Soạn bài Ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo: Ôn tập bài 5

494

Tài liệu soạn bài Ôn tập bài 5 Ngữ văn lớp 7 Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 7 Tập 1. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Ôn tập bài 5

Ngữ văn 7 trang 120 Câu 1: Điền các thông tin thích hợp từ các văn bản thông tin đã học trong bài vào các ô, cột để hoàn thành bảng dưới đây:

Tên văn bản thông tin

Mục đích viết

Thông tin cơ bản

Thông tin chi tiết (ví dụ)

Chúng ta có thể đọc nhanh hơn?

     

Cách ghi chép để nắm chắc nội dung bài học

     

Phòng tránh đuối nước

     

Phương pháp giải:

Đọc kĩ cả 3 văn bản

Trả lời:

Tên văn bản thông tin

Mục đích viết

Thông tin cơ bản

Thông tin chi tiết (ví dụ)

Chúng ta có thể đọc nhanh hơn?

Giúp học sinh nâng cao kĩ năng đọc sách hiệu quả hơn

Hướng dẫn cách đọc sách nhanh và hiệu quả.

- Sử dụng một cây bút chì làm vật dẫn đường.

- Tìm kiếm ý chính và từ khóa.

- Mở rộng tầm mắt để đọc 5 - 7 chữ cùng lúc.

- Nghe nhạc nhịp độ nhanh trong lúc đọc.

- Đọc phần tóm tắt cuối chương trước.

- Liên tục thúc đẩy và thử thách khả năng của bạn.

Cách ghi chép để nắm chắc nội dung bài học

Giúp học sinh biết cách ghi chép nhanh và chất lượng

Hướng dẫn cách ghi chép thông tin nhanh và nắm thông tin hiệu quả.

- Lập ra quy tắc ghi chép: chia rõ các phần.

- Học cách tìm nội dung chính.

- Phân tích và đối chiếu: Thiết lập mối liên hệ giữa các trọng tâm bài học.

Phòng tránh đuối nước

Cung cấp kiến thức an toàn cho học sinh trong việc chống đuối nước.

Hướng dẫn kiến thức phòng chống đuối nước và an toàn cho học sinh.

- Bảo đảm an toàn ở những nơi có nước sâu, nguy hiểm.

- Học bơi.

- Kiểm tra an toàn trước khi xuống nước.

- Tuân thủ quy tắc an toàn khi bơi lội.

Ngữ văn 7 trang 120 Câu 2: Khi đọc hiểu một văn bản giới thiệu về một quy tắc hay luật lệ của một hoạt động, em cần nắm vững những đặc điểm nào của kiểu văn bản này?

Phương pháp giải:

Em xem lại nội dung và hình thức các văn bản đã học trong bài và trả lời câu hỏi trên

Trả lời:

Khi đọc hiểu một văn bản giới thiệu về một quy tắc hay luật lệ của một hoạt động, em cần nắm vững các đặc điểm:

- Văn bản viết cho đối tượng nào, nhằm mục đích gì?

- Thông tin trong văn bản trình bày đã chuẩn xác hay chưa?

- Văn bản được trình bày theo hình thức nào, hình thức này có tác dụng gì trong việc tiếp nhận văn bản?

- Chỉ ra được mối quan hệ giữa đặc điểm văn bản với mục đích của nó

Ngữ văn 7 trang 120 Câu 3: Khi viết một bài văn thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ của hoạt động, em cần lưu ý đến những điều gì?

Phương pháp giải:

Đọc lại phần Viết để trả lời

Trả lời:

Khi viết một bài văn thuyết minh về một quy tắc hay luật lệ của hoạt động, em cần lưu ý:

- Nhan đề nêu được tên quy tắc/hoạt động

- Giới thiệu ngắn gọn về thời gian, không gian thực hiện hoạt động, mục đích, ý nghĩa của hoạt động

- Liệt kê một số phương tiện cần chuẩn bị cho hoạt động (nếu có)

- Lần lượt thuyết minh về quy tắc/ luật lệ của hoạt động

Ngữ văn 7 trang 120 Câu 4: Tóm tắt nội dung chính của các bước chuẩn bị và trình bày bài nói giải thích một quy tắc hay luật lệ của một hoạt động

Phương pháp giải:

Đọc lại phần NÓI VÀ NGHE trang 117, SGK Ngữ văn 7 tập 1

Trả lời:

Bước 1: Xác định đề tài, người nghe, mục đích, không gian và thời gian nói

- Xác định rõ đối tượng người nghe, mục đích, không gian và thời gian nói

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

a. Tìm ý

- Xác định một số định hướng chung như: quy tắc, luật lệ gồm có những điểm chính nào? Nên triển khai phần chính bằng mấy ý/ mấy đoạn? Bài thuyết minh nên sử dụng các phương tiện nào (ngôn ngữ hoặc phương tiện phi ngôn ngữ)?

