Toptailieu.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật) Ngữ văn 8 Kết nối tri thức gồm dàn ý và các bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 8 hay hơn.
Phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật)
Đề bài: Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật)
Phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật) - mẫu 1
Trong xã hội phong kiến xưa, người phụ nữ luôn phải chịu những bất công, những định kiến đầy nghiệt ngã của xã hội. Một trong những tác phẩm viết về số phận của người phụ nữ là bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương.
"Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non"
Mở đầu bài thơ, nhà thơ Hồ Xuân Hương đã gợi mở những hình ảnh của những chiếc bánh trôi nước. Bánh trôi nước là loại bánh làm bằng bột gạo nếp, qua bàn tay của những người nghệ nhân thì khi nặn xong chúng có hình dạng tròn trịa cùng một màu trắng đặc trưng của gạo. Ở trong bài thơ này, nhà thơ Hồ Xuân Hương đã mượn hình ảnh của những chiếc bánh trôi nước để nói về cuộc sống và số phận của những người phụ nữ trong xã hội xưa. Hiểu như thế ta có thể thấy qua hình ảnh tròn, trắng của những chiếc bánh trôi gợi ra vẻ đẹp bên ngoài, vẻ đẹp hình thể của những người phụ nữ.
Đó chính là một vẻ đẹp tươi mới, tròn trịa, đầy sức sống "Thân em vừa trắng lại vừa tròn". Nhưng đối nghịch với vẻ đẹp đầy sức sống đó lại là một số phận, tương lai đầy mịt mờ, tăm tối "Bảy nổi ba chìm với nước non". Về ý nghĩa tả thực, ta có thể hiểu đây là là quá trình luộc chín bánh, hoàn thành bước cuối cùng. Nhưng đây cũng chỉ là một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng. Bởi nó gợi ra số phận, cuộc đời đầy thăng trầm, biến đổi của những người phụ nữ. Như đã nói, trong xã hội xưa, sinh ra trong thân phận của người phụ nữ vốn đã là một thiệt thòi, bất công.
Bởi từ khi sinh ra đến lúc dựng vợ gả chồng thì họ hoàn toàn không được quyết định bất cứ vấn đề gì, kể cả tình yêu, đối tượng kết hôn, hạnh phúc của cả cuộc đời mình, vì trong xã hội xưa có quan niệm "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", hay "xuất giá tòng phu", nghĩa là một khi đã lấy chồng thì mọi việc đều phải theo chồng. Vì vậy mà số phận thăng hay trầm đều hoàn toàn dựa vào người chồng của mình:
"Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son"
Đến câu thơ này thì ý niệm của hai câu thơ đầu được thể hiện, triển khai một cách rõ nét, cụ thể hơn. Nếu như những chiếc bánh trôi tròn, méo, rắn, nát đều phụ thuộc vào tay người nặn, nếu như được họ cẩn trọng, nâng niu thì khi hoàn thành chiếc bánh sẽ có hình tròn mà màu trắng trong. Ngược lại, nếu người nghệ nhân vô tâm, hời hợt thì chiếc bánh sẽ bị méo mó, và khi luộc trong nước sẽ bị vỡ. Đối với người con gái trong xã hội xưa cũng vậy, nếu may mắn gặp được người cũng biết yêu thương, trân trọng thì cuộc sống của học sẽ hạnh phúc, vui vẻ; còn khi lấy phải người chồng độc đoán, vũ phu thì họ sẽ có cuộc sống đau khổ, bất hạnh. Nhưng dẫu cuộc sống có bất biến, phù du thì những người con gái ấy vẫn giữ được vẻ đẹp trong trắng thủy chung trong tâm hồn. Đến đây thì hình ảnh của những người phụ nữ trong xã hội xưa được hoàn thiện, không chỉ có vẻ đẹp ngoại hình mà vẻ đẹp tâm hồn của họ rất đáng được trân trọng.
