Bài tập cuối tuần Tiếng việt lớp 4 (Kết nối tri thức) Tuần 33 có đáp án

Toptailieu.vn biên soạn và giới thiệu Bài tập cuối tuần Tiếng việt lớp 4 (Kết nối tri thức) Tuần 33 có đáp án hay, chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện, biết cách làm các dạng bài tập Tiếng việt lớp 4 từ đó học tốt Tiếng việt lớp 4.

Chỉ từ 300k mua trọn bộ Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 (Kết nối tri thức) bản word có lời giải chi tiết (Chỉ 200k cho 1 học kì):

B1: Gửi phí vào tài khoản 0711000255837 - NGUYEN THANH TUYEN Ngân hàng Vietcombank (QR)

B2: Nhắn tin tới zalo Vietjack Official - nhấn vào đây để thông báo và nhận tài liệu.

Xem thử tài liệu tại đây: Link tài liệu

Bài tập cuối tuần Tiếng việt lớp 4 (Kết nối tri thức) Tuần 33 có đáp án

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 33 - Đề số 1

Đề bài:

Câu 1: Trong truyện Vương quốc vắng nụ cười, tiếng cười đã thay đổi cuộc sống của vương quốc u buồn như thế nào?

A. Mọi người đã yêu thích lao động và không còn muốn ngủ nữa

B. Con người và vạn vật đều trở nên tươi tỉnh, rạng rỡ hơn.

C. Các loài cây bỗng dưng biết ca hát, nhảy múa như con người

D. Vương quốc u buồn bỗng trở thành một cường quốc

 Câu 2: Ý nghĩa câu chuyện Vương quốc vắng nụ cười?

A. Tiếng cười vô cùng cần thiết trong cuộc sống của mỗi chúng ta

B. Lao động khiến con người có sức khỏe và biết sống có ích hơn.

C. Cần phải rèn luyện thân thể mỗi ngày

D. Trẻ em là tương lai của đất nước

Câu 3: Trong bốn khổ thơ đầu, tiếng chim chiền chiện được so sánh với những gì?

1. Con chim chiền chiện

    Bay vút, vút cao

    Lòng đầy yêu mến

    Khúc hát ngọt ngào

a. Tiếng hót như tiếng chuyện trò

2. Cánh đập trời xanh

    Cao hoài, cao vợi

    Tiếng hót long lanh

    Như cành sương chói

b. Tiếng hót như tiếng ngọc trong veo

3. Chim ơi, chim nói

   Chuyện chi, chuyện chi?

   Lòng vui bối rối

   Đời lên đến thì…

c. Tiếng hót long lanh như cành sương chói

4. Tiếng ngọc trong veo

    Chim gieo từng chuỗi

    Lòng chim vui nhiều

    Hát không biết mỏi

d. Tiếng hót như khúc hát ngọt ngào

Câu 4: Tiếng chim chiền chiện gợi cho ta những cảm giác như thế nào?

A. Thấy tự do, thoải mái. Thấy an bình và thấy yêu cuộc sống hơn

B. Cảm thấy rất chói tai vì tiếng hót lanh lảnh

C. Cảm thấy cuộc sống sôi động, ồn ã hơn

D. Cảm thấy rất mệt vì chú chim kêu mãi mà không biết mệt

Câu 5: Tìm các từ láy trong đó tiếng nào cũng bắt đầu bằng âm tr

a) Trẻ trung

b) Trong trắng

c) Trín trắn

d) Trằn trọc

e) Trê trách

Câu 6: Tìm các từ láy trong đó tiếng nào cũng có vần iêu

a) Liêu xiêu

b) Phiêu diêu

c) Dịu dàng

d) Tiêu điều

e) Hiu hiu

Câu 7: Câu tục ngữ “Sông có khúc, người có lúc” khuyên người ta điều gì?

A. Đoàn kết tạo nên sức mạnh, trong cuộc sống nên đoàn kết không nên nghi kị, chia rẽ lẫn nhau

B. Gặp khó khăn là chuyện thường tình, không nên buồn phiền, nản chí

C. Lúc nào cảm thấy buồn hãy ra ngoài sông hóng mát, tâm trạng sẽ tốt hơn

D. Là người thì nên kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình. Trước khó khăn thì đừng nên nản lỏng, bỏ cuộc.