- Ghi lại bất cứ ý tưởng nào nảy sinh trong quá trình thu thập tài liệu

b. Lập dàn ý

- Mở đầu:

+ Nêu tên quy tắc, luật lệ của hoạt động

+ Nêu lí do của việc thuyết minh về quy tắc, luật lệ

- Phần chính:

+ Giới thiệu vắn tắt mục đích, bối cảnh, thời gian không gian diễn ra hoạt động và sự cần thiết thực hiện hoạt động theo quy tắc

+ Trình bày các điều khoản/ nội dung của quy tắc hay luật lệ

+ Nêu một vài lưu ý đặc biệt (nếu có)

- Kết thúc: 

+ Khẳng định ý nghĩa của việc tuân thủ quy tắc, luật lệ

+ Đưa ra khuyến nghị đối với người đọc (nếu có)

Bước 3: Luyện tập và trình bày

- Luyện tập:

+ Lựa chọn từ ngữ sao cho phù hợp

+ Dùng những câu phù hợp để khích lệ người nghe thực hiện trò chơi hay hoạt động được giới thiệu

+ Chuẩn bị phần mở đầu và kết thúc sao cho hấp dẫn

- Trình bày:

+ Chào người nghe và giới thiệu tên

+ Dùng ngôi thứ nhất để giải thích hoạt động và các quy cách thực hiện

+ Trình bày rõ ràng, mạch lạc và có điểm nhấn những nội dung liên quan

+ Sử dụng ngữ điệu linh hoạt và phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ

+ Tương tác với người nghe bằng cách nhìn vào mắt họ

+ Sử dụng kết hợp các phương tiện trực quan như hình ảnh, phim ngắn, sơ đồ…

+ Kết thúc bài nói cần cảm ơn sự chăm chú theo dõi của người nghe.

Bước 4: Trao đổi, đánh giá

- Lắng nghe ý kiến và câu hỏi của người nghe

- Trả lời và giải thích rõ ràng những câu hỏi, ý kiến của người nghe

- Tiếp tục trao đổi với người nghe về những điều còn thắc mắc qua những kênh liên lạc cá nhân khác nếu không có thời gian trao đổi trực tiếp

Ngữ văn 7 trang 120 Câu 5: Hãy chia sẻ với bạn học cùng nhóm cảm xúc hay niềm hứng thú của em khi đọc một cuốn sách, trong khi nói, có sử dụng một số thuật ngữ

Phương pháp giải:

Em chọn một cuốn sách mà mình ấn tượng, sau đó viết đoạn văn ngắn chia sẻ cảm xúc của mình. Trong đoạn văn có sử dụng các thuật ngữ liên quan đến việc đọc sách

Trả lời:

Em có thể tham khảo bài nói dưới đây:

      Chào các bạn! Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng có tuổi thơ, đó là quãng thời gian quý giá và thuần khiết nhất của cuộc đời. Và hôm nay, tôi muốn giới thiệu đến các bạn một cuốn sách để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Đó chính là cuốn "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Trên trang bìa cuốn sách là một màu xanh giống như nền xanh của bầu trời, nơi mỗi khi ta ngước lên lại thầm có ước mơ, hy vọng và mong muốn. Hình ảnh chiếc máy bay giấy tuổi thơ tái hiện cho tôi khoảng thời gian vô tư, hồn nhiên và tràn ngập tiếng cười. Sẽ chẳng có phương tiện hay hình thức vận tải nào phù hợp hơn máy bay giấy và những kỉ niệm để có thể đưa ta trở về tuổi thơ. Cuốn truyện có tổng cộng 12 chương xoay quanh cuộc sống những năm tháng tuổi thơ và tình bạn dễ thương của 4 bạn nhỏ. Đọc sách khiến tôi nhớ về tất cả những trò chơi ngày bé như bịt mắt bắt dê, nhảy dây,... nhìn thấy chính bản thân mình ở trong đó với sự thật thà, ngây ngô, có cả dại dột và ước mơ trong lòng. Tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần nhưng mỗi lần đọc kỉ niệm tuổi thơ như cơn gió ùa về, mọi thứ như vừa mới xảy ra. Chúng ta không thể trách thế hệ trẻ bây giờ không có tuổi thơ như ngày xưa mà phải trách rằng chính người lớn không thể tạo ra môi trường giống như xưa. "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" là một cuốn sách hay mà các bạn cũng như các phụ huynh nên đọc một lần. Nó sẽ là quà tặng rất ý nghĩa cho con em cũng như bạn bè của chúng ta. Các bạn hãy thử tìm đến cuốn sách để có những trải nghiệm tuyệt vời nhé!

Ngữ văn 7 trang 120 Câu 6: Theo em, việc khám phá và hoàn thiện bản thân có ý nghĩa như thế nào và có thể thực hiện bằng cách nào?

Phương pháp giải:

Liên hệ thực tế bản thân em

Trả lời:

Theo em, việc khám phá và hoàn thiện bản thân có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Bởi đó là hành động không ngừng học tập, lao động, tu dưỡng, rèn luyện, phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, học hỏi những điểm hay, điểm tốt của người khác để bản thân ngày một tốt hơn, đồng thời góp phần làm cho xã hội trở nên hiện đại, phát triển.

Để thực hiện việc khám phá và hoàn thiện bản thân, chúng ta cần phải:

- Tự nhận thức đúng bản thân

- Có kế hoạch và quyết tâm phấn đấu, rèn luyện bản thân

- Xác định rõ những biện pháp cần thực hiện

- Xác định những thuận lợi, khó khăn quyết tâm thực hiện

Đánh giá

0

0 đánh giá