Bố cục Chí Phèo (Kết nối tri thức) CHÍNH XÁC NHẤT

364

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu bố cục bài Chí Phèo Ngữ văn lớp 11 bộ Kết nối tri thức chính xác nhất gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như bố cục, nội dung chính và tóm tắt văn bản hay nhất. Từ đó giúp học sinh nắm được những nét chính về nội dung của văn bản để học tốt môn Ngữ văn 11. Mời các bạn đón xem:

Bố cục Chí Phèo (Kết nối tri thức) CHÍNH XÁC NHẤT

Video Bài giảng Chí Phèo (Kết nối tri thức) Ngữ văn 11

 

Bố cục văn bản Chí Phèo

Gồm 3 phần:

- Phần 1 (Từ đầu đến …cả làng Vũ Đại cũng không ai biết): Chí Phèo xuất hiện cùng tiếng chửi.

- Phần 2 (Tiếp theo đến …không bảo người nhà đun nước mau lên): Chí Phèo mất hết nhân tính.

- Phần 3 (Còn lại): Sự thức tỉnh, ý thức về bi kịch của cuộc đời Chí Phèo.

Bố cục Chí Phèo (Kết nối tri thức) CHÍNH XÁC NHẤT (ảnh 1)

Nội dung chính Chí Phèo

Chí Phèo là lời tố cáo đanh thép của Nam Cao về xã hội đương thời tàn bạo, thối nát đã đẩy người dân lương thiện vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. Đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của con người ngay cả khi bị vùi dập mất hết cả nhân hình, nhân tính

Giá trị nội dung Chí Phèo

- Lời tố cáo đanh thép của Nam Cao về xã hội đương thời tàn bạo, thối nát đã đẩy người dân lương thiện vào con đường tha hóa, lưu manh hóa. 

- Đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của con người ngay cả khi bị vùi dập mất hết cả nhân hình, nhân tính.

Giá trị nghệ thuật Chí Phèo

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình bất hủ vừa có tính chung tiêu biểu vừa có những điểm riêng biệt không trộn lẫn.

- Nam Cao có biệt tài phân tích tâm lí nhân vật khiến nhân vật của ông thật hơn con người thật.

- Nghệ thuật trần thuật hết sức linh hoạt phóng túng nhưng nhất quán và chặt chẽ.

- Ngôn ngữ giàu có đậm hơi thở cuộc sống.

- Giọng văn biến hóa đa dạng.

Tóm tắt Chí Phèo

Tóm tắt Chí Phèo (mẫu 1)

Chí Phèo là một đứa trẻ bị bỏ hoang trong cái lò gạch cũ, được người dân làng Vũ Đại truyền tay nhau nuôi, từ anh thả ống lươn cho đến bà góa mù và bác phó cối. Đến khi hắn 18 tuổi thì Chí bắt đầu đi làm thuê cho nhà Bá Kiến. Vợ của Bá Kiến bắt Chí Phèo phải đấm lưng, xoa đầu cho bà ta và Chí đã bị Bá Kiến sai bọn tay sai giải ra huyện, rồi Chí bị đi tù bảy, tám năm. Ngay khi được thả ra khỏi tù, Chí đã cầm vỏ chai đến nhà Bá Kiến để vạch mặt và ăn vạ. Nhưng lão Bá Kiến rất khôn, hắn cho Chí năm đồng bạc để uống rượu. Chí được xoa dịu bằng năm đồng bạc ấy đã nguôi ngoai, Chí rơi vào hoàn cảnh lúc nào cũng say xỉn, chỉ cần ai cho tiền là có thể làm bất cứ điều gì. Bá Kiến nhờ vậy mà khiến cho Chí trở thành tay sai của hắn ta. Chí Phèo trở thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Chí Phèo say xỉn, phá làng, phá xóm, đi đâm thuê chém mướn cho nhà Bá Kiến. Cho đến một hôm, cũng trong những cơn say như thường ngày, Chí đi về lều thì thấy Thị Nở đang nằm ngủ há hốc mồm dưới ánh trăng. Thế là Chí ôm chầm lấy Thị Nở và ân ái với nhau. Sáng hôm sau khi Chí tỉnh rượu, Chí được Thị nấu cho một bát cháo hành. Cả cuộc đời Chí chưa từng được ai chăm lo cho như vậy, Chí thấy mình muốn làm người lương thiện. Bát cháo hành của Thị Nở đã làm thức tỉnh lại phần người trong Chí nhưng cánh cửa làm người lương thiện lại đóng sập lại khi Chí Phèo bị bà cô của Thị Nở nhất quyết phản đối. Bà cô nói rằng: "Ai lại đi lấy thằng Chí Phèo", "thằng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ!" Chí Phèo nghe vậy khóc rưng rức, đành lủi thủi đi về. Cuối cùng, Chí đến nhà Bá Kiến và chỉ vào mặt hắn nói: "Ai cho tao lương thiện? Tao muốn làm người lương thiện." Chí giết chết Bá Kiến rồi tự sát, Thị nở chỉ còn biết nhìn vào bụng và nghĩ về cái lò gạch cũ.

