Toptailieu.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa Lí lớp 8 Bài 9: Tác động của biến đổi khí hậu đối với khí hậu và thủy văn Việt Nam sách Chân trời sáng tạo. Bài viết gồm 15 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa Lí 8. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 9: Tác động của biến đổi khí hậu đối với khí hậu và thủy văn Việt Nam. Mời các bạn đón xem:
15 câu trắc nghiệm Địa lí 8 (Chân trời sáng tạo) Bài 9: Tác động của biến đổi khí hậu đối với khí hậu và thủy văn Việt Nam
Phần 1. 15 câu trắc nghiệm Địa lí 8 Bài 9: Tác động của biến đổi khí hậu đối với khí hậu và thủy văn Việt Nam
Câu 1. Giai đoạn 1958 - 2018, nhiệt độ nước ta tăng thêm
A. 0,980C.
B. 0,890C.
C. 0,790C.
D. 0,970C.
Đáp án đúng là: B
Biến đổi khí hậu làm nhiệt độ trung bình năm của nước ta tăng 0,89°C (thời kì từ năm 1958 đến năm 2018). Nhiều kỉ lục cao của nhiệt độ được ghi nhận trong những năm gần đây.
Câu 2. Trên phạm vi cả nước, trong một thập kỉ số ngày nắng nóng tăng từ
A. 2 - 4 ngày.
B. 3 - 4 ngày.
C. 3 - 5 ngày.
D. 2 - 5 ngày.
Đáp án đúng là: C
Số ngày nắng nóng có xu thế tăng từ 3 - 5 ngày/ thập kỉ trên phạm vi cả nước.
Câu 3. Thiên tai nào sau đây không phải hiện tượng thời tiết cực đoan?
A. Mưa lớn.
B. Rét đậm.
C. Động đất.
D. Rét hại.
Đáp án đúng là: C
Gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như: mưa lớn, bão, rét đậm, rét hại,... Số ngày nắng nóng có xu thế tăng trên phạm vi cả nước; số ngày rét đậm, rét hại có biến động mạnh qua các năm; số cơn bão mạnh có xu thế tăng lên; mùa mưa có nhiều trận mưa lớn, thời gian kéo dài xảy ra ở nhiều vùng nước ta gây lũ quét, ngập lụt. Nhìn chung, biến đổi khí hậu đã khiến thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn.
Câu 4. Vào mùa cạn, lượng nước ở hầu hết các hệ thống sông nước ta giảm từ
A. 4 - 10%.
B. 3 - 10%.
C. 6 - 11%.
D. 5 - 11%.
Đáp án đúng là: B
Vào mùa cạn, lượng nước ở hầu hết các hệ thống sông nước ta giảm từ 3 - 10%, mực nước sông giảm mạnh, gây xâm nhập mặn sâu và thời gian kéo dài.
Câu 5. Vào mùa lũ, ở đồng bằng xảy ra thiên tai chủ yếu nào sau đây?
A. Ngập lụt.
B. Lũ quét.
C. Động đất.
D. Hạn hán.
Đáp án đúng là: A
Vào mùa lũ do số ngày mưa lớn gia tăng nên tình trạng lũ quét ở miền núi và ngập lụt ở đồng bằng ngày càng trầm trọng hơn.
Câu 6. Vào mùa lũ, ở miền núi xảy ra thiên tai chủ yếu nào sau đây?
A. Hạn hán.
B. Ngập lụt.
C. Lũ quét.
D. Động đất.
Đáp án đúng là: C
Vào mùa lũ do số ngày mưa lớn gia tăng nên tình trạng lũ quét ở miền núi và ngập lụt ở đồng bằng ngày càng trầm trọng hơn.
Câu 7. Vào mùa cạn, các địa phương nằm gần lưu vực sông thường gặp khó khăn chủ yếu nào sau đây?
A. Cháy rừng.
B. Thiếu nước.
C. Đại dịch.
D. Mất mùa.
Đáp án đúng là: B
Vào mùa cạn, ở một số lưu vực sông lưu lượng nước có xu thế giảm, làm tăng nguy cơ thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất vào mùa khô ở các địa phương trong lưu vực.
Câu 8. Biến đổi khí hậu tác động thế nào đến hồ, đầm và nước ngầm?
