Phần III. Thuyết trình một vấn đề văn học trung đại Việt Nam (trang 25)

366

Với soạn bài Phần III. Thuyết trình một vấn đề văn học trung đại Việt Nam (trang 25) Chuyên đề 1 Ngữ văn 11 Cánh Diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó học tốt Ngữ văn 11. Mời các bạn đón xem:

Phần III. Thuyết trình một vấn đề văn học trung đại Việt Nam (trang 25)

1. Thế nào là thuyết trình một vấn đề văn học trung đại Việt Nam?

Thuyết trình một vấn đề văn học trung đại Việt Nam là trình bày một cách hệ thống và rõ ràng kết quả nghiên cứu về một vấn đề của văn học Việt Nam thời kì từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX bằng ngôn ngữ nói và các phương tiện phi ngôn ngữ.

Quy trình để có một bài thuyết trình là từ nghiên cứu đến viết báo cáo nghiên cứu và từ báo cáo bằng văn bản viết chuyển thành thuyết trình bằng văn bản nói. Như vậy, nội dung thuyết trình một vấn đề văn học trung đại Việt Nam là dựa trên cơ sở nội dung nghiên cứu và báo cáo nghiên cứu về vấn đề đó.

2. Cách thức thuyết trình một vấn đề văn học trung đại Việt Nam

2.1. Chuẩn bị

- Chuẩn bị nội dung và hình thức thuyết trình:

+ Nội dung thuyết trình là những nội dung đã được viết trong báo cáo nghiên cứu.

+ Tùy theo mục đích, yêu cầu, đối tượng, thời lượng của buổi thuyết trình để lựa chọn nội dung thuyết trình: trình bày toàn bộ một vấn đề về văn học trung đại Việt Nam hay chỉ trình bày phần nội dung và kết quả nghiên cứu, trình bày tất cả các nội dung hay chỉ lựa chọn đi sâu vào những nội dung trọng tâm.

+ Hình thức trình bày là tóm lược hay diễn giải đầy đủ, chỉ dùng ngôn ngữ nói hay kết hợp với các phương tiện phi ngôn ngữ (trình chiếu PowerPoint, tranh, ảnh, video,…) trong thuyết trình.

Ví dụ, khi thuyết trình vấn đề Hình tượng người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương, có thể trình bày toàn bộ quá trình nghiên cứu với tất cả nội dung nghiên cứu (lí do chọn đề tài, mục đích nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, các nội dung và kết quả nghiên cứu), hoặc chỉ lựa chọn một/ một số nội dung trong các nội dung để thuyết trình: Bi kịch của người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương, Vẻ đẹp của người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương; Khát vọng của người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương; Ý thức về cá nhân và ý thức về giới nữ trong thơ Hồ Xuân Hương. Cũng có thể lựa chọn trình bày kết hợp “cặp đôi” nội dung: bi kịch và vẻ đẹp, vẻ đẹp và khát vọng, khát vọng và tự ý thức.

- Chuẩn bị điều kiện và phương tiện thuyết trình;

+ Chuẩn bị phương tiện máy móc, thiết bị sử dụng khi thuyết trình: ánh sáng, âm thanh, máy tính, máy hình, kết nối mạng Internet,…

+ Chuẩn bị không gian thuyết trình (lớp học, phòng hội thảo, hội trường,…), vị trí của người thuyết trình, chỗ ngồi của người nghe,…

2.2. Trình bày

- Trước khi thuyết trình cần có lời chài hỏi để làm quen, tạo không khí tự nhiên, thân mật, gây ấn tượng ban đầu. Trong lời chào hỏi cần tự giới thiệu về bản thân (họ tên, tùy theo phạm vi rộng, hẹp ở đối tượng nghe để tự giới thiệu về đơn vị tổ, lớp, trưởng), hỏi thăm, chào mừng người đến dự, chúc buổi thuyết trình thành công,…

- Thông báo cho người nghe về nội dung công việc của buổi thuyết trình: thời gian thuyết trình, phần thuyết trình và phần thảo luận (sau mỗi nội dung trình bày) sẽ thảo luận hay thuyết trình xong toàn bộ vấn đề mới thảo luận, hình thức nêu thắc mắc, nêu câu hỏi cần giải đáp bằng lời nói hay bằng phiếu hỏi,…).

