Soạn bài Ngữ Văn 10 Cánh Diều: Đất nước

659

Tài liệu soạn bài Đất nước Ngữ văn lớp 10 Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 10 Tập 1. Mời các bạn đón  xem:

Soạn bài Đất nước

Chuẩn bị

Câu 1 trang 43 SGK Ngữ văn 10 Tập 1: Nhân vật trữ tình là ai và bộc lộ cảm xúc về điều gì?

Phương pháp giải:

     Đọc tác phẩm và xác định đúng yêu cầu đề bài

Lời giải:      

Nhân vật trữ tình trong bài thơ là tác giả.

     Bộc lộ thế giới quan, thế giới tinh thần để nói lên tâm trạng, tình cảm, cảm xúc đối với quê hương đất nước đồng thời cũng cho ta thấy được sự tự hào về truyền thống anh hùng, bất khuất của nhân dân Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến.

Câu 2 trang 43 SGK Ngữ văn 10 Tập 1: Bài thơ có các hình ảnh từ những biện pháp tu từ,... đặc sắc nào? Các yếu tố đó có tác dụng ra sao trong việc bộc lộ cảm xúc, suy ngẫm,... của tác giả?

Phương pháp giải:

- Đọc và tìm hiểu tác phẩm

- Ôn lại những kiến thức liên quan đến các biện pháp tu từ.

Lời giải:

     Các hình ảnh từ những biện pháp tu từ: Điệp từ (những, của, chúng ta,....), điệp cấu trúc cú pháp (Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta, Những cánh đồng.../ Những ngả đường..../ Những dòng sông....), điệp ngữ (đây là chúng ta), nhân hóa (trời thu thay áo mới, gió thổi rừng tre phấp phới,...), so sánh.

     Những biện pháp đã tạo cho tác giả bộc lộ mọi cung bậc cảm xúc đến với độc giả, khiến cho bài thơ vừa linh động, gần gũi thân mật nhưng không kém phần hào hùng về bức tượng đài hình ảnh đất nước trong khoảng chiến đấu và chiến thắng.

Câu 3 trang 43 SGK Ngữ văn 10 Tập 1: Cảm hứng chủ đạo và chủ đề của bài thơ là gì?

Phương pháp giải:

     Đọc bài thơ và xác định đúng yêu cầu đề bài.

Lời giải:

- Cảm hứng chủ đạo: Quê hương đất nước (Đó là những suy cảm về một đất nước đầy đau thương nhưng lại giàu đẹp, hiền hòa, gần gũi và giàu truyền thống lịch sử cách mạng).

- Chủ đề bài thơ: Bài thơ thể hiện tinh thần yêu nước, niềm tự hào sâu sắc về truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc.

Câu 4 trang 43 SGK Ngữ văn 10 Tập 1: Em biết những bài thơ nào viết về đất nước? Ấn tượng, cảm xúc, suy nghĩ,... mà những bài thơ đó gợi ra cho em là gì?

Phương pháp giải:

     Liên hệ với những kiến thức bên ngoài đã tìm hiểu, học, hay đọc.

Lời giải:

     Những bài thơ viết về đất nước:

Việt Nam quê hương ta – Nguyễn Đình Thi

Quê hương – Đỗ Trung Quân

Về làng – Nguyễn Duy

Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm

Quê hương – Tế Hanh

Nhớ con sông quê hương – Tế Hanh

Thơ tình người lính biển – Trần Đăn Khoa

Người đi tìm hình của nước – Chế Lan Viên

     Những bài thơ đó làm cho ta gợi nhớ nơi mình sinh ra, nơi ta lớn lên, nơi có những thứ quen thuộc gắn bó khăng khít, nơi mà dang đôi tay đón ta, ôm ta, vỗ về ta mỗi khi ta vấp gã, nơi có những  kỉ niệm, kí ức về tuổi thơ. Không chỉ giúp ta gợi nhờ mà còn giúp ta tự hào về một đất nước nghìn năm văn hiến, một đất nước phong phú, sống động, đẹp đẽ với muôn màu muôn vẻ, giàu tình yêu thương con người.

Đọc hiểu 

Trong khi đọc

Câu 1 trang 43 SGK Ngữ văn 10 Tập 1: Khổ 1, 2: Nhân vật trữ tình thể hiện qua từ ngữ nào?