Tóm tắt Chí Phèo (mẫu 2)

Ở làng Vũ Đại có thằng Chí Phèo nổi tiếng là hay ăn vạ, đi đâm thuê chém mướn cho nhà Bá Kiến, ngày nào cũng chửi làng phá xóm. Chả là trước kia hắn bị mẹ bỏ rơi ở cái lò gạch cũ, được dân làng thay nhau nuôi. Cho đến năm 18 tuổi đi làm thuê cho nhà bá Kiến nhưng vì vợ hắn cứ gọi Chí lên xoa đầu, bóp vai nên Bá Kiến ghen bắt Chí Phèo phải đi tù. Cuộc đời Chí rơi vào đau thương từ đây. Khi Chí trở về, hắn trở thành một con người hoàn toàn khác, cầm dao và vỏ chai đến nhà bá Kiến - kẻ đã tống hắn vào tù - ăn vạ. Ông Bá xoa dịu hắn bằng bữa rượu và mấy đồng bạc, Chí ngoan ngoãn đi về và từ đó trở thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Nhưng Chí vẫn là một con người, khi gặp Thị Nở vào một đêm trăng, hắn và Thị đã âu yếm nhau. Thị cho hắn tình thương khiến hắn muốn trở lại làm người. Nhưng Thị cũng dập tắt mọi hy vọng khi bà cô của Thị một mực không đồng ý cho tình cảm của hai người. Chẳng còn ai trên đời này quan tâm đến mình, yêu thương mình, cuộc đời thì đi vào lầm lỗi, sa ngã nên Chí đã đến nhà Bá Kiến kêu lên: "Ai cho tao lương thiện?" Chí giết chết Bá Kiến và kết liễu cuộc đời mình. Thị lúc này chỉ nhìn xuống bụng và nghĩ về cái lò gạch - nơi Chí Phèo được người ta tìm thấy mang về nuôi.

Bố cục Chí Phèo (Kết nối tri thức) CHÍNH XÁC NHẤT (ảnh 2)

Đọc tác phẩm Chí Phèo

Chí Phèo (phần tác phẩm)

Nam Cao

Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì ? Trời có của riêng nhà nào ? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao : đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại.

Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ : “Chắc nó trừ mình ra !”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật ! Ờ ! Thế này thì tức thật ! Tức chết đi được mất ! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp ! Thế có phí rượu không ? Thế thì có khổ hắn không ? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này ? A ha ! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo ! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo ? Có mà trời biết ! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết....

(Lược một đoạn : Một người đi thả ống lươn nhặt được Chí Phèo “trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không”, sau đó, chuyền tay cho người làng nuôi. Lớn lên, làm canh điền cho lí Kiến, Chí Phèo bị lí Kiến ghen, đẩy vào tù. Bảy, tám năm sau, Chí Phèo ra tù...).

Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng săng đá! Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cong, hai mắt gườm gườm trông gớm chết ! Hắn mặc quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!

Hắn về hôm trước, hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa đến xế chiều. Rồi say khướt, hắn xách một cái vỏ chai đến cổng nhà bá Kiến, gọi tận tên tục ra mà chửi. Cụ bá không có nhà. Thấy bộ điệu hung hăng của hắn, bà cả đùn bà hai, bà hai thúc bà ba, bà ba gọi bà tư, nhưng rốt cục chẳng bà nào dám ra nói với hắn một vài lời phải chăng. Mắc cái phải cái thằng liều lĩnh quá, nó lại say rượu, tay nó lại nhăm nhăm cầm cái vỏ chai, mà nhà lúc ấy toàn đàn bà cả... Thôi thì cứ đóng cái cổng cho thật chắc rồi mặc thây cha nó, nó có chửi thì tại liền miệng đấy, chửi rồi lại nghe ! Thành thử chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu !... Thật là ầm ĩ ! Hàng xóm phải một bữa điếc tai, nhưng có lẽ trong bụng thì họ hả : xưa nay họ mới chỉ được nghe bà cả, bà hai,

bà ba, bà tư nhà cụ bá chửi người ta, bây giờ họ mới được nghe người ta chửi lại

cả nhà cụ bá. Mà chửi mới sướng miệng làm sao ! Mới ngoa ngoắt làm sao ! Họ

bảo nhau : “Phen này cha con thằng bá Kiến đố còn dám vác mặt đi đâu nữa !

