TOP 9 mẫu Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (2024) HAY NHẤT

Toptailieu.vn xin giới thiệu TOP 9 mẫu Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (2024) sách Cánh diều hay nhất, chọn lọc giúp học sinh lớp 8 viết các bài tập làm văn hay hơn. Mời các bạn đón xem:

Đề bài: Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội 

TOP 9 mẫu Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (2024) HAY NHẤT

Dàn ý Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội

1. Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tầm quan trọng của động cơ học tập.

- Nêu ý nghĩa, sự cần thiết của vấn đề.

2. Thân bài:

- Luận điểm 1: Giải thích động cơ học tập là gì?

- Luận điểm 2: Nêu ý nghĩa của việc học tập có động cơ.

- Luận điểm 3: Động cơ học tập của học sinh ngày nay.

- Luận điểm 4: Đề ra một số giải pháp để người học rèn luyện và bồi dưỡng động cơ học tập cho bản thân.

-> Bài viết cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

3. Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề nghị luận.

- Liên hệ bản thân.

Xã hội hóa trong phát triển du lịch ở Thái Bình

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 1)

Động cơ học tập không chỉ thể hiện thái độ ở người học mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả, thành tích. Để có thể rèn luyện và phát triển cho bản thân những động cơ trong quá trình học, mỗi người chúng ta cần phải làm gì?

Ngày nay, "động cơ học tập" không còn là khái niệm mới mẻ. Nhiều bạn học sinh thường chia sẻ rằng bản thân có động lực học là nhờ vào ước mơ công việc, . Như vậy, hiểu một cách đơn giản thì động cơ học tập chính là động lực học tập. Các yếu tố này được thúc đẩy và duy trì bởi một mục đích nào đó. Theo cách hiểu sâu rộng hơn, động cơ học tập sẽ sản sinh ra các hành vi, nhằm kích thích người học hướng tới kết quả hoặc nhu cầu nào đó.

Có thể nói, động cơ học mang vai trò hết sức quan trọng. Nó giúp mỗi cá nhân xác định rõ ràng phương hướng, mục tiêu học đúng đắn, từ đó dễ dàng đi đến ước mơ đã đề ra. Có động lực, người học trở nên chủ động trong việc tiếp cận và lĩnh hội tri thức. Từ đây, họ ngày càng hăng say tìm hiểu, khám phá chân trời tri thức với tinh thần thoải mái, tự nguyện. Ngoài ra, động cơ học còn thúc đẩy mỗi người chăm chỉ rèn luyện để đạt được kết quả tốt nhất. Chúng ta từng thấy được rất nhiều tấm gương về việc có ý chí học tập. Khi đất nước bị kìm kẹp trong ách nô lệ của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng. Sống ở nơi đất khách quê người nhiều khó khăn, vất vả, Người vẫn cần mẫn vừa học vừa làm. Cuối cùng, Người đã xác định được con đường đúng đắn cho cách mạng, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945. Hay đó còn là rất nhiều bạn trẻ với lí tưởng cao đẹp đang siêng năng học hành nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh. Từng ngày từng giờ, họ ra sức trau dồi, tích lũy bài vở. Họ luôn sẵn sàng hành động để vươn tới hoài bão, ước mơ của bản thân.

Tuy động cơ học tập có quan trọng như vậy nhưng hiện nay, một số người không nhận ra được ý nghĩa to lớn đó. Vài bạn đi học trong tâm thế thụ động, bắt ép. Họ không thể tự xác định cho bản thân mục đích, phương hướng phù hợp. Số khác lại ở trạng thái mơ hồ, hời hợt, không có chí tiến thủ chỉ vì học cho mong ước của người khác. Những trường hợp trên đây xảy ra bởi rất nhiều nguyên nhân. Có thể là vì người học không tự xác định được mục tiêu học nên dễ chán nản, dễ bỏ cuộc. Hoặc tình trạng phụ huynh bắt ép con cái học theo ý của chính họ cũng là một nguyên do.

Không ai có thể học hộ, học giúp người khác. Vì thế, mỗi người cần rèn luyện, bồi dưỡng động lực học tập phù hợp cho chính mình. Để làm được điều đó, trước hết, chúng ta cần xác định rõ phương hướng "đường đi, nước bước" trên hành trình tích lũy tri thức nhân loại. Tiếp đến, trong quá trình học, nếu gặp khó khăn, thử thách, chúng ta không vội nản chí mà bỏ cuộc. Hãy suy nghĩ, tìm ra vấn đề và tự giải quyết chúng. Đặc biệt, chúng ta phải biết kiên định với lập trường ban đầu, không để các yếu tố bên ngoài tác động mà lung lay ý chí, quyết tâm ở bản thân.

Như vậy, động cơ học tập có sức mạnh nội tại mạnh mẽ, vừa kích thích tinh thần ham học, vừa duy trì hứng thú mở rộng kho báu kiến thức. Bởi vậy, mỗi người hãy tự đề ra những động lực đúng đắn, xây dựng kế hoạch cụ thể để dễ dàng đạt được kết quả mình mong muốn.

Xã hội hóa là gì, thay đổi của xã hội hóa là gì?

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 2)

Ngày nay, công nghệ thông tin là lĩnh vực phát triển thần tốc. Chúng ta dễ dàng sở hữu các sản phẩm như: điện thoại, laptop, máy tính bảng,... Những thiết bị điện tử thông minh này đã mang đến rất nhiều biến chuyển trong cuộc sống, cụ thể là việc con người ứng xử, giao tiếp qua không gian mạng.

Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật với hàng loạt phát minh vĩ đại đã đưa nhân loại bước tới kỉ nguyên mới "internet of things". Mọi thứ đều được mạng internet kết nối và truyền tải. Vậy, các bạn hiểu như thế nào là "ứng xử trên không gian mạng"? Trước hết, chúng ta cần phải giải nghĩa ứng xử là gì. Ứng xử là việc con người trao đổi, tương tác với nhau trong cuộc sống. Như vậy, ứng xử trên không gian mạng có sự thay đổi môi trường giao tiếp. Thay vì trò chuyện trực tiếp "mặt đối mặt" thông thường, chúng ta có thể liên lạc, nói chuyện thông qua internet. Ngoài ra, việc bày tỏ thái độ, suy nghĩ của mình trước các luồng tin, sự việc được đăng tải trên internet cũng là một phần nhỏ trong ứng xử trên mạng.

Quay trở về thế kỉ XX, báo giấy là phương tiện cập nhật và lan truyền tin tức hiệu quả nhất. Tuy nhiên, thời thế đổi thay, hiện nay, con người thường tiếp nhận thông tin từ mạng Internet. Nơi này không chỉ cung cấp nguồn tin mà còn gắn kết tất cả gần nhau. Chỉ cần một click chuột hay một cái chạm nhẹ, chúng ta dễ dàng trò chuyện, trao đổi vấn đề nào đó. Đặc biệt, cuộc sống xô bồ, bon chen làm con người trở nên bận rộn. Họ cảm thấy tương tác, giao tiếp trên mạng xã hội là phương thức đơn giản và thuận tiện nhất. Không cần ra ngoài gặp mặt, chẳng phải bon chen đông đúc, sẵn chiếc điện thoại thông minh trên tay, họ vẫn biết đến mọi chuyện bên ngoài xã hội. Việc liên lạc với người thân, bạn bè được tiến hành thông qua ứng dụng nhắn tin như: Zalo, Skype,... Từ đây, Internet giống như không gian sống thứ hai của con người với sự tham gia đông đảo ở nhiều độ tuổi. Ngày ngày, các sự kiện xảy ra trong đời sống sẽ được đăng tải lên mạng xã hội, tạo thành chủ đề bàn tán.

Rất nhiều bài viết gắn mác "hot", mang tính giật gân thu hút hàng trăm, hàng nghìn lượt xem, chia sẻ và bình luận. Các cư dân trong không gian mạng từ xa lạ đến thân quen đều hào hứng bàn tán, bày tỏ suy nghĩ. Tuy nhiên, "chín người mười ý", mỗi người đều có cái nhìn, cách đánh giá hoàn toàn khác nhau. Chính bởi vậy, trong quá trình tranh luận, một vài người bất đồng quan điểm thường buông lời xúc phạm, chửi rủa bằng ngôn từ tục tĩu, thiếu văn minh. Họ sẵn sàng "cào bàn phím", viết ra những lời lẽ thô thiển nhằm mục đích thắng được đối phương. Số khác thì lan truyền các thông tin, sự kiện không đúng sự thật để câu view, câu like. Điều này vừa gây hoang mang dư luận, vừa làm ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người khác. Hay với các vụ việc nóng hổi, họ còn lợi dụng sức nóng rồi lôi kéo, kích động người khác công kích, tấn công cá nhân hay tổ chức nào đó.

Có nhiều nguyên nhân gây nên những hành vi tiêu cực trên đây. Trước hết, ta phải nói đến cái tôi quá cao của một số người. Khi tham gia thảo luận, các cá nhân ấy luôn cho rằng mình đúng, không chịu lắng nghe, thấu hiểu người khác mà thường bảo thủ và cố chấp. Lúc nào họ cũng tỏ vẻ "ánh mắt cao hơn cái đầu", thượng đẳng, hống hách, chẳng coi ai ra gì. Tiếp đến, việc ứng xử yếu kém trên mạng còn bắt nguồn từ các trường hợp không tỉnh táo khi phân biệt tin thật, giả. Họ dễ dàng bị người khác lôi kéo, lợi dụng làm việc xấu. Như vậy, tất cả nguyên do đều bắt nguồn từ chính chúng ta - những người đang và sẽ tiếp tục sử dụng mạng xã hội, Internet.

Để không gian mạng trở nên "trong lành", thân thiện, mỗi người cần tự ý thức được lời lẽ, phát ngôn của mình. Đứng trước vấn đề nào đó, thay vì kích động, chúng ta nên có cái nhìn tường tận, suy nghĩ cẩn thận. Khi tham gia thảo luận, chúng ta hãy bày tỏ quan điểm bằng sự thiện chí và dựa trên cơ sở tôn trọng người khác. Mỗi người nên học cách sử dụng Internet, mạng xã hội sao cho thông minh, tỉnh táo. Đừng để bản thân trở thành những "con rối" bị kẻ khác giật dây, điều khiển.

Ứng xử trên không gian mạng giống như sợi dây vô hình, kết nối con người với nhau gần hơn. Bởi vậy, để nơi đây mãi văn minh, thân thiện, tất cả phải cùng chung tay giữ gìn các giá trị tốt đẹp, loại bỏ và khai trừ những hành xử yếu kém, lệch lạc.

Chia sẻ hình ảnh có trách nhiệm trên mạng xã hội - Báo Cần Thơ Online

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 3)

Nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King, Jr. đã từng nói "Ai cũng phải quyết định mình sẽ bước dưới ánh sáng của lòng vị tha sáng tạo, hay trong bóng tối của tính ích kỷ hủy diệt.". Từ câu nói trên, chúng ta không thể phủ nhận ý nghĩa và sức mạnh to lớn của lòng vị tha.

Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của phẩm chất tốt đẹp này, trước hết, chúng ta cần giải thích định nghĩa lòng vị tha. Vị tha là biết quan tâm, chia sẻ tới những người xung quanh. Người có lòng vị tha sẽ không sống ích kỷ, hẹp hòi, chỉ nghĩ cho bản thân. Có thể nói, lòng vị tha là đức tính quý giá mà mỗi người cần bồi dưỡng và rèn luyện.

Trong mối quan hệ với người thân hay bạn bè, người sống vị tha luôn tỏ ra thân thiện, hòa nhã. Họ biết đặt mình vào vị trí của người khác để cảm thông, thấu hiểu hơn nữa. Họ dễ dàng tha thứ những lỗi lầm mà không bắt bẻ hay gây khó dễ với mọi người. Trong cuộc sống và công việc hàng ngày, người có lòng vị tha sẽ luôn đề cao tinh thần làm việc tập thể. Thay vì nghĩ tới lợi ích bản thân, họ sẽ cố gắng thực hiện mục tiêu, công việc chung. Người có lòng vị tha cũng không bới móc, "vạch lá tìm sâu" các sai sót, khuyết điểm của một cá nhân. Khi thấy đối phương gặp khó khăn, họ chủ động thăm hỏi, đưa ra lời khuyên và sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ.

Nhờ có tấm lòng vị tha, chúng ta sống yêu thương, quan tâm và san sẻ, biết cho đi nhiều hơn. Không còn là sự vị kỉ cá nhân, con người trở nên nhân ái "thương người như thể thương thân". Từ đây, chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn về nhân phẩm, tính cách. Lựa chọn sống vị tha giúp mỗi người hạnh phúc, an yên trong tâm hồn. Khi tất cả đều có cái nhìn và suy nghĩ tích cực, xã hội sẽ thêm văn minh, tốt đẹp. Không chỉ vậy, lòng vị tha còn có thể cảm hóa những người quanh ta, giúp họ tìm được niềm tin vào bản thân và cuộc sống.

Từ xa xưa, cha ông ta đã nhắn nhủ rằng:

"Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"

Lời dạy ấy vẫn vẹn nguyên ý nghĩa đến muôn đời muôn kiếp, là kim chỉ nam hướng tới lối sống nhân hậu, nhân ái. Thấm nhuần tư tưởng ấy, chúng ta đã biết trao gửi yêu thương bằng tấm lòng chân thành và tinh thần tự nguyện. Cụ thể, khi đại dịch Covid - 19 bùng phát, các y bác sĩ cùng lực lượng chống dịch như: công an, bộ đội,... ở rất nhiều nơi trên cả nước đã không quản gian khổ, khó khăn mà tiến vào tâm dịch. Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương luôn vị tha, yêu thương thì vẫn còn đó một vài người sống ích kỉ. Họ dửng dưng, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Họ chỉ biết nghĩ phần hơn về mình, bất chấp thủ đoạn nhằm mưu cầu lợi ích. Gần đây, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng có đề cập tới việc lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi cho bản thân. Hay đó còn là hình ảnh rất nhiều nhà thuốc cố tình nâng giá khẩu trang trong mùa dịch. Những hành vi sai trái, "táng tận lương tâm" này cần nhanh chóng gạt bỏ để cuộc sống trở nên tốt đẹp và hạnh phúc.

Như Martin Luther King Jr. khẳng định, lòng vị tha sẽ mang tới ánh sáng cho nhân loại, soi đường chỉ lối để chúng ta không bước vào vòng xoáy ích kỉ. Mong rằng, mỗi người sẽ biết sống chân thành, bao chung, san sẻ nhiều hơn nữa.

Phân tầng xã hội ở Việt Nam qua các thời kỳ

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 4)

Trong thời đại hội nhập toàn cầu, các quốc gia và vùng lãnh thổ đang tăng cường giao lưu, trao đổi trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, nghệ thuật, lịch sử,... Điều này dẫn đến sự sản sinh các trào lưu, "hot trend" được vô vàn người hưởng ứng. Đây chính là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới thị hiếu của thanh nhiên ngày nay.

Vậy, như thế nào là thị hiếu? Khi chúng ta chiết tự tiếng "thị", "hiếu" thì cả hai đều có nghĩa tương tự nhau, chỉ "thích, ham, ưa thích". Như vậy, "thị hiếu" - một từ chỉ sự ham thích, thích thú trước một thứ, một việc gì đó. Từ đây, con người không chỉ thưởng thức mà còn áp dụng các điều ấy vào chính cuộc sống hàng ngày.

