Soạn bài Cây khế | Kết nối tri thức Ngữ văn lớp 6

757

Tài liệu soạn bài Cây khế Ngữ văn lớp 6 Kết nối tri thức hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 6 Tập 2. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Cây khế

Trước khi đọc

Ngữ văn 6 trang 37 Câu hỏi: Hẳn nhiều em có ước muốn được đặt chân đến một hòn đảo ngoài khơi xa lắc, chưa ai biết đến và thường hình dung ở đó có nhiều điều thú vị. Hãy tưởng tượng em đang ở vào tình huống đó. Em có thể chia sẻ với các bạn những điều kì diệu mà em được chứng kiến.

Phương pháp giải:

Thử tưởng tượng và chia sẻ cảm nhận của riêng em.

Trả lời:

Em đang ở một hòn đảo ngoài khơi xa lắc, cách xa đất liền. Ngay trước mắt là những bãi cát vắng vẻ, tĩnh lặng chỉ có những bụi cây nhỏ mọc thưa thớt. Cảm giác vô cùng hoang sơ. Nước biển có độ mặn cao, trong suốt, nhìn rõ cả cát dưới đáy. Phía trước trông ra biển cả mênh mông, phía sau và 2 bên là vách núi như bức tường thành. Muốn đến được hòn đảo phải vượt núi hoặc chui qua đường hầm. Ở đây con người sẽ xây dựng những "thủy cung", có thể trực tiếp quan sát các đàn cá heo, tôm hùm, rùa biển, mực ống, cá mập lượn lờ bên những cụm san hô đầy màu. 

Đọc văn bản

Ngữ văn 6 trang 37 Câu 1: Thời gian, địa điểm diễn ra câu chuyện có gì đặc biệt?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn đầu văn bản.

Trả lời:

- Thời gian: ngày xửa ngày xưa.

- Địa điểm: ở một nhà kia.

=> Thời gian và địa điểm không xác định, đây là mô típ chung của các truyện cổ tích dân gian.

Ngữ văn 6 trang 37 Câu 2: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ chi tiết vợ chồng cư xử với chim và dự đoán.

Trả lời:

Vợ chồng người em tốt bụng, ngày nào cũng cho chim ăn, em dự đoán chú chim kia sẽ trả ơn huệ này cho vợ chồng họ.

Ngữ văn 6 trang 38 Câu 3: Tưởng tượng một hang lớn đầy vàng, kim cương, thủy tinh, hổ phách… trông thế nào?

Phương pháp giải:

Dùng trí tưởng tượng và trình bày suy nghĩ.

Trả lời:

Một hang lớn đầy những sản vật quý như vàng, kim cương, thủy tinh, hổ phách… trông sẽ chói sáng, đẹp đẽ, tỏa sáng cả một vùng trời.

Ngữ văn 6 trang 39 Câu 4: Cái túi của vợ chồng người anh sẽ gây ra điều gì?

Phương pháp giải:

Nhớ lại xem con chim yêu cầu cái túi kích thước như thế nào và người anh may cái túi ra sao.

Trả lời:

Cái túi của vợ chồng người anh sẽ gây ra tai họa vì nó quá to, vượt quá sức nặng mà con chim có thể chở được.

Sau khi đọc

Ngữ văn 6 trang 40 Câu 1: Cây khế kể về chuyện gì? Em thích nhất chi tiết nào trong truyện?

Phương pháp giải:

Nhớ lại nội dung và chọn chi tiết mà em thích nhất, nêu lí do.

Trả lời:

- Cây khế kể về chuyện người em hiền lành có cây khế được chim ăn, báo ân bằng việc trả vàng còn người anh tham lam đem đổi gia sản lấy cây khế của em để rồi cuối cùng chết vì lấy quá nhiều vàng. 

- Em thích nhất chi tiết con chim cất lời đáp trả người em, vì điều đó cho thấy sự ân tình, ân nghĩa trong con vật và cũng chứa đựng nhiều màu sắc thần kì. 