Mồ mả tổ tiên đến lộn lên mất”. Cũng có người hiền lành hơn thì bảo : “Phúc đời nhà nó, chắc ông lí không có nhà...”. Ông lí đây là ông lí Cường, con giai cụ

bá nổi tiếng là hách dịch, coi người như rơm như rác. Phải ông lí Cường thử có nhà xem nào ! Quả nhiên họ nói có sai đâu ! Đấy, có tiếng người sang sảng quát : “Mày muốn lôi thôi gì... cái thằng không cha không mẹ này ! Mày muốn lôi thôi gì ?...”. Đã bảo mà ! Cái tiếng quát tháo kia là tiếng lí Cường. Lí Cường đã về ! Lí Cường đã về ! Phải biết... A ha ! Một cái tát rất kêu. Ôi ! Cái gì thế này ? Tiếng đấm, tiếng đá nhau bình bịch, thôi cứ gọi là tan xương ! Bỗng “choang” một cái, thôi phải rồi, hắn đập cái chai vào cột cổng... Ồ hắn kêu... Hắn vừa chửi vừa kêu làng như bị người ta cắt họng. Ồ hắn kêu !

– Ối làng nước ôi ! Cứu tôi với... Ối làng nước ôi ! Bố con thằng Kiến nó đâm

chết tôi ! Thằng lí Cường nó đâm chết tôi rồi, làng nước ôi !... Và họ thấy Chí Phèo lăn lộn dưới đất, vừa kêu vừa lấy mảnh chai cào vào mặt. Máu ra loe loét trông gớm quá ! Mấy con chó xông xáo quanh hắn, sủa rất hăng. Lí Cường hơi tái mặt, đứng nhìn mà cười nhạt, cười khinh bỉ. Hừ ! Ngỡ là gì, chẳng hoá ra nằm vạ! Thì ra hắn định đến đây nằm vạ! Người ta tuôn đến xem. Mấy cái ngõ tối xung quanh đùn ra biết bao nhiêu là người. Thật ổn ào như chợ. Bà cả, bà hai, bà ba, bà tư nhà cụ bá vững dạ vì có anh lí cũng xưng xỉa ra chửi góp. Thật ra, các bà muốn xem Chí Phèo làm ăn ra sao ?

Không khéo nó cố ý gieo vạ cho cụ ông phen này....

Nhưng kìa cụ ông đã về. Cụ cất tiếng rất sang hỏi : “Cái gì mà đông thế này ?”.

Chỗ này “Lạy cụ”, chỗ kia “Lạy cự”, người ta kính cẩn đứng dãn ra, và Chí Phèo bỗng nằm dài, không nhúc nhích, rên khẽ như gần chết.

Thoáng nhìn qua, cụ đã hiểu cơ sự rồi. Làm lí trưởng rồi chánh tổng, bây giờ lại

đến lượt con cụ làm lí trưởng, những việc như thế này cụ không lạ gì. Cụ hãy quát mấy bà vợ đang xưng xỉa chực tâng công với chồng :

– Các bà đi vào nhà ; đàn bà chỉ lôi thôi, biết gì!

Rồi quay lại bọn người làng, cụ dịu giọng hơn một chút :

– Cả các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ ! Có gì mà xúm lại như thế này ?

Không ai nói gì, người ta lảng dần đi. Vì nể cụ bá cũng có, nhưng vì nghĩ đến sự

yên ổn của mình cũng có : người nhà quê vốn ghét lôi thôi. Ai dại gì mà đứng ỳ ra đấy, có làm sao họ triệu mình đi làm chứng. Sau còn trở lại Chí Phèo và cha con cụ bá. Bây giờ cụ mới lại gần hắn khẽ lay mà gọi :

– Anh Chí ơi ! Sao anh lại làm ra thế ?

Chí Phèo lim dim mắt, rên lên :

– Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có

thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng.

Cụ bá cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm ; người ta bảo cụ hơn người

cũng bởi cái cười:

– Cái anh này nói mới hay ! Ai làm gì anh mà anh phải chết ? Đời người chứ có

phải con ngoé đâu ? Lại say rồi phải không ?

Rồi, đổi giọng cụ thân mật hỏi :

– Về bao giờ thế ? Sao không vào tôi chơi ? Đi vào nhà uống nước.

