SBT Ngữ văn 11 Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) (Cánh diều)

302

Với giải Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) SBT Ngữ văn 11 Cánh diều chi tiết trong Bài 5: Truyện ngắn giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải, từ đó biết cách làm bài tập Ngữ văn 11. Mời các bạn đón xem:

SBT Ngữ văn 11 Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) (Cánh diều)

Câu 1 trang 5 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Người kể chuyện trong Một người Hà Nội là ai?

A. Anh Khải

B. Cô Hiền

C. Con trai cô Hiền

D. Một người Hà Nội vô danh

Trả lời:

Đáp án A

Câu 2 trang 5 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Những ai là nhân vật chính trong truyện Một người Hà Nội?

A. Anh bếp và chị vú

B. Cô Hiền và anh Khải

C. Cô Hiền và chị Đại

D. Vợ chồng cô Hiền

Trả lời:

Đáp án B

Câu 3 trang 5 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Những lời nói dưới đây thể hiện phẩm chất, tính cách gì của cô Hiền?

- “Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn chứ?”.

- “Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ.”.

- “Tao có bộ mặt rất tư sản, một cách sống rất tư sản, nhưng lại không bóc lột ai cả thì làm sao thành tư sản được.”.

Trả lời:

Những lời nói của cô Hiền thể hiện phẩm chất, tính cách: thẳng thắn, bản lĩnh.

Câu 4 trang 5 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nhân vật nào sau đây khiến người kể chuyện xưng “tôi” có những nhận xét “không mấy vui vẻ” về Hà Nội?

A. Anh bếp, chị vú

B. Nghệ sĩ văn nhân

C. Một người bạn ở quận Đống Đa

D. Ông bạn trẻ đạp xe như gió

Trả lời:

Đáp án D

Câu 5 trang 5 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đọc đoạn văn sau và cho biết đồ nội thất trong nhà cô Hiền như thế nào?

“Một bộ sa lông gụ "cái khánh", cái sập gụ chân quỳ chạm rất đẹp nhưng không khảm, cái tủ chùa một cánh bên trong bày một cái lọ men Thuý hồng, một cái lư thời Hán, một cái liễn hấp sâm Giang Tây, và mấy thứ bình lọ màu men thì thường nhưng có dáng lạ, chả rõ từ đời nào. Cô đang lau đánh một cái bát thuỷ tiên men đỏ, hai cái đầu rồng gắn nổi bằng đồng, miệng chân cũng đều bịt đồng, thật đẹp.”.

A. Đồ cổ, sang trọng, lịch lãm

B. Đồ cũ kĩ, không có giá trị

C. Đồ nội thất phong cách hiện đại

D. Đồ nội thất phong cách châu Âu

Trả lời:

Đáp án A

Câu 6 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Tóm tắt truyện Một người Hà Nội. Xác định bối cảnh diễn ra các sự kiện trong truyện.

Trả lời:

* Tóm tắt truyện:

Người kể chuyện xưng “tôi”, tên Khải có người bà con xa là cô Hiền. Cô Hiền xinh đẹp và thông minh, sinh ra trong một gia đình giàu có, lương thiện. Thời son trẻ, cô Hiền mở sa lông văn học, giao lưu với khách văn chương trí thức, thanh niên con nhà giàu. Đến tuổi lập gia đình, cô lấy một ông giáo tiểu học hiền lành, chăm chỉ làm chồng. Suốt thời kháng chiến chống thực dân Pháp, vợ chồng cô Hiền vẫn sống ở Hà Nội. Sau ngày tiếp quản thủ đô, cô Hiền không phải đi học tập cải tạo vì làm nghề hoa giấy, chỉ có một dinh cơ, không có nhà riêng cho thuê, không “bóc lột” ai. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người con trai cả xin vào chiến trường, cô không ngăn cản. Anh Khải đã chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống nhiều năm nhưng cứ có dịp ra Hà Nội lại ghé thăm cô Hiền. Anh than phiền về lối ứng xử xuống cấp của người Hà Nội thời nay. Cô Hiền kể cho anh nghe chuyện cây si bật gốc vì bão ở đền Ngọc Sơn nay đã sống lại. Anh nhận ra cô Hiền chính là “hạt bụi vàng” của Hà Nội.

* Bối cảnh diễn ra các sự kiện trong truyện:

- Về không gian: Hà Nội (nhà riêng của cô Hiền, phố xá Hà Nội,...).

- Về thời gian: 1955 – 1965 (thời kì Hà Nội vừa được giải phóng, chính quyền cách mạng thực hiện nếp sống văn hoá mới, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh); 1965 – 1975 (thời kì Hà Nội cùng với cả nước kháng chiến chống đế quốc Mỹ); 1975 – 1990 (Hà Nội thời kì bao cấp và những năm đầu Đổi mới).

=> Không gian mở rộng, từ không gian mang tính cá nhân – gia đình đến không gian mang tính cộng đồng – xã hội. Thời gian trải dài, mang tính lịch sử, từ quá khứ đến hiện tại, qua nhiều hoàn cảnh lịch sử xã hội khác nhau.

