Soạn bài Ngữ văn 10 Kết nối tri thức: Củng cố, mở rộng trang 33

503

Tài liệu soạn bài Củng cố, mở rộng trang 33 Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 10 Tập 2. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Củng cố, mở rộng trang 33

Câu 1

Ngữ văn 10 trang 33 Câu hỏi: Từ những hiểu biết về tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, hãy nêu các yếu tố cơ bản làm nên sức thuyết phục của một văn bản chính luận.

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ tác phẩm.

- Nêu yếu tố cơ bản làm nên sức thuyết phục của tác phẩm.

- Từ đó rút ra nhận xét về sức thuyết phục của văn bản chính luận.

Trả lời:

* Sức thuyết phục của tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là sự kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và thực tiễn.

- Sức thuyết phục của ông được thể hiện ở tư tưởng nhân nghĩa của mình phải trừng phạt kẻ xâm lược hung tàn đổ mang lại độc lập cho đất nước, thái bình cho muôn dân. Và quả thực chúng ta rất tự hào bởi trên thực tế: Núi sông bờ cõi đã chia Phong tục Bắc Nam cũng khác.

- Nhân dân ta có chủ quyền có thuần phong mỹ tục riêng làm nên hai phương Bắc - Nam khác biệt. Ta có nền độc lập vững vàng được xây dựng bằng những trang sử vẻ vang. 

- Hùng cứ cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên ở phương Bắc là các triều Triệu, Đinh, Lý, Trần ở Phương Nam. Hơn thế nữa, bao đời nay: Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau Song hào kiệt đời nào cũng có.

- Nước Đại Việt ta là một đất nước có chủ quyền lãnh thổ có nền văn hiến lâu đời, có phong tục tập quán, lịch sử riêng, chế độ nhà nước riêng, bình đẳng ngân hàng với các triều đại Trung Quốc. Chính vì thế kẻ thù có ý định xâm lược nước ta tất yếu sẽ thất bại.

- Chính thực tiễn được Nguyễn Trãi đưa ra từ những thất bại của Lưu cung, Triệu Tiết hay Hàm Tử, Ô Mã đã chứng minh tất cả lý lẽ mà Nguyễn Trãi đưa ra là đúng.

* Yếu tố làm nên sức thuyết phục của văn bản chính luận là việc kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ đưa ra và thực tiễn chứng minh.

Câu 2

Ngữ văn 10 trang 33 Câu hỏi: Các văn bản đọc (Tác gia Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo, Bảo kính cảnh giới - bài 43, Dục Thúy Sơn) đã giúp bạn có thêm hiểu biết gì về đóng góp của Nguyễn Trãi cho nền văn học, văn hóa dân tộc?

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ các văn bản trên.

- Nêu đóng góp của Nguyễn Trãi cho nền văn học, văn hóa dân tộc.

Trả lời:

Nguyễn Trãi đã đóng góp cho nền văn học, văn hóa dân tộc một kho tàng văn chương lớn và độc đáo.

- Trong lĩnh vực Thơ - Văn, Nguyễn Trãi đã để lại rất nhiều trước tác văn chương, cả bằng chữ Hán và chữ Nôm, rất phong phú về thể loại, bao gồm các lĩnh vực văn học, lịch sử, địa lý.

- Nguyễn Trãi đã là hiện thân cho một bước phát triển nhảy vọt kì diệu và trở thành người mở đầu cho nền văn học cận – hiện đại của Việt Nam.

- Nét nổi bật trong tư tưởng Nguyễn Trãi là tư tưởng anh hùng, yêu nước, thương dân.

Câu 3

Ngữ văn 10 trang 33 Câu hỏi: Tìm đọc một số tác phẩm của Nguyễn Trãi thuộc các mảng sáng tác khác nhau: văn chính luận, thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm. Chỉ ra đặc điểm cơ bản về thể loại của trong một tác phẩm tự chọn.

Phương pháp giải:

- Học sinh tự tìm đọc một số tác phẩm thơ Nguyễn Trãi.

- Chỉ ra đặc điểm cơ bản của thể loại văn bản tự tìm đọc.

Trả lời:

- Bài thơ chữ Nôm: Ngôn chí bài 13 (Tà dương)

Tà dương bóng ngả thuở hồng lâu,

Thế giới đông nên ngọc một bầu.