A. Nguồn nước ngầm hạ thấp, khả năng khô hạn lớn.
B. Mực nước các hồ đầm và nước ngầm xuống thấp.
C. Nhiều hồ, đầm đầy nước; nguồn nước ngầm nhiều.
D. Các hồ, đầm cạn nước không thể khôi phục được.
Đáp án đúng là: B
Với sự gia tăng của số ngày hạn hán làm cho mực nước của các hồ đầm xuống thấp, mực nước ngầm cũng hạ thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm.
Câu 9. Biến đổi khí hậu tác động đến
A. đời sống và sản xuất, đe dọa sự phát triển bền vững.
B. đời sống, sản xuất, đe dọa sự phát triển nông nghiệp.
C. đời sống và sinh hoạt, đe dọa sự phát triển du lịch.
D. sinh hoạt và sản xuất, khai thác tài nguyên tự nhiên.
Đáp án đúng là: A
Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống và sản xuất, đe dọa sự phát triển bền vững. Để ứng phó với biến đổi khí hậu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Câu 10. Hai nhóm giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu là
A. thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên.
B. giảm nhẹ biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
C. sử dụng năng lượng tái tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu.
D. giảm nhẹ biến đổi khí hậu và tăng cường bảo vệ, trồng rừng.
Đáp án đúng là: B
Có hai nhóm giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu, đó là: giảm nhẹ biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu là hai giải pháp quan trọng, hai nhóm giải pháp này cần được tiến hành đồng thời và tham gia của cộng đồng để đảm bảo hiệu quả cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu.
Câu 11. Trong nông nghiệp, giải pháp nào sau đây được sử dụng để thích ứng với biến đổi khí hậu?
A. Thay đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và phát triển thủy lợi.
B. Ứng dụng công nghệ tiết kiệm nguyên liệu và nhiên liệu.
C. Cải tạo, tu bổ hạ tầng vận tải và phát triển du lịch xanh.
D. Tạo ra các sản phẩm chất lượng, hạn chế xâm nhập mặn.
Đáp án đúng là: A
Trong sản xuất nông nghiệp: thay đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi; nghiên cứu các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu; nâng cấp hệ thống thuỷ lợi để cung cấp nước vào mùa khô, hạn chế tác động của xâm nhập mặn,...
Câu 12. Trong dịch vụ, giải pháp nào sau đây được sử dụng để thích ứng với biến đổi khí hậu?
A. Ứng dụng công nghệ tiết kiệm nguyên liệu và nhiên liệu.
B. Thay đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và phát triển thủy lợi.
C. Cải tạo, tu bổ hạ tầng vận tải và phát triển du lịch xanh.
D. Tạo ra các sản phẩm chất lượng, hạn chế xâm nhập mặn.
Đáp án đúng là: C
Trong dịch vụ: cải tạo, tu bổ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông; nghiên cứu tạo ra các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với biến đổi khí hậu ở địa phương,...
Câu 13. Giải pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu là
A. khai thác hợp lí và bảo vệ tự nhiên.
B. bảo vệ và chống nắng cho vật nuôi.
C. tăng cường trồng và bảo vệ rừng.
D. xây dựng kè biển, kênh thoát nước.
Đáp án đúng là: A
Một số giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu là
- Kiểm soát và giảm thiểu lượng khí thải nhà kính từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt.
- Khai thác hợp lí và bảo vệ tự nhiên.
- Sử dụng tiết kiệm năng lượng và nguồn năng lượng tái tạo.
Câu 14. Giải pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu không phải là
A. khai thác hợp lí và bảo vệ tự nhiên.
B. sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng.
C. giảm thiểu lượng khí thải nhà kính.
D. bảo vệ và chống nắng cho cây trồng.
Đáp án đúng là: D
Một số giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu là
- Kiểm soát và giảm thiểu lượng khí thải nhà kính từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt.
- Khai thác hợp lí và bảo vệ tự nhiên.
- Sử dụng tiết kiệm năng lượng và nguồn năng lượng tái tạo.
Câu 15. Đối với thủy văn, biến đổi khí hậu tác động nhiều nhất đến
A. lưu lượng nước và chế độ nước sông.
B. chế độ nước sông và lưu vực sông.
C. lưu vực sông và hướng chảy của sông.
D. độ dốc lòng sông và lưu lượng nước.
Đáp án đúng là: A
Biến đổi khí hậu có tác động lớn đến thuỷ văn nước ta, đặc biệt tới lưu lượng nước và chế độ nước sông.
