Phần 1. Tri thức tổng quát (trang 4)

329

Với soạn bài Phần 1. Tri thức tổng quát (trang 4) Chuyên đề 1 Ngữ văn 11 Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó học tốt Ngữ văn 11. Mời các bạn đón xem:

Phần 1. Tri thức tổng quát (trang 4)

1. Ngôn ngữ và chữ viết của văn học trung đại Việt Nam

Văn học viết Việt Nam thời trung đại chủ yếu sử dụng hai loại chữ viết: chữ Hán và chữ Nôm. Sau khi giành được độc lập dân tộc, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, cha ông ta đã chủ động mượn chữ Hán để làm công cụ quản trị đất nước, kiến tạo nền học thuật và giáo dục của mình. Chữ Hán đã được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống, trong đó có lĩnh vực văn học. Mượn văn tự Hán như một phương tiện hữu hiệu, người Việt đã truyền tải một cách thành công tư tưởng và tâm hồn dân tộc qua các tác phẩm văn học. Thông qua việc học tập và sử dụng chữ Hán, cha ông ta đã vay mượn nhiều từ ngữ tiếng Hán để bổ sung vào kho từ vựng tiếng Việt, giúp tiếng Việt ngày càng trở nên phong phú. Những từ ngữ gốc Hán này trở thành bộ phận của tiếng Việt, đồng thời được sử dụng ngày một thuần thục trong các sáng tác văn học.

Trước nhu cầu phát triển tiếng Việt cũng như nền văn hóa tự chủ của mình, cha ông ta đã mượn chất liệu văn tự Hán để sáng tạo ra chữ Nôm. Chữ Nôm nhanh chóng phát triển và sớm được dùng vào sáng tác văn chương; loại chữ viết này trở thành công cụ độc đáo để ghi âm tiếng Việt, giúp ngôn ngữ dân tộc ngày càng phát triển mạnh mẽ.

2. Điểm nhìn văn học trung đại Việt Nam

Văn học trung đại Việt Nam vận động, phát triển theo sự chi phối đồng thời của lịch sử xã hội, lịch sử quốc gia dân tộc; sự vận động nội tại của đời sống ngôn ngữ và văn học. Có thể khái quát diễn trình văn học trung đại Việt Nam qua bốn giai đoạn như sau:

* Giai đoạn thế kỉ X – thế kỉ XIV

Việc dạy học chữ Hán ở Giao Châu từ trước thế kỉ X cùng với sự phát triển của các dòng Thiền đã tạo ra tầng lớp trí thức và một số tác phẩm văn học đầu tiên. Tuy ít ỏi nhưng đó là cơ sở để sau khi giành được độc lập dân tộc, quốc gia phong kiến tự chủ đã xây dựng được nền học thuật Đại Việt buổi đầu. Các hệ tư tưởng Nho – Phật – Đạo thịnh hành đã tạo nên một không khí dân chủ, khai phóng cho đời sống văn hóa tinh thần. Đội ngũ tác giả văn học giai đoạn này chủ yếu là các nhà sư và trí thức cung đình. Thể loại chủ yếu là văn học chức năng và thơ luật. Cảm hứng chủ đạo của các sáng tác là tinh thần yêu nước, thể hiện rõ ở niềm tự hào dân tộc, khát vọng tự chủ của quốc gia. Hào khí Đại Việt được phát triển từ tinh thần văn hóa bản địa đã khơi mở dòng mạch văn chương nước nhà một cách mạnh mẽ.

* Giai đoạn thế kỉ XV – thế kỉ XVII

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, sự nghiệp phục hưng dân tộc, chấn hưng văn hóa được nhà nước phong kiến chủ động đẩy mạnh. Khoa cử chữ Hán được chú trọng, Nho học và văn hóa Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chủ lưu. Tầng lớp trí thức xuất thân từ nhiều giai tầng xã hội ngày một đông đảo, văn chương vẫn gắn liền với chính trị và học thuật nhưng tự nó đã tạo được một đời sống riêng. Cảm hứng ngợi ca nền thái bình thịnh trị ở thế kỉ XV với phong cách trang nhã chiếm ưu thế. Cuối giai đoạn này, các thể loại văn chương hình tượng dần phát triển mạnh mẽ. Văn học viết bằng chữ Nôm ngày càng phổ biến rộng rãi, tiếng Việt trở thành công cụ biểu đạt đời sống tâm thức Việt một cách hữu hiệu và độc đáo.