Câu 8: Hoàn chỉnh các câu sau bằng cách ghép trạng ngữ chỉ mục đích với nội dung tương ứng

1.Để cô giáo chủ nhiệm vui lòng, 

a. xã em vừa đào một con mương.

2. Để có thêm nước vào tưới tiêu cho đồng ruộng,

b. chúng em quyết tâm học tập và rèn luyện thật tốt.

3. Để có một thân thể khỏe mạnh,

c. em phải năng tập thể dục.

Câu 9: Kể lại một câu chuyện em đã được nghe, được đọc về tinh thần lạc quan, yêu đời?

Câu 10: Viết bài văn tả một con vật nuôi trong nhà

Đáp án:

Câu 1:

Tiếng cười đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của vương quốc u buồn.Nó khiến cho con người và vạn vật đều trở nên tươi tỉnh, rạng rỡ hơn.

Đáp án đúng: B.

Câu 2:

Ý nghĩa của câu chuyện Vương quốc vắng nụ cười:

Tiếng cười như có phép màu nhiệm khiến cho vương quốc u buồn thay đổi. Con người và vạn vật tươi tỉnh, rạng rỡ hơn. Vương quốc cũng vì thế mà thoát khỏi nguy cơ tàn lụi. Tiếng cười vô cùng cần thiết trong cuộc sống của mỗi chúng ta.

Đáp án đúng: A.

Câu 3:

1 – d: Khổ 1 - Tiếng hót như khúc hát ngọt ngào

2 – c: Khổ 2 - Tiếng hót long lanh như cành sương chói

3 – a: Khổ 3 - Tiếng hót như tiếng chuyện trò

4 – b: Khổ 4 - Tiếng hót như tiếng ngọc trong veo

Đáp án đúng: 1 – d, 2 – c, 3 – a, 4 – b

Câu 4:

Tiếng chim chiền chiện gợi cho ta cảm thấy tự do, thoải mái. Thấy an bình và thấy yêu cuộc sống hơn

Đáp án đúng: A.

Câu 5:

Các từ láy trong đó tiếng nào cũng bắt đầu bằng tr là:

- Trẻ trung

- Trong trắng

- Trằn trọc

Sửa lỗi các trường hợp viết sai: trín trắn -> chín chắn; trê trách -> chê trách

Câu 6:

Các từ láy trong đó tiếng nào cũng có vần iêu đó là:

- Liêu xiêu

- Phiêu diêu

- Tiêu điều

Câu 7:

- Nghĩa đen: Dòng sông có khúc thẳng, khúc quanh, khúc rộng, khúc hẹp,…. Con người cũng như vậy, có lúc sướng, lúc khổ, lúc vui, lúc buồn.

- Nghĩa bóng (lời khuyên): Cuộc sống gặp phải những khó khăn vất vả là chuyện thường tình.Không nên vì vậy mà buồn phiền hoặc nản chí.

Đáp án đúng: B. Gặp khó khăn là chuyện thường tình, không nên buồn phiền, nản chí

Câu 8:

1 – b: Để cô giáo chủ nhiệm vui lòng, chúng em quyết tâm học tập và rèn luyện thật tốt.

2 – a: Để có thêm nước vào tưới tiêu cho đồng ruộng, xã em vừa đào một con mương.

3 – c: Để có một thân thể khỏe mạnh, em phải năng tập thể dục

Đáp án đúng: 1 – b, 2 – a, 3 – c

Câu 9:

Lời kể tham khảo

Tinh thần lạc quan, tình yêu cuộc sống là nguồn sức mạnh, nguồn động lực có thể giúp mỗi chúng ta vượt qua được những khó khăn, thử thách và vươn tới thành công. Em đã thật sự thấm thía câu nói này khi được nghe cô giáo kể chuyện Bác Hồ kính yêu của chúng ta khi bị giam tại nhà tù của Tưởng Giới Thạch.

