SBT KTPL 11 (Cánh diều) Bài 9: Văn hóa tiêu dùng | Giáo dục kinh tế và pháp luật 11

376

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu giải sách bài tập KTPL lớp 11 trang 50 Bài 9: Văn hóa tiêu dùng Sách bài tập KTPL lớp 11 Cánh diều hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng làm các bài tập từ đó nâng cao kiến thức và biết cách vận dụng phương pháp giải vào các bài tập trong SBT KTPL lớp 11 Bài 9.

SBT KTPL 11 (Cánh diều) Bài 9: Văn hóa tiêu dùng | Giáo dục kinh tế và pháp luật 11

Bài 1 trang 50 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Khẳng định nào dưới đây là sai khi nói về vai trò của tiêu dùng?

A. Tiêu dùng là đầu ra của sản xuất.

B. Tiêu dùng góp phần định hướng cho hoạt động sản xuất.

C. Tiêu dùng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

D. Tiêu dùng làm giảm tích luỹ của nền kinh tế.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

- Vai trò của tiêu dùng:

+ Tiêu dùng là đầu ra của sản xuất, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước.

+ Tiêu dùng góp phần định hướng cho hoạt động sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú về số lượng và đảm bảo chất lượng, hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

Bài 2 trang 50 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Tính kế thừa trong đặc điểm văn hoá tiêu dùng Việt Nam thể hiện ở việc

A. văn hoá tiêu dùng Việt Nam có sự tiếp nối truyền thống của dân tộc, mang bản sắc văn hoá Việt Nam.

B. văn hoá tiêu dùng Việt Nam hướng tới giá trị tốt đẹp, chân, thiện, mĩ.

C. thói quen, hình thức, cách thức thanh toán đa dạng, phù hợp với sự phát triển của văn hoá tiêu dùng Việt Nam.

D. người tiêu dùng biết cân nhắc, lựa chọn hàng hoá, dịch vụ; chi tiêu có kế hoạch, phù hợp với nhu cầu bản thân.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Tính kế thừa trong đặc điểm văn hoá tiêu dùng Việt Nam thể hiện ở việc văn hoá tiêu dùng Việt Nam có sự tiếp nối truyền thống của dân tộc, mang bản sắc văn hoá Việt Nam.

Bài 3 trang 50 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Người tiêu dùng biết cân nhắc, lựa chọn hàng hoá, dịch vụ; chi tiêu có kế hoạch, phù hợp với nhu cầu bản thân là nội dung thể hiện đặc điểm nào trong văn hoá tiêu dùng Việt Nam?

A. Tính kế thừa.

B. Tính giá trị.

C. Tính thời đại

D. Tính hợp lí.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Người tiêu dùng biết cân nhắc, lựa chọn hàng hoá, dịch vụ; chi tiêu có kế hoạch, phù hợp với nhu cầu bản thân là nội dung thể hiện tính hợp lí trong văn hoá tiêu dùng Việt Nam

Bài 4 trang 50 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Văn hoá tiêu dùng Việt Nam hướng tới giá trị tốt đẹp, chân, thiện, mĩ là nội dung thể hiện đặc điểm nào trong văn hoá tiêu dùng Việt Nam?

A. Tính kế thừa.

B. Tính giá trị.

C. Tính thời đại.

D. Tính hợp lí.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Văn hoá tiêu dùng Việt Nam hướng tới giá trị tốt đẹp, chân, thiện, mĩ là nội dung thể hiện tính giá trị trong văn hoá tiêu dùng Việt Nam

Bài 5 trang 51 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Khẳng định nào dưới đây là sai khi nói về văn hoá tiêu dùng Việt Nam?

A. Văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam là những giá trị xã hội tốt đẹp trong tiêu dùng, được tích luỹ theo thời gian.

B. Văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam hiện nay không kế thừa các giá trị văn hoá tiêu dùng truyền thống.

C. Văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam là động lực thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.

D. Văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam được phản ánh một phần qua hành vi và quyết định tiêu dùng.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Văn hoá tiêu dùng Việt Nam có sự kế thừa truyền thống của dân tộc, mang bản sắc văn hoá Việt Nam (tính kế thừa)

Bài 6 trang 51 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Văn hoá tiêu dùng góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị, chuẩn mực, tập quán tiêu dùng tốt đẹp, bền vững từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đồng thời, thúc đẩy, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc.