Phương pháp giải:

     Đọc bài thơ và tìm hiểu tác phẩm

Lời giải:

     Nhân vật trữ tình thể hiện qua từ “tôi” (Tôi nhớ những ngày thu đã xa).

Câu 2 trang 43 SGK Ngữ văn 10 Tập 1: Hãy hình dung về Hà Nội và “người ra đi” trong hoài niệm của nhân vật trữ tình.

Phương pháp giải:

     Đọc kĩ tác phẩm và xác định đúng đề bài.

Lời giải:

     Hà Nội trong hoài niệm của nhân vật trữ tình là những cảnh vật thiên nhiên đặc trưng mùa thu: gió mùa thu, sáng chớm lạnh, hương cốm, phố dài xao xác hơi may cảnh hiện lên đẹp nhưng buồn và vắng lặng.

     Người ra đi thì gắn với hành động không ngoảnh lại => ý chí quyết tâm.

Câu 3 trang 44 SGK Ngữ văn 10 Tập 1: Khổ 3 chú ý đến độ dài các dòng thơ, phép điệp, phép liệt kê, hiệp vần, giọng điệu và cảm xúc của nhân vật trữ tình

Phương pháp giải:

- Đọc và tìm hiểu kĩ tác phẩm

- Chú ý đến độ dài các dòng thơ, phép điệp, phép liệt kê, hiệp vần, giọng điệu và cảm xúc của nhân vật trữ tình.

Lời giải:

     Độ dài các dòng thơ, phép điệp, phép liệt kê, hiệp vần, giọng điệu, cảm xúc đã giúp nhân vật trữ tình thể hiện sự thay đổi tâm trạng từ buồn, bâng khuâng, lưu luyến, đến vui sướng, tự hào.

Câu 4 trang 44 SGK Ngữ văn 10 Tập 1: Hình dung bức tranh đất nước trong “mùa thu nay” qua cảm nhận của nhân vật trữ tình

Phương pháp giải:

     Đọc và tìm hiểu kĩ tác phẩm

Lời giải:

     Tâm trạng con người thay đổi: Nhân vật "tôi" thay đổi từ trạng thái buồn, bâng khuâng, lưu luyến, đến vui sướng, hân hoan, phơi phới, tự hào.

     Cái nhìn thay đổi của thiên nhiên không còn im lặng nữa mà như đang cất tiếng nói, từ đường phố, thềm nhà sang núi đồi, rừng tre, trời xanh, cánh đồng, dòng sông.

     Cảm xúc của tác giả hân hoan, hả hê trước cảnh đất nước rộng lớn.

=> Bức tranh thu đẹp, tràn ngập niềm vui sướng, tự hào.

Câu 5 trang 44 SGK Ngữ văn 10 Tập 1: Chú ý đến những cảm nhận của tác giả về đất nước trong chiến tranh.

Phương pháp giải:

     Đọc và tìm hiểu kĩ tác phảm, chú ý đến cảm nhận của tác giả.

Lời giải:

     Đất nước đau thương: Nhà thơ nêu lên tội ác của giặc bằng những hình ảnh giàu tính khái quát như đồng quê chảy máu, dây thép gai – đâm nát trời chiều,... Kẻ thù đã hủy hoại cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân ta.

     Nhớ mắt người yêu => sự hài hòa giữ cái chung với cái riêng, giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu Tổ quốc.

Câu 6 trang 44 SGK Ngữ văn 10 Tập 1: Từ khổ 5 – 10 những dòng thơ nào chủ yếu thể hiện cảm nhận về: Đất nước đau thương căm hờn?

Phương pháp giải:

     Đọc và tìm hiểu kĩ tác phârm.

Lời giải:

- Bát cơm chan nước mắt

- Đứa đè cổ – đứa lột da.

- Trời đầy chim và đất đầy hoa

Súng đạn chúng bay không bắn được

Câu 7 trang 45 SGK Ngữ văn 10 Tập 1: Từ khổ 5 – 10 những dòng thơ nào chủ yếu thể hiện cảm nhận về: Đất nước quật cường anh dũng?

Phương pháp giải:

     Đọc và tìm hiểu kĩ tác phẩm.