Mượn hình ảnh của những chiếc bánh trôi, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã xây dựng thành công hình ảnh của người phụ nữ xưa, đó là những người phụ nữ có vẻ đẹp toàn diện, không chỉ là vẻ đẹp hình thức mà còn là vẻ đẹp của tâm hồn. Dẫu có những bất hạnh, đau khổ thì vẻ đẹp tâm hồn ấy không những không mất đi mà còn sáng rực lên những tia sáng của phẩm chất, đạo đức. Thông qua bài thơ, nhà thơ cũng thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với thân phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
Phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật) - mẫu 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn là một con người có tâm hồn nghệ sĩ. Người có tình yêu thiết tha với thiên nhiên vạn vật, ngay lúc còn trong ngục tối, thời gian bị giam hãm nhưng đứng trước vẻ đẹp của thiên nhiên, bằng những rung cảm mãnh liệt Bác đã tạo ra những bài thơ tuyệt tác. Cho đến những ngày hoạt động ở chiến khu Việt Bắc đầy gian lao, vất vả nhưng tâm hồn Bác vẫn không thôi hướng về thế giới. Và bài thơ Cảnh khuya là một trong những bài thơ được tạo ra từ những rung động trước cuộc sống như thế.
Bài thơ Cảnh khuya được viết bằng chữ quốc ngữ mang đậm tính hiện đại. Cũng vẫn là khung cảnh núi rừng Việt Bắc nhưng lại là khung cảnh thiên nhiên ở một chiều kích không gian khác. Mở đầu bài thơ là âm thanh vang vọng núi rừng:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Tiếng suối hay tiếng người? Có lẽ là cả hai âm thanh này đã hòa quyện vào nhau chăng? Thật khó để có thể phân biệt được. Trường liên tưởng và sự so sánh của Bác thật đặc biệt mà cũng thật đúng, tạo nên hình ảnh thơ sinh động, làm sống động cả khung cảnh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc. Đọc câu thơ này ta lại bất giác nhớ đến câu thơ của Nguyễn Trãi:
Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Nếu như trong hai câu thơ của Nguyễn Trãi lấy thiên nhiên làm chuẩn mực của cái đẹp, của sự toàn mĩ thì ngược lại trong thơ Bác lại lấy con người làm chuẩn mực của cái đẹp. Đây có thể coi là một bước tiến, đánh dấu sự chuyển mình của thơ ca hiện đại. Bác đã so sánh tiếng suối với tiếng hát một cách tinh tế, gợi cảm, hình ảnh so sánh này khiến cho âm thanh của tiếng suối xa càng trở nên gần gũi, thân mật với con người hơn.
Câu thơ tiếp theo lại cho thấy sự hòa hợp, hòa quyện của cảnh vật: Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa. Cảnh vật thiên nhiên vô cùng huyền ảo, chúng đan cài, hòa quyện vào nhau để tôn lên vẻ đẹp của nhau. Ta có thể thấy bức tranh chồng lên nhau thành nhiều tầng, nhiều lớp, đường nét, hình khối đan cài, hòa hợp với nhau đến thần kì. Có dáng cổ thụ vươn tỏa, trên cao là ánh trăng trong trẻo, lấp lánh, dưới mặt đất in hình muôn ngàn hoa cỏ, cây cối, bức tranh về đêm mà không hề tăm tối, u buồn, ngược lại đầy sinh động và tràn sức sống.
Trong khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, hữu tình ấy con người xuất hiện và đó cũng chính là hình ảnh của thi nhân. Nhà thơ say mê ngắm nhìn, chiêm ngưỡng và cảm nhận vẻ đẹp lung linh, huyền ảo. Dòng thơ thứ tư bất ngờ mở ra chiều sâu mới trong tâm hồn nhà thơ: Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà. Thì ra, Bác thao thức chưa ngủ được là còn vì đang lo lắng cho vận mệnh của nhân dân, đất nước, chính trong những phút trầm lắng suy tư đó Bác đã bắt gặp được vẻ đẹp của thiên nhiên, vạn vật.
Điệp từ “chưa ngủ” được đặt ở cuối câu thứ ba và đầu câu thứ tư như một bản lề mở ra hai dòng tâm trạng của con người: một con người say mê trước vẻ đẹp thiên nhiên, một con người đầy ắp nỗi ưu tư về sự nghiệp giải phóng đất nước. Hai khía cạnh này không mâu thuẫn mà hòa hợp thống nhất với nhau trong tâm hồn Bác. Chân dung Bác hiện lên thật đẹp đẽ, cảm động, đó là hình ảnh vị lãnh tụ hết lòng lo cho đất nước. Câu thơ đã làm sáng ngời phẩm chất, nhân cách cao đẹp của Bác.
Bài thơ có sự kết hợp linh hoạt các biện pháp nghệ thuật: so sánh, điệp từ (lồng, chưa ngủ) nối kết hai tâm trạng, bộc lộ chiều sâu tâm hồn cao đẹp của Bác. Ngôn ngữ thơ hiện đại, giản dị mà cũng hết sức tinh tế, hàm súc.