Khẳng định trên nói về vai trò của văn hoá tiêu dùng trong lĩnh vực nào?

A. Kinh tế.

B. Chính trị.

C. Văn hoá - xã hội.

D. Đối ngoại.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Đối với lĩnh vực văn hoá - xã hội: Văn hoá tiêu dùng góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị, chuẩn mực, tập quán tiêu dùng tốt đẹp, bền vững từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc.

Bài 7 trang 51 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Văn hoá tiêu dùng tác động đến chiến lược sản xuất kinh doanh của các chủ thể, đặc biệt là chiến lược về sản phẩm, giá cả và phân phối.

Khẳng định trên nói về vai trò của văn hóa tiêu dùng trong lĩnh vực nào?

A. Kinh tế.

B. Chính trị.

C. Văn hoá - xã hội.

D. Đối ngoại.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Đối với lĩnh vực kinh tế: Văn hoá tiêu dùng tác động đến chiến lược sản xuất kinh doanh của các chủ thể, đặc biệt là chiến lược về sản phẩm, về giá cả, về phân phối và hỗ trợ thương mại.

Bài 8 trang 51 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Ý kiến nào dưới đây không đúng khi nói về biện pháp xây dựng văn hoá tiêu dùng Việt Nam?

A. Đẩy mạnh tuyên truyền các nét đẹp trong văn hoá tiêu dùng Việt Nam.

B. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá tiêu dùng truyền thống, tốt đẹp của đất nước.

C. Chỉ tiếp thu các giá trị văn hoá tiêu dùng hiện đại, hạn chế các giá trị truyền thống.

D. Tích cực quảng bá văn hoá tiêu dùng của Việt Nam đến các nước trên thế giới.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

- Biện pháp xây dựng văn hoá tiêu dùng Việt Nam:

+ Đẩy mạnh tuyên truyền các nét đẹp trong văn hoá tiêu dùng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá tiêu dùng truyền thống, tốt đẹp của đất nước;

+ Học tập văn hoá tiêu dùng văn minh và tích cực quảng bá văn hoá tiêu dùng của Việt Nam đến các nước trên thế giới.

Bài 9 trang 52 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Nhiều người dân Việt Nam đã tích cực quảng bá ẩm thực Việt Nam đến bạn bè thế giới. Nhiều món ăn của Việt Nam đã tạo dấu ấn mạnh mẽ, khiến bạn bè thế giới phải trầm trồ, thán phục. Âm thực Việt ngày càng trở nên quyến rũ trong mắt bạn bè quốc tế, trở thành một trong những điểm nhấn trong du lịch, là lí do thuyết phục du khách nước ngoài đến với Việt Nam.

Theo em, đoạn thông tin trên đề cập đến biện pháp nào nhằm xây dựng văn hóa tiêu dùng Việt Nam?

A. Đẩy mạnh tuyên truyền các nét đẹp trong văn hoá tiêu dùng Việt Nam.

B. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá tiêu dùng truyền thống, tốt đẹp của đất nước.

C. Tiếp thu các giá trị văn hoá tiêu dùng hiện đại của thế giới.

D. Tích cực quảng bá văn hoá tiêu dùng của Việt Nam đến các nước trên thế giới.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Đoạn thông tin trên đề cập đến biện pháp: Tích cực quảng bá văn hoá tiêu dùng của Việt Nam đến các nước trên thế giới

Bài 10 trang 52 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Lan luôn tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc, đặc biệt là áo dài truyền thống. Vào những dịp đặc biệt như khai giảng đầu năm học, những ngày lễ, Tết, Lan thường mặc áo dài truyền thống để thể hiện niềm tự hào dân tộc.

Theo em, việc làm của Lan thể hiện biện pháp nào nhằm xây dựng văn hoá tiêu dùng Việt Nam?

A. Tuyên truyền văn hoá tiêu dùng Việt Nam đến bạn bè trên thế giới.

B. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá tiêu dùng truyền thống, tốt đẹp của đất nước.

C. Tiếp thu các giá trị văn hoá tiêu dùng hiện đại của thế giới.

D. Quảng bá văn hoá tiêu dùng của Việt Nam đến các nước trên thế giới.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Việc làm của Lan thể hiện biện pháp: giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá tiêu dùng truyền thống, tốt đẹp của đất nước.