Thấy Chí Phèo không nhúc nhích, cụ tiếp luôn :

– Nào đứng lên đi. Cứ vào đây uống nước đã. Có cái gì, ta nói chuyện tử tế

với nhau. Cần gì mà phải làm thanh động lên như thế, người ngoài biết, mang tiếng cả.

Rồi vừa xốc Chí Phèo, cụ vừa phàn nàn :

– Khổ quá, giá có tôi ở nhà thì có đâu đến nỗi. Ta nói chuyện với nhau, thế nào

cũng xong. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ. Chỉ tại thằng lí Cường nóng tính, không nghĩ trước nghĩ sau. Ai chứ anh với nó còn có họ kia đấy. Chí Phèo chả biết họ hàng ra làm sao, nhưng cũng thấy lòng nguôi nguôi. Hắn cố làm ra vẻ nặng nề, ngồi lên. Cụ bá biết rằng mình đã thắng, đưa mắt nháy con một cái, quát :

– Lí Cường đâu ! Tội mày đáng chết. Không bảo người nhà đun nước, mau lên!

(Lược một đoạn : Chí Phèo trở thành tay sai của bá Kiến, càng ngày càng hung hãn, ngang ngược và triền miên say. Chiều nay, như mọi buổi chiều, Chí Phèo lại “vừa đi vừa chửi". Và cũng như mọi chiều, vẫn không một ai đáp lời hắn. Hắn rất tức tối, định ghé vào bất kì nhà nào đập bể một cái gì cho bỏ tức. Hắn rẽ vào nhà tự Lãng giữa lúc lão này đang uống rượu một mình dưới trăng. Chí Phèo sà xuống, cùng uống. Khi đã thoả thuê, hắn lảo đảo ra về, nhưng không về lều mà đi ra bờ sông gần nhà. Ở đó, Chí Phèo đã gặp thị Nở – một người đàn bà

xấu xí, ngẩn ngơ, ế chồng – ra sông kín nước ngồi nghỉ rồi ngủ quên. Họ ăn nằm với nhau rồi cùng ngủ say dưới trăng. Đến nửa đêm, Chí Phèo đau bụng, nôn mửa. Thị Nở dìu hắn vào trong lều, đặt lên chống, đắp chiếu cho hắn rồi ra về...)

Khi Chí Phèo mở mắt thì trời sáng đã lâu. Mặt trời chắc đã lên cao, và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ. Cứ nghe chim ríu rít bên ngoài đủ biết. Nhưng trong cái lều ẩm thấp vẫn mới chỉ hơi lờ mờ. Ở đây người ta thấy chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng. Chưa bao giờ Chí Phèo nhận thấy thế bởi chưa bao giờ hết say.

Nhưng bây giờ thì hắn tỉnh. Hắn bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài. Cũng như những người say tỉnh dậy, hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn. Người thì bủn rủn, chân tay không buồn nhấc. Hay là đói rượu ? Nghĩ đến rượu, hắn hơi rùng mình. Ruột gan lại nôn nao lên một tí. Hắn sợ rượu cũng như những người ốm thường sợ cơm. Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá ! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy... Chao ôi là buồn!

-  Vải hôm nay bán mấy ?

- Kém ba xu, dìa!

– Thế thì còn ăn thua gì !

– Có khéo co mới được một tấm năm xu.

– Thật thế đấy. Nhưng chẳng lẽ rằng lại chơi...

Chí Phèo đoán chắc rằng một người đàn bà hỏi một người đàn bà khác đi bán

vải ở Nam Định về. Hắn lại nao nao buồn, là vì mẩu chuyện ấy nhắc cho hắn một cái gì rất xa xôi. Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm. Tỉnh dậy hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời ! Có lí nào như thế được ? Hắn đã già rồi hay sao ? Ngoài bốn mươi tuổi đầu... Dẫu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đày đoạ cực nhọc, mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông trước thấy tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau. Cũng may thị Nở vào. Nếu thị không vào, cứ để hắn vẩn vơ nghĩ mãi, thì đến khóc được mất. Thị vào cắp một cái rổ, trong có một nồi gì đậy vung. Đó là một nồi cháo hành còn nóng nguyên. Là vì lúc còn đêm, thị trằn trọc một lát, thị bỗng nhiên nghĩ rằng : cái thằng liều lĩnh ấy kể ra thì đáng thương, còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình. Giá thử đêm qua không có thị thì hắn chết. Thị kiêu ngạo vì đã cứu sống cho một người. Thị thấy như yêu hắn: đó là cái lòng yêu của một người làm ơn. Nhưng cũng có cả lòng yêu của một người chịu ơn. Một người như thị Nở càng không quên được. Cho nên thị nghĩ : mình bỏ hắn lúc này thì cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau ! Ăn nằm với nhau như “vợ chồng”. Tiếng “vợ chồng” thấy ngường ngượng mà thỉnh thích. Đó vẫn là điều mong muốn âm thầm của con người khốn nạn ấy chăng ? Hay là sự khoái lạc của xác thịt đã làm nổi dậy những tính tình mà thị chưa bao giờ biết ?