Các thiết bị điện tử thông minh ra đời đã mang đến những bước chuyển mới trong đời sống nhân loại. Đâu đâu, ta cũng bắt gặp Internet tốc độ cao, phủ sóng khắp mọi nơi. Nhờ đó, con người dễ dàng tiếp cận với nhiều thị hiếu khác nhau. Nếu các bậc phụ huynh có xu hướng tìm về giá trị xưa cũ thì thế hệ thanh niên, lớp trẻ lại lựa chọn sự năng động, hiện đại. Thị hiếu của thanh niên được thể hiện qua nhiều phương diện: thời trang, nghệ thuật,... Họ có thể tiếp thu và nắm bắt trào lưu thịnh hành hay các cơn sốt gây bão cộng đồng mạng. Tuy nhiên, chính bởi sự mơ hồ trong nhận thức đã dẫn đến một vài hành vi tiêu cực. Đó là việc vài bạn trẻ ăn mặc lập dị theo kiểu "thiếu vải", tạo nên sự phản cảm. Có người thì lại phát ngôn gây sốc, mang tính xúc phạm, nhằm câu view, câu like. Trong bối cảnh hội nhập, giao lưu, một số thanh niên thường "sính ngoại", đề cao phong tục, tập quán của dân tộc khác. Họ sẵn sàng chê bai, chối bỏ văn hóa nước nhà. Bên cạnh những người có thị hiếu lệch lạc như vậy, vẫn còn nhiều bạn trẻ tiếp nhận trào lưu, sản phẩm văn hóa một cách tích cực. Các bạn đó luôn biết dung hòa mọi giá trị, biết lựa chọn điều phù hợp với bản thân, xã hội. Ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những tập thể, cá nhân đang ra sức khôi phục lại trang phục cổ của nước nhà từ thời Lí, Trần, Hậu Lê và Nguyễn. Hay còn là một số người ngày ngày giữ gìn và kế thừa, khôi phục truyền thống, văn hóa dân gian.

Nguyên nhân của việc lan truyền, tiếp thu các thị hiếu mang tính tiêu cực đến từ chính con người. Trước hết là do các bạn trẻ thiếu hiểu biết, dẫn đến có cái nhìn lệch lạc và quan điểm sai lầm. Một vài cá nhân thì dễ bị kích thích, cuốn vào thú vui mới mẻ nhưng chưa trang bị đầy đủ kiến thức. Số khác thích "a-dua" theo trào lưu, theo "mốt" nhưng không chịu tìm tòi kĩ càng.

Có thể nói, các trào lưu độc hại ngày càng gia tăng sẽ làm xã hội văn minh tồn tại nhiều giá trị thẩm mĩ, văn hóa "rác". Từ đây, con người dễ bị bóp méo về tư tưởng, đạo đức, lệch lạc trong tam quan. Không chỉ vậy, khi thanh niên tiếp tục xu hướng "sính ngoại", đất nước có nguy cơ đánh mất những bản sắc tốt đẹp, hòa nhập trở thành "hòa tan".

Như vậy, chúng ta cần tự ý thức trong lựa chọn và tiếp nhận các giá trị văn hóa, thẩm mỹ. Cái gì tốt đẹp, văn mình thì hãy niềm nở đón nhận, điều gì lệch lạc, phản cảm thì phải lên án, gạt bỏ. Ngoài ra, các đơn vị truyền thông, các nhà quản lý nên tổ chức giao lưu văn hóa nghệ thuật, chuyên đề tìm hiểu lịch sử, văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Đặc biệt, những người làm giáo dục cần phối hợp với gia đình để có định hướng đúng đắn về thị hiếu cho học sinh.

Thị hiếu của thanh niên vẫn đang tác động rất nhiều tới đời sống xã hội. Do đó, chúng ta - thế hệ trẻ mà đất nước kì vọng cần chăm chỉ học tập, tu dưỡng đạo đức, biết lựa chọn và tiếp thu những giá trị tốt đẹp, văn minh.

Xã hội số, công dân số, văn hóa số là gì?

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 5)

Mỗi người chúng ta sinh ra không có ai hoàn hảo cả, mỗi người có những thế mạnh, những mặt tốt và cả những thói quen xấu. Và những thói hư, tật xấu luôn có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của mỗi người. Bàn về những thói quen xấu của con người có ý kiến cho rằng "Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính".

Câu nói "Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính" đã gợi lên trong chúng ta nhiều suy nghĩ và bài học có ý nghĩa sâu sắc. Vậy ý kiến muốn nói với chúng ta điều gì? Như chúng ta đã biết, "người khách qua đường" là những người đến rồi sẽ đi, họ không ở lại lâu và không có quan hệ thân thiết, sâu đậm. Còn "người bạn thân ở chung nhà" là người có quan hệ gần gũi, thân thiết, không thể rời xa, nếu rời xa sẽ cảm thấy nhớ nhung và "ông chủ nhà khó tính" là người có thể sai khiến, hành hạ ta làm theo những việc mà họ muốn. Với cách nói hình ảnh cùng cấp độ tăng tiến, câu nói đã cho chúng ta thấy quá trình hình thành và phát triển của một thói quen xấu, từ một người khách qua đường đến người bạn thân và cuối cùng là ông chủ nhà khó tính. Đồng thời, ẩn sau việc thể hiện quá trình này, câu nói cũng gợi lên trong chúng ta nhiều bài học có giá trị và ý nghĩa sâu sắc về quá trình rèn luyện, tránh xa dần những thói hư, tật xấu.