Ngữ văn 6 trang 40 Câu 2: Hãy tóm tắt truyện Cây khế.

Phương pháp giải:

Nhớ lại nội dung, lọc ra các tình tiết chính và tóm tắt truyện.

Trả lời:

       Ngày xưa, ở gia đình nọ có hai anh em, cha mẹ mất sớm và để lại cho anh em một khối gia tài. Vợ chồng người anh tham lam giành hết chỉ chừa lại cho người em một mảnh vườn nhỏ có cây khế. Vợ chồng người em chăm chỉ làm ăn và chăm sóc cây khế chu đáo. Đến mùa khế ra rất nhiều quả. Bỗng một hôm có con chim lạ đến ăn khế. Người em than khóc và đại bàng liền bảo người em may túi ba gang để chim trả ơn. Chim đưa người em ra đảo lấy vàng và người em trở nên giàu có nhất vùng. Người anh hay tin, lân la đến dò hỏi và đổi cả gia tài của mình để lấy mảnh vườn có cây khế. Đến mùa khế chín, chim đại bàng lại đến và cũng ngỏ ý sẽ trả ơn. Người anh vì tham lam nên đã may túi to để dựng được nhiều vang. Trên đường đi lấy vàng về vì quá nặng nên người anh đã bị rơi xuống biển và chết.

Ngữ văn 6 trang 40 Câu 3: Truyện cổ tích thường mở đầu bằng những từ ngữ quen thuộc chỉ thời gian trong quá khứ, không gian không xác định. Em hãy tìm các từ ngữ đó trong truyện cây khế.

Phương pháp giải:

Đọc lại văn bản và lọc ra các từ ngữ chỉ thời gian, không gian.

Trả lời:

Các từ ngữ chỉ thời gian trong quá khứ, không gian không xác định trong truyện cây khế: Ngày xửa ngày xưa, nhà nọ, hang sâu.

Ngữ văn 6 trang 40 Câu 4: Con chim đưa hai anh em ra đảo hoang có phải là con vật kỳ ảo không? Vì sao?

Phương pháp giải:

Suy nghĩ về đặc điểm của con chim và trả lời.

Trả lời:

- Con chim đưa hai anh em ra đảo hoang là con vật kỳ ảo.

- Chim thần nói “ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang mang đi mà đựng”. Chim đến ăn khế và biết nói, biết trả ơn cho con người, biết chở con người đến chỗ lấy vàng.

- Tác giả dân gian xây dựng tình huống truyện cùng với yếu tố kỳ ảo chim thần vì để cho người nhân vật người em được nhận một món quà vô cùng giá trị, nhưng đó cũng là những gì vợ chồng người em xứng đáng nhận được.

Ngữ văn 6 trang 40 Câu 5: Trong lời kể của truyện cổ tích, tác giả dân gian thường xen vào những câu có dáng dấp ca dao, tục ngữ, lời có vần dễ thuộc, dễ nhớ. Trong truyện này, có câu nói nào như thế? Nhân vật nào đã nói câu nói đó?

Phương pháp giải:

Đọc lại văn bản và tìm các chi tiết, câu nói có dáng dấp ca dao, tục ngữ, lời có vần dễ thuộc, dễ nhớ.

Trả lời:

- Trong lời kể của truyện cổ tích, tác giả dân gian thường xen vào những câu có dáng dấp ca dao, tục ngữ, lời có vần dễ thuộc, dễ nhớ. Trong truyện này, cũng có câu như thế "Ăn một quả, trả một cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng". Đây là câu nói của chim thần. 

Ngữ văn 6 trang 40 Câu 6: Đảo xa nơi con chim đưa người em đến có điều gì kì diệu? Điều kì diệu này đã giúp gì cho cuộc sống của người em sau đó?

Phương pháp giải:

Chú ý đoạn văn viết về đảo xa, liệt kê những chi tiết kì lạ trên đảo.

