Lý thuyết Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 (Kết nối tri thức) Bài 15: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về khiếu nại, tố tụng

350

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu Lý thuyết Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về khiếu nại, tố tụng (Kết nối tri thức) | Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 hay, ngắn gọn và bài tập tự luyện có lời giải chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững nội dung kiến thức từ đó dễ dàng làm các bài tập Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11.

Lý thuyết Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 (Kết nối tri thức) Bài 15: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về khiếu nại, tố tụng

A. Lý thuyết KTPL 11 Bài 15: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về khiếu nại, tố tụng

1. Một số quy định cơ bản của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo

a) Quyền của công dân về khiếu nại

- Người khiếu nại có quyền:

+ Tự mình khiếu nại, nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc uỷ quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình;

+ Tham gia đối thoại hoặc uỷ quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại;

+ Được biết, đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước;

+ Đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó;

+ Nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại, được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm;

+ Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

+ Khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính; rút khiếu nại,...

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 15: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về khiếu nại, tố tụng | Kinh tế Pháp luật 11

b) Quyền của công dân về tố cáo

- Người tố cáo có quyền

 

+ Thực hiện quyền tố cáo theo quy định của pháp luật được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;

+ Được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo,..;

+ Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết, rút tố cáo;

+ Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;

+ Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật...

c) Nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo

- Trong quá trình thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo, công dân có nghĩa vụ sau:

+ Trình bày trung thực nội dung khiếu nại, tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo;

+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo;

+ Tuân theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác;

+ Không lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác....

2. Hậu quả của hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo

- Hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo sẽ gây nên nhiều hậu quả tiêu cực.

+ Đối với xã hội: ảnh hưởng đến tinh tôn nghiêm của pháp luật và trật tự quản lý nhà nước; có thể gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, hoạt động của cán bộ, cơ quan, tổ chức nhà nước...

+ Đối với cá nhân: xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân; làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, công việc, kinh tế của công dân;...

- Người thực hiện hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm có thể bị kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

B. Bài tập trắc nghiệm KTPL 11 Bài 15: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về khiếu nại, tố tụng

Câu 1. Theo quy định của pháp luật, công dân đề nghị cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định  điều động công tác đối với mình là thực hiện quyền

A. trình báo.          

B. kháng nghị.                  

C. tố cáo.               

D. khiếu nại.

Đáp án đúng là: D

Theo quy định của pháp luật, công dân đề nghị cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định  điều động công tác đối với mình là thực hiện quyền khiếu nại.

Câu 2. Theo quy định của pháp luật, công dân có thể thực hiện quyền khiếu nại trong trường hợp nào sau đây?

A. Phát hiện tù nhân trốn trại.      

B. Chứng kiến bắt cóc con tin.

C. Bị phần tử khủng bố đe dọa tính mạng.         

D. Nhận quyết định kỉ luật chưa thỏa đáng.

Đáp án đúng là: D

Theo quy định của pháp luật, công dân có thể thực hiện quyền khiếu nại khi nhận quyết định xử phạt chưa thỏa đáng.

Câu 3. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng quyền của công dân về khiếu nại?

A. Khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án.

B. Nhận văn bản trả lời về việc thụ lí hoặc quyết định giải quyết khiếu nại.

C. Nhận thông tin về quá trình giải quyết khiếu nại bao gồm cả bí mật nhà nước.

D. Khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại.

Đáp án đúng là: C

Người khiếu nại có quyền nhận các thông tin liên quan đến quá trình giải quyết khiếu nại trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước;

Câu 4. Công dân có quyền khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của

A. Bộ luật Hình sự.

B. Luật tố tụng dân sự.

C. Luật hành chính công.

D. Luật Tố tụng hành chính.

Đáp án đúng là: D

Công dân có quyền khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Câu 5. Trong trường hợp dưới đây, Trung tâm ngoại ngữ K đã thực hiện quyền khiếu nại như thế nào?

Trường hợp. Gần đây, Trung tâm Ngoại ngữ K bị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hoa quyết định thu hồi giấy phép hoạt động vì không hoạt động đúng địa điểm cấp phép và không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Trung tâm Ngoại ngữ K không đồng ý với quyết định thu hồi giấy phép nên đã làm đơn khiếu nại gửi đến Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị xem xét lại. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kĩ, Trung tâm Ngoại ngữ K nhận thấy quyết định đó là có căn cứ và đúng với các quy định của pháp luật nên đã rút đơn khiếu nại.