Tháng 8 năm 1942, trên đường đi công tác từ Cao Bằng sang Trung Quốc, Bác Hồ đã bị bọn Tưởng Giới Thạch bắt giam và bị giải qua mấy chục nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Chính trong thời gian bị tù đày này Bác Hồ đã viết tập thơ Ngục trung nhật ký (Nhật kí trong tù) với hơn một trăm bài thơ. Đọc tập thơ này, chúng ta thấy rất rõ tinh thần lạc quan, yêu đời của Bác Hồ kính yêu.

Cuộc sống trong tù rất gian khổ. Bác đã ghi lại nỗi gian khổ đó trong nhiều bài thơ như: Cơm tù, Cái cùm, Giải đi sớm. Ghẻ lở, Bốn tháng rồi... Qua các bài thơ này ta thấy Bác đã bị xích xiềng, bị bệnh tật, bị đói khát thế nhưng từ trong mỗi một dòng thơ ta không hề thấy một lời kêu van, khổ sở nào của Bác. Tất cả những khốn khó ấy đều được Bác đón nhận với một tâm thế vô cùng bình thản:

Bốn tháng cơm không no

Bốn tháng đêm thiếu ngủ

Bốn tháng áo không thay

Bốn tháng không giặt giũ

Cho nên:

Răng rụng mất một chiếc

Tóc bạc thỏm mấy phần

Gầy đen như quỷ đói

Ghẻ lở mọc đầy thân

Tuy nhiên, giữa chốn địa ngục ở trần gian ấy, Bác vần giữ vững được tinh thần lạc quan, yêu đời, tin tưởng đó thể hiện ở thái độ ung dung ngắm trăng:

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

Ở tư thế hào hứng đón nhận cảnh bình minh:

Phương đông màu trắng chuyển sang hồng

Bóng tối đêm tàn quét sạch không

Hơi ấm bao la trùm vũ trụ

Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng

Bác suy nghĩ về hoàn cảnh bị giam cầm của mình và thấy:

Ví không có cảnh đông tàn

Làm sao có cảnh huy hoàng ngày xuân?

Nghĩ mình trong bước gian truân

Tai ương rèn luyện, tinh thần thêm hăng

      Bác coi gian khó, tù đày cũng như mùa đông lạnh giá. Mùa đông lạnh giá rồi cũng sẽ qua đi và mùa xuân rực rỡ tươi đẹp sẽ tới. Những ngày tối tăm tù ngục rồi cũng sẽ qua đi. Sẽ có ngày Bác lại được tự do đấu tranh cho cách mạng dân tộc và nhất định Người sẽ cùng cả đất nước Việt Nam đi tới thắng lợi như đi tới một mùa xuân mới.

      Đó chính là lòng lạc quan, yêu đời, tin tưởng ở thắng lợi của Bác Hồ. Thực tế thắng lợi lớn lao của nhân dân Việt Nam đã chứng tỏ tinh thần lạc quan, tin tưởng của Người là có cơ sở thật vững chắc. Mỗi chúng ta đều cần phải học tập tinh thần lạc quan, yêu đời của Bác để tiến lên.

Câu 10:

Bài văn tham khảo miêu tả chú chó nhà em

Chó là loài động vật vô cùng trung thành, chúng là những người bạn tốt của con người. Từ nhỏ đến giờ em đã rất yêu thích động vật vật, đặc biệt là chó. Nhà em cũng nuôi một chú chó nhỏ, em vô cùng yêu thích chú ta.

Cách đây một thời gian, mẹ em đi chợ và mua về một con chó. Hôm mua về mẹ bảo, phải chăm sóc cẩn thận chẳng mấy chốc mà lại có một đàn chó con, nghe mẹ nói vậy em rất háo hức. Em đặt tên cho nó là Đốm. Sở dĩ tên của nó như vậy vì nó có ba màu lông xen kẽ nhau trên cơ thể. Đầu màu đen, thân cũng màu đen nhưng lại được xen kẽ bởi những đốm trắng. Nó được ba tháng tuổi và cũng khá là mập.