Cảnh khuya đã cho ta thấy một tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, sâu nặng. Cùng với đó là tấm lòng luôn lo nghĩ cho vận mệnh đất nước, dân tộc. Bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và yếu tố hiện đại, tạo nên nét đặc sắc cho tác phẩm.
Phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật) - mẫu 3
Được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam, bài thơ thần "Nam quốc sơn hà" của chủ tướng Lí Thường Kiệt đã trở thành một áng thơ văn bất hủ, không chỉ khẳng định được vấn đề về lãnh thổ, chủ quyền, độc lập của dân tộc Việt Nam, mà bài thơ còn thể hiện được tính thần lực, tự tôn dân tộc mạnh mẽ của vị chủ tướng tài ba Lí Thường Kiệt cũng như những người dân Việt Nam nói chung. Bài thơ cũng là lời khẳng định tuyên bố đanh thép của tác giả đối với những kẻ có ý định xâm lăng vào lãnh thổ ấy, xâm phạm vào lòng tự tôn của một dân tộc anh hùng .
Trong cuộc chiến đấu chống quân Tống của quân dân Đại Việt, chủ tướng Lí Thường Kiệt đã đọc bài thơ thần "Nam quốc sơn hà" ở đền thờ hai vị thần Trương Hống, Trương Hát - Là hai vị thần của sông Như Nguyệt. Khi bài thơ thần này vang lên vào thời điểm đêm khuya, lại được vọng ra hùng tráng, đanh thép từ một ngôi đền thiêng liêng nên đã làm cho quân Tống vô cùng khiếp sợ, chúng đã vô cùng hoảng loạn, lo lắng, nhuệ khí của quân giặc bị suy giảm một cách nhanh chóng. Cũng nhờ đó mà quân dân ta có thể tạo ra một chiến thắng lừng lẫy, oai hùng sau đó.
Mở đầu bài thơ, tác giả Lí Thường Kiệt đã khẳng định một cách chắc chắn, mạnh mẽ về vấn đề chủ quyền, ranh giới lãnh thổ của dân tộc Đại Việt, đó là ranh giới đã được định sẵn, là nơi sinh sống của người dân Đại Việt. Lời khẳng định này không phải chỉ là lời khẳng định của tác giả, mà tác giả còn đưa ra những luận chứng sắc sảo, đó là bởi "sách trời" quy định. Tức sự độc lập,chủ quyền về lãnh thổ ấy được trời đất quy định, chứng giám. Một sự thật hiển nhiên mà không một ai có thể chối cãi được:
"Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời"
Sông núi nước Nam là những vật thuộc quyền sở hữu của người Nam, cũng là những hình ảnh biểu tượng không chỉ cho ranh giới, chủ quyền của người nam mà còn khẳng định một cách chắc chắn quyền sở hữu của "sông núi" ấy là của người Nam. Chúng ta cũng có thể thấy đây là lần đầu tiên trong một tác phẩm thơ văn mà vấn đề chủ quyền dân tộc được khẳng định mạnh mẽ, hào sảng đến như vậy. Không chỉ là dân tộc có chủ quyền, có lãnh thổ mà dân tộc ấy còn có người đứng đầu, người quản lí, làm chủ người dân của quốc gia ấy, đó chính là "vua Nam". Chủ quyền ấy, lãnh thổ cương vực ấy không phải do người Nam tự quyết định lựa chọn cho mình, người dân nơi ấy chỉ sinh sống, làm ăn sinh hoạt từ rất lâu đời, do sự định phận của "sách trời", đó là đấng cao quý vì vậy mọi sự quy định, chỉ dẫn của "trời" đều rất có giá trị, đều rất đáng trân trọng.
"Rành rành" là dùng để chỉ sự hiển hiện, tất yếu mà ai cũng có thể nhận biết cũng phân biệt được. "Rành rành định phận ở sách trời" có nghĩa vùng lãnh thổ ấy, chủ quyền ấy của người Nam đã được sách trời ghi chép rõ ràng, dù có muốn cũng không thể chối cãi, phủ định. Như vậy, ở hai câu thơ đầu, tác giả Lí Thường Kiệt không chỉ đưa ra luận điểm là lời khẳng định hào sảng, chắc chắn về vùng lãnh thổ, ranh giới quốc gia và chủ quyền, quyền làm chủ của nhân dân Đại Việt với quốc gia, dân tộc mình mà tác giả còn rất tỉnh táo, sắc sảo khi đưa ra những luận cứ đúng đắn, giàu sức thuyết phục mà còn đưa ra một sự thật mà không một kẻ nào, một thế lực nào có thể phủ định, bác bỏ được nó. Giọng văn hào hùng, mạnh mẽ nhưng không giấu được niềm tự hào của bản thân Lí Thường Kiệt về chủ quyền của dân tộc mình.