Những thói hư, tật xấu luôn xuất hiện trong cuộc sống của mỗi người rất đỗi nhẹ nhàng, tự nhiên và nhiều lúc chúng ta chẳng thể ngờ đến được. Đó có thể là một lần nóng giận buột miệng chửi thề, một lần nói dối người khác, một lần đánh bài, thử vận may với trò chơi đen đỏ, một lần quay cóp trong giờ thi,... Tất cả những điều đó đều đến với ta rất lặng lẽ nhưng nếu bản thân chúng ta không biết rèn luyện và thay đổi thì dần dần nó sẽ trở thành thói quen không thể nào xóa đi được nữa. Chúng ta hoàn toàn không thể tách nó ra khỏi cuộc sống của mình, trong mỗi việc làm, hành động của ta luôn có sự hiện hữu của nó. Và rồi thời gian qua đi, nó sẽ biến chúng ta trở thành những người chuyên nói tục chửi bậy, một con sâu rượu, một người luôn đắm chìm trong thế giới đỏ đen,... Nhưng có lẽ không dừng lại ở đó, những thói hư tật xấu nếu lâu ngày chúng ta không thể tự bỏ thì sẽ trở thành thứ chi phối đời sống của con người, con người phải sống dựa trên những ham muốn của những thói hư tật xấu ấy. Con người buộc phải bất chấp tất cả mọi thứ, thậm chí cả những hành động gian ác, tàn bạo nhằm thỏa mãn những thói xấu ấy của mình. Chỉ vì cơn thèm rượu, thèm thuốc, chỉ vì thua lô đề mà con người ta sẵn sàng bán nhà, trộm cắp và thậm chí là giết người để có tiền thỏa mãn cơn thèm khát ấy của mình. Như vậy, những thói quen xấu dẫu lúc đầu đến rất lặng lẽ, tự nhiên và nhẹ nhàng nhưng nếu chúng ta không có ý thức tự rèn luyện bản thân để loại bỏ dần chúng thì sẽ để lại rất nhiều hậu quả đáng buồn.

Có thể thấy những thói hư tật xấu có sức ảnh hưởng to lớn đối với cuộc sống của mỗi người và để lại nhiều hậu quả về sau nếu bản thân mỗi người không có chính kiến, không nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để vượt qua những thói xấu ấy. Những thói hư, tật xấu rất dễ lây lan trong cuộc sống, nó dễ dàng lấy đi của chúng ta tất cả mọi thứ từ của cải, vật chất đến những người thân và cả những giá trị của bản thân mình. Có nhiều người dẫu biết mình phạm phải sai lầm nhưng không dễ dàng gì để có thể vượt qua, thoát khỏi những cám dỗ của thói xấu. Có biết bao câu chuyện đáng buồn, đau thương đã xảy ra chỉ vì những thói xấu từ thuở ban đầu.

Như vậy, câu nói trên là hoàn toàn đúng đắn và có ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi người. Câu nói cho chúng ta thấy những thói hư, tật xấu luôn có quá trình ảnh hưởng to lớn và nhanh chóng đối với tất cả chúng ta. Trong cuộc sống hằng ngày, có biết bao người trước những thói hư, tật xấu không biết tự rèn luyện, phấn đấu để rồi ngày càng mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Thật đáng buồn, đáng chê trách biết bao trước những người như thế. Tuy nhiên, cũng có những người khi biết mình đã sai đã không ngừng cố gắng, rèn luyện để tránh xa nó và sống ngày càng tốt hơn. Những con người như thế thật đáng để chúng ta học tập và noi theo. Đồng thời, câu nói ấy cũng giúp chúng ta rút ra nhiều bài học quý giá cho bản thân. Mỗi người, đặc biệt là chúng ta - những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cần không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện để tránh xa những thói hư, tật xấu cho dù là nhỏ nhất. Thêm vào đó, nếu đã trót mắc phải những thói xấu thì cần cố gắng, nỗ lực hết mình để tránh xa nó và rèn luyện bản thân mình trở nên tốt hơn.

Tóm lại, câu nói "Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính" là một câu nói hoàn toàn đúng đắn và có ý nghĩa sâu sắc đối với mọi người.

Dư luận xã hội là gì? Ý nghĩa và vai trò của dư luận xã hội?

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 6)

Trong cuộc sống hằng ngày, ai cũng biết rằng tuổi trẻ là một thành phần, yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai đất nước, vì thế mà Bác đã căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước đến đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các em”. Chúng ta cùng tìm hiểu vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ ngay nay với tương lai đất nước dân tộc.

Tuổi trẻ là những công dân ở lứa thành niên, thanh niên… là thế hệ măng đã sắp thành tre, là người đã đủ điều kiện, đủ ý thức để nhận biết vai trò của mình đối với bản thân, xã hội. Tuổi trẻ của mỗi thời đại là niềm tự hào dân tộc, là lớp người tiên phong trong công cuộc xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước.

Tương lai đất nước là vận mệnh, là số phận của đất nước mà mỗi công dân sẽ góp phần xây dựng, phát triển, trong đó quan trọng nhất là thế hệ trẻ.

Thế kỉ 21, thế kỉ của sự phát triển, không ngừng nâng cao trình độ văn hoá kinh tế, đất nước. Để có thể bắt kịp đà phát triển của những nước lớn mạnh thì đòi hỏi sự chung sức đồng lòng của tất cả mọi người mà lực lượng chủ yếu là tuổi trẻ. Bởi đó là lực lượng nòng cốt, là chủ nhân tương lai, là nhân vật chính góp phần tạo nên cái thế, cái dáng đứng cho non sông Tổ quốc.

Tuổi trẻ hôm nay là tôi, là bạn, là những anh chị đang có mặt trên giảng đường đại học, đang hoạt động bằng cả tâm huyết để cống hiến sức trẻ với những đam mê cùng lòng nhiệt tình bốc lửa. Tuổi trẻ tốt thì xã hội tốt, còn xã hội tốt sẽ tạo điều kiện cho tầng lớp trẻ phát triển toàn diện, sinh ra những người con có ích cho đất nước, đó là điều tất yếu, hiển nhiên mà ai cũng biết.