Tuyết sóc treo cây điểm phấn,

Quỹ đông dãi nguyệt in câu.

Khói chìm thuỷ quốc, quyên phẳng,

Nhạn triện hư không, gió thâu.

Thuyền mọn còn chèo chăng khứng đỗ,

Trời ban tối ước về đâu

- Thể loại: Thơ đường luật biến thể.

- Đặc điểm cơ bản: Gồm các câu thơ 6 chữ và 7 chữ đan xen nhau gây ấn tượng mạnh, nhằm biểu đạt nội dung bài thơ theo dụng ý của tác giả.

Câu 4

Ngữ văn 10 trang 33 Câu hỏi: Học thuộc lòng một số đoạn trong bản dịch Bình Ngô đại cáo và các bài thơ của Nguyễn Trãi có trong bài học này (Bảo kính cảnh giới - bài 43 Dục Thúy Sơn)

Phương pháp giải:

- Đọc kĩ các tác phẩm thơ Nguyễn Trãi.

- Chọn một đoạn ấn tượng với bản thân, học thuộc lòng.

Trả lời:

Học sinh tự chọn một tác phẩm tiêu biểu để học thuộc.

Câu 5

Ngữ văn 10 trang 33 Câu hỏi: Hãy chọn viết về một đề tài xã hội mà bạn quan tâm. Dựa vào bài viết này để lập dàn ý cho một bài thuyết trình và tập thuyết trình trên cơ sở dàn ý đó.

Phương pháp giải:

- Chọn viết 1 đề tài xã hội mà bản thân quan tâm.

- Dựng đề cương cho một bài thuyết trình.

- Tập thuyết trình trên cơ sở đề cương đã dựng.

Trả lời:

Gợi ý:

Bạo lực học đường – vấn đề chưa bao giờ là cũ

Khái niệm về bạo lực học đường

     Bạo lực học đường – không đơn thuần chỉ là một cuộc xô xát, đánh nhau giữa các học sinh như nhiều người thường nghĩ. “Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập”.

     Thực tế cho thấy, nhiều người đang có cái hiểu sai lệch và không đầy đủ về bạo lực học đường. Họ cho rằng bạo lực học đường chỉ là sự va chạm và để lại thương tích về mặt thể xác mà không hề biết, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hành vi cô lập bạn học, gây áp lực về mặt tinh thần cũng là bạo lực học đường. Nhiều người còn có suy nghĩ, bạn học đánh chửi, lăng mạ nhau là chuyện “bình thường”, là hành vi “trêu đùa” hoặc nghĩ rằng “không làm gì sao lại bị đánh” và cho rằng đó là việc làm đúng đắn mà không hề nghĩ đến hệ lụy sau này.

Thực trạng bạo lực học đường

     Theo số liệu thực tế của UNESCO năm 2017 chỉ rõ, tỉ lệ trẻ em vị thành niên là nạn nhân của bạo lực học đường lên đến con số 246 triệu người. Thực tế hiện nay cho thấy, hiện nay con số này đang gia tăng với tốc độ chóng mặt, không chỉ về số lượng mà còn về mức độ nguy hiểm. Trong môi trường học tập, thành viên nào cũng sẽ đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, không chỉ là học sinh, sinh viên mà còn có các thầy cô giáo.

     Thật khó có thể tin được, hiện nay vấn nạn bạo lực học đường đang ở mức báo động đỏ và đang không ngừng gia tăng. Tính chất của mỗi vụ bạo lực học đường lại càng khiến người ta bất ngờ hơn, không thể tin được, tại sao trong môi trường học đường lại có những hành vi bắt nạt bạn học trắng trợn và ghê sợ đến vậy. Chỉ vì mâu thuẫn cá nhân, các em sẵn sàng chặn đánh bạn, dùng những lời lẽ tục tĩu chửi bới, đe dọa, thậm chí là xâm phạm thân thể bạn học bằng cách cắt tóc, cắt quần áo. Ghê sợ hơn nữa là việc quay lại video clip và tung lên các trang mạng xã hội, lấy đó làm niềm vui, là chiến tích để tự hào.