Lời giải:

- Ngời lên nét mặt quê hương

- Bật lên những tiếng căm hờn

- Xiềng xích chúng bay không khóa được

- Ôm đất nước những người áo vải

- Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh

- Súng nổ rung trời giận dữ

- Nước Việt nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa

Câu 8 trang 45 SGK Ngữ văn 10 Tập 1: Lưu ý thông tin về thời gian sáng tác

Phương pháp giải:

     Liên hệ với kiến thức đã học và tìm hiểu bên ngoài.

Lời giải

     Bài thơ Đất nước được hình thành trong một quãng thời gian dài: hầu như suốt cuộc kháng chiến chống Pháp (1948-1955) bài thơ đã miêu tả một không gian rộng lớn toàn đất nước. Trải dài suốt quá trình chống Pháp, bài thơ mang đậm sự trải nghiệm của tác giả, đầy đủ đắng cay ngọt bùi. Lần đầu tiên bài thơ được đưa vào tập Chiến sĩ (1958). Bài thơ được tổng hợp từ một số bài thơ khác: Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948), Đêm mít tinh (1949). Đây là bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Đình Thi nói riêng và thơ kháng chiến chống Pháp nói chung. Chính hoàn cảnh sáng tác đặc biệt đã giúp bài thơ mang đậm hồn của đất nước. Vừa thể hiện được nỗi đau của nhân dân, lại làm nổi bật được niềm tự hào của dân tộc.

Trả lời câu hỏi

Câu 1 trang 45 SGK Ngữ văn 10 Tập 1: Bài Đất nước có thể chia làm mấy phần? Thời gian sáng tác bài thơ có gì đặc biệt?

Phương pháp giải:

     Đọc và tìm hiểu kĩ bài thơ

Lời giải:

     Bài thơ có thể chia làm 2 phần:

- Phần 1: Từ đầu đến “Những buổi ngày xưa vọng nói về": Cảm xúc của nhà thơ trước sự thay đổi của đất nước

- Phần 2: Còn lại: Hình ảnh đất nước trong cuộc kháng chiến: từ trong đau thương, căm hờn đã đứng lên bất khuất, anh hùng.

- Thời gian sáng tác của bài thơ: Bài thơ được sáng tác trong một thời gian dài (1948 - 1955), tương đương với thời kì chống thực dân Pháp. Bài thơ có những đoạn lấy từ hai bài thơ Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948) và Đêm mitting (1949), đến năm 1955, Nguyễn Đình Thi viết thêm phần sau "Ôi những cánh..."

=> Dù viết nhiều lần nhưng bài thơ vẫn là một chỉnh thể nghệ thuật và là một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Đình Thi và văn học Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám viết về đề tài đất nước.

Câu 2 trang 45 SGK Ngữ văn 10 Tập 1: Cảm nhận về mùa thu được thể hiện như thế nào qua ba khổ thơ đầu? Tại sao lại có sự khác nhau trong cảm nhận về mùa thu giữa các khổ thơ đó?

Phương pháp giải:

- Đọc và tìm hiểu kĩ tác phẩm

- Chú ý đến ba khổ đầu và liên hệ đến lịch sử Việt Nam giai đoạn bấy giờ.

Lời giải:

     Mùa thu của khổ 1 và 2 là hình ảnh mùa thu Hà Nội trong hoài niệm với tín hiệu gợi nhắc về mùa thu Hà Nội: "sáng mát trong" và "gió", "hương cốm mới", đây là những nét đặc trưng quen thuộc của mùa thu Bắc Bộ, mùa thu Hà Nội.

     Bức tranh mùa thu chân thực, thi vị, mang đậm đặc trưng mùa thu Hà Nội nhưng thoáng buồn: những buổi sáng mát trong, gió thổi, hương cốm, chớm lạnh, hơi may xao xác, nắng lá, phố phường Hà Nội => Bức tranh mùa thu có hình khối, đường nét, màu sắc những chứa đầy tâm trạng của người ra đi buồn bã, lưu luyến nhưng cũng đầy cương quyết

=> Mùa thu Hà Nội đẹp nhưng buồn thấm thía bởi nhân vật trữ tình phải ly biệt Hà Nội để đi tìm con đường thoát vòng nô lệ đau thương, tủi nhục.

