Tiếng Việt lớp 3 Kết nối tri thức Bài 26: Đi tìm mặt trời

1 K

Lời giải Tiếng Việt lớp 3 trang 118, 119, 120, 121, 122 Bài 26: Đi tìm mặt trời Kết nối tri thức với cuộc sống gồm đầy đủ các phần Đọc, Nói và nghe, Nghe - Viết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 3 Tập 1. Mời các bạn theo dõi:

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 Bài 26: Đi tìm mặt trời

Đọc: Đi tìm mặt trời

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 118 Khởi độngHãy tưởng tượng: Nếu không có mặt trời, điều gì sẽ xảy ra?

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải:

Nếu không có mặt trời thì trái đất sẽ không có ánh sáng. Con người sẽ sống trong bóng tối, không thể phát triển được.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 118 Đọc văn bản: Đi tìm mặt trời

Ngày xưa, muôn loài sống trong rừng già tối tăm, ẩm ướt. Gõ kiến được giao nhiệm vụ đến các nhà hỏi xem ai có thể đi tìm mặt trời.

Gõ kiến gõ cửa nhà công, công mải múa. Gõ cửa nhà liếu điếu, liếu điếu bận cãi nhau. Gõ cửa nhà chích chòe, chích chòe mải hót,… Chỉ có gà trống nhận lời đi tìm mặt trời.

Gà trống bay từ bụi mây lên rừng nứa. Từ rừng nứa lên rừng lim. Từ rừng lim lên rừng chò. Gà trống bay đến cây chò cao nhất, nhìn lên thấy mây bồng bềnh và sao nhấp nháy. Nó đậu ở đấy chờ mặt trời.

Gió lạnh rít ù ù. Mấy lần gà trống suýt ngã. Nó quắp những ngón chân thật chặt vào thân cây. Chờ mãi, đợi mãi… Nghĩ thương các bạn sống trong tối tăm, ẩm ướt, gà trống đấm ngực kêu to:

- Trời đất ơi…. ơi…!

Kì lạ thay, gà trống vừa dứt tiếng kêu đầu thì sương tan. Dứt tiếng kêu thứ hai, sao lặn. Dứt tiếng kêu thứ ba, đằng đông ửng sáng, mặt trời hiện ra. Mặt trời vươn những cánh tay ánh sáng đính lên đầu gà trống một cụm lửa hồng.

Gà trống vui sướng bay về. Bay tới đâu, ánh sáng theo đến đấy. Đất rừng sáng tươi như tranh vẽ.

Từ đó, khi gà trống cất tiếng gáy là mặt trời hiện ra, chiếu ánh sáng cho mọi người, mọi vật.

(Theo Vũ Tú Nam)

Từ ngữ:

- Liếu điếu: loài chim nhỏ, lông màu xám, tiếng hót nghe như tên gọi của nó.

- Chò: cây rừng to, thân tròn và thẳng, tán lá gọn.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 119 Câu 1: Vì sao gõ kiến phải đi các nhà hỏi xem ai có thể đi tìm mặt trời?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn văn đầu tiên để trả lời câu hỏi.

Lời giải:

Gõ kiến phải đi các nhà hỏi xem ai có thể đi tìm mặt trời vì ngày xưa muôn loài sống trong rừng già tối tăm, ẩm ướt.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 119 Câu 2: Gõ kiến đã gặp những ai để nhờ đi tìm mặt trời? Kết quả ra sao?

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn văn thứ 2 để tìm câu trả lời.

Lời giải:

Gõ kiến đã gặp công, liếu điếu, chích chòe và gà trống để nhờ đi tìm mặt trời. Kết quả là chỉ có gà trống nhận lời đi tìm mặt trời.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 119 Câu 3: Kể lại hành trình đi tìm mặt trời đầy gian nan của gà trống.

Phương pháp giải:

Em quan sát kĩ bức tranh kết hợp đọc đoạn văn thứ 3 để kể lại hành  trình đi tìm mặt trời của gà trống.

Lời giải:

Gà trống bay từ bụi mây lên rừng nứa. Từ rừng nứa lên rừng lim. Từ rừng lim lên rừng chò. Gà trống bay lên cây chò cao nhất, nhìn lên thấy mây bồng bềnh và sao nhấp nháy.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 119 Câu 4: Theo em, vì sao gà trống được mặt trời tặng một cụm lửa hồng?