Từ sự khẳng định mạnh mẽ vấn đề chủ quyền của dân tộc Đại Việt, Lí Thường Kiệt đã lớn tiếng khẳng định, cũng là lời cảnh cáo đến kẻ thù, đó chính là cái kết cục đầy bi thảm mà chúng sẽ phải đón nhận nếu biết nhưng vẫn cố tình thực hiện hành động xâm lăng lãnh thổ, gây đau khổ cho nhân dân Đại Việt:
"Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh cho tơi bời"
Sự thật hiển nhiên rằng, "Sông núi nước Nam" là do người Nam ở, người Nam làm chủ. Nhưng lũ giặc không hề màng đến sự quy định mang tính tất yếu ấy, chúng cố tình xâm phạm Đại Việt cũng là xúc phạm đến sự tôn nghiêm của đạo lí, của luật trời: "Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm" hành động ngông cuồng, phi nghĩa này của bọn chúng thật đáng bị phê phán, thậm chí đáng để trừng phạt bằng những hình thức thích đáng nhất. Và ở trong bài thơ này, tác giả Lí Thường Kiệt cũng đã đanh thép khẳng định cái kết cục đầy bi đát, ê chề cho lũ cướp nước, coi thường đạo lí: "Chúng bay sẽ bị đánh cho tơi bời". Với tất cả sức mạnh cũng như lòng tự tôn, tính chính nghĩa của dân tộc Đại Việt thì lũ xâm lăng chỉ có một kết cục duy nhất, một kết quả không thể tránh khỏi "bị đánh cho tơi bời".
Như vậy, bài thơ thần "Nam quốc sơn hà" là một bài thơ, một bài thơ mang tính chính luận rõ ràng, sâu sắc, một bản tuyên ngôn hùng hồn, mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Bài thơ thể hiện lòng tự hào của người Việt Nam về chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, về sức mạnh vĩ đại của người dân trong công cuộc đánh đuổi ngoại xâm.
Phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật) - mẫu 4
Bài thơ “Nguyên tiêu” (Rằm tháng giêng) là một trong những bài thơ nổi tiếng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài thơ đã khắc họa được khung cảnh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc trong đêm trăng cũng như qua đó bày tỏ tấm lòng yêu nước sâu nặng của Người:
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên;
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.”
Có lẽ hình ảnh ánh trăng không còn xa lạ gì trong thơ ca. Ta đã từng bắt gặp ánh trăng nhớ trong thơ Lý Bạch:
“Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.”
(Đầu giường ánh trăng rọi,
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương)
Ánh trăng trong thơ Lý Bạch dường như mang nỗi nhớ về quê hương. Còn trong “Rằm tháng giêng” của Hồ Chí Minh, ánh trăng lại mang một ý nghĩa khác.
Nhà thơ đã xây dựng hình ảnh ánh trăng trong một đêm rằm tháng giêng với vẻ đẹp “nguyệt chính viên” - đó là lúc trăng ở vào độ tròn đầy và sáng nhất. Ánh trăng trong đêm rằm vốn đã đẹp nhưng ánh trăng trong đêm rằm tháng giêng lại đẹp hơn cả. Không chỉ vậy, sắc xuân từ ánh trăng giống như đang bao trùm lên mọi cảnh vật khiến cho “sông xuân”, “nước xuân” và “trời cũng thêm xuân”. Từ “xuân” được điệp lại tới ba lần như muốn khẳng định sắc xuân đang lan tỏa khắp không gian. Không gian ấy mở rộng ra cả ba chiều: chiều cao, chiều rộng và chiều sâu làm cho cảnh vật thiên nhiên trở nên rộng lớn hơn chứ không bó hẹp. Sự nối tiếp giữa “sông xuân”, “nước xuân” và “trời xuân” cũng gợi ra vẻ đẹp giao hòa giữa bầu trời và mặt đất đều tràn ngập ánh trăng.