     Mùa thu của khổ 3 là mùa thu của cách mạng, mùa thu độc lập vui tươi, phấn chấn với tiếng reo vui trước mùa thu hiện tại độc lập, hạnh phúc.

- Mùa thu cách mạng tươi đẹp, sôi nổi: không gian nghệ thuật dịch chuyển từ những phố dài xao xác buồn bã sang không gian núi rừng tươi mới, tràn đầy sức sống (rừng tre phấp phới, trời thu thay áo mới) với những âm thanh ngân nga, vang vọng; trạng thái nhân vật trữ tình vui vẻ, hạnh phúc hòa trong sự phấn chấn của tạo vật (phấp phới, thiết tha).

=> Niềm tự hào về đất nước.

     Sự thay đổi khác nhau của cảm nhận mùa thu bởi đó là do tình hình thực tế năm 1948: sau chiến thắng Việt Bắc thu – đông năm 1947, cả một vùng đất rộng lớn thuộc sáu tỉnh biên giới phía Bắc được giải phóng. Điều này đem lại cảm hứng tin tưởng, tự hào của các nhà thơ đi theo kháng chiến (đoạn thơ này được hình thành từ năm 1948 trong bài Sáng mát trong như sáng năm xưa).

Câu 3 trang 45 SGK Ngữ văn 10 Tập 1: Những dòng thơ nào thể hiện sâu sắc, ấn tượng nhất về đất nước đau thương trong chiến tranh? Cách diễn tả thể hiện của nhà thơ có gì độc đáo?

Phương pháp giải:

     Đọc và tìm hiểu kĩ tác phẩm.

Lời giải:

     Đất nước đau thương: đồng quê chảy máu, dây thép gai đâm nát trời chiều, bát cơm chan đầy nước mắt, đứa đè cổ đứa lột da.

- Bằng thủ pháp nghệ thuật nhân hóa cánh đồng quê chảy máu đã tố cáo tội ác của giặc.

- Kẻ thù đã hủy hoại cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân ta.

=> Chính tội ác ấy đã làm cho nhân dân ta căm hờn mà quyết tâm đứng dậy đánh cho chúng tan hoang, đánh cho chúng không còn đường chạy.

     Cách diễn tả thể hiện của nhà thơ đã cho ta thấy được bộ mắt tàn ác của thực dân, nhưng thứ mà dân ta phải trải qua, những thứ được và mất để đổi được độc lập tự do. Đồng thời cũng tố cáo, lên án những hành vi dã man của bọn chúng qua đó thấy được nội dung tư tưởng mà tác giả muốn truyền đạt.

Câu 4 trang 45 SGK Ngữ văn 10 Tập 1: Hãy phân tích hình tượng đất nước trong khổ cuối và nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

Phương pháp giải:

- Đọc và tìm hiểu kĩ tác phẩm.

- Liên hệ với những kiến thức đã học.

Lời giải:

"Súng nổ rung trời giận dữ": Khái quát hóa trận chiến ác liệt, khí thế anh hùng của đất nước.

- "rung" như rung chuyển cả trời đất, chất chứa oán hận, căm thù biết bao năm, quân dân ta đã phản đáp lại bằng những tiếng súng cuồng nộ "giận dữ".

- Không khí của chiến trường không chỉ được bao trùm bởi sự ác liệt, mà còn nằm ở khí thế của người chiến đấu, đem sự căm thù hóa thành tiếng súng giận dữ, hào hùng.

"Người lên như nước vỡ bờ":

- Hình ảnh lớp lớp quân dân ta tiến vào chiến trường một cách rầm rộ.

- Mang ý nghĩa biểu trưng cho sức mạnh, khí thế của quân đội ta chỉ chực chờ đến giờ phút này mà tuôn trào mạnh mẽ, không cho phép bất kỳ kẻ nào chống lại sức mạnh ghê gớm sánh ngang với tầm vóc của thiên nhiên kỳ vĩ này.

“Nước Việt Nam từ máu lửa / Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”

- Từ hình tượng người lính chiến bước ra từ trong khói lửa chói lòa, lấm lem bùn đất đã khái quát hóa thành biểu tượng chung cho đất nước Việt Nam.