Chỉ biết rằng thị muốn gặp Chí Phèo, gặp hắn mà nhắc lại chuyện đêm qua thì

chắc buồn cười lắm. Gớm ! Sao lại có thứ người đâu mà lì quá thế ! Người ta ngồi đấy mà dám xán lăn ngay vào, nó chả ngang ngược mà người ta kêu bé, nó lại làm to hơn. Mà kể thì cũng ngù ngờ. Cái thằng trời đánh không chết ấy, nó còn sợ ai mà hòng kêu. Nhưng mà đáng kiếp. Thổ trận ấy thật là phải biết. Cứ gọi là hôm nay nhọc đừ. Phải cho hắn ăn tí gì mới được. Đang ốm thế thì chỉ ăn cháo hành, ra được mồ hôi thì là nhẹ nhõm người ngay đó mà... Thế là vừa sáng thị đã chạy đi tìm gạo. Hành thì nhà thị may lại còn. Thị nấu bỏ vào cái rổ, mang ra cho Chí Phèo.

Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì. Hắn vẫn phải doạ nạt hay là giật cướp. Hắn phải làm cho người ta sợ. Hắn nhìn bát cháo bốc khói mà bâng khuâng. Thị Nở thì chỉ nhìn trộm hắn rồi lại toe toét cười. Trông thị thế mà có duyên. Tình yêu làm cho có duyên. Hắn thấy vừa vui vừa buồn. Và một cái gì nữa giống như là ăn năn. Cũng có thể như thế lắm. Người ta hay hối hận về tội ác khi không đủ sức mà ác nữa. Thị Nở giục hắn ăn nóng. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao ! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng : những người suốt đời không ăn cháo

hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon. Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ

hắn mới nếm mùi vị cháo ? Hắn tự hỏi rồi lại tự trả lời : Có ai nấu cho mà ăn đâu ? Mà còn ai nấu cho mà ăn nữa ! Đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một bàn tay “đàn bà”. Hắn nhớ đến “bà ba”, cái con quỷ cái hay bắt hắn bóp chân mà lại cứ bắt bóp lên trên, trên nữa. Nó chỉ nghĩ đến sao cho thoả nó chứ có yêu hắn đâu. Hồi ấy hắn hai mươi. Hai mươi tuổi, người ta không là đá, nhưng cũng không toàn là xác thịt. Người ta không thích cái gì người ta khinh. Vả lại bị một con đàn bà gọi đến mà bóp chân ! Hắn thấy nhục hơn là thích, huống hồ lại sợ. Quả thật, từ khi biết rằng con vợ chủ sai hắn làm một việc không chính đáng, hắn vừa làm vừa run. Không làm thì không được ; mọi việc trong nhà, quyền bà ba. Chứ hắn, hắn còn lòng nào đâu ! Đến nỗi người đàn bà phát cáu. Bà thấy xa xôi không được, phải làm đến nơi. Bà bảo hắn rằng : “Mày thực thà quá ! Con trai gì hai mươi tuổi mà đã như ông già”. Hắn vẫn giả vờ không hiểu. Bà lẳng lơ bảo : “Chả nhẽ tao gọi mày vào chỉ để bóp chân thế này thôi ư ?...”. Và thấy hắn dùng dằng, bà mắng xơi xơi vào mặt. Hắn chỉ thấy nhục, chứ yêu đương gì. Không, hắn chưa được một người đàn bà nào yêu cả, vì thế mà bát cháo hành của thị Nở làm hắn suy nghĩ nhiều. Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây kẻ thù ?