Hai mắt đen, long lanh như hai hòn bi ve, chiếc mũi cũng màu đen và rất thính, bên cạnh là những chiếc râu ngắn. Hàm răng có những chiếc nhọn hoắt, thêm một thời gian ngắn nữa thì hàm răng đó có thể khiến những ai bị nó cắn chảy máu, thậm chí những vết cắn sâu có thể rất nguy hiểm. Hai tai rất ngắn, cụp xuống mặt. Thân hình tròn vo với bộ lông mặc dù không được óng mượt nhưng em vẫn rất thích vuốt ve bộ lông ấy. Chiếc đuôi ngắn ngủi, màu đen có những sợi lông trắng ở phần cuối. Mẹ em thường trêu: “đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt”, những lúc ấy em lại xị mặt ra và kêu mẹ không được thịt nó. Bốn chân có màu trắng, đầu mỗi ngón chân là những móng vuốt sắc. Đặc biệt cũng giống như loài mèo, dưới mỗi ngón chân có một lớp đệm dày, chính những lớp đệm ấy giúp nó đi lại nhẹ nhàng.

Chó là loài động vật ăn tạp, vì vậy nuôi nó rất dễ, bên cạnh đó mẹ em cũng mua thuốc về tiêm để phòng các loại bệnh. Mỗi khi em đi học về nó lại chạy ra tận cổng đón, ngoe nguẩy cái đuôi, chạy vòng quanh và quấn lấy chân em như thể đòi vuốt ve. Mặc dù đi học về rất mệt nhưng em vẫn chơi với nó. Có nhiều trò rất hay, em cầm hai chân trước và để nó đi bằng hai chân sau, bẻ ngược hai cái tai của nó lên, vì tai nó mềm nên không bị đau, lấy tay cù vào bụng nó, những lúc như vậy nó nằm ngửa ra bốn chân chổng lên trời trông rất hay. Mỗi bữa cơm em đều giành với mẹ việc cho nó ăn, đêm đến nó nằm co tròn ở một góc nhà và ngủ ngon lành. Nó rất thông minh, biết phân biệt người nhà với người lạ, khi có người lạ vào, nó sủa ầm ĩ cho đến khi bố mẹ em quát mới thôi.

Em rất yêu quý con chó nhà em, chẳng biết từ bao giờ Đốm đã trở thành một thành viên trong nhà. Gia đình em sẽ chăm sóc nó thật cẩn thận để nó mau lớn và cho gia đình em một đàn chó con như lời mẹ nói!

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 4 Tuần 33 - Đề số 2

Đề bài:

I - Bài tập về đọc hiểu

Họ đã nghèo đến như thế nào?

Ngày nọ, một người đàn ông – chủ của một nông trại giàu có – quyết định dẫn đứa con trai của mình đi du ngoạn, với mục đích duy nhất là chỉ cho nó biết “như thế nào là cuộc sống nghèo khổ của những người nông dân”.

Sau khi kết thúc chuyến đi, trên đường trở về người cha đã hỏi đứa con trai của mình: “Chuyến đi như thế nào hả con?”.

Cậu bé trả lời: “Tuyệt vời lắm cha ạ!”.

"Thế, con có thấy những người nông dân đó, người ta đã nghèo đến như thế nào không?”. – Người cha hỏi tiếp.

“Ồ, con đã nhận thấy rất rõ cha ạ!”. – Cậu bé trả lời.

"Con đã thấy chúng ta chỉ có một con chó duy nhất, nhưng họ đã có đến những bốn con.

Chúng ta chỉ có một hồ bơi thật rộng ở giữa vườn nhà, nhưng họ có một con sông dài thật dài không thấy đâu là bến bờ.

Chúng ta có một cái đèn lồng ngoài vườn, được nhập khẩu từ nước ngoài, đẹp thật đấy, nhưng những người nông dân kia có cả bầu trời với những vì tinh tú chiếu sáng.

Sân vườn nhà ta rộng thật đấy, nhưng họ lại có cả đường chân trời.

Chúng ta chỉ có một mảnh đất nhỏ để sống, nhưng họ lại có cả những cánh đồng rộng bát ngát và ngút ngàn.

Chúng ta có kẻ hầu người hạ, nhưng họ lại phục vụ được cho những người khác.

Chúng ta phải mua thực phẩm để nuôi sống chúng ta, nhưng họ lại có thể tự làm ra để nuôi lấy chính bản thân mình.

Chúng ta có những bức tường kiên cố để bảo vệ tài sản của chúng ta, nhưng họ lại có những người bạn chân chính bảo vệ họ.”