Trong bức tranh thiên nhiên đầy thơ mộng đó, người chiến sĩ cách mạng vẫn không quên đi một nhiệm vụ quan trọng. Những năm tháng chiến tranh, mọi công việc hoạt động cách mạng đều phải diễn ra một cách âm thầm và kín đáo. Chính vì vậy, những người chiến sĩ cách mạng đã lựa chọn thời điểm trong đêm khuya để bàn bạc việc quân việc nước. Vì quá say sưa bàn luận mà họ dường như quên mất đi thời gian, để đến khi công việc đã xong xuôi mới nhận ra đêm đã khuya. Và ánh trăng lúc này cũng là sáng nhất. Hình ảnh “con thuyền” ẩn dụ cho sự thắng lợi của cách mạng. Con thuyền chứa đầy ánh trăng giống như thắng lợi của cách mạng không còn xa nữa. Đó chính là niềm tin của Bác Hồ vào sự nghiệp đấu tranh của dân tộc.
Như vậy, bài thơ “Rằm tháng giêng” đã khắc họa được bức tranh thiên nhiên trong đêm rằm tháng giêng đầy thơ mộng cùng tình yêu nước sâu sắc của Hồ Chí Minh. Không chỉ vậy, người đọc cũng thấy được một tâm hồn thi sĩ đầy tinh tế nhạy cảm của Bác Hồ.
Phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật) - mẫu 5
Nguyễn Khuyến là người có cốt cách thanh cao và giàu lòng yêu nước, ông một lòng không hợp tác với kẻ thù. Ông được mệnh danh là “nhà thơ của dân tình, làng cảnh Việt Nam”. Ông để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm thơ hay và đặc biệt là chùm ba bài thơ thu điển hình cho làng quê, phong cảnh Việt Nam. Trong đó nổi bật hơn cả là bài Câu cá mùa thu.
Nếu như ở bài Thu vịnh cảnh thu được đón nhận từ cao xa rồi mới đến gần thì bài Câu cá mùa thu khung cảnh thiên nhiên mùa thu lại được đón nhận ở một chiều kích khác: từ gần rồi tiến ra cao xa và từ cao xa trở về gần. Khung cảnh được mở ra với nhiều chiều hướng vô cùng sinh động.
Cảnh thu được mở ra với hình ảnh không gian hết sức trong trẻo:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”
Không khí mùa thu được gợi nên từ sự dịu nhẹ, nguyên sơ nhất của cảnh vật với làn nước trong veo, không một gợn đục. Mùa hè đã đi qua, những cơn mưa lớn với dòng nước đỏ đục đã không còn thay vào đó là cái thanh tĩnh, trong trẻo của làn nước, của cảnh vật. Trong không gian nhỏ hẹp ấy là hình ảnh của chiếc thuyền câu nhưng nó không hề lọt thỏm giữa không gian thiên nhiên mà lại rất hài hòa, cân xứng. Tác giả vẽ ra khung cảnh tưởng như đối lập ao thu – thuyền câu, nhưng kì thực chúng lại hòa quyện với nhau đến kì lạ. Bởi vật tác giả chọn là ao thu chứ không phải hồ thu – gợi cảm giác rộng lớn, choáng ngợp. Ao thu ấy khi có thuyền câu bên cạnh trở nên hài hòa, cân xứng và đậm chất khung cảnh làng quê Bắc Bộ Việt Nam. Hai câu thơ đầu gieo vần eo nhưng không hề gợi lên cảm giác eo hẹp, nhỏ bé, tù túng mà ngược lại gợi nên cái nhỏ nhắn, thanh thoát của cảnh vật.
Bức tranh thu tiếp tục được Nguyễn Khuyến phác họa ở cặp câu thơ tiếp theo:
“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”
Những đường nét của khung cảnh cũng hết sức mảnh mai với sóng hơi gợn tí, lá khẽ đưa vèo, dường như mọi chuyển động đều vô cùng nhẹ nhàng, thanh thoát. Vận dụng thủ pháp lấy động tả tĩnh Nguyễn Khuyến đã làm nổi bật sự tĩnh lặng tuyệt đối của không gian, của cảnh vật. Phải là không gian vô cùng yên tĩnh thì thi nhân mới có thể cảm nhận tiếng động thật khẽ, thật êm của cảnh vật, dù là sóng có gợn hay chiếc lá khẽ đưa, bằng giác quan tinh tế, nhạy cảm Nguyễn Khuyến đã nắm trọn từng khoảnh khắc của thiên nhiên. Sắc vàng nếu như ở những bài thơ khác chính là sắc màu chủ đạo, là điểm nhấn để gợi nhắc mùa thu thì trong câu thơ của Nguyễn Khuyến sắc vàng ấy cũng như bao sắc màu khác trong bức tranh: xanh của trời, trong veo của nước,… nó chỉ góp phần tạo nên đường nét hài hòa cho bức tranh, tuyệt nhiên không gợi cảm giác buồn bã của tâm trạng, hay héo úa của cảnh vật.