- Để người nghe dễ theo dõi, nắm bắt vấn đề, nên trình bày theo phương pháp diễn dịch: khát quát nội dung trình bày, sau đó thuyết trình những nội dung cụ thể.

Ví dụ, thuyết trình vấn đề Hình tượng người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương.

Trước hết, cần khái quát nội dung vấn đề sẽ thuyết trình: phần thuyết trình bao gồm các nội dung về Bi kịch của người phụ nữ; Vẻ đẹp của người phụ nữ; Khát vọng của người phụ nữ; Ý thức về cá nhân và ý thức về giới nữ trong thơ Hồ Xuân Hương. Sau đó, lần lượt trình bày cụ thể từng nội dung.

Ở từng nội dung cũng nên thuyết trình theo phương pháp diễn dịch. Ví dụ, ở nội dung Bi kịch của người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương, trước hết, cần khái quát bằng một câu chủ đề: “Bi kịch của người phụ nữ có cả bi kịch về thể chất và bi kịch về tinh thần”. Sau đó, lần lượt trình bày bi kịch về thể chất và bi kịch về tinh thần của người phụ nữ.

- Để nối kết các nội dung trình bày, có thể dùng kiểu câu “không những A mà còn B”, “bên cạnh A còn B”,… Ví dụ: “Người phụ nữ không chỉ đau khổ về thể chất mà còn đau khổ về tinh thần”, “Bên cạnh vẻ đẹp về hình thức, người phụ nữ còn đẹp ở tâm hồn, phẩm chất”,…Cũng có thể dùng những cách nói tự nhiên trong thuyết trình: “Bây giờ, tôi sẽ nói về những khát vọng của người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương”., “Tiếp theo là ý thức về giới nữ trong câu thơ của “Bà chúa thơ Nôm”,…

- Để kết luận nội dung thuyết trình, có thể dùng các câu mở đầu với “Tóm lại là…”, “Nhìn chung là…”, “Kết luận lại là…”,…

2.3. Rút kinh nghiệm

Chuyên đề 1 trong sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 đã nêu lên cách thức rút kinh nghiệm đối với bài thuyết trình. Các em vận dụng phương pháp đã học để rút kinh nghiệm cho bài thuyết trình về một vấn đề văn học trung đại Việt Nam

3. Thực hành thuyết trình một vấn đề văn học trung đại Việt Nam

Bài tập thực hành (trang 27 chuyên đề Ngữ văn 11): Thuyết trình về “Ngôn ngữ giao tiếp trong “Truyện Kiều” (Nguyễn Du)”.

Gợi ý:

- Chuyển các nội dung của báo cáo Ngôn ngữ giao tiếp trong “Truyện Kiều” thành một bài thuyết trình.

- Khi thuyết trình, có thể trình bày toàn bộ vấn đề hoặc lựa chọn một/ một số nội dung cần đi sâu.

- Đối tượng thuyết trình: tùy theo hoàn cảnh cụ thể.

- Tiến hành theo các bước khi thuyết trình.

Trả lời:

HS dựa vào gợi ý để thuyết trình vấn đề trên.

Câu hỏi 1 (trang 27 chuyên đề Ngữ văn 11)Khi thuyết trình một vấn đề văn học trung đại Việt Nam, cần vận dụng những gì từ nghiên cứu và từ báo cáo một vấn đề văn học trung đại Việt Nam?

Trả lời:

Khi thuyết trình một vấn đề văn học trung đại Việt Nam, cần vận dụng kết quả từ các nghiên cứu và các báo cáo về một vấn đề văn học trung đại Việt Nam.