Bát cháo húp xong rồi, thị Nở đỡ lấy bát cháo và múc thêm bát nữa. Hắn thấy mình đẫm bao nhiêu mồ hôi. Mồ hôi chảy ra trên đầu, trên mặt, những giọt to như giọt nước. Hắn đưa tay áo quệt ngang một cái, quệt mũi, cười rồi lại ăn. Hắn càng ăn, mồ hôi lại càng ra nhiều. Thị Nở nhìn hắn, lắc đầu, thương hại. Hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ. Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém người ? Đó là cái bản tính của hắn, ngày thường bị lấp đi, hay trận ốm thay đổi hắn về sinh lí cũng thay đổi cả tâm lí nữa ? Những người yếu đuối vẫn hay hiền lành. Muốn ác, phải là kẻ mạnh. Hắn đâu còn mạnh nữa. Và có lúc hắn ngẫm mình mà lo. Xưa nay hắn chỉ sống bằng giật cướp và doạ nạt. Nếu không còn sức mà giật cướp, doạ nạt nữa thì sao ? Đã đành, hắn chỉ mạnh vì liều. Nhưng hắn mơ hồ thấy rằng sẽ có một lúc mà người ta không thể liều được nữa. Bấy giờ mới nguy ! Trời ơi ! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hoà với mọi người biết bao ! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ thấy rằng hắn cũng có thể không làm hại được ai. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện. Hắn băn khoăn nhìn thị Nở, như thăm dò. Thị vẫn im lặng, cười tin cẩn. Hắn thấy tự nhiên nhẹ người. Hắn bảo thị :

– Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?

Thị không đáp, nhưng cái mũi đỏ của thị như càng bạnh ra. Hắn thấy thế cũng không có gì là xấu. Bằng một cái giọng nói và một vẻ mặt rất phong tình theo ý

hắn, hắn bảo thị :

– Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui.

Thị lườm hắn. Một người thật xấu khi yêu cũng lườm. Hắn thích chí, khanh

khách cười. Lúc tỉnh táo, hắn cười nghe thật hiền. Thị Nở lấy làm bằng lòng lắm. Bây giờ thì mấy bát cháo ý chừng đã ngấm. Hắn thấy lòng rất vui. [...]

Chúng sẽ làm thành một cặp rất xứng đôi. Chúng cũng nhận thấy thế và nhất

định là lấy nhau. Như thế năm ngày chẵn, thị ở nhà hắn cả ngày lẫn đêm, trừ

những lúc đi kiếm tiền. Hắn không còn kinh rượu nhưng cố uống cho thật ít.

Để cho khỏi tốn tiền, nhưng nhất là để tỉnh táo mà yêu nhau. Đàn bà không có

men như rượu nhưng cũng làm người say. Và hắn say thị lắm. Nhưng thị lại là

người dở hơi. Đến hôm thứ sáu, thì thị bỗng nhớ rằng thị có một người cô ở đời.

Người cô ấy nội ngày nay sẽ về. Thị nghĩ bụng : hãy dừng yêu để hỏi cô thị đã.

Thấy thị hỏi, bà già kia bật cười. Bà tưởng cháu bà nói đùa. Nhưng chợt nhớ ra

rằng cháu bà vốn dở hơi. Bà bỗng trở nên hoảng hốt. Bà nhục cho ông cha nhà bà. Cũng có lẽ bà tủi cho thân bà. Bà nghĩ đến cái đời dài dằng dặc của bà, không có chồng. Bà thấy chua xót lắm. Bà uất ức, uất ức với ai không biết. Nhưng rồi đổ cái uất ức ngay lên cháu bà ! Người đàn bà đức hạnh thấy cháu bà sao mà đĩ thế ! Thật đốn mạt. Ngoài ba mươi tuổi mà chưa trót đời. Ngoài ba mươi tuổi... ai lại còn đi lấy chồng ! Ai đời lại còn đi lấy chồng ! Ừ ! Mà có lấy thì lấy ai chứ ?... Đàn ông đã chết hết cả rồi hay sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ra ăn vạ. Trời ơi ! Nhục nhã ơi là nhục nhã ! Hỡi ông cha nhà bà ! Bà gào lên như con mẹ dại. Bà xỉa xói vào mặt cái con cháu gái ba mươi tuổi mà chưa trót đời. Bà bảo phắt nó :

– Đã nhịn được đến bằng này tuổi thì nhịn hẳn ; ai lại đi lấy thằng Chí Phèo ! Thị nghe thấy thế mà lộn ruột. Nhưng thị biết cãi bà làm sao ? Con người ấy có

quyền nói thế, bởi con người ấy năm mươi tuổi rồi, năm mươi tuổi còn ai lấy chồng. Thị biết cãi làm sao ? Mà không cãi được thì giận dữ nổi lên đùng đùng.