Câu 7 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Trong truyện Một người Hà Nội, cô Hiền có nói: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỳ tiện, buông tuồng.”. Em tán thành hay phản đối quan điểm của nhân vật? Vì sao?

Trả lời:

Em tán thành quan điểm của nhân vật “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỳ tiện, buông tuồng.” vì đó là những lời răn dạy của cô Hiền với các con, dạy con từ khi chúng còn nhỏ và tỉ mỉ dạy từ điều nhỏ bé nhất. Cô dường như không coi chuyện ngồi ăn, chuyện cầm bát, cầm đũa, múc canh, v.v. đó cũng chỉ là chuyện sinh hoạt vặt vãnh mà coi đấy là văn hoá sống, là văn hoá của người Hà Nội. Cô Hiền là đại diện của cách sống của người Hà Nội gốc, rất coi trọng nề nếp, gia giáo và coi những chuẩn mực trong ăn nói, đi đứng là cách thể hiện lòng tự trọng. Từ cách sống có chuẩn mực, nề nếp mà hình thành chuẩn mực trong văn hóa, nhân cách. Lòng tự trọng không cho phép con người sống hèn nhát, ích kỉ cá nhân. Có lòng tự trọng sẽ có lòng yêu nước, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Có thể nói, với những người như­ cô Hiền, lòng yêu nước cũng là một nhu cầu tự nhiên, xa lạ với những gì ồn ào, giả tạo.

Câu 8 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Quan điểm, thái độ của người kể chuyện xưng “tôi” đối với các nhân vật và sự việc trong truyện được thể hiện như thế nào?

Trả lời:

Người kể chuyện xưng “tôi”, tên Khải là người có quan điểm, thái độ đối với các nhân vật và sự việc trong truyện.

- Cách nhìn người, nhìn đời đa chiều, sâu sắc, tinh tế (thể hiện: quan sát cô Hiền qua nếp nghĩ, lối sống, cách ứng phó với việc cá nhân, việc nhà, việc nước,... từ khi còn son trẻ cho đến khi đã là một bà lão bảy mươi tuổi, từ đó đưa ra một cách nhìn vừa mang tính lịch sử vừa nhất quán về phẩm chất, cốt cách của nhân vật).

- Quan điểm thẳng thắn, nhận xét trung thực, biểu hiện sự từng trái, tự tin, lịch lãm (sẵn sàng đối thoại với cô Hiền: “Cô vẫn răn lũ con tôi: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỷ tiện, buông tuồng”. Có lần tôi cãi: “Chúng tôi là người của thời loạn, các cụ lại bắt dạy con cái theo thời bình là khó lắm.”; thẳng thắn đưa ra những nhận xét “không mấy vui vẻ” về Hà Nội; bộc lộ những suy nghĩ sâu sắc về cô Hiền – “hạt bụi vàng” của Hà Nội).

- Thái độ nâng niu, trân trọng, ngưỡng mộ nét đẹp văn hoá Hà Nội (thái độ đối với cô Hiền); xót xa, đau tức khi những nét đẹp văn hoá đó bị mai một, hư hao, mất mát (thái độ đối với một số người Hà Nội thô lỗ, bất lịch sự); thân tình, cởi mở, sẵn sàng tiếp thu ý kiến của người khác (trong chuyện trò, giao tiếp với cô Hiền và các nhân vật khác).

Người kể chuyện là người hiểu Hà Nội, yêu Hà Nội, buồn vui với những thăng trầm của Hà Nội, say mê nét đẹp văn hoá của người Hà Nội; có cách nhìn đa chiều, sâu sắc đối với các nhân vật và sự việc trong truyện.

Câu 9 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Chuyện cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn bị bão đánh bật rễ rồi lại hồi sinh có ý nghĩa và tác dụng ra sao trong việc thể hiện chủ đề của truyện.

Trả lời:

- Ý nghĩa của câu chuyện cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn bị bão đánh bật rễ rồi lại hồi sinh: Cây si là loại cây thường được trồng ở chùa miếu; tán rộng, xanh mượt, có nhiều rễ bám chắc vào đất, có sức sống lâu bền. Cây si cổ thụ thường gắn liền với đời sống tinh thần, với sinh hoạt văn hoá tâm linh suốt cả đời một con người, gắn liền với văn hoá – lịch sử của một vùng đất. Chuyện cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn bị bão đánh bật rễ rồi lại hồi sinh khẳng định sức sống, khả năng hồi sinh của những giá trị nhân sinh lâu đời, cao quý (các giá trị văn hoá có thể nhất thời bị tàn phá, bị đứt gãy nhưng không thể chết, không thể vĩnh viễn mất đi).