Câu hỏi 2 (trang 27 chuyên đề Ngữ văn 11)Nêu các bước tiến hành để thuyết trình một vấn đề văn học trung đại Việt Nam.

Trả lời:

1. Chuẩn bị

- Sắp xếp, hệ thống các tài liệu đã thu thập được theo nội dung nghiên cứu – những nội dung đã được xác lập từ giả thiết nghiên cứu về một vấn đề văn học trung đại

Việt Nam.

- Lựa chọn những dẫn chứng sẽ được sử dụng, phân tích trong báo cáo nghiên cứu. – Lập đề cương / dàn ý của báo cáo với những phần, chương, đề mục lớn. Thông thường, đề cương / dàn ý thường có những phần chính:

+ Phần Mở đầu: nêu lí do chọn đề tài, mục đích nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu (nếu cần thiết).

+ Phần Nội dung: nêu nội dung nghiên cứu theo trình tự: phần – chương – mục. Với một báo cáo nghiên cứu có dung lượng vừa phải thì nội dung nghiên cứu chỉ cần giới hạn ở các đề mục lớn.

+Phần Kết luận: tóm lược lại kết quả nghiên cứu, nêu hướng nghiên cứu mở rộng, nâng cao tiếp theo (nếu có).

2.Viết báo cáo

Viết báo cáo trên cơ sở đề cương / dàn ý. Tuy nhiên, có thể nảy sinh những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung so với đề cương thì sẽ điều chỉnh, bổ sung trong khi viết.

Câu hỏi 3 (trang 27 chuyên tập Ngữ văn 11)Lựa chọn một vấn đề văn học trung đại Việt Nam để thuyết trình trước lớp.

Trả lời:

HS đọc bản báo cáo đã làm ở câu hỏi 3 phần Thực hành viết báo cáo nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam.

PHỤ LỤC

MỘT SỐ VĂN BẢN VIẾT VỀ VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM

Hệ thống nhân vật Truyện Kiều

Đồng thời với Truyện Kiều có tác phẩm văn xuôi chữ Hán Hoàng Lê nhất thống chí. Với tư cách là tác phẩm tự sự lịch sử, Hoàng Lê nhất thống chí đã đưa lên sân khấu hàng trăm nhân vật. Truyện Kiều, tác phẩm tiểu thuyết văn vần, dừng lại ở mức độ ba mươi nhân vật. So sánh rộng hơn, có thể thấy loại tiểu thuyết quy mô vĩ đại như Tam quốc chí (văn học Trung Quốc), Chiến tranh và hòa bình (văn học Nga),… có thể đạt tới quy mô số lượng nhân vật vô cùng lớn. Tiểu thuyết văn vần ít có khoảng đất rộng rãi ấy của thể loại tự sự văn xuôi.

Nhưng khi so sánh với truyện cổ tích và các truyện Nôm khác, Truyện Kiều thuộc loại tác phẩm có số lượng nhân vật cao nhất. Bảng thống kê so sánh dưới đây cho phép chúng ta đi đến kết luận đó:

Soạn bài Thuyết trình một vấn đề văn học trung đại Việt Nam | Chuyên đề học tập Ngữ văn 11 Cánh diều

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Sự lựa chọn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân với một số lượng nhân vật khá lớn cho phép Nguyễn Du, trên cơ sở mối quan hệ phong phú giữa 30 nhân vật, có khả năng bao quát nhiều phương diện của cuộc sống xã hội. Tất nhiên, đơn thuần số lượng nhân vật không quyết định nội dung, phạm vi cuộc sống được phản ánh trong tác phẩm. Giới hạn hoạt động, vị trí chức năng và sự phát triển tính cách của các nhân vật tổng hòa quyết định chủ đề tác phẩm, nội dung cuộc sống được phản ánh trong tác phẩm. Nhưng số lượng nhân vật cũng là một yếu tố đóng góp vào nội dung tác phẩm nghệ thuật. Truyện cổ tích Thạch Sanh với số lượng khoảng trên 10 nhân vật và một giới hạn hoạt động rộng rãi (từ cây đa quận Cao Bình đến tận chốn đế kinh, từ cuộc chiến đầu chồng chằn tinh, chống đại bàng đến cuộc chiến đấu chống tên Lý Thông), đã mang nội dung phản ánh đấu tranh xã hội phong phú, sâu sắc hơn. Truyện Kiều, qua sự phản ánh vận mệnh nhân vật chính trong mối quan hệ với gần 30 nhân vật khác, đã trình bày được một vận mệnh đa dạng, phong phú, đụng chạm đến nhiều phương diện của cuộc sống dưới chế độ phong kiến.