Bài 11 trang 52 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Đọc thông tin

Văn hoá tiêu dùng Việt Nam do cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo ra, là kết quả của quá trình tồn tại và thích nghi với môi trường sống trong suốt chiều dài mấy nghìn năm lịch sử. Trong xã hội truyền thống, thói quen mua sắm tại chợ truyền thống với phương châm “Ăn chắc mặc bền”, “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” được thể hiện rõ nét. Mỗi xã, phường đều có chợ hay điểm tụ họp, trao đổi hàng hoá. Đặc điểm tiêu dùng Việt Nam xưa và nay vẫn thể hiện lối sống tiết kiệm, ưa thích sự tiện lợi (về khoảng cách, không phải đi chợ quá xa, dễ dàng thanh toán,...), có thể lựa chọn, trả giá sản phẩm,...

Trong xã hội hiện đại, người tiêu dùng Việt đã có những thay đổi trong văn hoá tiêu dùng, thể hiện ở việc: người tiêu dùng có trách nhiệm khi sử dụng hàng hoá, dịch vụ, biết bảo vệ lợi ích của xã hội, thực hiện trách nhiệm tiêu dùng bền vững; tiêu dùng thông minh khi ra quyết định chi tiêu trong từng trường hợp cụ thể.

Bên cạnh những đặc điểm chung, trong 54 dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, mỗi dân tộc lại có những đặc trưng, giá trị, chuẩn mực và phong cách tiêu dùng riêng. Văn hoá tiêu dùng của mỗi vùng miền, dân tộc có đặc trưng riêng, từ quan niệm sống, đến phong tục, tập quán cũng như trong việc tiêu dùng những sản phẩm thông thường.

Em hãy kể tên các đặc điểm văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam được đề cập ở thông tin trên.

Lời giải:

Các đặc điểm văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam được đề cập ở thông tin trên là:

- Văn hoá tiêu dùng Việt Nam có sự chuyển biến theo thời gian với những đặc điểm riêng biệt:

+ Trong xã hội truyền thống, văn hoá tiêu dùng hướng đến các giá trị như tiêu dùng có kế hoạch, ưa thích sự tiện lợi, sự thoải mái trong việc trả giá sản phẩm.

+ Trong xã hội hiện đại, bên cạnh các giá trị văn hoá tiêu dùng truyền thống, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng hướng đến các giá trị mới như tiêu dùng dựa trên giá trị, tiêu dùng hợp lí.

- Bên cạnh những đặc điểm chung, văn hoá tiêu dùng Việt Nam còn có những đặc trưng riêng của mỗi vùng miền, dân tộc.

Bài 12 trang 53 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Quan sát sơ đồ

 (ảnh 1)

Em hãy mô tả sơ đồ trên để làm rõ vai trò của tiêu dùng đối với sự phát triển kinh tế.

Lời giải:

- Sơ đồ trên đề cập đến hai tác nhân cơ bản của nền kinh tế gián đơn là cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp. Trong đó cá nhân, hộ gia đình chính là người chi tiêu hàng hoá, dịch vụ. Sự luân chuyển của nền kinh tế ở dạng gián đơn cho thấy, tiêu dùng chính là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.

Bài 13 trang 53 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Doanh nghiệp X mua các yếu tố đầu vào để sản xuất xe đạp nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các yếu tố đầu vào mà doanh nghiệp này mua bao gồm tư liệu sản xuất (nguyên liệu, vật liệu, máy móc, thiết bị) và thuê nhân công,... Việc sản xuất kinh doanh đã giúp doanh nghiệp X thu được lợi nhuận và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Doanh nghiệp X đã thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách nhà nước và thường xuyên tặng xe đạp cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

a) Em hãy cho biết trường hợp trên đề cập đến việc tiêu dùng của chủ thể nào.

b) Hành vi tiêu dùng của chủ thể đó có vai trò như thế nào?

Lời giải:

♦ Yêu cầu a) Trường hợp trên đề cập đến việc tiêu dùng của doanh nghiệp (mua các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất - tiêu dùng cho sản xuất).

 

♦ Yêu cầu b) Hành vi tiêu dùng của doanh nghiệp tạo ra hàng hoá, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần giải quyết việc làm và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Bài 14 trang 54 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Đọc thông tin, quan sát biểu đồ

Biểu đồ dưới đây cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm (từ 2018 - 2022). Nếu đẩy mạnh tiêu dùng, sản xuất kinh doanh sẽ có cơ hội phát triển, tăng tái đầu tư, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Tiêu dùng được đánh giá là một trong những cấu phần rất quan trọng trong GDP.