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải:

Gà trống được mặt trời tặng cho một cụm lửa hồng vì gà trống đã rất cố gắng, nỗ lực để đi tìm mặt trời xin ánh sáng về cho khu rừng.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 119 Câu 5: Câu chuyện muốn nói lên điều gì?

a. Giải thích lí do gà trống có chiếc mào đỏ trên đầu.

b. Mặt trời thức dậy chiếu sáng là nhờ tiếng gáy của gà trống.

c. Ca ngợi việc làm cao đẹp vì cộng đồng.

d. Nêu ý kiến khác của em.

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và lựa chọn đáp án phù hợp.

Lời giải:

Theo em, câu chuyện ca ngợi những việc làm cao đẹp vì cộng đồng. Gà trống đã không ngại khó khăn, vất vả đi tìm mặt trời và mang ánh nắng về cho khu rừng. Việc làm đó rất đáng được ca ngợi.

Chọn c.

Nội dung: Bài đọc kể về hành trình đi tìm mặt trời của gà trống. Nhờ có sự dũng cảm, kiên trì của gà trống mà cả khu rừng đã có được ánh nắng mặt trời

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 120 Viết: Ôn chữ viết hoa L

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 120 Câu 1: Viết tên riêng: Lam Sơn

Lời giải:

Em chủ động viết vào vở

Chú ý:

- Viết đúng chính tả, trình bày sạch đẹp

- Đây là tên riêng địa lí nên phải viết hoa cả hai tiếng.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 120 Câu 2: Viết câu:

Cao nhất là núi Lam Sơn

Có ông Lê Lợi chặn đường giặc Minh

(Ca dao)

Lời giải:

Em chủ động viết vào vở

Chú ý:

- Viết đúng chính tả, trình bày sạch đẹp

- Viết hoa các tên riêng chỉ người, địa lí Việt Nam.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 120, 121, 122 Luyện tập

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 120 Luyện từ và câu 

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 120 Câu 1: Tìm trong những từ dưới đây các cặp từ có nghĩa trái ngược nhau.

Tiếng Việt lớp 3 trang 120, 121, 122 Luyện tập - Kết nối tri thức (ảnh 1)

M: vui – buồn

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ các từ ngữ  và tìm các cặp từ trái ngược.

Lời giải:

Các cặp từ trái ngược là:

đẹp – xấu

nóng – lạnh

bé – lớn

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 120 Câu 2: Tìm từ ngữ chỉ đặc điểm có nghĩa trái ngược nhau

M: nhanh – chậm

Tiếng Việt lớp 3 trang 120, 121, 122 Luyện tập - Kết nối tri thức (ảnh 2)

Phương pháp giải:

Em quan sát kĩ bức tranh và dựa vào mẫu để tìm những cặp từ trái nghĩa.

Lời giải:

Những từ chỉ đặc điểm có nghĩa trái ngược nhau là: cao – thấp, to – nhỏ, lớn – bé, nhiều – ít, xa – gần.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 120 Câu 3: Đọc lại câu chuyện Đi tìm mặt trời, đặt câu khiến trong tình huống sau:

a. Đóng vai gõ kiến, nhờ công, liếu điếu hoặc chích chòe đi tìm mặt trời.

b. Đóng vai gà trống, nói lời đề nghị mặt trời chiếu ánh sáng cho khu rừng tối tăm, ẩm ướt.

Phương pháp giải:

Em dựa vào nội dung câu chuyện Đi tìm mặt trời để đặt câu khiến cho phù hợp.

Câu khiến là câu dùng để nêu yêu cầu, nguyện vọng của mình.

Lời giải:

a.

- Công ơi, cậu giúp khu rừng của mình đi tìm mặt trời nhé!

- Liếu điếu hãy đi tìm mặt trời giúp khu rừng nhé!

- Cậu đi tìm mặt trời giúp khu rừng nha chích chòe!

b.

- Xin mặt trời hãy chiếu sáng cho khu rừng tăm tối của chúng tôi!

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 121 Luyện viết đoạn

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 121 Câu 1: Kể tên một số câu chuyện em yêu thích

Phương pháp giải:

Em liên hệ bản thân và kể tên một số câu chuyện mình thích đọc.

Lời giải:

Một số câu chuyện em yêu thích là: Thánh Gióng, Cây tre trăm đốt, Thạch Sanh, Tấm Cám, Cô bé lọ lem, Chú mèo đi hia, Ông lão đánh cá và con cá vàng,…

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 121 Câu 2: Hỏi – đáp về nhân vật em thích hoặc không thích trong câu chuyện đã nghe, đã đọc

G:

- Em muốn nói về nhân vật nào, trong câu chuyện nào? Vì sao em muốn nói về nhân vật đó?