- Mang khuynh hướng sử thi và chất anh hùng ca, tượng đài Việt Nam sừng sững, uy nghi hiện ra từ trong máu lửa chiến tranh, kinh qua biết bao nhiêu cuộc chiến nhưng vẫn hùng dũng đứng thẳng, mạnh mẽ vươn mình, rũ sạch bùn đất của kiếp nô lệ lầm than suốt mấy mươi năm.

- Thể hiện sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân dân Việt Nam.

=> Hình ảnh quật cường hào hùng của một đất nước trong bối cảnh rộng lớn hiện ra trước mắt, đây chính la tư thế chiến đấu của quân dân ta trong trận Điện Biên Phủ.

- Cảm hứng chủ đạo: Quê hương đất nước (Đó là những suy cảm về một đất nước đầy đau thương nhưng lại giàu đẹp, hiền hòa, gần gũi và giàu truyền thống lịch sử cách mạng).

Câu 5 trang 45 SGK Ngữ văn 10 Tập 1: Trong bài thơ nhân vật trữ tình xưng “tôi” sau đó chuyển sang xưng “ta” (chúng ta). Theo em việc thay đổi hai đại từ này có ý nghĩa gì?

Phương pháp giải:

- Đọc và tìm hiểu kĩ tác phẩm.

- Liên hệ với kiến thức đã học.

Lời giải:

     Trong phần đầu, tác giả dùng đại từ “tôi”, sang phần sau, tác giả lại dùng đại từ “ta”. Đây không phải là việc sử dụng đại từ ngẫu nhiên trong bài thơ của mình mà tác giả sử dụng sự thay đổi đó để thể hiện tư tưởng của mình.

- Chữ tôi trong câu thơ “Tôi nhớ những ngày thu đã xa” ở khổ thơ đầu thể hiện cảm xúc cá nhân của tác giả trước cảnh trời mùa thu Hà Nội. Đây là cái tôi yêu thiên nhiên, xao xuyến, bâng khuâng và rung động trước cái đẹp của đất trời.

- Còn đến những khổ thơ sau, chữ “tôi” được tác giả thay bằng chữ “ta” (chúng ta) để bày tỏ niềm tự hào, sự vui sướng vào chung với không khí độc lập tự do của dân tộc. Chữ “ta” để thể hiện khát khao không chỉ của riêng tác giả mà còn của nhiều người, nhiều cái “tôi” lí tưởng khác.

     Như vậy sự chuyển biến từ cái tôi cá nhân đến một tập thể cùng chung suy nghĩ và lí tưởng: sống cống hiến không chỉ là khát vọng của một người, của riêng một mình nhà thơ, mà còn là của nhiều người, của chung cộng đồng, nhân dân, đất nước.

Câu 6 trang 45 SGK Ngữ văn 10 Tập 1: Từ hai dòng thơ: “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất / Những buổi ngày xưa vọng nói về”, em có cảm nhận được lời nhắn nhủ gì trong tiếng vọng “rì rầm” ấy? Hãy chia sẻ bằng một đoạn văn (khoảng 6-8 dòng).

Phương pháp giải:

     Đọc và tìm hiểu tác phẩm, xác định đúng yêu cầu đề bài, liên hệ thực tiễn.

Lời giải:

     “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất / Những buổi ngày xưa vọng nói về”

     Âm thanh rì rầm đêm đêm trong lòng đất vọng từ nghìn xưa vọng tới mai sau. "Rì rầm" là một từ láy tượng thanh rất gợi cảm. Nó không ồn ào vang động, vang xa nhưng liên tục đều đặn như dòng suối chảy bất tận. "Rì rầm" trong lòng đất "đêm đêm" còn gợi lên không khí thầm lặng thiêng liêng. "Đất" là hình ảnh tượng trưng cho đất nước, của sự khổng lồ, vĩnh hằng. "Đất" cũng là cái được dựng lên từ mồ hôi nước mắt, kể cả xương máu của biết bao thế hệ cha ông. Với hình ảnh thơ độc đáo này, tác giả đã hình tượng hóa được truyền thống anh hùng của đất nước thành một hình ảnh đầy sức sống, đầy mạnh thầm lặng, thiêng liêng và vững bền muôn thuở, trở thành nhịp đập của con tim lịch sử Việt Nam bất khuất anh hùng.



Đánh giá

0

0 đánh giá