A. Uỷ quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

B. Đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT xem xét lại quyết định thu hồi giấy phép hoạt động.

C. Khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính

D. Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại.

Đáp án đúng là: B

Trung tâm Ngoại ngữ K đã thực hiện quyền của công dân về khiếu nại bằng việc:

+ Gửi đơn đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét lại quyết định thu hồi giấy phép hoạt động đối với trung tâm;

+ Tìm hiểu các thông tin liên quan đến sự việc;

+ Rút đơn khiếu nại khi nhận thấy quyết định thu hồi giấy phép là có căn cứ và đúng với quy định của pháp luật.

Câu 6. Trong trường hợp sau, bà M đã thực hiện quyền khiếu nại của công dân như thế nào?

Trường hợp. Bà M được chính quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 300 mđất nhưng sau khi tiến hành đo đạc, gia đình bà phát hiện diện tích đất thực tế không đủ 300 m2 theo quy định. Do tuổi cao, sức yếu, bà M đã uỷ quyền cho con gái làm đơn khiếu nại và thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến sự việc gửi đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét, giải quyết để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình.

A. Rự mình tiến hành khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân.

B. Uỷ quyền cho người khác khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

C. Khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính

D. Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại.

Đáp án đúng là: B

Bà M đã thực hiện quyền của công dân về khiếu nại bằng việc uỷ quyền cho con gái làm đơn khiếu nại và thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến sự việc gửi đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét, giải quyết để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình.

Câu 7. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng ý nghĩa của các quy định pháp luật về quyền khiếu nại của công dân?

A. Là nhân tố duy nhất giúp ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

B. Là cơ sở pháp lí để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân.

C. Thể hiện quyền làm chủ của công dân trong hoạt động quản lí nhà nước.

D. Góp phần xây dựng và phát triển một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Đáp án đúng là: A

- Ý nghĩa của các quy định pháp luật về quyền khiếu nại của công dân:

+ Là cơ sở pháp lí để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân;

+ Là điều kiện để công dân tham gia và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lí nhà nước và xã hội;

+ Là hình thức thể hiện quyền làm chủ của công dân trong hoạt động quản lí nhà nước; phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, giảm thiểu những hậu quả tiêu cực, góp phần xây dựng và phát triển một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;...

Câu 8. Anh B là Chi cục trưởng Chi cục X chở chị H là nhân viên đi công tác bằng xe mô tô. Trên đường đi, anh B đã vượt đèn đỏ nên bị anh M là cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe. Vào thời điểm anh M lập biên bản và ra quyết định xử phạt anh B ; cách đó không xa, anh D là tài xế xe taxi bị hành khách trên xe là anh C khống chế, dùng dao đâm vào bụng. Sau khi thoát khỏi xe và kêu cứu, anh D ngã gục xuống đường, lợi dụng lúc này, anh C bỏ chạy. Anh M nhờ người đưa anh D đi cấp cứu còn mình thì truy đuổi anh C. Thấy trong quyết định xử phạt anh B có ghi thêm lỗi đi sai làn đường dù anh B không vi phạm, chị H đã đưa sự việc lên mạng xã hội. Không ngờ hành động của chị H khiến việc anh B bị xử phạt lan truyền rộng rãi dẫn đến uy tín của anh B bị ảnh hưởng. Bức xúc, anh B đã tạo tình huống để chị H mắc lỗi nghiêm trọng rồi dựa vào đó thực hiện quy trình kỉ luật và chị H đã phải nhận quyết định buộc thôi việc. Những ai sau đây có thể vừa được thực hiện quyền khiếu nại vừa được thực hiện quyền tố cáo?

A. Chị H và anh B.

B. Chị H và anh D.

C. Anh B, anh D và chị H.

D. Anh M, anh B và anh C.

Đáp án đúng là: A

Trong trường hợp trên, chị H và anh B có thể vừa được thực hiện quyền khiếu nại vừa được thực hiện quyền tố cáo.