Thị tức lắm ! Thị tức lắm ! Thị cần đổ cái tức ấy lên một người. Thị ton ton chạy lên nhà nhân ngãi("). Thị thấy hắn đương uống rượu, và vừa uống vừa lầm bầm chửi thị về nhà lâu. Hắn không quen đợi ; bởi phải đợi, hắn lại lôi rượu, và uống cho đỡ buồn. Uống vào thì phải chửi, quen mồm rồi ! Nhưng thị làm gì mà hắn chửi ? Mà hắn có quyền gì chửi thị ? Ồ, thị điên lên mất ! Thị giẫm chân xuống đất, rồi lại nhảy cẫng lên như thượng đồng2. Hắn thú vị quá, lắc lư cái đầu cười. Lại còn cười ! Nó nhạo thị. Trời ơi ! Thị điên lên mất, trời ơi là trời ! Thị chống tay vào háng, vênh vênh cái mặt, và dớn cái môi vĩ đại lên, trút vào mặt hắn tất cả lời bà cô. Hắn nghĩ ngợi một tí rồi hình như hiểu, hắn bỗng nhiên ngẩn người. Thoáng một cái, hắn lại như hít thấy hơi cháo hành. Hắn cứ ngồi ngẩn mặt, không nói gì. Thị trút xong giận rồi. Cái mũi đỏ của thị dị xuống rồi lại bạnh ra. Thị hả hê lắm lắm. Thị ngoay ngoáy cái mông đít đi ra về. Hắn sửng sốt, đứng lên gọi lại. Ai mà thèm lại ! Còn muốn lôi thôi cái gì ? Hắn đuổi theo thị, nắm lấy tay. Thị gạt ra, lại giúi thêm cho một cái. Hắn lăn khoèo xuống sân. Đã lăn ra thì hắn phải kêu : bao giờ chả thế. Hắn nhặt một hòn gạch vỡ, toan đập đầu. Nhưng hình như hắn chưa thật say. Vì hắn nghĩ : đập đầu ở đây chỉ thiệt ; đập đầu ở đây, để mà nằm ăn vạ ai ? Hắn tự phải đến cái nhà con đĩ Nở kia. Đến để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm) già nhà nó. Nếu không đâm được, lúc ấy hãy đập đầu ra kêu làng.

Muốn đập đầu, phải uống thật say. Không có rượu, lấy gì làm máu cho nó chảy ! Phải uống thêm chai nữa. Và hắn uống. Nhưng tức quá, càng uống lại càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ôi, buồn ! Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức. Rồi lại uống. Rồi lại uống. Hắn uống đến say mềm người rồi hắn đi. Hắn ra đi với một con dao ở thắt lưng. Hắn lảm nhảm :

“Tạo phải đâm chết nó ! Tao phải đâm chết nó !”. Nhưng hắn lại cứ thẳng đường mà đi. Cái gì đã làm hắn quên rẽ vào nhà thị Nở ? Những thằng điên và những thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc ra đi chúng định làm. Trời nắng lắm, nên đường vắng. Hắn cứ đi, cứ chửi, cứ doạ giết “nó”, và cứ đi. Bây giờ đến ngõ nhà cụ bá. Hắn xông xông đi vào. Cả nhà đi làm đồng vắng, chỉ có mình cụ bá đang nằm nghỉ trưa. Nghe tiếng hắn, cụ thấy sao bực mình ! Chính thật thì cụ đã đang bực mình. Bởi vì cụ thấy đầu hơi nhức. Cụ đang muốn có một bàn tay man mát xoa cái đầu. Cũng có lẽ, cụ chỉ muốn bà tư đừng đi lâu quá thế. Đi lâu thế, không biết rằng đi đâu ? Sao bà ấy còn trẻ quá ! Gần bốn mươi rồi mà trông còn phây phây, còn phây phây quá đi nữa ! Cụ năm nay đã ngoài sáu mươi.

Già yếu quá, nghĩ mà chua xót. Giá thế thì bà ấy chỉ cũng già cho xong. Bà ấy lại cứ trẻ, cứ phây phây, cứ đẹp như mới ngoài hai mươi tuổi, mà sao đa tình. Nhìn thì thích nhưng mà tưng tức lạ. Khác gì nhai miếng thịt bò lụt sụt khi rụng gần hết răng. Mắt bà, miệng bà, có duyên, nhưng trông đã lắm ! Hơi một tí thì cười toe toét, tít cả mắt lại, cái má thì hây hây. Mà thấy ghét những thằng trai trẻ, giá làm con bà không đáng, mà thấy bà đâu cũng đùa. Chúng đùa nhạt như nước ốc, chỉ được cái thô tục, mà gặp ai đâu cũng cười ! Chẳng nghĩ gì đến địa vị cả, người đâu mà vô tâm. Tức lạ ! Cụ chỉ muốn cho tất cả những thằng trai trẻ đi ở tù...