Nhân vật trong Truyện Kiều là những con người xuất hiện từ nhiều chỗ đứng trong cuộc sống, thậm chí xuất hiện từ những bình diện rât đối lập của xã hội như:

Tiểu thư lầu hồng

Anh hùng phản nghịch

Nhà tu hành

Thư sinh

Kĩ nữ lầu xanh

Tổng đốc trọng thần

Bọn lưu manh

Thương nhân,...

Những loại nhân vật trên đây chủ yếu được sắp xếp theo hệ thống sau đây:

1. Hệ thống nhân vật chính diện bao gồm:

Những nạn nhân xã hội: Thuý Kiều, Kim Trọng, gia đình họ Vương, Đạm Tiên,...

Những lực lượng phù trợ: Từ Hải, Mã Kiều, Giác Duyên, Tam Hợp đạo cô, Thúc Sinh,...

2. Hệ thống nhân vật phản diện, những lực lượng hung bạo: sai nha, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Bạc Hạnh, Bạc Bà, Hồ Tôn Hiến,...

Từ hệ thống nhân vật trên đây, chúng ta có thể thấy rõ những nét đồng nhất và khác biệt giữa Truyện Kiều với truyện cổ tích, truyện Nôm.

Về các nhân vật thuộc giới hạn thứ nhất, những nạn nhân của xã hội trong Truyện Kiều chủ yếu xuất thân từ hàng ngũ phong kiến. Đây cũng là đặc điểm của khá nhiều truyện Nôm. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ như truyện Nôm Thạch Sanh với nguồn gốc cốt truyện dân gian, còn nhìn chung, nạn nhân chính đều có một xuất thân “Chẳng sân ngọc bội cũng phường kim môn”. Một vài trường hợp xuất thân hàn sĩ và phải đi hành khất chưa thể nói là những con người xuất hiện từ cuộc sống muối cát của biển cả hay ruộng đồng nơi thôn xóm. Tuy nhiên, họ đều sẽ trải qua cuộc sống của một số tầng lớp bị áp bức dưới xã hội phong kiến: kĩ nữ, nô tì, hành khất,... Cũng có trường hợp như Cúc Hoa (Phạm Công – Cúc Hoa) đã nuôi chồng ăn học bằng con thoi dệt lụa từ đôi tay lao động của bản thân.

Nhưng khi so sánh với đại bộ phận truyện cổ tích mà những nạn nhân chính xuất hiện từ những nguồn gốc đặc biệt như: thợ cày, mục đồng (Cây tre trăm đốt, Ai mua hành tôi, Cây khế, Sọ Dừa), mò cua bắt ốc (Tấm Cám), tiều phu (Thạch Sanh), ngư dân (Chử Đồng Tử, Trương Chi),... thì ta thấy những nhân vật của thế giới cổ tích dân gian xuất thân và hoạt động trong một phạm vi giới hạn gắn bó với cuộc sống lao động dưới xã hội phong kiến. Trong văn học viết, phải đến Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) mới chính thức xuất hiện hình tượng người nông dân lao động, nhưng Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc không thuộc thể loại truyện, không phản ánh hình tượng người nông dân lao động trên cơ sở trình bày một vận mệnh hoàn chỉnh, một tính cách hoàn chỉnh.

