cô và các bạn. Em là …. Những tác phẩm viết về thời kì nạn đói năm 1945 là một con số không nhỏ cũng không còn xa lạ gì đối với độc giả cả nước. Trong số những tác phẩm ấy, nổi bật lên là tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân được in trong tập “Con chó xấu xí” xuất bản năm 1962.
Tác giả Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài (1/8/1920 - 20/7/2007) là một nhà văn, diễn viên Việt Nam. Ông được mệnh danh là “ nhà văn của nông thôn Việt Nam”. Những tác phẩm của ông mang tính chất tự truyện nhưng đã thể hiện được không khí tiêu điều, ảm đạm của nông thôn Việt Nam và cuộc sống lam lũ, vất vả của người nông dân thời kỳ đó. Ông được dư luận chú ý nhiều hơn khi đi vào những đề tài độc đáo như tái hiện sinh hoạt văn hóa phong phú ở thôn quê như chọi gà, đánh vật,… Trong đó hai tác phẩm “Làng” và “Vợ nhặt” đã được đưa vào chương trình giảng dạy trong chương trình sách giáo khoa Việt Nam.
"Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người." - đó là những lời tâm sự của nhà văn khi viết “ Vợ nhặt”. Được viết năm 1954 theo đơn đặt hàng của báo Văn nghệ, “ Vợ nhặt” được lấy cảm hứng từ bản thảo còn đang dang dở “ Xóm ngụ cư” của Kim Lân. Sau này tác phẩm được biên soạn lại và in trong tập “ Con chó xấu xí” xuất bản năm 1962. Câu truyện trong “ Vợ nhặt” là về cuộc sống của con người trong nạn đói. Cái đói đã khiến con người bán rẻ danh dự của mình vì miếng ăn nhưng không vì thế mà khiến câu truyện tăm tối, không tìm thấy lối thoát. Câu truyện đã đưa chúng ta nhìn thấy ánh sáng nơi cuối con đường, thấy được lối thoát không chỉ cho bản thân mà còn là lối thoát cho cả dân tộc.Bố cục có thể chia làm 4 đoạn: Đoạn 1 cảnh Tràng đưa cô vợ nhặt về nhà; đoạn 2 hoàn cảnh Tràng và Thị trở thành vợ chồng; đoạn 3 Tràng ra mắt cô vợ nhặt với mẹ và nỗi lòng của bà cụ Tứ; đoạn 4 bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới.
Nạn đói năm 1945 khiến người chết như ngả rạ, người sống xanh sám như những bóng ma. Cả xóm ngụ cư bị bao trùm bởi cái đói và cái chết. Gia đình Tràng cũng thuộc diện đói khát ở xóm ngụ cư ấy. Ngôi nhà rúm ró trên mảnh vườn lổn nhổn những bụi cỏ dại. Bà mẹ già mặt bủng beo u ám. Anh con trai (Tràng) có lớn mà chưa có khôn, làm nghề kéo xe bò mưu sinh. Bất ngờ một ngày nọ, Tràng nhặt được 1 người đàn bà xa lạ về làm vợ chỉ bằng 4 bát bánh đúc và vài câu nói bông đùa. Bà cụ Tứ sau khi hiểu ra cơ sự của anh con trai và con dâu đã " mừng lòng" vun vén cho hạnh phúc hai con. Bà thương con khi nghĩ tới " cơn đói khát này" nên nước mắt chảy xuống ròng ròng. Sáng hôm sai, người mẹ già chuẩn bị bữa cơm đạm bạc đón nàng dâu mới. Ngòi bút Kim Lân rất trữ tình khi miêu tả quang cảnh ngôi nhà và sự thay đổi của Tràng vào sáng hôm sau. Hoá ra giữa khung cảnh tối sầm vì đói khát vẫn có ánh sáng của cuộc sống bình yên hạnh phúc. Chỉ có hạnh phúc thật sự của tình yêu thương mới là điểm tựa vững chắc giúp con người " hồi sinh", trưởng thành. Đang ăn cơm thì tiếng trống thúc thuế lại dội lên ngoài đình. Người vợ nhặt đã kể câu chuyện về Việt Minh, về những người dân nghèo không chịu đóng thuế trong đầu Tràng thấy hình lên hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới.
Tác phẩm là bản án viết nên những tội trạng của phát xít Nhật và thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Không chỉ vậy, đó còn là sự cảm thông, sự thấu cảm với những đau khổ mà nhân dân ta phải chịu đựng trong thời kì đen tối của dân tộc. Là bài ca ca ngợi sự sống, tình thương, sự cưu mang, đùm bọc, khát vọng hạnh phúc.Tác phẩm còn chỉ ra con đường giải phóng cho những con người nghèo khổ: chỉ có thể đi theo cách mạng để tự giải phóng, để thoát khỏi đói nghèo cơ cực. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện lôi cuốn, miêu tả tâm lí nhân vật sâu xa, logic, sắc bén cùng với ngôn ngữ đối thoại độc đáo đã tạo nên một thành công không thể bàn cãi cho “ Vợ nhặt”.