Những lúc như thế, thì một người dẫu khôn ngoan cũng không bình tĩnh được. Nhất là khi trông thấy một thằng chỉ đến vòi tiền uống rượu như Chí Phèo. Tuy vậy, cụ cũng móc sẵn năm hào. Thà móc sẵn để tống nó đi cho chóng. Nhưng móc rồi, cụ cũng phải quát một câu cho nhẹ người :

- Chí Phèo đấy hở ? Lè bè vừa vừa chứ, tôi không phải là cái kho. Rồi ném bẹt năm hào xuống đất, cụ bảo hắn :

– Cầm lấy mà cút, đi đi cho rảnh. Rồi làm mà ăn chứ cứ báo người ta mãi à ? Hắn trợn mắt, chỉ vào mặt cụ :

– Tao không đến đây xin năm hào.

Thấy hắn toan làm dữ, cụ đành dịu giọng :

– Thôi, cầm lấy vậy, tôi không còn hơn.

Hắn vênh cái mặt lên, rất là kiêu ngạo:

— Tạo đã bảo tạo không đòi tiền.

– Giỏi ! Hôm nay mới thấy anh không đòi tiền. Thế thì anh cần gì ?

Hắn dõng dạc :

– Tao muốn làm người lương thiện.

Bá Kiến cười ha hả:

− Ồ tưởng gì ! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ.

Hắn lắc đầu :

– Không được ! Ai cho tao lương thiện ? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này ? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không ! Chỉ có một cách... biết không !... Chỉ còn một cách là... cái này ! Biết không! Hắn rút dao ra, xông vào. Bá Kiến ngồi nhỏm dậy, Chí Phèo đã văng dao tới rồi. Bá Kiến chỉ kịp kêu một tiếng. Chí Phèo vừa chém túi bụi vừa kêu làng thật to. Hắn kêu làng, không bao giờ người ta vội đến. Bởi thế khi người ta đến thì hắn cũng đã đang giãy đành đạch ở giữa bao nhiêu là máu tươi. Mắt hắn trợn ngược. Mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói, nhưng không ra tiếng. Ở cổ hắn, thỉnh thoảng máu vẫn còn ứ ra.

Cả làng Vũ Đại nhao lên. Họ bàn tán rất nhiều về vụ án không ngờ ấy. Có nhiều kẻ mừng thầm. Không thiếu kẻ mừng ra mặt. Có người nói xa xôi : “Trời có mắt đấy, anh em ạ !”. Người khác thì nói toạc : “Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc ! Rõ thật bọn chúng giết nhau, nào có phải cần đến tay người khác

đâu”. Mừng nhất là họ kì hào ở trong làng. Họ tuôn đến để hỏi thăm, nhưng chính là để nhìn lí Cường bằng những con mắt thoả mãn và khiêu khích.

Đội Tảo, không cần kín đáo, nói toang toang ngay ngoài chợ trước mặt bao

nhiêu người : “Thằng bố chết, thằng con lớp này không khỏi người ta cho ăn bùn”. Ai chả hiểu “người ta” đó là chính ông. Bọn đàn em thì bàn nhỏ : “Thằng mọt già ấy chết, anh em mình nên ăn mừng”. Những người biết điều thì hay ngờ vực ; họ chép miệng nói : “Tre già măng mọc, thằng ấy chết, còn thằng khác, chúng mình cũng chẳng lợi tí gì đâu”.

Bà cô thị Nở chỉ vào tận mặt cháu mà đay nghiến :

– Phúc đời nhà mày, con nhé. Chả ôm lấy ông Chí Phèo.

Thị cười và nói lảng :

– Hôm qua làm biên bản, lí Cường nghe đâu đã tốn gần một trăm. Thiệt người lại thiệt của.

Nhưng thị nghĩ thầm :

– Sao có lúc nó hiền như đất.

Và nhớ lại những lúc ăn nằm với hắn, thị nhìn trộm bà cô, rồi nhìn nhanh xuống bụng :

– Nói dại, nếu mình chửa, bây giờ hắn chết rồi, thì làm ăn thế nào ? Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua...

(Theo Nam Cao – Tác phẩm, tập I,(1) NXB Văn học, Hà Nội, 1977)

Xem thêm các bài bố cục tác phẩm Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bố cục Vợ nhặt

Bố cục Cải ơi

Bố cục Nhớ đồng

Bố cục Tràng giang

Bố cục Con đường mùa đông

Đánh giá

0

0 đánh giá