Nói đến đây, cậu bé quay sang và nói với cha cậu rằng: “Con cảm ơn cha vì đã cho con biết chúng ta đã nghèo đến như thế nào”. Người cha lặng người khi nghe đứa con của mình nói như vậy.

(Theo báo Điện tử)

Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng:

1. Người chủ nông trại muốn con hiểu được điều gì khi đưa con đi du ngoạn?

a- Người nông dân làm việc vất vả như thế nào

b- Người nông dân nghèo khổ như thế nào

c- Công việc hằng ngày của người nông dân

2. Trong con mắt của cậu bé, người nông dân có những gì?

a- Sông dài, trời rộng, cánh đồng bát ngát, thực phẩm tự làm, bạn bè chân chính…

b- Sông nhiều, trời đầy sao, sẵn thực phẩm để nuôi sống mình, bạn bè chân chính...

c- Đất đai để sinh sống, tường kiên cố để bảo vệ được tài sản, nhiều bạn bè giúp đỡ…

3. Sau chuyến đi, cậu bé đã nói điều gì bất ngờ khiến người cha lặng người?

a- Chuyến đi giúp cậu mở mang hiểu biết về thiên nhiên và cuộc sống

b- Chuyến đi giúp cậu hiểu cuộc sống nghèo khổ của người nông dân

c- Chuyến đi cho cậu biết gia đình cậu nghèo hơn so với người nông dân

4. Câu chuyện muốn cho chúng ta biết điều gì?

a- Cuộc sống đầy vất vả, khó khăn của những người nông dân

b- Cuộc sống giàu có, đẹp đẽ và rất thú vị của những người nông dân

c- Cậu bé ngây thơ nên không hiểu cuộc sống nghèo khổ của những người nông dân

II- Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn

Câu 1. 

Viết lại các từ ngữ sau khi điền vào chỗ trống:

a) tr hoặc ch

-…ải…uốt/…….

-….ạm….ổ/……

-….ang….ải/……..

-….ạm….ưởng/……..

b) iêu hoặc iu

- kì d…./……..

- dắt d…../…….

-hiền d…./…….

-cánh d……/…….

Câu 2. Tìm từ có tiếng “lạc” thích hợp điền vào mỗi chỗ trống:

a) Khi viết văn, chúng ta cần đọc kĩ đề bài để không bị………

b) Mặc dầu gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, cô Tâm vẫn rất……yêu đời

c) Nếu không có điện thoại thì giờ đây chúng ta……với nhau sẽ rất khó khăn.

d) Vì không cẩn thận, cô Thoa đã để hồ sơ bị……………………………….

Câu 3.

a) Những câu nào có bộ phận trạng ngữ trả lời cho câu hỏi “Để làm gì?” Gạch dưới những bộ phận đó

(1) Để có sức khỏe, chúng ta phải thường xuyên tập thể dục

(2) Vì thiếu tiếng cười của bé, căn nhà trở nên trống vắng, buồn thiu

(3) Để tỏ lòng biết ơn các liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, lớp em đã tham gia lao động chăm sóc nghĩa trang.

b) Thêm bộ phận trạng ngữ trả lời cho câu hỏi "Để làm gì?” cho các vế câu sau:

(1) ……………………., lớp em thành lập Đôi bạn cùng tiến

(2)…………………….., xã em đã phát động phong trào Phủ xanh đồi trọc.

(3)……………………………...., khi đọc sách, chúng ta phải để sách xa mắt

Câu 4. Tả một con vật mà em được tiếp xúc trực tiếp hoặc nhìn thấy trên truyền hình, qua phim ảnh.

Đáp án:

I - Bài tập về đọc hiểu

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng

1. b- Người nông dân nghèo khổ như thế nào

2. a- Sông dài, trời rộng, cánh đồng bát ngát, thực phẩm tự làm, bạn bè chân chính…

3. c-  Chuyến đi cho cậu biết gia đình cậu nghèo hơn so với người nông dân

4. b- Cuộc sống giàu có, đẹp đẽ và rất thú vị của những người nông dân

II- Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn

Câu 1.