Mỗi người chúng ta cũng đi qua thời tuổi trẻ – tuổi của sức mạnh phi thường, của cái tuổi không chịu khuất phục trước khó khăn và sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn. Sức mạnh vô song của tuổi trẻ “sông kia phải chuyển, núi kia phải dời”. Chúng ta chỉ có một lần trong đời là tuổi trẻ vì vậy cần phải nắm bắt, cần đóng góp sức lực cho đất nước.

Việc xây dựng đất nước là trách nhiệm của mọi người, mọi công dân chứ không phải của riêng ai. Nhưng với số lượng đông đảo hàng chục triệu người thì lẽ nào tuổi trẻ lại không thể xây dựng đất nước. Chẳng lẽ chúng ta để cho những cụ già đi khuân vác, lao động nặng, những phụ nữ phải ngày đêm làm việc trong các nhà xưởng đầy khói bụi, những trẻ em phải phụ giúp gia đình ngay còn nhỏ mà “quên” đi việc học hành, lúc đó chúng ta sẽ “làm” gì? Chẳng lẽ ngồi không như một “người bị liệt”. Vì vậy chúng ta phải cố gắng xây dựng đất nước như lời dặn của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, thì Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Sinh ra ở đời ai cũng khao khát được sống hạnh phúc, sung sướng. Mỗi người luôn tìm cho mình một lẽ sống hay nói đúng hơn là lý tưởng sống. Là chủ nhân tương lai thì chúng ta phải xác định cho mình lý tưởng sống phù hợp, đúng đắn. Trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá như hiện nay thì tuổi trẻ chúng ta lại đứng trước một câu hỏi lớn: “Sống như thế nào là đúng đắn là có ích cho xã hội?”. Vì lý tưởng sống của chúng ta là động lực thúc đẩy đất nước phát triển.

Và thời nào cũng vậy, thế hệ trẻ luôn là lực lượng tiên phong, xông pha vào những nơi gian khổ mà không ngại khó. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong thời kì kháng chiến. Những người con đất nước như: Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám… đã hiến dâng cả tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc. Đây là những thanh niên của hơn 40 năm trước còn lớp thanh niên ngày nay thì sao?

Vâng. Cách bạn ạ! Chúng ta nên biết một điều: những thế hệ trước đã dâng hiến xương máu để ngày sau độc lập thì chúng ta phải biết “cùng nhau giữ nước” và nối tiếp, kế thừa truyền thống cao đẹp đó. Và một điều quan trọng là các bạn đừng nghĩ đó là nghĩa vụ để rồi miễn cưỡng thực hiện. Chúng ta phải hiểu rằng: được sinh ra là một hạnh phúc và sống tự do, no đủ là một món quà quý báu, vô giá mà quê hương xã hội đã ban tặng. Hạnh phúc không tự nhiên mà có mà đó xương máu, tâm huyết của biết bao người con của đất nước. Mỗi thời đại, mỗi hoàn cảnh lịch sử mà thanh niên nuôi dưỡng những ước vọng, suy nghĩ riêng. Chúng ta không được bác bỏ, phủ nhận quá khứ hay công sức của những anh hùng dân tộc. Đơn giản là vì mỗi thế hệ đều có sứ mệnh riêng, nhận thức riêng mà chúng ta không nên so bì, tính toán. Vì vậy: “Không có chuyện lớp trẻ ngày nay quay lưng với quá khứ” (như tổng bí thư Đỗ Mười nói).

Nhưng tuổi trẻ chúng ta có điều kiện gì để xây dựng đất nước? Vâng, đó chính là học tập. Nói đến tuổi trẻ hôm nay là nói đến việc học hành… Trong cuộc sống ta gặp không ít trường hợp xem việc học là việc khổ sai chỉ do cha mẹ, thầy cô thúc ép, chứ không ham học. Họ xem đi học như một hình thức giải khuây cho vui nên không cần học tập, coi học tập là một nỗi nhọc nhằn. Có người lại coi việc học là để ứng phó với đời, để không xấu hổ với mọi người, để có “bằng cấp” mà hãnh diện với đời, dù đó chỉ là “hàng giả” mà thực lực không làm được. Chúng chẳng những không đưa nước ta “sánh kịp với cường quốc năm châu” mà còn đưa nước ta về lạc hậu, lụi bại.

Cách duy nhất là phải học chân chính, học bằng khả năng của mình. Bước vào thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì ai nắm được tri thức thì mới có thể xây dựng đất nước, lèo lái chiếc thuyền số phận của non sông Tổ quốc. Và nhiệm vụ của chúng ta phải học, học nữa, học mãi. Nhà nước phải tạo mọi điều kiện để chúng ta dễ dàng tiếp cận tri thức thì tương lai dân tộc mới xán lạn, lấp lánh hào quang.

Tóm lại, tuổi trẻ là người sẽ quyết định tương lai đất nước sau này. Tuổi trẻ nước ta đầy rẫy nhân tài sẽ góp phần cho dáng hình xứ sở. Ngay từ hôm nay, tôi, bạn và tất cả mọi người phải cố gắng học tập để sau này có thể giúp nước ta tiến nhanh trên con đường xây dựng và phát triển nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống trình bày ý kiến phản  đối

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 7)

Cùng với quá trình hội nhập thế giới, sự giao thoa văn hóa xã hội đòi hỏi ngôn ngữ phải có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp mới. Từ khi nước ta bắt đầu hội nhập thì ngôn ngữ cũng dần dần xuất hiện những hiện tượng mới mẻ. Những từ ngữ mới, cách diễn đạt mới được hình thành để thêm vào những khái niệm, ngữ nghĩa mà trong vốn tiếng Việt trước đó còn thiếu vắng. Cùng với mặt tích cực ấy, mặt tiêu cực cũng biểu hiện với không ít các cách nói, cách viết “khác lạ” trong giới trẻ làm mất đi hoàn toàn bản sắc vốn có của tiếng Việt.