Câu 9. Công dân báo cho cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức là thực hiện quyền

A. truy cứu.  

B. tố cáo.     

C. khiếu nại.

D. xét xử.

Đáp án đúng là: B

Công dân báo cho cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức là thực hiện quyền tố cáo.

Câu 10. Theo quy định của pháp luật, công dân có thể thực hiện quyền tố cáo trong trường hợp nào sau đây?

A. Phát hiện việc khai thác cát trái phép.

B. Phải kê khai tài sản cá nhân.

C. Bị truy thu thuế chưa thỏa đáng.        

D. Nhận quyết định điều chuyển công tác.

Đáp án đúng là: A

Theo quy định của pháp luật, công dân có thể thực hiện quyền tố cáo trong trường hợp phát hiện việc khai thác cát trái phép.

Câu 11. Theo quy định của pháp luật, công dân báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi xả chất thải chưa qua xử lí ra môi trường là sử dụng quyền nào sau đây?

A. Tố cáo.    

B. Truy tố.

C. Khiếu nại.

D. Khởi kiện.

Đáp án đúng là: A

Theo quy định của pháp luật, công dân báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi xả chất thải chưa qua xử lí ra môi trường là sử dụng quyền tố cáo.

Câu 12. Công dân thực hiện tố cáo có quyền được

A. bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác.

B. ra quyết định gia hạn hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo.

C. công khai  họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác.

D. ra quyết định về việc thụ lí hoặc không thụ lí tố cáo.

Đáp án đúng là: A

Công dân thực hiện tố cáo có quyền được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác.

Câu 13. Trong trường hợp dưới đây, chị M đã thực hiện quyền nào của công dân?

Trường hợp. Anh T là cán bộ địa chính – xây dựng của phường H đã nhận của bà Q (giám đốc doanh nghiệp tư nhân X đóng trên địa bàn phường H) số tiền 10 triệu đồng để không gây khó khăn cho việc cấp giấy chứng nhận cho bà. Biết được sự việc trên, chị M đã thu thập chứng cứ và đến cơ quan công an phường H để trình báo.

A. Tố cáo.    

B. Truy tố.

C. Khiếu nại.

D. Khởi kiện.

Đáp án đúng là: A

Trong trường hợp trên, chị M đã thực hiện quyền tố cáo của công dân.

Câu 14. Việc thực hiện tốt các quy định pháp luật về quyền khiếu nại của công dân đem đến nhiều ý nghĩa quan trọng, ngoại trừ việc

A. là nhân tố duy nhất giúp ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

B. là cơ sở pháp lí để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

C. ngăn chặn những việc làm trái pháp luật; góp phần bảo đảm an toàn xã hội.

D. ngăn chặn những việc làm xâm phạm lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức…

Đáp án đúng là: A

- Ý nghĩa của các quy định pháp luật về quyền của công dân về tố cáo:

+ Là cơ sở pháp lí để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;

+ Tạo điều kiện để công dân thực hiện tốt quyền của bản thân;

+ Ngăn chặn những việc làm trái pháp luật, xâm phạm lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức, Nhà nước và xã hội; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội...

Câu 15. Trong quá trình thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo, công dân không được

A. cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo.

B. trình bày trung thực, chịu trách nhiệm về nội dung khiếu nại, tố cáo.

C. lợi dụng khiếu nại, tố cáo để xâm hại đến quyền của chủ thể khác.

D. tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Đáp án đúng là: C

- Trong quá trình thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo, công dân có nghĩa vụ sau:

+ Trình bày trung thực nội dung khiếu nại, tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo;

+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khiếu nại, tố cáo;

+ Tuân theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác;

+ Không lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác....

Câu 16. Mọi hành vi vi phạm phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo đều

A. bị phạt cải tạo không giam giữ.

B. phải chịu trách nhiệm pháp lí.

C. phải bồi thường thiệt hại.

D. bị phạt tù chung thân.

Đáp án đúng là: B

Mọi hành vi vi phạm phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo đều phải chịu trách nhiệm pháp lí. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, chủ thể có hành vi vi phạm có thể bị kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Câu 17. Hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo không dẫn đến hậu quả nào sau đây?