Không chỉ vậy, cái hồn dân dã, vẻ đẹp mùa thu của làng quê Bắc Bộ còn được gợi lên từ những ngõ trúc quanh co:
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”
Không gian được mở rộng ở chiều cao, tác giả hướng ánh mắt lên bầu trời để cảm nhận được cái “xanh ngắt” của bầu trời, và rất tự nhiên thu tầm nhìn về với ngõ trúc quanh co. Không gian mùa thu vô cùng tĩnh lặng. Mọi chuyển động đều quá nhẹ nhàng, êm ái không đủ để gợi nên âm thanh, duy chỉ có tiếng động của tiếng cá đớp mồi: “Cá đâu khẽ động dưới chân bèo”. Nhưng cái động đó kết hợp với từ “khẽ” lại chỉ càng nhấn mạnh, tô đậm hơn cái yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật. Với nghệ thuật lấy động tả tĩnh, Nguyễn Khuyến đã cho thấy cái thanh tĩnh tuyệt đối của làng quê Việt Nam trong cảnh thu thanh bình, dịu nhẹ.
Bài thơ có nhan đề là Câu cá mùa thu, nói về chuyện câu cá mà thực lại không phải vậy. Mượn chuyện câu cá để cảm nhận hết trời thu, cảnh thu vào cõi lòng mình. Hẳn Nguyễn Khuyến phải có tâm hồn thanh tĩnh đến tuyệt đối mới có thể có nhận đầy đủ vẻ đẹp của mùa thu: trong veo, cái hơi gợn tí của nước, độ rơi khẽ khàng của lá. Đặc biệt sự tĩnh lặng trong tâm hồn thi nhân được gợi lên một cách sâu sắc từ tiếng động duy nhất trong bài thơ là tiếng cá đớp mồi dưới chân bèo. Sự tĩnh lặng trong cảnh vật gợi cho người đọc cảm nhận về sự cô đơn, uẩn khúc trong tâm hồn nhà thơ. Trong bài các gam màu lạnh xuất hiện nhiều: trong veo, xanh ngắt,… dường như cái lạnh của thu thấm vào tâm hồn nhà thơ hay chính tâm hồn cô đơn của tác giả lan tỏa sang cảnh vật. Đặt trong bối cảnh đất nước đầy biến thiên lúc bấy giờ, có thể thấy bài thơ thể hiện tâm trạng đau buồn của Nguyễn Khuyến trước hiện tình đất nước đầy đau thương.
Bài thơ thể hiện tài năng sử dụng ngôn ngữ bậc thầy của Nguyễn Khuyến. Tiếng Việt trong sáng, giản dị nhưng lại diễn tả được tất cả những gì tinh tế, đẹp đẽ nhất của cảnh vật, diễn tả được tâm trạng và tấm lòng của nhà thơ. Gieo vần “eo” – từ vận tài tình góp phần miêu tả không gian nhỏ hẹp và tâm trạng đầy uẩn khúc của tác giả. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh gợi lên cái tĩnh lặng tuyệt đối của thiên nhiên.
Bài thơ Câu cá mùa thu với ngôn ngữ bậc thầy không chỉ cho người đọc thấy tài năng của Nguyễn Khuyến trong việc dùng từ. Mà đằng sau đó ta còn cảm nhận được một tâm hồn gắn bó tha thiết với thiên nhiên, đất nước, tấm lòng yêu nước thầm lặng nhưng không kém phần sâu nặng.
Phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật) - mẫu 6
Bà Huyện Thanh Quan là một nữ thi sĩ nổi tiếng trong nền văn học trung đại của nước ta. “Qua Đèo Ngang” là một tác phẩm rất tiêu biểu cho phong cách thơ của bà. Bài thơ đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng sự sống con người nhưng vẫn còn hoang sơ. Đồng thời nhà thơ còn qua đó gửi gắm nỗi nhớ nước thương nhà.