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người và xã hội loài người, đảm bảo một mặt truyền đạt và hiểu biết lẫn nhau của các thành viên xã hội. Ngôn ngữ không chỉ truyền đạt thông tin mà còn tác động đến nhân cách, hình thành nhân cách và biến đổi theo chiều hướng tốt hoặc xấu. Ngôn ngữ không chỉ là tấm gương phản chiếu thụ động đời sống xung quanh mà còn can thiệp vào bức tranh thế giới nhân cách, vào văn hóa ngôn ngữ của nó, đặt vào nó nhãn quan thế giới, chỉnh sửa, làm biến đổi nhân cách một cách hợp lý.

Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong giai đoạn hiện nay đã trở thành vấn đề cấp bách, cần sự chung tay của các lực lượng xã hội. Chủ thể của nhận thức và hành động, giới trẻ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần giữ gìn sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt trên cơ sở “kế thừa và phát huy truyền thống đi đôi với việc sáng tạo những giá trị mới phù hợp với tinh thần thời đại…”.

Làm sao để được mua nhà ở xã hội? - Tuổi Trẻ Online

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 8)

Trong xã hội hiện đại, khi mà chủ nghĩa cá nhân đang lên ngôi. Thì những vấn đề về sống có ý thức cộng đồng thực sự khiến mỗi người chúng ta phải suy nghĩ.

Trước hết, ý thức là một khái niệm khá trừu tượng và chỉ có ở con người. Hiểu một cách đơn giản, ý thức là sự nhận thức trực tiếp tức thời về hoạt động tâm lý của bản thân; sự nhận thức rõ ràng về việc mình đang làm, đang nghĩ. Có hai loại ý thức là ý thức cá nhân và ý thức cộng đồng. Ý thức cá nhân thiên về những suy nghĩ của riêng từng người, phân biệt giữa người này với người khác. Còn ý thức cộng đồng là phần nhận thức về các giá trị chung, theo chuẩn mực đạo đức, mà mọi người có trách nhiệm tuân thủ, hướng đến một xã hội văn minh tốt đẹp. Ý thức cộng đồng chính là thước đo đánh giá đạo đức, phẩm chất của một con người. Người có ý thức cộng đồng cao sẽ gây được thiện cảm cho những người xung quanh thông qua những hành động đẹp, từ đó có được lòng tin và niềm yêu thương của mọi người.

Vậy biểu hiện của một con người sống có ý thức cộng đồng là gì? Một người sống có ý thức cộng đồng trước hết phải thực hiện tốt những quy định chung của cộng đồng (cơ quan, tổ chức hay rộng hơn là cả một đất nước). Đồng thời luôn giữ được thái độ tôn trọng và yêu mến, đối xử bình đẳng với mọi người xung quanh. Cùng với đó là tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên. Sống trong một tập thể, mỗi người nên hạ thấp cái tôi cá nhân, hòa nhập với mọi người xung quanh bằng lòng chân thành và thấu hiểu. Nhưng không phải là không dám khẳng định chính kiến của bản thân. Hòa nhập nhưng vẫn giữ được bản sắc cá nhân.

Trong xã hội hiện đại, việc có ý thức cộng đồng sẽ thể hiện đạo đức của bạn. Đa số mọi người dân đều có ý thức cộng đồng, ví dụ như thực hiện đúng luật giao thông, vứt rác đúng nơi quy định, không gây mất trật tự nơi công cộng. Chưa bao giờ chúng ta hiểu rõ về ý thức cộng đồng như những ngày đất nước phải chiến đấu với đại dịch Covid – 19 vừa qua. Từ những người gian dối trong việc khai báo về bệnh dịch đến những người trốn cách ly. Từ những người lợi dụng sự hoang mang của người dân để tăng giá các mặt hàng nhu yếu phẩm đến những người tung tin giả về “giải cứu” sầu riêng, tôm hùm hay việc Hà Nội phun thuốc khử trùng từ trên cao. Hoặc trường hợp bệnh nhân số 17 đi qua ba nước Anh, Ý, Pháp nhưng khi nhập cảnh ở sân bay Nội Bài đã khai báo ý tế gian dối, để rồi kéo theo cả cộng đồng từ những lãnh đạo cấp cao đến người dân phải bước sang một giai đoạn mới. Mỗi ngày qua đi là những ca mắc mới liên tiếp. Tất cả những hành vi trên đều thể hiện sự thiếu ý thức cộng đồng của một số bộ phận người dân.

Đối với mỗi học sinh là thế hệ tương lai của đất nước, với trọng trách xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn thì cần phải có ý thức cộng đồng. Điều đó đến từ những hành động rất nhỏ như quyên góp ủng hộ người nghèo, giữ gìn vệ sinh trường lớp, giúp đỡ bạn bè trong học tập. Hay như trong giai đoạn được nghỉ học vì dịch bệnh, có nhiều em học sinh tuy còn nhỏ nhưng đã làm được những điều thật ý nghĩa. Câu chuyện về một em nhỏ cùng mẹ làm ra những chiếc bánh rồi đem bán. Toàn bộ số tiền đó, em đã mua khẩu trang ủng hộ cho các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dich. Những bức tranh vẽ của các em học sinh về những chiến sĩ công an bộ đội các y bác sĩ với như một lời tri ân. Chỉ với những hành động nhỏ nhưng cũng để lại ý nghĩa to lớn cho xã hội, giống như câu nói của Bác Hồ: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình ”.