Phần 2. Lý thuyết Địa lí 8 Bài 9: Tác động của biến đổi khí hậu đối với khí hậu và thủy văn Việt Nam
I. Tác động của biến đổi khí hậu với khí hậu và thuỷ văn
1. Đối với khí hậu
- Thay đổi về nhiệt độ:
+ Nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng trên phạm vi cả nước, với mức tăng trung bình toàn Việt Nam là 0,890C trong thời kì từ 1958 - 2018.
+ Số ngày nắng nóng có xu thế tăng từ 3-5 ngày/ thập kỉ trên phạm vi cả nước. Nhiều kỉ lục cao của nhiệt độ được ghi nhận trong những năm gần đây.
- Thay đổi về lượng mưa:
+ Lượng mưa trung bình năm của cả nước có nhiều biến động.
+ Thời gian mùa mưa và mùa khô cũng có sự thay đổi so với trung bình nhiều năm, các đợt mưa lớn xảy ra bất thường hơn về tần suất và cường độ.
- Gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất:
+ Số cơn bão có xu hướng tăng, diễn biến bất thường về thời gian, tần suất và phạm vi hoạt động.
+ Hạn hán, lũ lụt xuất hiện nhiều và khắc nghiệt hơn.
+ Rét đậm, rét hại xuất hiện thường xuyên hơn.
2. Đối với thủy văn
- Tác động đến sông ngòi: Biến đổi khí hậu đã tác động đến thuỷ chế của sông ngòi, làm chế độ nước sông thay đổi thất thường.
+ Vào mùa lũ, lượng nước tăng nhanh ở các dòng sông, gây sạt lở lớn hai bên bờ sông và ngập úng trên diện rộng.
+ Vào mùa cạn, lượng nước ở hầu hết các hệ thống sông nước ta giảm từ 3 - 10%, mực nước sông giảm mạnh, gây xâm nhập mặn sâu và thời gian kéo dài.
- Tác động tới hồ, đầm và nước ngầm: sự gia tăng của số ngày hạn hán đã làm cho mực nước của các hồ đầm xuống thấp, mực nước ngầm cũng hạ thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm.
II. Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
1. Giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu
- Khái niệm: Giảm nhẹ biến đổi khí hậu là các hoạt động nhằm giảm mức độ hoặc cường độ phát thải khí nhà kính.
- Giải pháp cụ thể:
+ Kiểm soát và giảm thiểu lượng khí thải nhà kính từ các hoạt động sản xuất và sinh hoạt.
+ Khai thác hợp lí và bảo vệ tự nhiên.
+ Sử dụng tiết kiệm năng lượng và nguồn năng lượng tái tạo.
2. Giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu
- Khái niệm: Thích ứng với biến đổi khí hậu là sự điều chỉnh các hệ thống tự nhiên và con người để phù hợp với môi trường mới hoặc môi trường bị thay đổi, để ứng phó với tác động thực tại hoặc tương lai của khí hậu, do đó làm giảm tác hại hoặc tận dụng những mặt có lợi.
- Giải pháp cụ thể:
+ Nhiệt độ tăng: bảo vệ, chống nắng cho người và vật nuôi....
+ Biến động thất thường lượng mưa: quản lí hiệu quả nguồn tài nguyên nước,...
+ Mực nước biển dâng: bảo vệ, trồng rừng, chuyển đổi tập quán canh tác,...
+ Từng lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải, y tế,...
+ Ngắn hạn: sử dụng tối đa nguồn lực sẵn có ứng phó biến đổi khí hậu.
+ Dài hạn: phát triển nguồn lực mới để ứng phó lâu dài với biến đổi khí hậu.
+ Địa phương: trồng cây phù hợp, nâng cao nhận thức người dân về biến đổi khí hậu,...
+ Quốc gia: xây dựng kè biển, kênh mương để hạn chế xâm nhập mặn và thoát lũ,..
3. Những hành động học sinh có thể làm để ứng phó với biến đổi khí hậu
- Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng.
- Sử dụng điều hoà ở mức nhiệt độ hợp lí, tiết kiệm điện.
- Tăng cường sử dụng phương tiện công cộng.
- Sử dụng nước tiết kiệm.
- Hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni lông.
- Bảo vệ cây xanh và các việc làm khác góp phần bảo vệ môi trường.
Xem thêm các bộ Trắc nghiệm Địa lí 8 (Chân trời sáng tạo) hay, có đáp án chi tiết:
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.