"Chỉ với ba truyện "Vợ Nhặt", "Làng", "Con chó xấu xí"… Kim Lân đã có thể đàng hoàng ngồi vào chiếu trên trong làng văn Việt Nam". Tác phẩm “Vợ nhặt” nói riêng và tác giả Kim Lân nói chung vẫn mãi là ngôi sao sáng trong lòng bạn đọc cả nước. Dù ông đã rời xa cõi tạm để về với cõi vĩnh hằng, nhưng những giá trị mà ông mang lại cho nền văn học nước nhà vẫn còn tồn tại mãi với thời gian.
Thuyết trình bài giới thiệu về một vấn đề của tác phẩm văn học - mẫu 5
Em chào cô và các bạn. Em là ….Đoạn trích “Đổi tên cho xã” của tác giả Lưu Quang Vũ đã cho người đọc thấy được tác hại của bệnh sĩ diện và ảnh hưởng của nó đến cộng đồng, xã hội chỉ thông qua sự việc đổi tên của xã Hùng Tâm.
Xã Hùng Tâm mở cuộc họp thông báo những đổi mới của xã Hùng Tâm từ tên xã đến chức vụ của một số người. Nhân vật ông Chủ tịch xã Toàn Nha tiêu biểu cho kiểu người thích sống giả dối trong xã hội. Ông Nha là một người sống giả dối và tham vọng một cách mù quáng. Ông mong ước xây dựng và phát triển một xã khoa học để ông vẻ vang với các xã khác và với cấp trên. Ông tìm hiểu những nơi khác nhưng chỉ tìm hiểu một cách hời hợt, chưa có sự phân tích tình hình thực tế của xã mình đã vội vàng đổi mới. Ông muốn phát triển kinh tế nhưng lại vứt bỏ những thứ vốn là cần câu cơm của người dân nơi đây. Ông nói những từ ngữ khoa chương, lố bịch như " Bây giờ làm ăn mới rồi, quy mô khoa học... Đâu muốn hoạn phải mang lợn đến tận trụ sở". Ông nói rất cao siêu nhưng thực tế thì phũ phàng bởi những lời ông nói chỉ là sáo rỗng, ông phong chức một cách tràn lan nhưng thực tế thì chẳng ra đâu vào đâu, chính những người giữ chức đó còn chẳng hiểu mình sẽ làm gì.
Nhân vật trong đoạn trích có sự không tương xứng giữa thực chất bên trong và hình thức bên ngoài, giữa suy nghĩ và hành động khiến việc làm trở nên lố bịch hài hước. Ví dụ: Ông Đốp một tên hoạn lợn lại được phong cho làm chức Chủ nhiệm Trung tâm Triệt sản gia súc xã Hùng Tâm; Ông Thình vốn là đội trưởng đội làm những nghề phụ của xã lại được phong làm Chủ nhiệm Trung tâm Công nghệ...
Ngôn ngữ của ông không phù hợp với một cuộc họp mang tính chất trang nghiêm. Lời nói có nhiều từ ngữ không rõ nghĩa như: ta bung ra, ta bung ra pháo. Điều buồn cười nữa là ở chỗ ông muốn phát triển kinh tế nhưng những công việc vốn là lợi thế ở xã lại triệt để vứt bỏ, chuyển sang sản xuất pháo, thứ mà chính những người nhận nhiệm vụ quản lí cũng không hiểu rõ. Ông Nha càng cố nói những từ khoa học, thì càng lộ ra nhiều sự thiếu hiểu biết của mình như Trung tâm Công nghệ mà chỉ sản xuất có pháo.
Văn bản có sự mâu thuẫn giữa cái xấu và cái tốt. Ông Nha vẽ ra một viễn tưởng cao đẹp về một xã phát triển, giàu mạnh nhưng thực tế thì những gì ông làm đều chỉ đẩy người dân vào cái nghèo đói. Đó là sự tương phản giữa áo tưởng và thực tế. Kết quả là một loạt các chức danh mới được tạo ra nhưng không khoa học và rối loạn.
Văn bản Đổi tên cho xã đã nêu lên và phê phán một hiện tượng nhức nhối trong xã hội Việt Nam, đó là thích sĩ diện. Đoạn trích cũng sử dụng thủ pháp trào phúng, phóng đại. Ví dụ: Ông Nha vẽ lên những viễn tưởng cao đẹp về một xã phát triển khoa học, giàu mạnh những thực tế nhưng thực tế chỉ là những lời nói sáo rỗng, giả dối, lố bịch.
Xem thêm các bài văn mẫu lớp 8 (Cánh diều) hay khác:
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.