Tóm lại, ý thức cộng đồng chỉ có được khi chúng ta chịu buông bỏ cái tôi của bản thân, hòa nhập với mọi người xung quanh bằng lòng nhiệt tình. Và nếu sống có ý thức cộng đồng, mỗi người sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Top 6 Bài soạn .

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (mẫu 9)

Từ xưa đến nay, chủ quyền dân tộc luôn là vấn đề “nóng” của thế giới. Đặc biệt với dân tộc Việt Nam đã từng gánh chịu hàng nghìn năm dưới ách cai trị của phong kiến phương Bắc hay thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thì vấn đề này lại càng trở nên quan trọng hơn.

Đầu tiên, chủ quyền dân tộc được hiểu là quyền làm chủ tuyệt đối của một quốc gia trên lãnh thổ của mình. Mỗi nước có toàn quyền quyết định mọi việc từ kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội mà các quốc gia khác không được xâm phạm lãnh thổ và can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Vì vậy, việc bảo vệ chủ quyền dân tộc là bảo vệ quyền làm chủ, quyền độc lập của dân tộc. Mỗi quốc gia có thể sử dụng toàn bộ lực lượng quân đội an ninh, sử dụng mọi biện pháp để chống lại mọi hành vi xâm phạm phá hoại chủ quyền quốc gia; từ đó giữ gìn toàn vẹn chủ quyền dân tộc đối với lãnh thổ quốc gia.

Khi bàn về vấn đề bảo vệ chủ quyền dân tộc, có ý kiến cho rằng đó chỉ là vấn đề của Đảng và Nhà nước, có ý kiến lại cho rằng đó là vấn đề của thế hệ trẻ – chủ nhân dựng xây đất nước. Cả hai ý kiến này đều đúng nhưng chưa đủ. Vì việc bảo vệ chủ quyền dân tộc là trách nhiệm của người dân Việt Nam chứ không phải của riêng Đảng và Nhà nước hay riêng một thế hệ nào. Mỗi công dân đều phải ý thức trách nhiệm gìn giữ chủ quyền dân tộc giống như một điều tất yếu phải làm.

Lịch sử dân tộc đã chứng minh cho một đất nước Việt Nam với những con người dũng cảm, anh hùng. Hơn bốn nghìn năm Bắc thuộc, đất nước ta chưa kịp chuyển mình đã rơi vào vòng nô lệ của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Dù trong giai đoạn nào, toàn thể nhân dân luôn trên dưới một lòng chống lại kẻ thù để giành lại tự do, độc lập cho dân tộc. Tuy nhiên, cũng có không ít người vì lợi ích cá nhân mà đánh đổi lợi ích quốc gia. Những kẻ bán nước cầu vinh, những phần tử phản cách mạng… Tuy chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng nếu không xử lý và kịp thời khắc phục sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước.

Với học sinh trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, chúng ta cần nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân. Việc làm quan trọng nhất là cố gắng học tập và rèn luyện tốt để trở thành một chủ nhân giàu tiềm năng kiến thiết đất nước cường thịnh “sáng vai với các cường quốc năm châu”. Đồng thời, mỗi người cũng cần tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện như thăm hỏi gia đình thương binh liệt sĩ, giúp đỡ những bà mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ cho nạn nhân chất độc màu gia cam. Hay các hoạt động thuyết trình về vấn đề nền bảo vệ hòa bình thế giới, chủ quyền biển đảo, quyền lợi dân tộc…

Như vậy, con người cần ý thức được trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của đất nước. Hãy cùng chung tay xây dựng một nền hòa bình, tự do và độc lập trên toàn nhân loại

Xem thêm các bài văn mẫu lớp 8 Cánh Diều hay khác:

Top 50 mẫu Trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: Hay đổ lỗi cho người khác - một thói hư tật xấu cần tránh (hay nhất)

Top 50 mẫu Kể lại hoạt động xã hội của em: tham gia vệ sinh, lao động công ích (hay nhất)

Top 50 mẫu Kể lại một lần đi thăm quê hương, gia đình của bạn bè trong dịp nghỉ (hay nhất)

Top 50 mẫu Kể lại hoạt động xã hội của em giúp đỡ người già neo đơn (hay nhất)

Top 50 mẫu Kể lại hoạt động xã hội của em hoạt động thiện nguyện (hay nhất)

Tài liệu có 7 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tài liệu cùng môn học

TOP 20 mẫu Phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích HAY NHẤT Tuyết TOP 20 mẫu Phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích HAY NHẤT - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
1.3 K 1 1
20 mẫu Tham dự buổi thuyết trình của học sinh trong trường về những hoạt động xã hội có ích với cộng đồng Tuyết 20 mẫu Tham dự buổi thuyết trình của học sinh trong trường về những hoạt động xã hội có ích với cộng đồng - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
755 1 0
TOP 20 mẫu Kể lại hoạt động xã hội có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng mà em đã tham gia Tuyết TOP 20 mẫu Kể lại hoạt động xã hội có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng mà em đã tham gia - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
832 1 0
20 mẫu Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Qua Đèo Ngang, có ít nhất một câu hỏi tu từ Tuyết 20 mẫu Đoạn văn cảm nhận về bài thơ Qua Đèo Ngang, có ít nhất một câu hỏi tu từ - Tổng hợp văn mẫu Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo hay, chọn lọc giúp học sinh viết văn hay hơn.
659 1 0
Tải xuống