* Giai đoạn thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX

Những biến động dữ dội của lịch sử, xã hội giai đoạn này đã tạo ra một bước ngoặt thực sự của văn học. Tầng lớp trí thức nói chung và nhà văn, nhà thơ nói riêng đối diện với những vấn đề lớn của hiện trạng đất nước, của số phận con người. Văn học trở thành tiếng nói đấu tranh cho các giá trị nhân bản, nhân sinh. Bên cạnh các thể văn vần vốn đã khá quen thuộc, nhiều thể văn xuôi được viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm (vốn ít bị gò bó về hình thức) đã được lựa chọn để có thể phản ánh hiện thực đời sống bộn bề rộng lớn. Tinh thần nhân đạo với những suy tư sâu sắc về thân phận con người trở thành cảm hứng xuyên suốt của văn học giai đoạn này.

* Giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX

Thực dân Pháp xâm lược nước ta, vấn đề tồn vong của dân tộc – quốc gia một lần nữa được đặt ra bức thiết. Vốn gắn chặt với số phận đất nước và nhân dân, văn chương trở thành một vũ khí mạnh mẽ đấu tranh với kẻ thù ngoại xâm. Cảm hứng xuyên suốt của văn học giai đoạn này là cảm hứng yêu nước chống giặc với âm hưởng bi tráng. Phong cách trang nhã, hoa mĩ của đội ngũ tác giả trí thực cung đình nhường hẳn cho tiếng nói ái quốc nhiệt huyết của nhân dân và sĩ phu xuất thân áo vải. Cùng với những sáng tác viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, giai đoạn này bắt đầu có sự xuất hiện của các sáng tác viết bằng chữ quốc ngữ. Xu hướng cách tân, hiện đại hóa có những dấu hiệu ngày càng rõ rệt.

3. Một số xu hướng vận động chủ yếu của văn học trung đại Việt Nam

Về sự vận động, phát triển của lịch sử văn học Việt Nam thời trung đại, có thể khái quát ngắn gọn thành một số quy luật chủ yếu. Trong những quy luật này, có những quy luật mang tính xuyên suốt và chi phối tiến trình văn học, nhưng cũng có quy luật chỉ ứng riêng với một vài giai đoạn hoặc một số khía cạnh nhất định nào đó của đời sống văn học.

Văn học viết bằng chữ Nôm ngày càng phát triển mạnh mẽ bên cạnh văn học viết bằng chữ Hán, tạo nên hiện tượng “song ngữ” độc đáo: Tuy thuật ngữ “song ngữ” đã quen dùng nhưng đúng ra phải nói là “hai văn tự”. Chữ Hán không dùng để ghi ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày của người Việt, mà chỉ là loại văn tự được dùng để sáng tác. Chữ Nôm mới đích thực là chữ viết ghi ngôn ngữ Việt. Từ chỗ chỉ có văn học viết bằng chữ Hán đến chỗ có thêm văn học viết bằng chữ Nôm là sự bổ sung và bù đắp đặc biệt có ý nghĩa. Từ một phương diện khác, cũng có thể xem đó quy luật vận động nội tại của bộ văn hóa và ngôn ngữ: trong khi bộ phận văn học viết bằng chữ Hán thể hiện dấu vết ngoại lai rõ nét thì bộ phận văn học viết bằng chữ Nôm đã tăng cường tính dân tộc, khẳng định tính nội sinh của văn học Việt Nam. Những tác phẩm lớn, đạt đến tầm kinh điển như Truyện Kiều của Nguyễn Du cho thấy rõ dấu ấn sâu đậm của bản sắc ngôn ngữ văn học dân tộc.