     Hiện nay, đa số bạo lực học đường được thực hiện dựa trên bạo lực về tinh thần. Trẻ em có cách thể hiện bạo lực học đường của trẻ em, người lớn có cách thực hiện của người lớn. Ngay từ những lớp cấp một, các em đã “cô lập” bạn học của mình bằng cách bắt cả lớp ký giấy “không được chơi cùng bạn A” và nói những lời lẽ khó nghe nhằm mục đích chế giễu bạn. Sang đến lớp lớn hơn, bạo lực học đường lại được thể hiện qua những lần xô xát, qua những vết thương trên người nạn nhân, qua những lời nhục mạ chửi bới và qua những clip được tung lên mạng xã hội. Nạn nhân không chỉ bị cô lập mà còn trở thành trò cười cho cả trường. Và có những người, dù không tham gia trực tiếp vào quá trình đánh đập, nhưng lại để lại những lời lẽ khiếm nhã trong phần bình luận về những video clip được tung lên mạng, đã thể hiện hành động gián tiếp trong bạo lực học đường: bạo lực tinh thần.

Đâu là lí do dẫn đến bạo lực học đường?

     Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực học đường, đó có thể là từ phía gia đình, từ nhà trường, xã hội và quan trọng hơn là từ chính sự phát triển trong suy nghĩ của học sinh. Thực tế cho thấy, tình trạng bạo lực học đường hiện nay xuất hiện nhiều nhất là ở độ tuổi từ 12 – 17 tuổi, là giai đoạn phát triển tâm sinh lí, tình cảm của con người. Đặc điểm của độ tuổi này là tâm lý không ổn định, có suy nghĩ bồng bột và có khao khát được chứng tỏ bản thân. Rất nhiều vụ bạo lực học đường nghiêm trọng xảy ra, nhưng khi được hỏi về lí do thì nhiều người phải “bật ngửa” vì lí do hết sức đơn giản như: “nó nhìn đểu em”, “mặt nó vênh váo nhìn ghét” hay “nó học giỏi hơn em nhưng không cho em chép bài trong giờ kiểm tra”,.. . Chỉ vì những việc nhỏ nhặt nhưng các em sẵn sàng gây sự, đánh đập, chửi bới nhau và thậm chí là sát hại bạn để “thể hiện” bản thân mình.

     Lí do dẫn đến hành vi bạo lực học đường cũng xuất phát từ phía gia đình của học sinh. Gia đình là môi trường đầu tiên mỗi đứa trẻ được tiếp xúc, có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến việc hình thành tính cách và định hướng sống. Mỗi gia đình Việt hiện nay đang dạy trẻ theo hai xu hướng chính, đó là đánh mắng và chiều chuộng. Nhưng việc la mắng, đánh đập thô bạo khi con mắc sai lầm sẽ khiến tâm lý trẻ thường xuyên bị đè nén bằng bạo lực và các em sẽ chọn cách giải tỏa ở mối quan hệ học đường bằng việc làm y hệt với bạn học của mình. Hành vi cha mẹ nuông chiều con quá mức cũng không tốt, nó làm xuất hiện tâm lý háo thắng ở trẻ, tính tự phụ và tự kiêu và sẽ có những hành vi quá mức với bạn học khi không được “chiều chuộng” ở môi trường giáo dục.

     Nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực học đường cũng một phần do chế độ giáo dục tại các trường học chưa được hiệu quả. Các vụ việc bạo lực học đường chưa được hiểu một cách chính xác, chưa chạm tới được gốc rễ vấn đề từ tâm lý của học sinh và cả giáo viên. Các trường học đã cố gắng đưa ra giải pháp tác động đến tâm lý học sinh từ năm học 2018 – 2019 khi thành lập Ban phụ trách tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên trên thực tế, Ban này chỉ hoạt động mang tính hình thức, một phần vì các em học sinh còn ngại ngùng chia sẻ các vấn đề cá nhân, nhưng cũng một phần vì tại các trường THCS, THPT hiện nay rất ít giáo viên có kiến thức chuyên môn đủ sâu về tâm lý học để có thể tư vấn một cách chi tiết, đưa ra các giải pháp hiệu quả cho học sinh.Đồng thời, lối suy nghĩ bạo lực học đường chỉ xảy ra giữa học sinh với nhau vẫn rất phổ biến, việc xác định học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường từ giáo viên chưa được xem xét một cách nghiêm túc, dẫn đến bỏ sót rất nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra âm thầm trong các trường học. Lối suy nghĩ này hiện diện ngay trong giải pháp giải quyết bạo lực học đường nêu trên, khi Ban phụ trách tư vấn học đường không hướng đến đối tượng là giáo viên, từ đó không giải quyết được triệt để tình trạng bạo lực học đường.