Tác giả đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên nơi Đèo Ngang trong một buổi chiều tà:
“Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”
Cụm từ “bóng xế tà” gợi ra thời điểm kết thúc của một ngày. Nhà thơ đang một mình đứng trước nơi đèo Ngang. Tiếp đến câu thơ “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” là hình ảnh ước lệ mang tính biểu tượng, khắc họa khung cảnh thiên nhiên đèo Ngang. Việc sử dụng điệp từ “chen” kết hợp với hình ảnh “đá, lá, hoa” thật tinh tế. Vẻ đẹp thiên nhiên của đèo Ngang tuy hoang sơ nhưng lại tràn đầy sức sống. Khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang được nhà thơ khắc họa chỉ bằng vài nét nhưng lại hiện ra đầy chân thực và sinh động.
Và không thể thiếu trong bức tranh thiên nhiên đó là hình ảnh con người. Nghệ thuật đảo ngữ “lom khom - tiều vài chú” cho thấy hình ảnh vài chú tiều với dáng đứng lom khom dưới chân núi. Và “lác đác - chợ mấy nhà” gợi ra hình ảnh vài căn nhà nhỏ bé thưa thớt, lác đác bên sông. Nhà thơ muốn nhấn mạnh vào sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên rộng lớn. Con người chỉ nằm là một chấm buồn lặng lẽ giữa một thiên nhiên rộng lớn. Thiên nhiên mới là trung tâm trong bức tranh đèo Ngang.
Thiên nhiên càng cô quạnh, tâm trạng của tác giả càng cô đơn. Điều đó được bộc lộ ở những câu thơ tiếp theo:
“Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia”
Hình ảnh “con quốc quốc” và “cái gia gia” không chỉ là hình ảnh thực về hai loại chim (chim đỗ quyên, chim đa đa). Việc sử dụng thủ pháp lấy động tả tĩnh: tiếng kêu “quốc quốc”, “đa đa” để qua đó bộc lộ nỗi lòng nhớ thương của mình với đất nước, quê hương. Đọc đến đây, chúng ta dường như có thể lắng nghe được tiếng kêu khắc khoải, da diết đang vang lên trong vô vọng.
Câu thơ “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước” khắc họa hình ảnh nhà thơ một mình đứng tại nơi Đèo Ngang, đưa mắt nhìn ra xa cũng chỉ thấy thiên nhiên rộng lớn phía trước (có bầu trời, có núi non, dòng sông). Sự cô đơn của nhà thơ: “một mảnh tình riêng” - tình cảm riêng tư của nhà thơ không có ai để chia sẻ:
“Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta"
Trong thơ Nguyễn Khuyến cũng từng sử dụng cụm từ “ta với ta”:
“Đầu trò tiếp khách trầu không có
Bác đến chơi đây ta với ta”
Trong “Bạn đến chơi nhà, từ “ta” đầu tiên chỉ chính nhà thơ - chủ nhà, còn từ “ta” thứ hai chỉ người bạn - khách đến chơi. Từ “với” thể hiện mối quan hệ song hành, gắn bó dường như không còn khoảng cách. Qua đó thể hiện tình bạn gắn bó tri âm tri kỷ của nhà thơ. Còn trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, cụm từ “ta với ta” ở đây đều chỉ nhà thơ, lúc này bà chỉ có một mình đối diện với chính mình, cô đơn và lẻ loi. Sự cô đơn ấy dường như chẳng thể có ai cùng chia sẻ.
Như vậy, Qua đèo Ngang đã thể hiện được tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan trước khung cảnh đèo Ngang hoang sơ. Bài thơ chứa đựng những tình cảm, ý nghĩa sâu sắc.
Xem thêm các bài Văn mẫu lớp 8 Kết nối tri thức hay khác:
Top 50 mẫu Viết bài văn phân tích bài thơ Thu ẩm của Nguyễn Khuyến (hay nhất)
Top 50 mẫu Trình bày bài giới thiệu ngắn về một cuốn sách (cuốn truyện lịch sử) (hay nhất)
CÔNG TY TNHH ĐẦU TƯ VÀ DỊCH VỤ GIÁO DỤC VIETJACK
- Người đại diện: Nguyễn Thanh Tuyền
- Số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0108307822, ngày cấp: 04/06/2018, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội.
2021 © All Rights Reserved.