Trong hệ thống nhân vật thuộc giới hạn phạm vi hoạt động thứ hai, có nhân vật Từ Hải, lực lượng phù trợ quyết định một bước ngoặt quan trọng trong vận mệnh Thuý Kiều. Từ Hải tiêu biểu cho một mẫu hình tượng anh hùng. Trong quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên và đấu tranh xã hội đã xuất hiện người anh hùng chinh phục thiên nhiên và anh hùng đấu tranh xã hội. Đấu tranh xã hội ở bình diện chống ngoại xâm xuất hiện người anh hùng dân tộc và đấu tranh xã hội ở bình diện giai cấp xuất hiện người anh hùng dân chủ. Từ Hải là con người bằng sức mạnh của lí tưởng (… Anh hùng tiếng đã gọi rằng, / Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha…), bằng sức mạnh của tài năng cá nhân (… Đường đường một đấng anh hào, / Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài...), bằng sức mạnh của quân đội hùng hậu (... Thừa cơ trúc chẻ ngói tan, / Binh uy từ đấy sấm ran trong ngoài...) đã giúp Thuý Kiều trả ơn báo oán, san phẳng bất bằng. Như đã phân tích ở những phần trên, ý nghĩa cơ bản của hình tượng Từ Hải không phải ở chỗ đã đem “Hoa quan chấp chới, hà y rỡ ràng” khoác lên nhan sắc khuynh thành của Thuý Kiều mà ở chỗ đã đưa nàng từ thân phận “con ong cái kiến” lên địa vị phán xử những lực lượng thống trị hung bạo đã đày đọa nàng. Từ Hải ở đây đã đi vào quỹ đạo của những hình tượng nhân vật trong một số truyện cổ tích lịch sử như chàng Lía, Bố Cu, Quận He, Nam Cường,..., đã đi vào quỹ đạo của Lục Vân Tiên với lí tưởng: Thấy câu kiến nghĩa bất vi / Làm người thế ấy cũng phi anh hùng, quỹ đạo của các anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thuỷ hử với phong cách sống:

Lộ kiến bất bình

Bạt đao tương trợ.

Trong một số truyện Nôm và truyện cổ tích, những nạn nhân đồng thời đóng vai trò chủ yếu quyết định sự biến chuyển của vận mệnh bản thân, đấu tranh với kẻ thù bằng sức mạnh, tài năng bản thân. Có thể kể đến nhân vật Thạch Sanh, nhân vật Thoại Khanh (Thoại Khanh – Châu Tuần) trong trường hợp này. Đấy là những nạn nhân tự cứu, những anh hùng với một ý nghĩa cụ thể của từ ngữ này. Tất nhiên, cuộc đấu tranh của họ cũng không thể thiếu sự tham gia của các lực lượng phù trợ. [...]

(Đặng Thanh Lê, “Truyện Kiều” và thể loại truyện Nôm,

NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, trang 156 – 161)

Thế giới thơ Nôm Hồ Xuân Hương

[...] Từ một số nguyên tắc cơ bản trên, chúng tôi nghiên cứu thơ Nôm Hồ Xuân Hương (khoảng năm mươi bài): từ cấu trúc biểu đạt, tìm hiểu ý nghĩa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.

Hồ Xuân Hương là một nhà thơ đầy sáng tạo. Các nghệ sĩ tài năng vừa tuân thủ thi pháp của thời đại mình, vừa vi phạm các quy tắc ấy và sáng tạo phong cách của riêng mình. Hồ Xuân Hương sáng tạo một phong cách thơ luật Đường mới, một thế giới đời thường thắm tươi, một thiên nhiên tràn đầy sức sống, một triết lí tự nhiên của cuộc đời trần thế, của trực giác, cảm giác, bản năng, của say mê, một cái đẹp góc cạnh và vui tươi của sự vận động hối hả, căng thẳng với những nhịp thơ nhảy múa, những âm thanh vang động, những điệu Van-xơ (Valse) chóng mặt. Thơ Hồ Xuân Hương là thơ chạm trổ; hòn đá biết cười, hang động biết nói, nước lạch hát ca; thơ Hồ Xuân Hương chủ yếu là ngày hội của bản năng, một phét-ti-van (festival) của cơ thể người phụ nữ, một đám rước dân gian náo nhiệt, ba-rốc (baroque), grô-te-xcơ (grotesque). Thế giới thơ Nôm Hồ Xuân Hương là thế giới vô vàn xcăng-đan (scandales), những cú huých, những thách thức.