     Tác động từ phía xã hội cũng là một trong số nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực học đường. Theo thống kê hiện nay, bạo lực học đường đa phần xảy ra tại các vùng nông thôn, tại môi trường có trình độ dân trí thấp, thường xuyên xảy ra nhiều tệ nạn xã hội. Sống và tiếp xúc lâu trong môi trường không tốt, dần dần đã hình thành suy nghĩ và hành động tiêu cực dẫn đến bạo lực học đường.

     Không chỉ dừng lại ở đó, việc mạng xã hội phát triển nhanh chóng hiện nay cũng dẫn đến hành vi bạo lực học đường. Sự xuất hiện ngày một nhiều các phim ảnh, truyện tranh có thiên hướng bạo lực tràn lan trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, đặc biệt là các phim về đời sống giang hồ, xã hội đen,… cộng hưởng với sự thiếu quan tâm, định hướng, phân tích đúng đắn từ bố mẹ, để con cái tiếp xúc với những nội dung bạo lực với tần suất lớn, không được kiểm soát sẽ gây ra những tác động tiêu cực, thúc đẩy sự gia tăng tính hung hăng và trở thành hành vi bạo lực.

Ngăn chặn bạo lực học đường hiệu quả.

     Bạo lực học đường là vấn nạn đã tồn tại rất lâu trong “đời sống” học đường, mặc dù càng ngày nó càng được chú ý và xử lý quyết liệt hơn, nhưng đó mới là các biện pháp ở phần ngọn và chưa triệt để. Để giải quyết bạo lực học đường hiệu quả, cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa, sự chung tay từ cả các cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình và xã hội giải quyết gốc rễ vấn đề này.

     Cần giáo dục cho trẻ ngay từ khi còn bé về các hành vi bạo lực học đường là sai trái. Mỗi nhà trường cần sáng tạo hơn trong những đợt tuyên truyền về bạo lực học đường thay vì chỉ hô hào khẩu hiệu hay những cuộc thi tìm hiểu nặng tính hình thức. Cần có các buổi trao đổi về bạo lực học đường kết hợp cùng các Đoàn Luật sư, Công an phường về các trường để mọi người hiểu hơn về hậu quả pháp lý có thể phải chịu khi thực hiện hành vi bạo lực học đường,… Ban phụ trách tư vấn tâm lý học đường cần thật sự hoạt động chứ không chỉ dừng ở hình thức, đặc biệt đối tượng để tư vấn tâm lý phải gồm cả giáo viên. Để làm được điều này, trước mắt cần mời các chuyên gia tâm lý về hoạt động tại trường. Giải pháp lâu dài đặt ra, đó là cần đào tạo về tâm lý học một cách bài bản ngay từ khi các giáo viên tương lai còn ngồi trên ghế trường đại học, và đây sẽ là một trong những kiến thức bắt buộc khi xem xét tuyển dụng giáo viên tại các trường THCS, THPT.

     Về phía gia đình, các bậc phụ huynh nên bỏ quan điểm “yêu cho roi cho vọt”, và nuông chiều con quá mức. Cần tâm sự với con thường xuyên để hướng đến việc nắm bắt tâm lý, từ đó trở thành người bạn của con, kịp thời chấn chỉnh các suy nghĩ lệch lạc và giúp con xử lý các vấn đề trong cuộc sống. Cần quan tâm đến đời sống tinh thần của con trẻ, nên kết hợp cùng nhà trường giáo dục nhằm hình thành nhân cách sống tốt đẹp cho con. Hãy để trẻ phát triển trong một môi trường lành mạnh và tốt đẹp, tránh xa “bạo lực” ngay từ khi còn bé.

     Hãy kiểm soát tốt hành vi và việc làm của bản thân, đừng tự biến mình trở thành nạn nhân hay thủ phạm của bạo lực học đường. Nếu không đủ khả năng ngăn cản, đừng bao giờ có hành vi “hùa” vào bắt nạt bạn học. Đừng để bạo lực học đường, mãi mãi là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội.

 

Đánh giá

0

0 đánh giá