- Tác dụng trong việc thể hiện chủ đề: Nếu nhân vật cô Hiền là biểu tượng của phẩm chất, cốt cách con người Hà Nội – một người biết cách tôn trọng, gìn giữ nét đẹp văn hoá của người Hà Nội thì cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn là một biểu tượng văn hoá tâm linh. Phẩm chất, bản lĩnh của cô Hiền – cái mà thời cuộc thăng trầm không thể đổi dời và sức sống, khả năng hồi sinh của cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn là những bằng chứng khẳng định niềm tin vào sự bất diệt của những giá trị văn hoá tinh thần, nhân văn cao quý.

Tuy nhiên, cây si cổ thụ bị bão đánh bật rễ ở đền Ngọc Sơn chỉ có thể hồi sinh khi con người có ý thức gìn giữ và biết cách bảo tồn. Nếu con người thờ ơ, vô trách nhiệm với nó thì chưa chắc cây si cổ thụ có cơ hội sống sót.

Như thế, chuyện cây si cổ thụ ở đền Ngọc Sơn bị bão đánh bật rễ rồi lại hồi sinh có tác dụng bổ sung, làm rõ hơn nữa thông điệp: Phẩm cách con người và bản sắc văn hoá bị tác động bởi thời thế, nhưng những giá trị tốt đẹp, tử tế, đích thực thì luôn có sức sống mạnh mẽ, trường tồn.

Câu 10 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 6, SGK) Từ truyện Một người Hà Nội, em có suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa phẩm chất cá nhân với việc nhận thức, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc?

Trả lời:

Mối quan hệ giữa phẩm chất cá nhân với việc nhận thức, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc:

- Cô Hiền là một người Hà Nội thông minh, nhạy cảm, ứng phó linh hoạt với thời cuộc, tính toán thực tế, không “lãng mạn”, “viễn vông”. Trước những biến động thăng trầm của thời thế, cô không dễ để mình bị lôi kéo, mua chuộc, vẫn luôn gìn giữ được nếp nghĩ thực tế, lối sống sang, đẹp; biết dạy bảo con cháu những điều tử tế (“không được sống tuỳ tiện, buông tuồng”, “biết tự trọng, biết xấu hổ”); biết gìn giữ và chăm chút những đồ vật cổ kính, duy trì không gian gia đình tao nhã, sang trọng (qua hình ảnh những đồ nội thất trong phòng khách nhà cô Hiền); nhận biết rõ những giá trị trường tồn giữa những biến động xã hội khôn lường (qua câu chuyện về cây si ở đền Ngọc Sơn). Vì thế, cô Hiền đích thực là một “hạt bụi vàng” của Hà Nội, rất đáng trân trọng, ngưỡng mộ.

– Đối lập với cô Hiền là cách nói năng, cư xử tục tằn, thô lỗ với người già ở ngoài đường của “một ông bạn trẻ”: “Một ông bạn trẻ đạp xe như gió thúc mạnh bánh xe vào đít xe tôi, may mà gượng kịp. Tôi quay lại nói cũng nhẹ nhàng: “Cậu đi đâu mà vội thế?”. Hắn không trả lời, đạp vượt qua xe tôi, rồi quay mặt lại chửi một câu đến sững sờ: “Tiên sư cái anh già!”. Đó là thái độ, cách cư xử thiếu lễ độ, bất lịch sự, bộc lộ cách nhìn người nông cạn, thiển cận, chỉ biết coi trọng hình thức bề ngoài của những người Hà Nội khác: “Lại một buổi sáng tôi đến thăm một người bạn ở quận Đống Đa, đã lâu không đến nên quên đường, lát lát phải hỏi thăm. Có người trả lời, là nói sống hoặc hất cằm, có người cứ giương mắt nhìn mình như nhìn con thú lạ. Tôi có than phiền với vợ chồng bạn về sự thiếu lễ độ của người Hà Nội, cô con gái đang cho con bú góp lời liền: “Ông ăn mặc tẩm như thế lại đi xe đạp họ khinh là phải, thử đội mũ dạ, áo ba-đờ-xuy, cưỡi con Cúp xem, thưa gửi tử tế ngay”.”.

Rõ ràng, phẩm chất, tính cách của cá nhân có quan hệ chặt chẽ với năng lực nhận thức và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc. Người có phẩm chất, tính cách cá nhân tốt đẹp như cô Hiền sẽ nhận thức rõ các giá trị văn hoá, từ đó có ý thức gìn giữ nếp nghĩ, lối sống tốt đẹp của gia đình, tôn trọng, bảo tồn các giá trị văn hoá của Hà Nội và dân tộc. Người có năng lực nhận thức hạn chế, phẩm chất thấp kém ắt cũng khó nhận biết rõ các giá trị văn hoá để từ đó biết tôn trọng, có hành động gìn giữ nếp nghĩ, lối sống tốt đẹp của cha ông, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của địa phương và đất nước.

Xem thêm lời giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 bộ sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

Trái tim Đan Kô (Trích Bà lão I-déc-ghin)

Tầng hai (Phong Điệp)

Đánh giá

0

0 đánh giá