a)

chải chuốt

trang trải

chạm trổ

trạm trưởng

b)

kì diệu

hiền dịu

dắt díu

cánh diều

Câu 2. Các câu sau điền từ

a) Khi viết văn, chúng ta cần đọc kĩ đề bài để không bị lạc đề

b) Mặc dầu gặp khó khăn trong cuộc sống, cô Tâm vẫn rất lạc quan, yêu đời

c) Nếu không có điện thoại thì giờ đây chúng ta liên lạc với nhau sẽ rất khó khăn

d) Vì không cẩn thận, cô Thoa đã để hồ sơ bị thất lạc

Câu 3. 

a) Những câu nào có bộ phận trạng ngữ trả lời cho câu hỏi “Để làm gì?”:

(1) Để có sức khỏe, chúng ta phải thường xuyên tập thể dục

(3) Để tỏ lòng biết ơn các liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, lớp em đã tham gia lao động chăm sóc nghĩa trang

b) VD:

(1) Để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, lớp em thành lập Đôi bạn cùng tiến

(2) Để bảo vệ môi trường, xã em đã phát động phong trào Phủ xanh đồi trọc

(3) Để bảo vệ mắt không bị cận thị, khi đọc sách, chúng ta phải để sách xa mắt.

Câu 4:

Em rất thích xem chương trình Thế giới động vật trên tivi. Đặc biệt vừa rồi khi xem trên truyền hình em có thêm hiểu biết về loài hổ, chúa sơn lâm của các loài động vật.

Khác với những loài như linh dương hay ngựa vằn, hổ là loài động vật ăn thịt. Thân nó cao khoảng một thước, dài hơn một thước rưỡi. Từ đầu đến chân hổ phủ một lớp lông ngắn màu vàng sậm có những vằn đen. Cả cái đuôi dài cũng một màu lông như thế. Đầu hổ tròn, lớn hơn quả dừa, nối với thân bằng một cái cổ ngắn, rất khỏe. Hai tai ngắn, vểnh lên. Cặp mắt tròn, to bằng quả chanh, màu vàng nhạt, lúc nào cũng long lên trông rất dữ tợn. Cánh mũi có màu hồng sậm, lúc nào cũng phập phồng như đang đánh hơi. Miệng rộng, xung quanh có những sợi ria vàng, thỉnh thoảng lại nhe ra để lộ hàm răng khỏe có những chiếc nanh nhọn hoắt. Em thích nhất là nhìn hổ đi. Bốn chân khỏe, bước những bước chậm rãi, êm ái. Toàn thân hổ uốn lượn mềm mại như sóng, nhịp nhàng theo bước chân đi. Khi bước lên sườn núi, con hổ dừng lại và phóng mắt nhìn ra xung quanh. Dáng hổ vươn cao theo dốc núi, đuôi cong lên, trông thật đẹp đẽ và oai vệ. Nhưng chỉ được một chốc, nó lại khoanh mình dưới gốc cổ thụ, nằm thiu thiu ngủ. Hổ chạy rất nhanh. mỗi khi một con mồi trong tầm ngắm của hổ, hổ nhẹ nhàng chi chuyển tiếp cần con mội rồi bất chợt nhảy xổ ra đuổi theo con mồi với vận tộc kinh người. Khi con mồi bị hổ tóm được, hổ dùng bộ răng nanh sắc nhọn ngoạm và xé từng miếng thịt.

Em rất thích loài hổ.  Trong cảm nhận của em, con hổ là hình ảnh của núi rừng hoang dã, của sức mạnh tự nhiên, đẹp đẽ và kiêu hùng, là chúa tể khiến môn loài nể sợ.

Xem thêm các bài giải Bài tập cuối tuần Tiếng việt lớp 4 (Kết nối tri thức) có đáp án hay, chi tiết khác:

Bài tập cuối tuần Tiếng việt lớp 4 (Kết nối tri thức) Tuần 30

Bài tập cuối tuần Tiếng việt lớp 4 (Kết nối tri thức) Tuần 31

Bài tập cuối tuần Tiếng việt lớp 4 (Kết nối tri thức) Tuần 32

Bài tập cuối tuần Tiếng việt lớp 4 (Kết nối tri thức) Tuần 34

Bài tập cuối tuần Tiếng việt lớp 4 (Kết nối tri thức) Tuần 35

Đánh giá

0

0 đánh giá