A. Ảnh hưởng đến tinh tôn nghiêm của pháp luật và trật tự quản lý nhà nước.

B. Có thể gây tình trạng mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

C. Có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, danh dự… của công dân.

D. Mọi chủ thể có hành vi vi phạm đều phải bồi thường và bị kết án tù.

Đáp án đúng là: D

- Người thực hiện hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về khiếu nại, tố cáo, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm có thể bị kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Câu 18. Đọc trường hợp dưới đây và cho biết: chủ thể nào đã có hành vi vi phạm quy định pháp luật về quyền khiếu nại của công dân?

Trường hợp. Tại trụ sở tiếp dân của cơ quan thanh tra tỉnh H, có khoảng hơn 50 công dân xã Y do ông M đứng đầu đã tụ tập khiếu nại về việc đền bù, giải phóng mặt bằng trong một dự án thực hiện tại xã Y, vì họ cho rằng các cơ quan nhà nước không Khực hiện đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sau khi nghe ông K (cán bộ thanh tra tiếp dân) giải thích chế độ chính sách, các quy định của pháp luật về vấn đề họ khiếu nại, không đồng ý với giải thích đó, hơn 50 người thậm chí đã có xô xát với cán bộ tiếp dân, gây mất ổn định trật tự trên địa bàn.

A. Ông K (cán bộ thanh tra).

B. Nhóm 50 công dân xã Y.

C. Tất cả các chủ thể đều vi phạm.

D. Không có chủ thể nào vi phạm.

Đáp án đúng là: B

Trong trường hợp trên, nhóm 50 công dân xã Y do ông M đứng đầu đã có hành vi vi phạm quy định pháp luật về quyền khiếu nại của công dân. Hành vi của nhóm người này đã dẫn đến hậu quả: làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Câu 19. Trong tình huống dưới đây, chủ thể nào đã có hành vi vi phạm quyền tố cáo của công dân?

Tình huống. Anh A gửi đơn tố cáo nặc danh (không ghi rõ họ tên, địa chỉ) bịa đặt việc trưởng phòng H nhận hối lộ, sử dụng bằng cấp giả nhằm xúc phạm danh dự, hạ uy tín của trưởng phòng H cạnh tranh vị trí trong đợt bổ nhiệm tiếp theo. Nhưng trên thực tế trưởng phòng H không thực hiện hành vi trên, bằng cấp của anh H là thật. Việc tố cáo của anh A đã ảnh hưởng đến sự đoàn kết của tập thể, ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm anh H của tổ chức và xúc phạm danh dự của anh H.

A. Anh H.

B. Anh A.

C. Cả anh H và anh A đều vi phạm.

D. Không có chủ thể nào vi phạm.

Đáp án đúng là: B

Hành vi của anh A trong tình huống trên đã vi phạm quyền tố cáo của công dân. Hành vi này đã dẫn đến hậu quả: uy tín, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của trưởng phòng H bị xâm phạm.

Câu 20. Chủ thể nào trong tình huống dưới đây không vi phạm quyền tố cáo của công dân?

Tình huống. Do có mâu thuẫn với ông A (Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện N), bà D và ông T đã làm đơn tố cáo với nội dung sai sự thật và chia sẻ thông tin này đến nhiều người nhằm hạ uy tín, danh dự, nhân phẩm của ông A. Qua kiểm tra, xác minh, cơ quan có thẩm quyền xác định nội dung tố cáo là sai sự thật. Ông A đã có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự đối với ông T và bà D về hành vi vu khống. Nhận thấy sự việc có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, mặc dù được minh oan nhưng danh dự, uy tín của ông A đã bị ảnh hưởng.

A. Ông T.

B. Ông A.

C. Bà D.

D. Cơ quan điều tra tỉnh N.

Đáp án đúng là: B

Trong tình huống trên, ông A không vi phạm quyền tố cáo của công dân.

Xem thêm Lý thuyết các bài Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 14: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về bầu cử và ứng cử

Lý thuyết Bài 16: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về bảo vệ Tổ quốc

Lý thuyết Bài 17: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân

Lý thuyết Bài 18: Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân

Lý thuyết Bài 19: Quyền được đảm bảo an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân

Đánh giá

0

0 đánh giá