- Em thích hoặc không thích nhân vật đó ở điểm nào? (ngoại hình, tính nết, hành động, suy nghĩ, tình cảm, lời nói,…)

- Nêu rõ lí do vì sao em thích hoặc không thích điều đó ở nhân vật.

Tiếng Việt lớp 3 trang 120, 121, 122 Luyện tập - Kết nối tri thức (ảnh 3)

Phương pháp giải:

Em dựa vào gợi ý và mẫu để hoàn thành bài tập.

Lời giải:

- Cậu không thích nhân vật nào trong câu chuyện Tấm Cám?

- Tớ không thích nhân vật dì ghẻ. Dì ghẻ là người độc ác, xảo quyệt. Bà ấy đã nhiều lần xúi giục Cám giết hại Tấm để cướp ngôi hoàng hậu.

- Cậu thích nhân vật nào trong chuyện Cô bé Lọ Lem?

- Tớ thích nhân vật bà tiên nhất. Bà tiên có phép thuật tài giỏi, có thể giúp được rất nhiều người. Bà đã biến ra quần áo đẹp, xe ngựa đẹp và cả đôi giày thủy tinh lộng lẫy cho Lọ Lem. Nếu như trên đời này có bà tiên thật thì tốt biết mấy.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 121 Câu 3: Viết 2 – 3 câu nêu lí do em thích hoặc không thích nhân vật trong câu chuyện đã nghe, đã đọc.

Phương pháp giải:

Em dựa vào bài tập 2 để hoàn thành.

Lời giải:

- Em không thích nhân vật Lý Thông trong câu chuyện Thạch Sanh. Lý Thông là một người mưu mô, nham hiểm. Ông ta đã lợi dụng lòng tốt và hãm hại Thạch Sanh.

- Em thích nhân vật cô bé Lọ Lem. Cô bé Lọ Lem rất xinh đẹp, hát hay. Ngoài ra, cô ấy còn rất may mắn vì đã nhận được sự giúp đỡ của bà tiên.

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 trang 122 Vận dụng: Tìm đọc câu chuyện, bài văn, bài thơ,… về một nghề nghiệp hoặc công việc nào đó.

Ví dụ:   Bài hát trồng cây

Ai trồng cây

Người đó có tiếng hát

Trên vòm cây

Chim hót lời mê say

Ai trồng cây

Người đó có ngọn gió

Rung cành cây

Hoa lá đùa lay lay

Ai trồng cây

Người đó có bóng mát

Trong vòm cây

Quên nắng xa đường dài

Ai trồng cây

Người đó có hạnh phúc

Mong chờ cây

Mau lớn theo từng ngày

Ai trồng cây…

Em trồng cây…

Em trồng cây…

        (Bế Quốc Kiến)

Phương pháp giải:

Em tìm đọc ở sách báo, trên mạng hoặc hỏi người thân.

Lời giải:

Em tham khảo 1 số bài sau:

Tiếng chổi tre

Những đêm hè
Khi ve ve
Đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác
Hàng me
Tiếng chổi tre
Đêm hè
Quét rác...

Những đêm đông
Khi cơn giông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác...

Sáng mai ra
Gánh hàng hoa
Xuống chợ
Hoa Ngọc Hà
Trên đường rực nở
Hương bay xa
Thơm ngát
Đường ta
Nhớ nghe hoa
Người quét rác
Đêm qua.

Nhớ em nghe
Tiếng chổi tre
Chị quét
Những đêm hè
Đêm đông gió rét
Tiếng chổi tre
Sớm tối
Đi về
Giữ sạch lề
Đẹp lối
Em nghe!

(Tố Hữu)

LÀM BÁC SĨ

Mời mẹ ngồi yên lặng
Để “bác sĩ” khám cho
Chắc lại đi đầu nắng
Bệnh này là bệnh ho

Thuốc ngọt chứ không đắng
Phải uống với nước sôi
Nếu tiêm thì đau lắm
Mẹ lại khóc nhè thôi

Mẹ bỗng hỏi “bác sĩ”
Sổ mũi uống thuốc gì?
“Bác sĩ” chừng hiểu ý
Uống sữa với bánh mỳ!

 

Đánh giá

0

0 đánh giá