Trước hết, tâm hồn người đọc bị lay động bởi những chuyên rung dữ dội của những câu thơ tập hợp thành một thế giới sống động: nó tung hoành, nhảy múa, gây chấn động lớn trên trời, dưới đất (Xiên ngang mặt đất... / Đâm toạc chân mây...; Một trái trăng thu chín mõm mòm / Nảy vừng quế đỏ, đỏ lòm lom), trên núi dưới sông (Gió giật sườn non... / Sóng dồn mặt nước...). Thiên nhiên thì như vậy, con người thì “giơ tay”, “xoạc cẳng” – những cử chỉ mạnh mẽ, ráo riết, say mê: Người quen cảnh Phật chen chân xọc / Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm; Sáng banh không kẻ khua tang mít / Trưa trật nào ai móc kẽ rêu. Những động từ hoạt động trong thơ Hồ Xuân Hương giữ vị trí đầu não, vị trí “chúa tể”, nó là cột sống, hòn đá tảng của nhịp thơ; nó có khả năng gây biến động, gây tai biến, bất chợt và hùng hồ: gió thốc, sương gieo (Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc / Đầm đìa lá liễu hạt sương gieo), nảy (Nảy vừng quế đỏ, nảy nét ngang), nhô (nhô đầu dọc), đạp xuốngđâm ngangcọ mãi (với non sông), đấm (Chày kình, tiểu để suông, không đấm), nổi chìm (Bảy nổi ba chìm với nước non), húc (giậu thưa), chành rakhép lại, hoặc Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi / Này của Xuân Hương đã quệt rồi. Các động từ gây cú sốc, những phá huỷ và những xây dựng kế tục nhau, là những nhịp mạnh hay linh hồn của thơ Hồ Xuân Hương. Các nhịp mạnh ấy liên kết với nhau, trong nhiều bài thơ, tạo nên thế giới của sự sống, của thiên nhiên năng động, cái tiêu huỷ và cái sinh thành. Nó diễn đạt cái biến đổi, cái vận động của nghệ thuật ba-rốc, sức trẻ và cái đẹp. Trong hai câu thơ đã dẫn, xọc và dòm là những âm thanh bất ngờ, xộc xệch, không ăn khớp, tạo nên một sự khấp khểnh, lạc lõng và có tác dụng chuyển nghĩa, từ cái “bình thường” bị phá huỷ, từ cõi “từ bi” sang cõi “trần thể”. Nghĩa này được tạo nên bởi một âm ngắn gọn, bất chợt, “không chờ đợi”. Có thể nói như vậy với các động từ quệt (Mời trầu); đầm, khua, móc (Chùa Quán Sứ); thốc, cọ, giật, dồn,...

Thơ Hồ Xuân Hương là thơ hành động, không phải là thơ tâm tình, thơ trạng thái như thơ Bà Huyện Thanh Quan hay khúc ngâm Chinh phụ chẳng hạn.

Thơ Hồ Xuân Hương tràn trễ màu sắc; và hầu như không mấy khi những màu sắc ở độ không, mà đỏ loét, xanh rì, lồi om, đỏ lòm lom, chín mõm mòm,... Ở đây, trạng từ giữ một chức năng quan trọng: nó đẩy màu sắc đến mức cực độ, tối đa, nó tạo ra trong văn bản cái không đồng chất, cái bất ngờ, nó gãy khúc. Nó có tác dụng chuyển nghĩa, từ cái bình thường sang cái ẩn dụ - cơ thể người phụ nữ. Bằng một từ, có khi bằng một âm thanh, hoặc một nhịp điệu bất bình thường, nhà thơ nói cái này, song ý nghĩa của nó lại là cái khác: Bày đặt kìa ai khéo khéo “phòm”phòm mở đầu các vần hom, dòm, khom, dom ở bên dưới, khiến người đọc “giật mình”, ngạc nhiên, nghĩ ngay tức khắc đến “cái động” khác “Động Hương Tích”.