 (ảnh 2)

Thông tin và biểu đồ trên cho em thấy tiêu dùng có vai trò như thế nào đối với việc thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Lời giải:

- Vai trò của tiêu dùng:

+ Tiêu dùng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước.

+ Tiêu dùng góp phần định hướng cho hoạt động sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú về số lượng và đảm bảo chất lượng, hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

Bài 15 trang 54 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Cơm là món ăn chính trong các bữa ăn hằng ngày của người châu Á, trong khi ở các nước châu Âu sử dụng bánh mì. Những món ăn truyền thống gắn liền với các chuẩn mực, giá trị, tâm lí, thói quen tiêu dùng của người châu Á được thể hiện rõ nét trong những ngày lễ, Tết và trong mỗi bữa ăn hằng ngày. Với các quốc gia châu Á, sử dụng đũa được ưu tiên trong khi nhiều nước khác trên thế giới sẽ dùng dao, thìa và dĩa. Bên cạnh những điểm chung giữa ẩm thực châu Á so với các châu lục khác trên thế giới thì từng quốc gia trong khu vực lại có những bản sắc riêng nhất định. Một số món ăn nổi tiếng gắn liền với mỗi quốc gia như phở của Việt Nam, sushi của Nhật Bản, dimsum của Trung Quốc, lẩu chua cay của Thái Lan,...

a) Em hãy nêu những đặc trưng trong văn hóa tiêu dùng của người châu Á được thể hiện qua thông tin trên.

b) Từ thông tin trên, em hiểu thế nào là văn hóa tiêu dùng?

Lời giải:

♦ Yêu cầu a) Đặc trưng trong văn hóa tiêu dùng của người châu Á:

 

- Cơm gạo là món ăn chính trong bữa ăn hằng ngày.

- Những món ăn truyền thống gắn liền với các chuẩn mực, giá trị, tâm lí, thói quen tiêu dùng được thể hiện rõ nét trong những ngày lễ, Tết và trong mỗi bữa ăn hằng ngày.

- Cư dân châu Á ưu tiên sử dụng đũa.

♦ Yêu cầu b) Văn hoá tiêu dùng là nét đẹp trong thói quen, tập quán tiêu dùng của cá nhân, nhóm, cộng đồng hình thành, phát triển theo thời gian và biểu hiện qua hành vi tiêu dùng.

Bài 16 trang 55 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Đọc thông tin

Hằng năm, Chính phủ Việt Nam thường phân bổ ngân sách chi tiêu cho các lĩnh vực. Chi tiêu của Chính phủ chiếm tỉ trọng lớn trong chi tiêu của quốc gia nên có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế và tiêu dùng của tổ chức, cá nhân. Chi tiêu của Chính phủ là các khoản chi cho tiêu dùng các dịch vụ công do Chính phủ cung cấp cho toàn xã hội (quốc phòng, luật pháp, đường sá, cầu cống, giáo dục, y tế,...). Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chi tiêu của Chính phủ bao gồm các khoản chi như xây dựng thêm phòng học, phòng thí nghiệm, hỗ trợ chi phí cho học sinh, sinh viên nghèo, hỗ trợ học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập, thực hiện chính sách giáo dục đối với người khuyết tật,...

a) Em hãy cho biết thông tin trên đề cập đến tiêu dùng của chủ thể nào.

b) Theo em, việc chi tiêu đó có ý nghĩa như thế nào?

Lời giải:

♦ Yêu cầu a) Thông tin đề cập đến tiêu dùng của Chính phủ.

♦ Yêu cầu b) Ý nghĩa: Tiêu dùng của Chính phủ có tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng cá nhân, đồng thời tiêu dùng của Chính phủ còn tạo ra thu nhập trực tiếp (tiền lương, trả tiền dịch vụ,...) dẫn tới tăng tiêu dùng cá nhân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo công bằng xã hội,...

Bài 17 trang 55 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Nhà trường triển khai các phong trào giảm thiểu rác thải nhựa, sử dụng vật liệu có thể tái chế làm đồ dùng học tập,... Tuy nhiên, một số học sinh khác vẫn duy trì thói quen sử dụng đồ bằng nhựa dùng một lần, mua các đồ ăn vặt không đảm bảo, đồ chơi không lành mạnh, chi tiêu lãng phí.

a) Em đồng tình hay không đồng tình với việc làm của các học sinh trong trường hợp trên?

b) Nếu là bạn của các học sinh đó, em sẽ đưa ra lời khuyên như thế nào để các bạn thay đổi hành vi tiêu dùng của mình?