Trả lời:

Đảo xa nơi con chim đưa người em đến có điều gì kì diệu. Đó là hòn đảo xa có rất nhiều vàng. Hai vợ chồng từ đó sống sung túc hơn, có ruộng vườn nhà cửa, cuộc sống bớt đi những vất vả. Chi tiết tưởng tượng, kỳ ảo về chú chim phượng hoàng ăn khế trả vàng là một chi tiết đặc sắc trong câu chuyện.

Ngữ văn 6 trang 40 Câu 7: Trong truyện, hai nhân vật người anh và người em luôn đối lập nhau về hành động. Hãy chỉ ra sự đối lập giữa họ và nêu nhận xét về đặc điểm của hai nhân vật này.

Phương pháp giải:

Theo dõi văn bản, liệt kê sự đối lập giữa hai nhân vật về hành động của họ.

Trả lời:

Trong truyện, hai nhân vật người anh và người em luôn đối lập nhau về hành động. Sự đối lập đó là:

- Người anh: Nhân vật người anh là hình ảnh tiêu biểu cho những kẻ tham lam, ích kỉ.

+ Người anh là người ích kỉ và keo kiệt, khi cha mẹ qua đời anh ta đã chiếm hết mọi ruộng đất và chỉ để lại cho người em mỗi túp lều và cây khế.

+ Người anh tham lam khi may túi 12 gang để đi cùng chim lấy vàng.

=> Cái chết của người anh là lời cảnh báo cho những kẻ tham lam, chỉ muốn ăn mà không muốn làm, sống cạn tình nghĩa.

- Người em: Nhân vật người em là hình ảnh tiêu biểu cho những người tốt bụng, thật thà, lương thiện.

+ Người em hiền lành, tốt bụng và nhường hết nhà cửa ruộng vườn cho anh.

+ Khi chim ăn khế, người em nhường cho chim ăn mà không hề đánh đuổi.

+ Vì tốt bùng, thật thà nên người em đã chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người và đặc biệt là anh trai của mình.

+ Khi anh trai nổi long tham muốn đổi gia tài của mình để lấy cây khế ngọt, người em cũng sẵn sàng chia sẻ điều đó với anh trai của mình. 

=> Hai vợ chồng người em được sống sung túc hơn, có ruộng vườn nhà cửa là cái kết có hậu cho những người "ở hiền gặp lành".

Ngữ văn 6 trang 40 Câu 8: Từ những kết cục khác nhau đối với người anh và người em, tác giả dân gian muốn gửi gắm bài học gì trong truyện này?

Phương pháp giải:

Từ kết thúc truyện, trình bày bài học đạo đức mà tác giả gửi gắm.

Trả lời:

- Từ những kết cục khác nhau đối với người anh và người em, tác giả dân gian muốn gửi gắm bài học về đền ơn đáp nghĩa, niềm tin ở hiền sẽ gặp lành và may mắn đối với tất cả mọi người.

- Câu truyện ăn khế trả vàng còn mang tính giáo dục cho trẻ nhỏ để hình thành những đức tính tốt cho cuộc sống sau này.

Viết kết nối với đọc

Ngữ văn 6 trang 41 Câu hỏi: Tưởng tượng ra một kết thúc khác cho chuyện Cây khế. Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) kể về kết thúc đó.

Phương pháp giải:

Viết đoạn văn đáp ứng hình thức theo yêu cầu và tưởng tượng một kết thúc khác trong văn bản để viết.

Trả lời:

     Sau khi bị rơi xuống biển, người anh trôi dạt vào bờ. Được cứu sống trong tình trạng thê thảm và trở về. Từ đó, người anh hiểu ra hậu quả do thói tham lam gây nên và sống tử tế, nhân hậu hơn. Chứng kiến người anh đã thức tỉnh, người em trai hết lòng giúp đỡ anh. Không còn là người lười biếng, mưu lợi, người anh trai trân trọng, biết ơn người em. Cuộc sống của người anh cũng ngày một tốt hơn nhờ sự lao động chăm chỉ, cần mẫn của chính mình. 

Đánh giá

0

0 đánh giá