Thơ Hồ Xuân Hương là một thế giới âm thanh rộn rã, náo động: “tiếng trống canh dồn”, tiếng “mõ khua”, chuột “rúc rích”, ong “vo ve”, quạt “phì phạch”, sóng vỗ “long bong”, “gió giật”, “gió lách cách”, rồi “lõm bõm”, “phập phòm”, tiếng tiêu, chũm chọe và “Giọng hì, giọng hỉ, giọng hi ha”. Chỉ những tiếng động ấy – dù tách rời khỏi văn cảnh nhịp điệu trong mọi mối quan hệ của nó với câu thơ, bài thơ, đã nói lên sự sống đời thường của thế giới Hồ Xuân Hương, cái thế giới xung động, rung động và hành động không im, không tĩnh. Những âm thanh ấy xâm nhập lẫn nhau, cãi nhau, chí choé, cao thấp, nặng nhẹ, vô cùng ồn ào, và những lời than vãn đêm khuya, và những đối thoại tinh quái, mời mọc, trách Chiêu Hổ say tỉnh, tỉnh say - “Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày?”, trách người tình dối như Cuội - “Nhớ hái cho xin nắm lá đa” và chỉ toan tính những sự “gùn ghè”; và lời chửi mắng “phường lòi tói”, “ong non ngứa nọc”, “dê cỏn buồn sừng”. Và hãy nghe những tiếng động ban đêm. Những đêm khuya thanh vắng, vang động tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng thổn thức của người phụ nữ (Mõ thảm không khua mà cũng cốc, / Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om). Cốc và om (những tiếng dùng để cụ thể hoá các tình cảm “thảm” và “sầu”) là những âm thanh ngắn, cắt đứt đột ngột hai câu thơ nhịp dài. Sự liên kết đó (nhịp dài / nhịp ngắn cụt) mang ý nghĩa tâm trạng xót xa – cái bất chợt, cái lạ lùng. cái sửng sốt. Và tiếng gà gáy “văng vẳng”, sự điệp trùng này mới day dứt làm sao! Có ai như Hồ Xuân Hương nghe thấy lớp âm thanh thứ hai của đêm thanh vắng, từ xa đưa tới, từ mông lung, từ vô vọng và sâu thẳm của trái tim!