Từ đề tài, chủ đề quan phương đến các đề tài, chủ đề hướng vào sự đa dạng của đời sống: Do những vấn đề đặt ra của lịch sử xã hội, ở giai đoạn 1 (thế kỉ X – thế kỉ XIV), văn học quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề thời sự, chính trị của đất nước: công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng và củng cố thiết chế nhà nước. Hình ảnh con người trong tác phẩm hướng đến cái ta, hướng đến cộng đồng, khát vọng thực hiện lí tưởng của thời đại là trung quân, ái quốc, ưu dân. Đến những giai đoạn sau, mặc dù tính quan phương vẫn chiếm ưu thế, nhưng những vấn đề thuộc về đời sống xã hội, thân phận cá nhân của con người,… đã được đặt ra và thôi thúc sự suy tư của nhà văn – trí thức Nho học. Việc hướng hiện thực muôn mặt của đời sống giúp văn học khám phá ra nhiều đề tài cụ thể mới mẻ. Nhiều tác phẩm đi sâu hơn vào khám phá và khái quát mâu thuẫn xã hội, vào số phận cá nhân và đời sống nội tâm của con người.

Từ đội ngũ sáng tác là trí thức cung đình đến đội ngũ sáng tác là Nho sĩ bình dân: Ở những thời kì đầu, nền giáo dục – khoa cử chữ Hán mới chỉ hạn chế trong cung đình và tầng lớp quan lại lớp trên, nên dễ hiểu là đội ngũ trí thức, đội ngũ sáng tác văn học còn ít, thành phần chưa đa dạng. Càng về sau, giáo dục càng được nhà nước phong kiến tự chủ quan tâm, việc học tập – thi cử được mở rộng và mang tính đại chúng cao hơn; lớp trí thức xuất thân bình dân xuất hiện đông đảo. Hiện tượng này đã thổi một luồng gió mới vào đời sống xã hội, tạo nên sự thay đổi diện mạo nền học thuật Đại Việt và bổ sung một đội ngũ sáng tác hùng hậu cho đời sống văn học.

- Từ sáng tác mang tính chức năng đến sáng tác theo cảm hứng thẩm mĩ: Chịu ảnh hưởng tư tưởng “văn trị, giáo hóa” và thể thức hành chính quan phương của văn chương Trung Hoa cổ điển, văn học Việt Nam thời kì đầu tự khuôn mình vào tư duy “tải đạo”, “ngôn chí”. Sự quy phạm hóa không chỉ diễn ra ở phương diện hình thức mà còn ở phương diện nội dung. Trong giai đoạn đầu, chúng ta chưa có “sáng tác” hay “sáng tạo nghệ thuật ngôn từ” đúng nghĩa, mà hầu như mới chỉ có tác phẩm mang tính công thức; giá trị cao nhất của một tác phẩm văn chương được nhìn nhận căn cứ vào việc nó đã thực thi ra sao các chức năng ban bố chính lệnh hay thể hiện giáo lí. Càng về sau, sáng tác văn học càng chuyển biến mạnh mẽ theo cảm hứng nghệ thuật, thẩm mĩ, tiệm cận thực đời sống, khám phá thế giới tinh thần của con người,…

Từ khuynh hướng quy phạm, trang nhã đến khuynh hướng phá cách, bình dị: Biểu hiện rõ ràng nhất của khuynh hướng này thể hiện ở phong cách văn chương từ chỗ nghiêng về đề tài cao cả, trang trọng với hình tượng nghệ thuật tao nhã, mĩ lệ và ngôn từ trau chuốt, hoa mĩ,… đến chỗ tiếp cận các đề tài bình dị, chân chất với hình tượng nghệ thuật sinh động, gần gũi và ngôn từ mộc mạc, giản dị. Ngôn từ đậm tính “khuôn vàng thước ngọc” của văn chương khoa cử đã hòa thanh cùng lời quê dân dã, tạo nên sự khởi sắc, đa dạng của thế giới văn chương Việt.