Lời giải:

♦ Yêu cầu a) Em không đồng tình với việc làm của các học sinh trong trường hợp trên, vì:

+ Việc sử dụng đồ bằng nhựa dùng một lần sẽ gây tác hại lớn đối với môi trường sinh thái

+ Việc mua các đồ ăn vặt không đảm bảo, đồ chơi không lành mạnh vừa gây tốn kém chi phí vừa ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của bản thân.

♦ Yêu cầu b) Nếu là bạn của các học sinh đó, em sẽ đưa ra lời khuyên: các bạn nên thay đổi thói quen tiêu dùng của mình trong đó nên chú tróng đến yếu tố “xanh” (thân thiện với môi trường” và tính “an toàn”, “hợp lí”.

Bài 18 trang 55 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy liệt kê các đặc trưng trong văn hoá tiêu dùng ở nơi em đang sinh sống (trang phục, ẩm thực, phong cách chi tiêu,...) và nêu biện pháp để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của địa phương.

Lời giải:

♦ Một số đặc trưng trong văn hóa tiêu dùng ở địa phương em:

- Vào dịp Tết nguyên đán, hầu hết các gia đình ở miền Bắc thường bày mâm ngũ quả, gồm: chuối xanh, bưởi (hoặc) phật thủ; quất cảnh; dứa, hồng,… trang trí nhà cửa với với các loại cây cảnh như: đào, quất,… Mâm cỗ truyền thống với các món như: bánh chưng, gà luộc; canh măng hầm chân giò; canh bóng thả; thịt đông; giò lụa, chả quế; nem rán; dưa hành…

- Các chợ, siêu thị đều đóng cửa vào ngày mùng Một Tết nên những ngày trước Tết không khí mua sắm rất nhộn nhịp.

♦ Một số biện pháp giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của địa phương:

+ Tuyên truyền, giáo dục để các công dân nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương.

+ Người tiêu dùng cần xây dựng và rèn luyện cho mình những thói quen, hành vi tiêu dùng thông minh, hợp lí, hướng tới những giá trị tốt đẹp.

+ Cính quyền địa phương cần có những chính sách phù hợp, tạo kênh kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.

+ Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu về tập quán, thói quen tiêu dùng truyền thống và chủ động đón đầu những nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng mới của người Việt Nam; trên cơ sở đó để đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp.

Bài 19 trang 55 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Với vai trò là người tiêu dùng, em hãy liệt kê các biện pháp để xây dựng văn hoá tiêu dùng Việt Nam

Lời giải:

- Biện pháp để để xây dựng văn hoá tiêu dùng Việt Nam:

+ Tuyên truyền, giáo dục để các công dân nâng cao nhận thức trong việc tiêu dùng có văn hóa; cân nhắc, lựa chọn sản phẩm tiêu dùng phù hợp, đảm bảo sức khỏe…

+ Mỗi cá nhân cần xây dựng và rèn luyện cho mình những thói quen tiêu dùng hợp lí, ví dụ như: chỉ mua những mặt hàng cần thiết, phù hợp với nhu cầu sử dụng và trong khả năng chi trả của bản thân; ưu tiên sử dụng các hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam,…

+ Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu dùng truyền thống, tốt đẹp của đất nước;

+ Học tập văn hóa tiêu dùng văn minh;

+ Tích cực quảng bá văn hóa tiêu dùng của Việt Nam đến các nước trên thế giới.

Bài 20 trang 55 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Là công dân - học sinh, em có trách nhiệm như thế nào trong việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”?

Lời giải:

- Là học sinh, để góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng Việt Nam, em cần:

+ Đẩy mạnh tuyên truyền các nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng;

+ Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu dùng truyền thống, tốt đẹp của đất nước;

+ Học tập văn hóa tiêu dùng văn minh;

+ Tích cực quảng bá văn hóa tiêu dùng của Việt Nam đến các nước trên thế giới.

Xem thêm lời giải SBT KTPL lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 8: Đạo đức kinh doanh

Bài 10: Quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật

Bài 11: Bình đẳng giới trong đời sống xã hội

Bài 12: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo

Bài 13: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong tham gia quản lí nhà nước và xã hội

Từ khóa :
Giải bài tập
Đánh giá

0

0 đánh giá