Hồ Xuân Hương là nhà thơ sử dụng ngôn ngữ đề sáng tác nhạc, là nghệ sĩ tạo hình. Bà còn là nhà điêu khắc, và cả nhà kiến trúc nữa – nhà kiến trúc của “lâu đài âm vang”. Không gian thơ Hồ Xuân Hương đầy ắp sự vật, mỗi sự vật một hình thù, mỗi bài thơ một công trình kiến trúc nghệ thuật. Thơ Hồ Xuân Hương rất nhiều dạng hình học: hình tròn, nhiều hình tròn: Vầng trăng khi khuyết lại khi “tròn”Một “trái” trăng thuđầu sư tròn trọc lốcKẻ lạ “bầu” tiên...Đôi “gò” bồng đảo...“Khối” tình cọ mãi với non sôngMảnh tình một “khối” thiếp xin mang;... Hình ba góc: Chành ra “ba góc” da còn thiếu; hình méo, hình “khòm”: Giữa in chiếc bách khuôn còn “méo” / Ngoài khép đôi cung, cánh vân “khòm”; rồi “rộng”, “hẹp”, “ngắn”, “dài”, “sâu”, “nông”, “mỏng”, “dày”, và “xù xì”, và “tùm hum”, và “lam nham”, và “lún phún”,... Các hình thù kì lạ, đủ các cỡ ấy chuyển động, nó “uốn éo” (Ba chạc cây xanh hình uốn éo), nó “lom khom” (Con thuyền vô trạo cúi lom khom), “khom khom”, “ngửa ngửa”, “dọc”, “ngang” (...nhô đầu dọc / ...nảy nét ngang), “cúi”, “giang thẳng cánh”, “duỗi song song”. Các hình thù ấy động đậy, cựa mình, đâm lên, chọc xuống, tạo nên một không gian động trong một thời gian động. Nó thức tỉnh, khua động, gọi dậy sức sống, cái đẹp tiềm năng trong con người. Những từ bất thường, những vần gai góc dùng để chuyển đạt những ẩn dụ bản năng sự sống. Nói lái, một âm thanh không ăn khớp, một hình ảnh tượng trưng (lá đa, nguyệt, hoa rữa, miếng trầu hôi, giậu thưa, cái này (Chúa dấu vua yêu một cái này), cái quạtcái xuân tìnhgì bà cốtchút tẻo tèo teođộng Hương Tíchhang Cắc Cớtrái trăng thuquả mítgiếng nước, lạch Đào Nguyên,...) là những kí hiệu di chuyển từ cái miêu tả đến cái ẩn dụ, vô cùng đa dạng, biểu đạt sức sống có tầm cỡ vũ trụ, cái vĩnh cửu. Cái ngạc nhiên, cái đột ngột, cái bật cười thấm thía nỗi buồn, gây nên bởi cái xộc xệch, không ăn khớp, cái gập ghềnh,... là những đặc trưng phong cách thơ Hồ Xuân Hương. Chất “đá” ở thơ Hồ Xuân Hương thật kì lạ: Đá Ông Chồng Bà Chồng, “tầng trên, thớt dưới”, “tuyết điểm, sương pha” phơi dưới ánh Mặt Trời và sáng trăng, xung quanh là sông núi. Hang Thánh Hóa, hang Cắc Cớ, những khối đá có hình chạm trổ, ngành nhánh vươn ra, lườn đá, những hình khối vững chắc, với nước, rất nhiều nước, sao lắm nước thế: Giọt nước hữu tình rơi thánh thótLách khe nước rỉ...Sóng dồn mặt nước...Một dòng nước biếc...Một lạch Đào Nguyên...Đầm đìa lá liễu hạt sương gieo;... Cái chất “thuỷ” làm mềm dịu những kiến trúc đá trong thơ Hồ Xuân Hương.

Thật là không hợp lí việc tách rời các yếu tố màu sắc, âm thanh, hình thù, nhịp thơ, từ ngữ, ngữ pháp,... trong thơ: tất cả các yếu tố ấy vận hành liên kết với nhau thành hệ thống, thành một khối. Mỗi yếu tố không đơn lẻ, không đứng chơ vơ. Thơ Hồ Xuân Hương có những đá tảng có những lớp sóng lượn. Chính mâu thuẫn này tạo cho tập thơ sức năng động, cái đẹp dữ dội và khắc khoải. Cái cười Hồ Xuân Hương rộn rã và xót xa. Nhà thơ nữ yêu thích núi non, cảnh đêm thanh vắng, cái trắng trong, không vết gợn. Có thể thấy ở thơ Hồ Xuân Hương các mô típ sau đây: mô típ hang động, mô típ văng vẳng, mô típ trắng son, mô típ trăng khuya. [...]

(Đỗ Đức Hiểu, Thi pháp hiện đại,

NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000, trang 70 – 76)

Xem thêm các bài soạn chuyên đề Ngữ văn 11 Cánh Diều hay, chi tiết khác:

Phần II. Viết báo cáo nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam

Phần I. Bản chất xã hội - văn hóa của ngôn ngữ

Phần II. Yếu tố mới và sự vận dụng những yếu tố mới của ngôn ngữ trong đời sống xã hội hiện đại

Phần I. Sự nghiệp văn chương và phong cách nghệ thuật của tác giả văn học

Phần II. Yêu cầu và cách thức đọc một tác giả văn học 

Đánh giá

0

0 đánh giá