Từ việc chỉ dùng thể loại vay mượn đến việc sáng tạo thêm các thể loại văn học mới: Ở giai đoạn đầu, các thể loại văn học hành chính chức năng như hịch, cáo, chiếu biểu,… hay thể loại thơ ca nặng tính công thức như thơ luật vốn được vay mượn từ Trung Quốc hoàn toàn chiếm ưu thế. Từ sau thế kỉ XV, chữ Nôm được dùng nhiều trong sáng tác, đội ngũ tác giả xuất thân bình dân trở nên đông đảo, nhu cầu thưởng thức và biểu hiện ngày càng đa dạng, các yếu tố bản sắc văn hóa và ngôn ngữ được chú ý rõ rệt hơn,… đã thúc đẩy những thể nghiệm nghệ thuật đa dạng, dẫn đến sự ra đời của nhiều thể loại mới. Thơ lục bát, song thất lục bát, hát nói, truyện thơ,… nhanh chóng phát triển và chiếm lĩnh đời sống tinh thần của đông đảo nhân dân.

Từ “văn - sử - triết bất phân” đến việc phân định ranh giới rõ nét giữa văn chương với các văn bản ngôn từ khác: Sự vận động này diễn ra âm thầm, tuy không có tuyên ngôn nhưng đạt được thành quả lớn, thể hiện sự chuyển hóa nhận thức về đặc trưng, chức năng năng và giá trị của văn học. “Văn - sử - triết bất phân” là một cách nói gọn của thực tiễn đời sống học thuật thời trung đại ở phương Đông: văn học, lịch sử, tư tưởng, chính trị, luân lí, giáo dục,… chưa có sự phân tách về chức năng, thể loại, ngôn từ,… Điều này xuất phát từ định chế “văn trị - giáo hóa” theo đường lối Nho học, trong đó, khái niệm “văn” hay “văn chương” có hàm nghĩa rộng, bao trùm tri thức và văn hiến về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cùng với sự phát triển và nhu cầu của cuộc sống, văn học đã dần phân tách khỏi các lĩnh vực khác, tự vận động thành một mạch chảy riêng khởi từ nguồn chung.

Văn học Việt Nam thời trung đại được xây dựng, phát triển dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc; chịu sự tác động, chi phối và ảnh hưởng qua lại với văn hóa, văn học dân gian một cách sâu sắc. Văn hóa Việt Nam có cội nguồn bản địa, trải qua quá trình phát triển hàng ngàn năm lịch sử, đã định hình những đặc trưng căn bản: Tính cộng đồng, vốn là biểu hiện độc đáo của cư dân gốc nông nghiệp; Tính thống nhất trong sự đa dạng, biểu hiện rõ nét qua văn hóa của các tộc người trong không gian văn hóa Việt Nam; Tính dung hòa, biểu hiện ở khả năng dung nạp, tiếp nhận, biến đổi các yếu tố văn hóa ngoại sinh để làm phong phú nền văn hóa của mình; Tính thực tiễn, chú trọng đến các vấn đề xã hội và đời sống, trân trọng và đề cao con người với tinh thần lạc quan, khát vọng sống mạnh mẽ; Tính hướng nội, thể hiện rõ nhất ở xu hướng khẳng định các giá trị tinh thần, hướng vào đời sống nội tâm, suy tư sâu sắc về các vấn đề luân lí, đạo đức;… Những đặc trưng trên được thể hiện đậm nét ở nhiều phương diện của đời sống văn hóa và kho tàng văn học dân gian phong phú, đa dạng. Văn hóa, văn học dân gian của dân tộc chính là nền tảng, cội nguồn của nền văn học viết rực rỡ thời trung đại.

Xem thêm các bài soạn chuyên đề Ngữ văn 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Phần 2. Tập nghiên cứu về một vấn đề văn học trung đại Việt Nam

Phần 3. Viết báo cáo về một vấn đề văn học trung đại Việt Nam

Phần 1. Bản chất xã hội văn hoá của ngôn ngữ

Phần 2. Sự phát triển của ngôn ngữ trong đời sống xã hội

Đánh giá

0

0 đánh giá